Trong tiểu luận này, Nguyễn Huy Canh đã tìm cách lập luận, chứng minh tính đa nguyên vốn là thuộc tính cố hữu của hữu thể theo quan niệm của anh…
Chủ blog mạnh dạnh đưa lên tiểu luận này để: mong nhận được sự thảo luận, trao đổi đa chiều về ý kiến của Nguyễn Huy Canh !
-Trong ý nghĩa đó và chỉ trong giới hạn đó, ta nói lịch sử có yếu tính đa nguyên. Đa nguyên đang là một quy luật chi phối xã hội hiện đại- đó là điều không thể lẩn tránh. Chính nó đã và đang thúc đẩy lịch sử các dân tộc hiện đại tiến lên.
-Chính vì như tự vận động, tự biến đổi trong bản thân nó, nên không phải lúc nào ý thức cũng đồng nhất với tồn tại, nghĩa là không phải lúc nào và ở đâu nó cũng mang vào trong mình phẩm chất vật chất- khách quan. Chủ quan, duy ý chí, xa rời Tồn tại là sức mạnh nội tại của nó nhưng cũng là điểm yếu, chính nó đã tạo ra hiện- tượng- thế- giới giả. Chủ nghĩa nhất nguyên triết học là những hiện tượng giả như thế.
-Sự đổ vỡ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu cũng là kết quả của một loạt sai lầm lớn. Người ta đã cho những sai lầm đó thuộc về Đảng ta, thuộc về Đảng Cộng sản, và nói rộng hơn thuộc về chúng ta đã không hiểu và áp dụng đúng triết học Marx-Lenin.
Không,chúng ta không sai lầm.Nếu có, theo tôi, chỉ là ở chỗ chúng ta đã không dám nhìn ra những hạn chế và lỗi thời của triết học ấy?
Lời bạt
Chúng ta đã biết, cuộc Cải cách ruộng đất (1950-1956), tổ chức Hợp tác xã toàn xã (1976 – 1977) và công cuộc cải cách Công thương nghiệp ở miền Nam sau 1975 là một sai lầm lớn.
Sự đổ vỡ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu cũng là kết quả của một loạt sai lầm lớn.
Người ta đã cho những sai lầm đó thuộc về Đảng ta, thuộc về Đảng Cộng sản, và nói rộng hơn thuộc về chúng ta đã không hiểu và áp dụng đúng triết học Marx-Lenin.
Không,chúng ta không sai lầm.Nếu có, theo tôi, chỉ là ở chỗ chúng ta đã không dám nhìn ra những hạn chế và lỗi thời của triết học ấy.
Dĩ nhiên chúng ta cũng thấy rằng những tư tưởng triết học của các ông đã đáp ứng được những đòi hỏi mà thời đại các ông đặt ra, các ông đã có những cống hiến to lớn cho nền triết học thế giới và đặc biệt cho giai cấp những người lao động nghèo khổ.
Thế giới ngày nay đã có quá nhiều biến đổi về công nghệ và quan hệ chính trị.
Và đặc biệt chúng ta, từ một đất nước bị nô dịch đã trở thành có chủ quyền, tự do và độc lập. Và mỗi chúng ta từ thân phận thần dân và nô lệ đã trở thành dân của một nước độc lập và cao hơn còn là dân trong một thế giới có hiến pháp.
Ở mức độ triết học, tôi gọi mỗi chúng ta sinh ra ở “điểm” phân đôi của thế giới hiện thực. Chúng ta là một hữu thể.
Thời đại chúng ta đang sống cần phải có một trào lưu triết học riêng, một tư tưởng triết học riêng để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.
Chủ nghĩa duy vật hiện đại là một sự lầm lạc. Gần 50 năm đã qua chúng ta đã đi trên con đường đó, trên lối đi cụt và tối tăm đó.
Không thay đổi để có một cách nhìn mới, không giã từ nền triết học đó chúng ta không thể tiến lên nổi một bước nào về phía trước.
Tôi ý thức sâu sắc rằng thay đổi một quan niệm, lối suy nghĩ đã thành thói quen của một thế hệ nhiều người là một điều rất khó khăn. Do vậy công việc này đòi hỏi phải có sự đóng góp của rất nhiều người.
I. Tồn tại và hiện thực
Sự suy nghĩ triết học về thế giới, tức là về các sự vật và hiện tượng xung quanh cho đến con người và lịch sử là nội dung trả lời cho câu hỏi nó được sinh ra như thế nào? Bản chất của nó là gì?
Câu hỏi về bản chất của vạn vật, bản chất của thế giới đã được triết học đặt ra và giải quyết từ lâu với những nội dung khác nhau.
Với triết học Mác-xít, bản chất của thế giới được hiểu là vật chất. Rằng vạn vật trong thế giới từ cái cây, hòn đá, cái xanh, cái vàng là những dạng tồn tại cụ thể của nó, là vật chất được biểu hiện ra ở một hình thái xác định.
Vậy vật chất là gì? Ăng ghen có giải thích rằng sau vô hạn phép loại trừ những phẩm chất, tính chất riêng biệt, đặc thù ở các sự vật, cái chung nhất còn lại trong chúng là vật chất.
Sự loại trừ ấy là vô hạn, nên vật chất với tính cách là vật chất là một khái niệm không định nghĩa được.
Lenin sau này cũng có nói rằng khi ta định nghĩa chẳng hạn “Con lừa là một động vật” ta đã đặt chủ từ con lừa vào vị từ động vật có ngoại diên rộng hơn. Vật chất là vô hạn, vô tận nên người ta không thể đưa ra định nghĩa theo cách đó được.
Điều đó có nghĩa là theo quan điểm Bản thể học, chúng ta không xác định được vật chất là gì?
Vậy đâu là cơ sở để chúng ta khẳng định vật chất là một bản chất chung nhất có trong vạn vật: rằng cái bàn, hòn đá, cái xanh, cái đỏ là hình thái tồn tại cụ thể; là biểu hiện cụ thể của vật chất?.
Chúng ta phải có một sự thừa nhận Tồn Tại đã phát triển từ vô cơ đến giới hữu cơ, từ không có sự sống đến sự xuất hiện của các sinh vật.
Tồn tại tự quy định cho bản thân nó, trong giai đoạn đầu là Đống nhất với chính nó. Một sự đồng nhất trừu tượng. Tôi gọi là Tồn- Tại -Thuần- Túy.
Tồn tại thuần túy không phải là tồn tại trống rỗng, không chứa một tính quy định nào. Nó là giai đoạn đầu của Thế giới hiện thực. Nó chưa biểu lộ mình, chuyển mình ra ở Tồn-Tại- Khác.
Trái Đất hôm nay đã có nhiều biến đổi, nhưng khoa học địa lý vẫn cho chúng ta biết được cái gì đó đã từng tồn tại hàng tỷ năm về trước.
Rất nhiều các sự vật như thế: Mặt trời, mặt trăng, ánh sáng, bụi khí... đã có lịch sử tồn tại lâu dài. Chúng ta gọi nó là những bộ phận của Tồn tại thuần túy.
Sự tồn tại của Tồn tại thuần túy là có thực. Nó được suy ra từ kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm của khoa học tự nhiên, rằng nó không phải là một tiền đề giả định của triết học.
Một quá trình phát triển về sau đã làm xuất hiện cảm giác ở con người. Cảm giác là hình ảnh đầu tiên của Tồn tại về chính mình.
Trong trạng thái Đồng nhất trừu tượng Tồn tại chưa như là cái gì. Sự xuất hiện của cảm giác nói lên một điều: tồn tại thuần túy đã phát triển đến trình độ Bản chất, tức là đến cái trình độ có khả năng biểu hiện mình qua cái khác, Tồn- Tại- Khác .
Tồn tại xuất hiện mình ra như là ... là Tồn tại trong tính quy định bản chất, còn cảm giác chỉ là biểu hiện bên ngoài của thế giới trong tính cụ thể - Nó là hiện tượng thế giới.
Tồn tại biểu hiện mình ra như là cái cây, hòn đá ấy trong lĩnh vực của Tồn tại là những mặt, những bộ phận, khía cạnh, tính chất hợp thành của vật chất. Nó là thực – tồn của Bản chất.
Sự thống nhất, đồng nhất giữa Bản chất và Hiện tượng giữa vật chất và cảm giác là ở trong tính thực tồn của Bản chất, còn sự khác biệt là ở trong tính hình ảnh của cảm giác, tính bị quy định. Theo nhận thức luận, sự thống nhất và khác nhau giữa chúng là ở trong tính khách quan do Tồn tại quy định và trong tính chủ quan của cảm giác.
Nhờ tính khác biệt này giữa tư duy và Tồn tại, giữa Bản chất và hiện tượng thế giới mà trong sự phát triển về sau khi đã có một sự tồn tại độc lập của Hiện tượng, của bề ngoài, cũng tức là năng lực tư duy trừu tượng, tư duy đã phân chia, chia cắt Tồn tại ra thành những bộ phận, những mảnh vụn để nghiên cứu xem xét. Tính ưu việt này của tư duy cũng là hạn chế của nó. Chính từ đây đã làm nảy sinh ra biết bao sai lầm và rắc rối của tư duy triết học.
Ta xét một ví dụ: Các nhà triết học vẫn xem ngôi nhà có một bản chất, đó là nơi mà người ta dùng để ở. Tất cả các ngôi nhà khác (họ gọi là các hiện tượng) đều giống nhau ở bản chất ấy. Các triết gia duy tâm trước đây cũng như các nhà duy vật đều nói như vậy. Khái quát nên, vạn vật tuy khác nhau nhưng đều chứa một Bản chất ấy. Sự khác nhau chỉ ở trong cách giải thích của họ.
Nhưng thực ra cái bàn, hòn đá vỡ, lá cây run rẩy, mưa rơi không phải là những hiện tượng của một bản chất nào đó. Nơi người ta dùng để ở không phải là bản chất của nhà, mà cái nhà chỉ là một phận hợp thành của Bản chất thôi, rằng nơi người ta dùng để ở chỉ là đặc tính chung của các ngôi nhà đó.
Hiện tượng chỉ là cảm giác, là ý thức và ngược lại, hòn đá, cái cây, màu xanh trong cảm giác mới là hiện tượng (thế giới).
Trong lĩnh vực thực- tồn, cái cây, hòn đá, màu xanh không có một sự tồn tại riêng, độc lập với những bộ phận khác, cái khác. Nó chỉ là những bộ phận, những mặt hợp thành không tách rời của Tồn tại.
Khi khoa học đặt ra câu hỏi cái nhà này có bản chất gì? Hạt mưa rơi có bản chất gì? Tức là họ đã đi tìm đặc tính chung của các vật đó, hoặc là tìm hiểu về cấu tạo, về cơ chế hoạt động của chúng, hoặc là những nguyên nhân đã tạo ra chúng .. điều đó là đúng. Nhưng với triết học, câu hỏi đó đáng ra phải được đặt ra là cái nhà trong cảm giác chúng ta, hạt mưa rơi ... trong cảm giác chúng ta có từ đâu, có bản chất gì? Tổng quát phải là câu hỏi về vạn vật trong cảm giác chúng ta có bản chất gì?
Sự sai lầm của một thời đại triết học chính là ở chỗ chúng ta cứ loay hoay đi tìm và tranh cãi về bản chất của những vật trong thực-tồn-bản chất, trong thực tại khách quan giống như phương pháp mà tư duy thông thường cũng như tư duy khoa học đã làm.
Cảm giác như chúng ta thấy thông thường được sinh ra từ sự tiếp xúc trực tiếp của giác quan với sự vật. Cảm giác mặn sinh ra khi tiếp xúc với muối, nên chúng ta thường hiểu lầm rằng:
1. Mọi cảm giác chúng ta có được là do các vật ấy đem lại (khi có sự tiếp xúc) hoặc các vật ấy tự biểu lộ ra trong cảm giác.
2. Cảm giác đó là kết quả của quá trình nhận thức của riêng chúng ta về đối tượng bên ngoài chủ thể, tức là về thế giới khách quan.
Điều này chỉ đúng một phần, thực ra đó là kết quả vận động của toàn bộ Tồn tại đem lại: bộ óc của chúng ta không tách rời khỏi cơ thể, cơ thể không tách rời khỏi môi trường. Do đó mọi suy nghĩ của chúng ta có được về khách thể cũng là của Thế giới: cảm giác ta có về cái mặn là Tồn tại tự biểu lộ mình ra như là mặn ở cảm giác; là thế giới, suy đến cùng đang tự nhận thức về bản thân mình, nhận thức về những mặt, những phẩm chất, những bộ phận của mình theo cách lộ ra, mở ra. Đó cũng là những hình thái xác định cụ thể của Tồn tại, của thế giới trong tính hiện thực.
Khi ta nói Tồn tại trong hình thái là xanh, là mặn thì nó có nghĩa là:
1. Toàn bộ Tồn tại trong tính quy định là xanh, là mặn, nghĩa là cái xanh cái mặn còn mang theo sau đó, bên cạnh nó toàn bộ hiểu như là cái Toàn thể tuyệt đối mà bản thân nó (Cái mặn...) chỉ là bộ phận, là một tính quy định không tách rời cái Tuyết đối ấy, (ngoài cái bộ phận đang diễn đạt ra phần còn lại là toàn bộ đang còn ẩn dấu).
2. Tính quy định ấy (tức là cái xanh, cái mặn) phải gắn liền, phải đồng nhất với cái xanh, cái mặn trong ý thức do cái toàn thể tuyệt đối đem lại.
Tồn tại tự biểu lộ mình ra ở cảm giác, đó là một quá trình chuyển hóa vật chất thành ý thức. Bản chất chuyển mình, đổi mình ra ở Hiện tượng. Quá trình này được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn của con người được hiểu như là điều kiện, là cơ chế của nó. Hình thức hoạt động đầu tiên ta tìm thấy ở lao động tìm kiếm thức ăn và sản xuất ra công cụ lao động.
Hiện tượng thế giới ở trình độ ban đầu (dĩ nhiên) còn nghèo nàn, chủ yếu mang tính hiện thực trực tiếp, cụ thể. Do đó nó còn “gần”, còn gắn chặt với thực – tồn bản chất, bị phụ thuộc nhiều vào Tồn tại.
Nhưng dần về sau, hàng nghìn năm chậm chạp trôi đi, thông qua lao động sản xuất đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, rằng tri thức con người có được trở lên phong phú về nhiều mặt, sự hiểu biết về khí hậu, thời tiết các mùa, cách gieo trồng, chăn nuôi trong nông nghiệp, những tri thức về khai thác mỏ, nghề mộc, nghề rèn cho đến sự hiểu biết trong lĩnh vực về kinh tế tài chính cho đến chính trị và quân sự.
Lúc đầu những tri thức này ở dạng thói quen và những kinh nghiệm được đúc kết sau rất nhiều năm và rồi nó được tổng hợp, khái quát hóa thành các khái niệm và trên đó những hệ thống lý thuyết mới được ra đời.
Như vậy hoạt động thực tiễn diễn ra đã làm cho tri thức ngày càng được hình thành, củng cố và phong phú. Và hiện tượng thế giới ngày một hút vào trong mình nhiều tính quy định của Bản chất. Tri thức ngày càng một tiến gần chân lý khách quan.
Thực tiễn đồng thời còn là sự vận dụng, ứng dụng những kinh nghiệm, những tri thức nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống con người. Môi trường sống, hoàn cảnh sống và những điều kiện sản xuất luôn được cải tạo, thay đổi và làm mới (con người đã biết làm ra nhà cửa, xây dựng làng mạc, thay đổi phương tiện đi lại, cải tạo đất đai khô cằn thành những đồng ruộng phì nhiêu, những công cụ sản xuất mới dùng trong nông nghiệp như cuốc, cày đã thay đồ đá, đồ đồng trước đó.
Đặc biệt là sau thế kỷ 18 trở đi, với sự ra đời của máy hơi nước, nền công nghiệp đã xuất hiện thay cho kỹ thuật sản xuất thủ công, cơ bắp. Thế giới hiện thực như đã có được bộ mặt hoàn toàn mới. Một khối lượng sản phẩm khổng lồ được tạo ra làm thay đổi hẳn nhu cầu về ăn, ở và đi lại của con người cũng như trong các lĩnh vực sản xuất...)
Quá trình đó là sự chuyển hóa tất yếu, sự phủ định tất yếu Hiện tượng thành Bản chất. Ý thức phát triển thành Tồn tại ở trình độ mới ngày càng cao.
Như vậy trước mắt chúng ta có hai quá trình của một vòng khâu sinh thành của thế giới đã được thực hiện. Sự vận động, phát triển của thế giới là một chuỗi những vòng khâu như thế.
Nhưng chúng ta cũng phải ý thức sâu sắc rằng vòng khâu sinh thành ấy không phải cứ tuần tự diễn ra đến vô tận như một công thức có sẵn, một quy luật đơn giản của Tồn tại mà trên thực tế, quy luật ấy đã “xuyên qua” rất nhiều bước quanh co và thăng trầm của thế giới.
Cuộc khủng khoảng của chế độ nô lệ ở châu Âu, chiến tranh diễn ra liên miên ở Trung Quốc cổ đại; Thế giới trong thế chiến thứ 2, ngày nay là cuộc chiến vùng vịnh, Afganitan, những xung đột gay gắt ở Trung Đông. Đó là những hình ảnh tàn khốc và bi thương trong những ấn tượng của chúng ta về lịch sử thế giới.
Sự khủng khoảng, đổ vỡ của thế giới hiện thực không chỉ diễn ra trong phạm vi lịch sử nhân loại mà nó còn diễn ra từ một hướng khác, một chiều kích khác. Kể từ khi hiện tượng đạt được sự phong phú của tính quy định Bản chất cũng như sự phát triển bề ngoài (tức là tính chủ quan) của nó, đã làm cho con người – kẻ mang Hiện tượng thế giới – bứt được mình ra khỏi thế giới ấy và tồn tại như những Hữu thể độc lập.
Giới tự nhiên trở thành một đối tượng bên ngoài của quá trình nhận thức, tìm kiếm và khai thác của các hữu thể.
Sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên cũng như cân bằng sinh thái bị vi phạm nghiêm trọng đã đặt thế giới hiện thực vào một tình huống, một nguy cơ mới. Những nguồn năng lượng để duy trì trình độ bản chất, tính quy định vật chất của Tồn tại ngày một suy kiệt. Cơ sở của thế giới hiện thực đang có nguy cơ bị phá vỡ, phá hủy... có thể rồi đây nó phải quay về với Tồn tại Thuần túy. Trả lời câu hỏi này cũng là sự lo ngại và quan tâm của toàn nhân loại hôm nay.
Kết luận:
Trong những suy nghĩ của chúng tôi, thế giới ban đầu là Tồn tại Thuần túy.
Tồn tại Thuần túy không phải là cái gì khác mà chính là Vật chất ở trình độ Tồn tại. Tức là trình độ còn đồng nhất với chính bản thân nó. Ở trình độ này, vật chất được hình dung như một khối đồng nhất chưa có bất kỳ một sự phân chia nào, một sự khác biệt nào trong bản thân nó.(mưa rơi, gió thổi,hệ động- thực vật…như chúng ta thấy trong tâm thế tự nhiên, trong bức tranh của khoa học tự nhiên như là cái gì có sẵn, có trước ý thức, bên ngoài ý thức. Nhưng thực ra chỉ là Tồn tại đã mở ra ở ý thức, đã phát triển thành ý thức. Không có mưa, không có gió…như thế, mà chỉ có một khối đồng nhất chưa phân chia )
Từ trình độ Tồn tại, vật chất phát triển đến trình độ Bản chất, tức là hiện mình ra ở cảm giác, biểu tượng và nói chung là ý thức. Chúng ta có thế giới hiện thực. Đó là sự thống nhất hai mặt vật chất và tinh thần, trong đó vật chất là cơ sở, là nền tảng, là Bản chất của thế giới.
Cái xanh, cái đỏ, cái mặn được đem lại trong cảm giác là thực – tồn bản chất. Nó là những mặt, những bộ phận hợp thành bản chất (dĩ nhiên Bản chất còn chứa đựng trong nó những vật chưa được biểu lộ ra; chưa đem lại trong cảm giác).
Còn cảm giác, ý thức đó là Hiện tượng thế giới, và chỉ có nó mới là hiện tượng: Sự thống nhất của chúng là thế giới trong hình thái xác định, cụ thể. Sự thống nhất này luôn hình thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Chúng ta có một định nghĩa:
a. Con người là một bộ phận của lĩnh vực thực – tồn vật chất. Hoạt động thực tiễn của nó là hoạt động mang tính quy định của vật chất, tức là mang tính phổ biến, tất yếu.
b. Quá trình chuyển hóa qua lại giữa tư duy và Tồn tại trong vòng khâu sinh thành của hiện thực chỉ được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn.