Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Đường lối đối ngoại Đại hội XI và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN

- Đường lối đối ngoại Đại hội XI và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN
QĐND - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao. Đại hội đã thông qua ba văn kiện quan trọng là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Nội dung về đối ngoại trong các văn kiện này hợp thành Đường lối đối ngoại Đại hội XI, thể hiện rõ nét tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nắm chắc ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy thế mạnh đặc thù của các binh chủng đối ngoại, làm nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam trong thời kỳ mới.
*
*   *
Kế thừa đường lối đối ngoại của 25 năm Đổi mới, đường lối đối ngoại Đại hội XI có những bổ sung, phát triển phù hợp với tình hình mới, thể hiện ở những nội dung chính như sau:
Thứ nhất, về mục tiêu của đối ngoại, văn kiện Đại hội XI nêu: “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”[1]. Cùng với lợi ích quốc gia, dân tộc, Đại hội XI cũng khẳng định mục tiêu đối ngoại là “vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là cơ sở để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc và là điều kiện để thực hiện các lợi ích đó.
Lần đầu tiên, mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” được nêu rõ trong phần đối ngoại của Cương lĩnh và Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng. Nói như vậy không có nghĩa Đảng ta chưa từng xác định mục tiêu đối ngoại là vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Từ khi Đảng ra đời, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn luôn là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI đã khẳng định “Lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế” [2]. Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX nhấn mạnh “bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc” là một trong những mục tiêu then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [3].
Việc nêu rõ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại trong văn kiện Đại hội XI của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định rõ hơn định hướng: Đảng ta hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc, từ đó tái khẳng định sự thống nhất và hòa quyện giữa lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân tộc. Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại cũng có nghĩa là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Nói cách khác, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại, từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng đến ngoại giao nhân dân, đều phải tuân thủ.
Thứ hai, về nhiệm vụ của công tác đối ngoại, văn kiện Đại hội XI nêu rõ: “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[4]. Phục vụ các mục tiêu quốc gia về phát triển, an ninh và nâng cao vị thế đất nước là nhiệm vụ nhất quán trong đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới. Điểm mới trong phần đối ngoại của văn kiện Đại hội XI là xác định khía cạnh an ninh khi nêu rõ nhiệm vụ “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là cơ sở tồn tại của một quốc gia. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là một trong những nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Việc nêu rõ điều này trong nhiệm vụ đối ngoại là đáp ứng những phát triển mới của tình hình, đồng thời khẳng định vai trò của đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, trong những định hướng lớn của công tác đối ngoại, Báo cáo Chính trị Đại hội XI có một định hướng cụ thể: “Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt công tác biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển”[5]. Đây cũng là một phát triển mới trong đường lối đối ngoại của Đảng. Lần đầu tiên Văn kiện Đại hội Đảng có một định hướng riêng về giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ và xây dựng, phát triển tuyến biên giới với các nước láng giềng. Trong định hướng này, Văn kiện của Đảng cũng chỉ rõ, cơ sở để giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ phải có cả “nguyên tắc ứng xử ở khu vực”. Hiện nay, ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á-Thái Bình Dương nói chung, có nhiều nguyên tắc ứng xử của khu vực. Một trong những điển hình của các nguyên tắc này là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà ASEAN đã ký với Trung Quốc năm 2002.
Thứ ba, về các nguyên tắc phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động đối ngoại, trên cơ sở khẳng định lại các nguyên tắc của đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ Đổi mới, Đại hội XI nêu: “Bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, “tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”. Bên cạnh những nguyên tắc nhất quán này, văn kiện Đại hội XI, phần định hướng giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới trên biển và thềm lục địa với các nước liên quan, nêu thêm nguyên tắc giải quyết các vấn đề tồn tại trên cơ sở các “nguyên tắc ứng xử của khu vực”.
Thứ tư, về phương châm, các văn kiện của Đại hội khẳng định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điểm mới trong phương châm đối ngoại của Đại hội XI là “hội nhập quốc tế” và “thành viên có trách nhiệm”.
Về hội nhập quốc tế, Đại hội XI chuyển từ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác”[6] được thông qua tại Đại hội X thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”[7]. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội....
Hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, nhất là khả năng tranh thủ hiệu quả hơn các nguồn lực bên ngoài. Cùng với hội nhập kinh tế, hội nhập trong các lĩnh vực khác sẽ tạo cơ hội lớn hơn trong tiếp cận tới tri thức tiên tiến của nhân loại, gia tăng mức độ đan xen lợi ích, từng bước làm cho đất nước trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực và thế giới, chiếm vị trí ngày càng cao trong nền kinh tế, chính trị và văn hóa toàn cầu. Hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực cũng tạo cho chúng ta khả năng tận dụng được sự tác động qua lại, bổ sung lẫn nhau giữa hội nhập trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, từ hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác chuyển sang hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực đặt ra cho chúng ta một số thách thức mới. Những bất ổn không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh, chính trị, xã hội từ bên ngoài sẽ nhanh chóng tác động tới nước ta; các loại tội phạm xuyên biên giới và các thách thức an ninh phi truyền thống khác có thể phương hại đến an ninh quốc gia, từ an ninh kinh tế đến an ninh chính trị - xã hội. Phạm vi và tốc độ lây lan của các cú sốc từ bên ngoài cũng gia tăng. Đồng thời, yêu cầu bổ sung và hoàn thiện thể chế; cải cách và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao v.v.. sẽ ngày càng lớn.
Theo đó, để giảm thiểu các tác động tiêu cực và khai thác tối đa các cơ hội từ hội nhập quốc tế, nội hàm và lộ trình của hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội cần phải được xác định phù hợp với thế, lực của đất nước và bối cảnh tình hình đất nước sao cho hội nhập quốc tế phục vụ hiệu quả nhất mục tiêu phát triển, bảo vệ Tổ quốc XHCN và vị thế quốc gia.
Từ “muốn là bạn” (Đại hội VII, VIII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội X), Đại hội XI bổ sung thêm “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế/tổ chức/diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu (ngoại giao đa phương), góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao song phương. Nội hàm mới này là một trong những cơ sở để xác định một trong những ưu tiên đối ngoại trong thời gian tới là “xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh”. Tuy vậy, trách nhiệm bao gồm những gì và thực hiện trách nhiệm như thế nào luôn luôn cần được tính toán kỹ trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc, năng lực thực hiện của ta trong từng vấn đề, từng giai đoạn. Trách nhiệm cần được xác định theo các cấp độ: trách nhiệm đối với dân tộc của mình; trách nhiệm đối với khu vực của mình; trách nhiệm đối với những vấn đề chung của nhân loại.
Thứ năm, về định hướng đối ngoại, bên cạnh định hướng bao trùm là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu, Đại hội XI nêu định hướng về: Giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ; ưu tiên đối tác và định hướng quan hệ ASEAN; đối ngoại Đảng; ngoại giao nhân dân; định hướng tổ chức thực hiện. Về đối ngoại quốc phòng, an ninh, Đại hội chỉ rõ: “Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”, “Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”[8]. Với định hướng này, đối ngoại quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phù hợp với bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, đối ngoại quốc phòng, an ninh đã được triển khai tích cực, chủ động, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa. Chúng ta đã chủ động thúc đẩy và mở rộng quan hệ quốc phòng, an ninh với các nước ASEAN, tổ chức thành công các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Cộng (ADMM+), Hội nghị Những người đứng đầu Cơ quan An ninh các nước ASEAN (MACOSA)... Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa nước ta với các nước trong và ngoài khu vực không ngừng được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu cả về nội dung và hình thức, thể hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ trong quan hệ với các nước ở khu vực và thế giới.
Về định hướng tham gia trong ASEAN, Đại hội XI chỉ rõ: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”[9]. Định hướng này là bước phát triển cao hơn từ định hướng: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á-Thái Bình Dương”[10] được thông qua tại Đại hội X. Bước phát triển này thể hiện Đảng ta khẳng định rõ Việt Nam là một thành viên trong ASEAN, Việt Nam tham gia các hoạt động trong ASEAN với tư cách là một thành viên có trách nhiệm; chỉ rõ mục tiêu của các hoạt động của Việt Nam trong ASEAN là xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN; xác định đặc tính của Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam phấn đấu cùng các nước xây dựng là một cộng đồng vững mạnh, có quan hệ chặt chẽ với các đối tác bên ngoài và có vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác ở khu vực; đồng thời khẳng định, phương châm tham gia hợp tác ASEAN là chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Với định hướng này, việc tham gia trong ASEAN trở thành một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, ngang với “quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng chung biên giới”.
Thứ sáu, về triển khai các hoạt động đối ngoại, Đại hội XI nêu: “Triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại”. Khi hội nhập quốc tế mở ra tất cả các lĩnh vực thì việc triển khai đối ngoại tất yếu phải toàn diện, và để các hoạt động này không chồng chéo, không triệt tiêu lẫn nhau thì việc triển khai phải được thực hiện đồng bộ. Tính toàn diện của đối ngoại Việt Nam được thể hiện ở sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt trong hoạt động đối ngoại, ở mục tiêu của chính sách đối ngoại và sự đa dạng của các mối quan hệ đối ngoại trong quá trình hội nhập.
Triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại, nói cách khác là xây dựng một nền đối ngoại toàn diện, sẽ tạo nên xung lực tổng hợp của các lĩnh vực, các loại hình, các kênh đối ngoại, nhưng cũng tạo nên một số thách thức mới. Nếu không có kế hoạch tổng thể và nếu không có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp nhịp nhàng giữa các kênh, các lĩnh vực đối ngoại thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực và làm suy giảm hiệu quả của các hoạt động đối ngoại.
Coi triển khai đồng bộ và toàn diện là phương châm ưu tiên trong triển khai đối ngoại, Đại hội XI sẽ tạo ra nhận thức và đồng thuận lớn hơn trong nội bộ Đảng và nhân dân về tính chất mới của sự nghiệp đối ngoại cũng như nêu rõ hơn yêu cầu tham gia tích cực và chủ động hơn của mọi lực lượng trong hoạt động đối ngoại, đồng thời đưa tới những bước tiến mạnh hơn theo hướng thống nhất chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương.
*
*   *
Quốc phòng – an ninh – đối ngoại có vai trò nòng cốt trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Quốc phòng, an ninh vững vàng thì đối ngoại mới có cơ sở, có thế để thực hiện nhiệm vụ và phát huy vai trò của mình. Ngược lại, đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại quốc phòng, an ninh, phát triển thì không những tạo thế cho quốc phòng, an ninh mà đóng góp trực tiếp vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Nhìn lại những thành công to lớn của công cuộc đổi mới nói chung và của mặt trận đối ngoại nói riêng trong những năm qua, với những phát triển mới trong đường lối đối ngoại Đại hội XI, chúng ta vững tin vào trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Đảng ta và càng tin tưởng chắc chắn rằng, sự nghiệp đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tiếp tục thu được những thắng lợi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta sẽ vững bước tiến lên, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì sự nghiệp cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phạm Bình Minh (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao)
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG – 2011, trang 236.
[2] Nguyễn Cơ Thạch, “Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta”, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số tháng 1-1990.
[3] Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX do Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương phát hành, NXB CTQG - 2003.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG – 2011, trang 236.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG – 2011, trang 237.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG – 2006, trang 112.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG – 2011, trang 236.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG – 2011, trang 235, 236.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG – 2011, trang 237.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG – 2006, trang 114.




-Các quốc gia Đông Á có thể hợp tác với nhau không? anhbasam



Ngày 28 thắng 4-2011

SEOUL – Trong khi Trung Hoa cứ liên tục phát triển, dân chúng khắp vùng Đông Á tự hỏi các quốc gia của họ liệu có khi nào có những mối quan hệ bình ổn và hòa bình như ở các nước châu Âu hiện nay không. Căn cứ vào sự xuất hiện đều đặn các đụng độ ngoại giao nghiêm trọng  – do bất kỳ chuyện gì, từ những hòn đảo chìm bé tí ở vùng Biển Nam Hải (Biển Đông) cho tới di sản của Thế Chiến II – tất cả cứ như một cơn mơ mà mọi người đều muốn lảng tránh. Thế nhưng, với chủ nghĩa dân tộc dâng cao cùng với ngân quỹ quốc phòng cũng gia tăng, việc thực hiện sự bình ổn bằng đồng thuận đã trở thành mệnh lệnh cho toàn vùng. Liệu điều đó có thực hiện nổi không?


Quan điểm “tự do” về các mối quan hệ quốc tế thì khuyến cáo nên thực hiện ba điều: chính trị dân chủ hóa, kinh tế độc lập sâu hơn nữa, và có những thiết chế để qua đó các quốc gia Đông Á có thể giải quyết các công việc của họ theo hình thức đa phương. Bởi vì, như Immanuel Kant đã chỉ rõ từ lâu rồi, các quốc gia có thể chế dân chủ thì có xu thế không đấu đá lẫn nhau, nên cần khuyến khích dân chủ để bảo đàm hòa bình.

Đeo đuổi một nền Pax Democratia (“dân chủ hòa bình”) là điều từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với việc xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ. Và kể từ năm 1945, các quốc gia châu Âu đã lấy nguyên lý dân chủ làm nhân tố cốt lõi cho sự hội nhập của họ. Nhưng hệ thống các chế độ chính trị rất khác nhau ở Đông Á làm cho sự đồng thuận dân chủ dường như khó mà thực hiện nổi ở đây, ít ra là trong lúc này.

Mặt khác, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia Đông Á càng ngày càng sâu sắc thêm. Trong vòng 30 năm, các nước Đông Á đã nhận được vô số phần thưởng từ cách nhìn sáng tỏ của Adam Smith cho rằng thương mại tự do làm lợi cho các quốc gia tham dự vào công cuộc đó. Ngày nay, các nhà làm chính sách trong vùng đều không muốn rơi vào nguy cơ bị mất đi khả năng tiến bộ đó nếu họ chọn cách hành xử gây hận thù với nhau.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ở Đông Á tạo ra cơ hội lớn cho các nước này tiếp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Nhưng các mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, Hoa Kỳ và Nhật Bản, và giữa Trung Hoa và Nhật Bản mấy năm qua đã khiến nhiều người tự hỏi liệu chỉ riêng sự phụ thuộc nhau về kinh tế có đủ không để đem lại những mối quan hệ bình ổn trong vùng.

Con đường tự do thứ ba để đi tới hòa bình – xây dựng các thiết chế cho các quan hệ quốc tế – nhằm điều hòa cách hành xử của các quốc gia thông qua một hệ thống chuẩn mực và luật lệ, từ đó mà tạo ra trật tự (và hòa bình) để tránh khỏi hiện tượng gần như là vô chính phủ. Một tư duy như thế đã là động lực cho mong ước của tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson xây dựng Hội Quốc Liên sau Thế Chiến thứ nhất, và nó cũng là cơ sở cho tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt thúc đẩy việc thành lập Liên Hợp Quốc và các thiết chế (quản lý tài chính quốc tế) Bretton Woods sau Thế Chiến II.

Tương tự như vậy, các quốc gia châu Âu chấp nhận những chuẩn mực và luật lệ chung của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (Organization for Security and Cooperation in Europe – OSCE), và bao giờ họ cũng gần như được chuẩn bị để được điều hành bởi những chuẩn mực và luật lệ đó. Thật vật, Hội đồng châu Âu là kết quả của nỗ lực lâu bền tăng cường các chuẩn mực và luật lệ chung cho các quốc gia chây Âu.

Trái hẳn lại với châu Âu, Đông Á bao gồm các quốc gia hoàn toàn khác về kích cỡ, về trình độ phát triển, và về các hệ thống chính trị-kinh tế. Các nhà làm chính sách của các nước Đông Á biết rõ họ ít có khả năng hành động để làm thay đổi đôi chút các hệ thống chính trị của các nước láng giềng của mình. Và họ cũng chẳng làm gì nhiều theo cung cách chính thức để trong khoảng thời gian ngắn có thể củng cố sâu sắc hơn sự phục thuộc lẫn nhau về kinh tế của họ.

Cho nên, lẽ tự nhiên đối với các nhà làm chính sách trong vùng, họ muốn tập trung nhiểu hơn vào việc tạo ra các thiết chế, thông qua những cuộc thảo luận sinh động đều kỳ của những “chùm sao” đang hình thành: ASEAN+3, Thượng đỉnh Đông Á, Cộng đồng Đông Á, Hợp tác Kinh tế Á châu-Thái Bình Dương, Cộng đồng Á châu-Thái Bình Dương, vv …

Thế nhưng tiến trình này đã bị chính trị hóa và thao túng bởi sự tranh giành ảnh hưởng ở hậu trường rất quyết liệt giữa các cường quốc. Thật vậy, Đông Á dường như thiếu hẳn những kiến trúc sư Âu châu cỡ như Jean Monnet và Robert Schuman – những con người nhìn xa trông rộng có tầm cỡ và được ủng hộ mạnh mẽ về chính trị, những con người cần thiết để khởi công xây dựng một bộ khung cho nền hòa bình trong khu vực vào thời điểm đổi thay ghê gớm như ngày nay.

Vì vậy giờ đây các nước Đông Á cần phải hết sức thực dụng khi thiết chế hóa các vấn đề khu vực. Thay vì tốn công tốn sức xây dựng các thiết chế quy mô lớn cho toàn vùng, tốt hơn là nên tập trung nhiều nữa cho các thiết chế nhỏ hơn và có định hướng rõ rệt.

Chẳng hạn, bước đi hiệu quả đầu tiên tiến tới hợp tác kinh tế trong khu vực ở Đông Á là Sáng kiến Chiang Mai về trao đổi tiền tệ quốc tế được xây dựng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Tương tự như vậy, các cuộc Thương thảo Sáu bên về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, dù chưa có kết quả lớn, song cho tới nay vẫn là cơ chế hữu ích duy nhất để giải quyết vấn đề một cách tập thể.

Thảm họa hạt nhân Fukushima Nhật Bản có thẻ tạo ra một thiết chế khu vực khác lần này tập trung vào giải quyết vấn đề an toàn hạt nhân. Với các nước láng giềng của Nhật Bản, tổ chức Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (International Atomic Energy Agency – IAEA) là chưa đủ; họ lo lắng cấp thiết đến việc tạo ra áp lực xây dựng bộ máy khu vực cho vấn đề đó. Cuộc hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Nam Triều Tiên, Trung Hoa và Nhật Bản vào ngày 21-22 tháng năm 2011 tại Tokyo chẳng hạn sẽ tập trung vào vấn đề an toàn hạt nhân và chuẩn bị một thể chế cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực.

Với 88 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở Nam Triều Tiên, Trung Hoa và Nhật Bản, đây là sáng kiến thật quan trọng. Sẽ xảy ra chuyện gì nếu như bất kỳ lò phản ững nào của họ để xảy ra chuyện tương tự như chuyện đã xảy ra ở Fukushima? Hơn nữa, Bắc Triều Tiên đã cho chạy nhà máy điện hạt nhân Yongbyon mà không được quốc tế thanh sát. Theo lời vợ một người Bắc Triều Tiên đào tẩu, người này đã làm việc 20 năm trong tư cách khoa học gia hạt nhân tại Yongbyon, thì các tiêu chuẩn an toàn ở đây lỏng lẻo một cách nguy hiểm.

Rộng hơn nữa, chỉ thông qua việc tổ chức ra những thiết chế bớt tham vọng đi, tầm cỡ nhỏ hơn, và hoạt động với chức năng có định hướng, thì mới có cơ hội tổ chức được một thiết chế hòa bình trong khu vực. Suy cho cùng thì Rome đâu có xây  nên trong một ngày, và Cộng đồng Châu Âu – gốc gác chỉ là Cộng đồng Than và Thép châu Âu – đã bắt đầu với những bước đi nhỏ như vậy hướng đến hội nhập toàn diện.

Yoon Young-kwan, thứ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên năm 2003-2004, hiện là giáo sư quan hệ quốc tế đại học quốc gia Seoul.

Người dịch: Đại Phúc

Bn tiếng Vit © Ba Sàm 2011




-Người Trung Quốc đang tới! anhbasam




Ngày 1 tháng 5-2011

Chuyện đang ồn ào về lực lượng quân sự Trung Hoa làm ta nhớ lại những nỗi sợ đối với nước Nga thời Chiến tranh Lạnh. Thế mà Hoa Kỳ lại chẳng có phản ứng gì quá đáng khi có những tin tức về con tày sân bay mới của Trung Quốc.

Năm 1966, Hollywood cho ra mắt một bộ phim hài về Chiến tranh Lạnh kể chuyện chiếc tàu ngầm Nga bị mắc cạn tại một thành phố nhỏ của bang New England. Phim hay và khéo léo chộp được đúng cái cơn điên vô lối của thời kỳ đó về những ý đồ quân sự của Liên Xô. Bộ phim tên là Người Nga kia kìa! Người Nga kia kìa! Tôi khuyên bạn nếu có thể thì hãy kiếm một cái đĩa sao phim đó mà coi.

Còn bây giờ, xin bạn hãy sẵn sàng xem chuyện mới về người Trung Quốc: không xem phim, mà xem cái cơn điên đã sống lại. Trung Quốc đang sắp sửa hạ thủy đưa vào hoạt động con tàu sân bay đầu tiên của họ, nghe đồn nó có tên Shi Lang, theo tên ông đô đốc đã chiếm được đảo Đài Loan hồi thế kỷ thứ 17. Đồn rằng trước đó nó có tên là Varyag khi con tàu đang đóng cho Hải quân Liên Xô, về sau thì cho Hải quân Ukraina, và đến năm 1998 thì vào tay Trung Quốc khi con tàu vẫn chưa đóng xong, mua đấu giá 20 triệu USD.

Vẫn chưa có các thiết bị điện tử và hệ thống đẩy, đồn rằng con tàu ban đầu định mua về để làm sòng bạc nổi ở Macao, nhưng sau một hành trình chuyên chở về từ Ukraina và đi vòng quanh châu Phi, nó dừng lại ở Đại Liên tại vùng Đông-Bắc trung Hoa, tại đây nó được đưa vào xưởng đóng và sửa chữa tàu và được sơn màu xám thành con tàu của Quân Giải phóng Nhân dân. Như vậy là, cùng với việc sơn phết cũng là việc lắp đặt cho nó phần điện tử và hệ thống đẩy còn chưa có.

Chính thức ra thì Trung Hoa không cởi mở về các ý đồ của họ đối với việc có tàu sân bay. Các nguồn tin Trung Hoa nói rằng có những cuộc thảo luận vô hồi kỳ trận về những mối nguy và mối lợi một khi có được một hoặc hai chiếc tàu sân bay. Về mối lợi, thì đó là uy tín và cái cảm giác đã “thành đạt” với tư cách một cường quốc. Thực dụng hơn nữa, trước khi quyết định tổng chi phí, phải tính toán đến việc nếu dùng thử một con tàu sân bay thì  Quân Giải phóng nhân dân phải chi phí chính xác hơn là bao nhiêu, cách huấn luyện sẽ như thế nào, và những điều chỉnh cần thiết trong tác chiến sẽ là những gì. Một số người cho rằng tàu sân bay làm giảm khó khăn trong việc bảo vệ những đòi hỏi mở rông lãnh thổ Trung Hoa  tại vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Về các mối nguy, một số người Trung Hoa lập luận rằng dùng các con tàu sân bay là không thông minh về mặt kinh tế hoặc về chiến lược trong một thời đại có những đe dọa cũ nhưng đã được nâng cao chống lại cách tác chiến với nhóm chiến hạm có tàu sân bay. Chưa kể là, khi đã có một nhóm tàu chiến có tàu sân bay sẽ càng tăng cường mối nghi ngại của các nước láng giềng đối với ý đồ hiếu chiến của Trung Quốc.

Hiện nay, rõ ràng là Trung Quốc đang dần dần đưa ra các tin tức chính thức trong các Tuyên bố và các bản tin nói rằng phe ủng hộ tàu sân bay đã thắng trong cuộc tranh luận (về chính sách này), ít ra thì cúng là thắng tạm thời. Bắc Kinh đã đưa tin nhỏ giọt và bóng gió rằng con tàu sân bay đang hoàn thành, có thể điều đó nằm ngoài mối quan tâm về các phản ứng của các nước láng giềng, kể cả việc các láng giềng cũng tăng cường trang bị quân sự chống lại mối đe dọa đã rành rành. Lý ra khôn ngoan hơn thì Bắc Kinh cũng nên thận trọng trong cả việc nói quá nhiều về sự phát triển của mình do có những thách thức vô cùng to lớn đặt ra cho Quân Giải phóng Nhân dân trong việc học cách sử dụng các tính năng của con tàu sân bay.

Các sĩ quan Hải quân cao cấp Hoa Kỳ và nhiều đồng nghiệp của họ trong Hải quân các nước châu Á coi tàu sân bay (của Trung Quốc) như là một mối đe dọa có thể dàn xếp được ngay cả khi Bắc Kinh đã biết cách triển khai tàu sân bay. Thật vậy, có những lời nói đùa cho rằng họ hy vọng Trung Quốc sẽ có năm nhóm tàu chiến có tàu sân bay và tiêu phí thêm tiền của lẽ ra có thể dồn cho những hệ thống khác ít mang tính chất đe dọa hơn. Tất cả bọn họ đều cho rằng trong năm nay họ đang theo dõi chặt chẽ những nỗ lực của Trung Hoa thực thi kế hoạch tàu sân bay của mình.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Bloomberg, Đô đốc tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Robert Willard mới đây đã không coi tác động của tàu sân bay (Trung Hoa) như là hết sức “có tính biểu trưng”, nhưng ông thêm rằng, “dựa trên tin tức chúng tôi nhận được từ các đối tác và đồng minh ở vùng Thái Bình Dương,  tôi nghĩ rằng sự thay đổi quan niệm trong vùng là rất quan trọng”.

Trong nhiều thập niên, các quốc gia trong vùng thân thiện với Hoa Kỳ và nghi ngại Trung Hoa vẫn coi các tàu sân bay Hoa Kỳ như là biểu trưng tin cậy của khả năng ngăn chặn hành vi hiếu chiến của Trung Hoa chống lại họ. Điều này càng được tăng cường vào năm 1996 khi cựu Tổng thống Bill Clinton triển khai hai nhóm tàu chiến vào vùng biển gần Đài Loan để phản ứng lại những cuộc “tập trận” có dùng tên lửa của Trung Hoa nhằm đe dọa Đài Bắc.

Nếu Bắc Kinh xem chừng như cuối cùng sẽ chọn dùng tàu sân bay tác chiến ở vùng Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), là nơi Hoa Kỳ tuyên bố có vai trò bảo đảm tự do giao thương nhưng không phải là nước đòi hỏi lãnh thổ ở đó, thì một số quốc gia đang đòi hỏi lãnh thổ ở đây sẽ cảm thấy sức mạnh quân sự của Trung Hoa mạnh mẽ hơn nhiều so với các thế kỷ trước đây.

Tất cả những điều này cho thấy rằng Washington và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cần triển khai một chiến lược bảo đảm cho toàn vùng một khi Trung Hoa triển khai tàu sân bay của họ. Một yếu tố trong chiến lược này là sử dụng các diễn đàn công khai lắng nghe tường trình để cho thấy rõ rằng tàu sân bay của Trung Hoa có thể nhận những phản đòn đã có sẵn trong tay Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ tại đây. Một yếu tố thứ hai sẽ là nền ngoại giao đều kỳ và công khai kể cả ở cấp cao đồng thời với việc triển khai tập trận của Hoa Kỳ trong vùng.

Sự làm sống lại chính sách Á châu của chính quyền Obama là một cơ sở tốt và nó sẽ được tăng cường thêm nếu chính quyền Obama thành công trong việc thoát ra khỏi Iraq và Afghanistan và “cân bằng lại” một cách hữu hiệu sự chú ý của Mỹ trong vùng châu Á và Thái Bình Dương — một công việc vẫn đang được tiến hành.

Ta trông đợi Trung Hoa sẽ thận trọng như họ vẫn tỏ ra như vậy cho tới hiện nay khi họ công bố khả năng mới của mình trong hy vọng giảm thiểu chống đối và thu được sự đồng thuận về một thể chế mới cho Quân Giải phóng Nhân dân. Những cuộc mang tàu sân bay đi thăm viếng các bến cảng trong vùng và mời các nước trong vùng tới tham quan con tàu sân bay cuối cùng sẽ nâng cao vị thế một nước Trung Hoa cho tới nay vẫn nổi tiếng là cư xử tàn bạo với chính sách minh bạch về quân sự của họ.

Nhưng Bắc Kinh cũng vẫn thèm thuồng chuyện mang tàu sân bay của họ tới gần Việt Nam và có khi tới gần cả các nước khác nữa trong vùng nhằm gửi một thông điệp rắn tới những nước láng giềng vẫn cho rằng họ quá bé nhỏ để có thể ngang ngạnh với Trung Quốc. Ngược lại, những nước láng giềng này cũng sẽ có sự lựa chọn giữa việc họ nên liên kết sâu hơn “nông” hơn với Hoa Kỳ.  Còn Washington thì có thể chọn lựa những quốc gia nào Mỹ muốn có liên kết sâu hơn.

Nói tất cả những điều đó để thấy là cuối cùng thì không nên phản ứng thái quá trước ý đồ của Trung Hoa mong muốn có được cái khả năng mà nhiều nước đã có trong tay, thậm chí là những khả năng chiến tranh đã cũ rồi. Song, đồng thời, cũng là điều cần thiết phải xử lý khoảng cách nhận thức về khả năng quốc phòng chuyên nghiệp giữa các nhà  lãnh đạo và công chúng trong khi vẫn cứ phải suy nghĩ tính toán giữa nhiều khả năng để mà chọn lựa. Khi đó, có thể lại có một bộ phim ra đời chưa biết chừng.

Douglas H. Paal là phó chủ tích bộ phận phụ trách các công trình nghiên cứu của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace.  Trước đó ông là phó chủ tịch tổ chức JPMorgan Chase International và là đại diện không chính thức của Hoa Kỳ tại Đài Loan trong viện American Institute tại đây. Bài này đã được biên tập lại từ một bài được công bố trước đó, xem tại đây.

Người dịch:  Đại Phúc

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011 



--Trung Quốc - Biển Đông: China risks clash with rivals over energy grab (Canberra Times 2-5-11) -- Michael Richardson - Trung Quốc - Đông Nam Á: Limits of Chinese Power in Southeast Asia (Yale Global 26-4-11) TQ tăng cường hoạt động trên biển(BBC).  - Trung Quốc gia tăng thêm tàu tuần tra bảo vệ lãnh hải  —  (RFA).  - Các nước ASEAN vẫn chưa có một lập trường chung trên vấn đề Biển Đông  —  (RFI).  – Kathrin Hille: Trung Quốc lẳng lặng “đe” láng giềng bằng tàu sân bay (TVN/FT). - China risks clash with rivals over energy grab (The Canberra Times)

Tổng số lượt xem trang