- Trung Quốc đã “sập bẫy” thu nhập trung bình?
Trung Quốc bắt đầu xuất hiện hiện tượng giống như những nước từng rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình trải qua.
Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) diễn ra hồi đầu tháng tại Hà Nội một lần nữa nhắc tới khái niệm "bẫy thu nhập trung bình". Theo đó, ADB cảnh báo, các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại châu Á đang đứng trước nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", khi dịch chuyển nguồn của tăng trưởng từ việc phụ thuộc vào tài nguyên như lao động rẻ và vốn, sang tăng trưởng dựa trên năng suất cao và đổi mới công nghệ.
Giới phân tích cho rằng, một trong số những quốc gia có nguy cơ rơi vào kịch bản này, nhiều nhất là Trung Quốc. Căn cứ vào số liệu thống kê mới nhất, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng 4.000 USD, bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng giống như ở những nước từng rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển. Đó là bởi vì khi đang thực sự nghèo, một đất nước có thể biến chính cái nghèo thành lợi thế. Nhân công giá rẻ làm cho một nền kinh tế có thu nhập thấp cạnh tranh trong sản xuất thâm dụng lao động (ví dụ trong các ngành dệt may, giày dép và đồ chơi).
Tuy nhiên, mô hình đó cuối cùng không tăng trưởng được nữa. Khi thu nhập tăng, chi phí tăng, các ngành công nghiệp sản xuất cũ kỹ, công nghệ thấp mất khả năng cạnh tranh. Các quốc gia sau đó phải chuyển "chuỗi giá trị" sang xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn. Nhưng ngay cả như thế cũng không đủ để tránh bẫy. Để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nó cần làm nhiều hơn là chỉ làm ra sản phẩm bằng cách tăng người và lao động cho các nhà máy. Nền kinh tế cần đổi mới và sử dụng lao động cũng như nguồn vốn hiệu quả hơn.
Điều đó đòi hỏi một mô hình hoàn toàn khác trong kinh doanh. Thay vì chỉ lắp ráp các sản phẩm được thiết kế bởi những nước khác, với công nghệ nhập khẩu, các công ty phải chủ động đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, sử dụng lao động có tay nghề cao để chuyển hóa những khoản đầu tư thành sản phẩm mới và lợi nhuận. Đó sẽ là một sự thay đổi không dễ đạt được.
Theo Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên thuộc Đại học Quốc gia Singapore, xét trên nhiều phương diện, Trung Quốc bắt đầu rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". Thực tế, quốc gia này bắt đầu xuất hiện hiện tượng giống như những nước từng rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" trải qua. Ví như tăng trưởng kinh tế thiếu động lực bền vững, phân hóa giàu nghèo, đô thị hóa quá mức, thiếu hụt dịch vụ công, khó khăn trong tạo việc làm...
"Bẫy thu nhập trung bình" cũng có thể nhìn thấy ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Brazil, Mexico, Chile, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... Những nước này đều bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình từ nhiều chục năm trước, nhưng tới nay vẫn loay hoay trong giai đoạn phát triển thu nhập GDP bình quân đầu người từ 2.000 USD đến 5.000 USD. Khó đến mức mà nhà kinh tế người Nhật Kenichi Ono đã gọi đó là cái "trần thủy tinh" của các nước ASEAN.
Philippines là quốc gia điển hình về tình trạng vướng bẫy thu nhập trung bình, khi mất hàng thập kỷ không thể vượt qua ngưỡng 2.000 USD. Indonesia cũng mất hơn một thập kỷ để từ trên 1.000 USD vượt lên hơn 2.000 USD. Còn Thái Lan thì cũng mất hơn hai thập kỷ mới vượt qua con số 3.000 USD, nhưng vẫn chưa bước vào được nhóm nước có mức thu nhập trung bình của trung bình.
Nguyên nhân của tình trạng vướng bẫy trung bình được mô tả như là (i) sự suy giảm hiệu quả vốn đầu tư sau quá trình kích thích tăng trưởng; (ii) tiếp tục tình trạng của một nền kinh tế gia công (nền kinh tế trong nước không đủ sức tạo ra giá trị gia tăng mới để tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu; sự thống trị của các hãng mang thương hiệu nước ngoài); (iii) sự phân hóa thu nhập dẫn đến phân cực và bất ổn.
Quá trình phát triển từ thu nhập thấp đến thu nhập trung bình, bản thân nó cũng ngầm chứa nhiều yếu tố là nguyên nhân để một nước rơi vào bẫy trung bình. Đó là sự hủy hoại môi trường sống phải mất nhiều nguồn lực và thời gian khắc phục (có yếu tố vĩnh viễn không phục hồi được), sự thay đổi môi trường xã hội (kết cấu văn hóa, kết cấu xã hội biến đổi trong thời gian quá ngắn) dễ tạo ra những xung đột; sự tự tin thái quá của các tầng lớp dẫn dắt đến thành công, tâm lý đòi tưởng thưởng công trạng biểu hiện ở nhu cầu hưởng thụ sớm.
Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên cho rằng, muốn thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", rất đơn giản, Trung Quốc phải đi sâu cải cách kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trên thực tế, nếu không thể giải quyết vấn đề dân sinh, cái gọi là đi sâu cải cách kinh tế chỉ là dừng lại ở mức độ nói suông mà thôi. Người dân sớm nhận thấy rằng, mô hình phát triển kinh tế truyền thống đã đến đỉnh điểm, cần phải chuyển đổi, tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới, đó chính là xây dựng xã hội tiêu dùng.
Nhưng trong tình hình hiện nay, xã hội tiêu dùng tuyệt nhiên không có cơ sở. Một là, thiếu hụt chính sách xã hội, gồm chính sách bảo đảm xã hội, y tế, giáo dục và nhà ở. Trong bối cảnh không có sự giúp đỡ từ xã hội, cho dù người dân có chút tích lũy cũng không dám chi tiêu. Hai là, người dân nhận được quá ít từ lao động, thu nhập không cao. Rất rõ ràng, phương pháp trực tiếp nhất để xây dựng xã hội tiêu dùng chính là tiếp tục nâng cao mức sống của nhân dân, cải thiện dân sinh.
Theo Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, nếu vấn đề dân sinh không được giải quyết, trong tương lai gần Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro cấp tiến hóa xã hội. Người dân hy vọng vào sự ổn định xã hội lâu dài, không có ổn định sẽ không có phát triển. Nhưng nếu phát triển không giải quyết được vấn đề dân sinh, xã hội sẽ cấp tiến hóa. Những gì xảy ra ở châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và gần đây là ở thế giới Arab đều cho thấy tầm quan trọng của vấn đề dân sinh đối với xã hội, thậm chí là đối với sự ổn định xã hội.
Xem xét từ góc độ kinh nghiệm lịch sử thế giới của việc giải quyết vấn đề dân sinh, Trung Quốc rõ ràng đã bước vào thời kỳ của cơ hội chiến lược. Muốn giải quyết vấn đề dân sinh, Trung Quốc phải giải quyết một vấn đề hiện thực, đó là vấn đề tài lực quốc gia. Không có tài lực, không thể làm gì. Cho nên, việc giải quyết vấn đề dân sinh của một quốc gia thường diễn ra trong giai đoạn nước đó có sự phát triển đi lên về kinh tế trong thời gian tương đối dài và chính quyền hoặc xã hội đã tích lũy được của cải tương đối.
Một khi tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó chậm lại, tài lực bị suy thoái, vấn đề dân sinh sẽ không thể giải quyết được. Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế tốc độ cao và chính quyền đã tích lũy được một lượng của cải lớn. Do đó, từ 5 - 10 năm tới, đương nhiên trở thành thời kỳ của cơ hội chiến lược cho việc giải quyết vấn đề dân sinh của Trung Quốc.
Trên thực tế, gần đây Trung Quốc cũng đã có hành động thiết thực trong vấn đề dân sinh. Các bên liên quan cũng đã bày tỏ phải động viên tài lực cho đất nước, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng điểm về dân sinh. Đây là dấu hiệu rất tốt, thống nhất với cách đề cập rằng phải tìm kiếm đột phá khẩu của cải cách được nhấn mạnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015).
Cụ thể, trong kế hoạch này, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm là 7% và tăng thu nhập đầu người hằng năm là hơn 7%. Theo Giáo sư kinh tế Chu Thiên Dũng thuộc trường Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt mục tiêu giữ cho tăng trưởng thu nhập hàng năm theo kịp với tăng trưởng GDP để tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ phát triển kinh tế”.
Góc nhìn kinh tế: lợi tức đầu người tại Việt Nam — (RFA). Đoàn Hưng Quốc 2011-05-21 Báo Thanh Niên đăng vào ngày 13 tháng 05 bài phỏng vấn với ông Ayumi Konishi hiện là giám đốc tại Việt Nam của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank hay gọi tắt là ADB).
Theo ông này thì lợi tức đầu người tại Việt Nam hiện ở mức 1200 USD, có triển vọng tăng lên 2000 USD năm 2015 và 4000 USD năm 2020.
Đây là hai bước ngoặc vô cùng quan trọng cho mọi quốc gia đang mở mang. Thứ nhất, vượt qua ngưỡng 2000 USD là thoát khỏi cái bẩy của mức thu nhập trung bình (middle income trap) vốn chận đứng nhiều nền kinh tế không tăng trưởng thêm được nữa. Thứ nhì, đạt đến 4000 USD đầu người là bắt đầu hội nhập toàn diện vào khối các quốc gia dân chủ và tiến bộ.
Bước ngoặt 4000 USD
Người viết xin phân tích trước về điểm hai rồi sau đó trở lại điểm một. Dựa trên quá trình phát triển của nhiều nền kinh tế trong đó có cả Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore một nước khi đạt đến lợi tức bình quân 4000 USD thường chuyển đổi sang một nền dân chủ pháp trị vững vàng vào cùng mốc thời gian này.Có nhiều lý do được giải thích như sau:
- Dưới mức thu nhập nói trên giới trung lưu còn đang ở giai đoạn thành hình nên chưa đủ sức giữ vai trò chủ chốt trong nước. Từ 4000 USD trở đi tầng lớp chuyên viên học vấn cao đủ đông và trưởng thành để trở thành khối năng lực chính trong xã hội.
- Mức lợi tức này chỉ có thể đạt đến khi mậu dịch với nước ngoài phát triển cao độ, từ đó nhà nước và doanh nghiệp phải tôn trọng tác quyền cùng các luật lệ về hợp đồng, minh bạch trong chi thu và tổ chức quản trị khoa học.
- Tiến trình nói trên ảnh hưởng lên lề lối sinh hoạt và ý thức của toàn xã hội. Xã hội dân sự thành hình qua các hội đoàn thương mại và tư nhân. Công dân đòi hỏi quyền sở hữu và đất đai được bảo đảm; giáo dục được nâng cấp; vệ sinh môi trường được tôn trọng; và quyền được chọn lựa đại diện nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình.
Nhưng dù nhiều sai lệch các điểm nói trên vẫn đáng để lưu ý vì chúng vẽ ra một hướng phát triển hợp lý và khoa học, dựa trên bài học của các nước kể trong cả vùng Đông Á).
Bước ngoặt 2000 USD
Trở lại điểm một ở phần trên đã có nhiều nước bắt đầu phát triển ngoạn mục nhưng rồi khựng lại không vượt qua được ngưỡng cửa thu nhập trung bình khoảng từ 2000-3000 USD. Lý do cho những bước tiến nhanh lúc ban đầu nhờ vào dân số trẻ, lương bổng thấp và tài nguyên dồi dào nên thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng từ đó họ không xây được nền tảng chính trị và luật pháp vững mạnh nên hệ thống nhà nước và lề lối sinh hoạt trong xã hội trở thành sức cản ngăn chận các mục tiêu tăng trưởng kế tiếp.Điều đáng nói là trong cả hai trường hợp có vượt qua được cái bẩy lợi tức bình quân hay không ảnh hưởng đến đa số quần chúng nhiều hơn là vào tầng lớp đặc quyền. Mức thu nhập của giới đặc quyền lúc nào cũng tăng, chỉ khác nơi các thành quả phát triển được chia đều cho mọi người hay tập trung vào một thiểu số như thường được đo lường bằng hệ số GINI. Vì quyền lợi của nhóm đặc quyền không hẳn song hành với nguyện vọng của dân chúng nên các cải cách xã hội cũng không tất yếu đến từ thượng từng.
Như vậy lời nhận xét của viên Giám Đốc ADB tại Việt Nam rất đúng: tiềm năng đất nước còn nhiều nhưng tùy thuộc vào dân chúng và nhà nước Viêt Nam có thực hiện cải tổ thì mới phát triển lâu dài và thịnh vượng đồng đều cho mọi người. Người dân có chọn lựa hoặc chờ đợi được ban phát ân huệ hay phải lên tiếng đòi hỏi và bảo vệ cho quyền lợi thiết thực của chính mình.
Ghi chú:
(1) Vietnam to ‘grow up’ by 2020 – Báo Thanh Niên 13/05/2011
http://www.thanhniennews.com/2010/Pages/20110515160542.aspx
(2)ADB warns Asian countries of middle income trap – Xinhua news 04/05/2011
http://news.xinhuanet.com/english2010/business/2011-05/04/c_13858270.htm
(3)Gini coefficient – Wikipedia
http://en.wikipedia.org/wiki/Gini_coefficient
-Kinh tế học: Bẩy thu nhập trung bình là gi? -- Cuốn "The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World" của Michael Spence (Nobel 2001) mới xuất bản, quá hay. Có đọan nói về bẩy thu nhập trung bình thật là rõ ràng, dể hiểu. Tôi chép lại sau đây cho các em sinh viên. Đọc đi! Sẽ thấy khôn ra gấp chục lần! ◄