Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Hoa Kỳ và vụ Osama Bin Laden

-Hoa Kỳ và vụ Osama Bin Laden
Nguyễn Xuân Nghĩa 110507

Vài Câu Hỏi Nhỏ Về Một Chuyện Lớn   

    Hình ảnh bạc nhược về Osama bin Laden - Mãi rồi mới thấy!


Sau khi Hoa Kỳ hạ sát trùm khủng bố Osama bin Laden, cuộc chiến của Hoa Kỳ chưa kết thúc. Nước Mỹ có thể nhân thắng lợi tâm lý xuất phát từ một thành quả chiến thuật mà điều chỉnh toàn bộ chiến lược của mình. Các nước trên thế giới đang theo dõi chuyện đó.... Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau.

Đầu tiên là vài chi tiết nhỏ của một chuyện lớn.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đạt một lợi thế chính trị nhất thời trong bối cảnh của một chu kỳ tranh cử, đúng hai tuần sau khi ông chính thức thông báo việc tái tranh cử. Nhưng, cũng chính nhu cầu tranh cử đó khiến chính quyền của ông lật đật khai thác kết quả chiến thắng với quá nhiều vụng về.

Cách thức thông báo tin tức, rất long trọng vào đêm mùng một Tháng Năm giờ thủ đô Hoa Kỳ về một biến cố xảy ra trước đó mấy tiếng đồng hồ, vào rạng sáng mùng hai giờ thủ đô Pakistan, mang nhiều kịch tính. Tức là có sự dàn dựng. Với một biến cố quan trọng như vậy, việc dàn dựng là cần thiết để đạt mục đích yêu cầu.

Trước hết, xin có đôi lời giải thích về chuyện dàn dựng này.


****


Khi tranh cử trong những năm 2007-2008, ông Obama có thể đả kích Chính quyền Cộng Hoà của Tổng thống George W. Bush về mọi chuyện. Dù không đồng ý, ta có thể thông cảm được với thủ thuật chính trị khi tranh cử!

Một thí dụ là quyết định tấn công Iraq vào đầu năm 2003, với lý do là chế độ Saddam Hussein có kế hoạch chế tạo và dự tính sử dụng võ khí tàn sát (WMD). Vì chủ trương phản chiến và chống lại quyết định này, ông Obama có thể phê phán ông Bush là gian dối khi Hoa Kỳ không tìm ra loại võ khí đó tại Iraq.

Nhưng sau khi đắc cử và có cơ hội ngồi vào vị trí quyết định và tham khảo những dữ kiện thật của bộ máy an ninh quốc gia, Tổng thống Obama đã phải thấy thế nào là cảnh ngộ "tình ngay lý gian": tất cả các bộ máy tình báo của Mỹ và của các nước đều e ngại kế hoạch WMD này của Saddam. Ngay sau khi Chiến dịch Iraq khai mở, chính ông Bill Clinton - vị tiền nhiệm của Bush - đã cảnh báo các đơn vị tác chiến Mỹ về nguy cơ bị võ khí hóa học.

Nếu là người thành thật, ông Obama đã có thể kết luận rằng mình có sai lầm, nói ra hay không sự sai lầm đó thì còn tùy theo lòng chân tín của ông. 

Nếu là người am hiểu ông cũng có thể thầm kết luận là nhiều khi lãnh đạo phải lấy quyết định trên cơ sở của những thông tin thiếu toàn hảo và tìm cách giảm thiểu rủi ro sai lầm. Lãnh đạo thật thì phải có phản ứng đó mà chuẩn bị ứng phó.

Cũng thế, khi tranh cử rồi cầm quyền, ông Obama có thể đồng ý hay không với quyết định "tăng cường khai thác nghi can" bị tình báo và an ninh của Mỹ giam giữ - tăng cường tới mức độ trấn nước hoặc tra tấn, tùy định nghĩa. Nhưng cần đối chiếu với thực tế là "lãnh đạo phải lấy quyết định trên cơ sở của thông tin bất toàn". Những nỗ lực của Chính quyền Bush nhằm thu thập và cải tiến thông tin đó trong nhiều năm liền có góp phần cho việc xác định mục tiêu và tiêu diệt Osama bin Laden. Nhưng hoàn cảnh "tình ngay lý gian" là điều phổ biến.

Chính quyền Bush bị đả kích về việc khai thác tù binh - thực tế thì chỉ có ba nghi can bị trấn nước tổng cộng trong 15 phút - và ông Bush đã loay hoay xoay trở rất nhiều với bái toán pháp lý và đạo đức của trại tù Guantanamo. Khi cầm quyền, quyết định đầu tiên của ông Obama là đóng cửa trại Guantanamo - mà không xong - và còn cho công tố viên độc lập điều tra xem các nhân viên CIA có phạm tội tra tấn hay không! Người tiến hành việc đó là Tổng trưởng Tư pháp Eric Holder.

Và ngày 16, hai tuần trước khi bin Laden bị hạ sát, ông Holder này còn tuyên bố là khó có hy vọng tìm ra Osama bin Laden! Vì Tổng trưởng Tư pháp chưa được biết về một kế hoạch tuyệt mật? Hay cũng chuyện "tình ngay lý gian"....

Phổ biến nhất chính là sự hoài nghi của thế giới về nước Mỹ, về những gì lãnh đạo Mỹ nói ra và thi hành.

Lý do hay lý cớ, mục tiêu dài hạn và mục đích ngắn hạn - hay mục tiêu trung gian - là những gì đó khá phức tạp. Phức tạp nhất là cảm quan và ấn tượng của thiên hạ có khi không phản ảnh sự thật nhưng lại có ảnh hưởng thực tế. Thuyết âm mưu - conspiracy theory - là điều phổ biến, nhưng người ngu dại mà tin vào đó cũng có thể ảnh hưởng tới cảm quan và lá phiếu! Barack Obama đã thừa hưởng cảm quan đó mà trở thành Tổng thống. 

Lên vị trí lãnh đạo, đến lượt ông cũng cần chú ý đến yếu tố "ấn tượng" - perception - này khi chuẩn bị tái tranh cử.

Vì vậy, dàn dựng việc thông báo kết quả truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden là một nhu cầu chính đáng. Lãnh đạo giỏi phải là người đã phải chuẩn bị trước phần vụ thi hành và phần diễn tả - narrative - về việc thi hành đó sao cho ăn khớp. Và phát huy được chính nghĩa của Hoa Kỳ. Việc thi hành đã được các chiến binh và nhân viên tình báo an ninh hoàn thành tốt đẹp. 

Phần diễn tả của lãnh đạo là một hài kịch về sự lụp chụp!

Chỉ vì kịch bản và việc diễn tả phần vụ thi hành được liên tục điều chỉnh trong ba bốn ngày liền với nhiều mâu thuẫn gây thêm ngờ vực do dư luận Hoa Kỳ, Hồi giáo và thế giới. 

Thiếu gì cách trưng bày kết quả hầu vẫn chứng minh sự thật mà không tiết lộ bí mật về nghiệp vụ an ninh? Chi tiết có nhiều lắm, xin miễn nói ở đây vì không là mục tiêu của bài viết. Thí dụ như có trưng bày hình ảnh xác chết của bin Laden hay không và nếu cần chứng minh tính xác thực của lời tuyên bố của Tổng thống thì Hoa Kỳ có thể làm những gì khác? Tại sao mỗi ngày mới châm thêm một số chi tiết cho đến sau cùng Bộ Quốc phòng mới phải đưa ra mấy băng hình đã tịch thu trong căn nhà của bin Laden? Vì sao không nói từ đầu là sẽ có lúc - trong những ngày tới - Hoa Kỳ trình bày sự thể cho rõ ràng sau khi nghiên cứu tường tận ngần ấy chi tiết?
Chỉ vì lập tức cần tiếng vỗ tay?


Thí dụ khác là việc phố biến hình ảnh của toàn ban tham mưu về an ninh ngồi quanh Tổng thống nhỏ thó nhún nhường như một câu sinh viên ngay trong Phòng Ứng Chiến - Situation Room - của Phủ Tổng thống để trực tiếp theo dõi tin tức của vụ đột kích. Rất hay! Nhưng sau đó giải thích ra sao về tin tức cũng do chính quyền đưa ra là trong khoảng 40 phút nhập trận - có giao tranh hay không - hình ảnh đã bị gián đoạn mất 25 phút! Hoá ra là cả ban tham mưu chụp hình làm cảnh trước một màn ảnh màu đen?

Tự gây ra trò cười cho thiên hạ thì có phải là một hài kịch về sự lụp chụp không?

Thực tế thì ra khỏi nước Mỹ, ít ai biết và chấp nhận một sự thật là Tổng thống Hoa Kỳ không thể nói dối. Sai lầm thì còn tha thứ được, chứ gian dối là điều bất khả về luật pháp. Quốc hội và công luận Mỹ có quyền phán xét về việc đó, cho nên lời tuyên bố của Tổng thống không thể là chuyện đùa! Thế giới nhiều khi chưa hiểu như vậy, mà đó cũng là "luật chơi". Rules of the game.

Bây giờ, hãy nói thêm vài hàng về thành quả chính trị.

Thuần về chính trị, và rút tỉa kinh nghiệm từ thời Kennedy đến nay, thông thường, sau một chiến thắng gây chấn động như vậy, uy tín của Tổng thống có thể tăng từ 10 đến 13 điểm. Ưu thế đó có thể tồn tại từ 20 đến 22 tuần, ít ra là năm (5) tháng quý báu trong một chu kỳ tranh cử chỉ còn 18 tháng. Vậy mà tỷ lệ tín nhiệm Obama không tăng được như vậy, trung bình chỉ thêm có sáu điểm!

Chiến binh Hoa Kỳ làm tròn nhiệm vụ mà lãnh đạo không có khả năng khai thác, dù là đã ra tận hiện trường "Ground Zero" của vụ 9-11 để đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân, rồi vòng qua trại lính úy lạo chiến sĩ...

Một ứng cử viên xuất sắc vẫn có thể trở thành một tổng thống tầm thường.


Bây giờ đến chuyện tương lai.



****


Trước hết là tư thế đệ nhất siêu cường dân chủ mà thực chất đế quốc của nước Mỹ.

Hoa Kỳ có nền dân chủ pháp trị kỳ cựu nhất, lại còn muốn làm gương cho thế giới về tính chất chính đáng, lẽ chính danh, của nhiều quyết định nhạy cảm, thí dụ như có giết người hay không, trong hoàn cảnh nào, vì sao là thích đáng? Giữa đạo và thuật, giữa đạo đức và thủ thuật chính trị, tiếng nói của nước Mỹ và lời phát biểu của Tổng thống có tầm quan trọng của nó.

Bên trong là với luật pháp Mỹ và bên ngoài là với ngoại giao của quốc tế.

Nếu không có lời giải thích hay diễn tả thích hợp, thành tích diệt trừ Osama bin Laden có thể gây phản tác dụng cho uy tín của Hoa Kỳ. Khi hiểu như vậy, ngôn từ diễn tả là điều quan trọng và phải được chuẩn bị cân nhắc từ trước, trong từng kịch bản, từng giả thuyết. Vì làm hay không, nói hay đừng, vẫn là quyền của lãnh đạo Hành Pháp.

Nếu có điều kiện bắt và/hay giết Osama bin Laden, lãnh đạo phải cân nhắc và có lẽ đã cân nhắc từ ba giác độ đạo đức, pháp lý và thực tế. Phần còn lại là diễn giải sao cho hợp lý về sự thể, về kết quả sau cùng. 

Xin nêu ra đây vài câu hỏi để ta hiểu ra bài toán rất trừu tượng mà thiết thực sau này cho thế giới.

Hoa Kỳ đã cho máy bay không người lái UAV vào lãnh thổ Pakistan để tập kích các cơ sở và đặc công khủng bố. Trong hai năm, Chính quyền Obama ra lệnh tănh cường các phi vụ UAV gấp bốn lần so với tám năm của Chính quyền Bush. Ngang ngược hay chính đáng? Nhân danh điều gì để phán xét và quyết định?

Ngay trước khi bin Laden bị giết - hành quyết, bắn hạ dù có phản ứng và võ khí hay không - cũng sức mạnh Hoa Kỳ, dưới nhãn hiệu của Minh ước NATO, đã tập kích dinh thự của lãnh tụ Moammar Gaddafi tại thủ đô Libya, khiến con trai út và cháu của Gaddafi bị tử nạn. Luật lệ của Hoa Kỳ và công pháp quốc tế có cho phép ám sát như vậy không? Lợi và hại của quyết định này nên được cân nhắc ra sao?

Câu hỏi ấy mở rộng ra vấn đề "quy tắc tham chiến", cách hành xử với kẻ thù trong một cuộc chiến "chống khủng bố toàn cầu": bắt giam, truy tố ra tòa, hành quyết, hoặc giết ngay tại hiện trường.... Khi "hiện trường" lại là một quốc gia khác như Pakistan, hoặc không là một nước tuyên chiến với Hoa Kỳ như Libya, chúng ta có vấn đề. 

Loại vấn đề sở trường của cánh tả, của đảng Dân Chủ, của nhà luật học Barack Obama trước khi làm Tổng thống!

Dân Mỹ có thể hài lòng với quy luật "ăn miếng trả miếng" và "giết dân Mỹ thì có chạy lên đàng trời cũng không thoát", v.v... Cánh tả cũng có thể viện dẫn "quyền can thiệp chính đáng vì lý do nhân đạo" - động lực của việc tấn công Libya - nhưng sẽ trả lời sao về việc Chính quyền Clinton tấn công Cộng hoà Serbia và góp phần lật đổ Slobodan Milosevic, hoặc ông Bush lật đổ chế độ Baghdad đưa đến chuyện Saddam Hussein bị treo cổ? Saddam Hussein giết nhiều người Kurd và Shia hơn tổng số nạn nhân của al-Qaeda, chế độ Taliban và lãnh tụ Gaddafi!

Những câu hỏi này dẫn ta tới... ông Lý Quang Diệu.

Năm xưa, khi bị phàn nàn về việc Singapore nọc một thanh niên Mỹ đánh cho vài roi, hoặc kết án tử hình những ai tàng trữ ma túy, Lý Quang Diệu có câu trả lời rất đáng suy ngẫm. Singapore là một đảo quốc rất nhỏ nên vì lý do an ninh sinh tử mà phải thi hành những luật lệ bị xứ khác kết án là hà khắc. Singapore không có khả năng của Mỹ là tung quân vào bắt giam lãnh tụ một xứ khác, như Manuel Noriega, để đem về xét xử theo công lý của Hoa Kỳ!

Đệ nhất siêu cường dân chủ Hoa Kỳ, dưới quyền lãnh đạo của một Tổng thống am hiểu vì đã từng giảng dạy về Luật hiến pháp - và có lập trường chủ hòa, thiên tả - vừa có một quyết định lạnh mình là cho quân đột nhập một xứ khác để ám sát một tên trùm khủng bố. Thành tích chiến thuật mở ra một cuộc tranh luận về đạo đức và pháp lý của nước Mỹ!

Sau vụ này, các lãnh tụ độc tài đang gặp vấn đề khủng bố, như Liên bang Nga, Trung Quốc hay c ảSaudi Arabia, đều ngợi ca thành tích của Mỹ. Nhưng dư luận và lãnh đạo các nước Tây phương - đồng minh của Hoa Kỳ - đều tỏ vẻ dè dặt hơn. Điển hình là nước Đức. Chưa nói đến xu hướng thiên tả ngay tại Hoa Kỳ.

Phản ứng của họ đã làm giảm tác dụng úy lạo của Tổng thống Obama khi ông tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Ground Zero ở New York. Một màn biểu diễn tại Mỹ bị nhiều nơi xối nước lạnh.

Sâu xa hơn vậy, biến cố này mở ra một kỷ nguyên mới của việc ra lệnh ám sát. Những sát thủ hay bọn giết mướn đều có thể khoác áo Kinh Kha mà gọi Hoa Kỳ là Bạo Tần!

So sánh với chuyện đó thì việc dùng tên lãnh tụ thổ dân Apache là Geronimo làm mật hiệu cho chiến dịch hạ sát bin Laden chỉ là sơ xuất nhỏ. Nhiều đơn vị tác chiến Mỹ đã hô tên GE.RO.NI.MO. làm khẩu hiệu xung phong vì kính trọng tinh thần quyết tử của nhân vật này. Nhưng lãnh đạo Mỹ thì không nên lầm lẫn như vậy! Quả nhiên là bị hiệp hội của thổ dân Mỹ phản đối nên phải đổi thành Neptune's Spear. Mũi đinh ba của Thủy thần!

Chi tiết nhỏ cho thấy khiếm khuyết lớn của các đạo diễn làm diễn viên Obama bị trật vở, lộn tuồng! Trong các kỳ sau ta mới xét tới chiến lược Hoa Kỳ và hậu quả toàn cầu của vụ Obama diệt Osama....


-Một bức hình bằng cả ngàn chữ?
Trùng Dương


Vì câu nói gần như cliché đó mà nhiều người khi nhận được tấm hình Osama bin Laden với khuôn mặt nát bấy đầy máu me đã vội vã chuyển đi như sợ người khác chuyển trước mình, đoạt mất niềm tự hào mình là người nắm được cái tin nóng hổi “vừa thổi vừa xem” đó trước tiên.

Tôi không còn nhớ nổi đã nhận được bao nhiêu ấn bản bức hình “nóng” đó trong hộp thơ điện tử của mình vào ngày 2 và 3 tháng 5, sau khi có tin Osama bin Laden bị giết ngày 1 tháng 5, từ những người quen cũng như không quen nhưng sợ tôi bị hụt xem bức hình vô cùng quan trọng đó -- một bằng chứng hùng hồn là bin Laden đã chết thật rồi.




Ảnh White House/Flickr


Bức hình chụp vào tối ngày mồng 1 tháng 5, trong lúc Tổng thống Obama, phó TT Joe Biden và ban tham mưu an ninh quốc gia đang theo giõi cuộc hành quân chớp nhoáng của toán Hải quân SEAL Team Six ập vào sào huyệt của đầu não Osama bin Laden của tố chức khủng bố al Qaeda ở Abbottabad, Pakistan, mà kết quả như mọi người đã biết.

Bức hình thu hút tôi mãnh liệt, mà nếu không phải là do một công chức nhiếp ảnh viên chụp (và do đấy không có quyền sở hữu hình đó vì nó thuộc vào của công, public domain), thì, như tôi đã viết trong bài “Từ phòng hội toà Bạch Ốc…”, rất đáng được giải nhiếp ảnh báo chí danh giá Pulitzer.

Trước hết về kỹ thuật, đó là một bức hình có bố cục rất chặt chẽ, với mọi người có mặt trong hình, trừ ông tướng Marshall B. “Brad” Webb ngồi cạnh Obama đang táy máy với cái laptop của ông, còn thì ai cũng dán mắt vào một màn hình mà ta không thấy, trên đó có lẽ đang diễn ra cảnh đột kích sào huyệt bin Laden xẩy ra cách đó trên 7,000 miles. Trên từng khuôn mặt là sự căng thẳng tột độ.

Đặc biệt là hình ảnh của Bộ trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton với một tay bụm miệng như ngăn một phản ứng trước những diễn biến trên màn hình, nói lên sự căng thẳng trong phòng hội trước các diễn biến có thể là ngộp thở đang diễn ra trên màn ảnh trực tiếp truyền hình cuộc đột kích. Đặc biệt cũng vì bà là người đàn bà duy nhất ngồi trong phòng hội (nếu không kể tới bà Giám đốc cơ quan chống khủng bố Audrey Tomason nhỏ con đứng ở hậu cảnh bên lối cửa vào), một hình ảnh chưa hề thấy trong những hình chụp sinh hoạt của Situation Room kể từ khi được thành lập vào năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy.

Phản ứng của bà Clinton đối với tôi là một diễn tả độc đáo, may mắn có được khiến bức hình thêm phần sống động, nếu không nói đấy chính là trung tâm điểm của bức hình. Thế nhưng có nhiều người thuộc nhóm ủng hộ nữ quyền (feminism) không hài lòng, cho là phản ứng của bà Clinton nói lên sự yếu đuối của người đàn bà. Nhận xét này đã khiến bà Clinton phải lên tiếng rằng thì là bà bụm miệng chẳng qua là để ngăn một cơn ho do bị dị ứng mùa xuân (spring allergy) đấy thôi, và bà không thể nhớ được lúc đó đang thấy gì trên màn ảnh.

Tất nhiên, trên tất cả là sự kiện vị tổng thống trong hình là Obama, một người da đen mà lần đầu tiên lịch sử Hoa Kỳ có được. Nhà báo John Black đã, sau khi nghiên cứu bức hình và phỏng vấn một số các chuyên gia chính trị và xã hội, đã viết một bài tiểu luận ngắn song giá trị, “What ‘Situation Room Photo’ reveals about us.” (http://articles.cnn.com/2011-05-05/us/iconic.photo_1_black-men-photo-national-security-team?_s=PM:US)

Black đã gọi đó là bức hình cổ điển (classic) mang nhiều tính chất lịch sử. Lịch sử không những vì nó đã ghi lại giây phút mấu chốt trong chiến dịch lùng bắt trùm khủng bố bin Laden thành công sau 10 năm tốn bao công lao và sinh mạng; mà còn là một bức chân dung của xã hội Mỹ ngày nay với một vị tổng thống da mầu, một nữ bộ trưởng ngoại giao (mặc dù không phải là đầu tiên), nói lên kết quả, dù mới chỉ là khởi thủy, của những phấn đấu cho nguyên tắc bình đẳng – All men are created equal -- giữa những người khác chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, và phái tính nhằm thực hiện lý tưởng đã được đề ra khi Hoa Kỳ tuyên ngôn độc lập khỏi sự đô hộ của Anh Quốc vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. (http://www.ushistory.org/declaration/document/)
Tất nhiên vẫn có người cho là bức hình do dàn cảnh (staged), như lời cáo buộc của Alex Jones thuộc PrisonPlanet.com, có khuynh hương thích gây bút chiến, và có nguyên một Web site, InfoWars.com, và cả một cơ sở truyền hình, PrisonPlanet.TV, để làm việc này.

Trong khi đó, không thiếu người cũng đã, bất chấp lưu ý của toà Bạch Ốc trên trang hình tại Flickr.com, “vô tư” biến đổi bức Situation Room Photo tùy theo cảm hứng của mình. Đến Forbes.com, một Web site chuyên về tài chánh và thương mại cũng nhẩy vào sân chơi, với hai đề nghị về cái mà các nhân vật trong Sit Room Photo đang nhìn. Một là, Forbes đoán, họ đang nhìn cái… đồng hồ đếm nợ nần của Mỹ (The National Debt Clock); và hai là danh sách Forbes về những phụ nữ quyền lực nhất (Forbes List of the Most Powerful Women).




Forbes còn cho cái Web link, http://www.forbes.com/pictures/hf45hfd/obama-playing-playstation#content, để vào xem những hình kiểu “vô tư” hơn thế, nhưng với sự trợ giúp của chương trình PhotoShop, mà họ đã thu lượm được đó đây trên Internet, và đặt tựa là “The White House Situation Room Internet Meme.”

Phần tôi là một câu hỏi khá đơn giản (vì tôi mắc “bệnh” ghi-xuất-xứ và vốn vẫn dốt về cách chụp hình bằng Manual): Bức Sit Room Photo ấy do nhiếp ảnh viên nhà nước tên gì và đã dùng máy gì và settings ra sao vậy? Thì đây là câu trả lời: Photo credits and settings: Photographer: Pete Souza; Canon 5D MkII, 35mm f/1.4L USM, f/3.5, 1/100s, ISO 1600. Nghe… rõ chửa?
(TD, 05/2011)



Từ bức ‘hình tử thi’ của bin Laden…

Lần đầu nhận được “hình tử thi” bin Laden tôi còn chịu khó trả lời cho người gửi, một phần vì người đó là ông anh rể của tôi. Ông ấy năm nay đã 76 tuổi, nguyên trung tá của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, vô cùng thanh liêm, đánh giặc mấy lần suýt chết, di tản sang Mỹ từ 1975, đi làm thợ hàn để nuôi con ăn học, rất quan tâm tới thời cuộc, nhất là chuyện Việt Nam, và là người tôi vẫn khuyến khích dùng computer cho cái óc hoạt động để nó sinh sản tế bào mới giúp làm chậm lại việc mất trí nhớ.

Tôi cho ông ấy biết là mới hồi sáng tôi nghe trên National Public Radio là các viên chức tòa Bạch Ốc còn đang thảo luận nên hay không nên phổ biến những hình ảnh chắc chắn là ghê rợn của xác chết bin Laden, đầu não của vụ không tặc 9/11 và của tổ chức khủng bố al Qaeda, sau khi bị toán Navy SEAL Team Six triệt hạ.

“Anh cẩn thận đừng phổ biến khi chưa biết chắc, vô tình đổ thêm dầu vào lửa đấy,” tôi viết dặn dò ông. “Chỉ nên phổ biến tin tức hình ảnh từ các hãng tin lớn như CNN, ABC, NBC, CBS, AP, Reuters, vv., và từ các báo như NY Times, LA Times hoặc Washington Post thôi. Mà ngay cả khi nhận được các tin này dán trong e-mail, nói là của các hãng tin trên, thì cũng nên xem lại, bằng cách copy và paste cái tựa vào Search box của Google nhờ kiểm chứng lại giùm, trước khi chuyển đi. Chính phủ Mỹ cẩn thận lắm, họ còn đang tranh luận xem có nên phổ biến hình mà chỉ có mình họ có thôi, vì có thể bị phản ứng ngược trong giới Muslims còn nhiều người ngưỡng mộ ông bin Laden và rất cực đoan.”

Thực ra thì không chỉ những người đã gửi “hình” bin Laden bị bắn chết vì sợ tôi chưa được thấy. Nhiều báo chí thế giới, kể cả một số bên Âu châu, cũng vội vã in hình này lên trang nhất. Ngoài ra, có ít ra ba thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng Hoà tuyên bố đã được thấy hình bin Laden chết, và có vị cũng đã blackberried bức hình đó đi bốn phương. Trong khi thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình Báo Quốc Hội, một trong một số nghị sĩ có mặt tại các buổi họp báo cáo của Giám đốc cơ quan tình báo CIA Leon Pannetta, cơ quan đã điều động cuộc đột kích vào sào huyệt của bin Laden ở Abbottabad, Pakistan, cho biết không có một nghị sĩ nào đã từng thấy hình xác bin Laden, kể cả bà.

Trang Lens – Photography, Video and Visual Journalism trên Web site của tờ New York Times, ngày 4 tháng 5, chạy một cái tít mà tôi không khỏi mỉm cười khi đọc: “Wanted – Dead, Alive or Photoshopped”, với bài blog của David W. Dunlap, tóm gọn những vụ việc xung quanh bức hình “lịch sử” đó, tại http://lens.blogs.nytimes.com/2011/05/04/wanted-dead-alive-or-photoshopped-2/?nl=todaysheadlines&emc=tha2.

Cùng ngày trên vào buổi chiều, Tổng thống Barrack Obama tuyên bố dứt khoát là toà Bạch Ốc sẽ không phổ biến hình ảnh xác bin Laden sau khi bị bắn hạ.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vì đã sợ có chuyện ngược lại.

Cho đến ngày hôm qua, tôi, một cử tri không đảng phái (non-partisan) -- nghĩa là không thuộc đảng nào, Dân chủ hay Cộng hoà hay Độc lập hay cả Xanh (Green) mặc dù tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, đã lái xe hybrid từ gần 10 năm nay cũng vì vậy – đã đồng ý với từng việc làm của chính phủ của ông Obama, mà tôi đã mô tả qua bài “Từ phòng họp tại toà Bạch Ốc… tới sàn bay hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson”, đã đăng tại http://www.diendantheky.net/2011/05/tu-phong-hop-tai-toa-bach-oc-toi-san.html.

Tôi tán thành việc Hoa Kỳ chôn cất tử tế bin Laden trong vòng 24 tiếng đồng hồ theo đúng với phong tục của Hồi giáo, cả việc dành cho người quá cố một buổi lễ thủy táng (vì không có quốc gia nào nhận cho đất chôn và cũng không đủ thì giờ thu xếp) vào 2 giờ sáng ngày 2 tháng 5 từ boong tầu của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (và đấy là lý do tôi chọn bức hình của chiếc Vinson chụp vào lúc sắp rạng đông cho phù hợp, vì hãnh diện với việc làm của Hoa Kỳ, quê hương bây giờ của tôi, hơn là vì lý do nào khác).

Một số người phản đối việc thủy táng này, vì thủy táng vốn là một vinh dự đối với người thủy thủ, sao lại dành cho một trùm khủng bố đã giết hại và gây tàn phế cho bao nhiêu ngàn con người dân cũng như quân. Theo tôi, việc gì có thể làm để giảm thiểu phản ứng bạo lực của những phần tử qua khích Hồi giáo thì nên làm. Ta không cần thêm người chết hoặc mang thân tàn phế suốt đời họ nữa.

Tất nhiên vẫn có nhiều người đòi phải có hình bin Laden chết mới chịu tin là bin Laden đã chết thực rồi. Họ còn thách thức sao ông Obama đã đăng tải mẫu khai sinh dài của mình trên Web site của tòa Bạch Ốc để chứng mình ông thực sự được sinh ra Hawaii, thì tại sao không phổ biến hình bin Laden tử thương để chứng minh bin Laden đã bị giết. Tôi lại không khỏi không nghĩ tới cái tít viết rất khéo trên trang Lens hôm qua của tờ NY Times: “Wanted – Dead, Alive or Photoshopped”.

Và những người đòi phổ biến hình xác chết bin Laden viện dẫn là “một bức hình trị giá bằng cả ngàn lời” và đòi phải có nó, bằng mọi giá. Tôi chợt nghĩ: Người Việt tị nạn chắc chưa quên bức hình định mệnh của Eddie Adams chụp ông tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết tên Việt cộng vào dịp Tết Mậu thân 1968, tuy cũng trị giá cả ngàn lời, cộng với giải thưởng danh giá Pulitzer Prize cho phóng viên nhiếp ảnh, vậy mà vẫn không nói lên được chuyện gì thực sự xẩy ra ở đằng sau bức hình đó, khiến bao tai ương sau đó đã đổ xuống thân phận của VNCH.

Họ đòi phải trưng hình bin Laden sau khi bị bắn chết bằng mọi giá. Bất kể giá nào? Kể cả việc phe quá khích Hồi giáo sẽ dùng hình xác bin Laden để tập hợp, nuôi chí phục thù, để rồi gây thêm những vụ đánh bom giết hại người vô tội? Tưởng tượng ta nhìn thấy ảnh người thân của mình bị giết, mặt mũi tan nát, máu me lênh láng? Phản ứng của ta ra sao? Phẫn nộ? Nổi điên? Và nếu có súng ống, bom đạn trong tay, liệu ta có đi tìm kẻ đã giết người thân yêu của mình để thanh toán?

Tôi có ông handyman, tên Ed, thường sửa nhà cho tôi, trung niên, tráng kiện, đầy nam tính, rất tận tâm. Chúng tôi chưa hề nói chuyện chính trị, ngay cả thời cuộc. Nhưng tôi biết ông ta thuộc loại bảo thủ thứ nặng vì một lần, khi không, ông ta chuyển cho tôi (và trên 100 người quen và khách hàng của ông, vì ông ta không dùng Bcc, nên tôi thấy cả trăm địa chỉ e-mail trên điện thư), một bài liệt kê con số những người có súng ống trong tay ở Mỹ, lên tới mấy chục triệu, vì quyền mang súng của họ đã được Tu chính pháp số hai (Second Amendment) của Mỹ công nhận. Rồi tác giả cái điện thư đó kết luận Hoa Kỳ không cần phải duy trì một lực lượng quân đội đông đảo và tốn kém như vậy, vì đã có những đoàn dân quân (militia) này sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu cần. Biết các nhóm dân quân này thường có tinh thần kỳ thị chủng tộc và cả phụ nữ, tôi đã tính hỏi đùa Ed liệu anh có chịu bảo vệ tôi, một phụ nữ Á đông, khi cần, không. Nhưng tôi bỏ qua, xoá điện thư Ed chuyển cho tôi đi. Tuy vậy, tôi biết Ed là người bảo thủ, có thể cả kỳ thị chủng tộc, mặc dù anh ta đối với tôi rất tốt, ân cần, vì tôi là khách hàng của anh ta.
Hai hôm sau khi tin bin Laden bị giết, có lẽ kềm lòng không nổi nữa, Ed chuyển đi một cái “Cáo phó” (Obituary) của ai đó gửi cho anh, cho cả thẩy trên 140 người thân và quen mà anh ta có địa chỉ e-mail, kể cả tôi. Thoạt tiên tôi tưởng là cáo phó về bin Laden. Hoá ra là cáo phó cho… nước Mỹ: sinh 1776 (năm Hoa Kỳ tuyên bố độc lập với Anh Quốc), chết 2008 (năm Obama đắc cử tổng thống). Thứ này tôi đã nhận được nhiều, từ khi nước Mỹ có vị tổng thống đầu tiên là người (nửa) da đen. Đây là một thứ urban legend, tiên đoán ngày mạt vận của nước Mỹ với việc đắc cử của Obama, một người da đen, dù chỉ có 50 phần trăm đen. Thế nhưng nó lưu hành trên Internet và được nhiều người tin, như đã tin hình bin Laden bị bắn chết.

Ed, cũng như tác giả của “cáo phó” cho nước Mỹ và chắc còn nhiều người khác nữa, có lẽ không chấp nhận được việc Obama và ban tham mưu của ông đã làm được cái việc mà tiền nhiệm của ông, Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng Hoà, đã không làm được trong suốt thời gian từ 2001 đến 2008, với bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã bị hy sinh và nhiều ngàn người phải mang thương tích suốt đời, đấy là chưa kể dân sự bị chết oan tại Iraq và Afghanistan, và một nước Mỹ kinh tế te tua, nợ nần có lẽ tới đời con cháu của chúng ta cũng không trả hết được.

Thực ra, công bình mà nói, ông Bush hồi ấy chưa thành công vì cũng tại chưa đến lúc vậy thôi, vì không ai phủ nhận được sự thành công của chính phủ của ông Obama đã được xây dựng trên chính những nỗ lực liên tục của chính phủ tiền nhiệm, với sự phối hợp của nhiều cơ quan trong chính phủ, từ tình báo tới quân đội, trong suốt 10 năm qua.

Tôi không dám hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ công bố hình ảnh xác bin Laden. Tôi đồng ý với ông Obama khi ông tuyên bố: “[Phổ biến hình ảnh để minh chứng bin Laden đã thực sự bị giết] không phải là bản chất của chúng ta. Mọi người biết đấy, chúng ta không khoe những thứ này như một thành tích.” (That’s not who we are. You know, we don’t trot out this stuff as trophies.)

Có nhà báo nói, nửa đùa nửa thật, thôi thì đành chờ… WikiLeaks cung cấp những hình đó vậy.

… tới bức ‘Situation Room Photo’

Đến hôm nay, ngày 6 tháng 5, bức hình nay có tên là Situation Room Photo, tự nó đã có đời sống riêng của nó, và người chụp vốn là nhiếp ảnh viên chính thức của toà Bạch Ốc, đã hẳn không còn là cha tinh thần của nó nữa. Hàng triệu người đã thấy nó, đã bị lôi cuốn, đã thích thú, đã soi bói, đã bàn luận và phân tích, cả chất vấn, và mặc sức… hoán đổi (altered, hoặc tiếng nhà nghề là photoshopped).

Tổng số lượt xem trang