Khám phá nền móng sự "thịnh vượng" của Đà Nẵng? (08/05/2011)
Lễ hội pháo hoa quốc tế hoành tráng tại thành phố Đà Nẵng đã kết thúc. Một trong những thành công của lễ hội này là ngân sách nhà nước đã không phải bỏ ra đồng nào nhờ sự hào phóng của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố.
Theo thông tin từ ban tổ chức, 50 tỉ đồng tài trợ cho lễ hội chủ yếu đến từ các doanh nghiệp địa ốc.
Thị trường địa ốc Đà Nẵng có vẻ là thị trường ăn nên làm ra, những con số thống kê ấn tượng những năm vừa qua cho thấy lượng nhà bán ra ở đây liên tục tăng lên và giá cả cũng không ngừng leo thang. Khi đã ăn nên làm ra thì các doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chi để nâng cao hình ảnh và thanh thế của mình.
Tuy nhiên, sự khởi sắc của ngành bất động sản Đà Nẵng cũng mang lại lắm thách thức. Thống kê của Savills có lẽ sẽ làm cho các nhà kinh tế, nhà làm chính sách và các nhà lãnh đạo lo ngại, đó là trên 80% khách bất động sản đến từ Hà Nội và 13% đến từ TP.HCM.
Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu % trong những khách mua sẽ thực sự sống ở đây? Câu trả lời mà nhiều người có thể đoán được là không đến 10%.
Điều này có nghĩa là các khách mua ở đây chủ yếu là nhà đầu tư và khi lượng khách mua để đầu tư chiếm đến 90% thì dù muốn dù không vẫn có thể gọi họ là những nhà đầu cơ; mà đã đầu cơ thì sớm hay muộn sẽ có bong bóng. Khi bong bóng nổ, hậu quả sẽ khó lường, không chỉ cho nền kinh tế địa phương này mà còn đối với cả nước.
Những diễn biến nóng sốt trên thị trường bất động sản Đà Nẵng không phải ngẫu nhiên mà có. Đây là hệ quả của chính sách phát triển kinh tế của địa phương này.
Ngay từ khi Đà Nẵng được công nhận là thành phố trực thuộc trung ương, nhiều chính sách ưu đãi đã được áp dụng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Một trong những chính sách rầm rộ và ấn tượng nhất là chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn từ năm 2003 – 2008, chi đầu tư phát triển mà chủ yếu là chi đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm tỷ trọng trên 50% chi tiêu ngân sách của Đà Nẵng.
Mặt tích cực của những khoản chi tiêu này là bộ mặt đô thị nhanh chóng được hiện đại hoá, nhưng mặt tiêu cực là dù cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể nhưng kinh tế không tăng trưởng tương xứng.
Chi tiêu công tăng trung bình 30%/năm và tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội cao hơn mức trung bình cả nước trong khi kinh tế tăng trưởng vào khoảng 11%/năm cho thấy sự phụ thuộc vào đầu tư công của tăng trưởng kinh tế ở Đà Nẵng.
Điều này đặt ra một câu hỏi: liệu những hạ tầng mà Đà Nẵng đang đầu tư có mang lại sự phát triển kinh tế như kỳ vọng hay đây chỉ là những khoản đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhất thời mà một trong những hệ luỵ của nó là những đợt nóng sốt bất động sản liên tục ở Đà Nẵng?
Một đặc điểm quan trọng cần lưu ý là nguồn vốn đầu tư công chủ yếu được tài trợ từ nguồn thu tiền sử dụng đất – trung bình giai đoạn 2003 – 2007 chiếm trên 50%, năm 2008 lên mức cao nhất là 70,86% – trong khi quỹ đất vốn không nhiều của Đà Nẵng ngày càng cạn kiệt.
Nói cách khác, chủ trương “biến quỹ đất thành nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế – xã hội” của lãnh đạo Đà Nẵng đã không mang lại hiệu quả cao khi mà thành phố đã sử dụng hầu hết nguồn vốn đất của mình để tài trợ cho cơ sở hạ tầng nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo được cú hích phát triển kinh tế như mong đợi.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang lạm phát cao – mà một trong những nguyên nhân chính là tính kém hiệu quả của hoạt động chi tiêu ngân sách – thì sự thiếu bền vững của cơ cấu ngân sách một địa phương được xem là kiểu mẫu trong quá trình phát triển như thành phố Đà Nẵng đặt ra nhiều câu hỏi và bài học về tính hiệu quả trong quản lý ngân sách ở các địa phương.
Nhìn rộng ra, có thể thấy cơ cấu ngân sách của thành phố Đà Nẵng không bền vững.
Nguồn thu chủ yếu của Đà Nẵng là từ thu tiền sử dụng đất, chiếm 42% ngân sách trong giai đoạn 2003 – 2007, các khoản thu phân chia mà chủ yếu các loại thuế chỉ chiếm 17,8% mặc dù tỷ lệ giữ lại mà Quốc hội đang áp dụng cho Đà Nẵng lên đến 90% (tỷ lệ này ở Hà Nội là 32% và TP.HCM 29%).
Các khoản thuế có độ nổi cao và bền vững như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 4,4% ngân sách và thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng hơn 1% hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng vốn gấp hai lần cả nước.
Một nghịch lý nữa là khi bất động sản Đà Nẵng đang sốt, quỹ đất đã sử dụng gần hết thì các khoản thu về thuế nhà đất và cho thuê đất chỉ chiếm 1% thu ngân sách. Điều này cho thấy những lợi ích từ việc sử dụng đất không thuộc về Nhà nước (đại diện của người dân).
Cơ cấu nguồn thu ngân sách Đà Nẵng một lần nữa cho thấy rằng hoạt động kinh tế Đà Nẵng không tương xứng với tiềm năng kinh tế và cơ sở hạ tầng mà Đà Nẵng đang có.
Về chi ngân sách, như đã nói ở trên, các khoản chi chủ yếu của Đà Nẵng là chi đầu tư cơ sở hạ tầng trên 50% ngân sách hàng năm. Trong khi đó, các khoản chi cho giáo dục đào tạo, y tế giai đoạn 2003 – 2007 gần như không đổi về giá trị và giảm một nửa về tỷ trọng. Điều này cho thấy những ưu tiên phát triển của Đà Nẵng đang hướng đến các mục tiêu rất ngắn hạn.
Sau gần 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bộ mặt đô thị Đà Nẵng đang trở thành đô thị kiểu mẫu của cả nước nhưng cơ cấu ngân sách của Đà Nẵng thì rõ ràng không thể nói là kiểu mẫu mà các tỉnh, thành phố khác nên/cần noi theo.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế đang lạm phát cao – mà một trong những nguyên nhân chính là tính kém hiệu quả của hoạt động chi tiêu ngân sách – thì sự thiếu bền vững của cơ cấu ngân sách một địa phương được xem là kiểu mẫu trong quá trình phát triển như thành phố Đà Nẵng đặt ra nhiều câu hỏi và bài học về tính hiệu quả trong quản lý ngân sách ở các địa phương.
Việc chống lạm phát, nâng cao hiệu quả đầu tư công không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Trung ương mà trong nhiều trường hợp, nó là trách nhiệm lớn của chính quyền địa phương.
Hoàng Xuân Huy (theo SGTT)
TIN LIÊN QUAN |
---|