TP - Theo các chuyên gia, để thực sự có thị trường phát điện cạnh tranh đi vào vận hành từ 1-7, các đơn vị phát điện cần tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ Công Thương sáng nay công bố bắt đầu triển khai thị trường điện cạnh tranh từ 1/7 theo kế hoạch Chính phủ đã duyệt, tuy nhiên chưa có thông điệp nào cho thấy giá bán lẻ sẽ tăng.
Giá điện có thể tăng 3 tháng một lần
-Chưa đủ cơ sở để điều chỉnh giá điện từ 1/6
Thủy điện có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với nhiệt điện sau 1-7 (ảnh chụp phòng điều khiển Thủy điện Trị An). |
Giá điện khó giảm
Trao đổi với Tiền Phong, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam (VEEA), cho rằng, việc các doanh nghiệp phát điện quan ngại việc thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh nhưng người mua vẫn chỉ mình EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia vẫn nằm trong EVN, là chính đáng.
Theo ông Long, một trong những điều kiện để có sự minh bạch và bình đẳng trong cạnh tranh, là các doanh nghiệp phải bình đẳng khi tham gia chào bán điện cạnh tranh (trừ một số nhà máy đa mục tiêu như Hòa Bình, Trị An...), muốn thế các đơn vị phát điện đều phải tách ra khỏi EVN.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thì có thể vẫn để những đơn vị do EVN nắm giữ hoặc chi phối nằm trong tập đoàn. “Nếu các nhà máy tách khỏi EVN thì khi đó Công ty Mua bán điện hoặc điều độ có nằm trong EVN nữa hay không không quan trọng, do không còn mâu thuẫn quyền lợi trong khâu phát điện nữa”- Ông Long nói.
Về giá điện, ông Long, cho rằng, dù thị trường điện cạnh tranh vận hành từ 1-7 tới và các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để đưa ra mức giá thấp nhất nhưng điều đó không đồng nghĩa sẽ giúp giá điện giảm.
“Tuy nhiên, lợi ích đầu tiên mang lại là xóa được sự độc quyền và sự không minh bạch trong giá điện. Hiện không ai biết giá thực của ngành điện bao nhiêu và hệ thống giá điện hợp lý chưa. Khi có sự cạnh tranh thì sẽ biết được giá điện hợp lý chưa.
Với cách chào giá này người ta có thể biết giá thành sản xuất điện của mỗi doanh nghiệp. Việc này cũng khuyến khích các đơn vị trong và ngoài EVN cạnh tranh bình đẳng với nhau. Còn việc giảm giá điện thì chưa chắc đã giảm”- Ông Long phân tích.
Theo ông Vũ Xuân Cường, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, sản xuất Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, với mô hình chào giá cạnh tranh được xây dựng, các nhà máy điện sẽ chủ động và phấn đấu tốt hơn để có lợi nhuận qua phát điện. Đối với công ty phát điện như Phả Lại sẽ chủ động về sản lượng, củng cố thiết bị, phấn đấu giảm giá thành phát điện, từ đó sẽ có lợi nhuận cho công ty.
Tuy nhiên, điều mà ông Cường lo ngại là, nhà máy xây dựng bằng vốn vay (đồng Yên) của Nhật. Hiện nhà máy vẫn phải trả nợ dần. “Chúng tôi sợ nhất tỷ giá biến động, vì những thiệt hại từ biến động tỷ giá không được tính vào giá thành sản xuất điện”, ông Cường nói.
Đại diện một doanh nghiệp thủy điện lớn của EVN khẳng định không lo ngại việc cạnh tranh trong chào giá với các đơn vị khác ngoài EVN.
Theo ông này, với cơ cấu và mức khấu hao hiện nay, có những thời điểm có những nhà máy thủy điện lớn, khi có lượng nước về lớn, có thể phát miễn phí, không thu tiền trong 3 tháng cho EVN. Và như vậy thì khó có thể có đơn vị nào có thể cạnh tranh được với giá thành của thủy điện.
Thị trường: Phải có nhiều người bán, mua
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia ngành điện khẳng định để có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh thì phải xây dựng đúng theo mô hình nhiều người bán, nhiều người mua. Nếu thị trường mà chỉ có người mua duy nhất thì không phải thị trường hoàn chỉnh, đó là chưa kể đến đơn vị này lại trực thuộc EVN. Hơn nữa, vấn đề quan trọng trong thị trường điện cạnh tranh là phải minh bạch chi phí giá thành sản xuất điện.
Theo vị này, theo tính toán trong dự thảo tổng sơ đồ điện 7 được Viện Năng lượng xây dựng cuối năm 2010, giá điện chính thức của ngành điện hiện nay về cơ bản, là không bị lỗ. Hiện công suất của hệ thống điện quốc gia lên tới 20.000 MW, trong đó gần 2/3 số nhà máy trong hệ thống đã và gần hết khấu hao. Vì vậy dù phải mua điện bên ngoài với giá cao nhưng không có nghĩa EVN bị lỗ hoàn toàn.
“Chúng tôi không phản đối việc tăng giá điện. Nhưng phải rạch ròi. Tăng giá điện để lấy vốn đầu tư nguồn điện mới thì chấp nhận được. Còn tăng giá điện để bù lỗ cho ngành điện thì chưa hợp lý”- Ông nói.
Còn theo ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng Giá và Phí, Cục Điều tiết điện lực, để thị trường minh bạch, giá bán điện hiện nay phải được phân tách thành giá của 4 khâu: phát điện, truyền tải, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phân phối - bán lẻ điện. Còn cứ để tập trung, không được làm rõ như hiện nay, thì khó có thể tính toán minh bạch.
Lo ngại chuyện bắt tay, làm giá? Trước lo ngại, EVN đang chiếm tới 60% thị phần của thị trường phát điện, dễ xảy ra tình trạng các đơn vị của EVN “bắt tay” thỏa thuận giá bán điện, ông Trần Đình Long cho rằng về nguyên tắc không có chuyện móc ngoặc khi thị trường đi vào vận hành. Tuy nhiên, trong thực tế thị trường nào cũng có vấn đề riêng của mình. Để kiểm soát thì phải có cơ chế kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lũng đoạn hay móc ngoặc giữa các doanh nghiệp có cùng nhóm lợi ích với nhau. Giải pháp để ngăn chặn là phân ra các nhóm nhà máy. Với những nhà máy thủy điện vận hành lâu rồi sẽ có mức giá trần, giá sàn khác nhau còn nhà máy nào mới vận hành sẽ có cách tính chi phí khác nhau. Nếu tách được những nhà máy điện tham gia chào giá cạnh tranh ra khỏi EVN là cách tốt nhất. Khi đó sẽ không có sự xung đột lợi ích nào hết. |
Phạm Tuyên
-'Thả' giá điện theo thị trường từ 1/7Bộ Công Thương sáng nay công bố bắt đầu triển khai thị trường điện cạnh tranh từ 1/7 theo kế hoạch Chính phủ đã duyệt, tuy nhiên chưa có thông điệp nào cho thấy giá bán lẻ sẽ tăng.
Giá điện có thể tăng 3 tháng một lần
-Chưa đủ cơ sở để điều chỉnh giá điện từ 1/6
Theo công bố của Bộ Công Thương, thị trường điện cạnh tranh sẽ được vận hành qua 2 giai đoạn - thử nghiệm và chính thức. Trong đó, giai đoạn vận hành thí điểm được thực hiện bắt đầu từ 1/7/2011. Giai đoạn chính thức được thực hiện từ năm 2012 đến hết 2014.
Như vậy, việc thí điểm thị trường điện cạnh tranh chậm hơn kế hoạch được Chính phủ phê duyệt một tháng (từ 1/6). Trong giai đoạn này, ngành điện sẽ dành 2 tháng đầu tiên để thí điểm thị trường ảo. Khi đó, giá điện sẽ vận hành theo cơ chế thị trường dưới dạng sổ sách giấy tờ. 4-5 tháng tiếp theo sẽ thực hiện việc thí điểm toàn phần. Nghĩa là giá bán điện bắt đầu được vận hành theo cơ chế thị trường, có lên, có xuống, tùy theo chi phí đầu vào.
Theo Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương, hiện nay cơ chế bán điện đang bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại như giá bán không phản ánh kịp thời chi phí. Giá bán lẻ bình quân cũng thấp hơn thực tế tới 5,9 cent cho mỗi kWh. Giá thấp và phải bù lỗ nên không thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát điện, việc thu hồi chi ở các khâu truyền tải và phân phối cũng gặp khó khăn...
Do vậy, khi giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, 4 khâu cơ bản như phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ và phân phối bán lẻ sẽ được tách ra độc lập. Giá điện theo đó sẽ được điều chỉnh dựa theo biến động của các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát. Cách tính giá vẫn theo bậc thang, 50 kWh đầu tiên được hỗ trợ, tương đương với khoảng 30.000 đồng mỗi tháng, áp dụng cho các hộ nghèo. Và cũng giống như mặt hàng xăng dầu, quỹ bình ổn giá điện cũng hình thành cho phép ngành điện được sử dụng để điều tiết giá bán...
Trao đổi với báo chí tại buổi hội nghị triển khai thị trường điện cạnh tranh sáng nay, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - Đào Văn Hưng cho biết trong tháng 6 hãng mới tiến hành thử nghiệm giá điện cạnh tranh trong nội bộ ngành. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện sẽ tiến hành triển khai rộng rãi trên phạm vi 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Theo ông, "thả" giá điện theo cơ chế thị trường được coi là bước đầu để EVN tính đúng, tính đủ giá bán theo chi phí đầu vào để tránh lỗ. Tuy nhiên, lãnh đạo EVN từ chối trả lời về khả năng giá điện sẽ tăng khi quá trình thử nghiệm cơ chế mới được áp dụng, bắt đầu từ 1/7. Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN - Đào Văn Hưng chỉ nhấn mạnh: Tất cả các đơn vị của EVN đã sẵn sàng cho cơ chế điện cạnh tranh.
Theo lộ trình thị trường điện cạnh tranh được Chính phủ phê duyệt, khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá bán tối đa là 3 tháng. Trong đó, hằng tháng, EVN sẽ theo dõi sự biến động của chi phí đầu vào để xây dựng giá bán điện. Khi giá cơ sở giảm 5% so với giá bán hiện hành, EVN điều chỉnh giảm xuống mức tương đương và báo cáo cho Liên bộ Tài chính - Công Thương biết. Ngược lại, khi chi phí đầu vào tăng 5%, EVN cũng được phép đề xuất với Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương phương án tăng giá tương ứng.
Đối với trường hợp chi phí đầu vào làm tăng giá bán điện trên 5%, EVN cần xây dựng phương án giá để báo cáo Bộ Công Thương. Trên cơ sở thẩm định của Bộ Tài chính, Chính phủ sẽ ra quyết định cuối cùng về thời điểm và các mức tăng giá.
Hồng An