Ngọc Thu dịch’
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Hùng
29-06-1968
Mô tả: Trung Quốc tư vấn Việt Nam chống lại lập trường đàm phán yếu ớt với Hoa Kỳ; Trung Quốc cũng cảnh báo chống lại áp lực của Liên Xô để thương lượng.
Chu Ân Lai: … Rất tốt là hôm nay các ông cho chúng tôi biết rõ, rằng các ông đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Những cuộc tấn công gần đây của các ông vào các thành phố chỉ nhằm mục đích cản trở lực lượng của kẻ thù, giúp công tác giải phóng các khu vực nông thôn, huy động lực lượng lớn ở các khu đô thị. Tuy nhiên, tất cả đều không mang tính quyết định.
Những người theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô tuyên bố rằng, các cuộc tấn công vào Sài Gòn là tấn công thật, rằng chiến thuật sử dụng các vùng nông thôn để bao vây các khu thành thị là sai và rằng tiến hành một cuộc đấu tranh kéo dài là một sai lầm. Theo họ, chỉ tấn công nhẹ vào các thành phố lớn là quyết định. Nhưng nếu các ông làm [như thế], Hoa Kỳ sẽ vui mừng, khi họ có thể tập trung lực lượng để phản công, do đó gây nên sự tàn phá lớn hơn cho các ông. Thiệt hại mà các ông gánh chịu sẽ đưa đến chủ nghĩa bại trận về phía các ông. Và Liên Xô sẽ khai thác tình hình này để gây áp lực nhiều hơn cho các ông, buộc các ông phải thương lượng.
Các ông chấp nhận chấp nhận đàm phán với Mỹ là đặt mình vào thế thụ động. Các ông bị Liên Xô cho vào bẫy. Bây giờ, Johnson có sáng kiến. Đối mặt với khó khăn, ông ta ra lệnh ném bom một phần. Và khi ông ta ít khó khăn hơn, ông ta sẽ tiếp tục ném bom, và khi ông ta gặp nhiều khó khăn hơn, một lần nữa ông ta sẽ trở lại ném bom một phần.
Thực tế, gần đây, việc ném bom đã trở nên dữ dội hơn, tập trung vào một khu vực nhỏ hơn, gây thiệt hại nhiều hơn cho các ông và tạo ra nhiều trở ngại hơn cho sự hỗ trợ của các ông ở miền Nam. Các ông chấp nhận việc ném bom một phần của họ, và đồng ý nói chuyện với họ, đã làm cho vị thế hiện tại của họ tốt hơn so với vị thế của họ năm 1966 và 1967. Mặc dù các ông vẫn duy trì các nguyên tắc của mình trong đàm phán, các ông đã giảm số lượng khó khăn của họ trong cuộc bầu cử năm nay. Đây là lỗi lầm của Liên Xô. Từ lâu, Liên Xô có những người làm tay sai cho Mỹ và giúp Mỹ chống lại những người làm cách mạng trên thế giới ….
Chúng tôi đã lên một danh sách những lỗi lầm mà Liên Xô đã phạm. Chúng tôi muốn chuyển cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét.
Không lâu trước đó, những người Liên Xô hợp tác với Hoa Kỳ, đề ra hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc, nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng hiệp ước đó không áp dụng lên Trung Quốc. Hiệp ước này được thiết kế để ngăn cấm phát triển vũ khí hạt nhân của một số nước khác ngoài Hoa Kỳ và Liên Xô bởi vì nó không cho phép dự trữ hạt nhân hoặc thử nghiệm dưới lòng đất. Hiệp ước này cấm các nước không có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển khả năng hạt nhân. Đây là hành động của chủ nghĩa thực dân mới Liên Xô, chủ nghĩa thực dân mới hạt nhân Liên Xô. Liên Xô đã trở thành một nước đế quốc chủ nghĩa xã hội.
… Ngày 27 tháng 6, Gromyko có bài phát biểu trước Xô viết Tối cao. Bài phát biểu này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đế quốc hoan nghênh rộng rãi.
Ghi chú
1. Chu Ân Lai tiếp phái đoàn Việt Nam và đã có các cuộc hội đàm từ 11giờ sáng đến 6 giờ chiều. Những người tham gia các cuộc đàm phán phía Trung Quốc gồm: Chu Ân Lai, Khang Sinh, Lý Tiên Niệm, Diệp Kiếm Anh, Lý Tường (Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc), Hàn Niệm Long. Phía Việt Nam gồm có: Phạm Hùng, Ba Long, Lý Ban, Ngô Minh Loan.
Nguồn: Wilsoncenter.org
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.