Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Tham nhũng đang len vào chính sách

-Tham nhũng đang len vào chính sách
Mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch đang bị nạn tham nhũng “tấn công” mạnh mẽ.
“Không chống được tham nhũng thì cải cách hành chính (CCHC) khó mà thành công”. TS Lê Văn In, chuyên gia hành chính, khẳng định tại hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC ở Việt Nam 2001-2010”, do Học viện Hành chính tại TP.HCM (thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức sáng 19-5.

Đạo đức công vụ có vấn đề
Các chuyên gia nhận định: Tham nhũng đang len lỏi trong những lĩnh vực hành chính công và trở thành vấn nạn lớn của xã hội.
Theo TS Lê Văn In, một trong những nội dung rất quan trọng trong CCHC là xây dựng nền hành chính trong sạch và nội dung này đang phải đối mặt với nạn tham nhũng, bị tham nhũng “tấn công” mạnh mẽ.
Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là tham nhũng ăn theo chính sách và đi sâu vào bộ máy nhà nước. “Sẽ thật nguy hại nếu chính sách ra đời không phục vụ cho phát triển xã hội mà phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó, do họ tác động vào các cơ quan ra chính sách, thông qua “nhịp cầu” tham nhũng” - ông In nói.
Không để tham nhũng có nguy cơ trở thành văn hóa trong giao tiếp hành chính công. Ảnh minh họa: HTD
TS Đỗ Thị Ngọc Lan, Học viện Hành chính tại TP.HCM, đặt sự thành bại của CCHC trong mối liên quan với đạo đức công vụ. Theo TS Lan, những tiêu cực xảy ra trong hoạt động nhà nước cho thấy đạo đức công vụ đang có vấn đề nghiêm trọng và một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đó chính là vấn nạn tham nhũng. Bà Lan dẫn lại kết quả điều tra chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, thành do Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và UNDP phối hợp thực hiện “Hành chính công: không tỉnh nào hoàn hảo”.
Điều báo động nhất là tham nhũng được xem như một nhu cầu phổ biến từ phía người dân, doanh nghiệp khi làm việc với cán bộ, công chức (CBCC). Phía CBCC khi giao tiếp cũng coi tham nhũng như một tất yếu. “Cách giao tiếp có điều kiện và được chấp nhận từ cả hai phía một cách tự nguyện chứng tỏ tham nhũng đã là một giá trị được công nhận. Nếu đúng như vậy thì tham nhũng đang có nguy cơ trở thành văn hóa trong giao tiếp của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mà cụ thể là đội ngũ CBCC. Đây là điều tác hại nhất của tham nhũng” - TS Lan cảnh báo.
Khai tử cơ chế quản lý nửa vời
CCHC trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, nhất là những cố gắng trong cải cách thủ tục (đi từ dưới lên). Điều đó có tác động ít nhiều đến việc hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Nhưng từ “bức tranh” tương quan giữa tham nhũng và chất lượng nền hành chính trên đây, có ý kiến tại hội thảo cho rằng cần phải xem xét lại quy trình cải cách là: đi từ dưới lên hay đi từ trên xuống?
TS Lê Văn In cho rằng: Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải đột thẳng vào cơ chế! “Muốn chống thất thoát tài sản, tiền bạc và qua đó chống tham nhũng một cách căn cơ thì phải nhanh chóng khai tử cơ chế quản lý nửa vời kéo dài hàng chục năm qua ở nước ta”.
Theo TS In, cùng một lúc, trên nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần lại song hành hai cơ chế quản lý kinh tế: vừa quản lý theo cơ chế tập trung bao cấp, vừa quản lý theo cơ chế thị trường (định hướng XHCN). Điều đó vừa không phát huy được tính ưu việt của nền kinh tế thị trường, vừa không bỏ được cơ chế “xin - cho”. Đấy là lý do tạo ra những kẽ hở, là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng chen chân, kiếm chát. Ông nêu ví dụ: một doanh nghiệp nhà nước lấy ngân sách từ tiền thuế của dân đi làm ăn, được ưu đãi nhiều điều từ phía nhà nước. Nhưng họ kinh doanh theo quy luật thị trường, nếu có lời thì họ được hưởng, còn lỗ hoặc báo cáo lỗ (trong đó có lý do tham nhũng) thì Nhà nước phải chia sẻ gánh nặng. Sao vô lý như thế được?
Nhiều chuyên gia đã kiến nghị: Cần siết chặt cơ chế quản lý tài chính công, không để nó “như cái bao bố cột bằng sợi dây lỏng lẻo. Cánh tay nào lớn thì thọc sâu vào đến tận đáy, còn cánh tay nào yếu thì ăn cạn phần trên”. Cùng với đó là khi ban hành các cơ chế chính sách phải hạn chế tối đa các khe hở để các nhóm lợi ích không có cơ hội lợi dụng “thọc vòi” tham nhũng vào”.
MINH CƯỜNG

Tổng số lượt xem trang