Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 110512
Khi núi đồng tiêu chảy....
Số cầu và số đồng nhập cảng của Trung Quốc
Thứ Năm 12 vừa qua, giá cổ phiếu Á Châu sụt mạnh như đã sụt sau cơn động đất và sóng thần tại Nhật cách đó hai tháng. Qua ngày Thứ Sáu 13, cổ phiếu tại Mỹ cũng tuột giá. Một nguyên do là các thương phẩm đột ngột mất giá, lần thứ nhì trong một tuần.
Thương phẩm hay "commodities" là các nguyên nhiên vật liệu, nông khoáng sản hay kim loại. Lý do sụt giá chính là vì mối lo lạm phát trong nền kinh tế lớn nhất Á Châu và thứ nhì thế giới: Trung Quốc.
Đây là lần thứ nhì của hiện tượng sụt giá. Lần trước vào ngày Thứ Sáu mùng sáu thì người ta cho rằng cái chết của Osama bin Laden đã đẩy lui nổi lo về an ninh khiến dầu thô giảm giá và kéo theo giá thương phẩm.
Thật ra, chìm sâu bên dưới là tâm lý bất can của giới đầu tư khi e ngại thương phẩm lên giá như bong bóng và lạm phát tăng mạnh có thể hãm đà tăng trưởng và giảm số cầu. Thống kê của quý một cho thấy đà tăng trưởng của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều có thể giảm trong năm nay nên nhu cầu về thương phẩm sẽ không cao như dự tính. Và số cầu mà sụt thì giá còn sụt mạnh hơn.
Vì nỗi lo là giá thương phẩm có lúc điều chỉnh nên họ nhanh tay bán trước làm giá lại càng sụt.
Lần này, mối lo lại tái xuất hiện vì kinh tế Trung Quốc bị nóng máy nên có thể phải tăng lãi suất và giảm mức tăng trưởng. Một lý do nữa là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sắp đến kỳ hạn chấm dứt biện pháp tăng mức lưu hoạt có định lượng - "quantitative easing" - là vào Tháng Sáu tới đây... Và mơ hồ hơn nhưng ngày càng rõ rệt hơn là việc kinh tế Hoa Kỳ không tăng trưởng như dự đoán...
Chúng ta có thể đang chứng kiến một hiện tượng đảo chiều, khiến giá thương phẩm, trước tiên là dầu thô và kim loại, có thể sụt mạnh. Trong giả thuyết có xác suất khá cao như vậy, ta nên nhìn vào một núi đồng có thể tiêu chảy thành đồng nát tại Trung Quốc. Bài này nói về hiện tượng đó sau khi giải thích đôi chút về thị trường thương phẩm.
***
Thương phẩm là loại sản phẩm sơ đẳng cho tiến trình sản xuất ra các sản phẩm khác nên ta có thể gọi cho dễ hiểu là nguyên nhiên vật liệu. Nguyên liệu như xi măng, nhiên liệu như xăng dầu, vật liệu như sắt, đồng, thau, v.v... Về nông sản thì ta có mễ cốc, đậu nành, cà phê, v.v...
Người ta mua bán thương phẩm trên thị trường có thể gọi là "hiện giá", với giá thực tế của hiện tại vào lúc này, gọi là "spot market". Giá "tức thời" đó được yết mỗi ngày trên các tờ báo chuyên đề. Nhưng khi có nhu cầu mà phải mua hoặc bán với hiện tại thì nhà sản xuất hay tiêu thụ có thể gặp bất lợi vì sự khác biệt giá cả so với những tính toán ban đầu của năm ngoái, của mùa trước.
Nếu mà khi cần thì mới đi mua, doanh nghiệp có thể bị bất ngờ cho nên thường nghĩ đến việc đặt mua trước, với cái giá định trước. Nhưng giá cả tương lai là điều gì khó ai biết trước vì lệ thuộc vào thời tiết (nếu là nông sản), số cung cầu (nếu là nguyên liệu) hoặc cả tình hình an ninh, nếu là nhiên liệu như dầu thô chẳng hạn.
Bài toán ở đây là nhà sản xuất muốn biết trước cái giá sẽ thu được trong tương lai và nhà tiêu thụ cũng vậy, muốn xác định cái giá sẽ thanh toán tức là biết trước phí tổn về nguyên nhiên vật liệu sau này. Khi người ta có nhu cầu như vậy, ai giải quyết được nhu cầu thì có thể kiếm lời.
Giữa nhà sản xuất và cung cấp với nhà tiêu thụ (là các doanh nghiệp), có một thành phần thứ ba đứng ra làm cái việc trung gian đó. Họ thỏa thuận trước việc mua hay bán với cái giá sẽ áp dụng vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Và sẽ ăn lời - hoặc bị lỗ - nếu đến ngày giao hẹn giá lại cao hoặc thấp hơn cái giá ước hẹn. Đó là loại thị trường có kỳ hạn, "forward" và "futures".
Trong loại thị trường này, giới đầu tư ở giữa lãnh chịu rủi ro nhưng giúp cho nhà sản xuất và nhà tiêu thụ biết trước giá cả tương lai nên thành phần trung gian này có góp phần ổn định giá cả cho việc giao dịch mua bán những sản phẩm mà số lượng hay giá cả sau này có thể bị chi phối bởi mùa màng, quy luật cung cầu hay tình hình an ninh. Một thí dụ ta có thể nghĩ tới là ngã giá khi lúa còn non và chưa gặt. Thí dụ khác là mua dầu về để kịp chế biến thành xăng cho mùa du lịch sắp tới, v.v....
Trên thế giới, loại thị trường đó đã xuất hiện từ thế kỷ 19, hoạt động rất mạnh bên Nhật và Hoa Kỳ trước khi trở thành nghiệp vụ phổ biến trên toàn cầu. Tại Hoa Kỳ thì đó là một thị trường có luật lệ hẳn hoi với trung tâm lớn nhất là Chicago dưới sự điều tiết của cơ quan CBOT và sự giám sát của cơ quan CFTC.
Nhưng kinh tế thị trường lại phát triển rất tinh vi nên ngay trong thành phần trung gian này có loại người đầu tư mua bán thương phẩm mà... không giao hàng. Họ đứng giữa, lãnh rủi ro bị lỗ hoặc hy vọng kiếm lời với qua buôn bán các "hợp đồng" được tiêu chuẩn hóa về phẩm, lượng và giá cả. Họ chỉ cần "thanh toán hợp đồng" là bán hay mua những lời cam kết, và kiếm lời - hoặc bị lỗ.
Chính là hoạt động đầu tư với rủi ro rất cao và mức lới cũng lớn mới khiến người ta coi đây là một hình thức đầu cơ. Trong kinh tế, đầu cơ (speculation) chỉ là đầu tư (investment) với triển vọng lời to và lẹ đi cùng rủi ro bị lỗ nặng. Chuyện hợp pháp hay không là việc khác. Như thế, trong kinh tế, đầu cơ không có nghĩa xấu xa về đạo đức như chúng ta thường hiểu.
Và quyết định của thành phần này khi mua hay bán ào ạt cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cả. Ngày nay, giới đầu tư loại sản phẩm này đang mấp mé tháo chạy sau khi đã ào ạt mua vào làm giá tăng vọt.
Các chính trị gia gian manh - nhiều khi là đồng nghĩa - không nhìn ra vai trò ổn định và hứng chịu rủi ro của thành phần đầu tư đó mà chỉ bịp dân và kết án họ là bọn đầu cơ xấu xa đã làm giá cả tăng vọt. Giới chính trị không cần biết là lối đầu tư ấy cũng khiến nhiều người sạt nghiệp nếu tính sai. Thực tế thì trong thị trường thương phẩm có kỳ hạn, chỉ 5% là thắng lớn và lời to vì hốt hết những lỗ lã của 95% còn lại theo cái nguyên tắc gọi là hơn bù kém - zero sum game. Đó là sự phũ phàng của kinh tế học.
Như vậy, quy luật thị trường thể hiện sự "công bằng" theo kiểu khác với đạo lý, nhưng chính trường mà đòi nhảy vào quyết định về giá cả thì thực tế gây ra sự bất công khác, và làm lệch lạc sự vận hành của thị trường.
***
Bây giờ mình mới nói về một thương phẩm cần thiết cho sản xuất là đồng, copper, và chú ý tới trường hợp Trung Quốc, nơi mà các nhà đầu cơ đã đẩy giá rất mạnh và đang gặp rủi ro lớn mà không vì đầu cơ trên thị trường thương phẩm như vừa trình bày ở trên. Họ đầu cơ "với màu sắc Trung Hoa" là đem đồng về tích trữ....
Từ 10 năm nay, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục làm cả thế giới chú ý.
Sức tăng trưởng ấy có góp phần nâng giá thương phẩm trên toàn cầu. Trong các loại thương phẩm, có đồng, được mua bán dưới dạng quặng mỏ là từng núi đất có chất đồng canh là, hoặc là "sản phẩm bán chế" - chế biến một phần - và trao đổi dưới hình thức xin tạm gọi là đồng lá, tính bằng tấn.
Trên đại thể thì các mỏ đồng của Trung Quốc chỉ cung cấp có 6% sản lượng toàn cầu nhưng xứ này là một đại gia về ba công đoạn là khai thác, tinh lọc và sản xuất bán chế phẩm bằng đồng cho số cầu rất lớn của các ngành xây cất, hạ tầng và kỹ nghệ. Tùy loại đồng, từ quặng đến đồng thô hay đồng lá thì sản lượng của Trung Quốc chiếm từ một phần tư đến 40% của thế giới.
Thành thử, so với khả năng sản xuất của các mỏ đồng trong nội địa chỉ là 6% thì Trung Quốc phải nhập cảng thêm.
Nhìn trong dài hạn thì các xứ khác đã giảm dần số cầu về đồng từ cả chục năm nay bằng cải thiện hiệu năng. Hãy tưởng tượng đến các sản vật ta sử dụng hàng ngày, trước đây thì thô và nặng, ngay nay lại nhỏ và nhẹ, bên trong, tỷ trọng của kim loại ngày càng ít hơn....Trung Quốc thì chưa lên tới trình độ ấy.
Họ vẫn ngốn đồng như rồng cuốn và phải nhập cảng quặng đồng và đồng đã chế biến. Chuyện ấy không có gì lạ. Nhưng với kích thước quá lớn của một xứ đông dân và cứ hay quá đà trong mọi sự, nhu cầu về đồng của Trung Quốc đã đẩy giá lên trời.
Họ vẫn ngốn đồng như rồng cuốn và phải nhập cảng quặng đồng và đồng đã chế biến. Chuyện ấy không có gì lạ. Nhưng với kích thước quá lớn của một xứ đông dân và cứ hay quá đà trong mọi sự, nhu cầu về đồng của Trung Quốc đã đẩy giá lên trời.
Cụ thể thì lượng nhập cảng của xứ này tăng từ bốn lên sáu triệu tấn kể từ 2006 đến nay - coi như tăng 50% - nhưng về giá thì tăng từ sáu tỷ lên quá 12 tỷ Mỹ kim, gấp đôi. Và trở thành vấn đề cho các doanh nghiệp Hoa lục - lẫn chính quyền. Thật ra, đây là tình trạng phổ biến cho nhiều kim loại và khoáng sản mà đồng là một thí dụ tiêu biểu.
Do thế lực kinh tế rất lớn như vậy, lãnh đạo Trung Quốc phải tìm cách cho doanh nghiệp nhà nước bảo đảm nguồn cung cấp, tức là đầu tư tận gốc vào các nguồn sản xuất trên thế giới. Như tại Lào, Zambia hay Peru, thậm chí cả tại A Phú Hãn và xứ Ecuador, v.v.... Chuyện ấy cũng chẳng có gì lạ.
Chuyện lạ nó nằm trong sách lược của nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước trữ sẵn rất nhiều tiền và còn được ngân hàng tài trợ "theo diện chính sách", với lãi suất ưu đãi, tức là rất thấp, để bảo đảm an toàn cung cấp. Thay vì đầu tư bằng cách mua công khố phiếu Mỹ - cho Mỹ vay - xứ này muốn trở thành một thế lực toàn cầu về đồng qua những chương trình đầu tư vĩ đại vào các nguồn sản xuất trên thế giới.
Khốn nỗi vì là một đại gia mới nổi - và đến sau - Trung Quốc phải mò tới những quặng mỏ có hiệu năng thấp, tại nhiều xứ có rủi ro cao. Thí dụ điển hình là mỏ Aynak tại A Phú Hãn, một xứ đang có chiến tranh. Hoặc những trường hợp khác tại Phi Châu, như Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo, hay Ecuador thì cũng bấp bênh không kém về chính trị vì là mấy xứ dễ gặp loạn.
Chẳng hạn như tại Zambia, Trung Quốc chịu khó bắt cá... bốn tay vì đầu tư vào sự nghiệp của ngần ấy chính đảng hay lãnh tụ của xứ này trước cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Tinh thần đặt bạc vào ngần ấy cửa để bảo đảm rằng phe nào thắng cử thì cũng có lập trường hữu nghị với cơ sở khai thác của ta là một cách đầu tư tốn kém. Nghĩa là chịu nhiều rủi ro mà kém hiệu năng.
Nhưng chuyện không chỉ có vậy. Vì rủi ro lớn nhất chính là máu đánh bạc của các doanh nghiệp và đảng bộ địa phương.
Lãnh đạo xứ này có thể biết rằng kinh tế không thể tăng trưởng mạnh mẽ như trong 10 năm qua, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Và họ cũng biết là có lúc phải đổi lượng thành phẩm, là chiều hướng của Kế hoạch Ngũ niên thứ 12, từ 2011 đến 2016. Nhưng các doanh nghiệp thì vẫn tin vào sức vươn như rồng cọp, nhất là khi lại có sẵn tiền. Chính là lối tính toán đó mới khiến doanh nghiệp mạnh tay đầu tư và nhập cảng thương phẩm khiến giá cả tăng vọt và góp phần thổi lên lạm phát. Trong các loại thương phẩm, đồng là tiêu biểu, đã lên giới giá kỷ lục là một vạn đô la một tấn.
Khi lạm phát bắt đầu xuất hiện thì lãnh đạo phải hãm đà cấp phát tín dụng, nhưng các ngân hàng, doanh nghiệp và đảng bộ địa phương vẫn biết lách! Và lại còn biết đầu cơ. Họ trữ đồng như núi để... chạy trước lạm phát. Và còn đất đai bát ngát, họ xây thêm kho để trữ đồng cho... các doanh nghiệp nước ngoài. Khi thiên hạ có nhu cầu mà mình thoả mãn được thì đấy là cơ hội kiếm lời!
Với núi đồng trong kho, có biên nhận hẳn hoi, họ đem biên nhận làm vật thế chấp để vay tiền ngân hàng đem đánh bạc tiếp vào cửa khác, nhất là vào bất động sản. Trong nghiệp vụ nhập cảng đồng thì tín dụng thư LOC cũng là một khí cụ đầu cơ khác: vừa nhập vào là bán ngay nội trong một tháng để lấy tiền làm việc khác trước khi tới kỳ hạn thanh toán cho ngân hàng. Doanh nghiệp nước ngoài thì dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ phải nâng giá đồng Nguyên nên cũng đi buôn đồng, thực tế là đẩy "tiền nóng" vào thị trường Hoa lục chờ ngày kiếm lãi. Miễn sao có quan hệ đúng cửa là ăn.
Kết quả là xứ này nhập đồng quá nhu cầu - có khi đang dư đến ba hay bốn triệu tấn nằm trong kho, như núi. Giá đồng tăng vọt trên thế giới cũng vì trò chơi quái đản ấy tại Trung Quốc....
Lãnh đạo các doanh nghiệp và địa phương yên tâm là mình đang tính toán đúng hướng: ta lập dự trữ các thương phẩm chiến lược cho sản xuất như quặng sắt hay xăng dầu để bảo đảm an toàn cho nền kinh tế quốc dân. Và ta nuôi triển vọng là kho dự trữ sẽ thành kho vàng khi thương phẩm tiếp tục tăng giá. Chính động thái ấy khiến đồng lên giá mà giá càng lên thì Trung Quốc nhập càng nhiều! Đồng không chỉ là kim loại cần thiết cho xây cất hay kỹ nghệ mà trở thành tài sản đầu tư.
Nói cách khác, Trung Quốc như kẻ lên đồng và bị đồng nhập. Đang dạt dào thổi lên bong bóng!
Trong trận thế ly kỳ đó, xuất hiện nạn lạm phát. Và Chính quyền trung ương quyết định hãm đà tín dụng và không tài trợ các nghiệp vụ mua thương phẩm quá nhu cầu sản xuất. Đấy là một yếu tố có thể khiến chuyện tích trữ sẽ bể vì giới đầu cơ phải bán đồng trả nợ làm giá sẽ sụt. Nếu muốn tránh sự sụp đổ của các ngân hàng và doanh nghiệp mà tiếp tục cho họ luồn lách với tín dụng thì lãnh đạo không kiềm chế được lạm phát, là bài toán ngày nay của một chế độ độc tài mà bất lực!
Bây giờ, khi thương phẩm đảo chiều - sụt giá - nhiều cơ sở lỡ dại đầu tư vào đồng sẽ phải bán tháo và giá đồng mà sụt thì lại càng sụt nhanh hơn. Núi đồng sẽ tiêu chảy...
Mà ngoài đồng thì nhiều thương phẩm khác cũng có chung hoàn cảnh tăng giá mạnh vì nạn đầu cơ. Khi giá sụt, có nhiều doanh nghiệp và ngân hàng sẽ phá sản! Khi thấy chỉ số của 23 trong 24 loại thương phẩm đều sụt, người ta bắt đầu nói tới hiện tượng đảo chiều, bể bóng đầu cơ. Và những tay đầu cơ mạnh nhất, chính là các đấng con trời...