Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Mỹ và Trung Quốc hiểu lẫn nhau ra sao trong vấn đề hàng hải

-Mỹ và Trung Quốc hiểu lẫn nhau ra sao trong vấn đề hàng hải
 -The Diplomat--Patrick Cronin
Ngày 29 tháng 5 năm 2011
Các cuộc thảo luận giữa bộ quốc phòng Mỹ và Trung Quốc là điều tốt. Nhưng sự đối thoại cũng có thể làm giảm nhẹ đồng thời cũng làm tăng những bất đồng hàng hải.
An ninh hàng hải, đặc biệt là ở Biển Hoa Đông và Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], vẫn tiếp tục là vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các bên liên quan khác trong khu vực. Những sự cố xảy ra trong hai năm qua đã làm căng thẳng các mối quan hệ và do đó đã thúc giục các cuộc đối thoại chính thức và không chính thức, trong đó có một hội nghị kéo dài hai ngày của các chuyên gia được đăng cai bởi Viện hàn lâm Khoa học xã hội Thượng Hải phối hợp với Trung tâm  Carnegie-Tsinghua vì Chính sách Toàn cầu. Cuộc thảo luận nổ ra tại cuộc hội thảo này ở Thượng Hải đã lập tức cho thấy ý nghĩa giá trị của sự đối thoại, song nó cũng cho thấy những hạn chế của đối thoại.

Trong khi các quan chức của Trung Quốc và Mỹ nổ lực xây dựng công trình mong manh của sự hợp tác hàng hải được thúc đẩy hồi đầu tháng 5 vừa qua thông qua các cuộc thảo luận của quan chức quân sự và dân sự cấp cao thì họ cũng rất nên  suy nghĩ về sự tương phản giữa những xung đột về lợi ích quốc gia và những xung đột đi từ sự thiếu hiểu biết lẫn nhau. Như cả hai bên đều đã hiểu, sự đối thoại không nhất thiết cải thiện loại xung đột thứ nhất, song nó hoàn toàn có thể góp phần làm giảm bớt loại xung đột loại thứ hai.
Thực vậy, Giáo sư Nan Li của Trường Hải Quân Hoa Kỳ tin rằng sự đối thoại thực ra có khi lại làm giảm mức độ tin cậy lẫn nhau khi những bất đồng có liên quan đến lợi ích quốc gia. Trường hợp này có lẽ là đúng đối với Trung Quốc và có thể lý giải quốc phòng tích cực hoặc chiến lược chống tiếp cận và từ chối khu vực của họ [anti-access and area denial strategy]. Chẳng hạn như khi một người am hiểu tình hình như thiếu tướng hải quân Yang Yi tuyên bố rằng chiến lược này chỉ áp dụng cho những kịch bản “chiến trường Đài Loan” thì Mỹ và các nước khác tỏ ra hoài nghi nếu không muốn nói là không thể tin nổi. 
Tương tự, sự đối thoại có khi lại là phản tác dụng khi Mỹ định giải thích [cho Trung Quốc] về khái niệm giao chiến trên biển-trên không. Mặc dù khái niệm này vẫn còn chưa rõ ràng nhưng việc mô tả các khái niệm về sự hành quân của Hải Quân-Không lực trong trường hợp một kẻ thù như Iran định phong tỏa Eo biển Hormuz lại gây ra cho những người ở Bắc Kinh nỗi lo sợ về một chính sách ngăn chặn lớn hơn. Mặt khác, bởi vì khái niệm nói trên đã được đề cập chính thức trong số ra hồi tháng Hai của Tạp chí quốc phòng xuất bản bốn năm một lần cho nên nhiều người Trung Quốc đã cho rằng sự giao tranh trên không-trên biển là một chiến lược thực sự chứ không chỉ là một khái niệm.
Cũng vậy, Trung Quốc và Mỹ có cách hiểu khác nhau căn bản về Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Một điểm bất đồng giữa hai nước ấy là liệu các hoạt động quân sự có được phép hay không và loại hoạt động quân sự nào được phép trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một quốc gia (EEZ). Trung Quốc do những lợi ích quốc gia và sự tự tin ngày càng gia tăng cho nên đang mở rộng cách hiểu về EEZ và thu hẹp cách hiểu về loại hoạt động quân sự nào mà một nước ngoài được phép tiến hành trong phạm vi một EEZ. Các hoạt động đó phải vì mục đích hòa bình và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc không coi việc thu thập tin tức tình báo dù là bằng các tàu phi quân sự là hoạt động vì mục đích hòa bình. Mỹ, mặt khác, lại cho rằng việc thu thập tin tức như vậy là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng đồng thời cũng cho rằng Mỹ có nghĩa vụ kiểm tra định kỳ giả thuyết của mình để duy trì điều được Mỹ coi là lợi ích chung của tự do hàng hải.
Song, tình hình hàng hải trên thực tế luôn năng động chứ không đơn giản là một vấn đề thuộc về cách hiểu luật pháp quốc tế. Chẳng hạn như Trung quốc, theo lời một học giả Trung Quốc, đang đầu tư vào một công nghệ mới để ngăn cản hoạt động thu thập tin tức tình báo của Mỹ về các tàu ngầm của Trung Quốc. Như vậy, sự cố xảy ra đối với tàu giám sát hải dương USNS Impeccable hồi tháng Ba năm 2009 khi một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc tạt ngang qua mũi con tàu đó chỉ cách có 100 yard (gần 100 mét) đã khiến cho Trung Quốc trong tương lai sẽ đưa ra công nghệ mới mẻ để ngăn chặn việc Mỹ có thể theo dõi các hoạt động mờ ám của Hải quân của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLAN).
Các sáng kiến chính trị là một chiến lược khác nữa mà Trung Quốc sẽ sử dụng để ngăn chặn tàu chiến của Mỹ do thám các tàu ngầm của họ. Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước thuộc nhóm BRIC như Ấn Độ và Brazil [nhóm BRIC gồm Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ]  là những nước cũng đang phản đối các hoạt động quân sự của nước ngoài ở các EEZ của họ. Tại một diễn đàn khác hồi tháng 5, học giả người Trung Quốc Shen Dingli nói rằng Trung Quốc có quyền đưa ra yêu sách song không có quyền can thiệp trực tiếp vào hoạt động thu thập tin tức như vậy. Song, Giáo sư Shen lại nói thêm rằng trong vòng 30 năm tới khi mà hải quân của Trung Quốc thực sự có tầm ảnh hưởng toàn cầu và có thể sẽ có các căn cứ ở châu Mỹ La Tinh thì khi ấy sẽ đến lượt Trung Quốc quấy nhiễu Mỹ bằng các hoạt động nghe lén ở trong phạm vi EEZ của Mỹ.
Một số học giả Trung Quốc đang đóng góp sự nghiên cứu và kiến thức đáng kể của họ cho những luận cứ dân tộc chủ nghĩa. Nhưng đôi khi khôn quá hóa dại bởi vì nước nào cũng vậy, kể cả Trung Quốc, có khi đưa ra những luận cứ mâu thuẫn nhau vào những dịp khác nhau. Chẳng hạn như trong tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Diaoyu còn Nhật Bản gọi là Senkaku [Điếu Ngư] thì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi đá chính và đo đó Nhật Bản chỉ được phép có chủ quyền đối với EEZ trong phạm vi 12 hải lý chứ không phải 200 hải lý tính từ một hòn đảo.  Nhưng trong cái “đường đứt đoạn chín điểm” nổi tiếng vì nhập nhằng của Trung Quốc, tức một đường hình chữ U khẳng định chủ quyền pháp lý đối với hầu hết Biển Hoa Nam thì Trung Quốc lại cố tình che giấu sự thật là rất nhiều đặc tính địa hình [land features] nói rạch ròi ra thì chỉ là những bãi đá.
Vì lý do này mà Tiến sĩ Li Mingjiang đã cho rằng sẽ là vì lợi ích của Trung Quốc nếu làm rõ được bản đồ đường chín điểm đứt đoạn của Biển Hoa Nam nghĩa là gì. Thay vì ra sức biện luận rằng bản đồ đó là lãnh hải hoặc vùng nước do lịch sử để lại hoặc quyền do lịch sử để lại của Trung Quốc thì, ông khuyên rằng Trung Quốc nên yêu sách rằng đó đơn giản chỉ là một đường bao quanh những hòn đảo và đặc tính địa hình theo định nghĩa của UNCLOS. Các nước duyên hải khác sẽ phản đối yêu sách nói trên, song sự giải thích sáng sủa sẽ có tác dụng hạn chế những mối nghi ngờ rằng Trung Quốc đang mở rộng các lợi ích cốt lõi của mình cho xứng với sức mạnh của họ. 
Những lo ngại về ý đồ lâu dài và những khả năng của Trung Quốc là nguyên nhân gieo rắc tâm lý không chắc chắn trong lĩnh vực hàng hải. Và dù có sửa đổi UNCLOS thế nào đi nữa thì vẫn không thể xua tan những bất đồng có động lực từ những lợi ích quốc gia.  Trong khi đó, chính quyền của Obama đã đúng khi tiếp tục thúc giục phê chuẩn NCLOS, bởi vì việc không phê chuẩn sẽ phát đi thông điệp tới cả thế giới rằng Mỹ đã tạo ra những nguyên tắc độc đoán thay vì ủng hộ một hệ thống dựa trên những nguyên tắc toàn cầu.
Nhưng nếu như sự đối thoại có thể có ích thì sự có ích đó bao gồm cả những trường hợp ở đó có một lợi ích quốc gia được chia sẻ. Chẳng hạn, khi các hoạt động của tàu ngầm ngày càng gia tăng ở Tây Thái Bình Dương thì điều hầu như không thể tránh khỏi ấy là sẽ có những sự cố. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm của Liên Xô trung bình mỗi năm va chạm một lần còn tàu ngầm của Mỹ thì có lẽ ba năm một lần. Gần đây, hai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Pháp và Anh đã đâm nhau khi định tìm nơi trú ẩn ở cùng một địa điểm, điều này chứng tỏ ngay cả chỗ đồng minh thân thiết thì cũng có những sự rủi ro. Do không có sự vận dụng những thỏa thuận như Hiệp định Tai nạn trên Biển Mỹ-Liên Xô năm 1972, vì thế các cường quốc trong khu vực không có sự chuẩn bị để giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp chẳng hạn như một vụ đâm nhau. Điều này đúng đối với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ. 
Nhưng bất chấp những lợi ích xung đột nhau, sự hợp tác vẫn có thể tiếp tục được theo đuổi dưới những hình thức khác nhau. Một hình thức ấy là tăng cường tính minh bạch (mặc dù Sách Trắng của Trung Quốc gần đây dường như chứng tỏ là Trung Quốc không quan tâm tới việc đi xa hơn những gì họ đã có được trong những năm gần đây). Một dạng hợp tác khác là xác lập những thỏa thuận bổ sung kiểu như Hiệp định về Tai nạn trên Biển và sử dụng hiệp định hiện có. Ví dụ lớn nhất của sự có hiệp định nhưng không vận dụng thỏa đáng ấy là Hiệp định Hợp tác Hàng hải Quân sự năm 1998 mà cho mãi tới gần đây vẫn hầu như để mặc cho tồn tại lay lứt do Trung Quốc không sẵn sàng để cho Mỹ đi quá xa. Ý tưởng thứ ba là mở rộng sự hợp tác Nhân đạo và Cứu trợ Thảm họa, cả song phương lẫn đa phương. Cuối cùng, có quan điểm cho rằng phải tiếp tục theo đuổi sự phát triển chung [joint development] – và không dừng lại khi căng thẳng dâng cao, như Trung Quốc đã làm hồi năm 2010 liên quan đến sự cùng nhau phát triển năng lượng ở Biển Hoa Đông sau khi một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với một tàu chiến tuần tra ven biển của Nhật Bản.  
Dù bất cứ kiểu hành động hợp tác nào được xem xét đi nữa thì điều không nghi ngờ ấy là những nỗ lực đa phương gần đây của các lực lượng hàng hải đã có những sự tiến triển. Chẳng hạn, Hiệp định chống hải tặc và cướp có vũ trang ở châu Á (ReCAAP) là hiệp định cấp chính phủ đầu tiên của khu vực nhằm xúc tiến và đẩy mạnh sự hợp tác trong các vấn đề nói trên ở châu Á. Khoảng 17 nước đã tham gia hiệp định này kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 2006. Các nước trong khu vực này cũng chia sẻ thông tin theo dõi hoạt động của tàu thuyền và tham gia tuần tra chung, và các hoạt động này có khuynh hướng gia tăng trong những năm tới. Các biện pháp nói trên được xây dựng dựa trên những lợi ích chung về tự do hàng hải, ít nhất thì cũng liên quan đến các tuyến đường hàng hải thương mại.
Vượt ra ngoài khuôn khổ của sự hợp tác có giới hạn nói trên thì gần đây còn có sự hi vọng nào đó ở chỗ các nước đã bắt đầu phản đối lối tư duy bi quan. Chẳng hạn, hiện nay đang có sự lo lắng lan rộng về sự cạnh tranh năng lượng, trong đó có sự cạnh tranh ở Biển Hoa Nam và Biển Hoa Đông. Nhưng số khác lại biện luận rằng trên thực tế thì các bảng địa chất lại phủ nhận sự lo lắng này, bởi vì khí hydrocacbon nói chung chỉ đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 15-20 năm nữa; tới thời điểm Trung Quốc xây dựng xong một lực lượng hải quân thực sự hùng mạnh để bảo vệ các tuyến đường hàng hải của họ thì các nguồn năng lượng có lẽ đã đang trên đường cạn kiệt. Tính tới điều này cho nên Christine Parthemore thuộc Trung tâm vì một nền an ninh kiểu mới của Mỹ đã cho rằng các quốc gia tốt nhất hãy chẳng nên lo lắng tới điều này mà nên tập trung vào những mối lo ngại chung có tính lâu dài, chẳng hạn như các nguồn cá đã cạn kiệt và tác động môi trường của sự biến đổi khí hậu. Và đối với các vấn đề này thì hầu hết các nước đều mong muốn và thấy cần thiết phải hợp tác. 
Các cuộc đối thoại chiến lược và quân sự Mỹ-Trung gần đây ở Washington đã thúc đẩy khái niệm về sự hợp tác và hoạt động chung trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và chống hải tặc. Đây chính là cách tiếp cận từng bước hình thành các nhóm biện pháp tạo sự tin cậy có thể đem lại lợi ích đích thực và hầu như chắc chắn tất yếu phải thực thi trong tương lai. 
Nhưng Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ muốn đặt những câu hỏi khó cho nhau, một số câu hỏi trong số đó chỉ đơn giản phản ánh mối lo ngại của Mỹ rằng Mỹ có thể bị mất khả năng thể hiện sức mạnh hải quân và không quân ở châu Á còn Trung Quốc thì lo ngại rằng họ sẽ không thể phát triển thành một cường quốc trên biển lẫn trên đất liền. Một ví dụ rất thích hợp được thấy ở cách Bắc Kinh nhìn nhận những lời phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong năm 2010 với hàm ý là hiệp ước Mỹ-Nhật về quần đảo Diaoyu/Senkaku Islands là một sự đi chệch ra khỏi chính sách trước đó của Mỹ ấy là cố gắng thận trọng để không đứng về phe nào trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền. 
Trung Quốc cũng tin rằng Hiệp ước Shimonoseki năm 1895, một hiệp ước đã ép một nước Trung Quốc khi ấy đang yếu phải nhượng bộ hòn đảo này, là không có hiệu lực và nước Mỹ đã sai khi lấy lại quần đảo này sau Thế chiến II rồi sau đó đã giao cho Nhật Bản quản lý. Trên thực tế, vào năm 2002, thứ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó là Richard Armitage đã có những phát biểu giống hệt như Ngoại trưởng Clinton về chính sách của Mỹ và thật ngạc nhiên là hồi đó [năm 2002] Trung Quốc đã không hề phản đối những lời phát biểu [của Richard Armitage]. Ngoài ra, chính sách tìm kiếm các biện pháp đa phương xây dựng lòng tin của Mỹ không mâu thuẫn với chính sách cố gắng tránh đứng về riêng một phe nào; đúng hơn, chính sách của Mỹ chỉ đơn giản nhấn mạnh rằng Mỹ và nhiều nước khác có lợi ích nằm trong việc những tranh chấp đang được giải quyết theo cách nào.
Như vậy có thể thấy rõ là những lợi ích quốc gia sẽ làm hạn chế mức độ và tốc độ hợp tác ở trong và ở xung quanh Tây Thái Bình Dương. Sự hợp tác sẽ gia tăng, song vẫn tiếp tục  dễ bị tổn thương trong vấn đề liên quan đến các vùng biển tắc nghẽn giao thông hàng hải và bất ổn định. Người đồng tổ chức hội nghị ở Thượng Hải là Liu Ming có lẽ đã có nhận xét đáng chú ý sau đây: Mỹ sẽ phải thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và lòng tin do điều này đem lại, còn Trung Quốc thì phải thừa nhận rằng Mỹ vẫn tiếp tục duy trì ưu thế hàng hải.
Tiến sĩ Patrick M. Cronin là cố vấn cao cấp và giám đốc lâu năm của Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương của Trung tâm vì nền An ninh kiểu mới của nước Mỹ tại Washington, D.C.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Tổng số lượt xem trang