CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Ngọc Thu dịch
Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng
07-03-1971
Mô tả: Vai trò của Trung Quốc và Việt Nam ở Đông Á và thế giới.
Chu Ân Lai: Đồng chí Mao Trạch Đông đã nói với đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng rằng, các đồng chí Việt Nam biết chiến đấu và đàm phán như thế nào. Tôi cũng nói với các đồng chí Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình, rằng các cuộc đàm phán khá tốt. Tôi có được một số kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán trước đây, nhưng bây giờ tôi phải học hỏi từ các đồng chí.
…
Chính phủ Thái Lan rất e ngại các lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Thái. Họ biết rằng vũ khí của các lực lượng vũ trang Đảng Cộng sản Thái được vận chuyển qua ngả Việt Nam và Lào. Họ cũng biết Trung Quốc có một con đường chạy tới biên giới Trung-Lào. Vì vậy, họ phải đối mặt với mối đe dọa về cuộc chiến mở rộng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cho rằng, hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc không thể hy sinh lợi ích của mối quan hệ giữa các chính phủ. Chỉ có những kẻ phản bội mới làm như thế (1).
Nếu chúng tôi đứng về phía Liên Xô, thì họ sẽ kiểm soát chúng tôi. Và nếu có bất đồng giữa chúng tôi, chúng ta nên nói chuyện trên cơ sở độc lập và tự chủ. Nếu chúng tôi thành lập Mặt trận Dân tộc trên toàn thế giới, gồm cả Liên Xô, họ sẽ kiểm soát mặt trận này. Vì vậy, các ông phải chủ động vấn đề này. Chính phủ chúng tôi ủng hộ đề nghị 8 điểm và 10 điểm của các ông. Liên Xô muốn thành lập một mặt trận thống nhất, trong mặt trận đó chúng ta phải nghe theo họ.
Hôm qua tôi đã nói với các ông điều mà Mao Chủ tịch yêu cầu tôi truyền đạt cho các ông. Những lời nói này là những lời chân thành. Đó là, chúng tôi phải cảm ơn các ông và học hỏi từ các ông, liên quan đến cuộc chiến chống Mỹ. Không ủng hộ cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam cũng giống như phản bội cách mạng. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị đáp lại sự hy sinh của chúng tôi trong trường hợp địch mở rộng chiến tranh.
Lê Duẩn: Nhật Bản có kế hoạch cho khu vực Đông Nam Á. Họ muốn kiểm soát khu vực này. Chúng tôi muốn đập tan liên minh Mỹ-Nhật cũng như liên minh giữa Mỹ, Nhật và tầng lớp tư sản trong khu vực. Chúng ta phải thiết lập một mặt trận thế giới, trước tiên sẽ được xây dựng bởi một số nước nồng cốt và sau đó mở rộng, gồm các nước châu Phi và Mỹ Latinh.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi đã nhấn mạnh vai trò của mặt trận nhân danh các dân tộc.
Lê Duẩn: Nhân dân thế giới muốn phản đối "học thuyết Nixon", điều đó cũng có nghĩa là chống lại liên minh Mỹ-Nhật. Do đó, vấn đề là làm thế nào chúng ta thiết lập mặt trận này, ai có khả năng làm điều này. Chỉ có Trung Quốc chứ không ai khác.
Mọi người đều biết rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Dương đã diễn ra ở Trung Quốc. Nên trong tương lai, sẽ có nhiều ảnh hưởng nếu một cuộc họp của các dân tộc trên thế giới được tổ chức ở Trung Quốc. Chúng tôi đề xuất sáng kiến này để phản đối Học thuyết Nixon, tiếp tục cô lập Mỹ, làm suy yếu liên minh Mỹ-Nhật và làm rung chuyển tầng lớp tư sản ở Đông Nam Á, góp phần đánh bại chiến lược toàn cầu của Mỹ. Kết quả là không những [tốt đẹp] cho tương lai gần, mà còn có lợi về lâu dài. Chỉ Trung Quốc mới có đủ sức mạnh để làm điều này.
Chu Ân Lai: Đây là vấn đề mới. Đông Á là một phần của thế giới. Những người dân ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đang chịu đựng chính sách phản động của Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, về vấn đề thành lập mặt trận nhân dân chống lại họ, chúng tôi cần thêm thời gian để suy nghĩ. Đôi khi các ông ở vị trí có lợi hơn chúng tôi. Đôi khi và về một số vấn đề, chúng tôi [ở vị trí thuận lợi hơn].
Ghi chú:
1. Buổi nói chuyện này diễn ra ngay khi miền Nam xâm lược Lào, bắt đầu ngày 8 tháng 2, đi vào bế tắc và lực lượng Bắc Việt trở lại sáng kiến này.
Nguồn: Wilsoncenter.org