Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Năm Canh Sợ Gà

-Năm Canh Sợ Gà
Kinh Tế Cũng Là Chính Trị
Nguyễn Xuân Nghĩa - Ngườui Việt 20110509

Đối thoại Hoa-Mỹ: chiến lược trước, Kinh tế sau


    "Lộn đường rồi! Phía này cơ!" Tổng trưởng Ngân khố Geithner
chỉ đường cho Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn trong kỳ họp ngày Thứ Hai mùng chín...



Tuần này, trong hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba (mùng chín mùng 10), Hoa Kỳ và Trung Quốc lại có phiên họp cao cấp, gọi là "Đối thoại Chiến lược và Kinh tế" (S&E, Strategic and Economic Dialogue). Chuyện đối thoại này cho thấy sự chuyển dịch mục tiêu từ kinh tế sang chính trị.
Bài này sẽ nói ngắn gọn về sự chuyển dịch đó. Như một bối cảnh để theo dõi trận đấu Mỹ-Hoa với nụ cười.


***


Đàm hơn là đánh....


Mọi sự bắt đầu từ năm 2004, bên lề Thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương) tại xứ Chile, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề nghị với Tổng thống George W. Bush là cấp lãnh đạo kinh tế hai nước nên có những buổi gặp gỡ định kỳ để thảo luận về các vấn đề song phương. Việc áo cơm giữa hai nước thì nên nói chuyện phải quấy đã, chớ đừng đánh nhau bằng luật lệ hay tố tụng! Cuộc gặp gỡ lần đầu là vào Tháng Tám năm 2005 tại Bắc Kinh. Lần thứ nhì là Tháng 12 năm đó tại thủ đô Washington D.C. Tổng cộng là sáu lần trong ba năm....

Qua năm 2006, Tổng thống Bush và Hồ Cẩm Đào đồng ý nâng cấp đối thoại lên một bậc và định chế hóa thành một năm hai phiên họp, luân phiên tại thủ đô của hai nước. Tổng cộng, hai bên có năm phiên họp như vậy, phía Hoa Kỳ do Tổng trưởng Ngân khố làm trưởng đoàn, phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng, khi ấy là bà Ngô Nghi. Đó là khuôn khổ đối thoại kinh tế mang tính chất chiến lược, gọi là Strategic Economic Dialogue, trong đó, tầm chiến lược của vấn đề kinh tế được nhấn mạnh: chữ "chiến lược" là hình dung từ bổ nghĩa cho chữ "kinh tế".

Đến Thượng đỉnh G-20 vào Tháng Tư năm 2009, lãnh đạo Mỹ-Hoa là Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề nghị mở rộng tầm đối thoại. Từ nay sẽ bao gồm hai loại vấn đề là kinh tế lẫn chiến lược giữa đôi bên. Thực tế là nói chuyện về kinh tế và ngoại giao giữa hai quốc gia lẫn các vấn đề đáng quan tâm của thế giới. Ngoài giới chức kinh tế tài chánh, còn có sự tham dự của viên chức ngoại giao.

Đồng chủ tịch của phần vụ đối thoại về kinh tế là Tổng trưởng Ngân khố Mỹ Timothy Geithner và Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn. Đồng chủ tịch của phần vụ đối ngoại về chiến lược là Ngoại trưởng Hillary Clinton và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc - một "siêu Tổng trưởng" và nhân vật có thẩm quyền về ngoại giao của Trung ương đảng.

Khuôn khổ đối thoại vừa kinh tế vừa chiến lược (S&E thay vì SE) xuất phát từ đó. Lần này là cuộc gặp gỡ thứ ba. Nhưng lần này, việc đối thoại hoặc thực tế là thương thảo song phương còn có ý nghĩa khác. Vì một sáng kiến của... Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Tháng Giêng vừa qua, khi thăm viếng Bắc Kinh - và chứng kiến sự xuất hiện huê dạng của máy bay tàng hình "Tiêm kích J-20" trước vẻ ngỡ ngàng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Tổng trưởng Robert Gates đề nghị là đôi bên nên đưa vấn đề an ninh vào nghị trình các buổi họp, với sự tham dự của các giới chức về an ninh và quân sự.

Sau cùng thì Bắc Kinh đồng ý. Như vậy, việc nâng cấp rồi mở rộng nội dung đối thoại phản ảnh nhiều vấn đề - căng thẳng - trong quan hệ song phương Hoa-Mỹ.


***


Trước hết là loại vấn đề an ninh chiến lược


Ngôn từ cho rõ là vấn đề an ninh có tầm mức chiến lược. Quan hệ giữa đôi bên đã có phần suy đồi vì những gián đoạn trong việc thông tin và thảo luận về quân sự và quốc phòng. Từ việc Mỹ cung cấp võ khí cho Đài Loan đến nỗ lực trang bị quân sự của Bắc Kinh, hai bên có những động thái khiến bên kia nghi ngờ. Chi bằng nói thẳng và công khai hóa những quyết định của mình. Hoa Kỳ đã có khuôn khổ đối thoại và thương thảo như vậy với Liên bang Nga, cớ sao không có một nơi thảo luận tương tự với Trung Quốc?

Vì vậy, lần này là lần đầu mà ngoài chuyện áo cơm và giao hảo, hay nước sẽ nói thẳng vào chuyện binh đao. May ra sẽ tránh được những suy đoán hoặc nghi ngại thiếu cơ sở theo kiểu "chính là sự sợ hãi của ngươi mới làm ta hãi sợ!" Nhưng vì là lần đầu, không ai chờ đợi một kết quả ngoạn mục. Chỉ mong rằng đã ngồi vào bàn hội nghị thì khó phóng ra ám khí. Mong thôi, vì binh bất yếm trá mà!


***

Hồ sơ thứ hai là các vấn đề chiến lược.


Phía Hoa Kỳ đề nghị Bắc Kinh nói ra và giải thích cảm nghĩ của mình về mấy điểm nóng của thế giới. "Cách mạng Hoa nhài" hay trào lưu dân chủ có là sáng kiến hay âm mưu của Mỹ không, vì sao quý quốc lại có vẻ sợ hãi và bắt bớ lung tung? Việc Bắc Kinh chà đạp nhân quyền là điều nước Mỹ và dân Mỹ quan tâm, và cần có lời giải thích.

Phía Trung Quốc thì tránh nói đến chuyện nhân quyền của vụ hạ sát Osama bin Laden hay tập kích dinh thự của Moammar Gaddafi tại Libya, nhưng ngợi ca thành tích diệt trừ khủng bố của Mỹ - một nhu cầu tương đồng - qua vụ bin Laden. Và bênh vực Pakistan trong nỗ lực chung là giải trừ nguy cơ khủng bố. Chuyện Tân Cương của Trung Quốc cũng chẳng khác gì vấn đề khủng bố của Hoa Kỳ.

Nổi cộm trong đó có vai trò của Pakistan.

Từ năm ngoái, Trung Quốc đã nhá ra nhiều hợp đồng trị giá tới 35 tỷ Mỹ kim cho Pakistan, bây giờ Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng trám vào khoảng trống về viện trợ cho xứ này, nếu phía Mỹ đổi ý. Hồ sơ kinh tế của Pakistan thật ra liên hệ đến A Phú Hãn, nơi Hoa Kỳ muốn rút quân, và đến Ấn Độ là một đối thủ của Trung Quốc và kẻ thù của Pakistan.

Từ khi Đông Hồi của Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan ly khai thành một xứ độc lập là Bangladesh vào năm 1971, cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều tìm cách hợp tác với chế độ Islamabad. Nhưng nền tảng hợp tác ấy đã thay đổi. Bây giờ hai bên tính sao và muốn gì?

Nhìn rộng ra ngoài, Bắc Kinh có thể mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố và chưa thể rút quân khỏi Iraq hay A Phú Hãn để ngó qua ao nhà của Trung Quốc là Đông Á. Nhưng A Phú Hãn lại là sân sau của Trung Quốc! Và việc Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Ấn Độ cũng chẳng là điều đáng mừng cho Bắc Kinh.

Hoá ra trái đất hình tròn, đi mãi về hướng Đông thì sẽ gặp hướng Tây!


***


Hồ sơ thứ ba mới là chuyện kinh tế

Hoa Kỳ muốn mở rộng tầm đối thoại ra khỏi chuyện hối suất đồng Nguyên.

So với Mỹ kim thì đồng bạc Trung Quốc mới chỉ tăng có 4,9% kể từ Tháng Sáu năm ngoái khi Bắc Kinh khoe là đã thả dây neo cho dài hơn một chút. Để giải trừ lạm phát, sao không điều chỉnh tỷ giá đồng Nguyên? Và nếu muốn phát triển quốc gia một cách hài hòa, sao không giải tỏa chế độ kiểm soát tiền tệ và tư bản, nâng lãi suất và mở cửa cho tư bản Mỹ đầu tư vào khu vực dịch vụ tài chánh? Đấy cũng là một cách mở đường cho Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Hoa Kỳ.

Đáng chú ý trong kỳ đối thoại này là Tổng trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke. Là người gốc Hoa, với tên gọi Hoa ngữ là Lạc Gia Huy, ông Locke sẽ là Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh thay ông Jon Huntsman vừa từ chức để có thể ra tranh cử Tổng thống bên đảng Cộng Hoà.

Trong cương vị Tổng trưởng Thương mại, ông Locke đã nhiều lần than phiền việc Bắc Kinh kỳ thị, ngược đãi và gây khó cho doanh nghiệp Mỹ tại Hoa lục trong khi tiếp tục ưu đãi xí nghiệp quốc doanh của Trung Quốc. Hiển nhiên là ông than phiền bằng tiếng Anh và có ghi vào biên bản hẳn hoi!

Với hai vợ chồng tân Đại sứ đều gốc Hoa - bà Locke có nhũ danh là Mona Lee, với gia đình xuất phát từ Thượng Hải và Hồ Bắc - nước Mỹ có một đại diện am hiểu chuyện làm ăn buôn bán giữa hai nước. Ông Locke từng là Thống đốc tiểu bang Washington ở miền Tây và thúc đẩy giao thương rất mạnh với Trung Quóc vì "đôi bên cùng có lợi".

Thế giới giật mình về tinh thần dung dị biến báo của Hoa Kỳ qua vụ bổ nhiệm này! Trong khi ấy, ông Jon Huntsman, nguyên Thống đốc Utah cũng nhuẫn nhuyễn tiếng Quan thoại vì xuất thân từ một gia đình truyền giáo, có ý hướng nâng cao sức cạnh tranh của Hoa Kỳ sau khi đã thấy Trung Quốc từ bên trong....

Phía Bắc Kinh thì nhấn mạnh tới sự chuyển hướng của Trung Quốc qua Kế hoạch Năm năm thứ 12, từ 2011 đến 2016, để chú trọng tới phẩm hơn lượng của tăng trưởng. Nhưng nhìn từ Hoa Kỳ, liệu sự chuyển hướng đó có ngụy trang một chánh sách tập trung quản lý kinh tế và đi ngược những yêu cầu giải tỏa không? Phía Trung Quốc thì lại e rằng việc giải tỏa ấy sẽ càng đẩy mạnh nguy cơ phân hoá ở bên trong và đấy mới là mục tiêu chiến lược của Đế quốc độc bá này.

Sự sợ hãi của ngươi mới làm ta hãi sợ!


***


Lùi để mà tiến


Tổng kết lại, từ năm ngoái, Trung Quốc đã có chiều hướng đối thoại nhũn nhặn hơn là đối đầu.

Sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương hồi Tháng 10, Bắc Kinh chuẩn bị chuyển hướng kinh tế và chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ năm sẽ lên lãnh đạo sau Đại hội 18 vào năm tới. Thực tế thì dưới vẻ nhũn nhặn này là cả một chiến dịch vận động ngoại giao nhằm tạo ra một hình ảnh ôn hòa và hào phóng hơn của Trung Quốc với hàng loạt quốc gia trên thế giới.

Người am hiểu văn hoá Trung Hoa đều biết thuật "tiếu lý tàng đao" - giấu dao sau nụ cười! Nhưng người am hiểu kinh tế Trung Quốc thì cũng biết rằng khi miệng cười như vậy là bụng đã toát mồ hôi lạnh. Trong cả hai giả thuyết, động thái của Bắc Kinh đều đáng ngại. Ngược lại, lãnh đạo Trung Quốc cũng dè chừng phản ứng của Hoa Kỳ.

Từ 10 năm trước, Hoa Kỳ đã xa cảng và mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO với hy vọng là xứ này sẽ cải cách cả kinh tế lẫn chính trị và trở thành hiếu hòa hơn trong một thế giới hội nhập. Nhờ hội nhập, Trung Quốc vọt lên thành một đại cường kinh tế. Với sức mạnh kinh tế của quốc gia - và ba ngàn tỷ Mỹ kim dằn lưng - Bắc Kinh bắt đầu chơi bạo và thách đố vị trí của Hoa Kỳ trên hầu hết mọi diễn đàn, kể cả đòi nâng vị trí đồng Nguyên thành ngoại tệ dự trữ hầu giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ. Còn việc cải cách kia thì chưa hề có!

Trong khi ấy, Hoa Kỳ cần xuất cảng nhiều hơn và khó chấp nhận nổi cái khung cửa hẹp để bán hàng vào Hoa lục hầu giảm mức nhập siêu. Vì kinh tế và ngoại thương, quan hệ đôi bên sẽ chỉ thêm căng thẳng.

Ngược lại, Bắc Kinh nhìn ra âm mưu của Mỹ là tạo ra sự chuyển hóa trong các xã hội khác, bất kể tới chuyện thân Mỹ hay không! Với lãnh đạo Bắc Kinh vốn dĩ đa nghi hơn Tào Tháo, Cách mạng Hoa nhài tại Trung Đông chỉ là mặt nổi, cái mũi chìm rất sâu là nhắm vào Trung Quốc, là xen lấn vào nội tình Hoa lục.

Suy ra thì cả kế hoạch diệt trừ khủng bố toàn cầu mà Mỹ tiến hành từ gần 10 năm nay đã bắt đầu nở hoa. Sau khi chấn chỉnh chi thu và tổ chức xong bầu cử vào năm tới, Hoa Kỳ sẽ tái xuất hiện trên thế mạnh, tại Đông Á. Và gây vấn đề cho thế hệ lãnh đạo thứ năm, đang đưa Trung Quốc vào một khúc quanh ngặt nghèo. Ngặt nghèo nhất kể từ 30 năm nay.

Những não trạng kiểu Tào A Man liền liên tưởng đến áp lực của Mỹ trên đồng Yen của Nhật rồi   vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997-1998 khiến các nước tân hưng Á châu đều điêu đứng. Lần này, được đứng trong đó, Trung Quốc lại e ngại một sự tái diễn của lịch sử. 

Nhất là khi Ngoại trưởng Hillary Clinton lại phát biểu thực tâm của mình trong một cuộc phỏng vấn của tờ The Atlantic Monthly, rằng mô hình Trung Quốc tất nhiên thất bại (doomed) và việc đàn áp nhân quyền là trò cười vô vọng (fool's errand).  


***


Xin kết thúc phần bối cảnh nhức đầu này bằng truyện vui. 

Có gã điên kia tin rằng mình là con giun nên rất sợ gà. Cứ thấy gà là chạy. Vào dưỡng trí viện chữa trị xong, anh ta biết rằng mình là con người và được thả về nhà. Nhưng vừa tới đầu ngõ đã lộn về, mặt mày tái ngắt. Vì ngoài kia lại có con gà!

"Thế rồi sao, bác sĩ hỏi lại, anh là con người chứ có là con giun đâu?"

"Thưa rằng em biết vậy. Nhưng con gà nó không biết, vẫn cứ tưởng em là con giun!"

"Chỉ sợ gà" là vẻ cười cầu tài của Thiên triều, hoàn toàn không có ý xàm xỡ của cụ Yên Đổ!

Tổng số lượt xem trang