Thu nhập thấp, điều kiện lao động khó khăn... đã khiến gần 1.000 CNLĐ ngành đường sắt đơn phương xin chấm dứt hợp đồng làm việc. Đối mặt với nguy cơ này, cán bộ CĐ ngành đường sắt đã tỏ rõ vai trò là “người đại diện” cho CN.
CĐ vừa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho CN nghỉ việc, đồng thời động viên, bảo vệ nguồn LĐ ổn định cho từng đơn vị...
Cả ngàn công nhân đơn phương nghỉ việc
Trưởng ban Tuyên giáo CĐ Đường sắt VN - ông Phạm Đức Thuận - cho biết, số lượng CBCNVCLĐ toàn ngành hiện chưa đến 42.000 người. So với năm 2008, giảm gần 2.000 người. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là hiện tượng CNLĐ xin chấm dứt hợp đồng LĐ đơn phương xảy ra khá nhiều, đang là một thách thức lớn của ngành đường sắt. Các đối tượng xin nghỉ việc phần lớn lại là LĐ chủ chốt trên các ga, tuyến đường sắt Bắc - Nam. Dù lực lượng LĐ này không đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao, song đối với những CNLĐ là người gác ghi, trực ga, bảo vệ, thông tin... là hết sức cần kíp để đảm bảo lưu thông an toàn cho những chuyến tàu. Nhiều xí nghiệp hiện đang gặp khó khăn về kinh doanh, nhất là các đơn vị đóng ở vị trí xa xôi hẻo lánh, nhưng không thể thuyên giảm số NLĐ được.
Thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động, kinh doanh của ngành đường sắt. Ảnh: Thanh Hải |
Tại Hội nghị cán bộ CĐ chủ chốt năm 2011 của ngành đường sắt VN (tổ chức từ ngày 25 - 27.5, tại Đà Nẵng), Chủ tịch CĐ Đường sắt VN - ông Khuất Minh Trí - cho biết, ngành đường sắt sản xuất kinh doanh trong điều kiện cơ sở vật chất phần lớn còn lạc hậu. Đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng dẫu có được quan tâm, song chỉ đạt mức... 30% so với nhu cầu. Là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, quản lý trên 3.500km đường sắt, với 6 tuyến đường đi qua 34 tỉnh, thành. Điều kiện làm việc phân tán, nhiều bộ phận công tác theo chế độ ca kíp, lưu động...
Thế nhưng, hiện tỉ trọng đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 4,2% so với tổng vốn đầu tư cho toàn ngành GTVT. Ngành đường sắt còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các phương tiện vận tải khác, đồng thời chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai, lũ lụt hằng năm. Vì vậy, để tăng thu nhập cao cho hàng chục ngàn LĐ là một bài toán khó.
Điểm tựa công đoàn
Chính vì phải đối mặt với những thách thức, khó khăn lớn đó, tại Hội nghị cán bộ CĐ chủ chốt năm 2011 của ngành đường sắt VN, CĐ đã kêu gọi cán bộ chuyên trách, phải tỏ rõ vai trò vị trí của mình trong từng đơn vị, DN.
Ông Phạm Đức Thuận - Trưởng ban Tuyên giáo CĐ ngành đường sắt VN - kêu gọi: “Hơn bao giờ hết, cán bộ CĐ phải thể hiện trách nhiệm - đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho CN. Trước mắt, cần phải tăng cường tuyên truyền, động viên CNLĐ vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn, cùng gánh vác với DN để ổn định sản xuất, kinh doanh. Trường hợp, CN kiên quyết xin nghỉ thì nhất quyết phải đảm bảo đúng quyền lợi
cho họ”.
cho họ”.
Ông Thuận cho biết thêm, cũng chính nhờ vai trò tích cực của tổ chức CĐ mà phần lớn các vụ tranh chấp LĐ, đòi hỏi quyền lợi đã được thu xếp ổn thoả thời gian qua. Trong đó, có 2 vụ khiếu kiện tại XN đường sắt Hải Vân mới đây. Để “níu giữ” NLĐ trong lúc khó khăn, vai trò của tổ chức CĐ hết sức quan trọng.
Thanh Hải