Sophie Quinn-Judge -Đại học Temple, Hoa Kỳ
Hồ Chí Minh là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử chống thực dân. Đến năm 1920, ông đã lãnh đạo một nhóm nhỏ người dân thuộc địa của Pháp sống tại Paris và là chủ biên tờ báo của họ, Le Paria. Quỹ đạo ban đầu của cuộc đời ông tương tự như những người chống thực dân khác thuộc thế hệ hậu Thế chiến thứ Nhất, những người thất vọng vì thỏa hiệp hòa bình 1919 đã lờ đi số phận của họ cũng như không hứa hẹn gì về quyền tự quyết mà Tổng thống Mỹ Wilson đề xướng.
Chính trong khoảnh khắc vỡ mộng với Tây phương mà ông Hồ nhìn về Moscow và lời hứa Quốc tế Cộng sản. Giống như những người Ấn Độ, tưởng rằng sự trung thành với mẫu quốc sẽ được tưởng thưởng khi chiến thắng, giống như người Triều Tiên và Trung Quốc, đã từng hy vọng có nhượng bộ từ Hội nghị Hòa bình Paris, ông Hồ và các đồng chí tin rằng đã đến lúc cho những chiến lược mới. Ông bị thu hút bởi ý nghĩ rằng những người cách mạng Nga sẽ thuyết phục giai cấp công nhân phương Tây chiến đấu cho quyền của người dân thuộc địa.
Với các cây bút người Việt cánh tả lẫn cánh hữu, dường như không thể có nghiên cứu nghiêm túc về Hồ Chí Minh. Giai thoại thay thế cho sự phân tích thực sự quan điểm của ông và những đóng góp về chính sách sau 1945.
Huyền thoại kép
Năm 1945, khi Hồ Chí Minh bộc lộ mình là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, ông trở thành đối tượng cho đủ loại người viết, phân tích gia và tuyên truyền muốn giải thích ông cho thế giới hay sắp xếp hình ảnh của ông. Mặc dù có lúc ngắn ngủi ông cố kiểm soát tiểu sử của chính mình, nhưng nó không còn là lựa chọn cho một lãnh đạo không có quyền uy tuyệt đối. Sang thập niên 1950, ban tuyên truyền của đảng cộng sản dường như đã kiểm soát hình ảnh của ông như một lãnh tụ khôn ngoan, sáng suốt, xóa đi hầu hết cuộc cãi vã và đấu tranh chính trị trong đảng từ 1945 đến thập niên 1960. Hồ Chí Minh bị mắc kẹt trong cái mà tôi gọi là “huyền thoại kép” – cả phe tả lẫn phe hữu đều dần xem ông là một lãnh tụ tuyệt đối theo kiểu Mao hay Stalin. Hoặc ông là lãnh tụ thần thánh dành cả đời cho công cuộc độc lập của Việt Nam, hoặc ông là một nhân vật cộng sản độc tài, giả vờ là cha già dân tộc trong mắt thế giới bên ngoài trong khi lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua thanh trừng, một cuộc cải cách ruộng đất tàn khốc, và hủy diệt tự do trí thức. Mặc dù kể từ khi chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô sụp đổ, đã xuất hiện một ít tiểu sử nghiêm túc và tinh tế về Hồ Chí Minh, nhưng theo tôi, nói chung người ta vẫn không muốn rũ bỏ thứ ngôn ngữ Chiến tranh Lạnh trước đây.
Dường như một số cây bút vẫn tin rằng cách nhanh nhất để làm suy yếu chính quyền Việt Nam hiện nay là hạ bệ danh tiếng của Hồ Chí Minh. Nhưng đây là trò chơi cũ rồi – nó cũng không có ảnh hưởng với ban lãnh đạo hiện tại đang dựa vào một nền kinh tế tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài và hệ thống cà rốt và cây gậy khéo léo để dân chúng vâng lời. Về mặt chính trị, chính quyền cũng không có mấy liên hệ với Hồ Chí Minh dẫu cho từ năm 1991 họ đã tôn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” lên thành ý thức hệ quốc gia.
Với các cây bút người Việt cánh tả lẫn cánh hữu, dường như không thể có nghiên cứu nghiêm túc về Hồ Chí Minh. Giai thoại thay thế cho sự phân tích thực sự quan điểm của ông và những đóng góp về chính sách sau 1945. Ví dụ, có nhiều cách kể về thái độ của ông trước vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ và tham gia công tác của hội phụ nữ của Việt Minh. Nhưng còn có rất nhiều tư liệu có sẵn cần được phân tích – từ báo chí, nguồn Đông Âu và Trung Quốc, chưa kể đến ấn bản Văn kiện Đảng mới nhất. Đã có ai thực sự đối chiếu tác phẩm về Cải cách Ruộng đất của Trần Phương hay Edwin Moise, vốn đặt ra nhiều câu hỏi về những năm đó? Ai hay cái gì chịu trách nhiệm cho cuộc thanh trừng đạt cao trào vào đầu năm 1956, khi, như Moise mô tả, “các tổ chức cũ” tại làng quê, gồm cả đảng Lao động và Việt Minh, bị giải thể và các đảng viên của họ bị bắt giam?
Bị chỉ trích từ nội bộ
Ví dụ, vào tháng Tư 1931, Trần Phú viết thư cho Văn phòng Ban phương Đông ở Thượng Hải, phàn nàn rằng hội nghị hiệp nhất tháng Hai 1930 do Hồ Chí Minh tổ chức, mà đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bị lây nhiễm tư tưởng của “các tổ chức cách mạng cũ” và đưa các địa chủ nhỏ và vừa tham gia cách mạng. Trần Phú viết: “Công tác của ‘hội nghị hiệp nhất’ này mang nặng dấu ấn của thời kỳ hợp tác giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là chính sách hữu khuynh của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1925 đến 1927.”
Còn năm 1963, chúng ta có bằng chứng từ kho tư liệu ngoại giao Đông Đức cho thấy Hồ Chí Minh bị cáo buộc hai sai lầm: năm 1945, ông thỏa hiệp với Pháp khi cho phép họ quay lại Việt Nam; năm 1954, lại thỏa hiệp lần nữa, đồng ý phân cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Đảng cộng sản khi đó đang mở chiến dịch “chống Xét lại” để dẹp ý tưởng rằng độc lập dân tộc có thể đạt được bằng phương pháp hòa bình. Biến cố này khiến tạm thời làm băng giá quan hệ giữa miền Bắc với Liên Xô và Đông Âu, nơi theo sau khủng hoảng tên lửa Cuba, có mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Vào ngày Giáng sinh 1963, Hồ Chí Minh nói với đại sứ Liên Xô ở Hà Nội rằng ông sẽ rút khỏi các công việc hàng ngày.
Nhưng thay vì xem xét chính sách của Hà Nội như quyết định của một tổ chức đảng chia rẽ và hay tranh cãi, nhiều người viết về lịch sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có xu hướng xem mọi bằng chứng về chính sách cực đoan và đàn áp là của Hồ Chí Minh. Nếu đọc bình luận của người Việt hải ngoại, thì xu hướng quy kết này ngày càng rõ trong mấy năm qua khi bàn về giai đoạn sau của Cải cách Ruộng đất và Chỉnh đốn Đảng.
Trong năm nay 2011, 36 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, sẽ là điều tốt lành nếu cộng đồng người Việt trên thế giới bắt đầu nghĩ về lịch sử theo một cách khác – như một cuộc tìm kiếm sự minh bạch mà không nhất thiết bắt đầu bằng việc tìm anh hùng và kẻ ác.
Sophie Quinn-Judge là Phó Giám đốc về Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam tại Đại học Temple, Hoa Kỳ. Bản dịch tiếng Việt được đăng với sự đồng ý của tác giả, sau khi Bấm bản gốc xuất hiện lần đầu trên Bấm Global Vietnamese Diaspora, trang web tập hợp các nghiên cứu về người Việt hải ngoại.