Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Những chuyện tang thương đằng sau nghĩa địa chết trẻ

-- Những chuyện tang thương đằng sau nghĩa địa chết trẻ (VTC).

(VTC News) - Hai cậu con trai của bà giỏi lắm cũng chỉ sống được dăm bữa nữa. Để sắm được hai chiếc quan tài liền lúc bà phải đi vay mượn rồi cố mà sống tiếp để làm lụng trả nợ. Mai này bà chết đi ai mua quan tài chôn bà?

Trời chiều sầm sập đổ bóng, đêm tối hoang lạnh tràn ngập khắp nghĩa trang Đèo Sen. Từ phía cánh rừng lạnh lẽo, tiếng chim lợn kêu eng éc nghe rợn gáy.

Lẫn trong điệp trùng những nấm mồ hiu quạnh văng vẳng tiếng khóc khe khẽ bi ai của một thiếu phụ. Người đàn bà có khuôn mặt gầy khô, hằn rõ nét khắc khổ một đời con gái. Chị ngồi bần thần trong khói hương lạnh lẽo và bóng tối vây quanh.
Những ngôi mộ lạnh lẽo như thế này mỗi ngày một nhiều ở nghĩa trang Đèo Sen.

Nước mắt chị rơi xuống vạt cỏ, tôi có cảm giác như cọng cỏ cũng phải oằn đi vì sức nặng nỗi sầu. Chị là vợ của người nằm dưới nấm mồ, tên tuổi ghi rõ trên bia: “Nguyễn Mạnh Hiệp…”. Ngày mai là giỗ chồng, dù người chồng chẳng ra gì, làm đời chị khổ, nhưng thôi cũng là số phận, chị ra mộ thắp cho anh nén nhang để linh hồn anh bớt cô quạnh.

Hôm sau, theo địa chỉ mà chị cho, tôi trèo lên đỉnh đồi mà xưa kia từng là vùng đất hoang, thuộc phường Trần Hưng Đạo.

Ngôi nhà bà Lê Thị L. nhỏ xíu, chìm khuất trong bốn bề dứa dại um tùm.
Nghĩa trang Đèo Sen đã kín đặc mộ vì số người chết trẻ quá lớn.

Người đàn bà có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu ngồi bất động trên chiếc ghế nhựa. Hôm nay giỗ con bà nhưng một nén nhang bà cũng không có để thắp. Bà còn phải chờ ông H. chồng bà chạy cuốc xe ôm mới có tiền mua nhang.

Chỉ cần nén nhang, đĩa hoa quả là linh hồn những con xấu số được an ủi, nhưng để có những thứ đó bà phải nhịn uống thuốc và đêm nay bà lại phải nghiến răng chịu đựng những cơn co giật đau đớn kinh người.

Bằng cái giọng ngơ ngác, nặng nhọc, ánh mắt vô hồn, bà thều thào kể cho tôi nghe những biến cố kinh hoàng của gia đình mình.

Xưa kia, bà cũng có một gia đình đầm ấm với một người chồng và 3 đứa con trai khoẻ mạnh, ngoan ngoãn.
Vợ chồng bà L., ông H. đã mất cả 3 người con. Ông bà sợ một trong hai người còn lại trơ trọi trên cõi đời này.

Những năm 90 thế kỷ trước, Móng Cái mở cửa, người dân Quảng Ninh đổ xô đi buôn. Bà cũng bỏ ngành thương nghiệp để đi buôn.

Do năng động, xông xáo nên chẳng mấy mà giàu. Ngôi nhà cao tầng mọc lên giữa phố, cuộc sống tràn ngập tiện nghi, 3 cậu con trai biến thành những quý tử sành điệu.

Giữa lúc ấy, phong trào làm than thổ phỉ ào ạt ở Quảng Ninh. Người tứ xứ đổ về nườm nượp. Thuốc phiện, ma túy, gái điếm như cơn lốc đen quỷ quái làm như hỏng một phần rất lớn thế hệ trẻ bấy giờ ở Quảng Ninh, trong đó có 3 quý tử của bà.

Hiệp là đứa đầu tiên nghiện ma túy. Ma túy đã biến cậu con trai vốn hiền lành của bà thành một đại ca khét tiếng ở những bãi than thổ phỉ.
Ở Hạ Long, còn rất nhiều thanh niên đang nằm chờ chết như thế này.

Rồi Hiệp bị công an bắt khi tàng trữ ma túy trong người. Nhà tù gửi mẫu máu xét nghiệm có HIV dương tính về, bà quỵ ngã.

Suốt nhiều năm trời bà sống vật vờ trong bệnh viện. Giờ đây, dù đã ra viện nhiều năm, song dáng đi đổ hẳn về phía trước, cúi gập và run rẩy.

Ngày bà vừa ra viện, chưa bình phục thì tin Hùng, cậu thứ 2 bị nghiện, có HIV lại đến như sét đánh ngang tai. Rồi cả người con út Nguyễn Mạnh Hà cũng nghiện, dính HIV như hai anh trai.

Bao năm nay, đêm nào bà cũng trằn trọc khó ngủ. Mỗi ngày bà lại phải tăng thêm liều thuốc an thần. Nhiều lần bà dồn thuốc lại rồi uống để được chết đi cho đoạn kiếp. Thế nhưng, dường như ông giời vẫn bắt tội bà phải sống, phải chứng kiến cái cảnh nát lòng khi lần lượt từng đứa con ra đi.
Bà Thanh và người con trai đẹp như tranh vẽ đang nằm chờ chết.

Bà sống còn khổ hơn chết. Di chứng của những liều thuốc ngủ cực mạnh và những cú sốc kinh người đã biến cơ thể bà thành một “ổ bệnh”.

Hiện tại, trong người bà ít nhất có 4 thứ bệnh hoành hành: huyết áp cao, nhũn não, packinson, liệt nửa người. Căn nhà là tài sản cuối cùng cũng phải bán nốt để trả nợ.

Bà kể: “Sau khi bán nhà, vợ chồng tôi dựng túp lều ở bãi rác của trường THCS Kim Đồng để ở. Nhiều lần các cán bộ phường Trần Hưng Đạo đến thông báo phải dỡ công trình xây dựng trái phép, nhưng rồi thấy gia cảnh khốn khó các anh ấy lại lờ đi cho vợ chồng tôi ở. Anh Hồng, Trưởng công an phường đã đứng lên vận động mọi người quyên góp dựng cho vợ chồng tôi căn nhà nhỏ trên đỉnh đồi. Dựng nhà xong, thấy chẳng có đồ đạc gì, anh ấy lại đi xin bàn ghế, quạt điện cũ cho”.
Bà Thanh cố đỡ người con trai ngồi dậy để có được tấm hình để thờ con.

Tôi dìu bà từng bước khó nhọc ra ngoài hiên để đón chút gió biển. Bà đăm đăm nhìn những áng mây trôi nhẹ trên nền trời Hạ Long xanh biếc. Đôi mắt vô hồn của bà chắt ra từng giọt long lanh. Những đứa con của bà như những áng mây, chúng cứ thế bay đi, bà không có cách nào níu giữ được.

Nguyễn Mạnh Hùng chưa chịu xong án đã chết trong trại giam số 5 Nghệ An vì AIDS ở giai đoạn cuối. Nguyễn Mạnh Hiệp cũng chết vì AIDS trong trại tạm giam Quảng Ninh. Trại giam Hang Son cũng trả Hà về, vì AIDS ở giai đoạn cuối, dù anh ta chưa chịu xong án tù.

Ông Nguyễn Văn H. mới ngoài 60 tuổi, song mái tóc đã bạc xơ, khuôn mặt quắt đi vì phải lăn lộn kiếm sống. Bà L. kể: “Hôm qua thấy ông ấy ngồi dưới bếp khóc tôi gặng hỏi mãi ông ấy mới nói. Thì ra chiếc xe cũ nát quá khách chê không đi nên không kiếm được tiền mua thuốc cho tôi. Hôm trước, ông ấy về sớm hơn mọi ngày, kêu có cơn đau tim tưởng quỵ ngã giữa đường. Mãi ông ấy mới bò lên được đỉnh đồi. Cả tôi và ông ấy đều sợ cảnh một trong hai người còn lại trơ trọi trên cõi đời này”.

Tôi vạch bụi dứa lần xuống chân đồi mà không dám nhìn ánh mắt bà H. lần cuối. Tôi biết mọi lời động viên với bà giờ đây đều như gió lạc vào đá núi. Bà còn đó mà như đã đi hết cuộc đời, một cuộc đời dường như phải hứng chịu mọi tội nợ trần gian đổ xuống.

Chị Thi – Trạm trưởng Trạm y tế phường Yết Kiêu dẫn tôi đến ngôi nhà lúp xúp nằm bên con đường heo hút dẫn ra khu nghĩa trang Đèo Sen. Bà Nguyễn Thị Thanh già nua héo hon lẫn vào đống hàng tạp hóa phủ bụi.

Lúc đầu, gặp chúng tôi bà còn ngại ngùng chẳng muốn nói, nhưng tôi bảo rằng, mỗi người trên đời đều có phúc phận riêng, thì bà giãi bày tâm sự. Sâu trong tâm can của một người mẹ, bà vẫn còn nghĩ được rằng, sự đày ải mà bà đang gánh chịu nên nói lên cho tất cả mọi người thấy được.
Ở tuổi 72, bà Thanh vẫn phải làm lụng nuôi hai người con chờ chết.

Chồng bà mất sớm do căn bệnh huyết áp cao. 25 năm nay bà ngụp lặn một mình nuôi đàn con khôn lớn. Nhưng không biết thương mẹ, hai thằng con của bà lại đi vào con đường lầm lạc của xì ke rồi mắc AIDS.

Giờ đây, ở cái tuổi 72, bà như lá vàng trước gió, vậy mà vẫn phải cực nhọc làm lụng nuôi con, nuôi thân.

Mỗi ngày, bà phải kiếm đủ trăm ngàn cho con hút hít đỡ vật. Bạn buôn thương tình cứ để hàng đấy, khi nào bà bán được thì mới lấy vốn. Vậy nên, mỗi ngày bà cũng kiếm được dăm ba đồng, sáng mua cốc sữa và ống hút cho hai “đống da bọc xương thoi thóp thở” uống, trưa vắt mấy quả cam đổ vào miệng con.

Hồi nghe “tin sấm” hai con lần lượt bị AIDS, bà ngất lên ngất xuống rồi phát điên, đi lang thang mấy lần. Giờ “không dám” điên nữa, vì nếu bà điên rồi thì lấy ai chăm sóc con.

Hai cậu con trai của bà giỏi lắm cũng chỉ sống được dăm bữa nữa. Để sắm được hai chiếc quan tài liền lúc bà phải đi vay mượn rồi cố mà sống tiếp để làm lụng trả nợ. Mai này bà chết đi ai mua quan tài chôn bà?

Nhìn ánh mắt thất thần của bà, tôi chẳng biết nói gì, thôi đành giúp bà một việc có ý nghĩa, đó là chụp giúp bà tấm hình chân dung hai cậu “quý tử” của bà, để mai này hai con chết đi bà còn có cái để thờ.

Chúng tôi còn đến thăm ngôi nhà hoang lạnh hãi hùng của bà Bùi Thị Thu ở tổ 36, phường Yết Kiêu. Bà Thu gầy mòn, héo hon như tầu lá gặp mùa nắng hạn. Trên ban thờ lạnh lẽo, ảnh người chồng treo ở giữa, hai bên là hai người con đẹp như tượng. Chồng bà mất vì bạo bệnh, hai đứa con mà bà luôn tự hào ngoan nhất khu phố đều đã bị con quỷ cầu gai cướp mất mạng rồi.

Những người mẹ như bà L., bà Thanh, bà Thu ở Hạ Long mỗi ngày một nhiều. Đại dịch ma túy, AIDS tràn qua như cuồng phong dữ dội, để lại bao hậu họa đau lòng. Hàng ngày, nghĩa trang Đèo Sen, Dốc Khế, Hà Khẩu vẫn nườm nượp đám ma lá vàng đưa tiễn lá xanh.

Rời Hạ Long trong bóng chiều xám xịt, hình ảnh người đàn bà có tên Nguyễn Thị Mai phất phơ trước biển cứ ám ảnh tôi mãi.

Nhà bà ở Sa Tô (phường Cao Xanh). Chồng bà chết bệnh, hai con trai chết vì AIDS, hiện bà đang sống nghèo khó cùng cô con dâu góa bụa và hai cháu nội.

Chiều nào bà cũng ra bờ biển, đứng lặng thật lâu trước biển. Ngoài khơi xa, cậu con trai Nguyễn Văn Huệ đang theo những con thuyền buôn bán ngược xuôi. Cả tháng anh ta mới về một lần, còn cả đời bà mang theo nỗi lo âu, thắc thỏm.

Phạm Phạm

-Chuyện rợn người ở nghĩa địa chôn toàn thanh niên

(VTC News) - Tôi được chứng kiến một cảnh tượng hết sức bi thương: Giữa thời bình mà trên sườn đồi này có hơn 400 ngôi mộ chôn san sát, sơ sài, toàn là thanh niên.

Phía sau Thành phố Hạ Long xinh đẹp, thơ mộng là một đại dịch ma túy, HIV/AIDS kinh hoàng mà ít ai có thể tưởng tượng nổi. Bão tố ma túy, AIDS đã tràn qua, cuốn đi hàng ngàn mạng người ở thành phố biển. Đọc những con số thống kê đã thấy khủng khiếp lắm, nhưng đặt chân ra những nghĩa địa, thì thực sự ngỡ ngàng, ngoài sức tưởng tượng.

Tại thành phố này, những cái chết trẻ, những vòng hoa trắng dường như đã trở thành đề tài cũ kỹ, nhạt nhẽo, không mấy ai bận tâm.
Một góc nghĩa trang Đèo Sen, nơi chôn toàn người chết trẻ vì nghiện, AIDS.

Thậm chí mới đây, một con nghiện, có HIV đã chết hoành tráng bằng cách quấn chăn bông vào người rồi tẩm xăng đốt, nhưng cũng chẳng khuấy động dư luận được chút nào.

Buổi chiều giông gió, đất trời u ám. Mây xám sà xuống nghĩa trang Đèo Sen. Quản trang Đặng Văn Quang bổ từng nhát búa xuống nền đá ong chát chúa. Đất đá hất lên mỗi lúc một nhiều, tấm lưng còng người quản trang mất dần trong lòng đất, trong bạt ngàn những ngôi mộ, những vòng hoa và những lớp cỏ khô héo hắt ảm đạm.

Chiếc xe ca cũ kỹ hồng hộc nhả khói đen xì, oằn mình bò lên đồi, phía trước xe gắn vòng hoa trắng. Đám nam thanh nữ tú nhảy xuống túa lua. Mấy cô gái ăn mặc thời trang, son phấn lòe loẹt. Các cậu trai khuôn mặt ngơ ngơ, đôi mắt đờ đẫn. Trông họ giống đói thuốc hơn là buồn vì thằng bạn nghiện vừa qua đời.

Một buổi chiều ở nghĩa trang Đèo Sen, tôi được chứng kiến 2 đám tang của người chết trẻ.


Chỉ có vài người đeo khăn tang. Chẳng ai buồn nhỏ nước mắt. Chiếc quan tài rẻ tiền thả xuống hố. Tiếng chuông đồng kính coong. Đất đá ào ào đổ xuống. Mấy cậu thanh niên thể hiện tài nghệ bằng cách xếp hàng rồi ném chuyền gạch ba banh đến chỗ chôn quan tài xếp thành mộ. Các cô gái hò reo cổ vũ xem ai bắt gạch giỏi. Mỗi khi bắt trượt, viên gạch vỡ vụn họ lại ôm bụng cười hô hố.

Mộ đắp xong, những vòng hoa cúc trắng được đặt lên. Đọc các dòng chữ trên vòng hoa nghe nghèn nghẹn: “Gia đình cậu viếng cháu”; “Bạn cùng học thương viếng linh hồn bạn”; “Anh kết nghĩa thương viếng em”…

Mấy cô cậu thanh niên túa ra tứ phía tìm mộ bạn bè. Một cô nói giọng the thé: “Hôm nọ tao mải đi tua ngoài biển, con bạn chết mà không kịp về viếng. Không biết mộ nó ở đâu mà cắm cho nén hương để nó bớt lạnh lẽo”.

Một cậu chõ miệng nói thật to: “Tháng trước thằng Tiến “Lợn” chết. Tổ mẹ! tao đói thuốc quá, muốn đi đưa ma nó mà không đứng đậy được. Giờ cũng chưa biết nó nằm đâu. Mồ mả lắm thế này tìm sao được”.

Chiếc xe ca cũ kỹ nổ máy, thả dốc trôi nhẹ. Gia đình nọ đã trút xong tội nợ.
Khắp nghĩa trang là những vòng hoa trắng, những lọ hoa trắng.

Quản trang Đặng Văn Quang kê cổ chai nước khoáng vào thành mộ, đập bốp một cái rồi ngửa cổ tu ầng ậc. Anh kể: “Thành phố Hạ Long có 3 nghĩa trang nhân dân là Dốc Khế, Hà Khẩu và Đèo Sen. Trước năm 1998 là những nghĩa trang tự phát, sau được Công ty Môi trường đô thị Hạ Long tiếp quản”.

Nghĩa trang Đèo Sen lớn nhất, gồm ba ngọn đồi. Một ngọn đồi xây dựng khang trang, ở đó gồm những ngôi mộ của nhà giàu, dòng họ, đã cải táng, một ngọn đồi chôn toàn người theo đạo. Khu đồi thấp hơn, rộng mêng mông, mới quy hoạch đáng buồn lại toàn mộ người chết trẻ.
Anh Quang nhặt gạch đắp lên ngôi mộ bị nước cuốn hết đất để người chết đỡ lạnh lẽo.

Anh Quang tiếp: “Những năm 1998-1999 nghĩa trang mới chỉ lác đác vòng hoa trắng, thế nhưng, từ năm 2002 trở lại đây không ngày nào không có đám ma vòng hoa trắng, có ngày tới 6 đám. Cứ 4 đám ma thì có 3 đám chết trẻ, chủ yếu là chết do tiêm chích ma túy, AIDS. Bây giờ khu đồi này đã có 6.000 ngôi mộ”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, anh dẫn tôi sang phía sườn đồi bên kia, nơi đó mới được mở rộng nên chôn toàn những người mới chết.

Tôi được chứng kiến một cảnh tượng hết sức bi thương: Giữa thời bình mà trên sườn đồi này có hơn 400 ngôi mộ chôn san sát, sơ sài, toàn là thanh niên. Có ngôi mộ được xếp gạch xỉ vuông vắn, có ngôi xếp bằng những hòn đá xám xịt. Trên mộ cắm mảnh bia sắt sơn đen chữ trắng, ghi họ tên, ngày sinh, ngày mất. Chẳng nấm mồ nào có nổi một nén nhang nhả khói. Đến nắm đất để cắm hương cũng bị những cơn mưa xối đi cả.
Nhiều nấm mồ mà bia chỉ có mỗi cái tên thế này.

Nhiều nấm mồ còn chẳng có nổi cái tên.

Hầu hết các nạn nhân mới chỉ từ 20 đến 30 tuổi, vài tấm bia ghi năm sinh 1992, 1993. Khuất trong bụi cỏ là tấm bia ghi mỗi chữ to tướng “Tuấn”, một tấm viết “Hiền”. Tấm bia gỗ cắm trên một ngôi mộ đã gục xuống vì mục ruỗng, anh Quang lật lên song không đọc được trên đó ghi những gì.

Anh chỉ biết rằng, đây là mộ của một người tù bị chết vì AIDS, người ta đưa về đây chôn. Từ khi chôn đến nay, đã 3 năm rồi mà không thấy người nhà đến nhận. Ngôi mộ không có bát hương, chỉ có những ngọn cỏ gầy héo đan nhau chằng chịt. Mấy chân hương cắm vung vãi cháy hết đã mốc khô tự thuở nào. Đó là những cọng hương của người nhà những ngôi mộ mới đắp bên cạnh cắm vào với hy vọng “ma cũ đừng bắt nạt ma mới”.

Anh Quang chỉ tôi tấm bia ghi: “Lưu Văn Thành, sinh: 25-11-1981…”. Anh bảo cậu Thành này là cháu anh, đứa con trai duy nhất của một cán bộ cấp cao trong tỉnh, rất thông minh, học giỏi. Cậu ta từng là sinh viên đại học, song nhà trường phát hiện nghiện ngập nên đuổi học. Bố đưa vào trại cai nghiện, nhưng mẹ thương con lén mua thuốc phiện cho hút. Cả ngày gã chỉ có mỗi việc là hong hóng ngồi chờ ăn và chích xì ke. Đến khi gã chích hết ngôi nhà ba tầng mặt phố mọi người mới biết gã đã dính AIDS tự lúc nào.

Trước khi chết, hắn cầm tay mẹ và nói lời hối tiếc duy nhất cuộn lên từ gan ruột: “Chưa gặp được đối thủ đấu cờ, con chết mà không nhắm mắt”.
Trước khi chết, anh chàng này chỉ có một lời trăng trối với mẹ: “Chưa gặp được đối thủ đấu cờ, con chết mà không nhắm mắt”.

Nhổ bụi cỏ um tùm trên một ngôi mộ hoang lạnh, ông Thông – người đã có thâm niên 23 năm gắn với nghĩa trang Đèo Sen bùi ngùi: “Cả đời tôi đã chôn đủ loại người, đủ lứa tuổi, đều hết sức thảm thương, song có một trường hợp thê thảm không thể tưởng tượng nổi mà tôi chứng kiến tường tận từ đầu đến đuôi, đó là một nhà có 5 người chết vì ma túy, HIV/AIDS.

Vợ chồng nhà này có 4 con trai, một con gái. Thế nhưng, cả bố và 4 cậu con trai cùng nghiện, cùng có HIV. Gia đình họ sống dưới thuyền, ngoài làng chài Sa Tô nên nghèo lắm, chẳng có gì đáng giá 10 ngàn đồng.

Trong hai năm, cả 4 thằng con trai đều chết. Khi chôn thằng con cuối cùng, bà mẹ không còn nước mắt để khóc nữa, ông chồng thì đói thuốc vật vã, cắm cả đầu xuống huyệt.

Đầu năm nay bà ta lại đưa xác chồng lên nghĩa trang rồi bỏ đấy như tống khứ của nợ. Chúng tôi phải chôn hộ. Từ bấy đến nay không thấy bà ta và cô con gái quay lại nghĩa trang, nghe nói họ lên thuyền đi ra biển rồi không quay lại nữa”.

Còn tiếp…

Phạm Phạm

- VNN nghĩa địa thanh niên


  Cạn kiệt quỹ hưu trí
Dân số già hóa nhanh đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ không duy trì được, dẫn đến cạn kiệt Quỹ hưu trí.

 - Năm 2035, dân số Việt Nam vào giai đoạn “già” (VOV)-Già hoá dân số là một thành tựu xã hội to lớn của mỗi quốc gia, và LHQ dự báo Việt Nam chỉ mất 20 năm để bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “già”.


- Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh Đài Truyền Hình Việt Nam
Đó là nhận định mà Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, Tổng cục Dân số đưa ra trong cuộc họp báo với chủ đề “Già hóa Việt Nam: Các thách thức đối với phát triển KT-XH của đất nước” vừa diễn ra tại Hà Nội. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi sẽ cần có
Dân số VN đang già hóa rất nhanhThanh Niên
Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân sốSài gòn Giải Phóng
Tốc độ “già hóa” dân số ở Việt Nam tăng nhanhHà Nội Mới
VNMedia -Báo điện tử Chính phủ -Nhân Dân

- Dân số VN già hóa với tốc độ nhanh “chóng mặt”(Lao động).- Hệ thống an sinh xã hội Việt Nam  —  (RFA).

- Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia dịch vụ công (PL)- Tại hội thảo công bố Chương trình đối tác công – tư (PPP) vào sáng 12-5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho hay Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia vào các dự án, công trình, dịch vụ công.

Tổng số lượt xem trang