Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Những “nghịch lý” lạ lùng của kinh tế Việt Nam

-Những “nghịch lý” lạ lùng của kinh tế Việt Nam

(VEF.VN) – Kinh tế Việt Nam ẩn chứa những đặc điểm riêng biệt mà cần phải thấu hiểu những đặc thù này mới có thể đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất.
Độc giả Nguyễn Hồng Hải đưa ra một số đặc thù của nền kinh tế Việt Nam mà việc áp dụng các mô hình và giải pháp kinh tế như tại các nước phát triển để giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô sẽ khó đạt được hiệu quả.
Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Mọi ý kiến thảo luận xin gửi về vef@vietnamnet.vn hoặc nhập vào hộp phản hồi phía dưới.
Số liệu thống kê khó chính xác

Nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt, rất nhiều số liệu kinh tế không thể đo lường. Việt Nam cũng là nước đang phát triển nên các công cụ đo lường, thống kê nền kinh tế còn thiếu, các chế độ thông tin, báo cáo còn nhiều sơ hở và chưa minh bạch, công tác kiểm tra giám sát tính trung thực của các báo cáo cũng đang ở mức độ thấp.
Do vậy, nếu dựa vào các thông tin thống kê của một cơ quan nhất định nào đó để áp dụng vào các mô hình và đưa ra giải pháp thì có thể không hiệu quả, vì độ tin cậy và tính chính xác của các con số thống kê tại Việt Nam chưa được bảo đảm. Vì vậy cần phải tham khảo các nguồn thống kê khác nhau, theo các phương pháp thống kê và đo lường, ước lượng khác nhau để cân nhắc đưa vào mô hình con số thống kê hợp lý trước khi đưa ra các quyết sách về kinh tế.
Giảm giá VND không làm giảm nhập siêu
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa và nguyên vật liệu do trong nước không sản xuất được, sản xuất phần lớn là gia công,  khi giảm giá VND thì theo lý thuyết kinh tế sẽ giảm nhập siêu ( hỗ trợ xuất khẩu và giảm nhập khẩu).
Kinh tế Việt Nam ẩn chứa những đặc điểm riêng biệt mà cần phải thấu hiểu những đặc thù này mới có thể đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất. (Nguồn: BĐTCP)
Tuy nhiên, trên thực tế VND liên tục giảm giá nhưng nhập siêu của VN vẫn không hề giảm mà thậm chí còn tăng lên, vì chúng ta vẫn không thể giảm được nhập hàng hóa và nguyên vật liệu, do trong nước không thể sản xuất được nên dù có chi phí cao hơn vẫn phải nhập, còn xuất khẩu cũng không hẳn vì thế mà rẻ hơn và cạnh tranh hơn vì nguyên liệu đầu vào cao nên giá xuất khẩu cũng tăng cao. Một số hàng hóa và nguyên vật liệu thô trong nước có thể sản xuất được thì giá trị lại không cao nên dù có tăng cường xuất khẩu thì tỷ trọng cũng không đáng kể.
Siết chặt tiền tệ không làm giảm lạm phát
Thông thường muốn chống lạm phát thì một trong những giải pháp phổ biến là siết chặt tiền tệ. Nhưng tại VN giải pháp này dường như không hiệu quả. Khi siết chặt tiền tệ thông thường nâng lãámuất ngân hàng, lượng tiền của dân sẽ tăng cường gửi vào ngân hàng và doanh nghiệp sẽ hạn chế vay, lượng tiền lưu thông hạn chế hơn sẽ có tác dụng làm giảm giá hàng hóa.
Tuy nhiên, tại VN kể cả khi lãi suất huy động tăng cao thậm chí có khi lên tới 20%/năm nhưng tâm lý gửi tiền của người dân vẫn rất ngắn hạn và có thể rút ra khỏi ngân hàng bất cứ lúc nào, các doanh nghiệp tuy có giảm nhu cầu vay vốn nhưng không giảm được nhiều vì buộc phải duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Cầu về hàng hóa của người dân cũng giảm không đáng kể vì cầu lớn nhất về hàng hóa vẫn là những hàng hóa thiết yếu không thể giảm mạnh hơn khi siết chặt tiện tệ.
Ngược lại, việc nâng lãi suất lại gây một tác dụng làm đẩy chi phí sản xuất và có thể gây ra đình đốn sản xuất, lượng hàng hóa sản xuất ra thiết hụt lại càng đẩy lạm phát lên cao. Ngoài ra, lạm phát do tâm lý tại Việt Nam rất lớn, cứ mỗi lần tăng giá năng lượng là một lần tất cả hàng hóa cơ bản khác " té nước theo mưa". Đồng thời giá cả hàng hóa của VN phụ thuộc lớn và giá cả hàng hóa thế giới do rất nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu trong nước khôgn sản xuất được, nên siết chặt tiền tệ chưa chắc đã làm giảm lạm phát.
Doanh nghiệp hoạt động kém nhưng khó phá sản
Ngoài việc môi trường pháp lý chưa thực sự rõ ràng và thuận lợi cho việc sáp nhập, giải thể và phá sản doanh nghiệp thì một phần do văn hóa kinh doanh " ngại phá sản" của các doanh nhân do tâm lý không muốn bị coi là người "thất bại". Do vậy, nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn cứ duy trì đề tồn tại nhưng hoạt động lay lắt, và tình trạng kém hiệu quả cứ được kéo dài triền miên, việc cái tổ và đổi mới cũng khó mà thực hiện được.
Khi nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả như vậy tuy không tạo ra những sự sụp đổ hàng loạt nhưng lại tạo sự một sự ì ạch rất lớn cho sự phát triển nền kinh tế.

Tổng số lượt xem trang