Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Những ‘phi vụ’ của nhà báo Hà Phan

- - Tin liên quan :Chuyện cung đình: “Chào mừng” Đại hội đảng XI: Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng làng báo
 Gia hạn tạm giam nguyên nhà báo Hà Phan

- Những ‘phi vụ’ của nhà báo Hà Phan  (VNE).

Ngoài việc ép một doanh nghiệp phải chi 200 triệu đồng để không đăng bài viết bất lợi, 3.000 USD để có bài viết lấy lại uy tín, ông Phan Hà Bình còn dùng kịch bản này để nhận cả nghìn USD từ doanh nghiệp khác.


Ngày 9/5, Đại tá Nguyễn Xuân Mừng - Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, cơ quan này vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang VKSND Tối cao, đề nghị truy tố ông Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan, nguyên phó tổng thư ký báo Tiền Phong) về tội "cưỡng đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra, ngày 13/9/2010 Phan Hà Bình với bút danh Hà Phan đã cùng một đồng nghiệp viết bài "SGT và KBC - Dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột" với nội dung bất lợi cho công ty Cổ phần xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (thuộc tập đoàn Đầu tư Sài Gòn).

Trong thời gian thu thập thông tin để viết bài và sau khi bài báo đăng, ông Hà Phan đã nhiều lần đến gặp bà Nguyễn Cẩm Phương (Giám đốc Truyền thông của tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) để đòi chi tiền, nếu không sẽ tiếp tục đưa các bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp.


Nhà báo Phan Hà Bình khi bị bắt. Ảnh: CTV
Nhà báo Phan Hà Bình khi bị bắt.

Bị bà Phương từ chối, liên tục trong tháng 9, tháng 10/2010, Hà Phan đã viết và đăng trên báo Tiền Phong các bài liên quan đến dự án kinh tế của những công ty thành viên tập đoàn Đầu tư Sài Gòn như: "Cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội", "Cách nào kiểm soát được giá cổ phiếu bất thường", đề cập việc công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đã tạm ngưng hoạt động nhưng giá cổ phiếu vẫn cao nhất trên sàn Hà Nội.

Theo cơ quan điều tra, sau khi báo đăng, ông Hà Phan lại nhiều lần chủ động gặp bà Phương gây áp lực buộc phải đưa 200 triệu đồng để dừng đăng các bài viết gây bất lợi, và chi thêm 3.000 USD sẽ viết bài khác lấy lại uy tín cho doanh nghiệp. Sau đó, bà Phương đã báo sự việc với cơ quan chức năng.

Tối 13/10/2010, tại nhà hàng Nhật Hạ (quận 3, TP HCM), khi ông Phan Hà Bình đang nhận 220 triệu đồng từ công ty Cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ thì công an đã ập vào bắt quả tang.

Quá trình điều tra, ông Bình còn khai nhận, khoảng tháng 3/2009, phát hiện trong bản cáo bạch của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Lương Tài có điểm không chính xác nên đã liên hệ với lãnh đạo công ty để thu thập tài liệu viết bài. Đồng ý với đề nghị trên, ông Bùi Đình Hưng (Chủ tịch HĐQT công ty Lương Tài) đã hẹn gặp nhà báo tại quán thịt cừu Thuận Tuấn (quận 1, TP HCM).

Tại đây, ông Bình đòi phải chi cho mình 1.000 USD nếu không sẽ viết bài gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Theo đó, ngay hôm sau, ông Hưng đã phải đưa cho Bình số tiền trên tại quán cà phê Zenta (quận 1, TP HCM).

Theo cơ quan điều tra, suốt quá trình bị tạm giam, ông Bình có thái độ khai báo tốt, ăn năn hối cải, gia đình đã nộp lại 1.000 USD để khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết mà cơ quan pháp luật có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông này.

Ông Phan Hà Bình sinh năm 1969, quê ở Bình Định, được bổ nhiệm làm Phó tổng thư ký tòa soạn văn phòng phía nam của Báo Tiền Phong vào tháng 10/2010, sau nhiều năm làm phóng viên chuyên trách mảng kinh tế.

3 tháng trước đó, báo Tiền Phong từng có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đề nghị có biện pháp bảo vệ nhà báo Hà Phan vì một số lời đe dọa liên quan loạt bài điều tra "Biệt thự bức tử rừng thông" đăng trên báo này.
Vũ Mai

-Đưa tin "phiến diện một chiều" có phải là thẩm quyền điều tra của cơ quan an ninh? Đông A

Báo Dân Việt có bài viết về những phát hiện mới trong vụ án Hà Phan của báo Tiền Phong. Đọc bài báo này tôi không khỏi phân vân về thẩm quyền điều tra của cơ quan an ninh.

Trước tiên phải thấy rằng ở đây có 2 vụ việc riêng biệt, không liên quan với nhau: một vụ là nhà báo Hà Phan tống tiền công ty cổ phần xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, và vụ việc thứ hai là chùm bài báo viết về Vinashin của báo Tiền Phong. Tôi không hiểu tại sao cơ quan an ninh lại có thể trộn hai vụ khác nhau như vậy vào thành một vụ việc. Nhưng điểm quan trọng hơn mà tôi cảm thấy là điều tra về chùm bài báo viết về Vinashin có phải thuộc thẩm quyền của cơ quan an ninh? Tôi không rõ có cơ quan hay người bị hại nào yêu cầu cơ quan an ninh điều tra về chùm bài báo viết về Vinashin không? Nếu không có, thì tại sao cơ quan an ninh lại có thể điều tra về nghiệp vụ báo chí trong một vụ việc cụ thể của một cơ quan thông tấn?

Phải thấy rằng chuyện đưa thông tin "phiến diện một chiều" là vấn đề nghiệp vụ báo chí. Nếu có điều tra thì thẩm quyền điều tra phải thuộc về Bộ TTTT, Hội Nhà báo hay Ban Tuyên giáo, chứ không thể nào lại là trách nhiệm điều tra của Bộ Công An. Bộ Công An chỉ có thẩm quyền điều tra nếu thấy chùm bài báo viết về Vinashin có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự, và trong trường hợp đấy phải có quyết định khởi tố để điều tra. Quyết định khởi tố điều tra vụ nhà báo Hà Phan tống tiền không thể lấy làm quyết định để điều tra về chùm bài báo viết về Vinashin vì chúng là các vụ việc khác nhau, có nội dung khác nhau và không liên quan với nhau.

Tôi cảm thấy ở đây có vấn đề và cần phải kiểm tra để xác định cơ quan an ninh có vượt quá thẩm quyền của mình hay không. Tôi cho rằng nếu không kiểm tra lại vụ việc này sẽ tạo ra tiền lệ xấu và rất dễ dẫn đến các hình thức lạm quyền có thể xảy ra trong tương lai mà sẽ rất khó ngăn chặn.




-Phát hiện nhiều tình tiết mới vụ nhà báo nhận hối lộ 220 triệu đồng

(Dân Việt) - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận chính thức về hành vi vi phạm pháp luật của ông Phan Hà Bình, bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.

Sau khi bị bắt khẩn cấp lúc đang nhận 220 triệu đồng của Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong) khai nhận, bằng cách hù dọa một doanh nghiệp khác, Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD “tiền im lặng”...

Muốn “êm” thì phải chi

Phan Hà Bình bị bắt tối 13.10.2010

Theo kết quả điều tra, ngày 13.10.2010, Hà Phan đã cùng  một phóng viên khác có bài viết “SGT và KBC - Dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột” với nội dung bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ.

Trong thời gian thu thập thông tin để viết bài và sau khi bài báo đã được đăng, Phan Hà Bình đã nhiều lần đến gặp Nguyễn Cẩm Phương - Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - để đòi chi tiền. Mỗi lần đến gặp bà Phương, Hà Phan hù dọa nếu không chi tiền thì sẽ tiếp tục viết thêm nhiều bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp này.
Theo Cơ quan ANĐT, năm 2010, mặc dù biết Phan Hà Bình ngoài việc làm phóng viên cho Báo Tiền Phong, còn làm Thư ký tòa soạn cho Báo Xe và Thể thao (với mức lương 8 triệu đồng/tháng) là trái với quy chế của báo nhưng ông Tổng Biên tập Đoàn Công Huynh vẫn cho làm các thủ tục bổ nhiệm Phan Hà Bình làm Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.Theo Cơ quan an ninh điều tra, trước và sau khi được bổ nhiệm, Phan Hà Bình đã biếu ông Huynh một máy nghe nhạc Ipod và một máy tính bảng Ipad. Đến nay, ông Đoàn Công Huynh đã giao nộp hai chiếc máy này cho cơ quan công an.

Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng Phan Hà Bình ra giá, nếu được chi 200 triệu đồng thì sẽ dừng không đăng các bài báo gây bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ nữa. Còn nếu được chi thêm 3.000 USD nữa thì Phan Hà Bình sẽ không những không đăng tiếp các bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn viết lại một bài báo khác để... lấy lại uy tín cho doanh nghiệp này.

Bị hù dọa như thế, bà Nguyễn Cẩm Phương buộc phải đưa 220 triệu đồng theo yêu cầu của Phan Hà Bình và sau đó tố cáo toàn bộ sự việc với cơ quan bảo vệ pháp luật...

Tại cơ quan điều tra, Phan Hà Bình khai nhận trước khi bị bắt, đã hù dọa và nhận 1.000 USD của một doanh nghiệp khác. Khi đọc báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lương Tài, Phan Hà Bình phát hiện có sai phạm nên liên hệ trực tiếp và hẹn gặp lãnh đạo công ty này tại một quán cà phê.

Tại đây, Phan Hà Bình đặt vấn đề nếu mua sự im lặng thì phải chung chi 1.000 USD. Đổi lại, Phan Hà Bình sẽ không viết và đăng bài gây bất lợi cho doanh nghiệp này. Vụ này, Phan Hà Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD...

Nguồn tin từ Cơ quan ANĐT cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Phan Hà Bình về hành vi cưỡng đoạt tài sản 220 triệu đồng.

Đưa thông tin “phiến diện, một chiều”

Về sai phạm của hai cán bộ khác của Báo Tiền Phong, Cơ quan ANĐT khẳng định, ông Phùng Công Sưởng (Trưởng ban Thời sự - Chính trị) đã viết và đăng 10 bài báo về Vinashin, trong đó đáng chú ý có chùm bài "Cận cảnh con tàu Vinashin" đăng trên Báo Tiền Phong 3 số liên tiếp từ ngày 29.3.2010 đến ngày 31.3.2010.

Tuy nhiên, nhà báo này viết bài dựa vào tài liệu photocopy khoảng 20 trang đánh máy do một người nào đó không rõ nguồn gốc gửi đến thùng thư của Báo Tiền Phong và chưa thẩm định tính xác thực của tài liệu.

Còn ông Nguyễn Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế) đã viết loạt bài về sai phạm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đăng trên Báo Tiền Phong (bài "Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị đề nghị thôi chức" đăng ngày 3.9.2009 và bài "TKV và các chiêu tự hại mình" đăng 2 kỳ vào ngày 7 và 8.9.2009. Để viết loạt bài này, phóng viên Bá Kiên đã sử dụng tài liệu photocopy và kết luận kiểm toán do một người nặc danh gửi đến thông qua bộ phận tiếp tân của Báo Tiền Phong.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho rằng, Báo Tiền Phong đã đưa thông tin "phiến diện một chiều", sử dụng thông tin, tài liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không kiểm chứng. Cơ quan ANĐT Bộ Công an khẳng định trách nhiệm này trước hết thuộc về ông Đoàn Công Huynh - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong và đã đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Tiền Phong xem xét, xử lý sai phạm của các ông Đoàn Công Huynh, Phùng Công Sưởng và Nguyễn Bá Kiên theo quy định.

Liên quan đến dự án chợ Bình Phú (quận 6), Cơ quan ANĐT đang tiếp tục làm rõ hành vi "đánh hội đồng" rồi sau đó quay lại đòi tiền doanh nghiệp của một số nhà báo khác có liên quan.

Võ Đức Phú

Tổng số lượt xem trang