Con đường nào cho viện phí?
SGTT.VN - Trong khi gần chục năm qua bộ Y tế “loay hoay” với “Đề án điều chỉnh viện phí”, đã không biết bao nhiều lần dự thảo được đưa ra góp ý và cho đến nay vẫn tiếp tục chỉnh sửa, thì từ đầu tháng 5.2011, nhiều bệnh viện bắt đầu tăng viện phí từ công khám đến xét nghiệm, phẫu thuật, thủ thuật, tiền phòng… Có nơi giá phẫu thuật tăng 20%, xét nghiệm tăng 22%, tiền phòng tăng 34%...
Đây là đợt tăng giá “vì lý do từ đầu năm đến nay tỷ giá tăng, vật tư tiêu hao, hoá chất xét nghiệm tăng, điện, nước, xăng dầu cũng tăng”.
Điều đáng nói là việc tự điều chỉnh mức tăng trên nền viện phí thả nổi cả chục năm qua. Cứ thử khảo sát ở các bệnh viện công, giá khám thường, khám dịch vụ, khám theo giờ hẹn qua điện thoại, khám thứ bảy, chủ nhật, mổ thường, mổ dịch vụ, phòng dịch vụ… mỗi nơi một giá. Chi phí mổ ngay trong bệnh viện B. cũng hai giá: mổ dịch vụ thì phải trả thêm 2 triệu đồng. Đó là chưa kể một số trường hợp phải “boa”cho nhân viên y tế.
Trên các phiếu tính viện phí – dù người có thẻ bảo hiểm y tế hay người tự đóng viện phí, bệnh nhân đều được tính không sót một món nào, từ miếng băng cá nhân cho đến viên thuốc… Thế nhưng tại sao các bệnh viện lại “kêu trời” rằng lỗ?
“Lỗ” là đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế vì cho tới thời điểm này, dù bệnh viện công hay bệnh viện tư, bảo hiểm xã hội vẫn thanh toán theo mức giá cũ quy định tại thông tư liên bộ số 14 ban hành năm 1995 và thông tư 03/2006. Nghịch lý nhất là công khám, sau 16 năm vẫn thanh toán ở mức 1.000 – 2.000 – 3.000 đồng/lượt, kể cả khám cấp cứu ở các bệnh viện thành phố, trong khi đa số bệnh viện đã thu công khám 20.000 – 70.000 đồng/lượt. Tiền giường nội trú: 10.000 – 15.000 – 20.000 đồng/ngày. Tiền giường nội trú bảo hiểm y tế chi: 10.000 – 15.000 – 20.000 đồng/ngày, trong khi các bệnh viện thu giá giường dịch vụ 100.000 đồng đến trên 500.000 đồng/ngày. Nhiều loại dịch vụ kỹ thuật áp giá không thể tưởng tượng nổi: cắt amidan: 40.000 đồng, trong khi các bệnh viện thu 800.000 – 900.000 – 2,3 triệu đồng…
Trong một hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh tại Hà Nội giữa tháng 4.2011, một số bệnh viện đề nghị bổ sung và sửa đổi giá gần 200 dịch vụ kỹ thuật cao và chi phí lớn, thì đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng “viện phí tăng thì phí tham gia bảo hiểm y tế cũng phải tăng theo, vì khi chưa điều chỉnh được mức thu mà đã tăng viện phí, sẽ rất khó cân đối thu chi quỹ bảo hiểm y tế”. Thực tế, ngược lại – qua đối chiếu một số dịch vụ bảo hiểm y tế chi trả, chúng tôi phát hiện có dịch vụ bảo hiểm y tế chi… cao hơn mức bệnh viện thu.
Tại TP.HCM, ngày 21.4.2011 liên sở Y tế – Tài chính đã có tờ trình UBND thành phố đề nghị phê duyệt ban hành tạm thời mức thu một phần phí cho 304 loại phẫu thuật, thủ thuật tương đương với mức giá của thông tư 03/2006 như phẫu thuật nội soi các khối u ở phổi, cắt nối tạo hình thực quản, bóc nhân xơ tử cung… Tuỳ từng loại mà có mức giá 700.000 – 2,5 triệu đồng. Đây là các phẫu thuật, thủ thuật nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả, nên bệnh viện thu trực tiếp từ bệnh nhân. Sắp tới nếu được UBND thành phố duyệt, còn phải thông qua bộ Y tế – Tài chính – Lao động thương binh và xã hội xem xét, đồng ý thì bảo hiểm xã hội TP.HCM mới thanh toán cho bệnh nhân. Đây còn là thiệt thòi cho người bệnh bảo hiểm y tế khi viện phí chậm sửa đổi.
Ai cũng nói thông tư 14 lạc hậu, tất cả những bất hợp lý đều đã được chỉ ra, nhưng vì sao cho đến nay chưa chỉnh sửa? Điều khôi hài là các cơ quan quản lý không ai chịu trách nhiệm. Điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ quá lạc hậu, bất hợp lý thì bảo hiểm xã hội lo sợ… vỡ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mặc cho quyền lợi của người bệnh bị thiệt. Còn các bệnh viện thì “nắm đàng cán và tha hồ lách luật trong thả nổi viện phí”.
Con đường nào cho viện phí? Nhiều ý kiến cho rằng nên sớm ban hành khung viện phí mới với mức giá tối đa và tối thiểu. Và tuỳ thực tế từng địa phương sẽ ban hành mức giá phù hợp, đồng thời có hệ số tính trượt giá theo từng giai đoạn. Phải có hành lang pháp lý để “hãm phanh” việc tính giá loạn tại các bệnh viện công.
Người dân có thể bớt ăn, nhịn mặc, nhưng nếu chẳng may ốm đau bệnh tật thì buộc phải vào bệnh viện. Trong ngành y có đặc thù là người bệnh không có quyền trả giá, còn chất lượng thì may nhờ rủi chịu. “Bão giá” trong bệnh viện ngày càng đẩy những người bệnh nghèo vào thế khó có cơ may chữa trị đến nơi đến chốn.
Kim Sơn