Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Chóng mặt tốc độ phá… nhà cổ

-- Tức tưởi giữ nhà cổ 2.000 năm giữa HN (VNN). 
 – Hòa Mục, ngôi làng ven đô gần 2.000 tuổi cũng chung số phận tức tưởi trước xu thế đô thị hóa. Những người nông dân của làng này đã bền bỉ “cuộc chiến” giằng co cả chục năm trời để giữ những di tích không bị mai một…

“Xóm nhà lá” dưới những cao ốc chọc trời
Trung Hòa – Nhân Chính có lẽ là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất và lớn nhất Hà Nội về quy mô, bởi nơi đây có hai KĐT bề thế và cao cấp vào loại “top” cũng như đầu tiên của Thủ đô.

Những ngôi nhà cấp 4 vẫn còn tồn tại trong những ngõ xóm nhỏ dưới những khu cao ốc hiện đại của KHĐ Trung Hòa - Nhân Chứng. - Ảnh: Kiên Trung

Tuy nhiên, ít ai có thể biết, cách đây hơn chục năm, nơi các khu chung cư cao cấp đang mọc lên bây giờ là vùng sản xuất nông nghiệp thâm canh của hàng ngàn người nông dân làng Hòa Mục.
Để phục vụ những dự án lớn của Thủ đô, những người nông dân làng Hòa Mục đã chấp nhận chuyển đổi cơ cấu nghề để nhường đất cho dự án. Và đương nhiên, họ cũng chấp nhận chuyển đổi cơ cấu dân số để trở thành các cư dân thành thị, vì lý do làng lên phố, xã lên phường và xóm trở thành các tổ dân phố hiện đại…
Theo QĐ số 380/QĐ-UĐ ngày 14/1/2003 của UBND T.P Hà Nội, 250.415m2 đất tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã được thu hồi để phục vụ Dự án san nền và xây dựng hạ tầng tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương).
Trước QĐ số 380 này, UBND T.P Hà Nội đã ban hành QĐ số 3714 ngày 02.7.2001. Theo QĐ này, đầu làng Hòa Mục sẽ có một con đường thẳng rộng 40m nối từ cầu Hòa Mục tới đường 361. Một số hộ dân phải di dời để nhường đất phục vụ dự án. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc cổ (gồm cổng làng, 07 di tích lịch sử (trong đó có 3 di tích đã được xếp hạng), 05 nhà thờ tổ của 5 dòng họ nổi tiếng và khoảng 200 ngôi nhà cổ có niên đại gần 200 năm… vẫn được giữ nguyên.
Người dân đồng tình ủng hộ việc di dời để làm đường, bởi một lẽ, con đường hiện đại nói trên sẽ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ lợi ích quốc gia.
Ông Lại Tiến Sơn bên căn phòng cấp 4 dựng lên ở tạm. dãy phòng này ông xây để cho sinh viên thuê nhà, và đó cũng là nguồn sống chủ yếu của nhiều gia đình làng Hòa Mục - Ảnh: Kiên Trung

Song, QĐ 380 ban hành sau đã gây hậu quả “thiệt đơn thiệt kép”: nhiều di tích lịch sử bị xóa sổ hoặc xâm phạm nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà cổ bị xóa bỏ hoàn toàn. Cuộc sống của đại đa số người dân tại làng Hòa Mục bị xáo trộn.
Ít ai có thể ngờ, chỉ cách vài chục mét tính từ hai bên đường Lê Văn Lương, đi vào các ngõ nhỏ của khu phố được coi là hiện đại nhất của Thủ đô lại là những ngôi nhà thấp bé, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi người dân có nhu cầu sửa chữa hoặc xây mới đều bị chính quyền địa phương khước từ cấp giấy phép. Lý do: thuộc diện đất thu hồi, không được cấp phép xây dựng.
Ông Lai Tiến Sơn – người dân gốc sống tại làng Hòa Mục đời thứ 7, khuôn mặt ủ dột bên ngôi nhà cấp 4 tạm bợ. Dãy nhà này ông xây để cho sinh viên thuê, ông chừa lại một phòng để ở. Tiền cho thuê nhà - đó là nguồn sống chủ yếu của gia đình ông cũng như hàng trăm các gia đình khác tại làng Hòa Mục.
“Ruộng đất nông nghiệp đã bị thu hồi hết cả. Ngoài nghề nông, người dân Hòa Mục không có nghề phụ, mà có nghề phụ cũng không thể làm được vì không có mặt bằng làm nhà xưởng. Nguồn sống duy nhất của chúng tôi đó là tiền thu từ việc cho sinh viên thuê nhà hàng tháng…” – ông Sơn than phiên.
Ngôi nhà cổ dòng họ Lai gần 300 năm tuổi - một trong 5 nhà thờ tổ 5 dòng họ lớn ở làng Hòa Mục cổ may mắn còn sót lại gần như nguyên vẹn - Ảnh: Kiên Trung

Cũng giống trường hợp ông Sơn, ông Lai Tiến Cường – họ nội tộc thuộc chi II của ông Lai Tiến Sơn, ngoài việc bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp, gia đình ông bị thu hồi thêm 160m2 đất thổ cư, còn lại gần 200m2. Nhưng may mắn hơn, nhà ông Cường ở mặt đường, ông Cường ngăn thành các gian hàng nhỏ cho thuê lấy tiền sinh sống.
13 khẩu già trẻ lớn bé trong gia đình ông chen chúc trên những căn phòng nhỏ hẹp tầng 2, tầng 3, mà hầu hết đã xuống cấp.
“Điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất, ấy là lên phường xin tách khẩu mà cũng không được. Xây dựng không cho, tách khẩu không cho, lý do: gần 200 hộ dân thuộc đất thu hồi nên sẽ không được giải quyết bất cứ nhu cầu gì… Anh ạ, tiếng là sống ở Thủ đô nhưng đầu óc cũng chẳng thảnh thơi. Thà cứ như cũ, trồng lúa, làm nông nghiệp, cuộc sống dẫu nghèo khó nhưng yên ổn… Cả chục năm trời, chúng tôi cứ như là những người sống nhảy dù, bất hợp pháp…”.
10 năm giằng co giữ làng cổ
Trong suy nghĩ chất phác của những người nông dân hiền lành như ông Sơn, ông Cường: “Chúng tôi ngụ cư ở đây cả chục đời, đất làm đường chúng tôi đã nhường đất, đất nông nghiệp thu hồi để xây chung cư chúng tôi cũng đã bàn giao… Chúng tôi không chống đối chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhưng dự án nào thì cũng phải xem xét đến nguyện vọng chính đáng của người dân…”.
Ông Sơn lần giở bằng, giấy chứng nhận giá trị lịch sử của nhà thờ tổ dòng họ Lai nhà mình... - Ảnh: K.Trung

“Nguyện vọng chính đáng” mà gần 200 hộ dân thuộc các tổ dân phố 30, 31, 37 (phường Trung Hòa) đưa ra… cãi lý và kiên quyết không bàn giao đất thổ cư – phần diện tích ít ỏi còn lại sau nhiều lần bị thu hồi, và cũng là nơi cư trú cuối cùng của họ, đó là: làng Nhân Mục là làng cổ, với nhiều di tích lịch sử đã được công nhận.
Làng có 7 di tích xếp hạng Nhà nước, 5 nhà thờ tổ của 5 dòng họ lớn, cùng hàng trăm ngôi nhà cổ có tuổi đời ngót nghét 200 năm.
Xưa, làng Hòa Mục có tên là trang Nhân Mục, thuộc tổng Mọc (hay Mục) vốn là làng thuần nông nằm ven con sông Tô Lịch hữu tình. Thuở ấy, sông Tô có khúc to như sông Hồng bây giờ. Từ làng Mục sang làng Láng, làng Khương.. phải đi đò đi thuyền, chứ không như bây giờ, lấy nóc những chung cư cao tầng làm cột mốc, phóng xe chưa đầy mươi phút đã tới nơi…
Nhưng, không xét nhiều đến những chuyện cũ, vật đổi sao dời, cuộc sống đi lên, hạ tầng cơ sở ngày một phát triển hiện đại, con sông Tô được kè cứng hai bờ, giống như người bị khóa bởi một chiếc đai sắt, dẫu có trăm năm nữa cũng chẳng thể thay đổi hình dáng được nữa.
Theo thần tích lưu truyền dân gian thì làng được hình thành từ thời Hùng Vương (theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vào khoảng từ 2879 TCN đến 258 TCN). Vào năm 40 sau Công nguyên, làng từng là nơi diễn ra các trận đánh giữa quân của Hai Bà Trưng với quân Mã Viện (nhà Hán).
Hoành phi, câu đối cổ trong ngôi nhà thờ tổ họ Lai.

Có hai nữ tướng của Hai Bà Trưng hy sinh tại đây, được dân làng lập miếu thờ, gọi là miếu Hai Cô. Hiện trong miếu vẫn còn bia có niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) ghi việc trùng tu miếu. Đến thế kỷ thứ 5, làng có tên gọi là Trang Nhân Mục, thuộc tổng Dịch Vọng.

Đến thế kỷ thứ VIII, nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh bất khuất chống giặc ngoại xâm của người cháu gái Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là bà Phạm Thị Uyên. Theo gương chị gái của mình, hai người em trai là Phạm Miễn và Phạm Huy đã gia nhập đạo quân của cậu ruột là Phùng Hưng đánh giặc.
Khi đất nước thanh bình, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã ra lệnh xây dựng hành cung và đền thờ cho những đứa cháu và hướng dẫn dân làng cách làm ăn. Đình làng hiện nay là nơi dân làng Hòa Mục đã bao đời nay phong Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là thành hoàng làng để tưởng nhớ công ơn của ông.
Đình trong làng Hòa Mục - di tích lịch sử Quốc gia đã xếp hạng.

Đến đời nhà Lê (thế kỷ XV), làng Hòa Mục là trận địa vững chắc để mở ra những hướng quan trọng đánh tan giặc Minh. Đến cuối thế kỷ XIX, vua Quang Trung khi tiến quân từ Đàng Trong ra cũng chọn mảnh đất của làng vào mục đích quân sự.
Làng Hòa Mục hiện được xem là làng còn giữ gìn khá đầy đủ hệ thống thiết chế văn hóa cổ xưa nhất mà cơn sóng đô thị hóa vẫn không phủ mờ: 6 di tích các loại gồm đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ, cổng làng; trong đó có 3 di tích đã được xếp hạng quốc gia (đình Ngoài, đình Trong - hành cung thờ ba chị em họ Phạm có công giúp nước đánh ngoại xâm; đền thờ Dục Anh…).
Với những giá trị lịch sử hàng ngàn năm như trên, dân làng Hòa Mục đã không đành lòng tận mắt chứng kiến những giá trị lịch sử bị phá bỏ. Họ đã thành lập một Ban đại diện gồm những người cao tuổi, có uy tín trong làng để thỉnh đơn lên các cấp ban ngành, cũng như đại diện dân làng tiếp xúc với các cơ quan báo chí.
Lý do, và cũng là niềm tin để dân làng Hòa Mục bền bỉ cuộc chiến gần 10 năm giằng co giữ làng (từ năm 2003 đến nay), đó là: với những dự án phục vụ lợi ích công cộng (đường Lê Văn Lương, hàng loạt chung cư cao cấp Trung Hòa – Nhân Chính), người dân đã đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, nếu thu hồi đất của dân để phục vụ dự án thương mại, thì người dân kiên quyết không đồng tình. Bởi, không chỉ là sự xóa tên của một ngôi làng, nó còn liên quan đến những giá trị lịch sử ngàn năm mà ông cha lao tâm tạo dựng!
  • Kiên Trung
Bài 2: “Con đường kỳ lạ” giữa làng cổ
Cùng tuyến bài:

Bài 2: Chóng mặt tốc độ phá… nhà cổ
Bài 1: Phá nhà cổ: Cự Đà hết "cự"?!



 
Chóng mặt tốc độ phá… nhà cổ (02/05)

Một ngôi làng cổ hàng trăm năm bỗng dưng bị “tàn sát hàng loạt”. Điều đáng nói, chính những người dân đã từng gắn bó, sinh sống trong những ngôi làng hàng trăm năm tuổi ấy, cực chẳng đã phải tự mình “ra tay hạ sát”… 
Nổi tiếng khắp Việt Nam bởi sự tồn tại của hàng trăm ngôi nhà cổ, Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) còn được biết đến là làng nghề truyền thống làm tương, miến…; “làng doanh nhân” – nơi ra đời và phát tích rất nhiều cự phú đất Kẻ Chợ, và là ngôi làng duy nhất được đánh số nhà, tên ngõ… như đất thành thị, dù Cự Đà vẫn chỉ là một ngôi làng bé nhỏ của một xã thuần nông.
Tuy nhiên, sau Tết Âm lịch, bộ mặt làng cổ Cự Đà đã thay đổi chóng mặt: người dân đua nhau phá nhà cổ xây nhà tầng. “Mùi vị” đô thị hoá hầm hập hâm nóng cả ngôi làng thuần nông hiền lành.

Một ngõ xóm hiếm hoi của Cự Đà còn sót lại hình
bóng những ngôi nhà cổ êm đềm - Ảnh: Kiên Trung
Nằm trải dọc theo con sông Nhuệ, những ngôi nhà cổ tại Cự Đà bám dọc theo trục đường xương cá, với khoảng chục con ngõ hướng thẳng ra phía bờ sông, và nhập với con đường chính chạy dọc qua ba làng Khúc Thuỷ, Khe Tang và Cự Đà của xã Cự Khê.
Theo đó, mỗi một ngõ xóm có chừng ba chục ngôi nhà cổ, theo kiến trúc nhà mái ngói chỉ, sân gạch, tường hoa… Cả làng cũng có chừng chục ngôi nhà cổ xây theo kiến trúc Pháp – đó là nhà của những “cự phú máu mặt” trong làng thời kỳ đó.
Trên những chiếc cổng cổ kính dẫn vào từng xóm, hay trên mặt tiền của nhiều nhà vẫn còn ghi rõ thời gian ngôi nhà được xây dựng. Phổ biến nhất là các khoảng thời gian đầu thế kỷ XX: 1925; 1929; 1913… Nhiều ngôi nhà có tuổi đời vài ba trăm năm và vẫn còn giữ nguyên kiến trúc.

Hình ảnh bình yên hiếm hoi còn sót lại... - Ảnh: Kiên Trung
Theo thống kê, Cự Đà có hơn 400 nóc nhà được đánh số thứ tự. Việc đánh số nhà tại làng Cự Đà được thực hiện từ năm 1993 và cũng là cách quản lý khá đặc biệt so với hầu hết các làng cổ, làng nghề khác của đồng bằng Bắc Bộ.
Mỗi xóm, ngõ tại làng Cự cổ đều bắt đầu bằng một chiếc cổng vòm cổ kính. Tuy nhiên, trong lịch sử của làng, việc đánh số nhà tại Cự Đà có từ năm 1929. Khi đó, làng có 290 nóc. Đến nay, việc đánh số nhà chỉ là việc giữ nguyên nếp cũ, chỉ gắn thêm biển cho những ngôi nhà mới.
Chỉ những nhà làm trên đất thổ cư, hợp pháp mới được làng ghi số, treo biển. Còn những nhà mới phát sinh trên đất trồng trọt, lấn chiếm, bất hợp pháp, cơi nới… đều không được gắn biển. Từ năm 2003, hai làng còn lại của Cự Khê là Khúc Thuỷ, Khe Tang cũng được gắn số, tuy chưa đồng bộ.
Vì sự “khác biệt” đầy đặc trưng này, cùng với kiến trúc cổ kính của hàng trăm ngôi nhà cổ, Cự Đà đã trở thành điểm du lịch và thu hút hàng ngàn lượt khách tới thăm. Những ngôi nhà cổ được khách du lịch tìm đến đã trở nên nổi tiếng như nhà số 11 của cụ Trịnh Thế Sủng thôn Đồng Nhân Cát, nhà ông Lai ngõ Ba Gang…
Xóm Đồng Nhân Cát.
Ngôi nhà của gia đình cụ Sủng ước ngót hai trăm tuổi và là gần như là ngôi nhà cổ duy nhất còn lại của làng. Nó được dựng bằng gỗ xoan đào theo kiểu “7 tiền 7 hậu, cửa võng bức bàn” (cửa trước cửa sau đều có 7 cây cột) từ năm 1864.
Trước, tổ tiên các cụ có cả một khu nhà rộng liền thành một khối, nhà trên, nhà dưới, nhà chái, nhà ngang… Mỗi khu cách nhau bằng một chiếc cổng vòm có cánh. Ông cụ thân sinh cũng là một tay cự phú, có hàng trăm mẫu ruộng bạt ngàn trải khắp xuống Đa sỹ, Văn Phú, Tó…
Nhưng, sản nghiệp ấy cũng theo những thú chơi cô đầu, ả đào, hút xách mà tan tành hết. Những gì cụ để lại cho con cháu là ngôi nhà “đại khoa” 5 gian với 35 cây cột gỗ xoan với lối kiến trúc mang đậm phong cách thời Nguyễn. Những nét khắc chạm tinh vi trên xà, cột, vách gỗ dường như càng trải qua thời gian mưa nắng, cái tinh tuý của kiến trúc thuần Việt càng được “cô” lại!

Làng lên phố, những trung tâm nhà đất bắt đầu xuất hiện.
Bà cụ Sủng cho biết: Từ khi làm đến nay, ngôi nhà mới chỉ vài lần đảo ngói, còn chưa phải động chạm đến bất cứ kiến trúc gì, vì ngôi nhà gần như chưa có biểu hiện xuống cấp.
Những ngôi nhà “đồng niên” như nhà cụ ước chừng còn hơn chục nóc. Còn nếu kể đến những nhà còn nguyên kiến trúc nhà cổ thì Cự Đà còn ngót trăm cái. Bên cạnh những ngôi nhà Việt cổ, Cự Đà có 30-40 nhà tây hai tầng theo kiến trúc Pháp. Ngôi nhà của ông Đinh Văn Tường mua lại 25 năm trước, nguyên là dinh thự của cụ Tư Bàng, cũng là một cự phú lúc bấy giờ.
Biệt thự hai tầng này đã ngót 100 tuổi đứng ở vị trí khá đẹp: nhà đứng đầu ngõ An Lạc, hai mặt giáp đường làng và ngõ xóm, lại quay ra mặt sông Nhuệ hứng gió trời. Tường hoa, bậu cửa… đều đã lên màu rêu xám. Những phù điêu, hoạ tiết phương Tây đắp nổi vẫn còn nguyên ở tầng một. Năm 1947, tại biệt thự này, tự vệ chiến đấu Hà Nội đã quyết tử chống lại 200 lính lê dương Pháp.

Kiến trúc Đông - Tây - Kim  - Cổ giao thời.
Thế nhưng, những nét tinh túy và hồn túy của làng cổ Cự Đà đã không còn giữ được.
Bà Hồng, chủ quán nước ngay đầu ngõ Ba Gang thở dài: dọc ngõ Ba Gang dài hơn trăm mét nơi gia đình bà ở có chừng hơn hai chục nóc nhà, thế nhưng, từ độ sau tết, hơn 20 nhà đã phá đi làm lại, chỉ còn duy nhất ngôi nhà của gia đình bà và của một nhà dân đầu ngõ là chưa bị đập. Cả làng đều đua nhau phá nhà ngói xây nhà tầng…
Men theo gần một cây số đường xương cá, Cự Đà có khoảng chục ngõ xóm với những cái tên hiền lành, cổ kính: An Lạc, Hiếu Nghĩa, Xóm Chùa 1, xóm Quang Trung, Đồng Nhân Cát, Xóm Con Cóc… Những ngôi nhà cổ phân bổ dọc theo các ngõ xóm này, mỗi xóm chừng vài ba chục nóc nhà, và tất thảy đều trông ra sườn con sông Nhuệ.

Ngõ xóm Hiếu Nghĩa hầm hập không khí phá nhà cổ xây nhà tầng.
Ngoài hơn hai chục nóc ngà tại xóm Ba Gang đang “lên cơn sốt” phá cũ – xây mới, các xóm Chùa 1, xóm Con Cóc…, cơn lốc xây dựng đều ngập tràn khắp làng. Cả làng biến thành một công trường xây dựng khổng lồ: xe ba bánh chở vật liệu xây dựng chạy rầm rập cả ngày đêm, len lỏi khắp các ngóc ngách để đáp ứng nhu cầu xây dựng; các cửa hàng, đại lý cung cấp vật liệu xây dựng mọc lên như nấm sau mưa…
Cự Đà đã chật chội, nay càng thêm chật chội và… rối tinh bởi không khí khẩn trương, hỗn độn khắp các ngõ xóm, và nhao nhác những tốp thợ xây tứ chiếng tìm về xây dựng.

Khu sinh hoạt tạm bợ của nhà dân khi phá nhà cũ xây nhà mới.
Thời điểm hiện tại, ước tính Cự Đà có tới cả trăm tốp thợ xây đang làm thuê tại đây.
Ông Nguyễn Văn Th., chủ của một ngôi nhà cổ ngay sát mé đường, đầu xóm Đình, cho hay: trước, nhà ông nguyên là một ngôi nhà cổ năm gian, mái ngói di, đui kèo rường mè đều là gỗ tốt. Thế hệ ông thừa hưởng lại ngôi nhà này là thế hệ thứ ba.
Tuy nhiên, khi số khẩu mỗi ngày một tăng, ngôi nhà trở nên chật hẹp, và quan trọng nhất là có một món tiền – đó cũng là cơ hội để đầu tư, thay đổi chỗ ở.
“Cũng tiếc lắm, nhưng mấy thế hệ cùng chia nhau chung sống trong một cái nhà chật chội, không đừng được. Với lại, cả làng cùng phá thì mình cũng làm, đỡ tiếc hơn…”.
Cự Đà không... "cự" lại được trước xu thế bị "ép" đô thị hoá bị!

Với khoản tiền đền bù từ “nhà nước”, ông Th. dự định làm một ngôi nhà rộng rãi 4 tầng theo kiểu hiện đại, thay thế ngôi nhà cũ. Phần tường ngôi nhà của ông tiếp giáp với nhà láng giềng, lớp tường vữa phô ra đỏ au bởi thứ gạch cổ, cùng những rêu phong, dương xỉ…
Cũng như ông Th., hàng trăm hộ dân khác cũng có tiền đền bù, và cũng đập nhà cổ xây nhà tầng...
(Còn nữa)
Theo VietNamNet

Tổng số lượt xem trang