Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

NHỮNG CON ĐẬP MÊ CÔNG: PHÉP THỬ MỐI QUAN HỆ VIỆT – LÀO

-NHỮNG CON ĐẬP MÊ CÔNG: PHÉP THỬ MỐI QUAN HỆ VIỆT – LÀO

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Năm, ngày 26/5/2011
TTXVN (Hồng Công 18/5)
Mạng tin Hồng Công “Thời báo châu Á” ngày 18/5 đăng bài bình luận của David Brown, một nhà cựu ngoại giao Mỹ hiện chuyên viết về Việt Nam đương đại, cho rằng các kế hoạch phát triển một loạt đập thuỷ điện trên phần sông Mê Công thuộc Lào đang trở thành trọng điểm trong những quan ngại chiến lược của Việt Nam.
Khi Lào hối thúc sự chấp thuận cho dự án đầu tiên trong một kế hoạch lớn dự kiến lên tới 12 con đập nhằm biến quốc gia này thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn, Việt Nam đã dàn xếp một quyết định của Uỷ hội sông Mê Công (MRC) ngày 19/4 đưa vấn đề lên cấp Bộ trưởng. MRC bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và được lập ra bởi một thoả thuận cùng quản lý việc phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.

Dù phân tích kỹ thuật gần đây chỉ ra những hệ quả tai hại cho nông nghiệp và ngư nghiệp của Campuchia và Việt Nam ở miền Nam châu thổ Mê Công, những kế hoạch cho con đập đầu tiên Xayaburi đang được phát triển mạnh mẽ. Nếu Lào có thể tranh thủ được sự ủng hộ từ Thái Lan cũng như giữ được sự hậu thuẫn của Trung Quốc, những con đập này có thể vẫn được xây dựng bất chấp “mối quan hệ đặc biệt” với láng giềng Việt Nam. Hà Nội đã kêu gọi ngừng dự án trong khoảng thời gian 10 năm để xem xét, nhưng Viêng Chăn đến giờ vẫn phản đối đề nghị đó.
Một quốc gia Lào đói nghèo từ lâu đã ấp ủ ý niệm trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, một kế hoạch nâng cao đời sống kinh tế cho 6 triệu dân thông qua xuất nhập khẩu thuỷ điện sang các nước láng giềng đã phát triển hơn. Có hàng chục con đập đã hoặc đang trong quá trình xây dựng trên nhánh sông Mê Công thuộc Lào. Xuất khẩu năng lượng hiện chiếm khoảng 30% GDP nước này.
Theo một số ước tính, nhóm đập thủ điện mà Lào đang có kế hoach xây dựng có thể tạo ra hơn 8 gigaoát, tương đương phân nửa nhu cầu điện năng tiêu thụ hàng năm hiện nay của láng giềng Thái Lan. Nhưng khi đó, hạ lưu sẽ phải hứng chịu hậu quả. Có nhiều chứng minh rằng nếu Lào xây các đập trên sông Mê Công, lượng chảy hàng năm vốn đem lại phù sa màu mỡ cho châu thổ miền Nam rộng lớn của Việt Nam và Biển Hồ của Campuchia (Tonle Sap-hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á) sẽ giảm đáng kể và thậm chí tắc nghẽn, đồng thời ngư nghiệp khu vực cũng sẽ bị tàn phá nặng nề.
Ban đầu Hà Nội không phản đối kế hoạch thuỷ điện lớn của Lào. Thách thức đang nổi bật đặt ra nguy cơ cho “mối quan hệ đặc biệt” giữa Hà Nội với giới lãnh đạo Lào, những đồng chí cách mạng sát cánh trong các cuộc chiến chống thực dân Pháp rồi sau đó với Mỹ. Các mối quan hệ quân đội và cảnh sát giữa Việt Nam với Lào là đặc biệt thân thiết, được thắt chặt bởi những mối quan hệ thương mại có lợi liên quan chủ yếu đến việc khai thác rừng ở Lào.
Các công ty điện lực quốc gia của hai nước cũng hợp tác chặt chẽ. Theo một thoả thuận mà đến năm 2020, 3-5 gigaoát điện xuất khẩu hàng năm của Lào sẽ sang Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thu xếp các dịch vụ về tài chính, kỹ sư và xây dựng cho phân nửa nhà máy thuỷ điện trên các nhánh sông Mê Công của Lào và đã đảm trách xây dựng một trong số các đập trong kế hoạch trên phần sông chính. Đến 2013, một đường dây tải điện 500 kV được tài trợ bởi Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự kiến sẽ đưa điện từ miền Nam Lào sang Việt Nam.
Do cả hai nước đang chuyển dịch hướng tới kinh tế thị trường và tham dự nhiều hơn vào trật tự thương mại toàn cầu, gần đây Việt Nam gặp khó khăn trong duy trì ảnh hưởng quân sự và kinh tế tại Lào trước một thách thức mạnh mẽ từ Trung Quốc. Uy lực Trung Quốc ở nước láng giềng Lào sẽ tạo ra một cơn ác mộng địa chính trị cho các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam, những người vốn đã kẹt vào phép thử ý chí với Bắc Kinh xung quanh tranh chấp trên biển Đông.
Với chính kế hoạch xây đập ở thượng nguồn Mê Công của mình (4 trong số 7 đập đã hoàn thiện), Trung Quốc đang rất chú ý đến chương trình xây đập của Lào. Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp tài chính nếu ADB, gần đây bị báo động bởi các hậu quả môi trường của những con đập, từ chối. Các ngân hàng và nhà thầu Trung Quốc đã xếp hàng để cung cấp tài chính, xây dựng và điều hành ít nhất là 4 trong số các đập Lào có kế hoạch xây trên phần sông Mê Công chính thuộc nước này.
Philip Hirsch, trong số tháng 5 của tạp chí “Asia-Pacific Journal” đã viết: “Những tác động chính trị, kinh tế và thuỷ học của việc Trung Quốc phát triển thuỷ điện ở thượng nguồn Mê Công đã thúc đẩy việc xây dựng các con đập ở dòng chính Mê Công phía dưới”. Hirsh chỉ ra rằng với việc ổn định dòng chảy Mê Công, các đập Trung Quốc khiến các đập trong kế hoạch của Lào rất khả thi về kinh tế, có thể hoạt động quanh năm.
Trong khi đó, suốt vài năm qua, các nhà hoạt động môi trường gióng lên hồi chuông báo động, khẳng định rằng ngư nghiệp trên hệ thống sông Mê Công sẽ không thể sống sót bởi các dự án đập của Lào. Dù các quan ngại từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) như Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) hay Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR) được phản ánh trong các nghiên cứu tham vấn mà MRC uỷ nhiệm, các quan chức đại diện cho các nước thành viên, chủ yếu là cấp cao của các Bộ Năng lượng, dường như bình thản trước những kết quả nghiên cứu này.
Thay đổi nhận thức
Khi vấn đề mới chỉ được nêu lên là bảo tồn số lượng những sinh vật thuỷ sinh quý hiếm, trong đó có cá da trơn khổng lồ Mê Công và cá heo Irrawaddy, phản ứng của khu vực chỉ là một sự hờ hững chung. Nhưng khi các tổ chức như IR thành công trong việc dựng lên viễn cảnh các con đập gây nên một thảm hoạ kinh tế không thể sửa chữa, các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội mới bắt đầu chú ý.
Những quan ngại mang tính chiến lược và các quan hệ kinh tế đã khiến Việt Nam im lặng khi các dự án đập ở Lào trên dòng chính Mê Công được thúc đẩy. Nhưng việc sắp sửa xây dựng con đập Xayaburi đã dẫn đến hành động của Hà Nội.
Trong các năm 2006 và 2007, Chính phủ Lào ký các bản ghi nhớ về việc xây dựng không ít hơn 7 con đập với các nhà thầu của Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Dự án đầu tiên trong số đó sắp hoàn thành về tài chính là dự án Xayaburi, một tổ hợp thuỷ điện 1,285 megaoát có tổng đầu tư 3,8 tỷ USD được xây dựng bởi nhà thầu Thái Lan CH Karnchang và được cung cấp tài chính bởi một cam kết của Thái Lan sẽ mua 95% lượng điện tạo ra.
Tháng 10/2010, khi quá trình chuẩn bị mặt bằng đã tiến hành, Lào đề nghị ban thư ký MRC sắp xếp một tiến trình chính thức “tham vấn và thoả thuận sớm” về dự án Xayaburi với các thành viên MRC. Theo đó, MRC sẽ gửi đến 4 nước thành viên. Đánh giá tác động đến môi trường (EIA) được nhà thầu Thái Lan chuẩn bị.
Khi có NGO hoạt động vì  môi trường biết được đánh giá này (vốn không công bố rộng rãi mãi cho đến tháng 3 vừa qua), họ không có ấn tượng chút nào. Theo IR, EIA đó không nhấn được vào những ảnh hưởng xuyên biên giới, thiếu sự kết hợp các hệ quả của Xayaburi với 10 đập khác đang trong kế hoạch ở hạ lưu sông Mê Công đồng thời thiếu những phân tích, thông tin kỹ thuật.
Trong khi về mặt chính thức, Việt Nam cân nhắc đề nghị của Lào nhất trí với kế hoạch, một làn sóng quan ngại trong dư luận nước này trở nên rõ rệt khi một số tờ báo và blogger nêu ra những cảnh báo từ các nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường. Nông dân bị hạn hán ở châu thổ Mê Công cho rằng đợt phù sa đến muộn hồi năm ngoái là bằng chứng những con đập Trung Quốc đã xây dựng trên thượng nguồn sông làm giảm lưu lượng chảy mùa mưa.
Truyền thông Campuchia cũng nhấn mạnh đến “thảm hoạ tiềm tàng… mối đe doạ từ những con đập” ở Lào. Tại Thái Lan, truyền thông đặt câu hỏi liệu lợi ích từ nguồn điện rẻ của các dự án tại Lào có đáng so với thiệt hại được dự báo trước cho cộng đồng ngư dân ven sông ở khu vực Đông Bắc vốn đã đói nghèo của nước này.
Với giới lãnh đạo Hà Nội, và dường như cũng với giới lãnh đạo ở Phnôm Pênh, cảnh báo của truyền thông khiến đề nghị nhất trí của Lào được xem xét ở cấp độ cao nhất. Tại Việt Nam, Bộ Chính trị dường như lo ngại một phản ứng dữ đội trong dư luận (giống tranh cãi hồi 2 năm trước về các mỏ bôxit do Trung Quốc đầu tư) có thể tạo ra nghi ngờ về khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các cộng sự không muốn bị “lưu danh” là những lãnh đạo đã không nhìn thấy trước được các nguy cơ nghiêm trọng mà Xayaburi và những con đập như thế tại Lào gây ra với nền kinh tế ở châu thổ sông Mê Công, nơi các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp đóng góp 10% GDP Việt Nam.
Với 25 triệu người sống ở đồng bằng châu thổ Mê Công, họ hiểu rõ dòng chảy phù sa hàng năm có tính quan trọng sống còn cho mùa màng bội thu. Dòng chảy giúp rửa muối, hạn chế nhiễm mặn nước biển và làm già cho đất đai. Khi lượng nước tăng, Biển Hồ của Campuchia sẽ được tiếp nước cho đến khi đạt mức gấp 100 lần lượng trữ mùa khô. Luồng chảy giúp cho quá trình sinh sản, di cư của cá sông, cung cấp nguồn protein động vật chính cho dân cư khu vực.
Những rì rầm của khu vực
Một con đập Xayaburi đơn lẻ, hay thậm chí thêm 4 con đập trên dòng chính Mê Công mà Trung Quốc đang xây dựng ở thượng nguồn, có thể không làm giảm mạnh mẽ luồng chảy xuống hạ nguồn. Tuy nhiên, không nghi ngờ rằng độ ổn định của dòng chảy – hậu quả từ việc xây dựng Xayaburi cũng như 6-10 con đập nữa ở hạ lưu Mê Công – sau cùng sẽ trở thành một thảm hoạ cho hàng triệu nông dân, ngư dân Việt Nam.
Nhưng dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang nghĩ lại về quan điểm “không quan tâm”. Theo một biên bản chính thức, các thành viên của phái đoàn Uỷ hội sông Mê Công phía Việt Nam đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc về những ảnh hưởng nghiêm trọng của các con đập trên dòng chính”. Các quan chức, chuyên gia Việt Nam đánh giá EIA của nhà thầu dự án đập Xayaburi là “không thoả đáng… thiếu đánh giá phù hợp về những tác động xuyên biên giới và mang tính tích luỹ đối với khu vực hạ nguồn”.
Hội thảo Cần Thơ và một hội nghị tiếp theo 5 tuần sau đó kết luận rằng quyết định về việc xây dựng đập Xayaburi “cần được hoãn lại từ 5-10 năm để thực hiện những nghiên cứu sâu hơn”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam, Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh “cần đánh giá trong khuôn khổ toàn bộ kế hoạch hệ thống đập trên dòng chính”. Quan chức này lặp lại một đề xuất được thúc đẩy tại một nghiên cứu công bố tháng 10 năm ngoái của giới chuyên gia mà MRC uỷ nhiệm thực hiện.
Trong vài ngày trước hội nghị MRC ngày 19/4 vừa qua, một loạt bài báo trên truyền thông Việt Nam dẫn lời các nhà khoa học nổi tiếng trong nước càng làm tăng nhận thức dư luận về những nguy cơ nếu đập Xayaburi được xây dựng. Một bài báo còn cho rằng đập Xayaburi mới chỉ là “phát súng đầu tiên” huỷ diệt hạ lưu sống Mê Công. Nếu toàn bộ hệ thốn đập trong kế hoạch hiện nay đựơc xây dựng, một nhà khoa học dự báo, lượng phù sa đến các tỉnh châu thổ của Việt Nam sẽ giảm đi tới 70%.
Việc truyền thông tập trung rầm rộ như vậy đã báo trước quan điểm của chính phủ. Nó dường như xác nhận không chỉ một quyết định ngăn chặn các dự án đập trên dòng chính Mê Công của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn cả sự tự tin của Hà Nội rằng Campuchia và đáng lưu ý là cả Thái Lan sẽ chung quan điểm với Việt Nam về việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa dự án Xayaburi.
Tại hội nghị 19/4, các đại diện của Lào tại MRC bị thúc ép ngừng dự án Xayaburi để chờ các nghiên cứu sâu hơn đã miễn cưỡng đồng ý rằng sẽ hoãn kế hoạch chờ xem xét ở cấp Bộ trưởng trong vòng 6 tháng tới. Vài tuần sau, Viêng Chăn ngừng công việc chuẩn bị cho dự án trong khi chờ đợi một xem xét lại về những đánh giá tác động môi trường của nhà thầu Thái Lan.
Có khả năng rằng kết quả từ hội nghị 19/4 sẽ trở thành một bước ngoặt, một sự bác bở dứt khoát với kiểu phát triển bằng mọi giá vốn vẫn đựơc chiếm ưu thế trong khu vực cho đến lúc này, kiểu phát triển đang được ủng hộ và đôi khi được lèo lái bởi cả dư luận lẫn các đối tác tư nhân đa quốc gia.
Bằng việc thách thức Viêng Chăn đối với một dự án phát triển quan trọng mà Lào ấp ủ, Hà Nội đánh đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng cứng rắn kể cả phải đánh đổi bằng nguy cơ thiệt hại “quan hệ đặc biệt” song phương. Và giờ đây khi 88 triệu dân đã được cảnh báo về những hiếm hoạ liên quan đến láng giềng nhỏ hơn này, giới lãnh đạo Việt Nam không còn sự lựa chọn mềm mỏng hơn.
Nếu Lào quyết tâm theo đuổi kế hoạch, viễn cảnh phía trước không có gì rõ ràng, chắc chắn. Dù không là một thành viên MRC, không nghi ngờ gì Trung Quốc sẽ thể hiện sức mạnh trong hậu trường. Họ có thể nhắc nhở Lào rằng Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ xây dựng các đập cũng như can thiệp với Campuchia, nước đang dựa vào Trung Quốc để chống lại những sức ép từ Việt Nam và Thái Lan.
Thái Lan sẽ nắm lá phiếu quyết định. Nếu Băng Cốc cho rằng họ sẽ tìm được cách khác để đáp ứng nhu cầu điện năng trong vài thập kỷ tới, các kế hoạch thuỷ điện của Lào ở hạ lưu Mê Công có thể tan biến. Tuy nhiên, với những căng thẳng hiện nay trên chính trường Thái Lan, việc hoạch định kế hoạch dài hạn đang phải nhường chỗ cho những chiến lược ngắn hạn.
Không có lợi ích kinh tế liên quan, các chính phủ phương Tây nhiều khả năng sẽ tìm cách can thiệp trên phương diện môi trường. Điều này có thể dẫn đến một nỗ lực phối hợp ngoại giao giúp Lào “giữ thể diện” khi huỷ bỏ các kế hoạch thuỷ điện và nhận được một vài “phần thưởng an ủi”, có thể bao gồm những tín dụng mới từ các ngân hàng đa phương cho các dự án phát triển ít gây tranh cãi hơn./.



-LỜI CẢNH BÁO VỀ NGUY CƠ HÁN ĐẠI ĐÔNG Á của tư tưởng gia LÝ ĐÔNG A từ 70 năm trước.
                                                                                         Hạ Long Bụt sĩ

Lý Đông A, một tư tưởng gia thâm viễn của Việt tộc, từ những năm 1940, trong tập Chu Tri Lục (bàn về sự biết chu toàn) tập 3, đã phân tích và trưng ra những nguy cơ của kế hoạch Đại Hán của Tầu, dù là Tầu Quốc hay Tầu Cộng.

Lý Đông A đã nhìn rõ, từ 1943, sau đệ nhị Thế chiến, thế giới 1950-2000 sẽ chuyển mình sang chế độ mới, với các liên minh quốc tế. Tại thời điểm 1940, Căn bản lập trường dân tộc qua Cương Lĩnh 2, đối Tầu, gồm vài điểm quan trọng sau :
1-     Quy luật lịch sử Tầu là : Lấy Tài Hoá Thu Nhân Tâm (thoát nghĩa Hữu đức giả hữu thổ), Hưng Hoa diệt Di, thiên hạ đại đồng theo lối Hán mà vũ khí và thủ đoạn chủ yếu là chủng tộc xâm lược.


2-     Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Văn cũng là một chủ nghĩa đế quốc: Tôn Văn từng nói với cụ Phan Bội Châu: “Các ông bất tất phải làm, chỉ là một tỉnh của Tầu, chúng tôi làm xong thì xong”, và sau này Tưởng Giới Thạch cũng nói: “Việt Nam là Tầu, Việt Nam để người Tầu làm giúp cho”.

3-     Năm 1911, Tôn Văn đề xướng Ngũ Tộc Cộng Hoà, gồm 90% là nhân khẩu Tầu, 10% là Mãn, Mông, Tạng, Miêu (là Việt núi). Năm 1916 Tôn Văn luận Quốc Tộc tức đúc các dân tộc vào một lò mà thống nhất thế giới, chia toàn quốc ra Tỉnh, Quận, Huyện, khoảng 1921-22, Tôn Văn nói: Ta phải đem các dân tộc Thái, Việt… liên hợp lại cùng chống đế quốc.

4-     Năm 1940, Chính Trị Địa Lý Bộ  của chính phủ Trùng Khánh, ra tập Đông Á Địa Lý, quy định 8 con đường phát triển của nòi Hán sau này:
-1/Tây Bá Lợi Á- 2/ Tây Tạng, Ba Tư- 3/Tân Cương- 4/Ấn Độ- 5/Việt, Thái, Miến, Tân Gia Ba- 6/Nam Dương liệt đảo- 7/Úc châu- 8/Thái Bình Dương liệt đảo & Hàn quốc.

Để đạt mục đích, Tầu dùng cách: Lộ Ố Nàm (lấy vợ An Nam) -Dìu Ố Nàm (tiêu tiền An Nam) -Chì Ố Nàm (ở đất An Nam).

Lý Đông A còn trưng rõ: tờ Đại Lộ Nguyệt San ở Thượng Hải, số ngày 1-5-1933 đã đăng bài Nam Dương Hoa Kiều Cộng Hoà Quốc Vận Động, chủ trương lấy Hoa kiều làm chủ lực xâm lược, biến Nam Dương thành Hoa kiều Cộng hoà quốc. Về Việt Nam: Bắc kỳ quy về mẫu quốc, Trung kỳ và Nam kỳ thuộc về Hoa kiều thống trị. Trên tờ Quảng Tây Nhật Báo số ngày 26-11-1942 đề xướng “Hoa kiều thổ hoá vận động” qui định bề mặt phải thổ hoá nghĩa là Hoa kiều ăn mặc theo thổ dân, nói tiếng thổ dân, ảnh hưởng văn hoá thổ dân để bề trong tăng tác dụng Hán hoá.

Lý Đông A còn nhấn mạnh: “Đối riêng VN, họ đang nghiên cứu cách nào lập thành một Tỉnh, nuôi Việt gian thế nào, diệt chữ quốc ngữ thế nào, tiễu trừ dân tộc ý thức cách nào, làm sao cho người Việt tưởng mình là Hán, khôi phục chữ Nho thế nào… thống trị thế nào…”

5- Tầm quan trọng của đất nước Việt Nam đã được viễn kiến Lý Đông A kết tinh hùng hồn như sau: “Đất ta là đất cơ sở của Thái Bình Dương, trung tâm của Đông Nam Á, tư lệnh đài của quốc tế, được ta thì tiến lên xưng bá loài người, lui về thì tự thủ muôn thuở… đứng vào thiên hiểm của trung tâm… đời nay nếu ta muốn sống phải hết sức mạnh mà ta hững hờ là thì tất diệt. Lại đời nay, diệt tức là toàn diệt đó, Ta chớ hòng làm Hoà Lan hay Thuỵ Sĩ… ta là cái xương hóc giữa cổ họng chú chiệc…”

LẠM BÀN

1-Đối Tầu, phân tích cặn kẽ của Lý Đông A, 70 năm sau, vẫn còn nguyên vẹn giá trị và vẫn làm kim chỉ nam cho cuộc vận động toàn dân sinh tồn phòng vệ. Nhật, Pháp chỉ là đối thủ chóng qua, Tầu trước sau vẫn là đối thủ truyền kiếp.

2-Trung Cộng đã chiếm Tân Cương, Tây Tạng, từng đánh Ấn Độ 1962, mưu toan ở Nam Dương 1965… đúng như dự liệu của Lý Đông A, và so với tiết lộ của Wikileaks gần đây, thì mưu lược của Tầu trước sau vẫn là mở đường xuống Đông Nam Á, qua VN, lối tằm ăn dâu, thuê đất thuê rừng, khai Bâuxít, mỏ quặng, lấn đảo, biển, dùng tài hoá đầu tư khắp VN nhất là đang nhắm vùng biên giới Móng Cáy (ngũ niên kế hoạch đầu tư hơn 400 tỷ từ nay tới 2015). (1)

3-Lý Đông A nhìn rõ thế giới từ 1950-2000, hậu Thế chiến II, đổi mới theo hướng quốc tế liên minh, mà VN trong liên minh Đại Nam Hải, phải thật mạnh để đối kháng Tầu.

4- Cảnh báo về âm mưu Hán hoá: nuôi Việt gian, làm sao cho người mình tưởng mình là Hán, diệt trừ chữ quốc ngữ, khôi phục chữ Nho thế nào… vẫn còn nguyên giá trị. Hiện tại vẫn không thiếu người vì lòng yêu chữ Nho-chữ Nôm, vô tình tuyên truyền cho âm mưu đó mà quên rằng, cổ ngữ như LaTinh, Hy Lạp vẫn chỉ là cổ ngữ và quốc ngữ abc mới là nét đặc sắc của Văn hoá linh động cấp tiến Việt, tách rời bóng trùm Hán học.

***

Tiếc rằng Lý Đông A đã khuất bóng sớm, từ 1946, không kịp nhìn thấy những chuyển biến rất lớn của thế giới: Tầu Cộng chiếm Hoa lục từ 1949, Tưởng chạy ra Đài Loan, Quốc Cộng VN 1954, VN 1975, Nga sô Đông Âu xụp đổ 1990, thế giới Hồi giáo bừng dậy, cuộc cách mạng điện tử mở rộng thông tin toàn cầu từ 1980….

Nam Dương, nhờ 90% Hồi giáo đã đẩy ngã Cộng sản Hoa kiều xuống biển.

Hàn, Nhật, trở thành cường quốc kinh tế, đối kháng mạnh mẽ với tiềm năng kinh tế của Tầu.

Ấn Độ cũng trở thành một cường quốc, không dễ gì Tầu có thể xâm chiếm (2)

Úc châu, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore, Đài Loan… những đảo quốc này với hải quân và hạm đội Hoa Kỳ, không dễ gì hải quân mới lớn của Tầu có thể áp đảo, Tầu chưa từng có kinh nghiệm về hải chiến và đại chiến.

Hai khâu yếu nhất hiện tại là Lào và Việt Nam. Nếu VN biết nghiêng hẳn sang khối ASEAN và đại cường Hoa Kỳ, vận động yểm trợ của quan thầy cũ là Nga Sô tạo áp lực miền Tây-Tây Bắc Trung Hoa, thì VN có thể thoát hiểm và làm chùn chân hồ đội lốt hổ Tầu.

Tại sao Tầu lại là hồ đội lốt hổ? Phân tích ta thấy dân Tầu 1.3 tỷ là loại dân hỗn tạp, nam Dương Tử vốn là giống Bách Việt, cả 56 bộ tộc, dân Hán từng bị Mông Cổ đô hộ 99 năm, Mãn Thanh thống trị 300 năm, binh hùng tướng mạnh, Tống, Minh... sang đánh VN lần nào cũng tan tành đại bại, đầu thế kỷ XX Nhật Bản vũ bão đánh chiếm Mãn Châu, Trung nguyên Tầu, Bát quốc xâu xé bắt nhượng địa, vì sao? có thể kê ra những nhược điểm của Tầu như sau:

* Dân Tầu không phải là loại dân chiến sĩ –warriors- như Nhật, Mông, đa số là dân buôn bán, trí thức nhào nặn trong Nho Khổng cả ngàn năm, ô hợp, cúi mình theo cấp trên, làm việc lấy lệ, dối trá cho yên thân, trọng tiểu lợi, đầy dẫy những tiểu nhân tài bất cập chí, đầu óc còn phong kiến lạc hậu, chưa nhìn ra thế toàn cầu, vẫn lúi húi trong trò chơi chính trị Chiến quốc Tam quốc. Dân tình dân trí như thế làm sao bá chủ hoàn cầu?

* Khối người Tầu theo hướng Tự Do Dân chủ, chống Cộng, khá đông vòng quanh thế giới, Đài Loan, Tân Gia Ba, Mỹ, Gia Nã Đại… Lý Quang Diệu từng cảnh tỉnh Đặng Tiểu Bình về đầu óc thực dân lấy mạnh hiếp yếu của Tầu Cộng. Khối này, cộng với những người đối kháng thức thời trong Hoa lục, không để Trung Cộng yên ổn khi có đại biến cố xẩy ra.

* Vũ khí nguyên tử mới không còn nể sợ biển người của Tầu, chưa kể loại quân Tầu phù, ngay cả 200 năm trước cũng đã bị Nguyễn Huệ phá tan trong một tuần lễ. Miếng ăn, nạn đói luôn luôn ám ảnh dân Tầu, dân xấu xí uý tử tham sinh hơn là bền gan sắt đá.

* Âm mưu của Trung Cộng lấy kinh tế bao vây Âu Mỹ, không qua mặt được bậc thầy kinh tài Nữu Ước Luân Đôn, bậc thầy chứng khoán, bonds Do Thái. Giỏi về thương mại, quen hối lộ, gian thương, sau 30 năm canh tân từ 1979 tới nay Tầu vẫn chưa có nổi một thương hiệu quốc tế như Đại Hàn với Samsung, Hyundai, LG…có nghĩa là một nền kinh tế chậm tiến gia công cho Nhật, Âu, Mỹ… Cựu thủ tướng Anh, M.Thatcher từ 2002 cho rằng phải mất 40 năm nữa Tầu mới tân tiến, giải quyết xong cấu trúc hạ tầng xã hội. Hiện tại Tầu công kích Mỹ lấy Đô La làm loại tiền thống trị thế giới, nhưng đến bao giờ đồng Yuan của Tầu mới có uy tín bằng đô la để được quốc tế chấp nhận?

* Trước trào lưu dân chủ tự do lan tràn toàn thế giới, sách lược Tâm Công của Nguyễn Trãi, từng làm quân Minh tan hàng, có thể dùng để làm rã ngũ quân cán Trung Cộng nếu phối hợp được với các lực lượng đối kháng của chính người Tầu trên thế giới và người Bách Việt, người trí thức khát vọng tự do dân chủ ngay trong đất Tầu.


CHÚ THÍCH

1-Năm 1965, cùng với chiến tranh VN, đảng CS Nam Dương với 3.5 triệu đảng viên và 20 triệu người ủng hộ, là đảng mạnh nhất trong 18 đảng, họ toan nắm quyền ở Nam Dương. Khi ấy TT Sukarno lại bỏ Âu Mỹ, nghiêng về Trung Cộng, với lạm phát 650% kinh tế kiệt quệ, Sukarno từng chửi rủa Mỹ: “Go to Hell with your aid ” đuổi đoàn thiện chí Peace Corp Mỹ, ông bị bệnh, không chịu giải phẫu ở Vienna mà lại quay về với Đông Y Tầu… May nhờ giới quân nhân chống Cộng quyết liệt và khối Hồi giáo thuần thành vốn chống vô thần, đảng CS Nam Dương bị triệt hạ, quần chúng nổi lên giết người Hoa mà họ cho là đứng sau đảng CS (CS Tầu đã chuyển vũ khí cho CS Nam Dương), họ trả lại đất cho điền chủ bị CS địa phương tước đoạt… Theo Đại sứ Mỹ năm 1966 cho biết khoảng 400,000 CS và thân CS bị tàn sát, Đại sứ Thuỵ Điển cho rằng số bị giết ít nhất là 1 triệu người. Hoa Kỳ khi ấy quyết tâm chặn đứng sức bành trướng của Trung Cộng ở biển Đông, từ Mã Lai-Nam Dương-tới Nam VN. Ngày nay, khu Tầu ở Nam Dương không dám đề chữ Hán trên bảng hiệu ! (Sukarno bị truất 1967, mất năm 1970-tướng Suharto lên thay).

2-Xung đột biên giới Ấn-Tầu 1962 làm Thủ Tướng Nerhu tỉnh ngộ: Huynh đệ Ấn-Tầu-India-China Brothers- chỉ là trò hề, ngay sau đó Ấn tăng cường quân đội gấp đôi để phòng Tầu, cùng vụ hoả tiễn ở Cuba năm ấy, Mỹ và Âu châu nhìn ra tham vọng bành trướng của CS và riêng Nga cũng bắt đầu nghi ngại mối hoạ láng giềng Tầu (tài liệu tra cứu từ Google).




-PHÁC THẢO DỰ ÁN ĐÊ BIỂN ĐA DỤNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG (Ngô Thế Vinh)





MEKONG-CỬU LONG 2011 NHÌN XA NỬA THẾ KỶ TỚI [2]

PHÁC THẢO DỰ ÁN ĐÊ BIỂN ĐA DỤNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

A POSSE AD ESSE / TỪ KHẢ NĂNG TỚI HIỆN THỰC
LỜI MỞ ĐẦU:
Đây là bài viết thứ hai, trong số 3 bài viết về tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long “Nhìn Xa Nửa Thế Kỷ Tới”. Bài thứ nhất, như một tổng quan, với nhận định: thủy điện vẫn là nguồn năng lượng rẻ nhất, do nhu cầu phát triển, những bước khai thác thủy điện trên sông Mekong, cho dù mau hay chậm, trước hoặc sau, thì đó vẫn là một tiến trình không thể đảo nghịch trong vòng nửa thế kỷ tới.

Do áp lực mạnh mẽ của các quốc gia thuộc Lưu Vực Dưới sông Mekong, kể cả cộng đồng quốc tế, cho dù Lào đã đã có quyết định tạm ngưng khởi công xây con đập thủy điện Xayaburi 1,260 MW, là con đập thủy điện dòng chính đầu tiên trong dự án 9 con đập của Lào; một dấu mốc được International Rivers Network / IRN và các nhà hoạt động môi sinh coi như một “thắng lợi”, nhưng cũng để thấy rằng đây chỉ là bước trì hoãn tạm thời.

Nếu so với hai con đập thượng nguồn Tiểu Loan / Xiaowan 4,500 MW và Nọa Trác Độ/ Nuozhadu 5,850 MW của Trung Quốc, mỗi con đập có công suất trên dưới lớn hơn 5 lần con đập Xayaburi, và riêng đập Tiểu Loan có hồ chứa lớn hơn cả tổng dung tích 11 con đập hạ lưu cộng lại, nhưng Bắc Kinh thì vẫn cứ ngang nhiên triển khai kế hoạch khai thác thủy điện sông Mekong của họ cho do dù có phản ứng chống đối của dư luận quốc tế. Sự khác biệt rất rõ ràng: Trung Quốc là một nước lớn với lý lẽ của kẻ mạnh và đầy tham vọng vươn lên như một siêu cường, Lào chỉ là một quốc gia nhược tiểu nghèo nàn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài trợ từ bên ngoài để có thể thực hiện được các dự án đập của mình.


Việt Nam là một trong những quốc gia lớn tiếng nhất chống dự án đập Xayaburi, vậy thì Hà Nội sẽ ăn làm sao nói làm sao, khi mà chính một công ty nhà nước—PetroVietnam Power Co.—lại đứng tên tham gia vào dự án xây con đập thủy điện Luang Prabang 1,410 MW trên dòng chính sông Mekong lớn hơn cả con đập Xayaburi? Để tiến tới xây dựng một “Tinh thần Sông Mekong / Mekong Spirit” Việt Nam không thể có một thứ tiêu chuẩn nước đôi/ double standard như vậy.

LƯỢNG GIÁ VỀ MỘT CHÍNH SÁCH NGẮN HẠN

Cho dù ý thức được tiến trình không thể đảo nghịch trong nỗ lực khai thác tiềm năng thủy điện sông Mekong, nhưng chúng ta vẫn có nhu cầu phải đòi hỏi sự trong sáng và minh bạch / transparency, và những lượng giá môi sinh đúng mức cho những bước khai thác bền vững / sustainable development.

Chúng ta rất cần thêm thời gian, bằng những cuộc vận động không những trong phạm vi vùng mà cả với dư luận quốc tế. Kinh nghiệm tích cực với con đập thủy điện Xayaburi đáng là một bài học. Nhưng cũng để thấy có những hạn chế và khác biệt. Thay vì là con đập Xayaburi, giả thiết nếu đó là một trong 2 con đập Sambor hay Stung Treng của Cam Bốt với ông Thủ tướng là ông Hun Sen, thì liệu có đạt được một thỏa hiệp trì hoãn như đối với chánh phủ Vạn Tượng hay không, khi mà ông Hun Sen luôn luôn khẳng định rằng các con đập thủy điện thượng nguồn không có gì phải quan tâm; tất cả là do khí thải carbon/ carbon emissions và thay đổi khí hậu/ climate change. (6)

LƯỢNG GIÁ VỀ MỘT CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN

Do những nguyên nhân tích lũy, [1] Những con đập thượng nguồn, chủ yếu là các con đập Bậc thềm Vân Nam của Trung Quốc với những hồ chứa khổng lồ làm giảm lưu lượng nước, giảm lượng phù sa xuống Đồng Bằng Sông Cửu Long, khiến không chỉ nước mặn càng lấn sâu vào vùng châu thổ mà còn tạo ra hiện tượng sạt lở như với mũi Cà Mau hiện nay; [2] Hiện tượng hâm nóng toàn cầu / global warming do tăng lượng khí thải CO2 từ than đá và dầu khí, làm tan dần những tảng băng nơi hai cực Bắc và Nam, cùng với khối băng tuyết Cao nguyên Tây Tạng còn được gọi là Cực Thứ Ba / Third Pole ; hậu quả là nước biển ngày càng dâng cao. Theo các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, mực nước biển có thể dâng cao từ 0. 8 m tới 1.5m vào năm 2100. Chỉ cần nước biển dâng cao 1mét, thì 90% diện tích Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chìm dưới mực nước biển. [Hình 1]

Hnh-1_-2100-Sea-Level-Rise
[HÌNH 1] Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ chìm dưới biển mặn năm 2100 khi mực nước biển dâng cao 1 mét

Trước viễn tượng một Đồng Bằng Sông Cửu Long – vốn là vựa lúa nuôi sống cả nước, không chỉ thiếu nguồn nước ngọt mà còn bị sạt lở và sẽ chìm trong biển mặn; Việt Nam sẽ không có một chọn lựa nào khác hơn là hình thành một dự án vĩ mô / mega-project xây dựng [1] một con đê biển đa dụng ngăn mặn và; [2] hai hồ chứa nước ngọt từ hai vùng trũng thiên nhiên là Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau. (3)

Bài viết thứ hai này, chủ yếu giới thiệu khái quát về một dự án phác thảo Con Đê Biển Đa Dụng Ngăn Mặn cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy là bước rất sơ khởi, chỉ mới là khái niệm / conceptual kỹ thuật nhưng đây là công trình trí tuệ của anh Ngô Minh Triết, P.E. – một Kỹ sư Cấu trúc / Structural Engineer (1), với sự cộng tác của anh Phạm Phan Long, P.E. trong Nhóm Bạn Cửu Long; anh PP Long cũng thành viên sáng lập Hội Sinh Thái Việt / Việt Ecology Foundation.

MỤC TIÊU CỦA ĐÊ BIỂN ĐA DỤNG

Như tên gọi ban đầu, mục tiêu chính của đê biển là ngăn mặn do hậu quả nước biển dâng cao và do lưu lượng “dòng chảy tối thiểu” từ thượng nguồn xuống Đồng Bằng Sông Cửu Long càng ngày càng sút giảm.

Do hệ thống đê biển không nằm trên đất liền mà xa bờ, nên không có tổn phí phải mua lại đất / land acquisition , mà có khả năng tạo những hồ chứa trong vùng đệm giữa đê biển và bờ biển thiên nhiên hiện tại. Với thời gian, do nguồn nước đổ xuống từ thượng nguồn, cộng với lượng nước mưa, nước trong vùng đệm sẽ bớt mặn, tiềm năng khai thác chăn nuôi thủy sản như các loại cua biển, tôm xú trong vùng nước lợ / brackish water với nguồn lợi thu về sẽ rất lớn.

Con đê biển không những có hiệu quả tránh sạt lở giữ được đất, mà còn tạo thêm những vùng đất mới / land reclamation, tăng diện tích canh tác và cả triển vọng hình thành những đô thị mới. Phải xem đây là một trong những nguồn lợi tức lớn và lâu dài để trả về một cách xứng đáng cho nguồn vốn đầu tư rất lớn để xây dựng công trình.

Con đê biển cũng sẽ là một hệ thống Xa Lộ Vòng Đai của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Theo kỹ sư Ngô Minh Triết, bề mặt đê biển có thể rộng tới 25 m, đủ cho một xa lộ hai chiều, không chỉ cần thiết để bảo quản công trình, mà cả có tầm quan trọng chiến lược về giao thông, kinh tế và quốc phòng, khi mà Biển Đông đã và đang là vùng tranh chấp gay gắt với nước lớn Trung Quốc. [Hình 2]

Hnh-2_-Mekong-Sea-Dyke
[HÌNH 2] Đồng Bằng Sông Cửu Long và Đê Biển Ngăn Mặn từ độ sâu 3 mét: đường chỉ màu đỏ

Gió và mặt trời cũng sẽ là nguồn năng lượng thiên nhiên phong phú có thể khai thác trên các vùng đất mới phía trong theo suốt chiều dài con đê biển. Và không thể không nghĩ tới một nguồn lợi tức đáng kể khác là Du lịch Sinh thái / Ecotourism, với các môn thể thao trên nước, như trượt nước, đua thuyền, câu cá / sport fishing …

TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN VÀ PHÁC HỌA MÔ HÌNH ĐÊ BIỂN

Cấu tạo địa chất đáy biển vùng cận duyên quanh Đồng Bằng Sông Cửu Long: 65% là đất phù sa / silk, 25% là đất sét / clay, và phần còn lại là cát. Vùng cận duyên hướng ra biển không sâu và khá phẳng, có độ dốc từ 0.8:1000 tại các vùng cửa sông , 5.0:1000 nơi vùng mũi Cà Mau.

Dự trù đê biển sẽ nằm trong vùng cận duyên có độ sâu trung bình là 3 mét, chiều dài đê biển từ Gò Công vòng qua mũi Cà Mau tới Hà Tiên, tính theo hình ảnh vệ tinh là khoảng 600 km.

Đê biển được nối lại với nhau nơi mỗi cửa sông bằng những công trình cầu để bảo đảm tàu bè vẫn dễ dàng di chuyển hai chiều từ biển vào sông lên tới tận Nam Vang, do Mekong là một con sông quốc tế / international river.

Kỹ thuật và nhân công chủ yếu là từ địa phương. Nguyên liệu chính là đất sét, cát từ đáy biển được chứa trong những bọc / geotextile containers (một loại bao polyester rất bền và thấm nước), sau đó được gia cố bằng đá nhỏ với concrete xi- măng. Cát từ biển cũng có thể dùng để tạo những bờ biển mới phía ngoài con đê. [Hình 3]

Hnh-3_-Cross-Section-Sea-Dyke
[HÌNH 3] Sơ Đồ Đê Biển Cắt Thẳng, từ trái_ hướng ĐBSCL sang phải_ hướng biển,
xa lộ hai chiều, đường bảo quản, tường chắn sóng bão 200 năm

Các giang cảng nội địa như cảng Cần Thơ sẽ được chuyển rời ra phía ngoài con đê. Sẽ có những “xa lộ đường dẫn” như hình nan quạt từ đê biển đi vào các cửa sông, tới những trung tâm thị tứ và các trọng điểm của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Rút ngắn được thời gian giao thông sẽ là một cải thiện đáng kể cho các bước phát triển kinh tế thịnh vượng của Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Ngay từ ban đầu, ý thức được rằng đây là một công trình không chỉ có quy mô quốc gia, mà cả cho toàn Lưu vực Lớn Sông Mekong / Greater Mekong Subregion, với thời gian là những đơn vị “thập niên”, đòi hỏi một ngân sách rất lớn hàng chục tỉ USD, không chỉ từ ngân sách quốc gia, mà cần tới sự tài trợ của của các nước Mỹ, Nhật, Úc… và các cơ quan tài chánh quốc tế: WB/ World Bank, ADB/ Asia Development Bank … Theo ước tính sơ khởi, số tiền đầu tư cho dự án Đê Biền Chống Mặn Đồng Bằng Sông Cửu Long chắc hắn sẽ ít hơn so với số vốn 56 tỷ USD mà nhà nước định tài trợ cho siêu dự án Đường Sắt Cao Tốc.

Và quan trọng hơn hết là cần có một “think tank” tập hợp tất cả “chất xám” từ mọi lãnh vực chuyên môn từ thủy học, quan trắc địa chất, thay đổi khí hậu, môi sinh…của mọi tầng lớp người Việt trong nước cũng như bên ngoài, cùng với đội ngũ chuyên viên có kinh nghiệm từ hai quốc gia như Hòa Lan Vùng Đất Thấp và Hàn Quốc với công trình Saemageum và cũng không thể không nói tới Ủy Hội Sông Mississippi / Mississippi River Commission, từng có rất nhiều kinh nghiệm về đê điều và đang là tổ chức kết nghĩa với Sông Mekong từ tháng 7, 2009 do sáng kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (5)

MỘT VIỆT NAM SỐNG CÒN

Nếu biết rằng, nửa sau của thế kỷ 21 này, sẽ không còn Đồng Bằng Sông Cửu Long một vựa lúa nuôi sống cả nước, Sông Tiền Sông Hậu sẽ là hai con sông chết vì thiếu nguồn nước ngọt do những con đập thượng nguồn nhưng lại dư độ mặn do Biển Đông dâng cao, với hậu quả là sẽ không còn một Nền Văn Minh Miệt Vườn, không còn một phần hình hài trẻ trung và đầy sức sống của cả nước; trước kịch bản ấy, không thể không khởi động làm một điều gì và lời giải đáp chắc chắn đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, khởi đi từ tinh thần sáng tạo, hình thành một “ý tưởng lớn” cùng với ý chí và quyết tâm thực hiện. Và cũng để nhắc lại, là sẽ không có cái giá để mặc cả và thời gian thì có thể hơn giới hạn một đời người, để bảo vệ vùng đất định mệnh nhưng là một linh địa của dân tộc Việt.

Từ một đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, luôn luôn chìm đắm trong những cuộc chiến tranh, cũng là biện minh cho sự thiếu vắng những công trình kỳ vĩ. Đây chính là thời kỳ để đất nước Việt Nam chuyển từ một nền “Văn Hóa Chiến Tranh / Culture of War” sang một nền “Văn Hóa Hòa Bình/ Culture of Peace” cùng với bước đầu nhận thức phải thực hiện một công trình xây dựng không chỉ có tính cách “sống còn” nhưng tự nó đã là một kỳ quan về “kiến trúc sinh thái” trong Thiên Niên Kỷ của dân tộc Việt.

NGUỒN AN NINH LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI

Việt Nam Thái Lan cho đến nay vẫn là hai nước sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới. Nhưng điều nghịch lý là nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long thì vẫn sống “dưới mức nghèo khó” và không những thế, con cháu họ còn đứng trước thảm họa “mất đất sống”. Với dân số trên trái đất này ngày càng gia tăng theo cấp số nhân, và các nguồn lương thực quan trọng lại đang bị đe dọa trầm trọng bởi chuỗi những thảm họa do chính con người gây ra. Riêng với Đồng Bằng Sông Cửu Long, thảm họa không chỉ đến từ phương bắc do những con đập thượng nguồn Trung Quốc, từ phía đông nam do biển mặn dâng cao hậu quả của hâm nóng toàn cầu. Cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long, không chỉ là cứu một phần đất đai màu mỡ của Việt Nam, nhưng cũng là cứu một vựa lúa quan trọng của thế giới. Hiểu như vậy, thì sự tham dự hỗ trợ của nhiều quốc gia khác trong công trình Con Đê Biển Đa Dụng Chống Mặn là một nghĩa vụ quốc tế trong thế kỷ toàn cầu hóa / globalization.
NGÔ THẾ VINH
California, 05-05-2011

[Source: http//www.vietecology.org]

THAM KHẢO:

1/ Đê Biển Chống Mặn Đồng Bằng Sông Cửu Long, Ngô Minh Triết, P.E.; Mekong Sea Dyke, A Concept Paper / Draft, 04, 2011

2/ Thực Trạng Bi Đát của Lưu Vực Sông Mekong, Sáng Kiến Lancang-Mekong, Phạm Phan Long, P.E., Viet Ecology Foundation 1, 2011, www.vietecology.org/Article.aspx/Article/64

3/ Mekong-Cửu Long 2011 Nhìn Xa Nửa Thế Kỷ Tới, Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation, tháng 1, 2011, www.vietecology.org/Article.aspx/Article/63

4/ US – Mekong Basin Cooperation follows ASEAN Meeting, Vientiane, Laos PDR, Jul 30, 2009, www.mrcmekong.org

5/ Mekong-Mississippi Hai Dòng Sông Kết Nghĩa: Những Tương Đồng và Khác Biệt, Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation, tháng 8, 2009, www.vietecology.org/Article.aspx/Article/58

6/ Hunsen backed China’s often-criticized development plans for the Mekong River, Phnom Penh, Jun 29, 2005, (AFP)

7/ Hun Sen denies China Dams Impacts; Thomas Miller & Cheang Sokha; Phnom Penh Post, Nov 17, 2010

8/ The Mekong, Environment and Development, Hiroshi Hori, United Nations, University Press, Tokyo 2000

9/ Vùng Đất Ngập Đồng Tháp Mười, Trần Ngươn Phiêu, Thế Kỷ 21 số 219, tháng 7, 2007

10/ On the Mekong, A Better Way. Qin Hui, Economic Observer. Where China and the World Discuss the Environment. December 25, 2010.




Tổng số lượt xem trang