Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

"Giếng xăng” ở Lạng Sơn do bộ đội đào

-"Giếng xăng” ở Lạng Sơn do bộ đội đào 
- Thời kỳ không quân Mỹ đánh phá khu vực ga Đồng Đăng, để hạn chế tổn thất hàng hoá, nhất là xăng dầu không để ứ đọng nhiều, ta đã chở những téc xăng, vật tư xăng dầu nhanh chóng sơ tán từ ga Đồng Đăng về trạm Cốc Nam. 
LTS: Sau khi bài viết “Giếng xăng ở Lạng Sơn, đã biết 50 năm trước” được tăng tải trên Bee.net.vn, Đại tá cựu chiến binh Trịnh Thanh Phi, nguyên Chính trị viên D1, E4, F337, Đơn vị một thời sở hữu giếng xăng Cốc Nam, Lạng Sơn đã gửi bài viết chia sẻ những thông tin ông biết về giếng xăng ở Cốc Nam cũng như nguyên nhân xuất hiện giếng xăng. Để có thêm một góc nhìn khoa học về hiện tượng này, Bee xin giới thiệu bài viết.


Bộ đội đã đào được “giếng xăng”

Giữa tháng 3 năm 1979, tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 337 Quân khu 4 được cấp trên điều lên biên giới Lạng Sơn trực thuộc Quân đoàn 14, Quân khu I  làm nhiệm vụ chốt giữ một  vùng rộng lớn từ Thị trấn  Đồng Đăng ngược lên Tân Thanh mà  đoạn giữa là  khu vực mốc biên giới 16, bản Cốc Nam, Tân Mỹ nơi có giếng xăng  ta đang nói tới.

Đóng quân nơi đây,  mỗi khi trời có mưa, bộ đội ta nhận ra  nước ở  những ruộng  lúa  ở chân bản Cốc Nam có nhiều váng dầu, mùi xăng bốc lên nồng nặc. Nước rút, lúa, cỏ dại đều bị úa vàng, chết. Trời không mưa, nước từ chân đồi rỉ ra vẫn đậm mùi xăng. Quanh khoảng đồi rộng lớn, bộ đội phát hiện nhiều vỏ téc xăng được chôn vùi dưới những hầm  được khoét rải rác vào chân đồi. Bên cạnh đó nhiều hầm lộ thiên chứa những đoạn  ống thép dẫn xăng dầu cỡ 80 -100 mm dài 7 - 8m rải rác trên nhiều khu đồi.

Khi đó, cuộc chiến biên giới vừa kết thúc. Khu vực này là điểm chốt  tiền tiêu do tiểu đoàn 1 chốt giữ, người ngoài không được tự do ra vào. Để có nước sinh hoạt, lính ta đào giếng ngay chân đồi. Giếng mới khoét sâu 80 cm đến 1 mét, nước mạch chảy ra thì cũng kéo dòng xăng chảy ra theo thành lớp dầy trên nước. Múc nước đó đốt thử, lửa bùng cháy. Lính ta kết luận đó là xăng.

Giếng xăng ở Lạng Sơn
Xăng dầu vận chuyển thời chiến tranh bị rò rỉ đã tạo nên giếng xăng ở Cốc Nam.

Chuyện “mỏ xăng” của tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 có từ đó. Chuyện này lập tức được chỉ huy Trung đoàn, Sư đoàn kiểm tra và đồng ý cho phép tiểu đoàn khai thác để sử dụng nhưng với yêu cầu công tác quản lý, “khai thác” giếng xăng phải rất chặt chẽ để tránh gây cháy lán trại, trận địa chốt…       

Chính vì có lợi thế  độc quyền “mỏ xăng”, trong thời gian dài, tiểu đoàn 1 đã cử người luân phiên múc xăng trữ vào thùng phuy. Xăng này được phân phát cho các đơn vị trong tiểu đoàn dùng thắp sáng (khi dùng, lính bỏ thêm mấy hạt muối để  khi thắp đèn hạn chế lửa bốc mạnh). Xăng thu được cũng được chuyển lên Trung đoàn để tận dụng chạy máy nổ và còn dùng cho cả  ô tô.

Cũng xin nói thêm, tháng 8 năm 1981, là cán bộ chính trị của Trường sĩ quan Lục quân I , tôi được cử đi tăng cường cho Sư đoàn 337. Về  sư đoàn, tôi được phân công về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, đơn vị may mắn sở hữu “giếng xăng” này.

Ngày hôm trước về tiểu đoàn (đóng cạnh  bản Pa Piêng xã Hùng Phong (Văn Lãng), sáng hôm sau  Tiểu đoàn trưởng Đoàn Phong Phú (người Hưng Yên) dẫn tôi đi kiểm tra cụm chốt bản Cốc Nam đầu tiên. Vì như anh nói, nơi đây có tiểu đội trinh sát “con cưng” của  tiểu đoàn ngày đêm trông coi trạm quan sát trên dãy  núi đá ở bắc Cốc Nam. Nơi đây có đại đội 3 chủ công của tiểu đoàn chốt trên cao điểm 386 và nhân thể muốn ngay trong lần đầu tiên đi kiểm tra cấp dưới, tôi được biết “tiểu đoàn có một nguồn tài sản quý giá đó là “mỏ xăng” dưới chân  điểm chốt tiền tiêu”.
 
Hôm đó tôi đã hiểu “mỏ xăng” chính là một cái giếng nông khoét cạnh chân đồi, xăng từ lòng đất theo nước rỉ ra, bên bờ có một người lính trực. Khi xăng ra kha khá thì dùng gáo nhẹ nhàng múc xăng đổ vào các can. Can đầy được đem về đổ vào thùng phuy ở kho đơn vị.

Thời gian công tác tại tiểu đoàn, tôi có nhiều lần chứng kiến, xem lính “khai thác” gạn xăng như thế. Phải dùng từ “gạn” vì trời khô hạn xăng không chảy ra, trời mưa nhỏ lâm râm dài ngày, xăng ra đều  đặn và múc được nhiều  hơn cả, trời mưa to gây ngập đồng thì xăng tràn ra ruộng và trôi  ra suối.

Đi tìm nguyên nhân 

Tôi và các anh Đoàn Phong Phú, Lê Sỹ  Thuận, Nguyễn Văn Tuyên trong Ban Chỉ huy tiểu đoàn đã hỏi chuyện nhiều cán bộ địa phương xã Hùng Phong, xã Tân Mỹ (có bản Cốc Nam) và cán bộ đồn biên phòng Đồng Đăng ( quản lý khu vực này từ 1960 đến  khi chiến sự biên giới nổ ra 17/2/1979) thì được biết nơi đây  từng là trạm trung chuyển xăng dầu của ta và có từ thời kỳ đất nước bước vào chiến tranh chống Mỹ 1964 – 1965 và được duy trì trong một số năm tiếp sau.

Từ những ý kiến trên và những xitéc xăng còn nằm rải rác trong những hầm ở chân đồi, những ống thép to dẫn xăng vẫn còn rải rác mà  đơn vị tôi tận thu để làm cột bóng chuyền, làm giá sàn kho gạo hoặc một số cột được chuyển về Trung đoàn làm ống dẫn nước trên đồi về bếp ăn cơ quan lúc đó có  2 luồng ý kiến lý giải:

Nhóm ý kiến thứ nhất: Nơi đây vốn là một trong những tuyến đường ống (qua khu vực mốc 16 Cốc Nam) ta tiếp nhận xăng dầu  do nước bạn viện trợ và hoạt động từ những năm đầu 1960. Nơi đây có đường ống dẫn xăng ngầm và cả giao nhận bằng xăng bơm từ xe téc, tiếp nhận cả bồn xăng , đây là nơi đặt trạm trung chuyển  xăng của ta. Qua quá trình cất trữ, một lượng xăng lớn đã bị rò rỉ thẩm thấu và được giữ trong lòng đất, khi có mưa to xăng nổi lên tràn lên mặt nước làm chết cỏ, lúa là đương nhiên.  Khi lượng mưa nhỏ chỉ làm ẩm đất, nếu đào giếng đúng nguồn xăng ngấm xuống  đất nhiều, xăng sẽ theo nước rỉ ra và như bộ đội  tiểu đoàn 1 múc được.

Nhóm ý kiến thứ 2: Cũng năm 1981, tôi từng nghe một số cán bộ địa phương nơi đây nói rằng, thời kỳ  Mỹ gây chiến tranh phá hoại ác liệt ra miền Bắc (1965-1967 và 1972), không quân Mỹ đã từng đánh phá khu vực ga Đồng Đăng. Để hạn chế  tổn thất  hàng hoá, nhất là xăng dầu không để ứ đọng nhiều tại đây rất nguy hiểm, ta đã  chở những téc xăng, vật tư xăng dầu nhanh chóng sơ tán từ ga Đồng Đăng về trạm Cốc Nam (cách nhau khoảng 4 km) để tạm cất trữ.
Từ đây  hàng hoá dễ chuyển về xuôi  đi theo đường số 4, đường qua cầu Khánh Khê (Văn Quan) về Bắc Sơn, Thái Nguyên, hoặc qua  pháo đài Đồng Đăng nhập theo đường 1 về ga Tam Lung (khu vực Dốc  Quýt, bản Phân) tiếp tục lên tàu hoả về xuôi. Và  trong chiến tranh, khu vực trung chuyển xăng dầu Cốc Nam khó có thể đảm bảo yêu cầu cao nhất  về điều kiện vật chất, kỹ thuật nên xăng dầu rò rỉ, thất thoát lớn là điều dễ hiểu.

Ý kiến này  xem ra có lý hơn  ý kiến là tại  Cốc Nam có điểm đón đường ống dẫn xăng dầu ngầm từ nước bạn sang. Thực tế đơn vị tôi chốt giữ nơi đây nhiều năm  nhận thấy địa hình  qua khu vực mốc 16  này  khá hiểm trở, vả lại bên phía bản Cốc Nam không thấy có bất cứ dấu tích của trạm tiếp nhận xăng dầu  nào ở khu vực này. Chúng tôi cũng không hề  nghe  người dân nơi đây nói có đường ống xăng dầu ngầm qua đây (vì qua ruộng nương của  mình dọc dãy núi đường biên, nhân dân chắc phải biết) mà chỉ thấy rải rác những hầm chứa bồn xăng,  hầm để ống dẫn dầu như đã nói trên. Hơn nữa nếu dùng đường ống dẫn xăng dầu, tại sao  không dùng tuyến chạy theo đường sắt qua Hữu Nghị Quan - Đồng Đăng sẽ thuận lợi hơn?

Chính những vấn đề đã nêu trên, chuyện giếng xăng ở Bó Lài, Cốc Nam xã Tân Mỹ Văn Lãng, Lạng Sơn không có gì là bí hiểm. Có điều,  từ khi tôi ở vùng biên cương tận thấy lính mình khai thác xăng từ giếng khoét ở chân chốt, đến nay  thời gian trôi thêm đúng  30 năm nữa rồi mà xăng trong lòng đất đồi núi bản Cốc Nam vẫn còn chảy ra giếng Bó Lài của dân như bài viết của Hữu Dương thì mới biết lượng xăng ngấm xuống đất hồi đó quả là không nhỏ.

Là một trong những người lính biết khá rõ về giếng xăng nơi đây từ 30 năm trước và đơn vị cũng tận thu được lượng xăng nhất định phục vụ cho sinh hoạt, bảo vệ biên cương trong nhiều năm liền rất hữu ích, tôi xin cung cấp thêm thông tin để bạn đọc thân thiết của Bee.net.vn hiểu thêm về giếng xăng sau bài viết  lý thú của  tác giả Hữu Dương. 
                                                                                          
Trịnh Thanh Phi (Đại tá CCB, nguyên Chính trị viên  D1, E4, F337/Đơn vị một thời sở hữu giếng xăng Cốc Nam)
 

Phát hiện giếng xăng ở Lạng Sơn: "Đã biết 50 năm trước" (bee 08/05/2011)
- Giếng xăng gần 50 năm được phát hiện tại thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Trải qua hàng chục năm ròng, nhưng giếng này vẫn còn đậm đặc mùi xăng, thậm chí có thời gian người dân còn đổ xô nhau đi múc về để dùng. Hiện tượng này đã gây ra sự chú ý của rất nhiều người, tuy nhiên từ bấy đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc để xác minh sự việc.

Trong nước giếng có xăng

Giếng xăng còn có tên gọi khác là giếng Bó Lài. Người dân và cả chính quyền địa phương đều không rõ giếng được xây dựng vào thời gian nào. Tuy nhiên, việc nước giếng có xăng theo người dân địa phương là đã xuất hiện từ những năm 1960 - 1965, tức là khoảng 45 - 50 năm nay.

Bà Lương Thị Thơm, một người sống ngay cạnh giếng xăng cho biết: Xung quanh khu vực này chỉ có mỗi giếng Bó Lài là có xăng, còn lại các giếng khác chỉ cách đó chừng 10m vẫn sử dụng bình thường và không có mùi gì lạ. Ban đầu người dân chỉ ngửi thấy nước có mùi hôi như mùi xăng, dầu, rồi thấy những váng lạ xuất hiện. Những váng xăng, dầu này tồn tại kéo dài hàng chục năm, đến những năm 1990 mới hết, tuy nhiên mùi xăng, dầu thì vẫn còn tồn tại cho đến nay.

Giếng có mùi xăng vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt
Giếng có mùi xăng vẫn được người dân sử dụng trong sinh hoạt
Mặc dù trong nước giếng có xăng, dầu nhưng người dân vẫn sử dụng sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, giặt giũ, tưới rau xanh... Khi dùng nước giặt quần áo đem phơi khô mùi xăng cũng bay hết, nước giếng mang tưới rau xanh cũng vậy. Bà Thơm cho rằng, vì dùng nước giếng không thấy có ai chết chóc gì, nên cứ sinh hoạt bình thường.
"Trong thành phần của nước nhiễm xăng dầu, có một số chất như chì, sắt… với hàm lượng cao. Về lâu dài, khi những chất này ngấm vào cơ thể con người sẽ làm phát sinh các căn bệnh về ung thư. Vì thế, tốt nhất là người dân nên ngừng sử dụng nước giếng Bó Lài vào việc sinh hoạt hằng ngày, đồng thời các cơ quan khác cần vào cuộc để kiểm tra sức khỏe cho người dân và có cách khắc phục kịp thời".

Ông Tôn Tiến Tùng (chuyên viên phòng TNMT huyện Văn Lãng, Lạng Sơn)
Ông Sầm Văn Thành, một người dân sống gần giếng xăng kể lại: Trước đây, khi váng xăng, dầu chưa hết, mùi hôi từ giếng bốc lên nồng nặc, thậm chí những nhà như gia đình ông ở cách đó khoảng 70m nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi của xăng, dầu. Một số cụ già khi ấy về đêm không ngủ được phải di tản sang nhà con cháu ở những địa phương khác để sống. Vào những hôm mưa rào, lượng nước hòa tan lớn, nên mùi ở giếng bốc lên đỡ hơn, nhưng vẫn rất khó chịu.
 Được đi múc xăng

Ông Sầm Văn Thành kể lại: Năm ông mười ba, mười bốn tuổi đã ngày hai lần xuống giếng múc nước có xăng, dầu về lọc. Ban đầu ông và người dân ở đây còn lo sợ giếng xăng bị cháy, nhưng về sau thấy nước vẫn dùng sinh hoạt mà chẳng hề hấn gì, lại có dầu để đốt nên dần thành quen.

Việc người dân thôn Cốc Nam đã vớt được xăng, dầu trong thời gian dài là sự việc có thật. Ông Hoàng Đức Phụng, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Văn Lãng cũng khẳng định như vậy. Ngày nhỏ ông cũng đã được đi vớt xăng, dầu về rồi lọc lấy dầu thắp thay cho dầu hỏa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lành Nghiệp Dư, phó chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Lượng xăng, dầu chảy ra giếng xăng nhiều nhất là khoảng những năm 1970 - 1980. Đến cuối những năm 1980 ở Cốc Nam xuất hiện những trận mưa to bất thường dẫn đến lụt lội, giếng xăng hồi đó cũng bị chìm sâu trong nước. Vì thế, có khả năng một lượng lớn xăng, dầu bị hòa tan trong nước. Sau những trận mưa dữ dội đó các váng xăng, dầu ít thấy xuất hiện, nhưng mùi hôi của nó vẫn rất đậm và kéo dài cho đến nay. Hàng ngàn hộ dân ở thôn Cốc Nam và các thôn lân cận thấy nước có váng và mùi xăng dầu nhưng vẫn rất trong, nên họ vẫn sử dụng cho việc sinh hoạt từ mấy chục năm nay.

Mặc dù hiện tượng xăng xuất hiện kỳ lạ nhưng chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để kiểm tra tình hình. Ông Hoàng Đức Phụng cho biết là huyện chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào từ phía xã liên quan đến giếng xăng, vì thế chưa cử đoàn cán bộ về kiểm tra. Nếu có kiểm tra thì huyện cũng không đủ năng lực để xét nghiệm mẫu nước, vì thế phải phụ thuộc vào các sở, ban, ngành có liên quan ví dụ như sở tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn, Sở Y tế...

Do chưa có sự kiểm tra nên huyện chưa thể kết luận được nước xăng, dầu ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ của người dân, vì thế tốt nhất là người dân không nên sử dụng nước giếng này vào việc sinh hoạt hằng ngày, tránh việc nước giếng có thể gây hại cho sức khoẻ con người về lâu dài.

Ông Thành cũng đưa ra giả thiết về việc có mỏ dầu dưới lòng đất, khi người ta khoan giếng này thì khoan trúng mạch dầu mỏ cho nên giếng nước mới có những váng xăng, dầu và mùi hôi đậm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực bán kính 3km quanh giếng xăng Bó Lài không có cây xăng dầu nào.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, xăng dầu là sản phẩm nhân tạo. Nếu phát hiện giếng xăng như trên thì chỉ có ba khả năng. Thứ nhất là có thể có đường ống dẫn xăng dầu ngầm dưới lòng đất bị nứt vỡ dẫn đến xăng dầu ngấm xuống lòng đất. Thứ hai là có thể xăng từ các bồn chứa của doanh nghiệp bị rò rỉ và có thể doanh nghiệp hoặc ai đó đổ chất thải ra môi trường trong đó có lẫn xăng, dầu. Việc cần làm đầu tiên là phải truy tìm nguồn ngốc phát tán xăng dầu và khắc phục ngay. Ngoài ra cần khuyến cáo người dân không được sử dụng nước nhiễm xăng, dầu trong sinh hoạt hàng ngày.
Hữu Dương

Tổng số lượt xem trang