Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Xử lý nợ Câu lạc bộ London: Ký ức người trong cuộc

Xử lý nợ Câu lạc bộ London: Ký ức người trong cuộc

picture
Vào giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam có rất ít kinh nghiệm trong xử lý nợ thương mại nước ngoài.
▪  THÀNH TÂM
08:49 (GMT+7) - Thứ Hai, 9/5/2011
Tháng 12/1993, ngay sau khi Việt Nam ký biên bản thỏa thuận về xử lý nợ Chính phủ tại Câu lạc bộ Paris, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành các công việc chuẩn bị để đưa phần nợ thương mại nước ngoài của Việt Nam để xử lý tại Câu lạc bộ London.  

Khác với xử lý nợ Chính phủ qua Câu lạc bộ Paris, các cuộc đàm phán với các chủ nợ là ngân hàng tư nhân nước ngoài qua Câu lạc bộ London thường rất khó khăn và phải kéo dài từ 2-3 năm mới đạt được thỏa thuận nguyên tắc. Các chủ nợ luôn tỏ ra rất cứng rắn và khó nhượng bộ trước những đề xuất giảm nợ hoặc giảm nghĩa vụ nợ của nước con nợ.

Bước đầu tiên, phía Việt Nam tập trung xây dựng đề án, tiếp xúc với Bank of Tokyo - ngân hàng chủ nợ lớn nhất - để thăm dò  thái độ của các chủ nợ đối với việc xử lý nợ của Việt Nam. Sau đó đề nghị Bank of Tokyo và ANZ (hai chủ nợ lớn nhất) thành lập một ủy ban tư vấn, để thay mặt các chủ nợ đàm phán với với Việt Nam, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Nảy lửa

Sau khi xây dựng xong đề án, từ ngày 7 đến 9/12/1994, Ngân hàng Nhà nước (với sự tham gia của Bộ Tài chính, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) đã tổ chức vòng đàm phán chính thức với ủy ban tư vấn.

Tiếp đó, vòng đàm phán thứ 2 (9-13/1/1995), vòng đàm phán thứ 3 (11-13/9/1995) đã được tổ chức tại Hà Nội. Ở các vòng đàm phán 1 và 2, phương án xử lý nợ của hai bên đưa ra còn khác xa nhau ở rất nhiều điểm.

Đến vòng đàm phán thứ 3, khoảng cách phương án của hai bên đã được thu hẹp một cách đáng kể. Tuy nhiên, khi hai bên đang tích cực chuẩn bị phương án điều chỉnh để tiến tới vòng đàm phán tiếp theo thì đột nhiên một chủ nợ (công ty Abbostford) khởi kiện đòi nợ Việt Nam. Để giải quyết vụ kiện này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 23/1/1996, vụ kiện đã được giải quyết, nhưng nhân sự kiện này, ủy ban tư vấn đã thay đổi hẳn quan điểm, gây sức ép trì hoãn đàm phán để buộc phía Việt Nam phải nhượng bộ với lý do: nếu Việt Nam không sớm ký kết thỏa thuận nguyên tắc thì sẽ có nhiều chủ nợ không tham gia vào Câu lạc bộ London mà tìm cách khởi kiện để thu hồi nợ, dẫn đến vỡ kế hoạch đàm phán xử lý nợ.

Trước tình hình "nước sôi lửa bỏng", Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Chọn phương án thích hợp, kiên trì đàm phán tiếp với chủ nợ, cố gắng đạt được yêu cầu của ta. Trong trường hợp không thể đạt cao hơn, thì chấp nhận tỷ lệ giảm nợ từ 40-45% để kết thúc nhanh”.

Để nối lại đàm phán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đã có thư gửi chủ tịch các ngân hàng chủ nợ, đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với họ để tác động. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Châu sang Nhật làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương Nhật, Bank of Tokyo để tranh thủ sự ủng hộ của giới chức Nhật.

Từ những tác động tích cực trên, vòng đàm phán thứ 4 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ủy ban tư vấn đã được tổ chức tại Hà Nội từ 15 đến 17/5/1996. Hai bên đã bước vào vòng đàm phán với cố gắng ký được thỏa thuận nguyên tắc.

Phía Việt Nam đưa ra những lập luận thực tiễn, phân tích thực trạng kinh tế và  những khó khăn về trả nợ nước ngoài, hiện tại cũng như trong tương lai để từng bước bác bỏ các đề xuất không phù hợp của ủy ban tư vấn, thuyết phục họ chấp nhận phương án Việt Nam đưa ra, với 3 mục tiêu cơ  bản: chi phí xử lý nợ phải ở mức 60-70 triệu USD, nghĩa vụ nợ phải được kéo dài và dàn đều được phù hợp với khả năng trả nợ của Việt Nam, và tỷ lệ giảm nợ phải đạt mức tương đương với xử lý nợ Chính phủ qua Câu lạc bộ Paris (khoảng 50%).

“Sau hai ngày đàm phán căng thẳng, phía ủy ban tư vấn tỏ ra cứng rắn và không nhượng bộ", ông Đào Quang Thông, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Trưởng nhóm Chuyên viên kỹ thuật của Tổ  đàm phán xử lý nợ Câu lạc bộ London nhớ lại. Có tới 4 cuộc tiếp xúc riêng của trưởng đoàn hai bên để đưa ra những thỏa thuận nhằm tìm một giải pháp cuối cùng đảm bảo lợi ích chung.

Căng nhất là ngày cuối cùng (16/5/1996), ông Đào Quang Thông nói, có đến 3 phiên họp được tổ chức trong ngày, 2 phiên buổi sáng và 1 phiên buổi chiều họp với ủy ban tư vấn đều không đạt được kết quả như mong muốn. Đến cuối giờ chiều, hai bên đề nghị họp kín, về phía Việt Nam có ông Nguyễn Ngọc Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước và ông Đào Quang Thông, phía chủ nợ gồm hai đồng Chủ tịch của Ngân hàng Tokyo và ANZ.

Sau những màn đấu trí, đấu lý và đấu khẩu mệt nhoài, kéo dài gần 1 ngày và 1 đêm, khoảng 20 giờ tối ngày 17/5/1996, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ông Nguyễn Ngọc Minh và ông Đào Quang Thông đã tiến hành ký “Thỏa thuận nguyên tắc” với hai đồng chủ tịch ngân hàng nằm trong ủy ban tư vấn, với tổng số nợ đưa ra xử lý là gần 908 triệu USD, trong đó nợ gốc 398,5 triệu USD, nợ lãi quá hạn 509,3 triệu USD.

Chìa khóa đàm phán

16 năm trôi qua, nhìn nhận lại sự kiện này, ông Đào Quang Thông vẫn xem đó là một thành tích chưa có tiền lệ đối với ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Bởi trước đó, Việt Nam có rất ít kinh nghiệm trong xử lý nợ thương mại nước ngoài. Hơn thế, ngay trong các vòng đàm phán đầu tiên, chúng ta đã gặp phải những chủ nợ rất “rắn” về kinh nghiệm, bản lĩnh và độ lỳ lợm. Tuy nhiên, sau những màn thương lượng nảy lửa, tỷ lệ giảm nợ của Việt Nam đã vượt quá mong đợi, khi còn cao hơn tỷ lệ giảm nợ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ thị.

"Có hai nguyên nhân cơ  bản để làm nên thành công lịch sử ấy", ông Thông nói. "Đó là những chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sự ứng phó mau lẹ của những người trực tiếp đàm phán".

Trong đợt đàm phán năm 1996, trong khoảng 100 chủ nợ nước ngoài thì có đến 90% là các ngân hàng của Nhật Bản - vốn nổi tiếng về sự kiên trì và ngoan cường trong đàm phán thương mại. Trong các phiên đàm phán, đặc biệt các vòng đàm phán thứ 4 - vòng cuối cùng ngày 16/5/1996 - các chủ nợ Nhật bản không chịu bất cứ một nhượng bộ nào, nhưng chính trong thời điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm và Phó thống đốc Lê Văn Châu đã chỉ đạo cho tổ đàm phán: “Bằng mọi giá phải chốt cho được các con số đã thống nhất tại buổi tối họp kín giữa hai đoàn để ngày hôm sau ký được thỏa thuận nguyên tắc giữa hai bên”.

Rốt cuộc, hai bên đã chấp nhận mỗi bên lùi một chút để “chủ nợ” và “con nợ” có thể gặp được nhau.

Đáng chú ý, trong quá trình đàm phán, phía chủ nợ là các ngân hàng Nhật đã đưa ra các công cụ giảm nợ bằng trái phiếu chuyển đổi nợ của Chính phủ theo tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.

“Ý thức rất rõ vấn đề, GDP của Việt Nam sẽ ngày càng tăng cao và gánh nặng nợ nần sẽ càng thêm chồng chất nếu chấp thuận theo phương án này. Sau những cân nhắc hơn thiệt, tôi đã quyết định không chấp nhận phương án này ngay trên bàn đàm phán mà không xin ý kiến của cấp trên! Đó là một quyết định đúng và sau nhiều tranh chấp, phân tích hơn thiệt phía Chủ nợ đã phải chấp nhận. Phải nói đây là một quyết định “toát mồ hôi”, nhưng đối với cá nhân tôi có thể nói đây là quyết định của cả một đời người”, ông Đào Quang Thông nói.

Tổng số lượt xem trang