Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

"Quặng tặc" đại náo cổng trời Trà Lĩnh

"Quặng tặc" đại náo cổng trời Trà Lĩnh
Không biết từ đời thuở nào người ta phát hiện những núi đá ở vùng biên huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) có thứ quặng đen đẻ ra tiền. Chỉ biết độ chục năm trở lại đây ở nơi mà một nhà ngoại cảm gọi là cổng trời này quay cuồng trong những cơn lốc.  
Địa đạo trên núi 
Dãy núi hình cánh cung chạy vòng quanh huyện Trà Lĩnh cũng là đường biên giáp ranh với Trung Quốc. Đây là đường biên rất tập nập dù giao thương chẳng có gì đáng chú ý. Những dấu tích của cơn lốc quặng đang hoành hành phơi ra từ các dòng suối đục ngầu và những con đường mòn bụi tung mù mịt.
Đ (xin giấu tên), một người bản địa đã cảnh báo tôi rằng nếu có đi vào những dãy núi ấy phải báo trước cho người thân bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết cực kỳ mong manh. Ngay cả thời điểm hiện tại, dù các lực lượng chức năng liên tục truy quét thì dãy núi này chỉ có thể yên bình giả tạo khi nhìn từ bên ngoài.

Mưu sinh ở cõi âm

Đ nói rằng khai thác quặng thổ phỉ ở Trà Lĩnh đã được nâng lên bậc thượng thừa. Đó không hẳn là nhận định chủ quan bởi ở chợ trung tâm nằm ngay trước cổng UBND xã Quang Trung có những người chỉ ngồi trên xe máy và quan sát. Nhiệm vụ của nhóm người này là theo dõi xem có người lạ đi vào con đường mòn lên núi không và bấm điện thoại. Một cuộc điện thoại thông báo thì ngay cả cánh đào quặng trong lòng đất vẫn có thể…a lô.
Tôi mon men vào khu vực Kap Ki và Búng Ổ ở xã Quang Trung, nơi xưa nay vẫn được xem là thánh địa của quặng thổ phỉ. Nơi mà đồi núi chi chít hầm lò chẳng khác nào địa đạo. Trời xế trưa, nhìn từ xa Kap Ki không có dấu hiệu thể hiện sự có mặt của con người. Nhưng những dấu tích từ hệ thống địa đạo khổng lồ trên núi cho thấy một cuộc chiến cuồng loạn về đêm: Cuộc chiến trong lòng đất. Thấy người lạ một nhóm người mót quặng chui kéo nhau bỏ chạy.
 Chỉ riêng ở đỉnh núi này phải có ít nhất vài chục giếng quặng hun hút. Độ sâu thật khó kiểm chứng nhưng nếu lấy một hòn đất thả vào thì phải chờ một lúc sau mới có tiếng vọng lên. Ông bạn đi cùng tôi rùng mình buột miệng nói rằng hắn không dám nghĩ tiếp xem nếu lạc bước sa chân xuống đây bao giờ mới tìm thấy xác.
Địa đạo này trở thành cứ địa không phải vì dồi dào quặng đen hơn những nơi khác mà nhờ nó nằm giáp ranh giữa hai xã Quang Trung và Tri Phương. Thì ra cánh đào quặng thổ phỉ nhìn nhận được rằng để khống chế hoặc bắt giữ cần có sự phối hợp giữa chính quyền hai xã. Điều mà khả năng xẩy ra từ trước đến nay là rất ít. Thành thử thỉnh thoảng có một đoàn truy quét của xã này thì họ chỉ cần chạy sang địa phận xã kia là OK.
Cao điểm, vùng giáp ranh có lúc đón hơn 300 người lạ. Họ chủ yếu là dân tứ xứ, cuộc sống khó khăn nhưng có thừa sự liều lĩnh. Đến và đi chẳng ai biết, sẵn sàng nhìn cán bộ địa phương bằng cặp mắt đầy thách thức. Liều cũng là "tiêu chí” cho những ai muốn chọn quặng thổ phỉ làm đường mưu sinh. Những hố sâu với diện tích bằng đúng cái giếng khơi là con đường dẫn cánh đào quặng đến với cơm áo gạo tiền nằm trong lòng đất. Đội quân quặng thổ phỉ với đầy đủ dụng cụ kết hợp với dân địa phương thông núi thạo đường ngày đêm quần thảo trên các ngọn đồi bất chấp lệnh cấm đã được ban hành từ rất lâu.  
Quặng lậu bị bắt tại UBND huyện Trà Lĩnh

Quặng sau khi khai thác được tập kết thành nhiều điểm chờ đến đêm dùng la hoặc ngựa thồ sang huyện Tịnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) chỉ cách Trà Lĩnh tầm 2km. Từ ngày quặng thổ phỉ thành nghề, người Tày và người Nùng bản địa chuyển la và ngựa từ thồ hàng sang thồ quặng. Ruộng đồng vì thế cũng ít làm hơn. Ban ngày nếu nhìn ra các đồng cỏ sẽ nghĩ rằng ở đây chăn nuôi phát triển. Nhưng thực tế những đàn la, đàn ngựa chỉ có mỗi nhiệm vụ thồ quặng mà thôi. Cơn lốc quặng cũng biến những bản làng này trở thành thủ phủ của xe máy nát. Những chiếc xe được “chế” sao cho phù hợp với địa hình và chủ nhân sẵn sàng “hi sinh” xe nếu bị bắt giữ.
Mỗi kg quặng nếu được giá dao động trong khoảng 5-7 ngàn đồng. Bằng một kg gạo nên chả trách mấy ngọn núi này “đông vui” đến thế. Năm nay Trà Lĩnh mất mùa ngô, Chủ tịch xã Quang Trung Trương Xuân Én phân tích rằng quặng đen cũng là cách để xóa đói giảm nghèo dù biết rằng đó là phạm pháp. Cũng cách nghĩ ấy, từ lâu quặng là một phần khi chính quyền có đợt bình xét hộ nghèo. “Đất đai cằn cỗi, hay mất mùa nên dân không làm quặng thì không sống nổi. Biết là vi phạm nhưng không cho làm không được ấy chứ”. Ông Én tỏ vẻ cam chịu.
Quang Trung có hơn 49% hộ nghèo. Ông Én nói rằng đấy là chỉ tiêu bị ép. Chứ nếu không "sáng tạo" đưa quặng thổ phỉ vào thu nhập cho dân bản thì có lẽ nghèo hết. 
Mồ sống dành cho bất cứ ai 
Đã có những cái chết không thể đau đớn hơn nhưng tại sao quặng thổ phỉ ở Trà Lĩnh vẫn chìm trong cơn lốc?
Thâm nhập vào giới quặng tặc  ở xã Quang Trung tôi được nghe một câu chuyện đau lòng chỉ mới xẩy ra năm ngoái. Một vụ sập hầm khai thác cướp đi sinh mạng 2 người đàn ông. Cái chết của họ đến từ từ trong những cái lắc đầu ngắc ngoải vô vọng của người thân đang nỗ lực chạy đua với thần chết. 
Địa đạo trên đỉnh Kap Ki, nơi đã cướp đi sinh mạng bao người

Vụ sập hầm xảy ra vào tháng 7. Thời điểm những cơn mưa dầm dề liên tục châm vào khiến đất núi rục ra. Đó là khoảng thời gian đất núi dễ lở nhất. Giới quặng lại càng biết rõ điều đó. Nhưng như chính lời của ông Én: Không làm thì đói. Hai người đàn ông quê ở Thái Nguyên và Lai Châu đến Quang Trung đào quặng đã không thể trở về. Đ kể rằng, do khai thác quặng trái phép nên khi sập hầm giới làm quặng không dám báo chính quyền mà gọi người nhà nạn nhân lên…cứu hộ.
Một trận đào bới liên tục trong mấy ngày trong vô vọng, đã có lúc người nhà nạn nhân bỏ cuộc. Họ chấp nhận để người thân mình nằm lại mãi mãi trong lòng đất chỉ với suy nghĩ: Giờ mà báo chính quyền có khi còn bị phạt. Lấy tiền đâu mà nộp bây giờ. May thay, một người đàn ông đi chăn trâu bị say rượu lạc vào địa đạo này nghe thấy tiếng hú. Say say tỉnh tỉnh lão nông lấy nước tạt vào mặt cho tỉnh táo rồi đi báo chính quyền. Chẳng ai tin chuyện lạ lùng ấy cho đến khi xã Quang Trung cử người xuống xem xét thì đúng là có tiếng kêu từ trong lòng đất vọng lên thật.
Cơn lốc quặng ở Trà  Lĩnh hoành hành còn có sự “góp gió” của các DN và cán bộ địa phương. Đơn cử như Chủ tịch xã Tri Phương Nông Văn Quốc cũng thừa nhận gia đình mình có nhiều người đi làm nhưng không ngăn được họ. Còn các DN không thuê đất của UBND tỉnh Cao Bằng để khai thác mà tìm cách “lách luật” bằng việc mở các điểm thu mua nhỏ lẻ rồi “chạy” hóa đơn tuồn sang Trung Quốc.

Đó đã là ngày thứ 7 hai người đàn ông đào quặng bị chôn sống. Người nhà nạn nhân “tiếp sức” bằng cách đổ nước vào đường thông hơi từ hầm lên nhưng nỗ lực ấy chỉ có thể giúp hai người đàn ông này không phải làm ma khát. Ngày thứ 9 khi mọi người đào đến nơi thì cả hai đều đã chết co quắp.
Cứ tưởng sau tai nạn ấy địa đạo trên núi sẽ trở thành nỗi kinh hoàng với cánh đào quặng thổ phỉ. Nhưng không, đám tang người xấu số tổ chức hôm trước thì hôm sau, ngay cạnh nơi hầm sập đã nhốn nháo bóng người. Lúc tôi vào nơi ấy, cánh đào quặng vừa nghỉ trưa với đồ nghề vứt la liệt.
Phương, một quặng tặc quê ở Thái Nguyên đã hành nghề ở đây hàng chục năm cho hay, mỗi lần đu mình theo sợi dây thừng thả xuống “cõi âm” thì nhất định phải chuẩn bị tinh thần cho mình có thể sẽ phải nằm lại vĩnh viễn. Biết thế sao không bỏ quách đi? Câu hỏi của tôi chỉ khiến mấy người trong nhóm đào quặng đen của Phương ngẩn người trong giây lát rồi họ cười nhạt: “Bỏ nghề thì lấy gì cho gia đình bỏ vào miệng”. 

Tổng số lượt xem trang