Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

‘Tôi không tin công an’

-‘Tôi không tin công an’ Nguoi-Viet Online


Câu chuyện nhà báo chống tham nhũng bị tạt acid
Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Sáng Thứ Ba, tòa soạn báo Người Việt có một vị khách đặc biệt ghé thăm. Vị khách được mọi người chú ý không phải như một nhân vật nổi tiếng nhiều người biết, mà vì ông có một dáng đi khập khưỡng khó nhọc cùng một gương mặt bị biến dạng vì acid.


Nhà báo Trần Quang Thành với gương mặt bị trả thù bằng acid do những bài viết chống tham nhũng và tệ nạn xã hội tại Việt Nam từ 20 năm trước. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Vị khách đó chính là nhà báo Trần Quang Thành, 70 tuổi, hiện đang sống tại Slovakia.
Trần Quang Thành là tác giả của nhiều bài viết chống tham nhũng và tệ nạn xã hội ở Việt Nam trong suốt thập niên 80, đầu 90, góp phần quan trọng trong nhiều vụ phá án, thu về cho nhà nước Việt Nam nhiều tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả ông nhận được cho việc làm chính đáng của mình, là “lãnh trọn gần một ca acid” vào mặt, vào người, để đến tận hôm nay, sau gần 20 năm tròn, vụ án ông bị tạt acid vẫn mãi là một sự im lặng đáng sợ.
Chống tham nhũng tại cơ quan: Bị mất việc
Nhà báo Trần Quang Thành sinh năm 1941, đến với nghề phóng viên ngay khi vừa tốt nghiệp trung học ở Hà Nội.
Từ năm 1959 đến năm 1973, ông là phóng viên Ðài Tiếng Nói Việt Nam. Từ năm 1974 đến năm 1996, ông là phóng viên đài truyền hình Việt Nam, chuyên về mảnh thời sự, chính trị, ngoại giao, quân sự.
“Công việc làm thì cũng như bao phóng viên khác. Riêng chuyện dẫn đến tai nạn bị trả thù này là vì chuyện chống tham nhũng,” nhà báo Trần Quang Thành bắt đầu câu chuyện.
Theo lời kể của ông, năm 1982, sau khi làm phóng viên chiến trường ở Campuchia về với một chân mang thương tích, ông được phân công về làm việc ở Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Phát Thanh Truyền Hình Sài Gòn.
“Nhiệm vụ của tôi là xây dựng các cơ sở đài truyền hình địa phương và đào tạo phóng viên cho đài truyền hình địa phương. Khi đấy, tôi làm thủ tục nhập khẩu các thiết bị cho ngành phát thanh truyền hình vì tôi có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo cấp cao, nên việc xin giấy phép nhập thiết bị sẽ dễ dàng hơn.” Ông kể.
Với khẩu hiệu “nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương và trung ương cùng làm,” nên cơ quan ông sẽ lo tư vấn cho địa phương cách xây dựng truyền hình, nhập khẩu thiết bị, còn tiền ngoại tệ là của địa phương.
Ông cho biết, “Khi làm thì các ông Ðỗ Mười, Phạm Hùng nói là các ông ấy không biết những người thực hiện là ai, chỉ biết tôi là người thay mặt đi nhận, đi xin giấy phép, nên nếu xảy ra chuyện áp phe mua đi bán lại thì tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi đồng ý.”
“Thế nhưng lúc tôi xin được giấy phép cho cơ quan thì họ lại không làm như thế. Họ đi nhập những thiết bị theo ý họ, xong mang về mua đi bán lại, lấy tiền lời đó, quay vòng.”
“Tôi bảo, ‘Quái, sao tiền địa phương người ta gửi lên cả năm trời mà chẳng thấy thiết bị đâu.’ Tôi đi ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng thì thấy thiết bị xin phép nhập cho địa phương được bán ngoài đó. Tôi nói lãnh đạo cơ quan, họ bảo, ‘Ðó là việc của chúng tôi, cậu không cần biết tới.’”
“Họ còn nói, ‘Chuyện cậu đi báo cáo với đảng và nhà nước là quyền của cậu.’”
“Thế là tôi đi báo cáo,” ông tiếp tục.
Từ “báo cáo” của ông Thành, công an vào cuộc điều tra và “thu hồi về số hàng hóa trị giá gần 30 ngàn đô la, 30 ngàn đô la ở năm 87 thì khác với bây giờ rất xa”. Người cung cấp tài liệu nhớ lại.
Kết quả cho việc làm này “Tôi bị mất việc do chúng trả thù. Con gái tôi làm ở đó cũng bị cho nghỉ việc luôn,” ông nói cùng nụ cười không rõ nét trên đôi môi đã bị biến dạng, chỉ nghe rõ tiếng khẩy cười chua chát.
Viết bài chống tệ nạn xã hội: Bị hăm dọa giết
Năm 1988, ông Thành trở ra Hà Nội, tuy “biên chế” vẫn thuộc đài truyền hình Việt Nam nhưng “họ vô hiệu hóa tôi, cho tôi ngồi chơi xơi nước, và ăn lương người thất nghiệp”.
Ông Thành lại viết báo, “Bài đầu tiên tôi viết trong giai đoạn này là ‘Ðường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới.’”
Theo lời ông Thành, đây là bài viết chỉ ra một đường dây trải dài từ Hà Nội, Hải Phòng đến tận nha Trang, Cần Thơ, Sài Gòn để buôn bán phụ nữ qua Mã Lai, Ma Cao, Campuchia.
Khi bài viết của ông được phát lên đài phát thanh thì “công an đến yêu cầu cho xin tài liệu để họ phá án”.
“Tôi không cho,” tác giả bài báo nói. “Tôi không tin công an. Tôi đã có kinh nghiệm vụ chống tham nhũng lần trước ở Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Phát Thanh Truyền Hình Sài Gòn rồi. Lần đó họ cũng yêu cầu tôi cung cấp tài liệu cho công an phá án. Nhưng công an đã thông đồng với chúng nó. Vụ án chìm xuồng. Còn hai bố con tôi thì mất việc.”
Tuy nhiên, khi “công an báo cáo sang chỗ ông Tổng Bí Thư Ðỗ Mười thì ông ta cho thư ký xuống bảo tôi phải cung cấp tài liệu. Vì trách nhiệm, tôi phải đưa tài liệu cho họ.” Khi đó là tháng 10 năm 1989.
Vụ án này được công an Hà Nội “phá” trong một tuần, cũng là lúc “bọn xã hội đen bắn tin qua hàng xóm và gia đình dọa sẽ giết tôi, chúng nói sẽ làm cho tôi thân tàn ma dại”. Ông Thành kể.
Tác giả bài báo khẳng định, “Tôi biết chỉ có công an tiết lộ cho chúng biết là tôi cung cấp tài liệu thôi.”
Ðầu năm 1990, theo chỉ thị của “chủ tịch hội đồng bộ trưởng” về chống buôn lậu thuốc lá ngoại, nhà báo Trần Quang Thành viết tiếp bài “Ðường dây buôn lậu thuốc lá ngoại bằng đường bưu điện và đường hàng không”.
Một lần nữa, “chỗ văn phòng ông Ðỗ Mười lại yêu cầu tôi cung cấp tài liệu cho công an phá án”.

Nhà báo Trần Quang Thành (trái), “Tôi trước sau vẫn thấy việc mình làm là làm đúng, mình không ân hận. Rõ ràng mình làm việc không sai. Mình không đánh vào nhân dân lao động. Cho nên chả có gì tôi thấy ân hận.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông Thành kể lại một cách cặn kẽ, “Hôm đi bắt thì tôi đã nói rõ ràng là bắt thằng bố, tức thằng Vinh Lé, và thằng Dũng Sẹo đưa hàng lậu, đưa thuốc lá từ Nam ra Bắc. Chứ còn thằng Cường Ngọng mới có 16 tuổi thì làm gì có tiền mà nó đi buôn. Y như rằng mình biết trước thế nào nó cũng làm cái trò ấy. Hôm bắt nó chỉ bắt thằng Cường Ngọng có 16 tuổi. Thằng Dũng Sẹo thì trốn. Còn bố nó là Vinh Lé thì đứng đấy cho lập biên bản. Tôi phản đối. Hôm sau chúng giả vờ đến bắt thì thằng bố trốn đi rồi còn đâu mà bắt.
Tháng 3 năm 1991, chúng đưa thằng con ra xử, nhưng xử cái gì, có đúng người đúng tội đâu mà xử, vậy mà cũng xử 3 năm tù.”
Ông tiếp tục câu chuyện:
“Một đêm đầu tháng 4 thì thằng bố về. Phòng cảnh sát hình sự chỗ ông Ðỗ Kim Tuyến đó, thiếu tướng phó tổng cục cục phòng chống tội phạm bây giờ, hồi đó thì chỉ trung tá thôi. 12 giờ đêm đột nhập vào nhà bắt nó thì nó đưa ra lệnh ‘ngưng truy nã’ do Nguyễn Ðức Nhanh ký, bây giờ hắn là trung tướng công an giám đốc công an Hà Nội, phó tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh 3. Lúc đó thì mới là trung tá trưởng phòng cảnh sát điều tra xét hỏi thôi. Công an vào bắt mà có lệnh đó thì làm sao bắt được nữa.”
Theo lời ông, ngay sau đó, ông đã viết bài “Ông Nhanh ký nhanh quá!” ám chỉ việc ông Nguyễn Ðức Nhanh làm việc “không ai biết cả”.
Ba tháng sau vụ án này, tác giả bài báo bị “tạt cả ca acid vào mặt”.
Không ân hận, nhưng ‘đừng làm theo tôi, sẽ bị cô lập’
 “Nói thật là mấy chục năm nay chả bao giờ người thân trong gia đình tôi dám đi chung với tôi đâu, cô ạ. Họ bảo họ xấu hổ. Họ bị cô lập. Khổ lắm!
Làm công việc này phải chịu đựng hy sinh. Lực lượng công an chỉ bảo vệ cho bọn tham nhũng chứ không bảo vệ cho lực lượng chống tham nhũng đâu.” Nhà báo Trần Quang Thành nói.
Sau khi chống tham nhũng tại cơ quan là Viện Nghiên Cứu kỹ Thuật Phát Thanh Truyền Hình, nhà báo Trần Quang Thành bị cho nghỉ việc. Sau bài viết nói về đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới, ông bị xã hội đen bắn tin đe dọa sẽ “làm cho thân tàn ma dại”. Và, vài tháng sau khi đường dây buôn lậu thuốc lá ngoại bằng đường hàng không và bưu điện bị phá xuất phát từ những bài báo của ông, nhà báo Trần Quang Thành đã bị trả thù một cách dã man bằng acid.
Ðến nay, gần tròn 20 năm, di chứng của vụ trả thù đó là gương mặt bị biến dạng của nhà báo Trần Quang Thành. Tuy nhiên, vụ án ông bị tạt acid vẫn mãi là một sự im lặng đáng sợ.
Bị trả thù bằng acid
Thảm họa từ cuộc trả thù dã man từ 20 năm trước như vẫn còn in hằn trong trí nhớ người phóng viên Trần Quang Thành.
“Khoảng 5 giờ rưỡi sáng ngày 4 tháng 7, năm 1991, tôi đang quét cửa nhà chuẩn bị cho con gái tôi ra dọn hàng bán quán bún ốc, riêu cua tại nhà. Khi đó tôi đang mặc quần xà lỏn và cởi trần. Có một cậu thanh niên khoảng hơn 20 tuổi ghé đến hỏi, ‘Bác có biết nhà bác Thành làm ở đài truyền hình không?’ Tôi bảo, ‘Tôi đây’ thì ngay lập tức hắn hắt luôn một ca đầy acid vào mặt tôi.”
“Tôi đưa tay đỡ lên thì hai tay tôi bị thế này, rồi acid vào mặt, mất hết cả mồm, mũi, phải đi cấp cứu.” Vừa chỉ vào hai cánh tay đầy những vết sẹo cháy dính da và khuôn mặt bị biến dạng đi rất nhiều, giọng người đàn ông chùng xuống.
Hơn một năm trời sau đó, ông Thành đã phải trải qua 15 lần mổ ở các bệnh viện mắt, bệnh viện quân đội để tái tạo lại phần nào cho những phần đã bị mất đi trên khuôn mặt.
Trong thời gian đó, gia đình ông làm đơn gửi lên phòng cảnh sát điều tra của công an thành phố Hà Nội. “Họ cho đội trọng án của công an Hà Nội và đội cảnh sát điều tra công an quận Ðống Ða vào bệnh viện hỏi thăm tôi.” Ông tiếp tục câu chuyện.
Ông cho rằng tuy “khi đó mắt tôi nhìn lờ mờ chứ có nhìn rõ đâu, nhưng lạ là lúc tôi nhìn thì hai người hỏi thăm mình lại quay mặt đi, không cho mình thấy mặt họ”.
Những người công an đến bệnh viện nói với ông rằng “vụ án của bác đã được báo cáo lên bộ rồi. Trung Tướng Phạm Tâm Long, thứ trưởng thường trực Bộ Nội Vụ đã chỉ đạo một ban chuyên án. Sở Công An Hà Nội cũng có một ban chuyên án do ông Vũ Ðình Hoành làm trưởng ban. Chúng tôi đến đây để làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ”.
“Họ giao hẹn với tôi là tôi tuyệt đối không được cung cấp tư liệu cho các báo. Vì nếu các báo đăng lên vụ của tôi, có người vào bệnh viện thủ tiêu tan chứng bằng cách giết tôi thì họ không chịu trách nhiệm đâu. Họ yêu cầu tôi như thế.” Ông Thành cho biết.
Không một tờ báo nào trong nước đăng tin về vụ án này.
Tháng 9 năm 1992, ông Thành xuất viện sau 14 tháng xảy ra thảm họa tạt acid. Tin tức vụ án vẫn trong vòng im lặng.
Tháng 11 năm 1992, Tuần Tin Tức của thông tấn xã Việt Nam đăng bài “Nỗi đau người mẹ” viết về mẹ của nhà báo Trần Quang Thành. Bài báo kể lại câu chuyện bà mẹ ông Thành đã từng nhận nuôi 30 đứa trẻ mồ côi từ năm 1960, vừa cho đi học chữ vừa đi học nghề. Nay, sau hơn 3 thập niên, bà mẹ chỉ có một đứa con trai duy nhất lại tàn tật, không nơi nương tựa...
“Ông Ðỗ Mười đọc bài báo đó và cho thư ký gửi công văn xuống Bộ Lao Ðộng Thương Binh Xã Hội và Bộ Nội Vụ yêu cầu làm rõ vụ này.” Ông Thành nói.
Tháng 12, năm 1992, ông Thành quyết định đến thẳng công an Hà Nội hỏi xem vụ án tiến triển đến đâu.
“Ông Phạm Chuyên, đại tá phó giám đốc công an phụ trách an ninh khi đó đưa tôi xem toàn bộ sổ họp giao ban ngày 4 tháng 7 năm 1991. Thì ra trong đó không có ai báo cáo gì về chuyện của tôi, không ai nói ngày đó có vụ trọng án gì cả. Tụi nó đã bưng bít ngay từ đó.”
“Chưa tin, tôi sang hỏi ông Nguyễn Văn Tình, phó giám đốc công an phụ trách tổ chức lực lượng. Ông ta cũng thề với tôi là ông ta không hề biết gì về vụ này, chỉ đến khi ông Ðỗ Mười gửi công văn về chỗ ông Năm Xuân tức Mai Chí Thọ rồi gửi về công an Hà Nội thì họ mới biết vụ án của tôi.
Tôi lại lên gặp Phạm Tâm Long, thứ trưởng thường trực Bộ Công An. Ổng cũng nói không biết gì hết.”
Câu trả lời mà nhà báo Trần Quang Thành nhận được là như vậy. Sau đó, báo chí cũng lần lượt đưa tin. Tuy nhiên, vụ án vẫn mãi im lặng và chìm xuồng luôn từ 20 năm nay, chẳng ai nhắc gì tới nữa.
‘Tai hại là nó đánh vào gia đình mình’
Trở về cuộc sống đời thường với gương mặt loang lỗ những vết sẹo phỏng từ acid, những vết sẹo do phẫu thuật ghép da tạo hình, nhà báo Trần Quang Thành vẫn thuộc biên chế của Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Phát Thanh Truyền Hình nhưng “họ vô hiệu hóa mình, có cho mình làm gì đâu. Ðến đầu năm 1996 thì họ gợi ý cho mình về hưu non”.
“Nhìn lại công việc ông đã làm cho đến khi bị trả thù, có bao giờ ông nghĩ nếu có quay lại, ông sẽ làm khác đi không?” Phóng viên Người Việt hỏi.
“Không” ông Thành trả lời ngay lập tức. “Tôi trước sau vẫn thấy việc mình làm là làm đúng, mình không ân hận. Rõ ràng mình làm việc không sai. Mình không đánh vào nhân dân lao động. Cho nên chả có gì tôi thấy ân hận.”
“Nhưng đúng là làm chuyện này thì đòi hỏi phải hy sinh, gia đình mình phải hy sinh.” Ông nói tiếp.
Người đàn ông cười buồn, “Nói thật là mấy chục năm nay chả bao giờ người thân trong gia đình tôi dám đi chung với tôi đâu, cô ạ. Họ bảo họ xấu hổ. Họ bị cô lập, cô ạ. Khổ lắm! Làm công việc này phải chịu đựng hy sinh. Lực lượng công an chỉ bảo vệ cho bọn tham nhũng chứ không bảo vệ cho lực lượng chống tham nhũng đâu.”
Ông kể chuyện ông viết bài phanh phui chuyện tham nhũng tiền thuế trước bạ của một công ty nhà đất, sau khi ông đã bị tai nạn.
Ông kể, “Tôi phản đối chuyện họ làm ăn gian dối. Họ thách thức tôi. Họ bảo với tôi là ‘nói thật với bác, nó là cả một bộ máy có bánh xe nhỏ bánh xe to. Bác mà đi ngược bánh xe bác sẽ gãy. Kinh nghiệm của bác đấy!’”
“Tôi bảo tôi chả còn gì nữa để mất, tôi sẽ làm tới cùng. Nhưng tai hại là nó lại đánh vào ngay gia đình mình,” ông thổ lộ.
Theo lời ông Thành, con gái ông dành dụm tiền đặt cọc mua một căn nhà của công ty đó. Thế nhưng khi đến ngày chuẩn bị nhận nhà thì “chúng bảo xin lỗi con gái tôi là do ký vội mà quên là căn nhà đó đã bán cho người khác rồi”.
Giọng ông mỉa mai, “Thực ra thì chúng phát hiện ra tôi. Thế là gây ra bố con mâu thuẫn nhau. Vì bố mà con mất cơ hội mua được cái nhà. Lại thế! Nó đánh mình như thế đó, đánh thẳng vào gia đình mình, chia rẽ gia đình mình.”
Ông nói, như tự an ủi chính mình, “Tôi không ân hận gì cả. Chỉ có cái là ai đồng cảm được với chuyện mình làm là tốt thì mình thấy có niềm vui. Còn người nào không đồng cảm, bảo mình là thế này thế khác thì mình cũng không thấy buồn mà chỉ thấy đáng tiếc là những người đó chưa hiểu mình.”
Ông kể ông cũng có lúc như thấy mình được khích lệ khi nghe có những sinh viên của phân viện báo chí kể cho ông nghe rằng họ được nghe nói về ông trong những giờ học, hay có nhiều người làm báo đã dùng gương ông để viết báo.
Tuy nhiên, “Tôi có nói với họ, ‘các cháu học bác thì được nhưng đừng làm theo bác. Vì các cháu làm theo bác thì các cháu khổ, vì làm theo bác các cháu sẽ bị cô lập, nên phải cân nhắc, nghĩ kỹ chứ làm theo bác thì phải trả giá quá đắt đấy!’”
***
Sau những bài báo vạch mặt chế độ đăng trên các trang mạng, cùng những bài trả lời phỏng vấn cho các đài RFA, VOA, nhà báo Trần Quang Thành cảm thấy “sống trong nước không còn an toàn nữa nên mình phải đi thôi”.
Ông đã không xin đi tị nạn chính trị vì sợ sẽ gây cho gia đình các con ông những phức tạo khó khăn. Ông chọn khả năng xin sang định cư cùng con trai ở Slovakia, từ tháng 8 năm 2008.

 


- Những ‘phi vụ’ của nhà báo Hà Phan  (VNE).
 -Ngoài việc ép một doanh nghiệp phải chi 200 triệu đồng để không đăng bài viết bất lợi, 3.000 USD để có bài viết lấy lại uy tín, ông Phan Hà Bình còn dùng kịch bản này để nhận cả nghìn USD từ doanh nghiệp khác.
> 'Vụ án nhà báo Tiền Phong còn nhiều phức tạp'
Ngày 9/5, Đại tá Nguyễn Xuân Mừng - Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, cơ quan này vừa chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang VKSND Tối cao, đề nghị truy tố ông Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan, nguyên phó tổng thư ký báo Tiền Phong) về tội "cưỡng đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra, ngày 13/9/2010 Phan Hà Bình với bút danh Hà Phan đã cùng một đồng nghiệp viết bài "SGT và KBC - Dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột" với nội dung bất lợi cho công ty Cổ phần xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (thuộc tập đoàn Đầu tư Sài Gòn).
Trong thời gian thu thập thông tin để viết bài và sau khi bài báo đăng, ông Hà Phan đã nhiều lần đến gặp bà Nguyễn Cẩm Phương (Giám đốc Truyền thông của tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) để đòi chi tiền, nếu không sẽ tiếp tục đưa các bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Nhà báo Phan Hà Bình khi bị bắt. Ảnh: CTV
Nhà báo Phan Hà Bình khi bị bắt.
Bị bà Phương từ chối, liên tục trong tháng 9, tháng 10/2010, Hà Phan đã viết và đăng trên báo Tiền Phong các bài liên quan đến dự án kinh tế của những công ty thành viên tập đoàn Đầu tư Sài Gòn như: "Cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội", "Cách nào kiểm soát được giá cổ phiếu bất thường", đề cập việc công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đã tạm ngưng hoạt động nhưng giá cổ phiếu vẫn cao nhất trên sàn Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, sau khi báo đăng, ông Hà Phan lại nhiều lần chủ động gặp bà Phương gây áp lực buộc phải đưa 200 triệu đồng để dừng đăng các bài viết gây bất lợi, và chi thêm 3.000 USD sẽ viết bài khác lấy lại uy tín cho doanh nghiệp. Sau đó, bà Phương đã báo sự việc với cơ quan chức năng.
Tối 13/10/2010, tại nhà hàng Nhật Hạ (quận 3, TP HCM), khi ông Phan Hà Bình đang nhận 220 triệu đồng từ công ty Cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ thì công an đã ập vào bắt quả tang.
Quá trình điều tra, ông Bình còn khai nhận, khoảng tháng 3/2009, phát hiện trong bản cáo bạch của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Lương Tài có điểm không chính xác nên đã liên hệ với lãnh đạo công ty để thu thập tài liệu viết bài. Đồng ý với đề nghị trên, ông Bùi Đình Hưng (Chủ tịch HĐQT công ty Lương Tài) đã hẹn gặp nhà báo tại quán thịt cừu Thuận Tuấn (quận 1, TP HCM).
Tại đây, ông Bình đòi phải chi cho mình 1.000 USD nếu không sẽ viết bài gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Theo đó, ngay hôm sau, ông Hưng đã phải đưa cho Bình số tiền trên tại quán cà phê Zenta (quận 1, TP HCM).
Theo cơ quan điều tra, suốt quá trình bị tạm giam, ông Bình có thái độ khai báo tốt, ăn năn hối cải, gia đình đã nộp lại 1.000 USD để khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết mà cơ quan pháp luật có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông này.
Ông Phan Hà Bình sinh năm 1969, quê ở Bình Định, được bổ nhiệm làm Phó tổng thư ký tòa soạn văn phòng phía nam của Báo Tiền Phong vào tháng 10/2010, sau nhiều năm làm phóng viên chuyên trách mảng kinh tế.
3 tháng trước đó, báo Tiền Phong từng có văn bản gửi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đề nghị có biện pháp bảo vệ nhà báo Hà Phan vì một số lời đe dọa liên quan loạt bài điều tra "Biệt thự bức tử rừng thông" đăng trên báo này.
Vũ Mai
-Đưa tin "phiến diện một chiều" có phải là thẩm quyền điều tra của cơ quan an ninh?
Báo Dân Việt có bài viết về những phát hiện mới trong vụ án Hà Phan của báo Tiền Phong. Đọc bài báo này tôi không khỏi phân vân về thẩm quyền điều tra của cơ quan an ninh.

Trước tiên phải thấy rằng ở đây có 2 vụ việc riêng biệt, không liên quan với nhau: một vụ là nhà báo Hà Phan tống tiền công ty cổ phần xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, và vụ việc thứ hai là chùm bài báo viết về Vinashin của báo Tiền Phong. Tôi không hiểu tại sao cơ quan an ninh lại có thể trộn hai vụ khác nhau như vậy vào thành một vụ việc. Nhưng điểm quan trọng hơn mà tôi cảm thấy là điều tra về chùm bài báo viết về Vinashin có phải thuộc thẩm quyền của cơ quan an ninh?

Tôi không rõ có cơ quan hay người bị hại nào yêu cầu cơ quan an ninh điều tra về chùm bài báo viết về Vinashin không? Nếu không có, thì tại sao cơ quan an ninh lại có thể điều tra về nghiệp vụ báo chí trong một vụ việc cụ thể của một cơ quan thông tấn?

Phải thấy rằng chuyện đưa thông tin "phiến diện một chiều" là vấn đề nghiệp vụ báo chí. Nếu có điều tra thì thẩm quyền điều tra phải thuộc về Bộ TTTT, Hội Nhà báo hay Ban Tuyên giáo, chứ không thể nào lại là trách nhiệm điều tra của Bộ Công An. Bộ Công An chỉ có thẩm quyền điều tra nếu thấy chùm bài báo viết về Vinashin có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự, và trong trường hợp đấy phải có quyết định khởi tố để điều tra. Quyết định khởi tố điều tra vụ nhà báo Hà Phan tống tiền không thể lấy làm quyết định để điều tra về chùm bài báo viết về Vinashin vì chúng là các vụ việc khác nhau, có nội dung khác nhau và không liên quan với nhau.

Tôi cảm thấy ở đây có vấn đề và cần phải kiểm tra để xác định cơ quan an ninh có vượt quá thẩm quyền của mình hay không. Tôi cho rằng nếu không kiểm tra lại vụ việc này sẽ tạo ra tiền lệ xấu và rất dễ dẫn đến các hình thức lạm quyền có thể xảy ra trong tương lai mà sẽ rất khó ngăn chặn.   



-Phát hiện nhiều tình tiết mới vụ nhà báo nhận hối lộ 220 triệu đồ
(Dân Việt) - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có kết luận chính thức về hành vi vi phạm pháp luật của ông Phan Hà Bình, bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.

Nhân viên nhà hàng Nhật Hạ nói gì về vụ nhà báo bị bắt?  Báo Tiền Phong nói gì về việc Phó Tổng Thư ký Tòa soạn bị bắt? 
Một nhà báo bị bắt vì nhận tiền của doanh nghiệp
    Sau khi bị bắt khẩn cấp lúc đang nhận 220 triệu đồng của Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Phan Hà Bình (bút danh Hà Phan - nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong) khai nhận, bằng cách hù dọa một doanh nghiệp khác, Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD “tiền im lặng”...
    Muốn “êm” thì phải chi
    Phan Hà Bình bị bắt tối 13.10.2010
    Theo kết quả điều tra, ngày 13.10.2010, Hà Phan đã cùng  một phóng viên khác có bài viết “SGT và KBC - Dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột” với nội dung bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ.
    Trong thời gian thu thập thông tin để viết bài và sau khi bài báo đã được đăng, Phan Hà Bình đã nhiều lần đến gặp Nguyễn Cẩm Phương - Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - để đòi chi tiền. Mỗi lần đến gặp bà Phương, Hà Phan hù dọa nếu không chi tiền thì sẽ tiếp tục viết thêm nhiều bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp này.
    Theo Cơ quan ANĐT, năm 2010, mặc dù biết Phan Hà Bình ngoài việc làm phóng viên cho Báo Tiền Phong, còn làm Thư ký tòa soạn cho Báo Xe và Thể thao (với mức lương 8 triệu đồng/tháng) là trái với quy chế của báo nhưng ông Tổng Biên tập Đoàn Công Huynh vẫn cho làm các thủ tục bổ nhiệm Phan Hà Bình làm Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong.Theo Cơ quan an ninh điều tra, trước và sau khi được bổ nhiệm, Phan Hà Bình đã biếu ông Huynh một máy nghe nhạc Ipod và một máy tính bảng Ipad. Đến nay, ông Đoàn Công Huynh đã giao nộp hai chiếc máy này cho cơ quan công an.
    Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng Phan Hà Bình ra giá, nếu được chi 200 triệu đồng thì sẽ dừng không đăng các bài báo gây bất lợi cho Công ty cổ phần Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ nữa. Còn nếu được chi thêm 3.000 USD nữa thì Phan Hà Bình sẽ không những không đăng tiếp các bài báo gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn viết lại một bài báo khác để... lấy lại uy tín cho doanh nghiệp này.
    Bị hù dọa như thế, bà Nguyễn Cẩm Phương buộc phải đưa 220 triệu đồng theo yêu cầu của Phan Hà Bình và sau đó tố cáo toàn bộ sự việc với cơ quan bảo vệ pháp luật...
    Tại cơ quan điều tra, Phan Hà Bình khai nhận trước khi bị bắt, đã hù dọa và nhận 1.000 USD của một doanh nghiệp khác. Khi đọc báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Lương Tài, Phan Hà Bình phát hiện có sai phạm nên liên hệ trực tiếp và hẹn gặp lãnh đạo công ty này tại một quán cà phê.
    Tại đây, Phan Hà Bình đặt vấn đề nếu mua sự im lặng thì phải chung chi 1.000 USD. Đổi lại, Phan Hà Bình sẽ không viết và đăng bài gây bất lợi cho doanh nghiệp này. Vụ này, Phan Hà Bình đã nhận trót lọt 1.000 USD...
    Nguồn tin từ Cơ quan ANĐT cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố Phan Hà Bình về hành vi cưỡng đoạt tài sản 220 triệu đồng.
    Đưa thông tin “phiến diện, một chiều”
    Về sai phạm của hai cán bộ khác của Báo Tiền Phong, Cơ quan ANĐT khẳng định, ông Phùng Công Sưởng (Trưởng ban Thời sự - Chính trị) đã viết và đăng 10 bài báo về Vinashin, trong đó đáng chú ý có chùm bài "Cận cảnh con tàu Vinashin" đăng trên Báo Tiền Phong 3 số liên tiếp từ ngày 29.3.2010 đến ngày 31.3.2010.
    Tuy nhiên, nhà báo này viết bài dựa vào tài liệu photocopy khoảng 20 trang đánh máy do một người nào đó không rõ nguồn gốc gửi đến thùng thư của Báo Tiền Phong và chưa thẩm định tính xác thực của tài liệu.
    Còn ông Nguyễn Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế) đã viết loạt bài về sai phạm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đăng trên Báo Tiền Phong (bài "Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị đề nghị thôi chức" đăng ngày 3.9.2009 và bài "TKV và các chiêu tự hại mình" đăng 2 kỳ vào ngày 7 và 8.9.2009. Để viết loạt bài này, phóng viên Bá Kiên đã sử dụng tài liệu photocopy và kết luận kiểm toán do một người nặc danh gửi đến thông qua bộ phận tiếp tân của Báo Tiền Phong.
    Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho rằng, Báo Tiền Phong đã đưa thông tin "phiến diện một chiều", sử dụng thông tin, tài liệu không có nguồn gốc rõ ràng, không kiểm chứng. Cơ quan ANĐT Bộ Công an khẳng định trách nhiệm này trước hết thuộc về ông Đoàn Công Huynh - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong và đã đề nghị cơ quan chủ quản của Báo Tiền Phong xem xét, xử lý sai phạm của các ông Đoàn Công Huynh, Phùng Công Sưởng và Nguyễn Bá Kiên theo quy định.
    Liên quan đến dự án chợ Bình Phú (quận 6), Cơ quan ANĐT đang tiếp tục làm rõ hành vi "đánh hội đồng" rồi sau đó quay lại đòi tiền doanh nghiệp của một số nhà báo khác có liên quan.
    Võ Đức Phú

    Tổng số lượt xem trang