Cho phép các nhà báo độc lập, giới ngoại giao và quan sát được đến khu vực đó
(New York) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ, khách quan và minh bạch về vụ bất ổn mới đây của hàng ngàn người H'Mông Cơ đốc giáo ở tỉnh Điện Biên vùng tây bắc, và sự đáp trả của chính phủ trong vụ này. Cũng theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các nhà ngoại giao và quan sát quốc tế cần được cho phép tiếp cận khu vực đó một cách không hạn chế và ngay lập tức, xét những tin tức về số người chết và bị thương trong vụ việc này.
Vào ngày 30 tháng Tư năm 2011, hàng ngàn người H'Mông tụ họp tại khu vực gần bản Huổi Khon, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vào các ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Năm, quân đội Việt Nam điều động binh sĩ và trực thăng đến trấn áp những người tụ tập. Có nhiều tin tức chưa được kiểm chứng cho rằng có hàng chục người H'Mông chết hoặc bị thương. Chính quyền phong tỏa khu vực và không cho phép giới ngoại giao và báo chí nước ngoài tới đó.
"Chính quyền Việt Nam không thể chỉ chụp một bức màn tối che kín tình hình và coi như mọi chuyện đã trở lại bình thường. Khi những vụ bất ổn cộng đồng như vậy được xử lý nội bộ sau cổng kín tường cao, điều đó sẽ tạo điều kiện chín muồi cho những hành động lạm dụng mà không bị trừng phạt," ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. "Trước tình hình này, mức độ khả tín của chính phủ Việt Nam phụ thuộc vào việc cho phép các nhà báo và quan sát viên độc lập đến khu vực xa xôi đó để tự họ chứng kiến tận mắt."
Báo chí nhà nước đưa tin rằng vụ bất ổn xảy ra do người H'Mông bị "các phần tử xấu" lừa, hứa hẹn đưa họ đến cái gọi là "vùng đất hứa."
Vào hai ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Năm, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đến thăm Mường Nhé và tuyên bố rằng "tình hình tại đây đã yên ổn." Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, chính quyền bắt giữ "một số đối tượng có hành vi quá khích." Bà Nguyễn Phương Nga không cho biết con số cụ thể cũng như căn cước và nơi giam giữ những người bị bắt.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam lập tức thực hiện các bước sau:
- Tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, khách quan và minh bạch, dưới sự giám sát của một ủy ban trong đó gồm các thành viên đại diện cho cộng đồng sắc tộc H'Mông, về nguyên nhân của vụ bất ổn, những cáo buộc về việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết của chính quyền và mức độ bạo lực của những người biểu tình; và công bố công khai kết quả điều tra;
- Cho phép các nhà báo nước ngoài, đại diện ngoại giao tại Hà Nội, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tới Mường Nhé và các khu vực khác ở Điện Biên, cũng như các tỉnh lân cận, để triển khai điều tra độc lập;
- Công bố danh sách những người bị bắt giữ liên quan đến vụ bất ổn, cho biết họ đang bị giam giữ ở đâu, cũng như họ bị cáo buộc về những tội gì;
- Ngay lập tức cho phép tất cả những người bị bắt và tạm giam được gặp gia đình và tiếp xúc với cố vấn pháp luật;
- Bảo đảm rằng không ai trong số những người bị bắt liên quan đến vụ bất ổn bị tra tấn hay lạm dụng tại nơi giam giữ;
- Bảo đảm rằng những người biểu tình ôn hòa sẽ không bị trả thù vì đã tham gia cuộc biểu tình.
- Mường Nhé “thay da đổi thịt” từng ngày (Dân Việt) – Tháng 5 ở Mường Nhé(CAND).
- Vụ biểu tình ở Điện Biên theo lời kể của người địa phương(RFA)-Vụ tập trung cả mấy ngàn người Hmong tại bản Huoi Khoa, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến nay vẫn khiến dư luận băn khoăn khi mà nhiều nguồn thông tin trái ngược nhau được đưa ra.