CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Ngọc Thu dịch
Chu Ân Lai, Khang Sinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái và Phạm Hùng nói chuyện với phái đoàn Trung ương Cục miền Nam
Mô tả: Chu Ân Lai thừa nhận rằng Nixon công nhận Campuchia và nhìn thấy những vấn đề liên hệ. Chu Ân Lai cảnh báo Việt Nam về việc bị những người xét lại của Liên Xô lừa dối trong quá trình đàm phán với Mỹ. Kháng Sinh phê bình số người Việt Nam đang được gửi ra nước ngoài học.
20-04-1969
Chu Ân Lai: Các tiến triển mới được nhìn thấy ở Đông Dương. Chúng ta phải thừa nhận rằng Nixon thông minh hơn Johnson. Ông ta thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia và công nhận biên giới Campuchia với các nước láng giềng. Theo như tình hình ở Campuchia, chúng tôi không lạc quan như các ông. Mặc dù [Sihanouk] thực hiện chính sách hai mặt, ông ta đang nghiêng về bên phải. Hoa Kỳ cũng biết rằng Trung Quốc đang cung cấp trang thiết bị cho các lực lượng ở miền Nam Việt Nam qua ngả Campuchia và lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng MNVN đang sử dụng một phần lãnh thổ Campuchia cho các chiến dịch của họ (1).
Vì chúng ta là đồng chí với nhau, tôi muốn nói chuyện thẳng thắn. Các ông thường nói với chúng tôi rằng: "Chúng tôi quyết tâm chiến đấu và chính chúng tôi tự quyết định". Dĩ nhiên, bất kỳ đảng và quốc gia nào cũng có quyền ra quyết định cho số phận của mình. Và rất tốt để có một quyết tâm và niềm tin như thế. Nhưng là anh em, chúng ta phải nói chuyện với nhau một cách cởi mở, vì vậy tôi nói không thể nghĩ rằng các ông có thể đánh lừa Mỹ và những người xét lại của Liên Xô với chiến thuật của các ông. Chúng tôi có phần lo ngại, rằng các ông sẽ bị họ lừa. Chúng ta phải thận trọng vì cả Liên Xô và Mỹ đều là đầu sỏ đế quốc.
Các ông có thể nghĩ rằng với đề nghị của các ông về việc thành lập một chính phủ hòa bình và sự rút lui của quân đội Mỹ sau đó, các ông có thể bẫy họ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ, đề nghị của các ông sẽ làm cho người dân ít cảnh giác hơn và không nhìn thấy các nguyên tắc. Trong quá trình đàm phán, nếu các ông không chấp nhận lời khuyên của họ (Liên Xô), họ có thể cắt viện trợ (có lẽ các ông biết điều này hơn chúng tôi). Liên Xô có thể gây áp lực, buộc các ông phải thương lượng khi các ông không muốn hoặc họ có thể nhận và bí mật liên lạc với một chính phủ trung lập. Nếu trường hợp này xảy ra, Đảng và người dân Việt Nam sẽ ở trong tình huống nào? Các ông nên cân nhắc cẩn thận. Người Xô Viết nói về hòa bình và chủ nghĩa xã hội, nhưng điều mà họ thực sự muốn là bảo vệ lợi ích của họ.
Tôi vẫn kiên định những gì tôi nói với đồng chí Phạm Văn Đồng và Mười Cúc trước đây, rằng các ông không nên phí tiền bạc và [thời gian của] các viên chức cho các cuộc đàm phán ở Paris.
21-04-1969
Khang Sinh: Nhiều sinh viên miền Bắc Việt Nam và các học viên đã được gửi ra nước ngoài. Có vẻ như các ông có nguồn tài nguyên về con người phong phú, để các ông có thể gửi người ra nước ngoài, đồng thời không gặp khó khăn trong việc cung cấp nhân lực cho các lực lượng vũ trang cũng như các lực lượng sản xuất. Hiện có khoảng 6.000 sinh viên Việt Nam và học viên ở Trung Quốc. Sẽ tốt hơn không, nếu những người này được tổ chức thành 10 đơn vị chiến đấu và được gửi đến chiến trường? Kẻ thù ở miền Nam đang bị thiệt hại về người, nhưng lực lượng của họ cũng được gia cố với một tốc độ nhanh chóng. Cùng lúc, Trung Quốc có một số vấn đề khó khăn. Chúng tôi muốn các ông cân nhắc vấn đề này nhằm sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn nhân lực của các ông.
Ghi chú:
1. Mỹ bắt đầu bí mật ném bom ở phía Đông Campuchia vào ngày 18.
Nguồn: Wilsoncenter.org
——-
Thảo luận giữa Lý Tiên Niệm và Lê Đức Thọ
29-04-1969
Mô tả: Lý Tiên Niệm tư vấn cho miền Nam Việt Nam hướng tới một thắng lợi hoàn toàn và đánh giá việc đàm phán có tầm quan trọng thứ yếu.
Lý Tiên Niệm: Vấn đề cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam không phải là chiến thắng lớn hay nhỏ, mà là [thắng lợi] cuối cùng. Tôi vẫn còn nhớ Phó Chủ tịch Lâm Bưu nhấn mạnh từ "kiên nhẫn". Thắng lợi cuối cùng phụ thuộc vào chiến đấu. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chiến thắng không thể đạt được tại bàn đàm phán. Chúng ta phải có quyết tâm chiến đấu chống lại kẻ thù cho đến khi họ không còn gì để dùng đến. Tóm lại, thương lượng chỉ là thứ yếu nhằm phơi bày âm mưu của kẻ thù và chúng ta phải dựa vào chiến đấu nhằm tiêu diệt kẻ thù. Đây là kinh nghiệm của chúng tôi.
Nguồn: Wilsoncenter.org
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
-Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 9
Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thị Bình
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
16-05-1965
Mô tả: Chu Ân Lai nói chuyện với Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thị Bình liên quan đến các bước nên thực hiện nếu Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam và mở rộng vào Trung Quốc, so sánh Việt Nam với Triều Tiên.
Chu Ân Lai: Tôi đã có các cuộc hội đàm với ông Ayub Khan khi ông ấy chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ theo lời mời gần đây. Tôi nhờ ông ấy nói với Hoa Kỳ bốn điều sau đây. Tôi chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ hỏi ông ấy rằng Pakistan, có quan hệ tốt với Trung Quốc, có biết ý kiến của Trung Quốc hay không. Lúc đó, ông ấy nên nói với họ những điều này và nói rằng đó là ý kiến của Thủ tướng Trung Quốc.
Điều đầu tiên: Trung Quốc sẽ không bao giờ khởi động một cuộc chiến chống Mỹ. Đài Loan là một ví dụ. Trung Quốc đã có các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ trong 10 năm. Chúng tôi kiên định với nguyên tắc, Mỹ nên rút khỏi Đài Loan. Tuy nhiên, Mỹ không đồng ý và vấn đề không thể được giải quyết.
Cần chung sống hòa bình nhưng điều này phải dựa trên 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, chứ không phải vô điều kiện. Hoa Kỳ đã không chấp nhận bởi vì họ không muốn rút khỏi Đài Loan. Vì họ không muốn rút khỏi Đài Loan, điều đó cũng có nghĩa là họ không muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam. Người dân Đài Loan đã không nổi dậy như ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta phải tự kiểm điểm những thiếu sót của chúng ta, không hướng dẫn họ nổi dậy.
Điều thứ hai: Những lời lẽ và hành động của Trung Quốc thì nhất quán. Chúng tôi sẽ [đưa quân] vào Việt Nam nếu Việt Nam cần, như chúng tôi đã làm với Triều Tiên.
Điều thứ ba: Bây giờ Trung Quốc đã sẵn sàng. Rõ ràng là các tỉnh giáp biên giới với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã sẵn sàng. Toàn bộ Trung Quốc cũng đã sẵn sàng.
Điều thứ tư: Cuộc chiến sẽ không có giới hạn nếu Hoa Kỳ mở rộng vào lãnh thổ Trung Quốc. Mỹ có thể đánh một cuộc chiến trên không. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể đánh một cuộc chiến trên bộ.
Ghi chú:
1. Nguyễn Văn Hiếu (1922-1991) là nhà báo và là Bộ trưởng lưu động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, thực hiện nhiều chuyến đi thiện chí ở nước ngoài. Ông là Tổng thư ký của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN từ năm 1961-1963. Đến năm 1967, là Đại sứ danh nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN ở Campuchia, nhưng được xem như người chịu trách nhiệm về đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc giải phóng. Năm 1976 ông trở thành Bộ trưởng Văn hóa nước CHXHCN Việt Nam.
2. Nguyễn Thị Bình (1927-) là Trưởng đại diện của MTDTGPMN tại các cuộc hội đàm Paris từ năm 1968, là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từ khi thành lập hồi tháng 6 năm 1969. Dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời trong các cuộc đàm phán bốn bên ở Paris. Bà trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục năm 1976, được bầu làm Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đầu thập niên 1990, và tái đắc cử hồi năm 1997.
N.T.
Dịch từ: Wilsoncenter.org
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN