Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Chu Ân Lai và Khang Sinh bàn luận với phái đoàn Trung ương Cục miền Nam

-Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 28
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Ngọc Thu dịch
Có một sự trùng hợp kỳ lạ: Ngày 17-05-2011, Bauxite Việt Nam đăng tải đoạn đối thoại giữa Chu Ân Lai, Khang Sinh và Phạm Văn Đồng ngày 29-04-1968 (Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 22), thì cũng chính ngày 17-05-2011, cuốn On China của Henry Kissinger được xuất bản, trong đoạn viết về chiến tranh biên giới Việt – Trung, có nhắc đến đoạn đối thoại đó. Nội dung như sau:

Chu Ân Lai: Trong thời gian dài, Hoa Kỳ nửa bao vây Trung Quốc. Bây giờ Liên Xô cũng bao vây Trung Quốc. Sự bao vây đang tiến tới toàn diện, ngoại trừ [phần] Việt Nam.

Phạm Văn Đồng: Tất cả chúng ta quyết tâm hơn để đánh bại đế quốc Mỹ trong lãnh thổ Việt Nam.
Chu Ân Lai: Đó là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ các ông.
Phạm Văn Đồng: Chiến thắng của chúng tôi sẽ có tác động tích cực ở châu Á. Chiến thắng của chúng tôi sẽ mang lại những kết quả không lường trước được.
Chu Ân Lai: Các ông nên nghĩ theo cách đó.
Như thế, càng có lý do để tin vào tính chân thực của các tài liệu lịch sử do CWIHP công bố.

Bauxite Việt Nam

Chu Ân Lai và Khang Sinh bàn luận với phái đoàn Trung ương Cục miền Nam
Bắc Kinh, ngày 12 tháng 4 năm 1969
Chu Ân Lai: Tôi đã rõ tình hình hiện nay. Tôi cũng nhìn thấy quyết tâm của các ông chiến đấu cho đến khi Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn bị đánh bại. Chúng tôi rất vui mừng về điều đó. Nixon đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ông ta vẫn còn cứng đầu trong việc thúc đẩy chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mao Chủ tịch đã từng nói với Hồ Chủ tịch và các nhà lãnh đạo Việt Nam: "Hiện vẫn còn hàng trăm ngàn lính Mỹ ở Việt Nam và họ sẽ không rút lui cho đến khi họ bị đánh bại". Do đó, đồng chí Kháng Sinh và tôi muốn biết nhiều hơn về tình hình ở miền Nam Việt Nam, những khó khăn mà các ông đang đối mặt, và các biện pháp mà các ông đang áp dụng để chúng tôi có thể đáp ứng đầy đủ các khó khăn của các ông.
Khang Sinh: Chúng tôi cũng có thể cung cấp kinh nghiệm của chúng tôi trong chiến đấu, sản xuất, và vận chuyển.
Chu Ân Lai: Tôi phải nói thẳng với các ông rằng, các ông đã gửi nhiều người ra nước ngoài nghiên cứu các chuyên ngành khác nhau. Sau đó, sẽ khó khăn khi trình độ công nghệ và suy nghĩ khác nhau, gây ra các vấn đề phức tạp. Như đồng chí Hoàng Văn Thái đã nói, việc cung cấp đạn dược sẽ rất khó khăn nếu các ông sử dụng các loại vũ khí khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng, sau khi giành được chiến thắng, nếu được trang bị tư duy chính trị tốt, sinh viên có thể được đào tạo về kỹ thuật trong nửa năm. Trước đó, chúng tôi đã phải đối mặt cùng vấn đề như thế. Chúng tôi dựa vào các nước khác, đặc biệt là Liên Xô. Khi Liên Xô cắt viện trợ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.
Kháng Sinh: Hiện nay, các ông có khoảng 6.000 sinh viên tại Trung Quốc. Nếu các sinh viên này ở Việt Nam, có thể được chia thành 10 đơn vị chiến đấu. Sẽ tốt hơn không?
Chu Ân Lai: Các ông gửi họ ra nước ngoài trong hai hoặc ba năm. Khi họ trở về, cuộc chiến chưa kết thúc. Cho nên kiến ​​thức mà họ có, sẽ không được sử dụng và sẽ bị quên dần. Chúng tôi có cùng khó khăn như thế. Sau Cách mạng Văn hóa, một số thành phần trí thức không còn sáng tạo nữa, họ không hấp thụ bất cứ điều gì mới, cả ý thức hệ lẫn công nghệ.
Các ông đã thông báo với chúng tôi về những khó khăn hiện tại cũng như kinh nghiệm quý báu của các ông. Kinh nghiệm này đáng để chúng tôi học tập. Chúng tôi làm theo điều mà Mao Chủ tịch đã nói với Hồ Chủ tịch: tất cả các kế hoạch và chính sách cần được quyết định bởi các đồng chí ở miền Nam dựa trên thực tế ở đó. Các ông thường nhấn mạnh nguyên tắc độc lập, tự chủ. Chúng tôi đã được Mao Chủ tịch dạy các nguyên tắc này từ [thời] nội chiến [Trung Quốc].
Kháng Sinh: Các chính sách mà Đảng Lao Động và Trung ương Cục miền Nam đề xuất, dựa trên những điều kiện thực tế, chắc chắn đúng nhất. Lần cuối cùng, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) nói với chúng tôi về tình hình ở miền Nam Việt Nam, chúng tôi đề nghị các ông nên tiến hành các cuộc chiến quy mô lớn. Bây giờ, sau khi chúng tôi có thời gian để xem xét, chúng tôi nghĩ rằng đề nghị này không khả thi. Do đó, các ông nên thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc độc lập và tự chủ trong cuộc chiến tranh kéo dài.
Chu Ân Lai: Hôm nay, tôi muốn hỏi các ông một câu hỏi. Tình hình sẽ diễn tiến như thế nào khi các ông vừa đánh vừa đàm?
Nixon hiện đang đối mặt với những khó khăn nội bộ mà ông ta kế thừa từ Johnson. Và cũng có những khó khăn bên ngoài. Ông ta không thừa nhận bất kỳ lời hứa nào mà ông ta đã hứa trong chiến dịch tranh cử. Một số nhà tư bản Mỹ đã đến miền Nam Việt Nam chỉ để nhận ra rằng chẳng những không có được lợi, [mà] cả vốn cũng có thể bị mất. Tình hình sẽ khác nếu tất cả đều khai thác những khó khăn có thể nhìn thấy này. Tuy nhiên, một số [nước] đang giúp đỡ Nixon. Tôi không nói đế quốc Anh, hay đảng Dân chủ Mỹ, mà là những người xét lại của Liên Xô.
Tôi không nói về vấn đề Việt Nam và [bây giờ] trở lại vấn đề Trung Đông. Nixon muốn giải quyết vấn đề Trung Đông. Một hội nghị bốn cường quốc do những người xét lại của Liên Xô đề xuất và Pháp hỗ trợ, hiện đang diễn ra tại Liên Hiệp Quốc. Kế hoạch 6 điểm do Mỹ đề xuất đã được Liên Xô hỗ trợ, trong khi các nước Ả Rập đang giữ quan điểm khác nhau. Cùng lúc, Liên Xô, thông qua vua Hussein của Jordan, đưa ra một đề nghị 6 điểm với các yêu cầu ít hơn các yêu cầu của Mỹ. Kế hoạch 6 điểm của Mỹ là một điều tồi tệ. Tuy nhiên, kế hoạch của Liên Xô / Jordan còn tệ hơn. Nó buộc các nước Ả rập công nhận sự tồn tại của các vùng chiếm đóng. Bằng cách này, các lực lượng Palestine sẽ bị cách ly và một số căn cứ của họ dọc bờ sông Jordan sẽ bị mất.
Liên Xô cũng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Ả Rập. Syria là một ví dụ. Syria muốn có một số thay đổi trong chính phủ liên minh, nhưng Liên Xô cho biết sẽ cắt giảm viện trợ, do đó buộc Syria lắng nghe điều Liên Xô đã nói và để giữ nguyên hiện trạng. Tình trạng tương tự có thể được thấy ở các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các nước khác như Algeria và Morocco được sử dụng để chống lại Israel. Tuy nhiên, sau khi [Chủ tịch Liên Xô Nikolai] Podgornyi đến thăm và hứa viện trợ cho họ, những nước này đã thay đổi lập trường, hỗ trợ các kế hoạch 6 điểm của Mỹ.
Những người xét lại của Liên Xô đang làm điều đó để chia sẻ ảnh hưởng lợi ích từ dầu hỏa ở Trung Đông và Bắc Phi với Mỹ và Anh. Liên Xô thì gần Địa Trung Hải. Họ đã xin vào cảng Alexandria ở Ai Cập và bây giờ muốn được vào các cảng ở Algeria. Tại sao một nước xã hội chủ nghĩa lại có một chính sách đế quốc như thế? Rõ ràng là Liên Xô không còn là một nước xã hội chủ nghĩa có thể giúp phong trào giải phóng dân tộc. Thay vào đó, Liên Xô đang bán đứng quyền lợi của các nước trong phong trào. Khái niệm về "đế quốc xã hội chủ nghĩa" của Lenin đã xuất hiện ở Liên Xô trong chính sách xét lại của họ.
Ở Tiệp Khắc, [Alexander] Dubček đã được [Gustav] Husák thay thế và [Josef] Smrkovsky đã bị cách chức khỏi Đoàn Chủ tịch. Điều này đã tạo ra một tiền lệ, cho phép một nước xã hội chủ nghĩa can thiệp vào công việc của một nước xã hội chủ nghĩa khác. Liên Xô dụ Mông Cổ vào Hiệp ước Warsaw. Trước đây, Tiệp Khắc và Romania đã phản đối. Nhưng bây giờ, Tiệp Khắc đã thất bại. Mông Cổ thực tế đã vào hiệp ước. Trong một thời gian ngắn, Bắc Triều Tiên cũng sẽ tham gia. Có hai mục tiêu trong chính sách của những người xét lại sử dụng trong các nước này. Một là để đe dọa Trung Quốc và hai là là để thỏa hiệp với các nước phương Tây. Kết quả là, đã có một số phản ứng từ NATO đối với những tiến triển của Hiệp ước Warsaw.
Nguồn: trích dịch từ “77 cuộc đàm thoại giữa lãnh đạo Trung Quốc và nước ngoài trong chiến tranh Đông Dương năm 1964-1977”, pp. 152-154. (http://www.wilsoncenter.org/topics/pubs/ACFB39.pdf)
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.



-Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng và Hoàng Tùng Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 8
Ngọc Thu dịch
CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
23-08-1966
Hoàng Tùng (1920-2010)
Mô tả: Chu Ân Lai đề nghị gửi thêm quân nhân vào Việt Nam, ông ta cũng chỉ trích báo chí Việt Nam viết về các cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc trong lịch sử.
Chu Ân Lai: Còn về vấn đề thực tế báo chí Việt Nam thời gian gần đây đã đưa một số tài liệu về các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến ​​Trung Quốc chống lại Việt Nam thì sao?
Hoàng Tùng: Không có tài liệu báo chí nào như thế. Tuy nhiên, một số viện nghiên cứu đang làm nghiên cứu về chủ đề lịch sử đó.
Chu Ân Lai: Nhưng các ông đang nghiên cứu vấn đề này trong khi các ông đang tranh đấu chống lại Hoa Kỳ. [Các ông muốn] ám chỉ cái gì?
Chu Ân Lai: Chúng ta nên tận dụng con đường bộ cũng như tuyến đường biển qua ngả Campuchia. Tuy nhiên, tốt nhất là đường mòn Hồ Chí Minh, con đường chạy qua Lào vào miền Nam Việt Nam. Và chúng ta cũng nên tìm những con đường khác. Chúng tôi đồng ý điều mà các ông yêu cầu [liên quan tới] quân tiếp viện của chúng tôi về phòng không, để bảo vệ đường sắt, đường bộ của chúng tôi, và sự giúp đỡ của chúng tôi để xây dựng các con đường giao thông. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng có những hạn chế về điều đó. Lực lượng này không phải là quân tình nguyện chiến đấu của chúng tôi. Họ là lực lượng hậu cần. Do đó, chúng ta có thể từ chối yêu cầu của một số nước gửi quân tình nguyện đến Việt Nam, [nói] rằng các tình nguyện Trung Quốc đã có mặt ở Việt Nam. Nếu nói rằng đã có quân tình nguyện Trung Quốc tại miền Bắc Việt Nam, thì Cuba, Algeria, và Liên Xô, v.v. có thể yêu cầu phải có quân tình nguyện của họ tại Việt Nam.
Chu Ân Lai: … chiến lược đã được xác định: tiến hành một cuộc chiến kéo dài ở miền Nam, ngăn chặn các cuộc chiến mở rộng ra miền Bắc và sang Trung Quốc… ý kiến cơ bản của tôi là chúng ta nên kiên nhẫn. Kiên nhẫn đồng nghĩa với chiến thắng. Kiên nhẫn có thể gây nhiều khó khăn hơn, đau khổ hơn cho các ông. Tuy nhiên, trời, đất sẽ không sụp đổ và con người không thể bị tận diệt hoàn toàn. Vì vậy, kiên nhẫn có thể được đền bù bằng chiến thắng, làm thay đổi lịch sử, khuyến khích các nước châu Á, châu Phi, và châu Mỹ Latinh, và làm giảm tầm quan trọng của đế quốc Mỹ.
Chúng tôi đề nghị gửi một số nhân viên quân sự Trung Quốc phục vụ trong đội ngũ cán bộ chỉ huy, hậu cần, hóa học, kỹ thuật, các lực lượng huấn luyện chính trị, tổng số sẽ là 100 người, được tổ chức thành 4 hoặc 5 nhóm, đến miền Nam Việt Nam. Họ có thể đi xa tới tỉnh [Bình] Trị Thiên, Tây Nguyên, các vùng ngoại ô Sài Gòn, hoặc tới trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ghi chú:
1. Hoàng Tùng (1920-2010), Giám đốc Nhà Xuất bản Sự thật của Đảng Cộng sản Đông Dương (ICP) trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Là Tổng Biên tập báo Nhân dân (People’s Daily) từ năm 1951-1982 (có nguồn ghi từ năm 1954-1982 – ND), từ năm 1960 là Phó và sau này là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng Lao động VN. Nghỉ hưu vào cuối thập niên 1980.
N.T.
Dịch từ

Tổng số lượt xem trang