“[L]uôn luôn phải bảo vệ kẻ mạnh chống lại kẻ yếu”[1]. Nếu đọc qua, mệnh đề này của Nietzsche có vẻ như phản tiến bộ, và khó chấp nhận. Nhưng nếu đặt nó trong toàn bộ quan niệm của ông về sức mạnh và về kẻ mạnh thì sẽ thấy ông rất có lý. Những phân tích của Deleuze về vấn đề sức mạnh hoạt năng và sức mạnh phản ứng của Nietzsche cho thấy rất khó để trở thành kẻ mạnh.
Theo Nietzsche, ở kẻ mạnh, sức mạnh hoạt năng chiến thắng bằng cách chế ngự sức mạnh phản ứng, và bằng cách vươn tới tự khẳng định mình. Kẻ mạnh tự khẳng định mình trong tư cách là kẻ sáng tạo. Bản chất của kẻ mạnh là sáng tạo và khẳng định sự khác biệt của mình, chứ không phải là phủ nhận kẻ khác. Và yếu tố sáng tạo gắn liền với yếu tố phê phán. Phê phán được hiểu là “sự phá hủy trở thành hoạt năng”. Nhờ năng lực phê phán mới có thể sáng tạo ra các ý nghĩa mới và các giá trị mới. Do vậy, kẻ mạnh là kẻ có khả năng phê phán, có khả năng tự phê phán (tự hủy diệt), và có khả năng chấp nhận sự phê phán. Bởi thế, phê phán và tự phê phán là điều kiện thiết yếu để đạt tới sự hoàn thiện, để nâng cao sức mạnh, để biến sức mạnh phản ứng thành sức mạnh hoạt năng. (Xin xem thêm bài “Phê phán và siêu nhân”).
Nietzsche nhận thấy rằng, trong thực tế, kẻ mạnh rất dễ dàng trở thành kẻ yếu, và luôn luôn có khuynh hướng trở thành kẻ yếu. Kẻ mạnh không những bị đe dọa bởi số đông kẻ yếu, mà còn bị đe dọa bởi sự yếu đuối nằm trong chính bản thân nó, và chủ yếu là bị đe dọa bởi sự yếu đuối của chính nó. Deleuze giải thích: “Cần bảo vệ những kẻ mạnh chống lại những kẻ yếu, nhưng ta biết tính chất vô vọng của công việc này. Kẻ mạnh có thể chống lại kẻ yếu, nhưng không chống được việc trở thành kẻ yếu[2], cái kẻ chính là anh ta”[3]. Vì thế mà cộng đồng phải có ý thức bảo vệ kẻ mạnh, và mỗi cá nhân phải có ý thức bảo vệ sức mạnh trong con người mình, chống lại sự yếu đuối của chính mình.
Dưới đây là một vài suy nghĩ vụn vặt xung quanh sự biến mất của sức mạnh.
Khi nào thì phản ứng tự vệ đồng nghĩa với sự biến mất của sức mạnh ?
Để tự vệ, người ta thường trách móc, lên án, đổ lỗi cho người khác. Việc buộc cho người khác có lỗi tạo cảm giác an toàn, yên tâm, và tránh được mọi trách nhiệm. “Nếu tôi có làm điều này hay điều nọ thì không phải lỗi của tôi, mà là lỗi của kẻ kia, chính hắn bắt tôi phải làm như vậy”.
Một kẻ mạnh tự tấn công thay vì, hay trước khi, tấn công người khác. Kẻ đó cố gắng đi đến tận cùng các ngóc ngách sâu khuất nhất của nội tâm, của bản thể, của hành động, để xem hắn đã nhầm lẫn ở đâu, sai ở đâu, để xem những hậu quả tai hại nào có thể xẩy ra do hành động của hắn. Do đó, hắn thấy tự mình phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, tự mình phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, không đổ lỗi cho ai khác.
Kẻ yếu từ chối đi vào chính mình, có lẽ vì hắn không đủ sức mạnh để chịu đựng cái sự thật mà hắn sợ là sẽ khám phá ra. Trong trường hợp bị buộc phải đi vào đó, hắn sẽ cố tìm ra những “sự thật” khiến hắn cảm thấy dễ chịu, những “sự thật” bảo vệ cái hình ảnh mà hắn muốn chứ không phải là hình ảnh thực sự của hắn. Thế nên đó là một “sự thật” đáng ngờ, hoặc đúng hơn, đó không phải là sự thật, mà là một sự giả dối được dùng làm sự thật, cái mà Sartre gọi là “ngụy tín” (mauvaise foi). Lâu dần hắn tin rằng cái hình ảnh mà hắn muốn tạo ra cho hắn, cũng có khi để trình diện trước người khác, là hình ảnh đích thực của hắn. Và hắn yên tâm với hình ảnh “đích thực” ấy, quên mất rằng đó chỉ là cái mà hắn “muốn” chứ không phải cái mà hắn “là”. Rồi hắn dùng cái mà hắn muốn này như một tấm lá chắn để trách móc người khác mỗi khi hắn bị tấn công, hoặc cảm thấy bị tấn công. Vì trên thực tế đôi khi chẳng ai định tấn công hắn cả. Trong sâu thẳm, sự yếu đuối chính là ở chỗ hắn luôn lo sợ bị kẻ khác tấn công. Kể cả khi kẻ khác làm những việc chẳng liên quan gì đến hắn hoặc có những niềm đam mê chẳng liên quan gì đến hắn, hắn cũng tìm thấy trong những việc ấy, trong những niềm đam mê ấy một sự tấn công dành cho hắn.
Phản ứng tấn công cũng có thể là sự biến mất của sức mạnh
Để trấn áp nỗi lo sợ và sự yếu đuối, kẻ yếu thường tấn công trước. Và tấn công bất chấp những chuẩn mực chung về đạo lý, bất chấp những nền tảng nhân đạo mà nhân loại đã đổ bao xương máu, tốn bao công lao suy tư, tìm tòi, thử sai để xây dựng nên.
Phản ứng tấn công của kẻ yếu có nhiều biểu hiện:
Im lặng khi cần nói ở những nơi cần phải nói, trước những việc cần phải nói. Đó là sự tấn công điển hình của kẻ yếu: tấn công bằng im lặng. Một sự tấn công tưởng tượng.
Nói ở những nơi mà kẻ bị tấn công không có khả năng tự bảo vệ: cái hình thức tấn công hèn hạ này được gọi là nói sau lưng. Trong trường hợp này, tha hồ tấn công và chiến thắng là tuyệt đối, nhưng trong cái chiến thắng tuyệt đối đó, sức mạnh cũng tuyệt đối biến mất.
Buộc cho người khác cái tội mà họ không có. Trường hợp này được gọi là vu khống. Trong hành vi vu khống sức mạnh hoàn toàn tiêu tan.
Và lúc nào thì sức mạnh biến mất?
Những phiên tòa không cho bị cáo có quyền bào chữa là nơi sức mạnh biến mất một cách thảm hại.
Sức mạnh biến mất khi người ta cho phép mình làm bất cứ điều gì, vì cho rằng xung quanh toàn những kẻ ngu đần và những kẻ ngu đần ấy sẵn sàng tin vào bất cứ lời giải thích nào, dù là vô lí nhất. Sức mạnh biến mất khi người ta biết rằng xung quanh không phải là những kẻ ngu đần, nhưng rồi tìm mọi cách để biến họ thành ngu đần hay buộc họ phải tồn tại chỉ như những kẻ ngu đần. Sức mạnh biến mất, vì thực tế là sức mạnh không thể được tạo nên từ sự đần độn. Một tập thể đần độn đến mức chấp nhận tất cả mọi lời giải thích, dù chúng vô lí và lừa dối, đó sẽ không bao giờ là một tập thể mạnh được. Ở nơi sự đần độn ngự trị, kể cả những kẻ có trí tuệ cũng bắt buộc tự biến mình thành đần độn, nơi đó sức mạnh không thể tồn tại. Và cùng với sự biến mất của sức mạnh thì các giá trị cũng bị tiêu vong. Lúc đó, theo cách diễn đạt của Nietzsche, các phẩm chất cao quý bị hủy diệt và sự thấp kém đê hèn sẽ ngự trị khắp nơi.
Ở nơi nào có sự tấn công trong bóng tối, tấn công dấu mặt, nơi đó kẻ mạnh biến mất.
Ở nơi nào người vô tội bị buộc cho cái tội mà họ không có, nơi đó kẻ mạnh biến mất.
Ở nơi nào quyền lực áp chế trở thành thước đo của sức mạnh, nơi đó kẻ mạnh biến mất.
Nơi mà pháp luật trở thành công cụ cho một thiểu số đặc quyền đặc lợi, nơi đó kẻ mạnh bị diệt vong.
Nơi mà tư duy và sự trình bày công khai các kết quả của tư duy bị cấm đoán, nơi đó kẻ mạnh biến mất.
Ở một nơi như vậy, các ý nghĩa và các giá trị của cuộc sống, của việc sinh ra làm người, cũng biến mất.
Nhưng không có nơi nào mà mọi thứ đều tuyệt đối biến mất, nên các ý nghĩa và các giá trị của cuộc sống và của việc làm người tồn tại trong những nỗ lực nhằm giành lại những gì đã mất, hoặc trong những nỗ lực gìn giữ những gì có nguy cơ biến mất ấy, hoặc trong nỗ lực tạo ra các giá trị mới. Những nỗ lực như vậy nhiều khi được đẩy xa đến mức người ta chấp nhận trả giá bằng sự biến mất của chính mình. Và đó là lúc mà sức mạnh được khẳng định.
Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ mạnh, nếu họ vượt qua được sự yếu đuối của mình, nếu họ biết tự chiến thắng chính mình bằng cách tự hủy diệt chính mình, nói theo tinh thần của Nietzsche. Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ mạnh bằng cách tự triệt tiêu phần tồi tệ, phần yếu đuối trong con người mình. Những gì xấu xa tệ hại phải chết đi thì những gì tốt đẹp mới có thể phát triển được.
Điều khó khăn là đôi khi những gì tồi tệ lại được cho là tốt đẹp, những gì cần loại bỏ lại được bảo vệ tới cùng. Khi mà mọi thứ bị lộn ngược như vậy thì sẽ vô cùng khó khăn để trở thành kẻ mạnh.
N. T. T. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[1] Nietzsche, Ý chí quyền lực, quyển I, mục 395.
[2] Chúng tôi nhấn mạnh -NTTH
[3] Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức, 2010, tr. 237.
Độc quyền yêu nước và nguy cơ
PV Quốc Doanh
Mỗi con người hiểu rõ mình qua những thành công và cả thất bại. Một tổ chức, một dân tộc cũng vậy. Đảng cộng sản Việt Nam lâu nay tự coi như một tổ chức lãnh đạo “tài tình sáng suốt, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, nhờ theo Chủ nghĩa Mác-Lê nin “bách chiến bách thắng”. Điều đó chính là nguy cơ.
Bởi không sai lầm là tự huyễn hoặc, lâu ngày thành cao ngạo, sẽ không lo sửa mình nữa mà chỉ lo giữ vị trí lãnh đạo. Cổ kim loài người, vị trí lãnh đạo chỉ giữ được khi biết luôn sửa mình để làm tròn vai trò lãnh đạo. Bác Hồ trong Di chúc từng dặn, sau khi thống nhất đất nước, việc trước tiên Đảng phải làm là “chỉnh đốn Đảng”.
Không “chỉnh đốn” nghiêm túc theo lời Bác dặn, Đảng đã dần dần chỉ lo “sắp xếp, bố trí” ghế quyền lực và nhiều đảng viên có quyền lực chỉ lo tư lợi. Hồi nào, yêu nước là quyền của những người làm cách mạng (hoặc đi theo cách mạng) và gia đình của họ được gọi “gia đình cách mạng”. Điều này duy trì kéo dài sau chiến tranh, bên cạnh ưu đãi vật chất còn được tự do nói về lòng yêu nước như một đặc quyền, đã không ổn. Gần đây, quyền yêu nước bị thu hẹp, chỉ được tự do thể hiện lòng yêu nước khi phù hợp với quan niệm của một số đương quyền, theo cách của đương quyền. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị xử tù có lý do này.
Mới đây, Quý Thanh phê phán Giáo sư Ngô Bảo Châu trên báo Công an, cho rằng Giáo sư ở nước ngoài lâu nên không hiểu dân chúng, không biết cách yêu nước. Ngụy biện của độc quyền yêu nước! Thế tại sao các ông Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin được ca tụng, cho rằng tư tưởng của các vị là kim chỉ nam cho đường đi của nước ta, mà các vị này đã đến Việt Nam lần nào đâu? PV Quốc Doanh tôi vào website của Đảng Cộng sản Việt Nam xem tác phẩm của Bác Hồ, thấy tác phẩm đầu tiên và cuối cùng là hai bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ; tác phẩm đầu tiên “Thư gửi Tổng thống Mỹ” viết ngày 18/6/1919, tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Risớt M.Níchxơn” viết ngày 25/8/1969.
Hiến pháp không cho phép độc quyền yêu nước, cũng không quy định cách yêu nước. Đảng lãnh đạo không chú trọng sửa mình nên đã không kiểm soát được sự tác oai tác quái. Hậu quả hiện nay xã hội bị chia rẽ, cả trong đội ngũ lãnh đạo.
Khi trào lưu dân chủ làm sụp đổ nhiều chính thể ở Trung Đông, có người phân tích điểm yếu cốt tử của những chế độ đó: Chuyên chế gia đình, dòng tộc kéo dài gây bất bình lớn. Chế độ Đảng lãnh đạo của Việt Nam là nền chuyên chế của một giai tầng, không phải dòng tộc nào. Tuy nhiên, lại chứa đựng nguy cơ khác, nếu cứ chuyên quyền để nhân dân muốn rũ bỏ thì sẽ tan rã nhanh hơn. Một gia đình hay dòng tộc sẽ quyết liệt bảo vệ sự thống trị hơn một giai tầng gồm nhiều gia đình và dòng tộc đã ẩn chứa bên trong sự chia rẽ.
Dân phải được tự do yêu nước mới quên mình bảo vệ đất nước và bảo vệ chế độ giữ cho dân quyền tự do thiêng liêng ấy.
Ngày bầu cử 22-5
PV Q. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
-N. A. Berdaev - Chân lí của triết học và sự thật của người trí thức (Phần 1)(Phạm Nguyên Trường)
Trong giai đoạn khủng hoảng và nhận diện các sai lầm của mình, trong giai đoạn đánh giá lại các hệ tư tưởng cũ, cần phải xem xét lại cả thái độ của chúng ta với triết học nữa. Thái độ truyền thống của giới trí thức Nga với triết học phức tạp hơn là người ta tưởng lúc ban đầu, và việc phân tích thái độ đó có thể cho thấy một số đặc trưng tinh thần chủ yếu của giới trí thức của chúng ta. Tôi xin nói về giới trí thức theo nghĩa truyền thống của từ này trong tiếng Nga, tức là giới trí thức phe nhóm, bị chia tách một cách giả tạo khỏi đời sống chung của dân tộc. Đấy là một thế giới đặc thù, cho đến nay vẫn sống một cuộc đời khép kín dưới áp lực kép: áp lực quan phương ngoại tại, tức là áp lực của chính quyền phản động và áp lực nội tại, tức là sức ỳ của tư duy và tính bảo thủ của cảm xúc; không phải không có lí khi người ta gọi đấy là bọn “trí ngủ” để phân biệt với giới trí thức theo nghĩa rộng nhất, theo nghĩa toàn dân tộc và lịch sử của từ này.
Những nhà triết học mà giới trí thức Nga không thèm công nhận, coi đấy là những người thuộc thế giới khác, thế giới thù địch với họ, cũng thuộc giới trí thức nhưng không phải là “trí ngủ”. Giới trí thức đặc thù của chúng ta có thái độ như thế nào đối với triết học, đấy là nói cái thái độ không hề thay đổi dù có những đổi thay nhanh chóng trong các xu hướng triết học? Đấy là tính bảo thủ và thủ cựu cộng với xu hướng chạy theo cái mới, chạy theo những trào lưu mới nhất của châu Âu, nhưng không bao giờ tiếp thu một cách sâu sắc. Thái độ đối với triết học thì cũng thế.
Những nhà triết học mà giới trí thức Nga không thèm công nhận, coi đấy là những người thuộc thế giới khác, thế giới thù địch với họ, cũng thuộc giới trí thức nhưng không phải là “trí ngủ”. Giới trí thức đặc thù của chúng ta có thái độ như thế nào đối với triết học, đấy là nói cái thái độ không hề thay đổi dù có những đổi thay nhanh chóng trong các xu hướng triết học? Đấy là tính bảo thủ và thủ cựu cộng với xu hướng chạy theo cái mới, chạy theo những trào lưu mới nhất của châu Âu, nhưng không bao giờ tiếp thu một cách sâu sắc. Thái độ đối với triết học thì cũng thế.
Đập vào mắt trước tiên là, đối với triết học, thái độ của giới trí thức cũng thiếu văn hoá như đối với các giá trị tinh thần khác: giá trị tự thân của triết học bị phủ nhận, triết học phải khuất phục các mục tiêu xã hội-duy lợi. Các tiêu chí duy lợi-đạo đức giữ địa vị đặc biệt, địa vị thống trị độc đoán, giữ thế thượng phong mang tính áp chế của tình yêu đối với nhân dân, đối với giai cấp vô sản, thái độ sùng bài “nhân dân”, sùng bái lợi ích của nhân dân, sự đè nén về mặt tinh thần do chế độ chuyên chế gây ra - tất cả những điều này đã dẫn tới kết quả là trình độ văn hoá triết học của chúng ta quá thấp, kiến thức triết học và sự phát triển của triết học ít được phổ biến trong môi trường trí thức của chúng ta. Văn hoá triết học cao chỉ có thể gặp ở một vài cá nhân và đấy là sự khác biệt của họ với thế giới “trí ngủ”. Nhưng chúng ta không chỉ có ít kiến thức triết học - tai hoạ này có thể sửa chữa được – chúng ta còn có tư tưởng cho rằng triết học chân chính phải nằm trong vòng bí mật và khó hiểu, còn sáng tạo triết học thì thuộc về thế giới khác, thế giới huyền bí. Có thể có một số người đọc sách triết học, bề ngoài thì họ hiểu, nhưng bên trong họ cũng ít gắn bó với thế giới sáng tạo triết học, tương tự như với thế giới của cái đẹp vậy. Lí do không phải là do khiếm khuyết về mặt trí tuệ mà là ở sở nguyện, cái sở nguyện đã tạo ra môi trường trí thức ngoan cố truyền thống tức là cái môi trường đã có sẵn trong máu thịt của mình thế giới quan dân tuý và cách đánh giá mang tính duy lợi, vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Trong một thời gian dài người ta vẫn coi sáng tạo triết học là một cái gì đó gần như phi đạo đức, họ coi đấy là sự phản bội nhân dân, phản bội sự nghiệp của nhân dân. Người dành quá nhiều tâm trí cho các vấn đề triết học bị nghi là thờ ơ với quyền lợi của nông dân và công nhân. Giới trí thức có thái độ khắc khổ đối với triết học, họ đòi phải tiết chế để dành sức phục vụ cho chúa trời của mình, tức là nhân dân, dành sức cho cuộc đấu tranh với chế độ độc tài chuyên chế. Cái thái độ khắc khổ duy lợi-dân tuý đối với triết học như thế vẫn có ngay cả trong các trào lưu triết học mà bề ngoài có vẻ như đã vượt qua được tư tưởng dân tuý và từ bỏ chủ nghĩa duy lợi thô thiển rồi, vì đấy là thái độ đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức. Cơ sở tâm lí của thái độ như thế đối với triết học và nói chung đối với sự sáng tạo ra các giá trị tinh thần có thể được thể hiện như sau: trong nhận thức và tình cảm của giới trí thức Nga, mối quan tâm về phân phối và cào bằng luôn luôn nổi trội hơn mối quan tâm về sản xuất và sáng tạo. Điều này đúng cho cả lĩnh vực vật chất cũng như lĩnh vực tinh thần: thái độ của giới trí thức Nga đối với lĩnh vực sáng tạo triết học cũng giống như đối với lĩnh vực sản xuất vật chất. Giới trí thức luôn luôn sẵn sàng chấp nhận hệ tư tưởng trong đó trọng tâm là vấn đề phân phối và bình đẳng, còn sáng tạo thì bị chặn đứng, sự tín nhiệm của nó với hệ tư tưởng như thế có thể nói là vô giới hạn. Còn hệ tư tưởng mà trọng tâm là sáng tạo và các giá trị thì bị nó nghi ngờ, nó sẽ dùng ý chí mà quay mặt đi và tìm cách tố cáo. Chính cái thái độ ấy đã giết chết tài năng triết học của N. K. Mikhailovski[1] cũng như đã giết chết tài năng nghệ thuật của Glev Uspenski[2]. Nhiều người đã tự kiềm chế, không dám sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật và triết học vì cho rằng theo quan điểm phân phối và công bằng thì đấy là việc làm phi đạo đức, là phản bội lại quyền lợi của nhân dân. Trong những năm 70 (1870 – ND), có thời người ta còn coi đọc sách và say mê kiến thức là việc làm chẳng có mấy giá trị, khao khát kiến thức còn bị phê phán về mặt đạo đức nữa. Thời kì ngu dân theo lối dân tuý đó đã qua rồi, nhưng vi trùng thì vẫn còn nằm trong máu. Còn trong những ngày cách mạng thì người ta lại săn đuổi trí thức, săn đuổi công việc sáng tạo, săn đuổi đời sống tinh thần cao đẹp. Cho đến tận ngày hôm nay trong máu của giới trí thức chúng ta cái bản tính ấy cũng vẫn còn. Những xét đoán về mặt đạo đức như thế vẫn giữ thế thượng phong dù ngoài mặt họ có dùng ngôn từ gì đi nữa thì cũng thế mà thôi. Cho đến tận bây giờ, thanh niên trí thức của chúng ta vẫn không thể công nhận giá trị tự thân của khoa học, của triết học, của khai minh, của các trường đại học, cho đến tận bây giờ người ta vẫn buộc khoa học phải phục vụ chính trị, phục vụ quyền lợi của các đảng phái, phục vụ các xu hướng và phe nhóm. Những người biện hộ cho cái kiến thức mang tính tự chủ và tự thân, biện hộ cho kiến thức như là một nguyên tắc đứng cao hơn những vấn đề thời sự, vẫn bị coi là phản động. Chính Bộ giáo dục đã góp phần vào việc tạo ra thái độ thiếu tôn trọng đối với cái linh vật là kiến thức như thế. Chế độ chuyên chế đã làm cho tâm hồn của giới trí thức tiến bộ méo mó đến mức là tinh thần mới rất khó lọt được vào nhận thức của thanh niên.
Nhưng chẳng nên nói rằng các đề tài và vấn đề triết học là xa lạ với giới trí thức Nga. Có thể nói rằng giới trí thức của chúng ta luôn luôn quan tâm tới các vấn đế triết học mặc dù không phải theo cách đặt vấn đề của triết học: nó đã tìm cách gán ý nghĩa triết học cho những vấn đề thực tế nhất của xã hội, những vấn đề cụ thể và riêng biệt thì biến thành trừu tượng và phổ quát, các vấn đề về nông dân hay công nhân thì được coi là những vấn đề cứu chuộc toàn thế giới, các lí thuyết xã hội học được nó tô vẽ gần như thành thần học. Đặc điểm này thể hiện trong văn chính luận của chúng ta, nó dạy người ta ý nghĩa của đời sống và không những thiếu cụ thể và thiếu thực tế mà lại còn quá trừu tượng và mang tính triết lí ngay cả khi nói về các vấn đề kinh tế. Xu hướng thân phương Tây và xu hướng thân Slavơ cũng không phải là chính luận mà là mang tính triết học. Belinski[3], một trong những ông tổ của giới trí thức Nga, chẳng có mấy hiểu biết về triết học và không có phương pháp tư duy triết học, nhưng suốt đời đã bị những vấn đề mang tầm triết học, mang tầm thế giới hành hạ. Các nhân vật của Tolstoi[4] và Doxtoievski[5] cũng chăm chăm vào những vấn đề triết học như thế. Trong những năm 60 (1860 – ND) triết học bị đẩy vào một góc và nằm trong tình trạng suy thoái, Iurkevich[6], so với Trernyshevski[7], rõ ràng là một nhà triết học thực sự, nhưng đã bị coi khinh. Nhưng tính chất của niềm đam mê chủ nghĩa duy vật, một hình thức triết lí thấp kém nhất và sơ đẳng nhất, dù sao cũng thể hiện được sự quan tâm đối với những vấn đề mang tính triết học và có tầm cỡ thế giới. Lúc đó giới trí thức Nga muốn sống và xác định thái độ của mình đối với những vấn đề thực tiễn và thiết thực của đời sống xã hội trên cơ sở kinh bổn của chủ nghĩa duy vật và siêu hình học duy vật chủ nghĩa. Trong những năm 70 giới trí thức lại say mê chủ nghĩa thực chứng và N. K. Mikhailovski, ông trùm tư tưởng của họ, nếu xét về mối quan tâm và tầm tư tưởng thì đúng là một nhà triết học nhưng lại không có trường phái và kiến thức thực sự. Giới trí thức còn hướng đến P. L. Lavrov[8], một người uyên bác và có tầm tư tưởng rộng rãi, nhằm tìm cơ sở triết học cho những kì vọng cách mạng của họ. Và Lavrov đã đưa ra những lời biện hộ mang tính triết học cho những kì vọng của lớp trẻ, nhưng ông thường bắt đầu từ xa, từ việc hình thành khối quần chúng rất ư là mù mờ. Giới trí thức cũng thường có các nhà triết học trí thức, mang tính phe nhóm của mình và một thứ triết học định hướng, tách biệt hẳn với truyền thống triết học thế giới. Cái thứ triết học mang tính bè phái và thô lậu đó đã thoả mãn được nhu cầu có một “thế giới quan”, đã trả lời được tất cả các câu hỏi của cuộc sống và liên kết được lí luận với thực tiễn của tầng lớp thanh niên trí thức nước ta. Nhu cầu có một thế giới quan mang tính triết lí-xã hội nhất quán là nhu cầu chủ yếu của giới trí thức nước ta trong thời trai trẻ và chỉ những người có thể rút ra từ lí thuyết những lời biện hộ cho khát vọng giải phóng xã hội, biện hộ cho thiên tính dân chủ và những đòi hỏi về sự công bằng bằng bất cứ giá nào mới được họ coi là các ông trùm tư tưởng. Về mặt này, trong những năm 60, Trernyshevski và Pisarev[9] còn trong những năm 70 thì Lavrov và Mikhailovski đã là những nhà “triết học” điển hình. Đối với sự sáng tạo mang tính triết học cũng như đối với nền văn hoá tinh thần của dân tộc, những người cầm bút này hầu như chẳng mang lại được gì, nhưng họ đáp ứng được nhu cầu có một thế giới quan và biện giải cho những khát vọng của giới trí thức về mặt lí thuyết; hiện các ông này vẫn còn là đạo sư của giới trí thức và khi còn trẻ người ta vẫn say mê đọc họ. Trong những năm 90, cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa Marx, quan tâm về mặt trí tuệ của giới trí thức cũng được đưa lên rất cao, thanh niên bắt đầu Âu hoá, bắt đầu đọc sách khoa học, mẫu người dân tuý hoàn toàn nghiêng về cảm tính đã bắt đầu thay đổi dưới ảnh hưởng của luồng trí thức mới. Nhu cầu biện hộ cho những khát vọng mang tính xã hội được đáp ứng bằng chủ nghĩa duy vật lịch sử, còn sau này thì bằng học thuyết của phái Kant-trẻ, một học thuyết không thể truyền bá rộng rãi được vì quá phức tạp về mặt triết học. Beltov-Plekhanov[10] trở thành “triết gia của thời đại, đẩy được Mikhailovski ra khỏi trái tim của tuổi trẻ. Sau này, trên sân khấu lại xuất hiện hai ông là Avenarius[11] và Mach[12], những người được tuyên bố là cứu tinh về mặt triết học của giai cấp vô sản, còn các ông Bogdanov[13] và Lunatrarski[14] thì trở thành “triết gia” của tầng lớp trí thức dân chủ-xã hội. Mặt khác, lại xuất hiện thêm các xu hướng duy tâm và thần bí, nhưng đấy là những xu hướng hoàn toàn khác trong nền văn hoá Nga. Chiến thắng của chủ nghĩa Marx trước phong trào dân tuý không tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong bản chất giới trí thức Nga, nó vẫn là cựu giáo và dân tuý như cũ, chỉ khoác lên mình chủ nghĩa Marx theo kiểu châu Âu mà thôi. Nó phủ nhận lí thuyết dân chủ-xã hội, nhưng chính lí thuyết này cũng chỉ là hệ tư tưởng của một nhóm trí thức. Còn thái độ đối với triết học thì vẫn như xưa, nếu không kể trào lưu phê phán trong chủ nghĩa Marx, trào lưu này sau đó đã chuyển sang lập trường duy tâm, nhưng cũng không được trí thức hâm mộ.
Quan tâm của đa phần trí thức đối với triết học thường dừng lại ở nhu cầu biện hộ, về mặt triết học, tình cảm và khát vọng mang tính xã hội của nó, tư duy triết học không thể lay chuyển được những tình cảm và khát vọng đó, đấy là những tín điều bất di bất dịch. Trí thức không quan tâm đến vấn đề, thí dụ lí thuyết nhận thức của Mach là đúng hay sai, nó chỉ cần biết lí thuyết này có lợi cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hay là không, nó có phục vụ cho quyền lợi và hạnh phúc của giai cấp vô sản hay là không; nó không cần biết siêu hình học và chân lí của siêu hình học có tồn tại hay là không, nó chỉ quan tâm đến việc liệu siêu hình học có làm thiệt hại cho quyền lợi của nhân dân hay không, có làm sao lãng cuộc đấu tranh với chế độ chuyên chế và phục vụ giai cấp vô sản hay không mà thôi. Trí thức sẵn sàng chấp nhận mọi triết lí, với điều kiện là nó biện hộ được cho các lí tưởng xã hội của họ và gạt bỏ ngay mọi triết lí, dù là triết lí sâu sắc nhất và đúng đắn nhất, nếu họ ngờ rằng triết lí đó không có lợi hoặc đơn giản là có thái độ phê phán đối với những lí tưởng và tình cảm truyền thống của họ. Mối thâm thù đối với các xu hướng duy tâm và tôn giáo-thần bí, việc coi thường năng khiếu triết học đầy sáng tạo và độc đáo của Nga có nguồn gốc từ cái tâm lí mang tính “Thiên chúa giáo” này. Chủ nghĩa duy lợi trong việc đánh giá mọi việc, việc tôn sùng “nhân dân” – khi thì nông dân, lúc lại là vô sản - vẫn là tín điều đạo đức của phần lớn giới trí thức. Lúc đầu giới trí thức đọc cả Kant[15] chỉ vì chủ nghĩa Marx phê phán hứa là nó sẽ dùng Kant để chứng minh lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Sau đó họ bắt đầu lao vào Avenarius[16], vì triết học “tinh khiết nhất” và trừu tượng nhất của Avenarius bỗng được coi là triết học của những người dân chủ-xã hội “bolsevik”, dù ông không biết và không có lỗi gì trong chuyện này.
Sự thiếu văn hoá của chúng ta, việc thiếu vắng sự phân tầng đầy thô lậu, nhận thức kém về giá trị của chân lí và sai lầm trong phán đoán mang tính đạo đức dĩ nhiên là có ảnh hưởng đối với thái độ đặc biệt này đối với triết học. Toàn bộ lịch sử của nước Nga cho thấy người ta ít coi trọng những quan tâm mang tính tư biện tự thân. Nhưng ở đây có cả ảnh hưởng của những năng khiếu tích cực và giá trị nữa, đấy là khát khao có một thế giới quan thống nhất, trong đó lí thuyết hoà nhập vào cuộc sống, khát khao đức tin. Không phải không có cơ sở để giới trí thức có thái độ tiêu cực và nghi ngờ đối với lí thuyết suông, đối với việc chia chẻ chân lí và ta có thể nhận thấy những nét đặc trưng mang tính tôn giáo, mặc dù vô thức, trong yêu cầu có một thế giới quan thống nhất như thế của giới trí thức.
Cần phải phân biệt rõ “tay phải” và “tay trái” trong tâm lí truyền thống của giới trí thức. Không được tuyệt đối hoá sự thiếu quan tâm đối với các vấn đề triết lí trừu tượng, trình độ văn hoá triết học thấp, thiếu vắng kiến thức triết học và thiếu khả năng tư duy triết học nghiêm túc. Cũng không nên tuyệt đối hoá cái xu hướng đánh giá các học thuyết và chân lí triết học theo các tiêu chuẩn của chính trị và duy lợi, sự thiếu khả năng xem xét các hiện tượng triết học và sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá theo đúng bản chất của chúng, từ quan điểm giá trị tuyệt đối của chúng. Trong thời khắc này của lịch sử, giới trí thức không cần phải ca ngợi mà cần phải tự phê bình. Chỉ có thông qua sám hối và tự phê chúng ta mới có thể đi đến nhận thức mới. Trong thời kì phản động hồi những năm 80 người ta nói một cách đầy tự hào về những phẩm hạnh chân chính mang tính bảo thủ của người Nga và Vl. Soloviev[17] đã làm được một việc quan trọng là tố cáo những người đó và kêu gọi người ta phải tự phê bình và sám hối, phải tìm cho ra những căn bệnh của chúng ta. Sau đó lại đến thời kì người ta nói đến những phẩm hạnh mang tính cấp tiến, cũng là những phẩm hạnh chân chính của người Nga. Trong những thời kì như thế cần phải kêu gọi những người còn lại thực hiện việc tự phê bình, sám hối và tìm cho bằng được các căn bệnh. Không thể nào tự hoàn thiện được nếu cứ tiếp tục tự mê những tính chất vĩ đại của mình, những phẩm chất tốt thực sự cũng sẽ bị lu mờ đi trong niềm say mê đó.
Giới trí thức Nga, do hoàn cảnh lịch sử của nó, đã gặp phải nỗi bất hạnh sau: tình yêu đối với sự công bằng mang tính cào bằng, tình yêu đối với điều thiện, với hạnh phúc của nhân dân đã làm tê liệt tình yêu đối với chân lí, gần như giết chết sự quan tâm đối với chân lí. Còn triết học là trường dạy tình yêu đối với chân lí, trên hết là chân lí. Trí thức không thể có thái độ vô tư đối với khoa học vì nó vốn có thái độ vụ lợi đối với chân lí, nó đòi hỏi rằng chân lí phải trở thành công cụ của cách mạng xã hội, của hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của con người. Nó sẵn sàng đi theo Đại pháp quan tôn giáo[18], tức là đi theo người đòi từ bỏ chân lí nhân danh hạnh phúc của con người. Phán đoán mang tính đạo đức chủ yếu của giới trí thức có thể được thể hiện bằng công thức sau: thây kệ chân lí, nếu nó chết mà nhân dân được sống tốt hơn, hạnh phúc hơn thì cứ để cho nó chết, đả đảo chân lí nếu như nó cản trở lời hiệu triệu thiêng liêng “đả đảo chế độ chuyên chế”. Hoá ra lòng nhân ái được định hướng sai đã giết chết tình yêu Thượng đế vì tình yêu chân lí, cũng như tình yêu cái đẹp, tình yêu đối với bất kì giá trị tuyệt đối nào cũng đều là biểu hiện của tình yêu đối với Thượng đế cả. Lòng nhân như thế là một sự lầm lẫn vì nó không dựa trên sự tôn trọng thực sự đối với con người, tôn trọng con người bình đẳng và thân thuộc trong một người Cha Duy Nhất; nó, một mặt là lòng trắc ẩn và thương hại đối với con người từ “nhân dân”, mặt khác, nó lại biến thành sự sùng bái con người và sùng bái nhân dân. Còn tình yêu chân chính đối với con người là tình yêu không trái ngược với chân lí và Chúa mà là tình yêu trong chân lí và trong Chúa, không phải là lòng thương hại, lòng thương phủ nhận nhân phẩm của con người mà là sự công nhận hình ảnh của Thiên chúa trong mỗi con người. Nhân danh lòng nhân ái sai lầm đó mà ở nước ta đã hình thành thái độ ngờ vực và theo dõi đối với các trào lưu và tìm tòi mang tính triết học. Thực chất là chẳng có ai đi sâu vào lĩnh vực triết học, những người dân tuý thì bị tình yêu sai lầm đối với nông dân, còn những ngưới mác-xít thì bị tình yêu sai lầm đối với giai cấp vô sản cấm đoán. Nhưng thái độ như thế với nông dân và vô sản chính là sự thiếu tôn trọng đối với ý nghĩa tuyệt đối của con người vì ý nghĩa tuyệt đối nằm ở Thượng đế chứ không phải ở người, ở chân lí chứ không phải ở quyền lợi. Avenarius hoá ra là tốt hơn Kant và Hegel không phải vì người ta tìm thấy chân lí trong triết học của Avenarius mà vì người ta tưởng rằng Avenarius có lợi hơn cho phong trào xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là quyền lợi được đặt cao hơn chân lí, cái thuộc về người được đặt cao hơn cái thuộc về Chúa. Bác bỏ các lí thuyết triết học chỉ vì chúng không có lợi cho phong trào dân tuý hay phong trào dân chủ-xã hội cũng tức là coi khinh chân lí. Nhà triết học bị nghi là phản động (cái gì ở nước ta mà không có thể gọi là “phản động”!) thì sẽ chẳng được ai nghe vì có ai quan tâm đến triết học và chân lí đâu. Những lời bịa tạc mang tính phe nhóm của ông Bogdanov luôn được đánh giá cao hơn là Lopatin[19], nhà triết học độc đáo và phi thường của chúng ta. Triết học của Lopatin đòi hỏi phải tư duy nghiêm túc và nó không đưa ra bất kì khẩu hiệu mang tính cương lĩnh nào, còn triết học của Bogdanov thì chỉ cần cảm xúc và nó có thể được gói gọn trong một cuốn sách giá năm xu. Trong giới trí thức Nga, chủ nghĩa duy lí của nhận thức luôn luôn kết hợp với xúc cảm và sự thiếu vắng một đời sống trí tuệ có giá trị tự thân.
Đối với triết học cũng như các lĩnh vực khác của đời sống, thái độ mị dân vẫn giữ vai trò chủ đạo; những cuộc tranh luận giữa các xu hướng triết học trong giới trí thức thường mang tính chất mị dân và kèm theo những cái nhìn ngang liếc dọc rất vô liêm xỉ để xem ai thích cái gì, cái gì thì phù hợp với bản năng nào. Thói mị dân đó đã làm băng hoại tinh thần của giới trí thức và tạo ra một bầu không khí rất nặng nề. Thái độ ươn hèn về mặt đạo đức ngày càng phát triển, tình yêu đối với chân lí và sự táo bạo trong tư duy thì càng ngày càng bị lu mờ. Niềm khao khát sự công bằng trên cõi thế vốn có sẵn trong tâm hồn giới trí thức Nga, về căn bản là một niềm khao khát thiêng liêng, đã bị xuyên tạc. Lòng nhiệt tình thì bị thoái hoá thành sự sùng bái cái nhất nguyên. Việc giải thích theo quan điểm “giai cấp” các hệ tư tưởng và các lí thuyết triết học khác nhau của những người mác-xít đã trở thành tư tưởng ám ảnh mang tính bệnh hoạn. Phần lớn “cánh tả” của chúng ta mắc phải căn bệnh sùng bái cái nhất nguyên này. Chia triết học ra thành “vô sản” và “tư sản”, “cánh tả” và “cánh hữu”, khẳng định rằng có hai chân lí, chân lí có lợi và chân lí có hại - tất cả đều chứng tỏ sự suy đồi về mặt trí tuệ, đạo đức và cả văn hoá nữa. Đấy là con đường dẫn đến sự tha hoá nhận thức mang tính toàn diện và bắt buộc chung cho tất cả mọi người, nhân phẩm và sự phát triển văn hoá gắn liền với nhận thức như thế.
Lịch sử nước Nga đã tạo ra giới trí thức với trạng thái tinh thần trái ngược với tính khách quan và tính toàn diện, trong đó không thể có một tình yêu thật sự đối với chân lí và giá trị khách quan, giá trị mang tầm vũ trụ. Giới trí thức Nga có thái độ nghi ngờ đối với những tư tưởng khách quan và các tiêu chuẩn chung cho cả loài người vì họ cho rằng các tư tưởng và tiêu chuẩn như thế sẽ cản trở cuộc đấu tranh với chế độ chuyên chế và sự nghiệp phục vụ “nhân dân”, hạnh phúc của “nhân dân” được đặt cao hơn chân lí và điều thiện mang tầm vũ trụ. Cái tính chất vô cùng nguy hại này của giới trí thức Nga do lịch sử đáng buồn của nó tạo ta, tính chất mà chính quyền của chúng ta, cái chính quyền đã làm cho đời sống của người Nga trở thành tàn phế, phải chịu trách nhiệm. Nó đã buộc giới trí thức Nga chỉ làm mỗi một việc là đấu tranh chống lại ách áp bức về chính trị và kinh tế và kết quả là trong nhận thức của trí thức Nga, các học thuyết triết học châu Âu được tiếp nhận dưới dạng méo mó, được điều chỉnh cho phù hợp với những mối quan tâm mang tính đặc thù của giới trí thức, còn những hiện tượng quan trọng nhất của tư duy triết học thì bị bỏ qua. Chủ nghĩa thực chứng khoa học, chủ nghĩa duy vật kinh tế, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, phái Hegel[20] trẻ và học thuyết của Nietzsche[21] cũng bị xuyên tạc và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện ở trong nước.
Chủ nghĩa thực chứng khoa học được giới trí thức Nga tiếp thu một cách hoàn toàn sai lạc, hoàn toàn không khoa học và nó đã đóng một vai trò khác hẳn với vai trò của nó ở Tây Âu. Giới trí thức của chúng ta có thái độ kính trọng, thậm chí sùng bái như thần tượng, đối với “khoa học” và “tính khoa học”, nhưng khoa học lại được hiểu như là một tín điều duy vật đặc biệt, còn tính khoa học thì là niềm tin, và luôn luôn là tín điều và niềm tin nhằm vạch trần những điều xấu xa của chế độ chuyên chế, sự giả trá của chế độ tư bản, còn niềm tin thì sẽ cứu chuộc nhân dân hay giai cấp vô sản. Chủ nghĩa thực chứng khoa học, cũng như tất cả những gì của phương Tây, đã được tiếp thu dưới dạng cực đoan nhất và biến thành không chỉ một môn siêu hình học thô lậu mà còn thành một tôn giáo đặc biệt, thay thế cho tất cả các tôn giáo trước đây nữa.
Khoa học và tinh thần khoa học chưa trở thành thông dụng ở nước ta, chưa được đông đảo trí thức tiếp thu, số người hấp thục được chưa đáng bao nhiêu. Các nhà khoa học chưa bao giờ được tôn trọng một cách đặc biệt và chẳng được mấy người biết đến, còn nếu họ lại là những người bàng quan về mặt chính trị thì khoa học của họ cũng bị coi là không phải khoa học chân chính. Giới thanh niên trí thức của chúng ta bắt đầu học khoa học theo Pisarev, theo Mikhailovski và Beltov, tức là theo những “khoa học gia” và “tư tưởng gia” của nhóm và của nhà. Còn những nhà khoa học thực sự thì họ chưa từng nghe nói tới bao giờ. Bản thân tinh thần của chủ nghĩa thực chứng khoa học chẳng có tính chất tiến bộ, cũng chẳng phản động, nó chỉ đơn giản là quan tâm đến việc khảo sát chân lí mà thôi. Còn chúng ta thì bao giờ cũng coi tinh thần khoa học là sự tiến bộ về chính trị và cấp tiến về mặt xã hội. Bản thân tinh thần của chủ nghĩa thực chứng khoa học không loại trừ bất kì môn siêu hình học hay niềm tin tôn giáo nào, nhưng nó cũng không khẳng định bất kì siêu hình học hay niềm tin tôn giáo nào[22]. Còn chúng ta thì lại luôn coi chủ nghĩa thực chứng khoa học là sự phủ nhận một cách triệt để bất kì môn siêu hình học nào cũng như bất kì niềm tin tôn giáo nào, hay nói đúng hơn, ở nước ta chủ nghĩa thực chứng khoa học được đồng nhất với siêu hình học duy vật chủ nghĩa và niềm tin vào cách mạng xã hội. Không một nhà thần bí nào, không một người có đạo nào có thể phủ nhận được chủ nghĩa thực chứng khoa học và khoa học. Không hề có mâu thuẫn đối kháng giữa tôn giáo thần bí nhất và khoa học mang tính thực chứng nhất vì phạm vi hiểu biết của chúng là hoàn toàn khác nhau. Đúng là nhận thức siêu hình học và tôn giáo phủ nhận tính độc nhất của khoa học và vị trí tối thượng của nhận thức khoa học trong đời sống tinh thần, nhưng việc giới hạn lĩnh vực như vậy chỉ có lợi cho khoa học mà thôi. Những thành tố mang tính khoa học và khách quan của chủ nghĩa thực chứng đã không được chúng ta tiếp thu một cách đúng đắn, nhưng những thành tố có thể biến chủ nghĩa thực chứng thành đức tin, thành thế giới quan hoàn hảo thì lại được tiếp nhận một cách nồng nhiệt. Đối với giới trí thức Nga, chủ nghĩa thực chứng hấp dẫn không phải bởi tính khách quan mà chính là ở tính chủ quan, thần thánh hoá loài người của nó. Trong những năm 70 chủ nghĩa thực chứng đã bị Lavrov và Mikhailovski biến thành môn “xã hội học mang tính chủ quan”, môn này sau đó đã trở thành triết học phe nhóm, thô lậu của giới trí thức Nga. Vl. Soloviev đã có một nhận xét rất thông minh rằng trí thức Nga luôn tư duy theo lối tam đoạn luận kì quặc: người từ khỉ mà ra cho nên chúng ta phải yêu thương nhau. Chủ nghĩa thực chứng khoa học cũng được giới trí thức Nga tiếp thu theo đúng tinh thần của cái tam đoạn luận đó. Chủ nghĩa thực chứng khoa học chỉ là phương tiện để thiết lập vương quốc của công bằng xã hội và để tiêu diệt hoàn toàn những tư tưởng siêu hình và tôn giáo, mà theo quan niệm giáo điều của trí thức thì là cơ sở của vương quốc của cái ác. Tritrerin[23] là người khoa học hơn và theo nghĩa khoa học-khách quan thì còn là người thực chứng hơn là Mikhailovski, nhưng điều đó cũng không ngăn cản ông trở thành một người siêu hình-duy tâm, thậm chí là một người Thiên chúa giáo đầy đức tin nữa. Nhưng khoa học của Tritrerin thì xa lạ và chướng tai gai mắt giới trí thức, còn khoa học của Mikhailovski thì gần gũi và thân thuộc với họ. Cuối cùng, cần phải công nhận rằng khoa học “tư sản” chính là khoa học mang tính khách quan, khoa học chân chính, còn cái khoa học “chủ quan” của những người dân tuý và khoa học mang tính “giai cấp” của những người mác-xít của chúng ta thì lại có nhiều điểm chung với tôn giáo hơn là khoa học. Điều này đã được toàn bộ lịch sử các hệ tư tưởng của giới trí thức xác nhận: đấy là chủ nghĩa duy vật hồi những năm 60, xã hội học chủ quan hồi những năm 70 và chủ nghĩa duy vật kinh tế ở nước Nga của chúng ta.
Năm 1909.
Còn tiếp 1 kì
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.
N. A. Berdaev (1874-1948) một nhà triết học lớn, từng có thời say mê chủ nghĩa Marx và bị đi đầy vì các hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên. Bị bắt đi lưu đầu từ năm 1922, từ đó hoạt động khoa học của ông diễn ra ở Paris cho đến cuối đời. Bài Chân lí của triết học và sự thật của người trí thức được đăng trong tập Những cột mốc, xuất bản năm 1909.
[1] N. K. Mikhailovski (1842-1904), nhà xã hội học, nhà báo và nhà phê bình văn học Nga, lí thuyết gia của phong trào dân tuý.
[4] L. N. Tolstoi (1828-1910), Nhà văn vĩ đại người Nga với các tác phẩm như Chiến tranh và hoà bình, Ana Karenina, Phục sinh…
[5] F. M. Doxtoievski (1821-1881), Nhà văn vĩ đại người Nga với các tác phẩm như Tội ác và hình phạt, Anh em nhà Karamazov…
[7] Trernyshevski N. G. (1828-1889), nhà chính luận và nhà phê bình văn học nổi tiếng. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa của ông được thể hiện rõ trong tác phẩm: Làm gì?
[8] P. L. Lavrov (1823-1900), nhà triết học và xã hội học người Nga, một trong những lí thuyết gia của phong trào dân tuý cách mạng.
[10] Plekhanov G. V. (1856-1918), nhà triết học và nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào dân chủ-xã hội quốc tế người Nga.
[11] Avenarius R. (1843-1896), triết gia người Thuỵ Sĩ, một trong những người sáng lập chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán.
[12] E. Mach (1838-1916), nhà vật lí học và triết học người Áo, một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán.
[13] Bogdanov (tên thật là Malinovski) A. A. (1873-1928), bác sĩ, triết gia và nhà kinh tế học người Nga.
[14] Lunatrarski A. V. (1875-1933), nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng. Từng giữ chức bộ trưởng giáo dục trong chình quyền Xô-Viết, một trong những người đặt nền móng cho hệ thống giáo dục Liên Xô.
[16] Avenarius R. (1843-1896), triết gia người Thuỵ Sĩ, một trong những ông tổ của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán.
[18] Đại pháp quan tôn giáo là nhân vật trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của F. M. Dostoievski, người sẵn sàng nhân danh hạnh phúc của nhân loại mà hi sinh cả Chúa lẫn chân lí.
[22] Ý tôi muốn nói đến chủ nghĩa thực chứng khoa học chứ không phải chủ nghĩa thực chứng triết học, Phương Tây tạo ra tinh thần khoa học, cái tinh thần mà ở đó cũng biến thành vũ khí chống lại tôn giáo và siêu hình học. Nhưng phương Tây không có thói cực đoan của người Slav; phương Tây tạo ra nền khoa học trung lập với cả tôn giáo lẫn siêu hình học.
-N. A. Berdaev - Chân lí của triết học và sự thật của người trí thức (Tiếp theo và hết)(Phạm Nguyên Trường)
Chủ nghĩa duy vật kinh tế cũng bị hiểu một cách sai lạc và bị người ta xuyên tạc, giống như đã làm với chủ nghĩa thực chứng khoa học nói chung. Chủ nghĩa duy vật kinh tế là học thuyết chủ yếu mang tính khách quan, nó đặt cái gốc mang tính khách quan của sản xuất chứ không phải gốc chủ quan của phân phối vào trung tâm của đời sống xã hội. Học thuyết này cho rằng bản chất của lịch sử loài người nằm ở quá trình chiến thắng mang tính sáng tạo trước tự nhiên, trong xây dựng kinh tế và tổ chức lực lượng sản xuất. Toàn bộ thể chế xã hội cùng với những hình thức phân phối công bằng đặc trưng của nó, thái độ chủ quan của các nhóm xã hội khác nhau phải phục tùng cái gốc sản xuất mang tính khách quan này. Cũng cần phải nói rằng chủ nghĩa Marx, trong khía cạnh khoa học-khách quan của nó, từng tồn tại mầm mống lành mạnh, điều đó đã được một người khoa học nhất và có văn hoá nhất trong số những người mác-xít của chúng ta là P. B. Struve[1] khẳng định và phát triển. Nhưng nói chung, cả chủ nghĩa duy vật kinh tế lẫn chủ nghĩa Marx đều bị hiểu sai và tiếp thu theo kiểu “chủ quan” và được cải biến để thích nghi với tâm lí truyền thống của giới trí thức. Ở Nga, chủ nghĩa duy vật kinh tế đã không còn tính chất khách quan nữa, yếu tố khách quan bị đẩy ra phía sau, yếu tố giai cấp-chủ quan của phong trào dân chủ-xã hội thì nhảy lên mặt trước. Chủ nghĩa Marx thoái hoá theo lối dân tuý, còn chủ nghĩa duy vật kinh tế thì biến thành một hình thức mới của “xã hội học chủ quan”. Những người mác-xit Nga đã bị tình yêu đối với quyền bình đẳng và niềm tin vào chiến thắng không xa của chủ nghĩa xã hội và khả năng giành chiến thắng đó, thậm chí trước cả phương Tây, cầm tù. Yếu tố khách quan của chân lí đã chìm nghỉm trong yếu tố chủ quan, chìm trong quan điểm “giai cấp” và tâm lí giai cấp. Ở Nga, triết lí của chủ nghĩa duy vật kinh tế đã biến thành “chủ nghĩa chủ quan mang tính giai cấp”, thậm chí trở thành khoa thần bí mang tính giai cấp vô sản nữa. Trong tình hình triết học như thế, nhận thức không thể hướng về các điều kiện phát triển khách quan của nước Nga mà tất yếu bị cái ước muốn giành cho bằng được cái tối đa trừu tượng cho giai cấp vô sản, cái tối đa theo quan điểm của một nhúm trí thức không hề muốn biết bất kì chân lí khách quan nào, nuốt gọn. Cuộc sống của nước Nga không tạo điều kiện cho triết học và khoa học xã hội nở hoa kết trái. Triết học và khoa học bị hiểu theo lối trí thức-chủ quan.
Phái Kant trẻ bị xuyên tạc ít hơn vì ít được ưa chuộng và ít phỏ biến hơn. Nhưng vẫn có một giai đoạn, khi chúng ta rất muốn sử dụng phái Kant trẻ nhằm canh tân một cách có phê phán chủ nghĩa Marx và đặt lại nền móng cho chủ nghĩa xã hội. Ngay cả một người có tinh thần khoa học và khách quan như Struve mà trong tác phẩm đầu tay cũng đã phạm sai lầm khi giải thích lí thuyết về nhận thức của Riehl[2] theo lối quá thiên về xã hội học, còn nhận thức luận của Riehl thì được giải thích theo lối có lợi cho chủ nghĩa duy vật kinh tế. Còn Simmel[3] thì có thời được coi gần như là một người mác-xít, mặc dù ông có rất ít điểm chung với chủ nghĩa Marx. Sau này, tinh thần của phái Hegel trẻ và phái Fichte[4] trẻ cũng được coi là công cụ nhằm thoát khỏi chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa thực chứng và là phương tiện thể hiện những lí tưởng chưa thật sự chín muồi. Truyền thống sáng tạo của phái Hegel trẻ không thâm nhập được vào triết học Nga, triết học thực sự của Nga đi theo một hướng khác, ta sẽ thảo luận vấn đề này sau. Công bằng mà nói việc quan tâm đến Kant và Fichte, đến chủ nghĩa duy tâm Đức đã nâng cao được trình độ văn hoá-triết học và là cầu nối đến những hình thức triết học cao hơn.
Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán bị xuyên tạc hơn nhiều. Đây là hình thức tinh tế nhất và trừu tượng nhất của chủ nghĩa thực chứng, lớn lên trong truyền thống của chủ nghĩa phê phán Đức, được tiếp thu gần như triết lí mới của giai cấp vô sản, các ông Bogdanov, Lunatrarski và những người khác công nhận là có thể sử dụng như của nhà, như là do chính mình sáng tạo ra vậy. Nhận thức luận của Avenarius trừu tượng và mang tính hình thức đến mức chẳng hề giải quyết được bất cứ vấn đề siêu hình học nào. Avenarius phải dùng đến biểu trưng bằng chữ cái để không dây dưa với bất cứ luận điểm nào của bản thể luận. Avenarius rất sợ bất cứ tàn dư nào của chủ nghĩa duy vật và thuyết duy linh và mọi thứ chủ nghĩa khác. Ông không chấp nhận cả chủ nghĩa duy vật sinh học cũng như bất kì hình thức bản thể luận nào. Chủ nghĩa sinh vật biểu kiến của Avenarius tưởng chừng như không thể gây ra bất kì sự ngộ nhận nào; đây là chủ nghĩa sinh vật hoàn toàn mang tính hình thức và chung nhất, bất cứ “nhà thần bí” nào cũng có thể chấp nhận. Ông Kornelius, một trong những người theo phái kinh nghiệm phê phán thông minh nhất, công nhận rằng có thể đưa nó vào loại thần học. Nhưng giới trí thức mác-xít của chúng ta lại tiếp thu và giải thích chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của Avenarius theo tinh thần của chủ nghĩa duy vật sinh học vì hoá ra làm thế là có lợi cho việc biện hộ cho cách hiểu duy vật về lịch sử. Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán không những đã trở triết lí của những người dân chủ-xã hội mà còn của cả những người dân chủ-xã hội “bolsevik” nữa. Tội nghiệp cho Avenarius, ông không thể nào ngờ được rằng tên ông, một cái tên chất phác và xa lạ với cuộc đấu tranh thông thường, lại dính líu vào những cuộc tranh cãi của những người trí thức “bolsevik” và “mensevik” ở nước Nga. Cuốn Phê bình kinh nghiệm thuần tuý[5] bỗng nhiên xuýt chút nữa thì trở thành “cuốn sách mang tính biểu tượng” của giáo phái dân chủ-xã hội cách mạng. Trong hàng ngũ trí thức mác-xít có lẽ cũng chẳng có mấy người đọc Avenarius vì đọc ông không phải là việc dễ, và nhiều người có lẽ đã thực sự tin rằng Avenarius là một người “bolsevik” thông minh nhất. Trên thực tế, Avenarius, cũng như bất kì triết gia nào khác của Đức, có rất ít quan hệ với phong trào dân chủ-xã hội, phái tư sản tự do cũng có thể sử dụng triết học của ông, thậm chí dùng Avenarius để biện hộ cho việc ngả sang “hữu” của mình nữa. Cái chính cần phải nói là nếu Avenarius chỉ đơn giản như Bogdanov, Lunatrarski và những người khác nghĩ, nếu triết học của ông chỉ là chủ nghĩa duy vật sinh học với não bộ ở trung tâm thì ông đã không cần phải phát minh ra các hệ thống C khác nhau, những hệ thống được giải phóng khỏi mọi tiền đề và ông đã không được ngay cả những người phản đối công nhận là thông minh và có lô gich sắt đá[6]. Nói cho ngay, những người mác-xít theo trường phái phê phán kinh nghiệm chủ nghĩa đã không gọi mình là duy vật nữa, họ nhường chủ nghĩa duy vật cho những người “melsevik”, thí dụ như Plekhanov và những người khác, nhưng chính chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán thì lại nhuốm màu duy vật và siêu hình. Bogdanov nhiệt tình cổ xuý cho những lời bịa tạc siêu hình thô lậu, hoài công nhắc đến tên Avenarius, Mach và những người nổi tiếng khác, còn Lunatrarski thì dùng Avenarius để bịa ra cho giai cấp vô sản một tôn giáo mới. Đa số các triết gia châu Âu đều rất trừu tượng và tách biệt với đời sống, họ không thể ngờ là mình đã có vai trò như thế nào trong những cuộc tranh luận và cãi cọ của giới trí thức mang tính phe nhóm của chúng ta và sẽ rất ngạc nhiên nếu có người nói cho họ biết rằng những tư tưởng sâu sắc của họ đã biến thành những cuốn sách mỏng dính.
Nhưng số phận của Nietzsche mới thật là đáng buồn. Con người đơn độc căm thù mọi thứ dân chủ này, khi sang đến nước ta, đã bị đẩy vào một quá trình dân chủ hoá rất vô liêm sỉ. Nietzsche bị xé thành từng mảnh, ai cũng có, mỗi người đều có thể sử dụng cho mục đích của mình. Hoá ra là Nietzsche, người đã chết mà vẫn nghĩ rằng mình là người chẳng ai cần và và là người đơn độc, thì nay lại rất cần để làm mới và hồi sinh lại chủ nghĩa Marx. Một mặt, chúng ta có một đống những người cá nhân chủ nghĩa theo trường phái của Nietzsche, mặt khác, Lunatrarski lại dùng Marx, Avenarius và Nietzsche để làm thành một món nộm hổ lốn mà nhiều người rất thích, nhiều người thấy là thú vị. Tôi nghiệp cho Nietzsche quá!, tội nghiệp cho tư tưởng Nga quá! Giới trí thức đói khát của nước Nga đã được mời xơi biết bao nhiêu là món, món nào họ cũng chấp nhận, món nào họ cũng xơi với hi vọng là sẽ chiến thắng được những điều tệ hại của chế độ chuyên chế và nhân dân sẽ được giải phóng. Tôi sợ rằng ngay cả những học thuyết siêu hình nhất và huyền bí nhất cũng sẽ bị cải biến cho phù hợp với nhu cầu sử dụng nội tại mất thôi. Nhưng những điều xấu xa của đời sống Nga, những điều xấu xa của chế độ chuyên chế và nô lệ thì không thể bị đánh bại vì nó không thể bị đánh bại bằng những học thuyết cực đoan lại bị tiếp thu một cách lệch lạc như thế. Cả Avenarius, cả Nietzsche, thậm chí chính Marx cũng chẳng giúp được gì nhiều cho chúng ta trong cuộc đấu tranh với cái ác đã tồn tại hàng thế kỉ, cái ác đã xuyên tạc chính bản chất của chúng ta và làm cho chúng ta trở thành tối dạ trước các chân lí khách quan đến như thế. Chúng ta ít quan tâm đến các tư tưởng mang tính lí thuyết, còn chính cuộc đấu tranh thực tế với cái ác thì lại luôn có tính chất như là việc truyến bá những học thuyết trừu tượng. Triết học được gọi là chân chính nếu nó giúp cho cuộc đấu tranh chống chế độ chuyên chế nhân danh chủ nghĩa xã hội, còn việc tuyên truyền cho triết lí “chân chính” đó được coi là khía cạnh quan trọng nhất của chính cuộc đấu tranh này.
Chính những đặc điểm tâm lí đó của giới trí thức Nga đã dẫn đến kết quả là đã bỏ qua nền triết học độc đáo của nước Nga cũng như bỏ qua nội dung mang tính triết học của nền văn học vĩ đại của nước Nga. Nhà tư tưởng cỡ như Traadaev[7] đã không được cả những người đã từng nhắc đến tên ông nhận ra và họ đã không hiểu ông. Dường như đã có đủ cơ sở để công nhận rằng Vl. Soloviev là nhà triết học của dân tộc chúng ta để có thể xây dựng truyền thống triết học dân tộc xung quanh tên tuổi của ông. Vì rõ ràng là không thể xây dựng truyền thống này xung quanh tên tuổi của Kohen[8], Windelband[9] hay một người Đức, xa lạ với tâm hồn Nga nào đó được. Soloviev có thể trở thành niềm tự hào của nền triết học của bất kì nước châu Âu nào. Nhưng giới trí thức Nga không đọc Vl. Soloviev, không biết và không công nhận ông là người của mình. Triết học của Soloviev vừa sâu sắc vừa độc đáo nhưng nó không biện giải cho chủ nghĩa xã hội, nó xa lạ với chủ nghĩa dân tuý vá chủ nghĩa Marx, nó không thể trở thành công cụ đấu tranh với chế độ chuyên chế và không cung cấp cho giới trí thức “thế giới quan” phù hợp, nó trở thành xa lạ với họ hơn là “nhà mác-xít” Avenaruis hay “người dân tuý” Comte[10] và những người ngoại quốc khác. Dostoievski dĩ nhiên là một nhà siêu hình học vĩ đại nhất của Nga, nhưng đa số giới trí thức Nga không thể hiểu được siêu hình học của ông, ông bị nghi là “phản động” và quả thật đã tạo ra cho người ta lí do cho sự ngờ vực đó. Tôi thấy buồn khi phải nói rằng giới trí thức Nga, vốn có tinh thần thực chứng, đã không linh cảm được tinh thần siêu hình học của các nhà văn vĩ đại Nga. Vấn đề còn lại là, các nhà văn hay là giới trí thức, trong nhận thức đang giữ thế thượng phong của mình, là những người mang tính dân tộc hơn. Giới trí thức thậm chí không công nhận L. Tolstoi là người của mình, nhưng họ phải làm hoà với ông vì tinh thần dân tuý của ông và có thời đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của ông. Trong tư tưởng của Tolstoi có cả khát vọng hướng tới một nền triết học cao siêu, khát vọng sáng tạo và nhận thức về tội lỗi của sự xa hoa như thế.
Tôi thấy buồn nhất là giới trí thức Nga khăng khăng không chịu là quen với những mầm mống của triết học Nga. Mà triết học Nga không chỉ giới hạn ở hiện tượng sáng chói như là Vl. Soloviev. Mầm mống của nền triết học Nga mới, đặt nền tảng trên cơ sở nhận thức cao, vượt qua chủ nghĩa duy lí phương Tây, có thể được tìm thấy ở Khomiakov[11]. Bên cạnh đó cón có một nhân vật nữa là Tritrerin, ta có thể học ở ông nhiều điều. Sau đó là Kozlov, Công tước Trubetskoi[12], Lopatin, N. Losski[13], cuối cùng là V. Nesmelov, một người chưa nổi tiếng nhưng là hiện tượng sâu sắc nhất được sinh ra trên nền tảng tách biệt và xa lạ với tình cảm của giới trí thức hàn lâm. Trong nền triết học Nga dĩ nhiên là có rất nhiều sắc thái, nhưng cũng có cái gì đó chung, mang tính đặc thù, tạo ra một truyền thống triết học mới nào đó, khác biệt với truyền thống thịnh hành ở châu Âu đương đại. Dòng chủ lưu của triết học Nga vẫn tiếp tục giữ được các truyền thống triết học của quá khứ, của Hi Lạp và Đức, trong đó vẫn còn sống động tinh thần của Platon và chủ nghĩa duy tâm Đức. Nhưng chủ nghĩa duy tâm Đức đã dừng lại ở giai đoạn cực kì trừu tượng và cực kì duy lí, kết thúc bởi Hegel. Các nhà triết học Nga, bắt đầu từ Khomiakov, đã phê phán kịch liệt chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy lí trừu tượng của Hegel và đi theo hướng không phải là chủ nghĩa kinh nghiệm, cũng không theo chủ nghĩa phê phán mới mà theo chủ nghĩa duy tâm cụ thể, chủ nghĩa hiện thực bản thể luận, bổ xung môn huyền học vào lí trí đã đánh mất hiện thực sống động của triết học châu Âu. Không thể không nhận thấy mầm mống sáng tạo của xu hướng mới này của triết học. Triết học Nga chưa đựng trong lòng nó mối quan tâm mang tính tôn giáo và dung hoà tri thức với đức tin. Cho đến nay triết học Nga chưa cung cấp cho người ta “thế giới quan”, theo cái nghĩa mà giới trí thức Nga quan tâm. Nền triết học này không liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa xã hội, mặc dù Công tước Trubetskoi đã gọi học thuyết về sự thống nhất của tri thức là chủ nghĩa xã hội siêu hình; nền triết học này cũng không quan tâm tới chính trị theo nghĩa trực tiếp của từ này, mặc dù những người đại diện sáng giá nhất của nó vẫn có một khát khao thầm kín về nước Chúa trên trái đất này. Nhưng nền triết học Nga cũng có những tính chất thân thuộc với giới trí thức Nga, đấy là khát khao một thế giới quan hoàn chỉnh, sự kết hợp một cách hữu cơ chân lí và điều thiện, kiến thức và đức tin. Có thể thấy thái độ thù địch đối với chủ nghĩa duy lí trừu tượng ngay cả ở những nhà triết học Nga theo xu hướng hàn lâm. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa duy tâm cụ thể, gắn với quan điểm thực tiễn có thể trở thành cơ sở của sự sáng tạo triết học mang tính dân tộc của chúng ta và có thể tạo ra truyền thống triết học mang tính dân tộc mà chúng ta cần[14]. Lòng ham mê theo kiểu sớm nở tối tàn các học thuyết thời thượng của châu Âu phải bị chặn đứng bằng truyền thống, cái truyền thống vừa có tính chất toàn cầu, vừa có tính chất dân tộc, chỉ khi đó nó mới trở thành hữu ích đối với văn hoá mà thôi. Trong triết học của Vl. Soloviev và các triết gia Nga gần gũi với ông về mặt tâm hồn, có truyền thống mang tính toàn cầu, truyền thống toàn châu Âu và toàn nhân loại, nhưng có một vài xu hướng của nền triết học này có thể tạo ra cả truyền thống dân tộc nữa. Điều đó sẽ không dẫn tới việc coi thường và cũng không xuyên tạc tất cả các hiện tượng có ý nghĩa quan trọng nào trong tư tưởng châu Âu như đã từng bị giới trí thức theo chủ nghĩa thế giới của chúng ta coi thường và xuyên tạc, mà sẽ dẫn tới việc thâm nhập một cách sâu sắc và với tinh thần phê phán vào bản chất của các hiện tượng đó. Chúng ta không cần sự bịa tạc mang tính phe nhóm mà cần một nền văn hoá triết học nghiêm túc, vừa mang tính toàn nhân loại vừa mang tính dân tộc nữa. Nói cho ngay, Vl. Soloviev và Công tước S. Trubetskoi là những người châu Âu hơn là Bogdanov và Lunatrarski; họ là những người truyền bá tinh thần triết học thế giới và đồng thời lại là các nhà triết học đấy tinh thần dân tộc vì họ đã đặt nền móng cho triết lí của chủ nghĩa duy tâm cụ thể. Thành kiến do lịch sử để lại đã đưa giới trí thức Nga đến thái độ làm cho nó không thể nhìn thấy trong nền triết học Nga cơ sở cho việc tìm kiếm chân lí của mình. Giới trí thức của chúng ta quí trọng tự do nhưng lại theo cái triết lí chẳng có chỗ cho tự do, quí trọng tính cá nhân nhưng lại theo cái triết lí chẳng có chỗ cho cá nhân, quí trọng tư tưởng tiến bộ nhưng lại theo cái triết lí chẳng có chỗ cho tư tưởng tiến bộ, quí trọng tính thống nhất của toàn nhân loại nhưng lại theo cái triết lí chẳng có chỗ cho tính thống nhất của toàn nhân loại, quí trọng lẽ công bằng và mọi điều cao cả khác nhưng lại theo cái triết lí chẳng có chỗ cho công bằng cũng như chẳng có chỗ cho bất kì điều cao cả nào. Đây gần như là khiếm khuyết trong nhận thức do toàn bộ lịch sử của chúng ta để lại. Giới trí thức, đấy là nói cái phần tốt đẹp nhất của nó, sẵn sàng hi sinh thân mình như những kẻ cuồng tín, nhưng đồng thời lại cũng tin vào chủ nghĩa duy vật, tức là cái lí thuyết phủ nhận mọi sự hi sinh, chẳng khác gì những kẻ cuồng tín; triết học vô thần, mà giới trí thức cách mạng lúc nào cũng say mê, không thể biện hộ cho bất kì giá trị thiêng liêng nào, thế mà giới trí thức lại khoác cho triết lí này tính chất thiêng liêng và có thái độ cuồng tín đối với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần, chẳng khác gì thái độ của người Công giáo đối với tín ngưỡng của họ. Tư tưởng triết học mang tính sáng tạo phải loại bỏ cho bằng được khiếm khuyết này và đưa được nhận thức ra khỏi ngõ cụt đó. Ai mà biết ngày mai triết lí nào sẽ trở thành thời thượng, có thể là triết học thực dụng của James[15] hay của Bergson[16], người ta cũng sử dụng họ giống như đã từng sử dụng Avenarius và các nhà triết học khác vậy thôi, mà cũng có thể là một triết lí mới nào đó. Nhưng như thế, về mặt phát triển triết học, chúng ta sẽ chẳng tiến thêm được một bước nào.
Thái độ thù địch mang tính truyền thống của giới trí thức Nga đối với tư duy triết học thể hiện cả ở tính chất của môn huyền học hiện đại của chúng ta. Con đường mới, tờ tạp chí chuyên về những tìm tòi trong lĩnh vực tôn giáo và huyền học, bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì không có nhận thức triết học rõ ràng, thậm chí có thái độ coi thường triết học nữa. Những nhà huyền học tuyệt vời của chúng ta như Rosanov, Merezhkovski, Viach. Ivanov, mặc dù đã cung cấp rất nhiều chất liệu cho triết học nhưng lại có thái độ phản triết học, có thái độ phủ nhận tư duy triết học. Vl. Soloviev, người liên kết được huyền học với triết học, đã từng nhận xét rằng người Nga có thói hạ thấp nhân tố trí tuệ. Xin được bổ xung là thái độ thù địch đối với trí tuệ mang tính khách quan có thể thấy ở cả phái “tả” lẫn phái “hữu”. Thế mà môn huyền học của Nga, thực ra là rất có giá trị, lại cần phải được khách quan hoá và tiêu chuẩn hoá về mặt triết học thì mới mang lại nhiều lợi ích cho nền văn hoá của chúng ta. Nếu có thể thì tôi xin nói rằng nguồn gốc “âm” của huyền học cần phải kết hợp với nguồn gốc “dương” của triết học. Cả các nhà huyền học lẫn các trí thức-vô thần Nga đều cần nuôi dưỡng tình yêu đối với việc nghiên cứu khía cạnh triết học của chân lí. Triết học là một trong những cách làm cho huyền học trở thành khách quan; chỉ có tôn giáo tích cực mới có thể có hình thức khách quan trọn vẹn và đầy đủ mà thôi. Giới trí thức Nga thường có thái độ nghi ngờ và thu địch đối với huyền học, nhưng thời gian gần đây đã có một bước ngoặt và sợ rằng trong bước ngoặt này cũng lại xuất hiện mối thâm thù truyền thống với trí tuệ khách quan, cũng như chính huyền học có xu hướng phục vụ cho những mục tiêu xã hội truyền thống.
Cần phải có một cuộc cải cách triệt để trong nhận thức của giới trí thức và ngọn lửa thanh tẩy của triết học có vai trò không nhỏ trong sự nghiệp quan trọng này. Tất cả dữ liệu lịch sử và tâm lí đều cho thấy rằng giới trí thức Nga chỉ có thể đi đến nhận thức mới trên cơ sở kết hợp kiến thức với đức tin, một sự kết hợp đáp ứng được nhu cầu có giá trị tích cực của trí thức là kết hợp một cách hữu cơ lí thuyết với thực tiễn, giữa “sự thật-chân lí” và “sự thật-công bằng”. Nhưng hiện nay chúng ta cần phải công nhận giá trị tự thân của chân lí, qui thận trước chân lí và sẵn sàng nhân danh chân lí mà từ bỏ các tín điều của mình[17]. Điều đó sẽ tạo ra một luồng gió mới trong sự nghiệp sáng tạo văn hoá của chúng ta. Vì triết học là bộ phận tự nhận thức của tâm hồn con người, nhưng đây không phải là bộ phận của cá nhân mà là siêu việt lên trên cá nhân và mang tính thống nhất. Nhưng tính siêu việt và thống nhất của nhận thức triết học lại chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở của truyền thống toàn cầu và dân tộc. Củng cố truyền thống đó chắc chắn sẽ giúp thúc đẩu quá trình hồi sinh nền văn hoá Nga. Đây là quá trình hồi sinh đã được chờ đợi từ lâu, việc đánh thức những tâm hồn đang mơ màng ngủ đòi hỏi sự giải phóng không chỉ về mặt chính trị mà còn giải phóng khỏi quyền lực nặng nề của chính trị, khai phóng tư tưởng, một sự khai phóng hiếm khi gặp ở những chiến sĩ đấu tranh cho việc giải phóng về mặt chính trị của chúng ta[18]. Lịch sử nước Nga đã tạo ra giới trí thức Nga, tâm lí của nó thể hiện những khuyết tật của cái lịch sử bệnh hoạn của chúng ta, của chính quyền và phản ứng cố hữu của chúng ta. Chế độ chuyên chế già cỗi đã làm méo mó tâm hồn giới trí thức, nô dịch nó không chỉ bên ngoài mà cả bên trong vì nó đã đánh giá tâm hồn người trí thực một cách tiêu cực. Nhưng chỉ những người không xứng đáng với tự do mới luôn kết án những lực lượng ngoại tại và dùng chúng để biện hộ cho mình. Chính giới trí thức cũng có lỗi: thái độ vô thần trong nhận thức của nó chính là khiếm khuyết của ý chí, nó đã tự chọn lấy con đường sùng bái con người và đã tự làm méo mó tâm hồn mình, đã giết chết bản năng hướng đến chân lí ngay trong chính mình. Chỉ có nhận thức được cái ý chí mà trí tuệ có thể hiểu được đó mới có thể đưa chúng ta đến một đời sống mới mà thôi. Chúng ta chỉ có thể giải thoát khỏi cái ách ở bên ngoài khi giải thoát khỏi sự nô dịch ở bên trong, nghĩa là khoác lên mình trách nhiệm và không kết án tất cả các lực lượng ngoại tại trong tất cả mọi chuyện nữa. Đấy là lúc giới trí thức sẽ có một tâm hồn hoàn toàn mới.
Năm 1909.
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.
N. A. Berdaev (1874-1948) một nhà triết học lớn, từng có thời say mê chủ nghĩa Marx và bị đi đầy vì các hoạt động cách mạng trong phong trào sinh viên. Bị bắt đi lưu đầu từ năm 1922, từ đó hoạt động khoa học của ông diễn ra ở Paris cho đến cuối đời. Bài Chân lí của triết học và sự thật của người trí thức được đăng trong tập Những cột mốc, xuất bản năm 1909.
[1] P. B. Struve (1870-1944), nhà kinh tế học, triết học, sử học nổi tiếng người Nga, từ năm 1920 sống lưu vong ở nước ngoài.
[2] Riehl (1844-1924), triết gia người Đức, giáo sư triết học ở Berling (1905-1917), là người theo phái Hegel trẻ - ND.
[6] Avenarius không giải thoát khỏi các “tiền đề”, quan điểm nhận thức lận của ông rất lộn xộn, có hơi hám của “chủ nghĩa duy vật” và “thuyết duy linh” và nhiều thứ khác nữa, nhưng không đơn giản chút nào.
[8] Cohen (1842-1918) - triết gia người Đức, người sáng lập và đại diện nổi tiếng nhất của trường phái Kant trẻ ở Marburg.
[9] Windelband (1848-1915) - triết gia người Đức, người sáng lập và đại diện nổi tiếng nhất của trường phái Kant trẻ ở Baden
[10] Comte (1798-1857) - Triết gia, nhà xã hội học… người Pháp, người sáng lập trường phái triết học mang tên chủ nghĩa thực chứng.
[14] Chân lí không thể mang tính dân tộc, chân lí bao giờ cũng là vạn năng, nhưng các dân tộc khác nhau có thể có sứ mệnh phát hiện ra những khía cạnh khác nhau của chân lí. Tính chất tâm hồn của dân tộc Nga chỉ ra rằng chúng ta có sứ mệnh sang tạo trong kĩnh vực triết học mang tính tôn giáo.
[17] Qui thuận chân lí có giá trị đạo đức to lớn, nhưng điếu đó không được dẫn tới việc sùng bái chân lí trừu tượng, chân lí chết.
[18] Việc giải phóng về mặt chính trị chỉ có thể được thực hiện cùng với việc hồi sinh về tinh thần và văn hoá và trên cơ sở của sự hồi sinh đó.