Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

CHÁY NHÀ LÒI MẶT CHUỘT

- - Trung Cộng, Hoa Kỳ và Pakistan (Nguyễn Xuân Nghĩa).  Nguyễn Xuân Nghĩa - Phượng Hoàng SBS - Phát thanh chiều 110517

Bàn đạp của Trung Quốc từ Trung Á vào Trung Đông

Lộn đầu khi phất cờ Trung Quốc! Ảnh  Reuters trên tờ Economist

Sau khi Hoa Kỳ hạ sát trùm khủng bố Osama bin Laden hôm mùng hai Tháng Năm, mối quan hệ giữa nước Mỹ và Pakistan đã đi vào sóng gió dù trước thấy thì cũng chẳng êm ả gì vì quá nhiều mâu thuẫn giữa hai đồng minh trên trận tuyến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ngay lập tức, thì hôm Thứ Ba mùng ba, Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã nhảy vào cuộc. Họ ngợi ca vai trò của Pakistan trong vụ ám sát và còn nhấn mạnh sẽ tiếp tục yểm trợ nỗ lực chống khủng bố của Paskitan. Có lẽ, dụng ý bên trong của Bắc Kinh không chỉ nhắm vào khủng bố mà còn là tăng cường quan hệ với Pakistan vì những mục tiêu chiến lược sâu xa hơn.
Hôm Thứ Ba mùng 10 tuần trước, Phượng Hoảng của đài SBS đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về quan hệ đầy phức tạp giữa Hoa Kỳ và Pakistan cùng các nước khác sau vụ Osama bin Laden bị giết. Như đã hẹn, kỳ này chúng tôi xin tập trung tìm hiểu riêng về vị trí và mục tiêu của Bắc Kinh trong mối quan hệ này...

Phượng Hoàng: Xin kính chào tái ngộ anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa anh, trong chương trình phát thanh tuần trước, chúng ta đã thảo luận về bối cảnh chung của các nước sau khi lãnh tụ khủng bố al-Qaeda là Osama bin Laden bị Hoa Kỳ cho biệt kích đột nhập và hạ sát tại thị trấn Bilal của huyện Abbottabad ở gần thủ đô Islamabad của Pakistan, nơi bin Laden sống tương đối an toàn từ sáu năm nay.

Vụ ấy khiến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan thêm căng thẳng sau khá nhiều mâu thuẫn trước đó, nhưng lập tức, Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã nhảy vào bênh vực Pakistan. Như đã hẹn kỳ trước, tuần này, chúng tôi đề nghị mình sẽ tập trung tìm hiểu về vai trò của Trung Cộng trong quan hệ với Pakistan và Hoa Kỳ. Câu hỏi đầu tiên thưa anh, gần hai tuần sau vụ ám sát khá đặc biệt này, tình hình đã xoay chuyển ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa rằng sau vụ Osama bin Laden bị hạ sát, thì hôm Thứ Sáu 13 vừa qua, hai vụ khủng bố đã xảy ra tại một thị trấn trong tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa của Pakistan làm 80 người thiệt mạng, hơn trăm người bị thương. Lập tức, một tổ chức của lực lượng Taliban tại Pakistan là Tehrik-i-Taliban giành công trạng và cho biết rằng đấy là để trả thù cho bin Laden. Thật ra, vụ khủng bố có thể được tổ chức Tehrik-i-Taliban chuẩn bị từ trước và họ đã nhiều lần ra tay, mới đây là hôm 28 Tháng Tư và trước đó là Tháng Tám năm ngoái. Điều ấy cho thấy vị trí rất khó xử của Chính quyền Pakistan vì vừa phải hợp tác với Mỹ để chống khủng bố tại Afghanistan vừa ngăn ngừa khủng bố ngay bên trong lãnh thổ.

- Bây giờ, quan hệ giữa Pakistan và Mỹ thêm căng thẳng vì hiển nhiên bin Laden đã được ai đó trong quân đội Pakistan giúp đỡ. Việc giúp đỡ là hành động đơn lẻ của một số sĩ quan hay là một quyết định có tính chất hai mặt và là chánh sách của quân đội Pakistan? Câu hỏi đã được nêu ra mà khó có trả lời và đôi bên, Mỹ cùng Pakistan, đều không hài lòng vì cần nhau mà chẳng tin nhau.

- Một ví dụ về sự thiếu hài lòng từ phía Pakistan là Tham mưu trưởng Liên quân Pakistan đã hủy cuộc gặp gỡ vị tương nhiệm của Mỹ tại Hoa Kỳ vào ngày 22 tới đây, và hôm Thứ Bảy 14, hai viện trên dưới của Quốc hội Pakistan ra nghị quyết phản đối vụ Mỹ đột kích vào lãnh thổ của mình và ám sát bin Laden, trong khi Tư lệnh Cục Tình báo Liên quân ISI xin từ chức trong cuộc điều trần về vụ bin Laden này. Một số chính khách Pakistan nặng lời đả kích Mỹ là xâm phậm chủ quyền lãnh thổ và yêu cầu không cho Hoa Kỳ hành quân vào Paskistan. Còn Quốc hội Hoa Kỳ thì đòi điều trần về lập trường và thái độ của Pakistan, với lời hăm dọa là sẽ xét lại việc viện trợ cho Pakistan.

- Cùng lúc ấy trong tuần qua, người ta cũng chú ý đến kỳ họp thứ ba hôm mùng chín mùng 10 tại thủ đô Hoa Kỳ trong khuôn khổ Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc mà đôi bên không hề nhắc tới hồ sơ nhạy cảm là Pakistan. Rồi việc Thủ tướng Ấn Độ chính thức thăm viếng Kabul trong hai ngày 12 và 13 theo lời mời của Tổng thống Afghanistan là Hamid Karzai. Việc này đáng chú ý vì Ấn Độ là một đối thủ đáng ngại của Pakistan và Afghanistan là nơi mà lãnh đạo Pakistan muốn bành trướng thế lực và ngăn chặn ảnh hưởng của Ấn Độ. Có thể là Chính quyền Obama sẽ trở lại chủ trương của Chính quyền Bush trước đây là hâm nóng quan hệ với Ấn Độ để gây sức ép với Pakistan... Đó là về tình hình chung trong mấy ngày vừa qua.

Phượng Hoàng: Thưa anh như vậy thì ta thấy ra khung cảnh quốc tế của vụ này gồm có cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo của Mỹ tại Afghanistan, có quan hệ của Hoa Kỳ với Pakistan trong cuộc chiến, và còn có sự can dự của các xứ khác như Ấn Độ và Trung Cộng và riêng quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. Bây giờ, chúng ta nói về Trung Cộng trong cục diện phức tạp rắc rối đó. Có phải rằng Trung Cộng là đồng minh lâu đời của Pakistan hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy. Tên nước Pakistan được Trung Quốc phiên âm ra "Ba Cơ Tư Thản" và từ nhiều thập niên trước, lãnh đạo Bắc Kinh từng phát biểu rằng Pakistan gắn bó với Trung Quốc y như Israel với Mỹ vậy! Chúng ta nên hiểu vị trí chiến lược của xứ Pakistan cho quyền lợi Trung Quốc trong quan niệm đó.

- Thực tế thì Pakistan là nước Hồi giáo đầu tiên công nhận Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc ngay từ 1950 và đôi bên càng củng cố quan hệ trong suốt thời Chiến tranh lạnh khi Ấn Độ lại liên kết với Liên bang Xô viết. Trong khi ấy, Pakistan cũng được Mỹ yểm trợ để chặn Liên Xô và ta không quên rằng 40 năm trước, Mỹ đã chọn Pakistan là nơi ông Henry Kissinger ngầm móc nối với Bắc Kinh để chuẩn bị chuyến thăm viếng Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon năm 1972.

- Nhìn trên tổng thể thì trong 60 năm qua, Trung Quốc liên kết với Pakistan vì mục tiêu xây dựng vùng trái độn và chủ đích thì nhắm vào Ấn Độ. Khởi đầu, Bắc Kinh viện trợ võ khí cá nhân cho Pakistan và qua Pakistan lại đánh cắp nhiều kỹ thuật võ khí của Hoa Kỳ khi Mỹ giúp Pakistan trong trận thế của Chiến tranh lạnh chống Liên Xô. Sau đó, Bắc Kinh cũng muốn qua Pakistan mà vươn tới thế giới Hồi giáo khi Trung Quốc bị cô lập và tự cô lập.

- Rồi từ 1963, sau trận xung đột với Ấn Độ vào tháng 10 năm 1962, Bắc Kinh gia tăng hợp tác quân sự với Pakistan. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc và Pakistan đã khai triển nhiều dự án chế tạo võ khí, từ chiến xa tới phi cơ và hoả tiễn, ban đầu chỉ là võ khi Liên Xô được cải tiến nhưng sau này là loại chiến cụ có trình độ kỹ thuật tinh vi hơn. Nhờ Pakistan, Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tới Ấn Độ dương vào tới Trung Đông, cho tới khi xảy ra vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ vào năm 2001.

Phượng Hoàng: Thưa anh, có phải là từ vụ khủng bố đó thì tình hình đã xoay chuyển trong cả chục năm qua, cho tới khi bin Laden bị hạ sát, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, Hoa Kỳ mở ra chiến dịch tấn công Taliban và khủng bố al-Qaeda tại Afghanistan và đặt điều kiện cho Pakistan là phải hợp tác trong cuộc chiến này. Lãnh đạo Pakistan miễn cưỡng đồng ý vì cần viện trợ của Mỹ nhưng vẫn sợ khủng bố Hồi giáo bên trong, lại còn muốn nhân cơ hội bành trướng ảnh hưởng vào Afghanistan và còn e rằng nếu thiếu thiện chí thì Hoa Kỳ sẽ hợp tác với kẻ thù của mình là Ấn Độ. Đây là một quan hệ kỳ lạ vì đa số lãnh đạo và quân đội thì thân Mỹ nhưng bên trong vẫn còn nhiều phần tử chống Mỹ, nhất là các nhóm Hồi giáo cực đoan.

- Trung Quốc thì hài lòng khi Mỹ mắc bận tại Afghanistan, nơi mà Bắc Kinh tỏ thiện chỉ giả là tham gia cuộc chiến chống khủng bố mà không trực tiếp can dự vào quân sự để khỏi gây thêm hiềm khích với xu hướng Hồi giáo cực đoan. Và họ rất mừng là vì cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ không thể canh chừng sự bành trướng của họ tại Đông Á.

- Đồng thời, Bắc Kinh còn muốn Mỹ tấn công quân khủng bố ngay trong lãnh thổ Pakistan để giải trừ nguy cơ khủng bố Hồi giáo từ Pakistan xâm nhập đất Tân Cương của mình, là nơi có phong trào ly khai của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ hay Uighur, và có lực lượng khủng bố tên là "Phong trào Độc lập Đông Thổ", East Turkmenistan Independence Movement, gọi tắt là ETIM. Chính phi cơ không người của Mỹ đã bắn hạ một thủ lãnh của lực lượng khủng bố này trong lãnh thổ của Pakistan, là điều có lợi cho Bắc Kinh, mà là nhờ tin tình báo của Pakistan và võ khí của Mỹ.

- Nhưng sau khi Mỹ dồn quân đánh tới tại Iraq năm 2007 và tại Afghanistan năm 2009 thì Bắc Kinh e ngại là tình hình cải thiện sẽ giúp Hoa Kỳ triệt thoái dần khỏi hai chiến trường đó và sẽ rảnh tay đối phó với mình tại Á châu Thái bình dương. Đó là một lẽ.

- Bây giờ, khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan có thể nguội lạnh sau vụ bin Laden bị giết thì Bắc Kinh nhảy vào khai thác cơ hội mà tăng cường yểm trợ cho Pakistan, là chiều hướng họ đẩy mạnh từ chuyến thăm viếng Pakistan cuối năm ngoái của Thủ tướng Ôn Gia Bảo với nhiều hợp đồng lên tới 35 tỷ đô la. Thực tế thì từ cuối năm 2009, Trung Quốc có quan hệ khắng khít hơn với Pakistan, nói theo Bắc Kinh là còn "cao hơn núi và sâu hơn biển". Ta nên nghĩ rằng núi cao là qua Pakistan và biển sâu là nơi Bắc Kinh nhắm tới.

Phượng Hoàng: Thưa anh, mục tiêu của Bắc Kinh là gì với Pakistan?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là trong ngắn hạn, Bắc Kinh muốn Pakistan thêm lệ thuộc vào Trung Quốc nếu chế độ Islamabad bị giảm mất thế nương tự vào Hoa Kỳ. Bị lệ thuộc như vậy thì Pakistan phải diệt các nhóm khủng bố Hồi giáo từ Pakistan có thể xâm nhập vào tình Tân Cương và liên kết với phong trào ly khai của người Hồi giáo ở tại đây. Đó là một mục đích ngắn hạn mà tiêu cực, nghĩa là phòng thủ, với một yêu cầu là Pakistan không bị nội loạn vì những mâu thuẫn quá lớn ngay bên trong xã hội và chính trị xứ này. Trong dài hạn, tôi trộm nghĩ rằng Bắc Kinh còn tích cực nhắm vào những mục tiêu dài hạn có tính chất chiến lược hơn.

Phượng Hoàng: Tức là vấn đề khủng bố hoặc phong trào Hồi giáo ly khai ở Tân Cương vẫn chỉ là mục tiêu phòng thủ, chứ với Pakistan, Trung Cộng còn nhắm vào chuyện chiến lược hơn? Thưa anh, đó là là những mục tiêu gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trung Quốc muốn sự lệ thuộc đó của Pakistan sẽ giúp mình phát triển kinh tế trong lưu vực sông Indus, bành trướng hạ tầng cơ sở vận chuyển và năng lượng ra tới biển Á Rập và nhất là sớm trở thành đại cường hải dương với các hạm đội có thể tiến ra biển xanh dương, nối kết từ Đông hải ngoài khơi Việt Nam qua tới Phi Châu và Âu Châu. Chúng ta cần có một chương trình tìm hiểu về địa dư và kinh tế Pakistan thì sẽ thấy ra sự tính toán của Trung Quốc.

- Sở dĩ như vậy vì khi ta nhìn vào địa dư chiến lược thì Pakistan là một trong mấy hành lang có thể giúp các tỉnh trong lục địa của Trung Quốc giao tiếp với bên ngoài, và còn cho phép xứ này trở thành cường quốc hải dương, và từ Trung Á tiến thẳng vào Trung Đông và Phi Châu cùng Âu Châu. Một ví dụ là xa lộ Karakoram mà Trung Quốc gọi là "Khách La Côn Luân Công Lộ". Chúng ta nhớ rằng Karakoram cũng là tên của một chiến đấu cơ do hai bên cùng hợp tác sản xuất mà sau này chủ yếu là do Trung Quốc thực hiện và bán cho Pakistan.

- Xa lộ Karakoram này là đường lộ cao nhất thế giới, có nơi đến cao độ 5.000 thước, nối liền Tân Cương với thủ đô Islamabad, xuyên qua khu vực Kashmir mà Pakistan kiểm soát. Lấy lại một ngả giao thông của Con đường Tơ lụa thời cổ, xa lộ Côn Luân này được hai nước tiến hành từ năm 1959, phảỉ mất 27 năm mới hoàn thành, rồi được nâng cấp bên phía Trung Quốc và nay sẽ được nâng cấp bên phía Pakistan với viện trợ của Trung Quốc. Và bên khu vực tiếp cận với Abbotttabad là nơi bin Laden bị giết, Trung Quốc cũng xây dựng hai dự án thủy điện Kohala và Neelum Jhelum cho Pakistan.

- Song song với xa lộ Karakoram, Bắc Kinh còn đề nghị lập ống dẫn khí đốt từ Islamabad xuyên qua Pakistan đến quân cảng Gwadar mà Trung Quốc đã thiết kế cho Pakistan. Nhờ ống khí đốt, Trung Quốc có thêm an toàn về năng lượng và nếu nối kết ống dẫn khí đốt ấy với xứ Iran, như Bắc Kinh dự tính từ năm 2008, thì họ có thể đẩy Ấn Độ ra khỏi việc hợp tác với Iran về khí đốt. Sau cùng, với quân cảng Gwadar, hạm đội Trung Quốc có một loạt bốn căn cứ tu bổ tại Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan trên đường từ Ấn Độ dương tới Trung Đông và Đông Phi.

- Cần nói thêm là vì các dự án hạ tầng đó mà Trung Quốc đã đưa cả vạn công nhân và có thể là công binh vào sát khu vực Kashmir thuộc Ấn Độ, khiến chính quyền Ấn Độ than phiền năm ngoái và báo động với phía Hoa Kỳ. Khi lùi lại một chút mà nhìn trên toàn cảnh thì việc Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng của mình với Miến Điện ở hướng Đông và với Pakistan ở hướng Tây tất nhiên làm cho Ấn Độ e ngại.

Phượng Hoảng: Câu hỏi cuối, thưa anh, liệu Trung Cộng có thành công trong những kế hoạch này không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thực tế thì Pakistan là một quốc gia cực kỳ bất ổn mà chính quyền trung ương không thể kiểm soát được tất cả, nhất là an ninh trong khu vực Balochistan miền Tây-Nam và khu vực Tây Bắc hiểm trở tiếp cận với Afghanistan và Trung Quốc.

- Bên trong, Chính quyền gọi là trung ương này còn có mâu thuẫn giữa các chính khách và thành phần trí thức với quân đội. Bên trong quân đội lại còn có dị biệt giữa khuynh hướng thế quyền với các thành phần có cảm tình với xu hướng thần quyền của Hồi giáo, thậm chí với cả quân khủng bố Hồi giáo. Tình trạng bất ổn đó tại Pakistan vẫn có thể gây vấn đề cho những mưu tính của Trung Quốc. Thứ hai thì lãnh đạo Pakistan nói chung lại có tính bất kham và khó lường.

- Với họ, Ấn Độ mới là kẻ thù chiến lược và vì vậy, Pakistan dễ gây hấn với xứ láng giềng này, như đã xảy ra hồi 1997 và 2003. Nếu Pakistan lại quá hung hăng thì an ninh trong tiểu lục địa Nam Á trở thành vấn đề và là chuyện không có lợi cho Trung Quốc vì Bắc Kinh chỉ muốn dùng Pakistan làm hậu cứ để gây sức ép với Ấn Độ chứ không muốn chiến tranh bùng nổ và kéo dài giữa hai xứ này.

- Do đó, lập trường chính thức của Bắc Kinh vẫn là kêu gọi Pakistan hợp tác với Hoa Kỳ để giải trừ khủng bố vì nhờ đó cũng giải quyết mối nguy khủng bố cho mình tại Tân Cương. Sau vụ bin Laden, Bắc Kinh xoa dịu và trấn an Pakistan và hứa hẹn nhiều dự án kinh tế như xây dựng hạ tầng, phát triển năng lượng hoặc chuyển giao công nghệ quốc phòng, mà toàn là loại dự án đáp ứng mục tiêu chiến lược và lâu dài của Trung Quốc.

- Tổng kết lại thì sau khi Osama bin Laden bị Hoa Kỳ hạ sát, Trung Quốc có thể bành trướng ảnh hưởng vào Pakistan nhiều hơn nhưng cũng sẽ lại nhức đầu như Hoa Kỳ đã bị với Pakistan. Song song, nếu Hoa Kỳ giải quyết xong vụ Afghannistan thì sẽ có cơ hội chú ý nhiều hơn đến Đông Á, như nhiều đồng minh Á châu đã kêu gọi. Một trong những đồng minh nóng ruột này là xứ Úc Đại Lợi! Theo giả thuyết đó thì Bắc Kinh mới phải nhọc lòng ổn định cơ ngơi và quyền lợi của mình tại Nam Á, nơi mà Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Trong trường hợp đó, cục diện Đông Á sẽ có thay đổi. Mà nếu chính Trung Quốc lại bị động loạn vì kinh tế và xã hội ở bên trong thì những mưu tính lâu dài của Bắc Kinh tại Pakistan sẽ lại là chuyện phù du! (110515)

Phượng Hoàng: Xin cảm tạ anh Nguyễn Xuân Nghĩa về việc phân tách này.

- Al-Qaeda có lãnh tụ tạm thời Nguoi-Viet Online
Một người Ai Cập từng là thành viên lực lượng đặc biệt vừa được chọn “lãnh tụ tạm thời” của al-Qaeda sau vụ Osama bin Laden bị hạ sát.


-CHÁY NHÀ LÒI MẶT CHUỘT
Năm nay quả là năm đặc biệt. Chỉ mới chưa đầy 5 tháng mà cục diện toàn cầu thay đổi không kịp chớp mắt. Với cách uốn ba tất lưỡi của chính sách bàn tay sắt bọc nhung của đảng dân chủ cấp tiến, nước Mỹ đã làm dậy sóng Trung Đông - Bắc Phi. Câu chuyện Trung Đông - Bắc Phi là một đòn đánh mạnh vào các nước có nền kinh tế mới nổi. Di chứng của nó là cuộc chiến Libya sẽ kéo dài. Cung năng lượng sẽ làm điêu đứng các nước đang cần phát triển.
Nhưng với cú đánh đột xuất vào để giết ông trùm al Qaeda, Osama Bin Laden ở Pakistan lại làm cục diện thế giới một lần nữa thay đổi. Hôm qua thủ tướng Pakistan - ông Yousuf Raza Gilani - tuyên bố Trung Hoa là người bạn tốt nhất của Pakistan.

Hai thập niên người Trung Hoa gầy dựng mối quan hệ Bắc Phi và Trung Đông để tìm ra nguồn tài nguyên và năng lượng phục vụ cho giai đoạn phát triển tư bản nhà nước thân hữu của mình, chỉ trong chốc lát biến thành bong bóng xà phòng vì cách mạng hoa Nhài.

Cũng bằng thời gian ấy, người Mỹ tạo ra một vùng trái độn quanh Trung Hoa gốm: Hàn, Nhật, Đài, Pakistan, Afghanistan, Ấn, v.v... chỉ vì một cái chết của Oasama Bin Laden đã làm người Mỹ mất một mắc xích quan trọng của vùng trái độn này: Pakistan và có thể Afghanistan trong tương lai?

Bằng vào sự kiện 11/9/2001, ông Osama Bin Laden đã đánh vào lòng tin về một nước Mỹ siêu cường chỉ trong chốc lát tan thành bọt bễ. Một siêu cường mọi mặt đã quật ngã siêu cường cánh tả Liên Xô, nhưng chỉ một buổi sáng, bằng vào tài trí và tổ chức khủng bố đơn lẻ của mình, ông Osama Bin Laden đã tấn công vào 2 nơi quan yếu: ngũ giác đài trung tâm quyền lực quân sự, và World Trade Center trung tâm quyền lực kinh tế toàn cầu. 

Nước Mỹ có 3 loại quyền lực làm thế giới phải kinh sợ: quân sự, kinh tế tài chính và văn hóa dân chủ tự do. Hai trong 3 quyền lực ấy đã lung lay, và nước Mỹ đi vào một thời kỳ suy thoái như hiện nay chỉ bằng một cái đầu của Osama Bin Laden biết sử dụng kinh Koran: "Tử vì đạo là được rửa tội và hiển thánh".

Nếu nhà nước thần quyền Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Bắc Phi có kinh Koran để xúi giục dân tử vì đạo. Thì nhà nước thế quyền cực đoan Trung Hoa cũng có tư tưởng của Tôn Tử là, cách chiến thắng tối ưu nhất là thắng mà không cần đánh. Cả 2 tư tưởng này phối hợp nhau để chỉ huy được thế giới thì quả không gì bằng cách ném đá giấu tay.

Với tuyên bố của ông Youluf Raza Gilani, cho thấy đằng sau sự ẩn núp của Osama Bin Laden suốt gần 6 năm ở khu quân sự Pakistan có bàn tay của Trung Hoa? Và sự đồng lõa của Pakistan để sử dụng tổ chức al Qaeda trong ván bài ngoại giao đa phương hòng kiếm viện trợ và cân bằng quyền lực.

Nhưng việc Osama Bin Laden bị tiêu diệt ngay trung tâm quân sự của Pakistan, cũng làm cho thế giới thấy được sức mạnh quân sự của siêu cường Mỹ. Vậy thì, với sự trợ giúp của Trung Hoa, và sự bảo an của Pakistan cho Osama Bin Laden ngay tại khu quân sự, nhưng tại sao suốt 38 phút đánh nhau của lực lượng SEAL để tiêu diệt Osama, cộng thêm thời gian gần 1h đồng hồ, để ông Obama ngồi viết bài phát biểu trên truyền hình vào nửa đêm rạng sáng 02/5/2011, mà cả thế giới không hay biết. Thế thì thực sự về sức mạnh quân sự Trung Hoa đã cố tình vươn móng vuốt để hù dọa khu vực và toàn cầu trong 2 năm nay là cái gì?

Và như vậy, đằng sau của tổ chức khủng bố al Qaeda ở Pakistan và Taliban ở Afghanistan là ai? Là những con người như Osama Bin Laden hay là những nhà nước lớn ném đá giấu tay?

Những câu hỏi lớn này nếu giải đáp tận tường sẽ cho chúng ta thấy một câu tục ngữ ông cha mình rất minh triết: "Cháy nhà lòi mặt chuột". Nó cũng cho chúng ta thấy, phải bình tỉnh nhìn nhận thực lực toàn cầu và sức mạnh của các bên liên quan, để có một chiến lược ngoại giao lâu dài cho đất nước và dân tộc trong cục diện mới toàn cầu.

Asia Clinic, 8h52', ngày thứ Tư, 18/5/2011

- - Pakistan’s Prime Minister Visits China NYT -The visit of the Pakistani leader to China comes at a critical moment as Pakistan’s relations with the U.S. is under strain. -China praises Pakistan's "sacrifices" against terrorism DPA- Giận Mỹ, Pakistan quay sang Trung Quốc (VnMedia). Cái tựa dễ dãi như bàn chuyện con nít.



Tin hay không tin Pakistan?
Ngô Nhân Dụng

Trước khi rút lui đem theo thi hài ông Osama bin Laden, nhóm biệt kích Hải Quân Mỹ SEAL đã đốt và phá hủy hoàn toàn chiếc trực thăng bị bị hư trong phút đầu cuộc tấn công.

 Tại sao họ không để chiếc máy bay đó, mai mốt sẽ xin chính phủ Pakistan cho đến sửa chữa, rồi bay về?

Bởi vì người ta không biết chắc số phận chiếc trực thăng đó sẽ ra sao. Chính phủ Pakistan có thể sẽ phản đối Mỹ kịch liệt về vụ xâm nhập lãnh thổ của họ, làm mất mặt cả nhà nước lẫn quân đội. Họ sẽ không cho đem chiếc máy bay đó đi nữa.


Nếu vậy tại sao không để nó cho Pakistan dùng, như hàng ngàn trực thăng khác mà Mỹ đã viện trợ cho quân đội nước này chống khủng bố? Vì người Mỹ không thể tin được chính phủ và quân đội Pakistan sẽ làm gì với những vũ khí và trang bị bí mật trên chiếc máy bay đặc biệt này. Chỉ một lớp kim loại tổng hợp tráng trên máy bay để “tàng hình,” tránh không cho máy radar của Pakistan “nhìn thấy,” cũng phải tốn hàng trăm triệu mỹ kim mới nghiên cứu và tìm ra được. Chưa kể các thiết bị tối tân khác. Người ta không lo Pakistan sẽ dùng các vũ khí mới này chống lại Mỹ. Ðiều đáng lo là sẽ có rất nhiều nước muốn mua các mảnh vụn của chiếc trực thăng này để đem về nghiên cứu lại và bắt chước. Trong số đó có Trung Quốc, một nước đồng minh với Pakistan suốt trong thời Chiến Tranh Lạnh cho đến ngày nay. Không ai quên được vụ tiết lộ năm 2004, cho thấy nhà bác học hàng đầu về bom hạt nhân Abdul Qadeer Khan của Pakistan đã từng đi bán kỹ thuật nguyên tử cho các nước khác, trong đó có Lybia của ông Gadhafi. Tất cả những người như Saddam Hussein (Iraq), Mahmoud Ahmadinejad (Iran), hay Kim Chính Nhật (Kim Jong Il, Bắc Hàn) đều không nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ bằng nhà bác học nguyên tử này. Hiện nay ông vẫn sống ung dung ở trong nước.

Năm 1999, một máy bay F-117 của Mỹ bị rớt trong cuộc chiến Kosovo vào ngày 27 tháng 3. Ðó là chiếc “máy bay tàng hình” đầu tiên của Mỹ gặp nạn. Ngay sau đó, các chuyên gia Nga và Trung Quốc, chưa kể các nước khác, đã bay đến Serbia để mua, mỗi nước một ít mảnh. Các chuyên viên Trung Quốc đã đến tận nơi máy bay rớt, đi dạm mua với giá rất cao các mảnh vụn mà các nhà nông trong vùng đó lượm được. Vụ này liên can đến vụ Mỹ “đánh bom lầm” vào tòa Ðại Sứ Trung Quốc ở Beograde vào ngày 7 tháng 5 năm 1999. Năm ngoái, Không Quân Trung Quốc đã biểu diễn máy bay tàng hình của họ cho ông bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chứng kiến. Trong 12 năm qua, các kỹ thuật “tàng hình” của không lực Mỹ chắc đã tiến hơn trước rất nhiều. Có gì bảo đảm Pakistan không đem bán các dấu tích kỹ thuật mới trên chiếc trực thăng cho những nước trả giá cao nhất?

Pakistan vẫn là một đồng minh của Mỹ từ khi lập quốc năm 1947. Khi Ấn Ðộ ngả về phía Nga Xô, Mỹ với Pakistan càng thân thiết. Nhờ đứng giữa Mỹ với Trung Quốc cho nên chính phủ Pakistan đã làm môi giới đưa đến cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Nixon và Mao Trạch Ðông vào năm 1972. Nhưng trong việc ngoại giao, mỗi nước vẫn phải lo cho quyền lợi của mình, chứ không ai nhắm mắt chịu làm “đồng chí-anh em” vô điều kiện.

Vì vậy, các lãnh tụ hai nước và những nhà ngoại giao của họ luôn luôn phải đóng trò. Rất thân thiện, rất kính cẩn, nhưng vẫn ngầm đá nhau tận tình. Giám đốc CIA đã nói thẳng rằng họ không hề cho một người nào trong chính phủ Pakistan biết Mỹ đang theo dõi ngôi nhà nghi có bin Laden ở, vì sợ tin tức bị tiết lộ. Nói cách khác: Mỹ không tin Pakistan.

Tất nhiên, chính phủ Pakistan không hề biết trước cuộc đột kích, xuất phát từ Afghanistan. Vụ tấn công này đã được ông Barack Obama báo trước, trong khi đang chuẩn bị tranh cử tổng thống, năm 2007; lúc đó không ai tin chuyện sẽ thành sự thật. Sau khi đem máy bay trực thăng xâm nhập một nước đồng minh mà không báo trước, bắn, giết mấy người rồi đem 2 xác chết đi, tới nay chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức xin lỗi chính quyền Pakistan và dân chúng nước này. Chắc chờ đến một ngày bà Hilarry Clinton đến xứ này sẽ xin tạ lỗi. Ông Obama có thể đã xin lỗi Tổng Thống Asif Ali Zardari trong điện thoại, sau khi quân Mỹ rút đi an toàn, nhưng Pakistan đã mất mặt! Phe đối lập đã lên án chính phủ và hô hào dân biểu tình; nhưng chính phủ Pakistan vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt.”

Ngay ngày hôm sau vụ đột kích, Tổng Thống Pakistan Ali Zardari đã viết trên nhật báo Washington Post, tỏ ý hoan hỉ về việc trừ được ông bin Laden, và kể công chính quyền Pakistan đã giúp Mỹ trong việc tìm kiếm thủ lãnh al Qaeda này trong 10 năm qua. Thủ Tướng Yusuf Raza Gilani thì thanh minh rằng họ không biết nơi bin Laden ở cũng bình thường, vì tình báo cả thế giới từ lâu đã không biết! Bộ Ngoại Giao Pakistan chỉ lên tiếng cảnh cáo Mỹ một cách yếu ớt, rằng “lần sau không được làm như thế nữa!” Chắc sẽ không có lần sau, vì chỉ có một người tên là Osama bin Laden! Báo Dawn ở Pakistan đã coi biến cố vừa qua là một điều sỉ nhục, không khác gì vụ chính quyền Pakistan phải thú nhận đã để cho nhà bác học Abdul Qadeer Khan đi rao bán các kỹ thuật nguyên tử!

Chính phủ Mỹ cũng đồng thanh hát cùng một điệu như ông Ali Zardari. Từ ông Giám Ðốc CIA Leon Panetta, đến bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton, và các phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, đều lên tiếng công nhận Pakistan đã giúp đỡ họ trong công việc chống khủng bố và truy tầm, rồi bắt các thủ lãnh hàng thứ nhì của al Qaeda. Pakistan đã giúp CIA bắt được Ramzi bin al-Shibh trong một cao ốc ở Karachi, bắt Abu Zubaydah tại Faisalbad, và Kalid Sheikh Mohammed, người chỉ huy vụ đánh 11 tháng 9; rồi trao cho Mỹ khai thác. Chính một trong các người này, sau khi bị “nhận nước” vẫn từ chối không khai; nhưng sau khi được phỏng vấn bình thường, đã xác nhận danh tính một “người đưa thư” của bin Laden; mà nhờ đó CIA đã theo dõi anh ta, tìm đến nơi nghi rằng bin Laden trú ngụ. Chính quyền Obama công nhận Pakistan đã bắt giúp Mỹ nhiều tay khủng bố hơn tất cả các quốc gia khác.

Vậy Pakistan là bạn hay là thù? Hay chỉ là bạn với Mỹ nếu có lợi, và sẽ bỏ rơi Mỹ nếu bất lợi? Có thể nói, Pakistan đóng cả hai, hoặc ba vai trò đó. Chính quyền Pakistan cần số tiền Mỹ viện trợ mỗi năm. Họ cũng giúp Mỹ chống al-Qaeda, vì chính nhóm này đã tổ chức nhiều vụ ném bom trong nước họ. Nhưng trong chính quyền, nhất là trong quân đội, có nhiều người có cảm tình với tổ chức Taliban ở Afghanistan. Chính tình báo quân đội Pakistan, viết tắt là ISI, đã dựng lên Taliban, nuôi nhóm này để chống quân Nga trong thập niên 1980, với sự hỗ trợ tiền và vũ khí của CIA và quân đội Mỹ. Tuy nhiên, trong năm qua quân đội Pakistan cũng tấn công đánh đuổi một nhóm quân Taliban, họ từ Afghanistan chạy sang trú ẩn vùng thung lũng Swat, sau khi nhóm này đem thi hành các chính sách cực đoan về tôn giáo đối với dân chúng Pakistan ở đó.

Nhóm Taliban còn liên hệ với chính quyền và quân đội Pakistan vì lý do sắc tộc. Taliban thuộc giống dân Pashtun, chiếm đa số ở Afghanistan; nhưng số người thuộc sắc dân Pashtun ở trong nước Pakistan còn đông hơn ở Afghanistan! Chính phủ Pakistan khó thi hành một chính sách “không tình không nghĩa” với những người thuộc giống Pashtun!

Ông Husain Haqqani, đại sứ Pakistan ở Washington đã viết một cuốn sách về hai nền tảng của nước Pakistan từ ngày lập quốc. Một là quốc gia này được thành lập trên căn bản tôn giáo. Chính vì muốn giữ đạo nên những người Hồi Giáo đã tụ tập thành một quốc gia sau khi được Anh quốc trao trả độc lập. Nền tảng thứ hai là quân đội. Vì lúc nào cũng lo đề phòng với Ấn Ðộ, và muốn “giải phóng” miền Kashmir ra khỏi Liên Bang Ấn Ðộ, cho nên trong đời sống chính trị của Pakistan, quân đội và các tướng lãnh đóng một vai trò quan trọng. Mà trong quân đội thì tổ chức tình báo ISI đóng một vai trò then chốt.

Cả hai nền tảng đó khiến cho các chính quyền Pakistan, từ thời quân phiệt đến nay, luôn luôn đi dây. Một mặt họ muốn giúp Mỹ chống khủng bố, mà chính nước họ cũng chịu cùng hoạn nạn. Mặt khác, họ không muốn mất sự ủng hộ của giới lãnh đạo tôn giáo, kể cả những người quá khích, nhất là khi nhiều người trong quân đội có cảm tình với nhóm Taliban. Cuốn sách của Ðại Sứ Husain Haqqani, xuất bản năm 2005 khi ông còn là một người đối lập chống chính phủ của Tướng Musharraf, đã kết luận rằng chỉ khi nào Pakistan thực sự dân chủ hóa thì vấn đề chống khủng bố ở nước này mới giải quyết được.

Vụ hạ sát Osama bin Laden khiến nhiều người Mỹ đặt câu hỏi: Chính phủ Pakistan có chứa chấp Osama bin Laden hay không? Tại sao chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Pakistan 2 tỷ đô la một năm để tiễu trừ khủng bố, để truy lùng thủ lãnh nhóm al-Qaeda, mà họ lại phản bội như vậy? Rồi bây giờ tại sao Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ?

Một sự thật không thể chối cãi được là nước Mỹ vẫn cần quân đội Pakistan giúp để tiêu trừ những nhóm khủng bố trong hai nước, Pakistan và Afghanistan. Muốn giảm bớt số tiền viện trợ 2 tỷ Mỹ kim một năm, câu hỏi mà nước Mỹ nên đặt ra là có nên tiếp tục cuộc chiến tranh ở Afghanistan hay không? Có người nói: Quân đội Mỹ và NATO tiến vào nước này để truy bắt bin Laden và tiêu diệt nhóm al-Qaeda. Nay mục tiêu thứ nhất đã đạt được, bin Laden đã chết. Còn mục tiêu thứ hai sẽ là một vấn đề lâu dài, mà chiến tranh không phải là giải pháp duy nhất cũng như không phải là tốt nhất. Nước Mỹ đã chi tiêu 450 tỷ đô la trong 10 năm qua ở Afghanistan. Sẽ tiếp tục tiêu với một tốc độ cao hơn, vì quân số Mỹ ở đó đã tăng, từ trung bình 40,000 người lên thành 80,000, và trong năm 2011 có thể còn tăng thêm nữa.

Nước Mỹ không thể từ bỏ Pakistan nếu còn muốn giúp chính phủ Afghanistan. Cứ để yên, Pakistan sẽ làm ngơ cho quân Taliban tấn công và lật đổ chính quyền của Tổng Thống Karzai, và tái lập một chế độ thần quyền ở xứ này. Có nhà chính trị nào ở Mỹ dám đánh cá rằng dù Afghanistan lọt trở lại dưới một chính quyền Taliban thì phong trào khủng bố của những người Hồi Giáo quá khích cũng không nguy hiểm hơn hay không? Cho tới nay, chưa có ai cả. Cho nên số phận hai nước Mỹ và Pakistan vẫn còn bị ràng buộc không thể bỏ nhau được!


Tổng số lượt xem trang