Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp!

-Vụ Mường Nhé: Lại Đàn Áp!Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 110507  

Có cái búa trong tay, mọi vấn đề đều chỉ là cái đinh!  

   Coi chừng! Họ có võ khí!


Có phải là một ngẫu nhiên không, khi mà mọi sự khởi đầu vào ngày 30 Tháng Tư?

Tại tỉnh Điện Biên trên vùng cực Tây của Việt Nam tiếp giáp với lãnh thổ Lào, huyện Mường Nhé là nơi tập trung một số dân thiểu số người Hmong. Đây là thành phần cùng khốn nhất trong số người cùng khốn của Việt Nam. Ngày 30 Tháng Tư vừa qua, dân Hmong đã có cuộc biểu tình. Số người tham dự là bao nhiêu thì chưa ai biết chắc, có thể là cả ngàn, thông tấn xã Reuters trích dẫn nguồn tin ngoại giao tại Hà Nội thì nói đến bảy ngàn.

Một điều mà người ta biết chắc là dân biểu tình đã bị đàn áp, và đàn áp dữ dội.

Theo tổ chức đấu tranh cho nhân quyền của người Hmong hoạt động tại Hoa Kỳ là Center of Public Policy Analysis (CPPA - Trung tâm Phân tích Chính sách Công quyền) thì có 29 người bị thiệt mạng. Con số mới hơn, do CPPA loan báo ngày Thứ Sáu mùng sáu thì nói đến 39 người hay 49 người và một người bị thương nặng, mấy trăm người bị mất tích.

Người ta sở dĩ không biết được tình hình chính xác ở tại chỗ vì cả huyện Mường Nhé đã bị phong toả. Truyền thông báo chí quốc tế bị ngăn cản không được tới nơi tìm hiểu, vì lý do thời tiết và đường sá đang sửa sang tu bổ. Lý do cũng kỳ!

Mặc dù khu vực bị phong tỏa, tin tức được cư dân địa phương tiết lộ ra là ngoài công an và cả quân đội đã được huy động vào cuộc đàn áp. Và theo thông tấn AFP của Pháp trích dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao của Hà Nội thì cho đến ngày mùng sáu, tình hình đã... "ổn định".

Loạn hay trị, làm sao biết được nếu không có tự do thông tin? Và bảo rằng mọi sự khởi đầu từ ngày 30 ThángTư thì chỉ là một cách nói.

Cái nhân của mọi chuyện phải phát sinh sớm hơn. 


   Nạn dân người Hmong bị xua đuổi từ Thái Lan về Lào



***


Trong các sắc dân thiểu số, người Hmong thuộc loại thiểu số nhất. Họ thuộc dân Tầy Thái đi từ những vùng hoang vu đói khổ của Trung Hoa, nhất là tỉnh Quý Châu, và di cư trễ nhất vào Việt Nam nên sống tại các khu vực nghèo nhất trên mạn ngược do hoàn cảnh "trâu chậm uống nước đục". Là một nhánh của Miêu tộc, vì vậy cứ bị chúng ta gọi là người Mèo, họ toàn sống trên thượng du cheo leo, ở vùng biên giới với Trung Quốc và với Lào.

Có tinh thần độc lập rất cao, họ bị lôi vào ngần ấy cuộc chiến tại Đông Dương trong thế kỷ 20. 

Lại chống phe cộng sản, cả Lào lẫn Việt Nam, nên họ gặp số phận thiếu may mắn. Họ đã bị Pháp rồi Hoa Kỳ bỏ rơi, bị các chính quyền Cộng sản tại Lào và Việt Nam nghi ngờ, đầy ải. Trôi dạt qua các xứ lân cận như Thái Lan, Cao Miên để tìm đất dung thân thì bị xua đuổi.

Tại Việt Nam, họ sống ở các tỉnh cực Bắc của Việt Nam như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, hay Tây Bắc như Điện Biên và Sơn La, tập trung nhiều nhất tại Hà Giang và Điện Biên. Từ vài chục năm nay, một số đã đi vào vùng Cao nguyên Trung phần (giờ gọi là Tây nguyên).

Là một sắc tộc thiểu số quen nếp du mục, người Hmong gặp nhiều vất vả trong tiến trình kỹ nghệ hóa và đô thị hóa của các vùng đất ngụ cư bên Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Đó là hoàn cảnh xáo trộn chung của các xã hội nông nghiệp. Nhưng là dân thiểu số đáng nghi, họ vất vả chật vật hơn nhiều thành phần khác.

Thảm kịch thứ hai là tinh thần độc lập rất cao khiến họ tìm đến vùng đất không người, vì thiên nhiên hiểm trở và tài nguyên khan hiếm, để dung thân. Mà đi mãi thì cũng hết đất, tức là mất chốn dung thân vì dân số gia tăng đều - từ 46 triệu dân vào năm 1975, Việt Nam ngay nay có dân số gần 90 triệu và đang mở mang lung tung!

Thảm kịch thứ ba, cũng do tinh thần độc lập và muốn duy trì bản sắc riêng, người Hmong "sống chẳng giống ai" và càng trở thành đáng nghi với các thành phần dân chúng khác, vốn dĩ đã có tinh thần kỳ thị và khinh miệt ngươi thiểu số, kẻ lạ. Thảm kịch thứ tư là dù rất dung dị với phong cách sinh sống của các sắc dân khác, có khi là đồng tộc, người Hmong muốn tìm đến giải pháp tâm linh mới: tin vào Cơ Đốc giáo, với các mục sư đã kiên trì miệt mài tìm đến họ để truyền giáo và giúp họ cải thiện cuộc sống.

Với ngần ấy hành trang "có vấn đề", thảm kịch lớn nhất của người Hmong tại Việt Nam là sống dưới một chế độ cộng sản có tham vọng toàn trị: mọi sinh hoạt phải tập trung vào một mối, một nếp, dưới sự lãnh đạo của một đảng.

Tia lửa làm bật cháy có thể là ngày Tết vừa rồi của người Hmong.

Họ muốn ăn Tết theo phong tục riêng và vào ngày khác nên gặp vấn đề với chính quyền tại Mường Nhé. Mâu thuẫn rồi xung đột bùng nổ và họ trở thành nạn nhân bị đàn áp. Loại chi tiết ly kỳ về một đấng tiên tri sẽ giáng thế hoặc về một thế lực thần linh siêu nhiên nào đó - bị phê phán là "mê tín dị đoan" - chỉ là mặt nổi của tinh thần bất dung - không dung thứ sự dị biệt.

Câu hỏi ta cần nêu ra là vì sao có các mục sư vẫn cố tìm đến họ và sống với họ trong những điều kiện rất cực nhọc để truyền đạo và dần dần đem lại một nguồn hy vọng mới mà Chính quyền và người Việt lại không làm được như vậy?

Bảo rằng các nhà tu đó là CIA của Mỹ thì chỉ là lý cớ láo khoét.

Đặt ngược lại vấn đề thì ta thấy ngay sự xuẩn động dại dột ấy: nếu Trung Quốc cũng có cán bộ kiều vận người Miêu đi vào cộng đồng này, với cùng ngôn ngữ và rất nhiều phẩm vật để tranh thủ, thì an ninh và kinh tế sẽ xoay chuyển ra sao trong các khu vực thật ra là chiến lược đó?

Giữa các dự án bauxite hay di dân từ Hoa lục với những nỗ lực truyền giáo về một cõi tâm linh khác, như chúng ta đang thấy trong các tông phái Ky-tô giáo trên toàn cầu, cái nào mới là mối nguy?

Câu hỏi ấy dẫn ta trở về vấn đề vì sao lại đàn áp?


***


Tại vùng Tây nguyên, việc đàn áp đã xảy ra hồi Tháng Hai năm 2001 và Tháng Tư năm 2004, mà nạn nhân cũng lại là các sắc dân thiểu số theo đạo Cơ Đốc - hay Tin Lành như một cách gọi khác. Nguyên do vẫn là sự bất mãn vì đất đai bị cưỡng chiếm, tín ngưỡng bị xâm phạm và dân thiểu số bị người Kinh - người Việt - lẫn "công nhân" Trung Quốc ức hiếp.


Đó là khi ta nhìn vào tấm bản đồ và quan tâm nhiều hơn đến đồng bào người Thượng, gọi là "Montagnards" hay "Degar" và đồng hương của họ sống tại Hoa Kỳ.

Nơi đây, "Nghị hội Dân tộc Hmong Thế giới" (Congress of World Hmong People trên website cwhp.us) có trụ sở tại St. Paul của tiểu bang Minnesota hay Montagnard Foundation Inc. (trên website montagnard-foundation.org) có trụ sở tại thành phố Spartanburg của tiểu bang South Carolina, là các tổ chức thường xuyên loan tin và vận động dư luận Mỹ, tổ chức Human Rights Watch lẫn chính trường và Quốc hội Hoa Kỳ cho số phận của họ. Người Việt ta ít chú ý đến sự kiện này để có nhiều thông tin cập nhật hơn về những gì đã xảy ra ngay trong lãnh thổ của mình.

Nếu lại nhìn vào tấm bản đồ cùng tấm lịch, thì những vụ đàn áp như vậy đã xảy ra từ cả chục năm nay, tại vùng Tây-Bắc của Việt Nam lẫn bên Lào.

Hồi tháng Bảy năm 2000 và tháng Sáu năm 2003, Quân đội Việt Nam đã giúp Chính quyền Cộng sản Lào diệt trừ các cuộc đấu tranh của người Hmong chung quanh tỉnh Điện Biên. Cách đây đúng một năm, cũng vào dịp 30 Tháng Tư và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Hà Nội ngày mùng bảy Tháng Năm 1954, giao tranh đã bùng nổ với cuộc hành quân hỗn hợp của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và quân đội của Hà Nội vào khu tự trị của người Hmong trong các tỉnh biên giới Lào. Giao tranh bùng nổ vì một số người Hmong đã có võ khí cá nhân.

Ở bên trong Việt Nam, việc đàn áp người Thượng ở Tây nguyên (Gia Lai, Kontum) và thậm chí tại cả Thanh Hoá và Phú Yên đã thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa lễ Giáng Sinh. Việc dân chúng sử dụng điện thoại để liên lạc với bên ngoài đã bị ngăn và các Linh mục Công giáo cũng bị cấm dâng lễ.

Đáng chú ý mà bị lãng quên là tình trạng đàn áp đó đã xảy ra một cách có hệ thống và lan rộng trên mười tỉnh, từ miền Trung ra tới miền Bắc. Bây giờ đến lượt tỉnh Điện Biên!

Và ráp lại với chuyện Lào thì có lẽ chúng ta thấy ra bức tranh toàn cảnh.

Đầu năm nay, Chính quyền Lào đã mở chiến dịch đàn áp và xua đuổi người Hmong trong lãnh thổ Lào, bên kia tỉnh Điện Biên. Chưa có gì chứng minh rằng người Hmong biểu tình tại Mường Nhé có quan hệ tổ chức gì với người Hmong đang nổi dậy từ nhiều năm nay ở bên Lào. Nhưng số phận ngặt nghèo của người Hmong tại Việt Nam và cách Hà Nội thẳng tay đàn áp cũng có thể giải thích được nhiều chuyện.

Với sức mạnh quân sự trong tay, Chính quyền Việt Nam thừa sức diệt trừ - giết chết - những người biểu tình mà thế giới bên ngoài không thể biết được. Chế độ không bị đe dọa bởi những vụ biểu tình hay thậm chí nổi dậy lẻ tẻ trong các vùng đất hoang vu ít ai đặt chân tới như vậy. Và thật ra, các sắc dân thiểu số này cũng không hề có ý hướng lật đổ chế độ. Họ chỉ muốn cải thiện cuộc sống và có được những quyền tự do tối thiểu, từ thờ phụng đến sinh hoạt thường nhật.

Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn cảnh, người ta có thể kết luận khác.

Chuyện người Kinh bị cũng người Kinh, nhưng có chức có quyền, đàn áp và cướp đất hoặc cư xử tàn ác là hiện tượng bình thường. Dân khiếu kiện tụ tập biểu tình là điều đã xảy ra và ở mọi nơi. Vấn đề không phải là chủng tộc, tôn giáo hoặc thậm chí an ninh, mà là nạn bất công và cái ách tai ngược của một hệ thống chính trị không có tự do.

Tiến trình chuyển hóa kinh tế thiểu mạch lạc và bất cần tới công bằng xã hội là một nguyên nhân phổ biến. Khi chánh sách quản lý kinh tế sai lầm và bất lực lại gây biến động về giá cả như hiện nay, sự bất mãn của dân chúng, nhất là thành phần thấp cổ bé miệng, sẽ càng dễ bùng nổ.

Bất công xã hội giữa thành phần thị dân khá giả và đa số quần chúng nghèo khổ còn lại là một động lực bất ổn khác.

Chính quyền Việt Nam có thể thấy ra mối nguy đó, nhưng dù có muốn cải thiện cuộc sống của dân nghèo và quan tâm nhiều hơn đến các nan đề xã hội, từ y tế đến giáo dục, họ bị giới hạn bởi thực tế kinh tế chính trị Việt Nam - theo "định hướng xã hội chủ nghĩa": xâm phạm vào quyền lợi của các đảng viên cán bộ làm giàu nhờ sống bám vào hệ thống kinh tế nhà nước.

Sau Đại hội đảng Khoá 11 vào đầu năm nay và trước khi Quốc hội tổ chức việc tái bầu cử vào ngày 22 Tháng Năm này, lãnh đạo của đảng phải tìm thế cân bằng các thế lực kinh tế và dung hòa với hoàn cảnh công quỹ đang cạn kiệt. Nếu có so sánh với những vụ khiếu kiện, biểu tình hoặc thậm chí nổi dậy thì chuyện dung hòa ấy mới là ưu tiên lớn, vì chế độ vẫn nắm quyền đàn áp trong tay.

Khi có cái búa trong tay thì mọi vấn đề đều là cái đinh. Nhắm cho kỹ và đập cho mạnh là xong!

Tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội lại đùa với lửa vì những hậu quả quốc tế của việc đàn áp người Hmong trong khu vực biên giới với Lào và Trung Quốc.

Nhiều giới chức Việt Nam cho là những phần tử phản loạn này bị "bọn xấu nước ngoài" xúi giục và dân Hmong còn muốn gây rối nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên. Có thể lắm, nhưng dại dột nói đến Chiến thắng Điện Biên thì đừng quên bàn tay Trung Quốc! Góp phần đáng kể....

Đã không giải quyết được bài toán kinh tế xã hội ở bên trong mà lại còn để bùng nổ nhiều biến động trong các khu vực chiến lược tại Tây nguyên và vùng tiếp giáp với Trung Quốc và Lào, lãnh đạo Hà Nội đang tạo cơ hội cho nước ngoài điểm huyệt vào xương sống!

Và nước ngoài ở đây không là các mục sư hay linh mục Ky-tô giáo hoặc cả Hoa Kỳ đang có đầy những ưu tiên khác.... Chơi dại!


Tổng số lượt xem trang