Công điện của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội gởi đi ngày 2 tháng 3 năm 2005 và WikiLeaks đưa ra hôm 28 tháng 4 năm 2011 cho biết về tình trạng buôn người ở Việt Nam vào thời gian ấy.
|
Thiếu nữ Việt Nam được cảnh sát Cambodia giải thoát khỏi một nhà chứa ở Phnom Penh. (Hình: Gary Way/AFP/Getty Images) |
Trước hết công điện nói rằng Việt Nam là một nguồn bán đàn bà và trẻ con ra nước ngoài, hầu hết nạn nhân là thành phần kém học vấn, sống ở vùng nông thôn hay miền núi, tuổi từ 18 đến 40. Rất khó tìm được con số chính xác. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) nói rằng “hàng ngàn” mỗi năm, báo chí dẫn tin của cảnh sát nói 50,000 người trong thập niên vừa qua bị đưa đi làm mãi dâm, nhưng không cho biết xuất xứ thống kê ấy.
Hai thị trường mà phụ nữ Việt Nam bị đưa đến nhiều nhất là Trung Quốc và Cambodia, phụ nữ miền Bắc đi Trung Quốc và miền Nam đi Cambodia. Một số ít phụ nữ từ Sài Gòn và Ðồng Bằng Sông Cửu Long trong số 85,000 người lấy chồng Ðài Loan từ 1995 đến 2005 bị đưa vào động mãi dâm, ước lượng khoảng 100 người mỗi năm. Cambodia và Trung Quốc là những nơi phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân nhiều nhất. Cũng có nạn nhân ở Hong Kong, Macao, Malaysia nhưng chỉ là một con số rất nhỏ.
Không thấy trường hợp phụ nữ nước ngoài bị đưa vào Việt Nam.
Con đường buôn người thuận tiện nhất là ngang biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Cambodia và Trung Quốc, dễ dàng vượt qua không có giấy tờ và hầu hết các tổ chức buôn người tìm cách trình bày những nạn nhân như khách du lịch.
Tháng 7 năm 2004, Thủ Tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định thành lập một chương trình chống buôn bán phụ nữ và trẻ em với những biện pháp trừng phạt bọn buôn người. Mặt khác chính quyền chú trọng đến việc phát triển kinh tế ở vùng núi và nông thôn. Những sự kiện này chứng tỏ ở cấp cao, Việt Nam thực tâm có ý nguyện chống tệ nạn buôn người.
Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có khả năng giới hạn. Là một nước nghèo, tổng sản lượng bình quân trên đầu người năm 2004 chỉ có $537, vùng nông thôn và miền núi con số này thấp hơn nhiều. Biên giới quá dài 5,000 km trên đất liền chưa kể trên biển khiến cho sự kiểm soát khó khăn. Nhưng tình trạng tham nhũng ở nhiều cấp trong thực tế đã làm vô hiệu hóa những chính sách.
Chương trình cứu đói giảm nghèo cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những đối tượng trong hoàn cảnh khó khăn bao gồm những thành phần dễ trở thành mục tiêu cho các tổ chức buôn người đặc biệt là tại miền Bắc.
Việt Nam cũng tham gia vào những chương trình hợp tác liên quốc gia để ngăn chặn buôn người và tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ cho những nạn nhân. Năm 2004 chính phủ Việt Nam đã thành lập một quỹ xã hội trợ giúp cho những công nhân xuất khẩu lao động gặp khó khăn và tìm cách đưa họ trở về nước.
Mùa Hè năm 2004, UNICEF hợp tác với chính phủ Việt Nam và Trung Quốc tiến hành một chiến dịch thông tin quảng bá cho dân chúng và chính quyền địa phương về nạn buôn người, kỹ thuật của các tổ chức buôn người, những phương cách phát hiện ra những nạn nhân và các vấn đề liên hệ. Chiến dịch kéo dài một năm này cũng đề cập đến việc bảo vệ cho nạn nhân kể cả khám sức khỏe cho người hồi hương. Mục tiêu của UNICEF là nhằm giảm thiểu việc buôn người qua biên giới và tạo một dư luận quần chúng chống buôn người.
Tại Việt Nam chiến dịch dân vận này nhắm chủ điểm vào các tỉnh biên giới Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, ở miền Bắc và An Giang, Ðồng Tháp ở miền Nam. UNICEF ước lượng có 4,000 người được tác động trực tiếp và hàng triệu người khác được tác động gián tiếp qua truyền hình, truyền thanh và báo chí.
Các tổ chức phi chính phủ có chương trình hoạt động tại Việt Nam bao gồm: Oxfam Quebec, Canada; Save the Children, Anh và Thụy Ðiển cùng các cơ quan Liên Hiệp Quốc như UNICEF, IOM, ILO, Asia Foundation, UNIAP, v.v.
Tổng cộng các cơ quan và tổ chức này đã chỉ chi tiêu dưới $5 triệu mỗi năm. Nhiều dự án chỉ có tầm vóc nhỏ và kết quả hành động có giới hạn.
Bản báo cáo ký tên tham vụ chính trị Benjamin Moeling, nói chung cho rằng Việt Nam đã tự có những nỗ lực tích cực trên nhiều lãnh vực cũng như hợp tác với quốc tế để giảm thiểu và chặn đứng tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em ra nước ngoài. Báo cáo không đưa ra một nhận định và dự đoán tình hình trong thời gian tiếp theo. (H.C.)