SGTT.VN - Lãi suất tăng cao, ngân hàng không giải ngân cho lao động xuất khẩu khiến nhiều người lâm vào cảnh thủ tục đã hoàn thành mà không có đủ tiền để nộp, đành phải hoãn bay.
Khác với trước đây, năm 2011, ngân hàng không giải ngân cho lao động xuất khẩu khiến nhiều người phải hoãn bay. |
Không kịp xoay xở với ngân hàng
Cả tuần nay anh Vũ Quang Minh tại Văn Lâm, Hưng Yên như ngồi trên đống lửa. Cách đây tám tháng, anh Minh đăng ký đi sang Đài Loan làm việc trong nhà máy. Qua mấy tháng học giáo dục định hướng trước khi đi và đào tạo sơ qua về nghề, cộng thêm mấy tháng chờ đợi tới nay Minh đã có visa, lịch xuất cảnh và giấy báo hoàn thành khoản tiền phải nộp, tổng cộng tới cả trăm triệu đồng. “Tôi đã làm thủ tục vay ngân hàng, trước đây nhiều người ở huyện đi Đài Loan cũng vay được nhưng giờ ngân hàng không cho vay nữa”, anh Minh cho biết. Sắp đến hạn nộp tiền, chưa vay được ngân hàng anh Minh không biết xoay sở khoản tiền ấy thế nào, đi vay ngoài thì lãi suất cao tới 3%/tháng, thậm chí phải vay lãi ngày.
Khoảng hai tháng trở lại đây, không ít lao động như anh Minh bị ngân hàng từ chối cho vay vốn trước khi xuất cảnh. Đã có nhiều lao động hoàn thành thủ tục, đã có visa nhưng vì không vay được tiền nên đành phải ở lại. Không chỉ lao động mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng không biết xoay sở thế nào khi lao động không bay được vì thiếu vốn.
Lịch bay cho 100 lao động của công ty cổ phần xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC) sang UAE làm việc đã được chủ sử dụng lên trong tháng 5 nhưng tới nay, số lao động này vẫn chưa xuất cảnh được vì không đủ tiền nộp. Ông Nguyễn Trọng Cường, trưởng phòng Trung Đông của công ty TTLC cho biết: “Hiện mới có khoảng 3/4 số lao động nộp tiền nhưng cũng chưa đủ. Ngân hàng từ chối cho vay đột ngột quá khiến cả doanh nghiệp và người lao động không kịp xoay sở”. Đến thời điểm này, ông Cường cũng chưa thể khẳng định với đối tác là số lao động này có xuất cảnh đủ và đúng thời điểm hay không.
Người lao động thiệt thòi
Tới nay, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng các doanh nghiệp đánh giá việc khó vay vốn ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những lao động xuất cảnh đi Đài Loan và Trung Đông. Lao động đi Malaysia phần lớn ở các huyện nghèo nên được vay vốn qua ngân hàng chính sách. Lao động đi Trung Đông, Đài Loan (mức phí từ 40 – 150 triệu đồng) chủ yếu vay tiền ngân hàng thương mại, ngân hàng nông nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Simco Sông Đà cũng cho biết, một số lao động của công ty này do không vay được tiền ngân hàng cũng không vay nợ được bên ngoài đã phải ở lại. Trong trường hợp này, người lao động thiệt thòi rất nhiều như mất thời gian chờ đợi, mất các khoản phí học giáo dục định hướng, phí làm hồ sơ… Bà Hạnh cho biết, doanh nghiệp cũng có làm việc với ngân hàng để bàn cách tháo gỡ nhưng không kết quả. “Ngân hàng đặt ra nhiều yêu cầu phụ khiến lao động không thể đáp ứng được”, bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Trọng Cường cho biết, công ty TTLC đang phải tính đến phương án cho lao động nợ chi phí xuất cảnh và sẽ trừ dần vào lương sau này. Ông nói: “Chúng tôi mở tài khoản cho lao động tại ngân hàng tại Việt Nam, làm việc với chủ sử dụng lao động trả lương vào tài khoản đó cho lao động và chúng tôi nhờ ngân hàng trừ dần tiền vào tài khoản lương của lao động”.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế cho số lao động đã có visa nhưng không có đủ tiền để xuất cảnh. Bởi trong trường hợp lao động không xuất cảnh được thì thiệt hại không chỉ với người lao động mà với cả doanh nghiệp. Với những hợp đồng cung ứng đang trong thời gian hoàn thành thủ tục, lao động chưa có visa, doanh nghiệp không dễ chấp nhận rủi ro về phía mình như vậy.
bài và ảnh: Tây Giang