Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Một sinh viên trường y bị đuổi học vì hoạt động dân chủ

Sinh viên Từ Anh Tú
Sinh viên Từ Anh Tú
- -Một sinh viên trường y bị đuổi học vì hoạt động dân chủ
 Một sinh viên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên phổ biến trên internet đơn khiếu nại kêu cứu về việc bị nhà trường buộc phải thôi học vĩnh viễn và bị chính quyền khủng bố tinh thần sau khi anh đọc những bài viết về dân chủ và công khai cổ súy phong trào dân chủ trong nước. Trao đổi với Tạp chí Thanh Niên, sinh viên Từ Anh Tú từ Bắc Giang thuật lại câu chuyện của mình.
Anh Tú: "Quyền tự do tìm hiểu, trao đổi thông tin là những quyền cơ bản nhất của con người. Chính quyền không được cấm người ta đọc hay ép buộc người ta theo một lề lối nào đó."

Anh Tú: Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tôi bị đuổi học xuất phát từ việc tôi đã đọc 4 bài viết trên mạng tại một quán nét trước cổng trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Tôi bị công an tạm giữ ngày 16/5.

Trà Mi: Bốn bài viết đó nội dung thế nào khiến bạn gặp rắc rối như vậy?
Anh Tú: Một bài viết về việc dân oan ở Vinh khiếu kiện, một bài về sinh viên Nguyễn Anh Tuấn công khai việc anh có những tài liệu liên quan tới Cù Huy Hà Vũ, một bài về cuộc đình công ở một nhà máy tại Hà nội, và một bài nói về vụ của ông Cù Huy Hà Vũ.

Trà Mi: Trước đó bạn có các hoạt động nào bị chú ý không?

Anh Tú: Cuối năm 2010, tôi tham gia viết, vẽ khẩu hiệu Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam (HS-TS-VN) tại một số nơi quanh các trường đại học, cao đẳng ở thành phố Thái Nguyên. Tôi cũng có một bài viết lên mạng kêu gọi mọi người tham gia hưởng ứng phong trào đó. Công an họ phát hiện, họ cũng bắt giữ, thẩm vấn tôi trong nhiều ngày.

Trà Mi: Ngoài việc tham gia vẽ khẩu hiệu HS-TS-VN, viết bài về Hoàng Sa-Trường Sa, và đọc 4 bài viết về dân chủ ‘nhạy cảm’ như vậy, bạn có những hoạt động nào khác nữa cũng có thể gây ra những khó khăn cho bạn hay không?

Anh Tú: Năm 2007, tôi cũng có đăng ký tham gia đảng Dân chủ thế kỷ 21 của ông Hoàng Minh Chính. Tôi cũng gặp gỡ một số nhà dân chủ hiện đã bị bắt ở tù như Trần Anh Kim.

Trà Mi: Những hoạt động bạn vừa cho biết là những hoạt động quan tâm đến dân chủ và muốn tham gia hòa mình vào phong trào dân chủ, một việc rất ‘nhạy cảm’ở Việt Nam. Lý do nào khiến bạn tiếp tục quan tâm đến những lĩnh vực này dù bạn đã gặp không ít khó khăn?

Anh Tú: Đó là các quyền cơ bản của con người. Tôi muốn mình có đầy đủ những quyền đó. Chính vì vậy, tôi muốn thực hiện và đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Những quyền cơ bản của con người cần phải được tôn trọng, nhưng nhiều khi họ áp đặt thái quá. Tôi muốn đấu tranh để dành lại những quyền đó.

Trà Mi: Ý thức đấu tranh, đòi hỏi, quan tâm đến dân chủ của bạn xuất phát từ khi nào?

Anh Tú: Có lần tôi được đi bầu quốc hội năm 2006, tôi thấy nó giống như một trò hề. Đa số mọi người đi bầu mà không biết mình bầu cho ai. Tôi nghĩ các hành động của tôi đã làm chính quyền sợ rằng tôi sẽ tuyên truyền cho rất nhiều những người khác, làm cho mọi người hiểu ra những quyền lợi cơ bản nhất của mình.

Trà Mi: Ngược lại, về phần mình, khi bạn có những hành động đó, bạn có sợ những hiểm nguy, rắc rối sẽ đến với bản thân mình thế nào không?
Anh Tú: Tôi ý thức rằng đến lúc họ phát hiện, họ sẽ gây khó khăn cho tôi, nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ dừng bước vì tôi muốn có một xã hội tự do và công bằng hơn.

Trà Mi: Nhưng để tiến tới những điều bạn vừa nói, đã có không ít người phải hy sinh. Gương của các nhà dân chủ, kết cục của họ như thế nào, Tú có biết điều đó không? Khi quan tâm đến vấn đề này, suy tư, trăn trở nhất của bạn là gì?
Anh Tú: Tôi hoàn toàn ý thức được rằng có thể một ngày nào đó mình cũng sẽ như những người đó, nhưng khát vọng đấu tranh cho một xã hội tự do-công bằng luôn cháy bỏng trong tâm trí tôi. Chính vì vậy, tôi sẽ tiếp tục.

Trà Mi: Có thể nói trăn trở lớn nhất của bạn không phải là những khó khăn mà bạn có thể gặp phải, mà chính là làm thế nào để nền dân chủ Việt Nam được cải thiện hơn. Ngoài việc bị buộc thôi học, còn những sự việc nào xảy ra với bạn sau khi bạn có các hoạt động liên quan tới dân chủ?

Anh Tú: Công an gây rất nhiều sức ép lên gia đình tôi, đưa ra những lời đe dọa đến  gia đình. Tôi đã phải làm việc rất nhiều lần với chính quyền. Còn về phía nhà trường, sau khi nhận được quyết định bị buộc thôi học, tôi có làm đơn khiếu nại. Trường có mời tôi lên gặp một buổi vào ngày 24/6.
Trà Mi: Những vấn đề họ đặt ra, những yêu cầu mà phía nhà trường và chính quyền đề ra với bạn là gì?
Anh Tú: Xoay quanh 2 vấn đề, một là đơn khiếu nại của tôi. Tôi yêu cầu hiệu trưởng phải nói rõ tôi đã vi phạm điều gì trong các khoản 6,7,8 (những điều học sinh-sinh viên không được làm). Thứ hai, tôi cũng yêu cầu hiệu trưởng phải hủy quyết định buộc tôi thôi học.

Trà Mi: Họ hồi đáp yêu cầu của bạn thế nào?

Anh Tú: Họ nói tôi có thắc mắc gì hãy đến cơ quan an ninh điều tra Thái Nguyên. Họ chỉ biết là tôi đã vi phạm.

Trà Mi: Trong văn bản chính thức buộc bạn thôi học, họ ghi lý do thế nào?

Anh Tú: Họ nói tôi vi phạm điều 6, 7, 8 trong quy chế những điều học sinh-sinh viên không được làm.

Trà Mi: Trong những buổi làm việc với chính quyền, họ có nói bạn vi phạm điều gì cụ thể không?

Anh Tú: Họ bảo tôi vi phạm điều 88, tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Trà Mi: Đối với những người vi phạm điều 88, nếu có đầy đủ chứng cớ, cơ sở kết luận, thì họ truy tố. Đó là điều thường thấy ở Việt Nam. Còn đối với trường hợp của bạn, họ nói thế nào?

Anh Tú: Họ thường nói muốn tiếp tục tạo điều kiện cho tôi được học và trở thành một người tốt hơn.

Trà Mi: Điều họ nói là ‘tạo điều kiện cho bạn học tập’ với quyết định buộc bạn thôi học, bạn hiểu thế nào về sự mâu thuẫn này? Và bạn có tìm lời giải đáp từ phía những người hữu trách không?

Anh Tú: Họ nói tôi đã nhiều lần vi phạm, không thể sửa đổi được. Họ nói tôi đang được sống trong một môi trường xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo, thì phải theo đảng cộng sản, không được chống lại.

Trà Mi: Điều 88 quy định ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ là một cái tội. Những việc bạn làm bị quy vi phạm điều 88, quan điểm cá nhân của bạn ra sao?

Anh Tú: Những việc tôi làm hoàn toàn đúng pháp luật. Tôi chỉ đấu tranh cho một xã hội tự do hơn, công bằng hơn. Luật pháp Việt Nam cũng không cấm người ta bàn luận về chính trị. Giữa hiến pháp và điều 88 có sự mâu thuẫn rất lớn. Hiến pháp thì nói người ta có quyền đọc và tự do tìm hiểu thông tin trong khi điều 88 lại quy định cụ thể rằng không được tuyên truyền chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Tôi nghĩ làm việc gì cũng phải đặt lương tâm của mình lên hàng đầu. Tôi làm những việc đó theo đúng lương tâm và trách nhiệm của mình đối với tổ quốc. Chính họ, chứ không phải tôi, là người vi phạm. Quyền tự do tìm hiểu, trao đổi thông tin là những quyền cơ bản nhất của con người. Chính quyền không được cấm người ta đọc hay ép buộc người ta theo một lề lối nào đó. Tôi đang đấu tranh cho sự tự do của đất nước Việt Nam và tôi hy vọng sẽ có nhiều người cùng tôi đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ hơn. Xã hội dân chủ hơn sẽ không gây hại cho bất kỳ ai, kể cả đảng cộng sản. Tôi không chắc tôi sẽ được ở ngoài hay vào tù trong thời gian nữa. Nhưng dù ở tù hay ở ngoài, tôi sẽ vẫn tiếp tục con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ hơn. Đó là sự lựa chọn của tôi. Khi đấu tranh cho việc chung lớn hơn, mình sẽ phải hy sinh những cái tôi cá nhân của bản thân mình.

Trà Mi: Bạn dự định thế nào cho tương lai khi mà giờ đây con đường học vấn của bạn đang gặp trở ngại?

Anh Tú: Chắc chắn tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhưng mình phải vượt qua thôi. Cũng có một số người muốn giúp tôi về công việc, nhưng tôi vẫn còn đang suy nghĩ.
Sự ủng hộ từ công luận
Sau khi đơn khiếu nại của Anh Tú được công khai trên các trang mạng internet, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với người sinh viên năm hai trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên này. Trong số này có cụ bà Lê Hiền Đức, một tiếng nói khẳng khái chống tiêu cực được nhiều người biết đến và cũng là một cựu giáo chức 30 đóng góp trong ngành giáo dục Việt Nam:

“Tôi Lê Hiền Đức, 80 tuổi, rất quan tâm đến vấn đề tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ không phải 1 cháu Tú, mà hàng ngàn, hàng triệu sinh viên vào mạng đọc tài liệu. Chính tôi cũng đọc. Còn như thế nào là lề trái, lề phải, tôi không bàn luận. Các cháu có quyền tìm hiểu mọi thông tin trên mạng, nhưng nó có làm gì phản động hay không. Đấy mới là chuyện. Chứ còn đọc mà vi phạm thì bây giờ đừng cho nối mạng, cấm hết tất cả đi. Ngay cháu Nguyễn Anh Tuấn còn tự thú rằng đã đọc và lưu trữ tài liệu này kia cơ mà. Còn cháu Tú có thể không biết cách tự thú, chứ nếu biết, tôi chắc cháu cũng tự thú thôi. Đuổi một em để làm tiếng chuông báo cho các em khác đừng làm theo, tôi thấy bất công quá. Tôi bức xúc là vì chuyện đuổi học em Tú.”

Ngoài sự chia sẻ về tinh thần, sinh viên Từ Anh Tú cũng nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ những người đồng cảm, trong đó có ông Hoàng Văn Trung, chủ một doanh nghiệp về kỹ thuật ở Hà Nội. Ông Trung đã mời Anh Tú về làm việc cho công ty mình. Ông nói:

“Tôi chỉ đứng góc độ là một quan sát viên, một người cảm tình. Tôi rất phục cái tâm của em Tú. Hành động của em cần để mọi người học tập. Tôi muốn giúp đỡ em, mời em đến doanh nghiệp tôi làm. Tôi rất cảm kích những con người dân chủ đã hy sinh quyền lợi cá nhân để làm việc lợi ích cho dân, cho nước. Tôi rất quý trọng họ. Em là một trí thức trẻ mà em có nhận định như vậy là đúng. Xã hội này là đúng như thế. Hệ thống cộng sản này thiết lập một nhà nước độc tài quá, càng ngày càng làm dân khổ. Tôi thấy cần phải có thay đổi, cần có lớp trẻ làm việc đấy. Thực tế em chỉ có tư tưởng ôn hòa thôi. Em không phải là người dùng bạo lực làm gì thiệt hại tới ai cả. Tư tưởng thế là tốt. Xã hội cần đổi mới tốt lên cần phải có những người đối kháng. Những người trẻ dám nghĩ, dám làm như thế, tôi rất phục. Điều 88 của nhà nước chẳng qua để chụp mũ cho mọi người khiếp sợ. Những người hiểu biết thì họ không sợ, như luật sư Cù Huy Hà Vũ đấy. Nếu họ sợ thì họ đã không làm. Ông Vũ dũng cảm làm điều như thế, mọi người vẫn ủng hộ ông. Bao nhiêu bức xúc vì bao nhiêu cái hệ thống cộng sản đã đem lại cho cả dân tộc. Những người có lương tâm với dân tộc, với đất nước, không ai không đồng lòng, ít nhiều trong tư tưởng, chưa kể tới hành động. Không được vùi dập một thanh niên có tư tưởng tốt cho dân tộc, dân chủ như thế. Đất nước vẫn còn nhiều thanh niên như thế thì tương lai nước mình sẽ tốt lên.”
Câu trả lời từ giới hữu trách
Giới hữu trách liên quan tới việc đuổi học sinh viên Anh Tú cả phía nhà trường và phía chính quyền đều từ chối bình luận. Cô Nông Hoàng Gia, thành viên trong Hội đồng Kỷ luật của trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, nói:

“Việc này mời chị đến trường. Chúng tôi cũng chỉ là cán bộ ở trường. Trả lời việc này chính xác phải là những người có trách nhiệm.”

Thầy Hoàng Việt Ngọc, thuộc Phòng Quản lý học sinh-sinh viên của trường, cũng từ chối khéo:

“Cái này đến trường tôi trả lời chị nhé.”

Hỏi thăm một trong những người chỉ đạo việc bắt giữ và thẩm vấn sinh viên Anh Tú là công an Dương Văn Tuấn, Trà Mi cũng nhận được hồi đáp tương tự:

“Tôi chỉ trả lời những ai đến đây làm việc trực tiếp với tôi thôi nhé.”


- Công an chủ quản trường học?
 Hay tin về việc cháu Từ Anh Tú bị Trường cao đẳng y tế Thái Nguyên đuổi học vĩnh viễn một cách rất vô lí, tôi đã tìm địa chỉ thư điện tử, số điện thoại của cháu rồi liên lạc để thăm hỏi, động viên và tìm hiểu rõ thêm thông tin.
Trên cơ sở đó, tôi đã gọi điện trao đổi, chất vấn một số quan chức mà tôi cho là có trách nhiệm trực tiếp trong vụ này. Cũng như hầu hết quan chức khác, trong hầu hết vụ việc khác, tôi lại bị "đá" vòng quanh.

Bộ giáo dục và đào tạo bảo tôi rằng phải hỏi bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Quốc Triệu vì đó mới là cơ quan chủ quản Trường cao đẳng y tế Thái Nguyên, nơi cháu Tú theo học.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng y tế Thái Nguyên Hoàng Anh Tuấn sau hàng chục lần từ chối cuộc gọi từ số máy của tôi, đã nghe máy khi tôi gọi từ một số máy khác. Câu trả lời là: "Cháu làm việc này theo sự chỉ đạo của Công an".
Sĩ quan an ninh Bùi Văn Chính thì nói: "Mời bác đem giấy giới thiệu đến Công an tỉnh Thái Nguyên để làm việc. Tôi không thể trả lời bác được".
Ô hay, Bộ giáo dục và đào tạo có hẳn một vụ mang tên "Công tác học sinh, sinh viên, một vụ giáo dục chuyên nghiệp và một vụ giáo dục đại học” mà Bộ lại không có tí trách nhiệm, liên quan gì trong việc Tú bị đuổi học ư?
Hiệu trưởng Tuấn nói mình làm theo chỉ đạo của Công an, như thế phải chăng Công an mới là cơ quan chủ quản đích thực của Trường cao đẳng y tế Thái Nguyên?
'Nghĩ đúng, làm đúng'
Một bà lão ngoại bát tuần, một giáo viên tiểu học nghỉ hưu đã mấy chục năm như tôi, muốn tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, muốn có tiếng nói và hành động góp phần làm rõ sự thật, bảo vệ lẽ phải, bênh vực người ngay, vạch mặt kẻ gian thì phải xin giấy phép, giấy giới thiệu từ tổ chức nào, cơ quan nào?
Bảo cháu Tú vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự, tại sao Công an không bắt giữ cháu, Viện kiểm soát không truy tố cháu, Tòa án không xử tù cháu?
Nếu quả thật cháu Tú vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự khi công khai tới điểm dịch vụ Interrnet, vào mạng đọc tài liệu, đồng thời lưu giữ trong máy tính cá nhân 4 bài viết mà cháu đã nêu tên thì cháu Nguyễn Anh Tuấn ở Học viện chính trị và hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cùng hàng vạn, hàng triệu cháu khác cũng vi phạm. Sao cháu Tuấn "tự thú" đã lâu mà tới giờ vẫn chưa bị đuổi học?
Tôi nghĩ cháu Tú rõ ràng không sai phạm gì, ngược lại còn rất đáng biểu dương vì đã dũng cảm thể hiện sự quan tâm tới cuộc sống vất vả của dân thường, tới tình hình của đất nước, tới vận mạng của dân tộc.
Lê Hiền Đức
Liệu cơ quan công an có phát hiện được hết, các trường cao đẳng, đại học có đuổi được hết những cháu như Tú, như Tuấn không?
Tôi nghĩ cháu Tú rõ ràng không sai phạm gì, ngược lại còn rất đáng biểu dương vì đã dũng cảm thể hiện sự quan tâm tới cuộc sống vất vả của dân thường, tới tình hình của đất nước, tới vận mạng của dân tộc.
Các quan chức như ông hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn và viên công an Bùi Văn Chính có nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu Tú dành phần lớn thời gian, công sức vào việc đấu tranh để chứng tỏ mình đã nghĩ đúng, làm đúng thay vì học xong, ra đi làm bình thường như hàng vạn, hàng triệu sinh viên khác?
Các vị trong Bộ Giáo Dục, hiệu trưởng Tuấn, viên công an Chính có nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu Tú được ai đó giúp du học để có trình độ và bằng cấp xứng đáng?
Nhà báo Đào Tuấn đang lo nếu Quốc hội Hoa Kỳ ra nghị quyết phê phán Trung Quốc gây hấn ở biển Đông, Quốc hội Việt Nam sẽ chẳng biết kiếm đâu ra lỗ nẻ để mà chui.
Tôi thì nghĩ nếu có một trường cao đẳng, đại học nào đó ở nước ngoài mời Tú sang tiếp tục học tập, các vị như Tuấn, Chính cũng sẽ chẳng biết kiếm đâu ra lỗ nẻ để mà chui.
Bà Lê Hiền Đức được giải thưởng Liêm Chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2007.

- Đơn khiếu nại của bạn Từ Anh Tú về quyết định buộc thôi học trái pháp luật(CHHV).-Sinh viên bị đuổi học vì đọc tin trên mạng BBC-Một sinh viên cao đẳng y tế ở Việt Nam bị đuổi học vì đọc các tin tức và tài liệu bị cho là "phản động" trên mạng internet.
Từ Anh Tú, nguyên sinh viên trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, nói với BBC rằng Quyết định số 1080 QD/ CĐYT về việc buộc thôi học do Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn ký đã được đưa ra hôm 02/06.
Nguyên nhân đuổi học được giải thích là vì Tú đã "vi phạm nhiều lần khoản 7, 8 Điều 6 quy định các hành vi HSSV không được làm của Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy”.

Các khoản 7 và 8 Điều 6 cấm học sinh, sinh viên làm một số việc , trong có tàng trữ, sử dụng hoặc phát tán "các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước;"; và "thành lập hay tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật".
Hiện Từ Anh Tú, 25 tuổi, đã phải về nhà ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Anh cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhưng không được phản hồi.
Hôm 14/06, thanh niên này gửi tiếp đơn khiếu nại lên Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận để phản đối quyết định của trường, mà "cả tôi và gia đình cùng thấy là hết sức vô lý và bất công".

-Chống Trung Quốc là vi phạm pháp luật Việt Nam? Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2011-06-11
Một sinh viên của trường Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên vì ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước và chống Trung Quốc bành trướng xâm lược đã bị cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Ngoài ra sinh viên này còn bị nhà trường kỷ luật cho nghỉ học vĩnh viễn vì những lời buộc tội này. Để có thêm chi tiết  về vụ việc Mặc Lâm có buổi phỏng vấn người thanh niên này, mời quý vị theo dõi.


Trước hết là giới thiệu của sinh viên Từ Anh Tú.

Vi phạm điều 88

Từ Anh Tú: Tôi là Từ Anh Tú, sinh năm 1986 và hiện nay đang ở Bắc Giang.
Mặc Lâm: Tú có thể cho biết chính xác chuyện gì xảy ra vào ngày 13-5-2011 không ạ?


Từ Anh Tú: Ngày hôm ấy tôi đang ngồi trong tiệm internet trước Trường Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên thuộc thành phố Thái Nguyên, đang đọc tin tức thì một nhóm công an gồm khoảng trên dưới 20 người ập vào và khống chế tôi. Sau đó thì họ tiến hành thẩm vấn ngay tại quán, từ 10 giờ cho đến 12 giờ trưa, tiếp tục sau đó thì họ đưa lên đồn công an và thẩm vấn đến tối thì họ thả về, và ngày hôm sau tiếp tục thẩm vấn.
Mặc Lâm: Sau chuyện thẩm vấn này thì họ cáo buộc anh về tội gì?
Từ Anh Tú: Dạ, họ cáo buộc tôi là vi phạm cam kết trước đây với cơ quan công an và vi phạm vào điều 88.
Mặc Lâm: Như vậy là trước đây Tú cũng đã bị công an bắt một lần rồi, phải không ạ?
Từ Anh Tú: Trước đây tôi cũng đã bị công an bắt và thẩm vấn rất nhiều lần, có những lần kéo dài một tuần liền.
Mặc Lâm: Và rồi ngay ngày 13 tháng 5 sau khi bị bắt thì họ có phát hiện trong máy computer Tú đang xài có những gì trong đó?
Thì họ có nói rằng tôi đã vi phạm cam kết trước đây mà họ đã ép tôi cam kết là không được mở ra những hòm thư, không được liên lạc hay là không được nhận bài viết ạ.
Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Khi đó thì trong mail của tôi có 4 bài viết ạ. Đó là bài viết về dân oan ở Vinh biểu tình khiếu kiện; thứ hai là về việc đình công tại một nhà máy ở Hà Nội; thứ ba là về việc sinh viên Nguyễn Anh Tuấn công khai nói là có tài liệu của ông Cù Huy Hà Vũ; thứ tư là một bài viết về ông Cù Huy Hà Vũ.
Mặc Lâm: Vâng. Theo như chúng tôi nhận thấy thì cả 4 bài này đều không có cái gì gọi là vi phạm cái luật 88 như họ nói thì Tú có nói với họ chứng minh là vi phạm như thế nào không? Và họ đã nói như thế nào?
Từ Anh Tú: Thì họ có nói rằng tôi đã vi phạm cam kết trước đây mà họ đã ép tôi cam kết là không được mở ra những hòm thư, không được liên lạc hay là không được nhận bài viết ạ. Tôi nhận thấy đấy là một cái yêu cầu hết sức vô lý nên tôi tiếp tục lập ra những hòm thư để liên lạc với các bạn bè ở trên mạng. Và tôi thấy đấy là một chuyện hết sức bình thường và không hề vi phạm.

Bị đuổi học


Tuy nhiên những hành động đó đều bị công an Thái Nguyên coi rằng là mình đã vi phạm và không tôn trọng quyết định trước đây của họ, và họ lại tiếp tục một lần nữa về trường và yêu cầu nhà trường tiến hành kỷ luật. Sau đó, ngày 22 thì họ lại yêu cầu gia đình tôi lên, họ yêu cầu bố và mẹ tôi từ Bắc Giang lên Thái Nguyên mà lại không có thông báo trước cho tôi, cho đến khi bố mẹ tôi đứng trước mặt thì họ mới bắt đầu thông báo rằng "Bố mẹ cậu đã lên!". Đến ngày 30 thì họ tiếp tục về trường và yêu cầu trường có kỷ luật. Và ngày mùng 2 tháng 6 thì chính thức nhà trường ra quyết định đuổi học, buộc thôi học trở về địa phương với gia đình tôi ạ.
Mặc Lâm: Khi nhà trường ra quyết định kỷ luật thì họ dựa vào lý do nào để đuổi học Tú?
Từ Anh Tú: Họ quy kết vào điều tôi đã vi phạm khoản 7-8 điều 6 về những việc mà học sinh sinh viên không được làm và buộc tôi phải rời nhà trường ngay trong ngày hôm ấy.
Mặc Lâm: Tú có thể cho biết điều khoản quy định sinh viên không được làm thì cụ thể là như thế nào không ạ?
Đến ngày 30 thì họ tiếp tục về trường và yêu cầu trường có kỷ luật. Và ngày mùng 2 tháng 6 thì chính thức nhà trường ra quyết định đuổi học, buộc thôi học trở về địa phương với gia đình tôi ạ.
Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Trong phần 7 thì nói chung là quy định rất nhiều, chẳng hạn những việc sinh viên học sinh không được làm như là tàng trữ vận chuyển buôn bán trái phép chất nổ, hay là tàng trữ lưu hành và phát tán tài liệu có nội dung phản động, vân vân, nói chung là quy định rất nhiều ạ.
Nhưng mà ở trong cái thông báo của quyết định đuổi học thì ông hiệu trưởng chỉ nói chung chung, tức là "sinh viên Từ Anh Tú đã vi phạm vào khoản 7-8, điều 6 Quy định sinh viên học sinh, buộc thôi học trở về địa phương". Tức là trong cái thông báo quyết định đuổi học đấy thì không có một cái gì rõ nét ạ, kể cả thông báo gửi về địa phương tức là thông báo với địa phương về quyết định đuổi học tôi thì họ cũng không nói rõ mà chỉ nói chung chung là Tú đã vi phạm vào phần 7 và 8 điều 6 của quy định sinh viên ạ.

Không bao giờ dừng bước

Mặc Lâm: Vâng. Tú có thể cho biết là sau khi bị cáo buộc vi phạm điều 88, nếu mà được nói rõ ràng ngày hôm nay thì Tú sẽ nói về vấn đề gì? Tú có vi phạm điều này hay không?
Từ Anh Tú: Dạ. Tôi khẳng định là tôi không vi phạm vào điều ấy, vì tôi phải được tự do tìm hiểu chứ, tự do tìm hiểu thông tin. Đấy là chuyện hết sức bình thường trong bất kỳ xã hội văn minh nào cũng đều được phép, bởi vì tôi tìm hiểu những thông tin ngoài lề hay là "lề phải" hay "lề trái" thì đấy là việc hết sức bình thường.
Mặc Lâm: Vâng. Cho tới giờ, sau khi bị đuổi học thì Tú còn bị công an kêu lên để làm việc nữa hay không? Hay là họ vẫn theo dõi một cách âm thầm?
Từ Anh Tú: Dạ vâng. Sau khi về quê thì cho đến giờ phút này tôi chưa bị công an gọi lên để thẩm vấn, nhưng mà hiện tại thì cuộc sống đang rất nhiều khó khăn, tại vì hiên tại tôi đang bị rất nhiều áp lực không chỉ về phía gia đình còn từ phía xã hội nữa.
Đa số bạn bè tại Thái Nguyên đều ủng hộ và rất là tán thành việc tôi làm, nhưng mà không hiểu sao những việc đấy lại bị hội đồng kỷ luật nhà trường mà đứng đầu là ông hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn ra quyết định kỷ luật và cơ quan công an Thái Nguyên lại phản ứng một cách gay gắt như vậy.
Mặc Lâm: Và sau vụ việc này thì Tú có nghĩ rằng sẽ làm một đơn khiếu nại để gửi lên những cấp chức trách cao hơn hay không?
Chừng nào mà còn những hòn đảo của Việt Nam chưa trở về với tổ quốc thì chừng đó tôi sẽ không bao giờ dừng bước.
Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Dạ vâng. Hiện tại tôi đã gửi một đơn khiếu nại, nhưng mà trước hết theo như luật định thì đơn khiếu nại phải gửi cho chính người ra quyết định đấy ạ. Tôi đã gửi đơn khiếu nại cho chính ông hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn của Trưởng Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên.
Mặc Lâm: Vâng. Khi mà bị quyết định buộc thôi học thì Tú đang học những gì và năm thứ mấy rồi?
Từ Anh Tú: Dạ, tôi lúc đấy đang học ngành điều dưỡng của Trường Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên và tôi chỉ còn một năm nữa là ra trường. Sau khi ra trường thì tôi sẽ học cử nhân điều dưỡng.
Mặc Lâm: Trước một tình hình đen tối như vậy, Tú có muốn chia sẻ gì với những bạn đồng trang lứa, đồng lý tưởng với mình hay không?
Từ Anh Tú: Trước hết tôi muốn nói rằng vấn đề của tôi không phải là vấn đề của một cá nhân mà là một vấn đề của cả xã hội, vấn đề của một hệ thống, của chế độ. Và tôi nghĩ rằng tôi không phải là trường hợp duy nhất, mà trong xã hội này còn rất nhiều trường hợp như tôi.
Và tôi hứa rằng dù gặp bất kỳ trường hợp khó khăn nào thì tôi cũng không bao giờ dừng bước trên con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ hơn, và nhất là chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chừng nào mà còn những hòn đảo của Việt Nam chưa trở về với tổ quốc thì chừng đó tôi sẽ không bao giờ dừng bước. Và tôi mong rằng tất cả các bạn trẻ hãy dũng cảm đứng lên đấu tranh để làm gì cho tổ quốc.-Cảm ơn A báo tin:

-Bị kỷ luật buộc thôi học chỉ vì ủng hộ …
Kính gửi các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống truyền thông trong, ngoài nước và quốc tế!
Kính thưa toàn thể quý vị, quý các cơ quan !

Tên tôi thật là : Từ Anh Tú - nam giới. Tôi được sinh ngày : 06/ 07/1986
Cách trước đây chỉ có mấy ngày, tôi còn là sinh viên trường Cao đẳng Y Tế Thái Nguyên (CĐYT), nhưng nay tôi đã bị kỷ luật buộc thôi học chỉ vì ủng hộ tinh thần công cuộc đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước và chống Trung Quốc bành trướng xâm lược biển, đảo của tổ quốc Việt Nam chúng ta. Còn địa chỉ chỗ ở cùng gia đình tôi, sau khi bị nhà trường cùng cơ quan an ninh buộc phải trở về quê nhà để giao cho chính quyền, công an địa phương tiếp tục “quản lý, theo dõi, giáo dục”, là thuộc : thôn Đại Phú, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang

Hôm nay ngày 03/06/2011 tôi muốn viết lá thư này gửi tới các cơ quan ngôn luận để can thiệp giúp tôi về những việc tôi đã bị đàn áp, áp bức rất khốc liệt trong thời gian qua. Lý do chỉ vì tôi thường xuyên hay xem tin tức, đọc tài liệu, bài vở trên Mạng internet, cụ thể diễn biến xin được tạm tóm tắt như sau :
Hồi 10 h sáng ngày 13/ 05/ 2011 khi tôi đang ngồi xem tìm hiểu tin tức tại quán internet trước cổng trường thì bị một nhóm công an, mật vụ an ninh bảo vệ chính trị đông khoảng 20 người ập đến khống chế và bắt giữ. Họ tuyên bố với lý do là những thứ tôi đang đọc trên Mạng đã vi phạm pháp luật nhà nước CHXHCN Việt Nam, đồng thời họ cho rằng tôi đã tàng trữ những tài liệu có nội dung chống lại chế độ XHCN ở VN ở trong hộp thư cá nhân, rằng tôi đã vi phạm nghiêm trọng luật “an ninh quốc gia”, vi phạm điều 88 bộ luật hình sự của “đảng và nhà nước CSVN”. Khi tiến hành khám xét máy tính ngay tại tiệm internet ở địa điểm công an đã bắt giữ tôi, họ thu lại được 4 bài viết trên Mạng, đó là những bài có tựa đề và nội dung như sau :
1. Viết về dân oan tại thành phố Vinh khiếu kiện
2. Viết về việc đình công của công nhân ở 1 nhà máy tại Hà Nội
3. Viết về việc sinh viên Nguyễn Anh Tuấn công khai đọc bài về TS Cù Huy Hà Vũ.
4. Viết về vụ án Ts Cù Huy Hà Vũ, trót vì tay đã nhúng tràm.
Ngoài ra không còn gì hết. Sau đó họ thu giữ điện thoại di động của tôi và đưa tôi đi thẩm vấn tại trụ sở công an thành phố Thái Nguyên ngay lập tức. Những người trực tiếp thẩm vấn gồm có ông Dương Văn Tuấn, Bùi Văn Chính…vv…Đến tối thì họ tạm cho tôi về nhưng những ngày sau đó họ vẫn tiếp tục yêu cầu tôi lên trụ sở vài lần để tiếp tục thẩm vấn, làm việc rất căng thẳng. Đồng thời ngày 20/ 05/ 2011 họ có yêu cầu gia đình tôi lên để làm cam kết yêu cầu tôi không tái phạm nữa. Tuy nhiên họ không hề thông báo trước cho tôi về việc này, nên đến trưa cùng ngày tôi mới biết gia đình nói lại. Điều đó gây một áp lực rất lớn với tôi vị mẹ tôi thường hay đau ốm mà hôm đó trời lại mưa gió rất to. Mẹ tôi đã phải đi suốt hơn 80 km từ quê nhà để tới trụ sở an ninh Thái Nguyên. Sau đó ngày 30/ 05/ 2011 họ có về trường trực tiếp thông báo về việc của tôi yêu cầu tôi phải nhận về những sai phạm của mình. Đến ngày 02/ 06/ 2011 tôi bị đưa ra trước hội đồng kỷ luật và hình thức mà hội đồng kỷ luật trường CĐYT Thái Nguyên đưa ra, là buộc tôi phải bị thôi học vĩnh viễn, đồng thời phải thu xếp đồ đạc, hành lý cá nhân rời ngay khỏi ký túc xá của trường Cao đẳng y tế nơi tôi đã theo học hơn 2 năm qua. Tôi nhận thấy rằng, Cơ quan an ninh tỉnh Thái Nguyên và của nhà nước Việt Nam đã cáo buộc tôi vi phạm điều 88 là hoàn toàn không có căn cứ, là chụp mũ và là một dạng đàn áp quyền tự do chính kiến, tư tưởng, tự do thông tin…là vi phạm quyền con người của công dân. Tôi đã rõ ràng nhận thấy rằng những điều cáo buộc này của công an trong nước là hết sức phi lý và mong muốn các cơ quan ngôn luận khắp nơi hãy lên tiếng giúp tôi về việc này bởi các lý do sau đây :
1. Trước nhất bổn phận của tôi là một công dân phải trung thành với tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải là trung thành với “chủ nghĩa xã hội- CNXH”.
2. Tôi không hề vi phạm điều 88 vì :
- Tôi không hề Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng “chính quyền nhân dân” vì đơn giản tôi chỉ đang ngồi đọc các bài viết đó trên mạng internet mà thôi.
- Tôi không hề Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân vì đơn giản tôi chỉ đang ngồi đọc những bài viết đó.
- Tôi không hề Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì những bài viết đó tôi được một địa chỉ email khác gửi vào hòm thư điện tử của mình và trước đó tôi không hề biết về nội dung của những bài viết này cụ thể là gì.
Vì vậy tôi khẩn thiết mong các cơ quan, thông tin đại chúng trong và ngoài nước lên tiếng bảo vệ tôi và gia đình đang bị uy hiếp, đe dọa rất nặng nề, căng thẳng. Đồng thời yêu cầu ông Dương Văn Tuấn phải công khai xin lỗi gia đình tôi vì đã quấy nhiễu gia đình tôi trong vụ việc vừa qua khi biết rõ là tôi không có tội, không hề vi phạm luật pháp của nhà nước CHXHCN VN. Trong khi đó thì mẹ tôi sức khỏe luôn đau yếu, thường rất hay đau ốm, bệnh tật và nhất là quá suy nghĩ lo lắng, khiếp sợ cho con cái mình cùng toàn thể gia đình phải sống trong không khí liên tục bị khủng bố, đe dọa.
Cuối cùng tôi xin chân thành cám ơn sự quan tâm của tất cả quý vị, quý các cơ quan và bạn bè khắp nơi đã đọc và giúp đỡ tôi trong hoàn cảnh gian nan, nguy hiểm như hiện nay đang phải chịu đựng.
Tôi cũng chân thành đa tạ chú Nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn ở thủ đô Hà Nội đã hướng dẫn, động viên, chỉ bảo, góp ý rất tận tình từ trước đến nay và vào bức thư tố cáo này rất đầy đủ, cũng như điều đặc biệt là chú đã chụp tấm hình của tôi ngay sau khi sự việc xảy ra để đưa lên công luận tỏ tường. Trong thư này tôi có nhờ chú nhà báo đính kèm 1 tấm hình chụp cá nhân tôi đang ngồi trong phòng làm việc của của chú ở số 11 Ngõ Tràng Tiền và 1 tấm hình chụp toàn văn quyết định đuổi học của hiệu trường CĐYT Thái Nguyên ký ngày 02/6/2011 đối với tôi.
Người viết kính thư và tạm biệt quý vị Cựu sinh viên Từ Anh Tú
Địa chỉ: Thôn Đại Phú- xã Phi Mô- huyện Lạng Giang- tỉnh Bắc Giang Số điện thoại di động : (0084) – 0914-420-391

Tổng số lượt xem trang