Tin liên quan: Mai Thái Lĩnh – Ải Nam Quan trong hiện tại
-Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại”
Bài viết mang tựa đề “Ải Nam Quan trong hiện tại” của anh Mai Thái Lĩnh vừa đăng trên talawas thật công phu, kèm nhiều hình ảnh, sự kiện lịch sử rất mới. Theo thiển ý, các dữ kiện lịch sử sẽ quan trọng, vì chưa có sách vở nào ghi lại, nếu chúng được xác minh thật sự là những “dữ kiện lịch sử”. Với tinh thần ham học, cầu tiến, tôi ghi lại ở đây vài ý kiến chủ quan đặt lại vấn đề về các chi tiết lịch sử này, đồng thời đóng góp thêm một vài chi tiết về biên giới Việt-Trung, hy vọng được anh Mai Thái Lĩnh và độc giả đón nhận như là một cái nhìn từ góc cạnh khác.
1. Hiệp ước Thiên Tân 1885 có phải là một hiệp ước bất bình đẳng như Trung Quốc đã từng rêu rao hay không?
Về hiệp ước Thiên Tân 1885, ký kết giữa Pháp và nhà Thanh, anh Mai Thái Lĩnh viết như sau:
“Do hoàn cảnh chính trị của thời đó, các văn kiện ký kết về biên giới không phải là một hiệp ước bất bình đẳng gây bất lợi cho nhà Thanh như phía Trung Quốc thường rêu rao mà trong thực tế, đã gây thiệt hại cho phía Việt Nam. Mãi đến hơn mười năm sau, nghĩa là sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), Trung Quốc mới chịu thiệt thòi gây ra bởi sức ép của Nhật Bản và các cường quốc phương Tây. Không thể đánh đồng Hiệp ước Thiên Tân năm 1885 với các hiệp ước bất bình đẳng sau này.”
Gần đây sử gia Trần Gia Phụng, với bài “Đại nạn Trung Hoa thời cận đại” trên talawas, cho rằng chiến tranh Pháp Trung đưa đến hiệp ước Thiên Tân 1885, là “đại nạn” của Trung Hoa thời cận đại.
Ở đây ta thấy hai tác giả Mai Thái Lĩnh và Trần Gia Phụng có cái nhìn trái ngược nhau về Hiệp ước Thiên Tân 1885. Tác giả Trần Gia Phụng cho rằng đây là một “đại nạn” cho Trung Quốc; còn tác giả Mai Thái Lĩnh, ngược lại, cho rằng hiệp ước này đem lợi lại cho Trung Quốc.
Ai đúng ai sai trong vấn đề này?
Hiệp ước Thiên Tân ký kết giữa Pháp và nhà Thanh 1885 đã đem lại những gì cho Trung Quốc, Pháp và Việt Nam? Ai có lợi và lợi về cái gì? Ai bị thiệt hại và thiệt hại về cái gì? Hiệp ước này liên quan các vấn đề: hòa bình, kinh tế và phân định lại biên giới giữa các tỉnh Hoa Nam và Bắc Kỳ.
Sử gia Trần Gia Phụng đã có kết luận về việc này qua bài bài viết dẫn trên, nhưng tôi không thấy thuyết phục, dầu bài viết cũng rất công phu. Do đó tôi có có viết bài “Nghiên cứu hiệp ước Thiên Tân 1885” gởi lên nhằm đưa ra một cái nhìn khác. Theo BBT talawas thì sẽ đăng bài này làm 4 kỳ và đăng vào đầu tháng giêng 2010. Nhưng vì lý do kỹ thuật, talawas bị tin tặc đánh liên tục trong nhiều tuần, do đó bài này bị ngưng lại. Tôi đã có ý định bỏ qua chủ đề này và không trở lại nữa. Hôm nay đọc thêm bài của anh Mai Thái Lĩnh. Thì ra hiệp ước Thiên Tân 1885 và những vấn đề chung quanh xem ra còn nhiều cái mới chưa nói tới, còn có nhiều cái nhìn khác biệt!
2. Cột 19 ngày xưa cắm ở đâu và bây giờ cắm ở đâu?
Bài viết của anh Mai Thái Lĩnh có nhiều suy luận rất thuyết phục, thí dụ: “Quả đồi mà chúng ta thấy trong tấm ảnh 13 tương ứng với khu đất ở phía đông-nam Hữu Nghị Quan, nằm giữa các điểm A, B và C, D. Đường biên giới đáng lẽ chạy trên đỉnh hoặc sau lưng quả đồi bây giờ lại chạy phía trước, dưới chân đồi.”
Thật đúng là như vậy, đường biên giới theo công ước Pháp Thanh 1887 đi qua đỉnh núi chứ không phải theo đường biên giới như hình 3 dưới đây. Tôi xin đóng góp một chi tiết lịch sử vào đây để sự suy luận của tác giả Mai Thái Lĩnh trở thành một khẳng định.
Theo biên bản 21-4-1891 (hình biên bản 1), cắm mốc từ ải Chí Mã đến Trấn Nam Quan (tức cắm từ đông sang tây), cột mốc số 19 là cột mang số tạm 24 (cột 18 tại Nam Quan mang số 25), vị trí cột mốc được xác định nguyên văn tiếng Pháp như sau: “Sur le sommet en face du fort chinois Kouei Tao (3 chữ Hán là Khôn Long Lĩnh).” Tạm dịch tiếng Việt: cắm trên đỉnh, đối diện với một công sự Trung Hoa tên Kouei Tao (Khôn Long Lĩnh). Đỉnh ở đây là đỉnh một trái núi nhỏ (lĩnh).
Biên bản 1.
Ta biết, cổng Nam Quan được sử sách Việt, Pháp cũng như Hán mô tả được dựng lên ở giữa một hẻm núi (gorge), một bên là núi đá, một bên là núi đất. Theo hai tấm hình cổng Nam Quan sau đây, một tấm chụp nhìn về góc phải (hình 1), một tấm chụp góc trái (hình 2), ta thấy có hai cổng: một của Trung Quốc (cổng lớn, phía sau) và một của Việt Nam (cổng nhỏ, phía trước). Hai bên cổng là núi cao. Khoảng cách hai cổng khoảng 100m.
Hình 1
Hình 2
Khoảng cách hai cổng phù hợp với khoảng cách của cột mốc cắm tại nơi này. Theo biên bản cắm mốc ngày 19-6-1894, cộc mốc cắm tại Nam Quan tên là Trấn Nam Quan Ngoại (鎭南關外), mang số 18, cắm trên đường từ Nam quan về Đồng Đăng, cách cổng là 100m. (Nguyên văn tiếng Pháp: A environ 100m en avant de la porte de Nam-Quan).
Ta có thể kiểm chứng lại điều này trong hình biên bản 1, cột mốc tạm số 25.
Quan sát hai hình 1 và 2, ta thấy có hai bức tường xây hai bên cổng Nam Quan (của Việt Nam) song song với hai bức tường của Trung Quốc, cách đều nhau khoảng 100m, chạy thẳng lên núi.
Như thế bức tường của phía Việt Nam chắc chắn phải được xây trên đường biên giới. Khoảng cách và hướng đi của bức tường phù hợp với tinh thần của biên bản 4-7-1887 (ghi ở dưới) và biên bản cắm mốc 19-6-1894.
Ta có thể kết luận là:
Trên đỉnh núi, phía tay phải (hình 1), là cột mốc số 19.
Trên đỉnh núi, (hình 2), cột mốc 17, (xem mô tả ở biên bản 4-7-1886 ở phần dưới).
Điều cần thiết kiểm chứng, trên đỉnh núi có cắm mốc 19 phải có hiện diện một công sự của Trung Quốc kế bên.
Trên hình 1, phía góc trên cùng bên tay phải (kế cận con tem), trên đỉnh núi ta thấy thấp thoáng một kiến trúc. Nhưng vì hình mập mờ nên không thể kết luận được là cột mốc 19 cắm trên núi này hay núi kế bên? Nên biết vùng này đồi núi chập chùng, núi nối liền núi, đồi nối tiếp đồi… nhìn mút mắt.
Theo hình 3, mốc 19 (tức mốc mới số 1118). Hình này được dẫn từ nguồn Việt Nam, có thể là nguồn chính thức từ phía Việt Nam.
Hình 3
Ở đây mốc 19, tức mốc mới 1118, cắm mấp mé dưới chân của một ngọn núi. Không thấy công sự nào của Trung Quốc.
Như thế cột mốc 19, tức mốc mới 1118, trên thực địa đã không cắm đúng như mô tả của biên bản cắm mốc theo công ước Pháp Thanh 1887 (trên đỉnh núi và đối diện với một công sự của Trung Quốc).
Vị trí đúng của mốc 19 với địa hình hôm nay là ở đâu?
Quan sát hình 4, hình 5, hình 6 và hình 7 dưới đây:
Hình 4. Công sự (đài quan sát) của Trung Quốc trên đỉnh núi.
Hình 5: công sự của Trung Quốc nhìn lại gần.
Hình 6: hình chụp toàn cảnh.
Hình 7
Ta thấy hình 4, 5 và 6 chụp một trái núi, trên đỉnh có công sự của Trung Quốc. Hình 6 cho thấy núi này bị đục thông làm hai đường hầm (tunnel) cao tốc. Cũng tấm hình này ta thấy tấm bia đá đề chữ “nam cương quốc môn đệ nhất lộ”. Lấy tấm bia làm điểm chuẩn, so sánh với cột số ki lô mét zéro ở hình 7, ta thấy cột km zéro ở về phía nam của bia đá. Điều này cho thấy cột km zéro ở về phía nam đối với ngọn núi có công sự trên đỉnh ở các hình 4, 5 và 6. Khoảng cách ước lượng từ cột km zéro đến đỉnh núi khá xa, có thể lên đến 1.000 m. Khoảng cách giữa mốc mới 1118 và đỉnh núi không thấy được trên hình, nhưng ước lượng khoảng 500m. Khoảng cách này phù hợp với lời tố cáo của nhà nước Việt Nam trong tập Những vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do nhà xuất bản Sự Thật in năm 1979.
Trái núi này đúng là trái núi bên phải cổng Nam Quan theo hình số 1.
Như thế, ước đoán của anh Mai Thái Lĩnh: đường biên giới phải đi qua đỉnh núi là đúng. Vị trí thật của cột mốc 19 phải ở trên đỉnh ngọn núi ở các hình 4, 5 và 6.
Mốc mới 1118, nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên truyền là cắm đúng vị trí của mốc 19 cũ, thực ra chỉ cắm trên vị trí bị dời chuyển của mốc 19.
Điều may cho chúng ta là cột mốc dời chuyển, thay đổi được nhưng nội dung các văn bản xác định vị trí cột mốc thì không thể bôi xóa hay thay đổi được. Nhờ văn bản, ta biết mốc 19 cắm trên đỉnh núi, đối diện một công sự.
Các nhà hữu trách Việt Nam hôm nay có bổn phận cắt nghĩa vì sao cột mốc 19, tức mốc 1118, đã không cắm đúng vị trí của nó. Tương tự cho cột mốc 18, cột mốc 53 (Bản Giốc), núi Khấu Mai v.v… Những người này phải chịu trách nhiệm trước quốc dân và lịch sử về những mất mát đất đai của tổ quốc cho ngoại bang.
3. Nghiên cứu bản đồ 249C
Bản đồ 249C
Bản đồ 249C bis
Bản đồ SGI vùng Nam Quan
Trên bản đồ 249C, đồ tuyến chủ trương của Việt Nam là đường đỏ, của Trung Quốc đường xanh, đường thống nhất của hai bên là đường tím.
Bản đồ 249 C bis là bản đồ của tác giả Mai Thái Lĩnh, có tô màu các vùng đất mà tác giả cho là Việt Nam bị mất cho Trung Quốc.
Theo tôi, người ta khó có thể kết luận ai đúng ai sai, ai được ai mất trên bản đồ 249C, nếu không có cái gì đó làm tiêu chuẩn so sánh.
Dựa vào đâu mà mình nói đồ tuyến của Việt Nam đúng, còn đồ tuyến của Trung Quốc thì sai? Nếu phía nào cũng cho là mình đúng thì việc tranh cãi sẽ không có lối thoát. Do đó ta phải có một bản đồ “làm chuẩn, étalonnage”.
Bản đồ có giá trị làm chuẩn được xác định ở điều I của Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 30 tháng 12 năm 1999. Nguyên văn điều I:
“Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt – Trung, đã giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.”
Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc là công ước Pháp Thanh 1887. Bộ bản đồ thiết lập theo vị trí các cột mốc của công ước này là bộ bản đồ của sở Địa Dư Đông Dương (SGI) ấn hành.
Các bộ bản đồ SGI, trước 1975 tồn trữ tại nha Địa Dư ở Đà Lạt. Ở Pháp thì hiện tồn trữ ở Trung tâm Văn khố Hải ngoại (CAOM, Aix-En-Provence).
Như thế bộ bản đồ SGI có giá trị làm tiêu chuẩn, cũng như các bản đồ vẽ theo các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán. Nhưng bộ bản đồ SGI có tỉ lệ là 1/100.000, tức là 1.000m trên thực địa tương ứng với 1cm trên bản đồ. Do đó độ sai số sẽ rất lớn. Vì thế ta cần phải có thêm các biên bản cắm mốc đính kèm bộ bản đồ để việc đo đạc, so sánh được chính xác hơn.
So sánh bản đồ 249C với bản đồ SGI vùng Nam Quan:
Tính từ bên phải Nam Quan, đồ tuyến của Việt Nam (đường màu đỏ), có ít nhất hai điểm sai: 1/ đi qua cột mốc 19 (mà cột mốc này đã được chứng minh là không còn ở vị trí cũ). Do đó đồ tuyến của Việt Nam vùng Nam Quan có khuynh hướng đi từ tây-bắc xuống đông-nam. Trong khi bản đồ SGI, từ mốc 18 qua mốc 19 là từ tây sang đông. 2/ tại cao độ 474, đồ tuyến của Việt Nam đi lệch về phía bắc, đồ tuyến của Trung Quốc lệch xuống phía nam, trong khi đường biên giới, theo nội dung các biên bản cắm mốc, phải đi qua đỉnh 474 (và đi theo đường sống núi hay đường phân thủy). Phía bên trái Nam Quan, đồ tuyến của Việt Nam tương đối phù hợp với bản đồ SGI.
Đồ tuyến (đường màu xanh) của Trung Quốc: Bên phải Nam Quan, từ cột km zéro đường biên giới đi về phía nam, trong khi đường biên giới, theo bản đồ SGI, đi từ một điểm cách cổng Nam Quan 100m (mốc 18) sang hướng đông cho đến đỉnh núi (mốc 19), sau đó theo đường sống núi qua các đỉnh 406, 474, 610. Cột cây số zéro cách cổng Nam Quan, nhắm chừng trên các tấm hình, ít ra là 400m. Về phía trái của Nam Quan, đồ tuyến của Trung Quốc không lên đỉnh núi đá mà nương theo chân núi đá, không qua mốc 17, sau đó lại xuống quá xa về phía nam, lấy mất của Việt Nam vùng núi đá phía trước Đồng Đăng.
Đồ tuyến chính thức (đường màu tím): từ cột km zéro (cách mốc 18 khoảng 300m) qua cột mốc 19 (cắm sai vị trí, lấn xa về phía nam khoảng 400m), sau đó, thay vì đi từ tây sang đông, lại lấn xuống phía nam, tạo thành một vùng trũng (đoạn nối ray), sau đó không qua đỉnh 474 mà lại theo triền phía nam của đỉnh núi này. Như thế tại đỉnh 474, Việt Nam mất ½ trái núi.
Về phía tay trái Nam Quan, thay vì bắt đầu từ mốc 18 cách cổng Nam Quan 100m, lại bắt đầu tại cột km zéro. Như thế Việt Nam bị mất (vùng đất) từ cột km zéro cho đến đỉnh núi, bề rộng 400m, bề dài khoảng 1.000m; sau đó đồ tuyến chuyển hướng về phía nam, lấy trọn của Việt Nam vùng núi phía bắc Đồng Đăng.
Hướng đi đường biên giới, từ cột 18 sang cột 17, 16 v.v… được xác định do biên bản ngày 7-7-1886, nguyên văn tiếng Pháp, tạm dịch sang tiếng Việt như sau:
“… từ một điểm được xác định cách cổng Nam Quan 100 thước trên đường từ Nam Quan về Ðồng Ðăng (cột số18, ghi chú tg), đường biên giới theo hướng Tây đi lên đến đỉnh ngọn núi đá mà trên đó có một đồn binh được đánh dấu là điểm A ở trên sơ đồ kèm theo đây, sau đó đường biên giới đi từ điểm này theo đường đỉnh cao của bức tường núi đá nhìn xuống con đường Ðồng Ðăng cho đến điểm B đánh dấu trên sơ đồ (cột số 17). Ðiểm B là điểm mà con đường mòn (đường mòn này là một nhánh rẽ của con đường Ðồng Ðăng đi Nam Quan) dẫn đến làng Lung Ngieu (Lũng Ngọ 隴午, còn viết là Lộng 弄) cắt bức tường núi đá. Ðường biên giới theo con đường mòn cho đến cổng làng Lung Ngieu. Từ cổng, đường biên giới đi lên ngọn rặng núi đá bọc quanh thung lũng làng Lung Ngieu để đi đến điểm C (cột số 16). Từ điểm C đường biên giới đi về hướng Tây cho đến cửa Ki-Da (trên bản đồ ghi Khua Da, có lẽ là Cửa Du, tức ải Du).”
Như thế, kết luận của anh Mai Thái Lĩnh cũng không xa lắm. Trên bản đồ 249C bis, những nơi vạch chéo là những vùng có tranh chấp. Nhưng nơi cần điều chỉnh là: đỉnh 474 Việt Nam chỉ mất ½. Cột km zéro và mốc số 19 không đúng vị trí, vùng đất bị mất vì thế không thấy trên bản đồ.
Nghi vấn khác, cổng Nam Quan, tức Hữu Nghị Quan hiện tại, có phải là Trấn Nam Quan ngày xưa không? Nếu Hữu Nghị Quan dời về phía nam thì Việt Nam bị thiệt hại ở vùng này rất lớn. Người viết sẽ trở lại ở phần dưới.
Riêng về các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán đã ghi ở điều I hiệp ước 30-12-1999 là các đàm phán nào? Các thỏa thuận này phải chăng là phía Việt Nam chấp nhận vị trí dời đổi của cột km zéro (thay vì cột 18), cột 19 ở dưới chân thay vì trên đỉnh núi v.v… hay những nhưọng bộ ở thác Bản Giốc, vùng Tục Lãm v.v…?
Nếu đúng vậy thì những gì chúng ta hôm nay biết chỉ mới là phần nổi của một băng đảo.
(còn tiếp)
© 2010 Trương Nhân Tuấn
© 2010 talawas
Trương Nhân Tuấn – Vài dòng xin thưa cùng anh Mai Thái Lĩnh về bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại”
(P1)
4. Nam Quan và Hữu Nghị Quan
So sánh các tấm hình 1, 2, 8 và 9.
Hình 8
Hình 9
Ta thấy kiến trúc Nam Quan ở các hình 1, 2, và 8 thì giống nhau: có hai tầng lầu và các cửa sổ hình vuông. Kiến trúc Nam Quan trong 3 hình này là một. Thời điểm được xây dựng từ năm 1883 (lúc tường bị Négrier giật sập) hiện hữu cho đến trước chiến tranh Trung-Nhật 1937.
Trong khi đó ở hình 9 thì kiến trúc Nam Quan có 3 tầng lầu và các cửa sổ hình vòm. Kiến trúc này còn thấy hiện nay.
Trong bài viết từ nhiều năm trước, tôi đã đặt nghi vấn: cổng Nam Quan đã xây đi xây lại nhiều lần nhưng nó có xây trên nền cũ hay là dời đi nơi khác?
Đến nay vẫn chưa thấy dữ kiện nào thuyết phục có thể xác định việc này.
Tấm bia gỗ (hình 10) dưới đây ghi lại lịch sử Nam Quan như sau:
Hình 10
Tấm bia gỗ viết bằng 3 thứ tiếng (Hán, Anh và Việt); nội dung tiếng Việt:
“Hữu Nghị Quan xây vào nhà Hán, đến nay đã vào khoảng 2000 năm, đã từng đổi tên 6 lần, tên trước là Ung Kê Quan, sau lại đổi tên Giới Đầu Quan, Đại Nam Quan, đến đầu nhà Minh lại đổi tên Trấn Nam Quan, tháng 1/1953 đổi tên Hữu Nghị Quan. Lầu thành bị chiếm 5 lần trong thời gian chiến tranh chống Pháp và chiến tranh chống Nhật, xây dựng lại hai lần. Thành hiện nay xây dựng lại vào năm 1957, lầu thành có 4 tầng, cao 27m, diện tích chiếm đất khoảng 180m vuông, tầng dưới xây bằng đá hình chữ nhật, môn lầu thành là hình tò vò, cửa tò vò trong cao 10m, dưới rộng 8m, cửa tò vò ngoài quan cao 5,8m, dưới rộng 6,6m, đường đi dài 15,9m. Tầng hai là phòng triển lãm, trong phòng này đều trưng bày các tranh ảnh và thực vật trong chiến tranh Trấn Nam Quan. Tầng 3 là phòng gặp mặt ngoại vụ Trung Việt. Tầng 4 là trưng bày các loại tranh ảnh của cửa khẩu nổi tiếng Trung Quốc. Phía trên ngoài tường thành trên quốc huy nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cờ đỏ năm sao trên cán cờ tại gác thượng tung bay. Trên cửa lầu thành có lắp vào chữ “Hữu Nghị Quan” viết bằng nguyên soái Trấn Nghĩa làm bằng đá ngọc Hán bạch.”
Như thế, kiến trúc Nam Quan ở hình 9 chỉ mới xây vào năm 1957.
Điều này hợp lý, vì trong chiến tranh Pháp-Nhật và Trung-Nhật, sẽ đề cập ở phần dưới, bắt đầu từ năm 1937, chấm dứt sau khi Nhật đầu hàng 1945. Vùng biên giới Việt Trung đã có những trận chiến khá lớn giữa quân đội Nhật và Hoa hay giữa Nhật và Pháp. Các trận chiến này ít nghe nói tới. Trong các trận đánh này có thể kiến trúc Nam Quan cũ đã bị Nhật đánh sập.
Nhưng nghi vấn vị trí của Nam Quan có thay đổi lúc xây lại hay không thì vẫn không chứng minh được (với các bằng chứng cụ thể, khoa học).
5. Về “lai lịch bất minh của tòa nhà kiểu Pháp”
Xét hai tấm hình 11 và hình 9.
Hình 11
Ta thấy trong hình 9 có bóng tòa nhà ở hình 11. Như thế tòa nhà ở hình 11 được xây trên đất Trung Quốc. Đây cũng là một sự kiện kiện đáng chú ý. Tuy nhiên, có một số chi tiết cần được kiểm chứng hay xét lại.[1]
Xét tấm hình 12 dưới đây, trích từ bài của anh Mai Thái Lĩnh, có nguồn từ tác giả Chân Mây.
Anh Mai Thái Lĩnh so sánh hình 12 và hình 11 như sau: “Bây giờ chúng ta tiếp tục xem xét hai tấm ảnh do Chân Mây sưu tầm. Tác giả chú thích ảnh 30 như sau: “Liên quân Pháp-Việt (trường Sĩ quan Đồng Đăng). Những người bảo vệ Ải Nam Quan thất thủ trước quân Nhật (25.09.1940)”. Tòa nhà này rõ ràng là của quân đội Pháp. Ảnh chụp cho thấy tù binh người Pháp người nằm kẻ ngồi trong tư thế bại trận. Những người lính đứng gác là người Nhật. Điều rất dễ nhận ra là hình dáng của tòa nhà này rất giống với Tòa nhà Pháp Quốc nằm ở phía sau Hữu Nghị Quan ngày nay.”
Sau đó anh Mai Thái Lĩnh kết luận: “Tòa nhà kiểu Pháp là của người Pháp, do người Pháp xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 20 cho đến trước năm 1940. Sau này, khi xây lại Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc đã dời cửa quan đến một vị trí khác trên lãnh thổ Việt Nam, vì thế tòa nhà kiểu Pháp lọt vào lãnh thổ Trung Quốc. Và để hợp lý hóa việc một ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp lại nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc đã bịa đặt ra câu chuyện “Lâu đài Pháp Quốc được xây dựng dưới thời vua Quang Tự”.”
Hình 12
Về cái gọi là “Liên quân Pháp-Việt (trường Sĩ quan Đồng Đăng)”, “Những người bảo vệ Ải Nam Quan thất thủ trước quân Nhật (25.09.1940)” mà anh Mai Thái Lĩnh dẫn từ tác giả Chân Mây thì tôi sẽ trở lại phần sau.
Điều rõ ràng là hai kiến trúc ở hai hình 11 và 12 không giống nhau để kết luận như anh Mai Thái Lĩnh được. Tòa kiến trúc hình 11 xây cất theo lối “loggia”, tức là trụ cột có vòng trang trí, dưới đế và trụ đỡ vòm, chừa ra một hành lang (hàng ba) rộng rãi như hình 13 dưới đây:
Hình 13
Trong khi các trụ cột của hình 12 thì không có trang trí gì hết.
Chỉ khác biệt ở chỗ này đủ để kết luận hai kiến trúc ở hai hình 11 và 12 không thể giống nhau.
Nên biết, hiện nay, không chỉ ở việt Nam, mà nhiều thành phố các tỉnh Hoa Nam vẫn còn rất nhiều kiến trúc Pháp được xây dựng từ thời đầu thế kỷ 20. Vùng Hoa Nam là vùng thuộc ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Pháp. Tại Côn Minh (Vân Nam) có nhiều dãy phố cất theo lối Pháp. Tại Long Châu, tòa lãnh sự của Pháp được xây theo lối Pháp. Ở vùng nhượng địa Quảng Châu Loan (bán đáo Quỳnh Châu, Quảng Đông), cả một khu phố lớn được xây cất theo lối Pháp. Ở Thượng Hải, mỗi khu phố là một nét kiến trúc khác nhau, có nơi giống Anh vì là tô giới Anh, có nơi giống Pháp vì thuộc tô giới Pháp v.v…
Ta không thể dựa vào lý do tòa nhà xây theo lối Pháp mà kết luận rằng nhà đó của Pháp.
Về dữ kiện tòa nhà trên hình 12 với ghi chú của tác giả Chân Mây mà anh Mai Thái Lĩnh ghi lại: “Liên quân Pháp-Việt (trường Sĩ quan Đồng Đăng) Những người bảo vệ Ải Nam Quan thất thủ trước quân Nhật (25.09.1940)” thì có rất nhiều nghi vấn. Trước hết dựa vào dự kiện nào để cho rằng những người trong hình là “liên quân Pháp-Việt thuộc trường sĩ quan Đồng Đăng”? Và dựa vào đâu để cho rằng những người này “bảo vệ Nam Quan”?
Trước hết, “trường sĩ quan Đồng Đăng”: Đồng Đăng là một huyện nhỏ, nếu không nói là một làng nhỏ gần biên giới, cách Nam Quan 2km5. Dưới thời Pháp thuộc, Đồng Đăng có một đồn binh gồm vài chục lính biên phòng. Đây là một vùng còn rất nghèo của Việt Nam, huê lợi chính ngày xưa là cây hồi (đinh hương). Dân số phần lớn là người dân tộc gốc Tày, Nùng. Về việc đào tạo sĩ quan Pháp, chắc chắn có người rành hơn tôi sẽ lên tiếng góp ý. Nhưng nếu có một trường sĩ quan của Pháp ở Việt Nam, hợp lý thì trường này sẽ ở các nơi an ninh, như Đà Lạt, Nha Trang… Người ta không thể dựng một trường đào tạo sĩ quan, những người chỉ huy tương lai, ở một vùng biên giới cực bắc, đèo heo hút gió, việc tiếp liệu khó khăn, thường xuyên bị thổ phỉ quấy nhiễu.
Để dữ kiện này có giá trị lịch sử và để kết luận trong bài có giá trị thì anh Mai Thái Lĩnh cần phải đưa các tài liệu xác minh việc này.
6. Chiến tranh Pháp Nhật và “liên quân Pháp Việt bảo vệ ải Nam Quan” (sic) trên vùng biên giới Việt Trung
Nếu tôi chưa nghe ai nói đến “trường sĩ quan Đồng Đăng”, thì tôi cũng như chưa hề đọc tài liệu nào nói về liên quân Pháp-Việt “bảo vệ ải Nam Quan”. Để tìm hiểu, sau đây là sơ lược chiến tranh Pháp-Nhật trên biên giới Việt-Trung.
Từ năm 1931 đến 1935 quân Nhật lần hồi xâm nhập vùng phía bắc Trung Hoa, chiếm đóng Mãn Châu. Đến năm 1937 thì chiến tranh bùng nổ toàn diện. Quân Nhật chiếm Bắc Kinh ngày 29 tháng 7 năm 1937, đến tháng 11 thì chiếm luôn Thượng Hải. Lo ngại quân đội của Trung Hoa được sự trợ giúp từ bên ngoài, như Pháp từ biên giới phía Nam, (vì từ Hải Phòng, Pháp đã mở đường xe lửa đi thẳng đến Vân Nam, thêm một đường đường từ Hải Phòng đi Lạng Sơn), do đó phía Nhật tìm cách chặn con đường tiếp viện này. Những vận động ban đầu là chính trị – ngoại giao, vì Nhật vẫn e ngại sức mạnh quân sự của Pháp. Vì thế, từ 1937 đến tháng 6-1940, kết quả của Nhật vẫn không đến đâu. Quân đội Trung Hoa vùng Hoa Nam, nhờ được trợ giúp từ bên ngoài, nên quân Nhật gặp nhiều kháng cự mãnh liệt. Nhưng sau khi Pháp thua Đức tháng 6 năm 1940, Nhật bắt đầu gây sức ép, quân sự và ngoại giao, buộc Pháp nhượng bộ các đòi hỏi của họ: Đó là đóng cửa biên giới với các tỉnh Hoa Nam, cho Nhật sử dụng các phi trường ở miền bắc, chấp thuận cho quân Nhật vào Bắc Kỳ để làm cầu tiếp viện cho đạo quân đã đổ bộ trước đó tiến chiếm và bình định Vân Nam và Quảng Tây. Nhưng ý đồ của Nhật là hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương.
Tháng 6 năm 1940, vừa khi Pháp đầu hàng Đức, đạo quân Nhật có mục tiêu xâm chiếm Vân Nam và Quảng Tây, có mặt tại vùng biên giới Việt-Trung. Đạo quân này đổ bộ lên Pakhoi vào tháng 12 năm 1939, chiếm đóng Nam Ninh và tiến dần sang phía tây bằng những con đường bảo hộ dọc theo biên giới. Đạo quân này có mặt tại đây một mặt để chặn tiếp việc của quân Hoa Nam đến từ phía Hải Phòng. Nhưng cũng nhằm để tấn công, hất chân Pháp ra khỏi Đông Dương.
Toàn quyền Đông Dương lúc đó là tướng Catroux. Vì muốn giữ quyền lợi của Pháp tại Đông Dương, ông yêu cầu Anh và Hoa Kỳ giúp để chống lại áp lực của Nhật. Nhưng yêu cầu giúp đỡ của ông này với Anh và Hoa Kỳ đều không có kết quả. Anh muốn tập trung lực lượng sang Châu Phi. Hoa Kỳ từ chối vì vẫn còn giữ thái độ trung lập. Do đó Catroux bắt đầu nhượng bộ các đòi hỏi của Nhật. Ngày 20 tháng 7 Catroux trao quyền Toàn quyền Đông Dương cho đô đốc Decoux (và đi theo lực lượng kháng chiến của Charles De Gaulle). Ngày 2 tháng 8, Decoux buộc phải cho phép quân đội Nhật được quyền đi qua Bắc Kỳ, đồng thời nhượng quyền sử dụng các sân bay ở các tỉnh miền Bắc. Đến ngày 30 tháng 8 thì một thỏa ước giữa Pháp và Nhật được ký kết, trong đó có khoản Nhật phải cam kết tôn trọng các quyền lợi của Pháp tại Viễn Đông. Ngược lại, Pháp đồng ý cho Nhật những dễ dàng ngoại lệ và tạm thời về an ninh quân đội (l’ordre militaire) tại Bắc Kỳ. Nhưng vì Pháp muốn kéo dài thời gian, nên dùng dằng về phương cách đổ quân và sử dụng các phi trường. Ngày 3 tháng 9 hội nghị giữa tướng Martin, chỉ huy trưởng quân đội viễn chinh, với tướng Nichihara, chỉ huy tối cao quân Nhật tại Đông Dương để bàn các việc này. Nhưng việc thương lượng kéo dài làm mất kiên nhẫn tướng lãnh ở trận mạc. Đạo quân Nhật ở Quảng Tây do tướng Ando cầm đầu, ngày 6 tháng 9, dàn quân dọa nạt quân Pháp tại Lạng Sơn làm áp lực. Nhưng cũng có thể mục tiêu của Nhật là đánh giằn mặt nếu Pháp không chịu nhượng bộ hay nhường chỗ cho Nhật vào Đông Dương. Đạo quân thứ 5 của tướng Nakamura bắt đầu ra tay tấn công. Ông dàn quân trên một mặt trận dài 70 km, từ Chí Mã đến Na Cham. Trong đêm 22 tháng 9 quân Nhật đồng loại tấn công các đồn Đồng Đăng, Chí Mã, Lộc Bình, Thất Khê, Na Cham… Ngoại trừ đồn Na Cham, tất cả các đồn còn lại đều bị thua trước quân Nhật. Lạng Sơn như thế bị đe dọa nặng nề. Đêm 24 quân Nhật đã vào Lạng Sơn. Sáng ngày 25 Kỳ Lừa, ở đối diện cửa bắc thành Lạng Sơn, bị pháo kích dữ dội. Cuối cùng lúc 16 giờ 30, quân Pháp ở Lạng Sơn đầu hàng. Cuộc chiến biên giới Phật-Pháp chấm dứt sau 3 ngày ác chiến, gây cho Pháp tổn thất nặng nề.
Về mặt trận phía biển, do quân Nhật còn nghi kỵ, sợ quân Pháp giở trò, mặc dầu đã ký hiệp ước cho phép quân Nhật đổ bộ lên Hải Phòng, nhưng quân Nhật quyết định đổ bộ lên Đồ Sơn với sự yểm trợ của không quân. Các cuộc dội bom đã gây tổn thất lớn trong dân chúng. Cuối cùng đạo quân của tướng Ando gồm 30.000 người đổ vào Bắc Kỳ cùng với quân trang, quân dụng, xe tăng, đại bác. Phải mất 30 ngày mới ổn định xong việc đổ quân của đạo quân này.
Trở lại vấn đề, ta thấy, quân Pháp không “bảo vệ Nam Quan” như tác giả Chân Mây viết mà tác giả Mai Thái Lĩnh dẫn. Quân Pháp đã không bảo vệ được chính họ, bảo vệ được đất của họ bảo hộ, từ các mặt trận trải dài 70 km trên biên giới, các đồn Chí Mã, Đồng Đăng, Thất Khê, Bảo Lộc… đều bị quân Nhật pháo kích nát tan, quân lính phải rút về Lạng Sơn. Rốt cục quân Pháp tại Lạng Sơn cũng phải buông súng vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 25 tháng 9.
Trong khi đó Nam Quan là của người Hoa, xây trên đất Trung Hoa. Lý do nào mà Pháp phải “bảo vệ Nam Quan” cho người Trung Hoa?
Tôi nghĩ rằng, tấm hình số 12 là tấm hình chụp quân Pháp buông súng tại Lạng Sơn. Chỉ có ở Lạng Sơn là địa điểm duy nhất quân Pháp phải bỏ súng trước quân Nhật. Tòa kiến trúc trong tấm hình này có thể là đồn binh nơi quân Pháp đóng quân.
Như thế, muốn sự kiện “liên quân Pháp-Việt bảo vệ Nam Quan” trở thành một sự kiện lịch sử, để kết luận trong bài có giá trị, anh Mai Thái Lĩnh cũng cần đưa các bằng chứng xác minh việc này.
6. Kết luận
Chắc chắn việc mất đất cho Trung Quốc là việc có thật. Mọi người đều phẫn nộ. Trước sự hèn hạ quá lố của nhà cầm quyền hiện nay đối với Trung Quốc, như không có phản ứng nào trước các hành động hung hăng của hải quân Trung Quốc ở biển Đông, lại còn cho phép Trung Quốc vào khai thác bô-xít trên vùng Tây Nguyên, cho phép các công ty người Hoa mướn rừng trên những vùng biên giới, bất chấp nguy cơ nước mất nhà tan. Trong khi đó nhà nước này lại đàn áp dã man những trí thức yêu nước như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức v.v… bằng những bản án chỉ có vào thời phong kiến hay ở các xứ mọi rợ… thử hỏi người trí thức nào có chút lương tâm lại không phẫn hận, lên án? Nhưng khi ta nổi nóng với cái chế độ hèn hạ này, viết những bài lên án bằng những bằng chứng không kiểm chứng được hay bằng chứng sai, thì ta lọt vào bẫy của họ. Mục tiêu của các nhà cầm quyền hung bạo là làm mất uy tín hay hề hóa những người chống họ. Họ muốn làm cho tiếng nói của những người chống họ không còn được sự tin tưởng nơi người dân. (Không tính đến việc phía Trung Quốc cũng muốn hạ uy tín của các học giả người Việt). Một người bị mất uy tín thì nói ra không còn ai tin. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên thận trọng các nguồn tin trên internet. Đây là một môi trường tốt để kẻ xấu tung tin theo lối nhiễu loạn thông tin. Nếu không cẩn thận kiểm chứng thì ta sẽ sa vào cạm bẫy của họ.
© 2010 Trương Nhân Tuấn
© 2010 talawas
[1] Về trích dẫn từ trang www.sinoviet.com: “Năm Quang Tự đời Thanh, tri phủ Thái Bình Cam Nhữ Lai tái dựng lại lầu ải bằng một kiến trúc lâu đài kiểu Pháp (Pháp Quốc Lầu), dỡ bỏ Miếu Quan Đế và Đền Chiêu Trung. Sau này tuy có tiến hành nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ nguyên mạo diện Pháp Quốc Lầu. Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, thành lầu lại bị phá hủy, nay chỉ còn lại tầng dưới tức là cổng thành hình vòm.”
Theo tôi, chúng ta không nên dẫn những nguồn không kiểm chứng được. Nguồn dẫn trên là một nguồn không thể kiểm chứng. Dữ kiện đưa ra có nhiều điểm sai ấu trĩ mà mọi người đều biết như nhân vật Cam Nhữ Lai. Làm thế nào ông Cam Nhữ Lai một đại thần nhà Minh triều Ung Chính, làm án sát tỉnh Quảng Tây, người sửa chữa cổng Nam Quan năm 1725, lại tái sinh vào làm quan lại thời Quang Tự nhà Thanh? Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?
Trương Nhân Tuấn – Vài dòng xin thưa cùng anh Mai Thái Lĩnh về bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại” (phần 2)