Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại”

Tin liên quan: Mai Thái Lĩnh – Ải Nam Quan trong hiện tại
-Trương Nhân Tuấn – Vài dòng xin thưa cùng anh Mai Thái Lĩnh về bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại”



-Bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại” đã được đón nhận một cách nhiệt tình – cả ở trong lẫn ngoài nước. Nhiều trang mạng đã góp phần chuyển tải bài viết đi khắp nơi. Ngoài những trang mạng có tiếng tăm, còn có sự góp sức của rất nhiều trang blog của cá nhân và tập thể. Trong tình hình mà tự do tư tưởng và tự do ngôn luận vẫn còn là một ước mơ chưa có thực của nhân dân ta – nhất là của giới trí thức, sinh viên và học sinh quốc nội, việc phổ biến rộng rãi những bài viết thuộc các đề tài “nhạy cảm” (bị cấm kỵ) đến độc giả ở khắp nơi là một thành quả đáng mừng. Nó chứng tỏ sức mạnh của Internet trong thời đại mà Tự do Internet (Internet Freedom) đang dần dần trở thành mục tiêu hàng đầu không chỉ của nhân dân ta mà của cả thế giới – kể cả nhân dân Trung Quốc.

Như tôi đã nói trong lời phi lộ, do gặp khó khăn trong việc sưu tầm và đánh giá tư liệu, bài viết này chưa thể trở thành một công trình nghiên cứu khoa học mà chỉ có thể được coi như một bài viết thuộc thể loại báo chí. Những kết luận nêu ra trong bài viết chỉ là những kết luận tạm thời, thậm chí là những phỏng đoán, mặc dù là phỏng đoán có chứng cứ. Cần bổ sung thêm nhiều tư liệu, nhiều chứng cứ để biến chúng thành những kết luận, những khẳng định mang tính khoa học.
Tôi đã cố gắng tìm đọc những ý kiến phản hồi xung quanh bài viết. Trong bài này, chỉ xin nói rõ thêm về một số vấn đề mà anh Trương Nhân Tuấn đã nêu ra trong một bài viết khá chi tiết đăng trên trang mạng talawas vào ngày 22.3.2010[1]. Do khuôn khổ của một bài báo, chỉ có thể đề cập đến một số vấn đề, những điểm còn lại sẽ dành lại cho những dịp khác.
1) Về cột mốc số 19:
Bài viết của anh Trương Nhân Tuấn đã làm rõ thêm một dữ kiện rất quan trọng: đó là sự thay đổi vị trí của cột mốc biên giới số 19.
Ảnh 1: Trích biên bản ngày 21.4.1891 của Uỷ ban Phân định Biên giới Việt-Trung
Căn cứ vào tài liệu do tác giả cung cấp (ảnh 1), cột mốc số 24 (tức là cột mốc về sau mang số 19) được ghi chú như sau: “sur le sommet placé(e) en face du fort chinois de Kouei Tao”[2]. Tạm dịch: trên đỉnh, trước mặt đồn (hay công sự) Kouei Tao của Trung Hoa. Như vậy, cột mốc 19 nằm trên đỉnh đồi chứ không phải ở dưới thấp. Khi Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố bức ảnh chụp cột mốc số 19 (ảnh 2), họ đã vô tình chứng minh cho việc cột mốc biên giới đó đã bị dời đi so với đường biên giới pháp lý cuối thế kỷ 19.
Ảnh 2 : Ảnh cột mốc 19 do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố
Qua sự kiện này, có thể nói những tài liệu quý giá mà anh Trương Nhân Tuấn bỏ công sưu tầm đã góp phần rất lớn cho việc nghiên cứu chủ đề “Ải Nam Quan”, nhất là trong tình trạng thông tin về chủ đề này bị che giấu, bưng bít hay xuyên tạc.
Vấn đề đặt ra cho chúng ta là: cột mốc này nằm trên đỉnh của quả đồi nào? Căn cứ vào ảnh 3ảnh 4, ta thấy cột mốc đó phải nằm trên đỉnh của quả đồi ở phía đông của Ải Nam Quan (phía bên phải của hai tấm ảnh):
Ảnh 3 : Ải Nam Quan nhìn từ phía Việt Nam
Ảnh 4 : Ải Nam Quan nhìn từ phía Việt Nam
Trong tấm ảnh số 5 sau đây, quả đồi này nằm ở phía tay trái (vì đây là ảnh chụp từ phía Trung Quốc):
Ảnh 5 : Ải Nam Quan nhìn từ phía Trung Quốc
Nhưng theo ý kiến của anh Trương Nhân Tuấn, cột mốc đó nằm trên đỉnh của quả đồi có hai đường hầm đi qua dưới chân (xem ảnh 6).
Chỉ cần so sánh các tấm ảnh nói trên, chúng ta cũng có thể thấy hai ngọn đồi này hoàn toàn khác nhau. Đó chính là điểm khác biệt giữa lập luận của tôi và lập luận của anh Trương Nhân Tuấn. Đó cũng chính là lý do khiến tôi đặt nghi vấn về sự thay đổi vị trí của cửa ải khi phía Trung Quốc xây dựng lại cửa quan nổi tiếng này.
Ảnh 6 : Quả đồi phía đông của Hữu Nghị Quan ngày nay

2) Về Tòa nhà kiểu Pháp:
Chúng ta hãy xem xét lại hai tòa nhà: tòa nhà trong tấm ảnh “quân Pháp đầu hàng quân Nhật vào tháng 9 năm 1940” do Chân Mây sưu tầm (ảnh 7) và Tòa nhà kiểu Pháp tại Hữu Nghị Quan ngày nay (ảnh 8). Qua phân tích phản biện của anh Trương Nhân Tuấn, tôi thừa nhận mình đã đánh giá chưa thật chính xác khi viết rằng hai tòa nhà này “rất giống nhau”.
Ảnh 7 : Quân Pháp đầu hàng quân Nhật (1940)
Ảnh 8 : Tòa nhà kiểu Pháp tại Hữu Nghị Quan hiện nay
Tuy nhiên, trong bài viết, tôi cũng không hề kết luận rằng hai tòa nhà này là một. Hơn thế nữa, tôi không đưa ra kết luận, mà chỉ đưa ra một cách lý giải khác để thay cho cách lý giải của phía Trung Quốc. Xin trích lại nguyên văn:
“… chúng ta có thể tìm ra một cách giải thích tương đối hợp lý hơn về nguồn gốc của Tòa nhà kiểu Pháp: Tòa nhà kiểu Pháp là của người Pháp, do người Pháp xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 20 cho đến trước năm 1940. Sau này, khi xây lại Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc đã dời cửa quan đến một vị trí khác trên lãnh thổ Việt Nam, vì thế tòa nhà kiểu Pháp lọt vào lãnh thổ Trung Quốc. Và để hợp lý hóa việc một ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp lại nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc đã bịa đặt ra câu chuyện “Lâu đài Pháp Quốc được xây dựng dưới thời vua Quang Tự”.
Điều cần nhấn mạnh là: cho dù hai tòa nhà đó không phải là một, lập luận tôi nêu trên đây vẫn có thể đứng vững.
Anh Trương Nhân Tuấn viết: “Nên biết, hiện nay, không chỉ ở việt Nam, mà nhiều thành phố các tỉnh Hoa Nam vẫn còn rất nhiều kiến trúc Pháp được xây dựng từ thời đầu thế kỷ 20. Vùng Hoa Nam là vùng thuộc ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Pháp. Tại Côn Minh (Vân Nam) có nhiều dãy phố cất theo lối Pháp. Tại Long Châu, tòa lãnh sự của Pháp được xây theo lối Pháp. Ở vùng nhượng địa Quảng Châu Loan (bán đáo Quỳnh Châu, Quảng Đông), cả một khu phố lớn được xây cất theo lối Pháp. Ở Thượng Hải, mỗi khu phố là một nét kiến trúc khác nhau, có nơi giống Anh vì là tô giới Anh, có nơi giống Pháp vì thuộc tô giới Pháp v.v…Ta không thể dựa vào lý do tòa nhà xây theo lối Pháp mà kết luận rằng nhà đó của Pháp.”
Tôi xin mạn phép bác bỏ lập luận này.
Điều chúng ta có thể đồng ý với nhau là: trên lãnh thổ Trung Hoa, có thể có rất nhiều ngôi nhà xây theo kiểu Pháp. Nhưng nếu là nhà xây trong tô giới Pháp hoặc là tòa lãnh sự của Pháp thì không thành vấn đề, vì người Pháp xây nhà kiểu Pháp trên lãnh thổ một quốc gia khác là chuyện bình thường. Ở các vùng tô giới hay nhượng địa, việc nhà cửa được xây theo kiểu Pháp hay kiểu Anh cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề là tại sao chính phủ Trung Quốc (nhà Thanh hay Quốc dân Đảng?) lại xây trụ sở của một cơ quan công quyền ngay tại biên giới mà lại xây theo kiểu Pháp thay vì theo kiểu Trung Hoa? Hơn nữa, cho dù chính phủ Trung Hoa ngày xưa có làm cái công việc đáng gọi là kỳ cục đó thì chính phủ Trung Quốc ngày nay chắc hẳn phải có vô số bằng chứng để chứng minh lai lịch của Pháp Quốc Lầu; tại sao lại phải bịa đặt chuyện tòa nhà đó được xây dưới thời vua Quang Tự? Đó mới là lý do khiến chúng ta đặt nghi vấn.
Xin lưu ý rằng khu vực ải Nam Quan thuộc tỉnh Quảng Tây, là địa phương mà chính quyền Trung Quốc gọi là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Zhuang Autonomous Region of Guangxi)[3]. Đó là một vùng kém phát triển về kinh tế và văn hóa so với tỉnh Quảng Đông – một trong những tỉnh giàu có và văn minh nhất của Trung Quốc ngay từ thời Trung cố.
Mặt khác, tôi cũng không thể đồng ý hoàn toàn với lập luận của anh Trương Nhân Tuấn về địa điểm của tòa nhà trong tấm ảnh chụp quân Pháp đầu hàng quân Nhật (ảnh 7). Theo anh, tòa nhà này chỉ có thể nằm ở Lạng Sơn. Tôi không hoàn toàn bác bỏ ý kiến này, vì chỉ cần nhìn vào tấm bưu ảnh của P. Dieulefils (ảnh 9), ta thấy ở Lạng Sơn có thể có một tòa nhà giống như thế:
Ảnh 9 : Lạng Sơn – Các trại lính
Nhưng tòa nhà đó vẫn có thể hiện diện ngay tại Đồng Đăng, nghĩa là chỉ cách ải Nam Quan từ 4 đến 5 km, như tôi sẽ trình bày sau đây.
Anh Trương Nhân Tuấn đã viết một đoạn khá dài để bác bỏ lời chú thích của tác giả Chân Mây dưới tấm ảnh “quân Pháp đầu hàng quân Nhật”. Nguyên văn lời chú thích: “Liên quân Pháp-Việt (trường Sĩ quan Đồng Đăng). Những người bảo vệ Ải Nam Quan thất thủ trước quân Nhật (25.09.1940)”. Về việc có hay không có “trường sĩ quan Đồng Đăng”, tôi xin dành câu trả lời cho tác giả Chân Mây hoặc những người am hiểu về tình hình quân sự dưới thời Pháp thuộc. Tuy nhiên nếu bỏ cụm từ “trường Sĩ quan Đồng Đăng” thì câu chú thích sau đây: “Liên quân Pháp-Việt – Những người bảo vệ Ải Nam Quan thất thủ trước quân Nhật” vẫn hoàn toàn có ý nghĩa, bởi vì “bảo vệ ải Nam Quan” là bảo vệ phòng tuyến biên giới mà trung tâm là ải Nam Quan, chứ không phải là “bảo vệ Nam Quan cho người Trung Hoa”.
Anh Trương Nhân Tuấn nhận xét về Đồng Đăng như sau: “Đồng Đăng là một huyện nhỏ, nếu không nói là một làng nhỏ gần biên giới, cách Nam Quan 2km5. Dưới thời Pháp thuộc, Đồng Đăng có một đồn binh gồm vài chục lính biên phòng. Đây là một vùng còn rất nghèo của Việt Nam, huê lợi chính ngày xưa là cây hồi (đinh hương). Dân số phần lớn là người dân tộc gốc Tày, Nùng. (…) Người ta không thể dựng một trường đào tạo sĩ quan, những người chỉ huy tương lai, ở một vùng biên giới cực bắc, đèo heo hút gió, việc tiếp liệu khó khăn, thường xuyên bị thổ phỉ quấy nhiễu.” [4]
Đây là một suy luận hoàn toàn mang tính chủ quan. Mặc dù Đồng Đăng chỉ là một làng nhỏ, nhưng ở đó không phải chỉ có “vài chục lính biên phòng”. Làng Đồng Đăng thì nhỏ, nhưng ở đó người Pháp vẫn bố trí một (hay nhiều) trại lính (casernes) rất lớn. Chỉ cần nhìn vào tấm bưu ảnh số 791 của P. Dieulefils (ảnh 10) là có thể thấy điều đó. Cần chú ý là trên bưu thiếp ghi casernes (những trại lính) chứ không phải caserne (một trại lính).
Ảnh 10 : Đồng Đăng – Các trại lính và làng
Những tường trình về cuộc tấn công đầu tiên của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương vào tháng 9 năm 1940 cho thấy vào chiều ngày 22.9.1940, sư đoàn 5 của tướng Nakamura đã bất ngờ tấn công quân Pháp trên một phòng tuyến dài 70 km dọc biên giới Trung –Việt với mục đích bao vây Lạng Sơn bằng hai gọng kềm. Đồng Đăng và Chima là hai cứ điểm quan trọng bị tấn công vào đêm hôm đó [5]. Muốn tấn công Đồng Đăng, quân Nhật tất phải đi qua ải Nam Quan.
Ảnh 11 : Trích bản đồ giao thông đường bộ 2004
Tầm quan trọng của Đồng Đăng là do chỗ nó nằm ở giao điểm của hai trục đường bộ: từ Lạng Sơn đi Thất Khê, Cao Bằng (trong ảnh là đường 4A) và đường từ Lạng Sơn đi Bằng Tường (Quảng Tây – Trung Quốc) qua ngõ ải Nam Quan (xem ảnh 11). Người Pháp coi Lạng Sơn là cái chốt của cánh cửa mở ra phía đồng bằng Bắc Bộ (le verrou du delta tonkinois), do đó cần thiết phải bảo vệ Lạng Sơn. Tầm quan trọng của Đồng Đăng chính là ở chỗ nó án ngữ con đường đi đến Lạng Sơn, và là nơi có thể tiếp ứng cho phòng tuyến bảo vệ biên giới – mà trung tâm là ải Nam Quan. Có thể nói mất Đồng Đăng tất sẽ mất Lạng Sơn, mà mất Lạng Sơn thì đe dọa đến Hà Nội.
Quan sát các công trình kiến trúc của người Pháp ở Lạng Sơn, Đồng Đăng, chúng ta không thể loại trừ khả năng có sự hiện diện của một công trình kiến trúc tương tự như Tòa nhà kiểu Pháp ngay ở gần biên giới, do người Pháp xây dựng trong lãnh thổ của Việt Nam. Nói cách khác, một khi chưa chứng minh được lai lịch của Pháp Quốc Lầu phía sau Hữu Nghị Quan (mà tôi cho là bất minh), thì chúng ta vẫn có quyền nghi ngờ rằng tòa nhà đó trước đây là của người Pháp, nằm trong lãnh thổ của nước ta và bị phía Trung Quốc chiếm dụng. Chiếm dụng vào lúc nào, do chính phủ thời kỳ nào, đó là vấn đề chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu. Nhưng giải thích theo kiểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là một sự bịa đặt.
Nhân đây tôi cũng xin nêu ra một ví dụ về diện mạo, nhất là mặt tiền của một tòa nhà. Không ai dám nói chắc rằng tòa nhà kiểu Pháp ở Hữu Nghị Quan từ xưa đến nay vẫn có hình dáng ở mặt ngoài giống như thế. Chỉ xin đơn cử trường hợp của khách sạn Lang Bian Palace ở Dalat (về sau được gọi tên là khách sạn Dalat Palace, nay đổi tên là Sofitel Dalat Palace). Quan sát hai tấm ảnh (ảnh 12ảnh 13), ta thấy diện mạo bên ngoài rất khác nhau, tưởng chừng như hai toà nhà khác nhau. Trong thực tế, đó chỉ là một tòa nhà được trùng tu, cải tạo chứ không phải đập bỏ để xây lại.
Ảnh 12 : Lang Bian Palace thập niên 1930
Ảnh 13 : Khách sạn Sofitel Dalat Palace hiện nay
Do đó, diện mạo trước kia của Tòa nhà kiểu Pháp có thể khác với diện mạo hiện nay. Việc trang trí thêm hay xóa bỏ các họa tiết trang trí ở các trụ cột không có gì là khó khăn.
(Còn tiếp)
© 2010 Mai Thái Lĩnh
© 2010 talawas

[1]Trương Nhân Tuấn, “Vài dòng xin thưa cùng anh Mai Thái Lĩnh về bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại””, talawas 22.3.2010; phần I : http://www.talawas.org/?p=17718, phần II: http://www.talawas.org/?p=17735 [2]Do bản sao hơi mờ nên không rõ là placé hay placée. Nếu đi với chữ borne (f.) thì phải là placée.
[3] Choang: Zhuang (âm Hán-Việt là Tráng) là nhóm sắc tộc thiểu số đông dân nhất ở Trung Quốc (khoảng 16 triệu), chỉ sau người Hán. Người Tráng ở Trung Quốc có cùng nguồn gốc chủng tộc với người Tày ở Việt Nam.
[4] Theo bác sĩ Paul Néis, Đồng Đăng cách ải Nam Quan 3 km. Theo Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, một cuốn sách địa lý xuất bản tại Hà Nội năm 1926 cho biết từ Đồng Đăng (cây số 162) đến cửa Nam Quan (cây số 167) là 5 km, một cuốn sách khác của Hoàng Đạo Thúy xuất bản năm 1976 lại ghi là 4 km.
[5] Colonel André ROTTIER, “La première attaque japonaise contre l’Indochine en septembre 1940”, France/Indochine – Histoire et mémoire, A.N.A.I., 2007:
http://www.anai-asso.org/NET/document/le_temps_de_la_guerre/index.htm
Mục: La seconde guerre mondiale -La seconde guerre mondiale en Indochine
Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại” (1)
(Xem kỳ 1)
3) Hữu Nghị Quan và Ải Nam Quan:
Anh Trương Nhân Tuấn viết: “Như thế, kiến trúc Nam Quan ở hình 9 chỉ mới xây vào năm 1957. (…) Nhưng nghi vấn vị trí của Nam Quan có thay đổi lúc xây lại hay không thì vẫn không chứng minh được (với các bằng chứng cụ thể, khoa học).”
Mặc dù chưa thể chứng minh được một cách thật sự khoa học rằng vị trí của Nam Quan đã thay đổi khi cửa ải được xây lại, nhưng ngược lại cũng không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh rằng Hữu Nghị Quan đã được xây dựng ngay tại vị trí cũ của ải Nam Quan.
Tôi đã nêu 5 lý do để hoài nghi về vị trí của hai cửa quan. Nếu có ai bác bỏ được cả 5 lý do đó, mới có thể khẳng định: vị trí của Ải Nam Quan và vị trí của Hữu Nghị Quan là một. Sự hoài nghi này là hoài nghi khoa học, hoài nghi có phương pháp, không phải hoài nghi do thành kiến, tình cảm hay do tự ái dân tộc.
Ngoài những lý do đó, còn có rất nhiều dấu hiệu khiến chúng ta phải nghi ngờ. Trước hết là hai bức tường thành hai bên Ải Nam Quan.
Ảnh 14 : Tường thành tại Hữu Nghị Quan hiện nay
Ảnh 15 : Tường thành cổ bỏ hoang
Tại Hữu Nghị Quan hiện nay, du khách đã chụp được ảnh của một trong hai bức tường thành (ảnh 14). Bức tường trong tấm ảnh này rõ ràng là bức tường ở phía tây của Hữu Nghị Quan. Nhìn từ phía Trung Quốc, bức tường này nằm phía bên phải của cửa quan. Tôi đã cố tìm xem có tấm ảnh nào chụp bức tường ở phía đông hay không, nhưng không tìm thấy. Không rõ có độc giả nào chụp được ảnh của bức tường ở phía đông của Hữu Nghị Quan hiện nay? Ngoài bức tường được bảo quản tốt như trong tấm ảnh nói trên, trong vùng phụ cận Hữu Nghị Quan còn có bức tường hoang phế như trong tấm ảnh 15. Phải chăng đây là chứng tích của việc bỏ tường cũ, xây lại tường mới? Bên cạnh những tấm ảnh chụp con đường bậc thang và bức tường hoang phế, còn có những tấm ảnh trong đó ta thấy có vòm cổng cũ bị lấp kín (ảnh 16).
Ảnh 16 : Vòm cổng bị bỏ hoang
Các tấm ảnh trên nằm trong bộ sưu tập của một du khách người Hoa tên là Peiqianlong được dán lên trang mạng Flickr.com vào đầu năm 2007 dưới tiêu đề You Yi Guan outing (Du ngoạn Hữu Nghị Quan). Về phía người Việt chúng ta, có lẽ không ai có thể đặt chân được đến những nơi đó.
Ảnh 17 : Trấn Nam Quan đầu thập niên 1950
Hãy thử so sánh vòm cổng trong ảnh 16 với vòm cổng của Trấn Nam Quan được nhìn thấy trong tấm ảnh 17 do Chân Mây sưu tầm. Mặc dù tác giả không xác định được thời điểm chụp ảnh này, chúng ta có thể ước đoán rằng tấm ảnh được chụp vào nửa đầu thập niên 1950, trước khi phía Trung Quốc xây dựng lại Hữu Nghị Quan. Có thể so sánh nó với ảnh 18, chụp vào tháng 12 năm 1949:
Ảnh 18 : Ải Nam Quan tháng 12 năm 1949
Theo tác giả Chân Mây, tấm ảnh này được trưng bày ngay trong phòng trưng bày lịch sử tại Hữu Nghị Quan.
Những tấm ảnh này cho thấy suy đoán sau đây của anh Trương Nhân Tuấn là chưa chính xác: “Vùng biên giới Việt Trung đã có những trận chiến khá lớn giữa quân đội Nhật và Hoa hay giữa Nhật và Pháp. Các trận chiến này ít nghe nói tới. Trong các trận đánh này có thể kiến trúc Nam Quan cũ đã bị Nhật đánh sập.” Như tôi đã từng nhận xét ngay trong bài viết “Ải Nam quan trong lịch sử”, chiến tranh có thể làm cho ải Nam Quan bị hư hại nhưng không thể phá hủy hoàn toàn cửa ải này và hai bức tường hai bên. Hư hại do chiến tranh có thể chỉ là cái cớ để phía Trung Quốc tìm cách bỏ cửa ải cũ, tường cũ để xây dựng lại cửa ải mới, tường mới nhằm thực hiện âm mưu chiếm đất.
Trong những năm gần đây, Hữu Nghị Quan đã biến thành một khu tham quan du lịch. Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép du khách – nhất là du khách Việt Nam và các nước khác, được tự do du ngoạn và chụp ảnh ở khu vực Hữu Nghị Quan và vùng phụ cận, tôi tin chắc chúng ta sẽ có được vô số bằng chứng về vị trí cũ của ải Nam Quan cũng như các bức ảnh toàn cảnh của Hữu Nghị Quan ngày nay.
Nhưng đây chỉ là mong muốn của những người Việt yêu nước mà thôi – một mong muốn rất khó trở thành hiện thực. Xem bản sơ đồ hướng dẫn du lịch (ảnh 19), chúng ta thấy trong phạm vi của Hữu Nghị Quan có rất nhiều doanh trại quân đội và các pháo đài; do đó du khách không thể tự do đi lại và chụp ảnh như trong một công viên bình thường được.
Ảnh 19 : Sơ đồ hướng dẫn du lịch lại Hữu Nghị Quan
4) Về những tài liệu được gọi là “lịch sử” của phía Trung Quốc:
Tấm bia gỗ viết bằng 3 thứ tiếng (Hán, Anh và Việt) mà một nhà báo ở miền Bắc đã gửi cho anh Trương Nhân Tuấn thật ra cũng không khác gì tấm bảng quảng cáo mà tôi giới thiệu (ảnh 20).
Ảnh 20 : Bảng quảng cáo lầu thành kiểu Pháp
Tôi gọi đó là bảng quảng cáo vì những điều ghi trên đó ít có giá trị khoa học. Những tấm bảng quảng cáo như thế có nhan nhản trong khu vực của Hữu Nghị Quan, nội dung nhằm giới thiệu cái-gọi-là “lịch sử” của Hữu Nghị Quan, trong đó xen lẫn giữa sự thật là những điều không đáng tin. Vì vậy khi xem xét chúng, cần phải phân biệt thật và giả, không thể tin một cách dễ dàng được.
Hãy thử trích một đoạn trong tấm bia gỗ mà anh Trương Nhân Tuấn giới thiệu:
Hữu Nghị Quan xây vào nhà Hán, đến nay đã vào khoảng 2000 năm, đã từng đổi tên 6 lần, tên trước là Ung Kê Quan, sau lại đổi tên Giới Đầu Quan, Đại Nam Quan, đến đầu nhà Minh lại đổi tên Trấn Nam Quan, tháng 1/1953 đổi tên Hữu Nghị Quan.”
Không rõ căn cứ vào đâu mà phía Trung Quốc cho rằng “Hữu Nghị Quan” xây vào đời nhà Hán”? Bởi lẽ vào thời đó, ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa lùi đến tận vùng biên giới như sau này, làm sao lại có cái-gọi-là Ung Kê Quan tại nơi đó?
Theo Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, địa bàn của nước Âu Lạc bao gồm “cả dải đất miền Bắc Việt Nam từ Hoành Sơn cho đến miền Nam tỉnh Quảng Tây”. Về sau, Triệu Đà chiếm Âu Lạc, chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Khi nhà Hán diệt nhà Triệu (năm 111 trước công nguyên), họ chiếm đất Âu Lạc, nhưng vẫn giữ nguyên hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhà Hán chiếm thêm đất ở phía Nam hai quận của nước ta, đặt làm quận Nhật Nam, sau đó đem ba quận mới chiếm gộp với bốn quận ở miền nam Trung Quốc là Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố và hai quận ở đảo Hải Nam là Châu Nhai và Đạm Nhĩ để hình thành bộ Giao Chỉ.[1]
Quận Giao Chỉ là một trong 9 quận của bộ Giao Chỉ. Phạm vi của quận Giao Chỉ – quận phía bắc của nước ta thời đó, rộng đến đâu? Học giả Đào Duy Anh viết: “Như thế thì đất quận Giao Chỉ ở thời Hán là đất Bắc Bộ ngày nay, trừ miền tây-bắc còn ở ngoài phạm vi thống trị của nhà Hán, một góc tậy-nam tỉnh Ninh Bình bấy giờ là địa đầu của quận Cửu Chân và một dải bờ biển từ Thái Bình đến huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, bấy giờ chưa được bồi đắp; lại phải thêm vào đấy một vùng về phía tây-nam tỉnh Quảng Tây.”[2]
Tóm lại, quận Giao Chỉ bao gồm cả một phần đất của Quảng Tây ngày nay.
Mặt khác, xét cái tên Ung Kê Quan, ta thấy trong Cương mục, các nhà sử học đời nhà Nguyễn dựa theo Địa lý chí trong Tiền Hán thư, chú giải như sau về quận Uất Lâm: “Quận Uất Lâm thống trị 12 huyện: Bồ Sơn, An Quảng, A Lâm, Quảng Uất, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Tăng Thực, Lĩnh Phương, Ung Kê.” Về quận Uất Lâm: “Quận Uất Lâm: đời Tần, thuộc đất quận Quế Lâm nay thuộc đất Quảng Tây.” (Cương mục, Tiền biên, II, 5)[3]. Như vậy, Ung Kê thuộc quận Uất Lâm chứ không thuộc quận Giao Chỉ. Ung Kê Quan (nếu có) phải nằm rất xa Lạng Sơn, ở tận lưu vực của sông Tả giang, trong địa phận của tỉnh Quảng Tây, chứ làm sao có thể nằm ở vị trí của Hữu Nghị Quan ngày nay? Nhìn vào tấm bản đồ in kèm trong cuốn sách nói trên, chúng ta có thể thấy ranh giới của Giao Chỉ nằm ở tận Quảng Tây, ở lưu vực của sông Tả Giang (ảnh 21).
Ảnh 21 : Nước Âu Lạc thời thuộc Hán
Để có thể kết luận “Ải Nam Quan được xây dựng cách đây vào khoảng 2 ngàn năm”, các nhà sử học và địa lý học Trung Quốc phải bác bỏ được lập luận của học giả Đào Duy Anh mà tôi vừa trình bày tóm tắt.
Nói chung, phần lớn các tài liệu về lịch sử của Trung Quốc hiện nay đều lẫn lộn thực hư, nhất là khi chúng được dùng để phục vụ cho mục tiêu chính trị, vì thế chúng ta phải cảnh giác, không thể tin hoàn toàn. Điều tôi muốn nhấn mạnh là: không những ghi nhiều điều bịa đặt trong các tấm bia bằng gỗ, đá, xi-măng ở Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc còn đưa lên mạng để tuyên truyền cho người Việt chúng ta.
Trong phần chú thích, anh Trương Nhân Tuấn viết như sau: “Về trích dẫn từ trang www.sinoviet.com: “Năm Quang Tự đời Thanh, tri phủ Thái Bình Cam Nhữ Lai tái dựng lại lầu ải bằng một kiến trúc lâu đài kiểu Pháp (Pháp Quốc Lầu), dỡ bỏ Miếu Quan Đế và Đền Chiêu Trung. Sau này tuy có tiến hành nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ nguyên mạo diện Pháp Quốc Lầu. Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, thành lầu lại bị phá hủy, nay chỉ còn lại tầng dưới tức là cổng thành hình vòm.” Theo tôi, chúng ta không nên dẫn những nguồn không kiểm chứng được. Nguồn dẫn trên là một nguồn không thể kiểm chứng. Dữ kiện đưa ra có nhiều điểm sai ấu trĩ mà mọi người đều biết như nhân vật Cam Nhữ Lai. Làm thế nào ông Cam Nhữ Lai một đại thần nhà Minh triều Ung Chính, làm án sát tỉnh Quảng Tây, người sửa chữa cổng Nam Quan năm 1725, lại tái sinh vào làm quan lại thời Quang Tự nhà Thanh? Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?”
Trái với ý kiến của anh Trương Nhân Tuấn, nguồn tin trên là một nguồn tin hoàn toàn có thể kiểm chứng, vì nó nằm ngay trên trang mạng SINOVIET (gồm ba ngôn ngữ: Hoa, Anh và Việt). Đoạn dẫn chứng của tôi nằm trong bản tiếng Việt, ở mục Mậu dịch biên giới, bài giới thiệu về “Cửa khẩu Hữu Nghị Quan” (xem ảnh 22)[4].
Ảnh 22 : Sinoviet giới thiệu Cửa khẩu Hữu Nghị
Theo lời tự giới thiệu của trang mạng Sinoviet (bản tiếng Việt) thì Mạng khoa học công nghệ và thương mại Trung-Việt < http://www.vn.sinoviet.com > là một trong những mạng thứ cấp (sub-network) của Mạng thông tin khoa học công nghệ Quảng Tây < http://www.gxsti.net.cn >; phiên bản Trung văn của trang mạng này vận hành từ tháng 7 năm 2002 “đã gây ảnh hưởng rộng lớn trong đất nước Trung Quốc”.Trong số các đối tác Việt Nam được giới thiệu, chúng ta thấy có: Trung tâm Thông tin Bộ KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Nông nghiệp I Việt NamTrung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam.[5]
Trang mạng Sinoviet là một trang mạng “hợp tác”, được xây dựng và bảo trì bởi hai cơ quan GXSTI (Trung Quốc) và VISTA (Việt Nam) (ảnh 23).
GXSTI là chữ viết tắt của Guangxi Science and Technology Information Network Center (Trung tâm mạng thông tin khoa học và công nghệ Quảng Tây). Địa chỉ của Trung tâm này là số 55 đường Tân Dân, Thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc; trang mạng tiếng Việt của Trung tâm có địa chỉ:  http://vn.gxsti.net. VISTA là chữ viết tắt của Mạng Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vietnam Information for Science and Technology Advance); mạng này do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NACESTI) thiết kế, xây dựng, quản lý và phát triển. Địa chỉ: số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, ĐT: 04-9349126. Fax: 04-9349127.
Ảnh 23 : Sinoviet – sản phẩm hợp tác
Anh Trương Nhân Tuấn viết: “Dữ kiện đưa ra có nhiều điểm sai ấu trĩ mà mọi người đều biết như nhân vật Cam Nhữ Lai. Làm thế nào ông Cam Nhữ Lai một đại thần nhà Minh triều Ung Chính, làm án sát tỉnh Quảng Tây, người sửa chữa cổng Nam Quan năm 1725, lại tái sinh vào làm quan lại thời Quang Tự nhà Thanh? Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?”
Về điểm này, tôi cũng xin đính chính: Cam Nhữ Lai nguyên là án sát của tỉnh Quảng Tây dưới thời vua Ung Chính nhà Thanh (chứ không phải nhà Minh như anh Trương Nhân Tuấn đã viết). Năm 1725, ông này đã tham gia vào việc trùng tu lại Trấn Nam Quan. Nếu ông ta sống được đến năm 1896 để xây dựng Pháp Quốc Lầu thì ít nhất ông ta cũng phải được 200 tuổi. Đây quả là một chi tiết bịa đặt có tính khôi hài.
Cũng nên nói thêm là gần đây, GXSTI và VISTA còn “hợp tác” để làm nên một trang mạng khác có tên là ChinAsean. Ngày 13.6.2009 vừa qua, bài giới thiệu cửa khẩu Hữu Nghị Quan nói trên của Sinoviet đã được chép nguyên văn (kể cả lỗi chính tả) để đăng trên trang mạng này[6]. Như vậy, “dữ kiện… có nhiều điểm sai ấu trĩ” mà anh Trương Nhân Tuấn phản ứng gay gắt bây giờ lại có điều kiện nhân đôi để phổ biến rộng rãi trong những người đọc tiếng Việt.
Sau cùng, câu hỏi mà anh Trương Nhân Tuấn đặt ra: “Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?” là một câu hỏi khá thú vị. Theo tôi, nên gửi câu hỏi này đến cho các cấp có thẩm quyền của Việt Nam – nhất là Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NACESTI), cơ quan đang hợp tác với Trung tâm mạng Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Tây (GXSTI) để xây dựng và bảo trì trang mạng này.
Điều kỳ lạ là những “điểm sai ấu trĩ” hay những sự xuyên tạc lịch sử, bóp méo thực tế như thế không phải là hiếm trên các trang mạng hoặc sách báo của Trung Quốc. Kể từ khi trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời (tháng 4 năm 2009) đến nay, nhiều độc giả hay cộng tác viên đã phát hiện nhiều chuyện động trời tương tự. Nhưng trong khi nhân dân – nhất là giới trí thức và các sinh viên, học sinh yêu nước đã và đang ra sức cảnh báo về những điểm sai trái động trời đó thì một số nhà lãnh đạo từ địa phương cho đến trung ương vẫn bình chân như vại, vẫn tiếp tục “ôm hôn thắm thiết” hay bình thản “siết chặt tay hữu nghị” với các nhà lãnh đạo của đất nước Trung Quốc hay của tỉnh Quảng Tây.
Thái độ coi thường dư luận, khinh rẻ nhân dân đó mới thật sự là điều khó hiểu. Người dân ngày càng thắc mắc: phải chăng việc các nhà lý luận và tuyên truyền của Đảng ra sức hô hoán về cái-gọi-là “nguy cơ diễn biến hòa bình” đến từ phương Tây chính là chiến thuật tung hỏa mù nhằm che giấu một quá trình “diễn biến không – hòa bình” đến từ một hướng khác?
Chính quá trình “diễn biến không – hòa bình” này mới thật sự là nguy cơ lớn nhất của đất nước, bởi vì nó đã gặm nhấm đường biên giới trên bộ, nuốt mất quần đảo Hoàng Sa và đang lăm le nuốt trọn quần đảo Trường Sa, khống chế vùng tài nguyên ở Biển Đông, đồng thời từng bước tìm cách hủy hoại những giá trị tinh thần của dân tộc ta, nhằm đẩy nhân dân ta trở lại với thân phận nô lệ của thời kỳ “nghìn năm Bắc thuộc” – với những hình thức mới và trong hoàn cảnh mới.
Đà Lạt, 7.4.2010
© 2010 Mai Thái Lĩnh
© 2010 talawas

[1] Đào Duy Anh , Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 28, 37 [2] Đào Duy Anh, sđd, tr. 49-50
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 103 (Lời chua về 9 quận của bộ Giao Chỉ).
[4] http://www.vn.sinoviet.com/bordertrade/cvport/youyi-gate/youyigate-1.asp
[5] Sino-Vietnam Trade Network:
http://www.vn.sinoviet.com/others/aboutus/aboutus.asp
[6] http://www.cn-asean.cn/asean/donet/Vietnam/ShowArticle.aspx?id=ee1d3123-2930-4c9d-94e2-0636ea43a8f1
Mai Thái Lĩnh – Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại” (2)
—————

(Trả lời bài phản biện của anh Trương Nhân Tuấn[i])
Trước hết, tôi xin trích lại phần mở đầu của bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại”:
“Bài viết này là phần thứ hai của một tiểu luận mà phần đầu là bài viết “Ải Nam Quan trong lịch sử”(đã được công bố trên các trang mạng talawas và Bauxite Việt Nam vào đầu tháng 8 năm 2009). Thế nhưng, khi bước vào tìm hiểu tình hình của khu vực ải Nam Quan hiện nay, bất cứ ai cũng gặp phải khó khăn trong việc sưu tầm tư liệu. Đề tài này cho đến nay vẫn còn thuộc lĩnh vực “bí mật Nhà nước”, các cấp có thẩm quyền của cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều tìm cách bưng bít, che giấu sự thật. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến tính chất khách quan, khoa học của quá trình nghiên cứu.
Vì thế chỉ có thể coi đây là một nỗ lực khiêm tốn nhằm phá thủng bức màn sương khói đã phủ lên khu vực này từ hơn nửa thế kỷ nay. Trên con đường tìm ra “sự thật về ải Nam Quan”, có lẽ cần có sự đóng góp nhiều hơn nữa của những người Việt Nam yêu nước. Tác giả hy vọng sẽ có sự tiếp tay của những người cộng sản yêu nước – nhất là những người nắm trong tay những bằng chứng xác thực, không thể chối cãi nhưng cho đến nay, vì những lý do nào đó, vẫn chưa thể hoặc chưa dám nói lên toàn bộ sự thật.”
Điều này cho thấy không phải sau khi bị phê bình, tôi mới “điều chỉnh, nhìn nhận lại” là bài viết này ”chưa thể trở thành một công trình nghiên cứu khoa học” mà ngay từ đầu, tôi đã ý thức rất rõ những khó khăn trong khi nghiên cứu đề tài “Ải Nam Quan trong hiện tại”. Chính vì vậy mà tôi đề nghị mọi người Việt yêu nước cùng nhau góp sức để tìm ra sự thật.
1. Những lập luận chính của bài viết
Bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại” có hai phần chính:
- Phần 1: Chứng minh có mất đất tại Ải Nam Quan, ít nhất là ở ngọn đồi phía đông; nói chính xác hơn là phía đông – đông nam (E-SE) của Hữu Nghị Quan. Điều này căn cứ vào chính những tài liệu và những phát biểu của các cấp có thẩm quyền của phía Việt Nam;
- Phần 2: Đưa ra những nghi vấn về vị trí của Hữu Nghị Quan: Hữu Nghị Quan ngày nay có được xây đúng vào vị trí của Ải Nam Quan ngày xưa hay không?
Tôi không rõ anh Trương Nhân Tuấn bác bỏ phần nào; nhưng căn cứ vào những gì anh đã viết trong bài phản biện trước, tôi hiểu rằng anh chỉ bác bỏ phần 2 mà thôi.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong khi tranh luận, chúng ta nên đi vào những lập luận chính, không nên sa vào một vài chi tiết phụ và tranh luận triền miên về các điểm ấy rồi quên mất những lập luận chính. Trong bài viết, tôi đã đưa ra tất cả 5 lý do khiến chúng ta có thể hoài nghi rằng “khi xây lại Ải Nam Quan, phía Trung Quốc đã không xây lại ở vị trí cũ mà đã dời sang một vị trí khác”:
i. Trong tấm bản đồ 249 C, đường biên giới ở khu vực Hữu Nghị Quan là một đường gãy góc rất kỳ lạ, không giống như trong các tấm bản đồ của thời Pháp thuộc, chứng tỏ đường biên giới đã bị thay đổi.[ii]
ii. Các ngọn đồi ở phía đông và đông-nam của Hữu Nghị Quan hiện nay không giống với các ngọn đồi mà ta nhìn thấy trong các ảnh chụp của thời Pháp thuộc.
iii. So sánh các ảnh chụp toàn cảnh khu vực Hữu Nghị Quan vào năm 1940 và hiện nay, ta thấy ở vị trí của Hữu Nghị Quan ngày nay, không có sự hiện diện của Ải Nam Quan và hai bức tường thành.
iv. Lai lịch bất minh của Tòa nhà kiểu Pháp và câu chuyện bịa đặt của phía Trung Quốc về nguồn gốc của tòa nhà này.
v. Kể từ khi Hữu Nghị Quan tồn tại cho đến nay, chúng ta chưa tìm ra một tấm ảnh nào chụp toàn cảnh Hữu Nghị Quan nhìn từ một vị trí trên cao, sát cửa quan, tương tự như tấm ảnh mà P. Dieulefils đã chụp vào đầu thế kỷ 20 (ảnh 1). Điều đó khiến chúng ta phải đặt nghi vấn: có nhiều khả năng vị trí này (như đã thể hiện trên tấm bản đồ Chapès) đã mất về phía Trung Quốc?
Ảnh 1: Ải Nam Quan đầu thế kỷ 20
Trong các bài viết, anh Trương Nhân Tuấn chỉ tập trung vào lập luận (iv), và trong lập luận này lại chỉ chú ý đến một phần phụ của lập luận – liên quan đến một tấm ảnh của tác giả Chân Mây cùng với lời chú thích ghi trên đó.
Thật ra, điểm quan trọng nhất chính là lập luận (v). Chỉ cần trưng ra một vài tấm ảnh toàn cảnh của Hữu Nghị Quan là đủ để giải tỏa mọi thắc mắc, nghi ngờ. Thế nhưng, kể từ ngày tôi công bố bài “Ải Nam Quan trong lịch sử” (tháng 8 năm 2009) đến nay, chưa thấy có ai đưa ra được tấm ảnh nào như thế. Điều đó cho thấy những hoài nghi của tôi là hoài nghi có phương pháp, hoài nghi khoa học. Vì vậy, không nên biện luận dài dòng về một điểm nhỏ để cố tình làm mờ đi những điểm quan trọng hơn, bởi vì biện luận không thể thay cho thực tế mà ngược lại, chỉ có thực tế mới chứng minh được cho biện luận.
2. Về tấm ảnh “Liên quân Pháp-Việt” (1940) của tác giả Chân Mây
Anh Trương Nhân Tuấn đã viết rất dài để chứng minh tấm ảnh mà Chân Mây sưu tầm là ảnh chụp tại Lạng Sơn và lời chú thích ghi kèm là không đúng. Theo tôi nghĩ, ta không nên bàn luận quá nhiều về chi tiết này vì nó không phải là “bằng chứng nền tảng”. Thiếu nó thì lập luận thứ 4 của tôi có bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng cũng không đến nỗi “sụp đổ” như anh đã vội vàng phán xét. Vì vậy, nên dành lại vấn đề này cho một dịp khác, ở một đề tài khác.
Trong bài trao đổi ý kiến lần trước, tôi đã có đề nghị: Về việc có hay không có “trường sĩ quan Đồng Đăng”, tôi xin dành câu trả lời cho tác giả Chân Mây hoặc những người am hiểu về tình hình quân sự dưới thời Pháp thuộc.” Anh Trương Nhân Tuấn nhận xét đây là “lên tiếng kêu cứu”. Theo suy nghĩ của tôi, mục đích của tranh luận, đối thoại là tìm ra chỗ đúng, chỗ sai, chứ không phải là một cuộc ganh đua thắng thua. Để tìm ra chân lý, có thể cả bên này lẫn bên kia đều thua ở chỗ này hay chỗ khác, nhưng một khi tìm ra được chân lý thì cả hai đều là kẻ thắng, chỉ có sự dối trá mới thua cuộc trước sự thật. Vì vậy, nếu tôi có “kêu cứu” tác giả Chân Mây hay ai khác thì cũng không có gì đáng phải chê bai, chế giễu, vì ngay từ lời mở đầu của bài viết, tôi đã lên tiếng “kêu cứu” (thực ra là kêu gọi) tất cả mọi người Việt yêu nước.
Nhưng theo tôi, đây còn là vấn đề trách nhiệm của người cầm bút. Tác giả lấy bút danh là Chân Mây gần đây viết rất nhiều bài và được nhiều người đọc hâm mộ. Ông đã sưu tầm được tấm ảnh đó cho nên có thể biết được nguồn gốc của tấm ảnh, và có thể giải thích rõ tại sao lại chú thích như thế. Nếu chú thích sai, ông Chân Mây hẳn có trách nhiệm xin lỗi độc giả. Trong trường hợp này, lỗi của tôi là chưa thận trọng trong việc sử dụng và kiểm chứng tư liệu. Là người cầm bút, không thể tránh được sai sót, công nhận sự sai sót không phải là điều đáng xấu hổ. Chỉ có những người tự cao tự đại, khư khư bảo thủ, không chịu nhận lỗi mới là đáng trách, đáng hổ thẹn.
Nhưng có điều rất khó hiểu là những dẫn chứng rất dài lại không thể chứng minh được việc có hay không có một công trình kiến trúc như “Tòa nhà kiểu Pháp” ở ngay biên giới – kể từ khi người Pháp có mặt ở miền Bắc Việt Nam cho đến khi họ rút hoàn toàn ra khỏi Đông Dương.
Anh Trương Nhân Tuấn đã khẳng định một cách chắc nịch: “Như thế, theo các dữ kiện trên đây, không hề có quân Pháp đóng tại Nam Quan, từ cảnh sát biên giới cho đến quan thuế hay quân đội. Không có quân đội Pháp-Việt đóng tại Nam Quan thì «liên quân Pháp-Việt» nào bảo vệ Nam Quan? Tất cả nhân viên quan thuế, cảnh sát biên giới hay quân đội đều đóng tại Đồng Đăng.”
Kết luận thì hùng hồn như thế, nhưng tất cả những dẫn chứng được nêu ra lại chỉ xoay quanh tình hình của Đồng Đăng – Nam Quan vào cuối thế kỷ 19. Khi viết về tổ chức quân sự tại Bắc Kỳ, tác giả đã sử dụng một cuốn sách của Commandant Famin (Thiếu tá Famin?) xuất bản năm 1894. Khi mô tả về “kinh tế nhân văn” của Đồng Đăng, tác giả đã dùng một tài liệu của ông Aumoitte viết vào năm 1881, phụ chú thêm vào tháng 5 năm 1884. Các chi tiết liên quan đến các giai đoạn khác (vd: thập niên 1940) thì rất lờ mờ, không rõ ràng.
Theo tôi, không thể sử dụng những tài liệu cuối thế kỷ 19 để làm rõ tình hình của Lạng Sơn – Đồng Đăng vào những năm 1940 hay những năm 1950. Từ cuối thế kỷ 19 đến 1940, lịch sử đã trải qua cả một cuộc Chiến tranh Thế giới lần I, ở Trung Quốc đã có sự thay đổi triều đại (từ nhà Thanh sang Chính phủ Quốc Dân Đảng), và đã nổ ra cuộc Chiến tranh Thế giới lần II với sự hiện diện của quân Nhật tại Hoa Nam.
Cho nên những điều anh Trương Nhân Tuấn trình bày rất dài tuy không phải là suy luận hoàn toàn mang tính chủ quan, nhưng lại không phù hợp về thời gian tính. Vì vậy, có lẽ anh nên tiếp tục sưu tầm tư liệu để một lúc nào đó, có thể cung cấp cho độc giả một bài viết đặc sắc về tình hình của Lạng Sơn – Đồng Đăng vào các thập niên 1940-1950. Nhưng đó lại là một đề tài khác, không nên ghép chung vào chủ đề này khiến cho độc giả rối trí.
3. Về lai lịch bất minh của Tòa nhà kiểu Pháp
Anh Trương Nhân Tuấn viết: “Lập luận ‘tòa nhà kiểu Pháp là của Pháp, xây trên đất Việt… sau này phía TQ dời cửa quan đến một vị trí khác nên tòa nhà kiểu Pháp lọt vào lãnh thổ Trung Quốc’ không hề đứng vững. Đâu phải nhà kiểu Pháp thì nhà đó của Pháp? Tôi đã viết trong bài góp ý trước, không tiện nhắc lại. Nhưng điều quan trọng là anh Mai Thái Lĩnh nhìn nhận hai tòa nhà không phải là một. Điều này làm cho lập luận của anh bị sụp đổ, vì nó là bằng chứng nền tảng.”
Anh cho rằng “đâu phải nhà kiểu Pháp thì nhà đó của Pháp”. Nhưng anh cũng không giải thích được điều vô lý sau đây: tại sao người Trung Hoa lại xây một công sở tại biên giới theo kiểu Pháp thay vì theo kiểu Trung Hoa? Tại sao họ phải bịa đặt câu chuyện “Tòa nhà kiểu Pháp được xây dựng từ đời vua Quang Tự”? Vì vậy, cho dù kết luận nói trên (đúng ra phải gọi là giả thuyết) chưa thể đứng vững vì thiếu chứng cứ để chứng minh, thì nó cũng không làm sụp đổ toàn bộ lập luận của tôi (điểm iv) như anh đã tưởng tượng, vì đó chỉ là bằng chứng phụ, không phải là “bằng chứng nền tảng”.
Lập luận chính của tôi (điểm iv) có thể tóm tắt như sau: Tòa nhà kiểu Pháp ở cạnh Hữu Nghị Quan có lai lịch bất minh. Phía Trung Quốc đã bịa ra câu chuyện tòa nhà này được nhà Thanh xây dựng vào đời vua Quang Tự (1896), trong khi các tấm ảnh chụp được vào đầu thế kỷ 20 cho thấy ở phía sau Ải Nam Quan không có tòa nhà này.
Ảnh 2: Phía sau Hữu Nghị Quan (trong lãnh thổ Trung Quốc)
Như vậy, “bằng chứng nền tảng” thứ nhất là tấm ảnh do chính anh Trương Nhân Tuấn sưu tầm (ảnh 2). Phía sau Ải Nam Quan, trong lãnh thổ của Trung Quốc chỉ có miếu Quan đế, đền Chiêu Trung và một ngôi nhà xây lợp ngói nhưng chỉ có một tầng trệt, kiến trúc rất đơn giản, chứ không hề thấy tòa nhà kiểu Pháp ở đâu cả.
“Bằng chứng nền tảng” thứ hai là câu chuyện bịa đặt cho rằng Tòa nhà kiểu Pháp được xây dựng vào năm 1896, dưới thời vua Quang Tự nhà Thanh. Bằng chứng này được nhìn thấy trên tấm “bia gỗ” ngay trong khu vực Hữu Nghị Quan (ảnh 3), không phải chỉ là thông tin trên Internet (mà anh Trương Nhân Tuấn cho là không có giá trị).
Ảnh 3: “Bia gỗ” giới thiệu Hữu Nghị Quan
Như trong bài trước tôi đã viết: chừng nào mà phía Trung Quốc chưa chứng minh được lai lịch của Tòa nhà này thì lúc đó chúng ta vẫn có quyền hoài nghi tòa nhà này không phải của Trung Quốc xây và không nằm trên lãnh thổ của Trung Quốc.
Cho đến nay, tôi nhận thấy anh Trương Nhân Tuấn chưa bác bỏ được lập luận nói trên, cũng không đưa ra được bằng chứng nào để chứng minh “tòa nhà kiểu Pháp là do Trung Quốc xây” hoặc tòa nhà đó “rõ ràng là nằm trên lãnh thổ của Trung Quốc”. Như vậy làm thế nào anh có thể kết luận rằng lập luận của tôi “đã bị sụp đổ”?
Tôi cũng không hiểu tại sao anh lại cố gắng tìm đủ mọi lý lẽ để phản bác điều này và biện hộ giùm cho phía Trung Quốc trong khi anh không có đủ bằng chứng? Có lẽ nên nhường quyền phê phán cho các nhà sử học, lý luận và tuyên truyền của phía Trung Quốc, bởi lẽ chỉ có họ may ra mới có đủ bằng chứng để chứng minh lai lịch của tòa nhà đó và xua tan mối hoài nghi của tôi. Nếu họ không biết đọc tiếng Việt thì tôi xin nhờ các độc giả hay các nhà nghiên cứu giỏi tiếng Hoa nêu vấn đề này với họ để xem họ trả lời ra sao, biện luận ra sao?
4. Về độ khả tín của các nguồn Internet
Nguồn Internet có độ khả tín nhất định, đồng thời cũng có chỗ không đáng tin, vì vậy ta phải thận trọng khi sử dụng các tư liệu từ Internet. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ nguồn tư liệu Internet nào cũng không đáng tin, còn bất cứ tư liệu dạng ấn phẩm nào cũng khả tín. Có dịp, tôi sẽ trao đổi thêm về việc các tư liệu thành văn của Trung Quốc ngay từ thời cổ đại và nhất là từ thời Nhà Hán đã bị đánh tráo, xuyên tạc, “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” như thế nào.
Nhưng nguồn tư liệu trên Internet hiện nay rất phong phú, do sự đóng góp của rất nhiều người, chúng ta có nên từ chối sử dụng hay không? Nhất là trong một vấn đề rất nan giải như vấn đề Ải Nam Quan, chúng ta có nên từ chối Internet như một nguồn tư liệu và một phương tiện để tra cứu và trao đổi thông tin hay để tranh luận, đối thoại? Theo tôi, không nên quá cực đoan trong bất cứ vấn đề gì, bởi vì vấn đề chính vẫn là phương pháp xử lý tư liệu.
Nhân nói về vấn đề xử lý tư liệu, tôi cũng xin góp ý với anh Trương Nhân Tuấn: nên cẩn thận hơn trong khi sử dụng một số tư liệu để làm bằng chứng. Các tấm ảnh mà anh giới thiệu về ngọn núi “có một công sự trên đỉnh” còn khá mù mờ, không thể xác định rõ nằm ở đâu, nếu nằm ở khu vực Nam Quan thì nằm ở hướng nào, lại càng không thể xác định công sự ấy có phải là công sự mang tên Kouei Tao hay không. Sử dụng chúng để làm bằng chứng, theo tôi là hơi vội vàng, thiếu thận trọng. Ngay cả tấm ảnh của Lancelot vẽ theo một bản phác thảo của ông Aumoitte (Cua-Ai: – Porte frontière du Tong-King et du Kouang-Si), cũng chưa thể coi đó là Ải Nam Quan. Bởi vì vào năm 1881, người Pháp chưa chiếm được Bắc Kỳ, người dân thường chưa chắc đã được phép đi qua Ải Nam Quan, mà phải đi qua Ải Du. Hơn nữa, như bác sĩ P. Néis đã viết, trên vùng biên giới Bắc Kỳ – Quảng Tây không phải chỉ có Ải Nam Quan được gọi tên là “Porte de Chine”, trong khi tấm ảnh trên chỉ ghi là “cửa ải – porte frontière”. Do đó, không nên vội kết luận đó là ảnh của Ải Nam Quan, nhất là khi chúng ta đã có trong tay những ảnh chụp vào đầu thế kỷ 20.
Riêng về các trang web SinovietChinAsean thì lại liên quan đến một vấn đề khác. Có lẽ anh Trương Nhân Tuấn vì mải mê nghiên cứu trong các thư khố của nước Pháp nên ít để ý chuyện ngoài đời, chưa thấy rõ nhà cầm quyền Trung Quốc đã sử dụng Internet như một phương tiện để thực hiện mưu đồ bành trướng lãnh thổ như thế nào. Nếu có thể bớt chút thời giờ để vào xem trang Bauxite Vietnam và các trang blog độc lập khác ở Việt Nam hay ở hải ngoại (hiện nay thường được gọi là báo chí “lề trái”), anh sẽ thấy đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Các trang web và trang blog yêu nước đã và đang phải đấu tranh trong tư thế “châu chấu đá xe” để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Một số trí thức lớn trong nước trước đây chỉ chuyên tâm nghiên cứu trong các viện nghiên cứu hay các trường đại học nay cũng phải thường xuyên ghé mắt nhìn vào các trang web đủ loại của Trung Quốc để xem họ viết lách, tuyên truyền thế nào và cần phải phản ứng cách nào để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Anh viết: “Trang nhà www.vn.sinoviet.com hay các trang khác mà anh Mai Thái Lĩnh đã dẫn, theo tôi thì ai cũng có thể lập ra một trang nhà có ‘chấm com’ phía sau với cái tên miền giật gân như thế. Đâu phải lấy cái tên miền ‘sinoviet’ như vậy rồi nó có được cái uy tín của hai nước Việt-Trung? Anh còn dẫn tên miền ‘ChinAsean’. Tất cả đều không có ý nghĩa gì cả. Người ta có thể lấy nhiều tên miền hấp dẫn hơn. Quan trọng là cái nội dung của nó. Tôi đã vào trang nhà này và không thấy gì là đặc sắc.”
Có lẽ do đã sống ở nước ngoài quá lâu và được hưởng đầy đủ các quyền tự do cơ bản của các quốc gia phương Tây cho nên anh Trương Nhân Tuấn đã nhầm lẫn khi cho rằng “ai cũng có thể lập ra một trang nhà có “chấm com” phía sau với cái tên miền giật gân như thế”. Trong thực tế, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, không phải ai cũng có quyền lập ra những trang mạng như thế, lại càng không thể nhân danh “tình hữu nghị Việt-Trung”. Nếu có ai dám cả gan làm điều đó, họ sẽ lập tức bị cơ quan công lực (thường gọi là bộ máy chuyên chính) chú ý và “xử lý” thích đáng.
Nếu tìm hiểu nguồn gốc của hai trang mạng hợp tác này, chúng ta thấy chúng không phải là sản phẩm của “bất cứ ai”. Như tôi đã trình bày trong bài viết trước, hai trang mạng Sinoviet ChinAsean này là công trình hợp tác của hai cơ quan GXSTI (tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc) và VISTA (Việt Nam). Về phía Trung Quốc, có lẽ họ coi Việt Nam chỉ ngang hàng một tỉnh nên giao việc hợp tác cho một cơ quan cấp tỉnh mang tên GXSTI (Guangxi Science and Technology Information Network Center, Trung tâm mạng thông tin khoa học và công nghệ Quảng Tây). Trang mạng chính của cơ quan này có tên http://www.gxsti.net. Lý do tại sao không có chữ “gov” phía sau, tôi không rõ lắm, nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về Internet. Nhưng về phía Việt Nam, VISTA là mạng do NACESTI quản lý. NACESTI (National Centre for Scientific and Technological Information) là tên giao dịch tiếng Anh của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cơ quan đầu ngành về thông tin khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam. Website của cơ quan này có tên là http://www.vista.gov.vn, nghĩa là có chữ “gov” ở phía sau. Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương trực thuộc Trung tâm này có nguồn gốc từ Thư viện của Học viện Viễn đông Bác cổ do Pháp thành lập năm 1901. Từ năm 2005, khi Việt Nam gia nhập vào mạng lưới ISSN quốc tế, Trung tâm này được chỉ định là Trung tâm ISSN quốc gia,  trực tiếp tổ chức và thực hiện việc đăng ký và cấp Mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN) trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là cơ quan đầu mối quốc gia về đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Giám đốc của Trung tâm do Bộ trưởng Bộ KH-CN trực tiếp bổ nhiệm. Thử hỏi: một cơ quan quan trọng như thế, ai dám mạo danh?
Giả định rằng các trang mạng “hợp tác” đó do Trung Quốc tự ý lập ra, không có ý kiến của phía Việt Nam, thì Trung tâm NACESTI và Bộ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm phải lên tiếng phủ nhận và chính thức yêu cầu phía Trung Quốc xóa bỏ các trang mạng đó. Làm sao giải thích được tình trạng các trang web đó vẫn tồn tại công khai trong nhiều năm, không có cơ quan nào lên tiếng phản bác, trong khi các trang web như Bauxite Vietnam, talawas, X-café và nhiều trang khác ở hải ngoại liên tục bị đánh phá?
Riêng cá nhân tôi, tôi tin rằng các trang mạng đó tồn tại hoàn toàn hợp pháp (hiểu theo nghĩa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền nhà nước hiện tại) – ít nhất là về phía Trung Quốc. Còn về phía Việt Nam, có thể các cơ quan của Việt Nam đã bị lợi dụng danh nghĩa nhưng không dám lên tiếng vì một lý do nào đó. Những người chưa từng làm nhà giáo có thể không hiểu được nỗi đau khi thấy thế hệ trẻ bị đầu độc. Nhưng bất cứ ai đã kinh qua nghề dạy học không thể không bức xúc trước tình trạng Trung Quốc đã và đang lợi dụng các diễn đàn Internet đủ các loại để đầu độc giới trẻ nước ta – nhất là khi họ lợi dụng danh nghĩa “hợp tác”. Đó chính là lý do tôi nêu ra vấn đề này trong các bài viết của mình. Có lẽ anh Trương Nhân Tuấn vì chỉ chú trọng đến những gì mang “tính hàn lâm” nên không quan tâm lắm đến những vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục.
Cuối cùng, tôi xin phép độc giả được tạm thời ngưng cuộc tranh luận về chủ đề này cho đến khi tìm ra được những bằng chứng mới có thể giúp làm rõ vấn đề. Tôi tin rằng anh Trương Nhân Tuấn cũng sẽ đồng ý với đề nghị này, bởi vì qua các bài phản biện vừa rồi, tôi nhận thấy anh cũng chưa có được những bằng chứng gì mới hơn. Nếu tiếp tục tranh luận về những điểm không phải là trọng tâm của đề tài sẽ không giúp làm sáng tỏ vấn đề mà đôi khi còn đưa độc giả lạc vào một thứ mê lộ không có lối ra, như vậy sẽ làm phiền đến diễn đàn và độc giả.
Tôi rất cảm ơn những lời khuyên răn của anh Trương Nhân Tuấn về việc giữ gìn tư cách độc lập của người trí thức (mà anh gọi là “thái độ riêng” hay “bản sắc”). Nhưng xin anh cứ yên tâm. Bản thân chúng tôi là trí thức trong nước, sống trong một hoàn cảnh không được tự do như các anh chị ở hải ngoại, cho nên mỗi khi phát biểu về một vấn đề nào đó, chúng tôi đều phải thận trọng từng chữ, từng lời. Đối với một người ở nước ngoài, mỗi khi phát biểu một điều gì không đúng, chỉ cần có đủ lòng tự trọng và sự can đảm để thừa nhận sai lầm là có thể giải quyết một cách đơn giản bằng một câu xin lỗi. Còn đối với chúng tôi, nếu có phát biểu điều gì chưa đúng (thậm chí đúng nhưng chưa thật chính xác 100%) thì không phải chỉ khiêm tốn nhận lỗi là xong. Một chút sơ sẩy trong lời ăn tiếng nói (nhất là sai sót về luận điểm, chứng cứ) cũng có thể dẫn đến những sự quy chụp nặng nề và những biện pháp xử lý đủ các loại: nhẹ thì cắt điện thoại hay bị canh gác thường xuyên, nặng thì bị truy tố, quản thúc, hay tù tội. Trong hoàn cảnh đó, không ai dại gì chạy theo chuyện “giật gân” hay cốt để “ăn khách”. Có thể anh đã nhầm lẫn giữa khái niệm “ăn khách” của các chính trị gia và giới báo chí ở nước ngoài với khái niệm “ăn đòn” mà những người đấu tranh cho tự do, dân chủ ở những nước như Việt Nam hay Trung Quốc đã và đang được hưởng? Ở nước ta hiện nay, muốn câu khách hay làm chuyện giật gân thì người ta thường lảng tránh sang các vấn đề khác – như tình dục (sex), thời trang, văn nghệ, thế thao hay “nghiên cứu văn hóa thuần túy” chẳng hạn. Không ai dại gì đụng đến những chuyện chính trị hay những vấn đề “nhạy cảm” để chịu ăn đòn.
Nhưng tôi thật sự cảm thấy băn khoăn về câu viết của anh: “Theo tôi, người trí thức không thể cùng lúc phục vụ cho một mục tiêu chính trị và bảo vệ chân lý”.
Tôi xin phép được phản biện đối với suy nghĩ này. Tôi không rõ anh Trương Nhân Tuấn hiểu “mục tiêu chính trị” theo nghĩa nào. Nhưng nếu hiểu mục tiêu chính trịđấu tranh cho một xã hội dân chủ bảo đảm được các quyền tự do căn bản, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, thì người trí thức vẫn có thể vừa phục vụ cho mục tiêu chính trị, vừa bảo vệ được chân lý. Vì hai mục tiêu này không hề mâu thuẫn mà còn tương hỗ với nhau, cho nên không nhất thiết là cứ tham gia chính trị thì buộc phải từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ chân lý. Trong trường hợp ngược lại, nếu vì quá đề cao tính “độc lập, hàn lâm” của mình mà sao lãng hay gây phương hại cho những mục tiêu cao cả và khẩn thiết của đất nước thì theo tôi, người trí thức chân chính không nên làm như vậy.
Dưới mỗi chiếc áo trí thức đều cần có tấm lòng của một công dân. Thiếu tấm lòng của  công dân, chiếc áo trí thức chỉ còn là một thứ hàng trang sức xa xỉ!
Đà Lạt, 14.5.2010
© 2010 Mai Thái Lĩnh
© 2010 talawas

[i]Trương Nhân Tuấn, “Trao đổi thêm với anh Mai Thái Lĩnh về Ải Nam Quan”, talawas 11.5.2010: http://www.talawas.org/?p=20116 [ii]Về bản đồ, tôi dựa vào bản đồ do tác giả Nguyễn Ngọc Danh giới thiệu qua bài viết “Ải Nam Quan còn thuộc Việt Nam hay không?” của Nguyễn Ngọc Danh (VPS, 14.3.2002): http://www.vps.org/article.php3?id_article=617). Theo ông Danh, bản đồ này được trích từ bản đồ Lạng Sơn Tây (số 28 Tây) liên quan đến vùng ải Nam Quan, nhưng được phóng to để có thể nhìn thấy rõ hơn. Nguồn gốc của nó là các bản đồ của Sở Ðịa Dư Ðông Dương với tỷ lệ 1/200 000 và 1/100 000. Như vậy, căn cứ để quy chiếu không khác với bản đồ SGI mà anh Trương Nhân Tuấn sử dụng. Bản đồ 249 C chỉ được sử dụng để làm rõ các phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam vì không phải là bản đồ chính thức và không theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Mai Thái Lĩnh – Trao đổi tiếp về chủ đề “Ải Nam Quan trong hiện tại”

Tổng số lượt xem trang