Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Cần nhìn lại giá trị phim Lý Công Uẩn

Nếu “sợ” cái mới thì rất có thể gây phản cảm với những người luôn có ý tưởng sáng tạo, theo tôi bộ phim dài tập này hãy được trình chiếu trước các đại biểu Quốc Hội khóa XIII, để rồi chúng ta tin rằng sẽ có chính kiến thật công minh, giải thoát cho các nhà làm phim đang bức xúc bởi một cái “lý sự” ma mãnh và ác ý nào đó, chỉ vì một lợi ích nhóm mà thôi.
-Cần nhìn lại giá trị phim Lý Công Uẩn
- Chưa được trình chiếu rộng rãi, chưa có ý kiến của đông đảo người xem mà đã vội bảo nó là “xấu” thì liệu đã thật khách quan và công bằng chưa?


“Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng long” là một bộ phim video (19 tập) do Đài truyền hình Việt Nam và Công ty Trường Thành phối hợp sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hoá nhằm hoàn thành và chiếu trong dịp mừng đại lễ “nghìn năm Thăng Long” tháng 10 năm 2010. Nhưng thật tiếc bộ phim này đã bị tạm dừng và không đúng hẹn với Đại lễ. Đến nay vẫn còn nằm trong “kho”.
Một vài cơ quan báo chí và một số bloger cá nhân đã đua nhau lên tiếng phản đối kịch liệt bộ phim này vì cho nội dung của nó là “thân Tàu” và xuyên tạc lịch sử!? Rồi cả đến trang phục, khung cảnh là của Tàu cả? Nếu cứ như những nhận định ấy (mà chủ yếu dựa trên lời phê phán của nhà sử học Lê Văn Lan) thì các nhà làm phim có “âm mưu” giúp Tàu “đánh” Ta?

Nhưng xem xét lại thì những ý kiến ấy không có cơ sở chuẩn xác bởi một điều đơn giản là nhiều “nhà” phê bình kia lại chưa bao giờ được xem phim này. Ngay những ý kiến của ông Lan cũng sai, và ông cũng đã thừa nhận với PV báo “Gia đình và xã hội” về mấy chi tiết lịch sử mà theo ông là chưa đúng.
Tôi biết ông Lê Văn Lan là người đã có công đọc và nhớ nhiều về lịch sử của nước ta, vì thế một vài kênh truyền hình thường nhờ ông Lan “lên tivi” để nói về sử học nước nhà. Nhiều vấn đề có dính dáng đến quá khứ lịch sử, các cơ quan chuyên môn cũng thường mời ông Lan tham gia góp ý. Sau những lần góp ý ấy ông cũng nhận được “phong bì” khá nặng kí với cái thù lao mà tôi cho rằng vượt quá mức công sức lao động chất xám của ông.
Đến bộ phim này, ông ra sức “công phá”, công phá đến mức nhầm lẫn cả chi tiết lịch sử. Tôi cứ tự hỏi không hiểu vì sao cả một tập thể Hội đồng duyệt phim với khá nhiều giáo sư, tiến sĩ có danh tiếng, hơn nữa cả lãnh đạo Bộ VH - TT- DL đã ký văn bản cho phát hành bộ phim này vậy mà đến nay vẫn chưa ra mắt khán giả?

Phải chăng mấy ý kiến của ông Lan và một vài bloger lại là sự chỉ đạo dư luận? Có người bảo “chúng ta đang ở thời khắc nhạy cảm giữa ta và Trung Quốc, thì hãy tạm dừng phim này, vì chiếu ra có thể “bất lợi”?  Nhưng xin thưa rằng đó là điều “biện lý” vô căn cứ. Ngay lúc này chúng ta lại càng cần phải “tung” bộ phim này ra trước công luận để thấy tinh thần quật khởi của dân tộc, và thấy cái quyết liệt của những nhà vua chân chính, những ý tưởng thông minh và cương quyết của Lý Công Uẩn sau bao lần các đời vua trước không thành công trong việc dời đô về kinh thành Đại La.
Nói một cách công bằng là: nếu phim này được chiếu ở nước ngoài thì hay biết mấy, người xem nhất là những Việt kiều trẻ lâu ngày sống xa tổ quốc sẽ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng và nhiều biến động của nước nhà.
Người ta bảo “trang phục của Trung Quốc”, vậy các bạn thử xem, những tranh dân gian, tranh Hàng Trống, kể cả tranh Đông Hồ cũng hiện đại lắm. Có bức tranh dân gian vẽ vua Quang Trung cưỡi ngựa, mặc áo giáp, vung đao ra trận trông rất hào khí và mãnh liệt, vậy ai bảo là mặc áo bào Trung Quốc? Tranh “hứng dừa” váy yếm của hai phụ nữ rất “sexy”, vậy ai bảo bắt chước phương tây?

Văn hóa kể cả vật thể hay phi vật thể đều có sự kế thừa và giao thoa, vì thế chúng ta không thể bảo thủ dập khuôn, cần có sự học tập và sáng tạo. Ví như bây giờ quốc phục của Ta là gì, chưa ai tìm được. Trong khi chưa có một quốc phục thuần Việt, các nhà nguyên thủ của ta và các giới chức ngoại giao vẫn phải mặc theo Âu Tây là “Com lê - Cà vạt”. Vậy cứ theo cái lý sự cùn của mấy nhà phê bình cố chấp trên đây, thì lãnh đạo ta “theo” Tây cả à?
Bác Hồ bảo “Độc lập không phải là đứng một”, ta tự chủ không có nghĩa ta tách ta khỏi cái chung, ta nhận thức cái chung để rồi ta “độc lập” suy nghĩ, hành động theo định hướng của ta.
Phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” ta thuê đạo diễn, nhưng diễn viên giỏi của ta vào vai rất đạt; trang phục vải Tàu nhưng thiết kế mẫu quần áo của họa sĩ Ta; đến nay ta chưa có một trường quay qui mô, thì ta mượn trường quay. Tất cả những cái đó không thể bảo là các nhà làm phim ngả  “theo Tàu”. Cốt yếu là nội dung là lịch sử được phản ánh sự kiện qua con mắt của nhà biên kịch, nhà đạo diễn và phương tiện hiện đại, vươn lên cái hiện đại để dần dần bắt kịp với điện ảnh khu vực và thế giới.

Quả thật phim của ta lâu nay vẫn quanh quẩn với sự nghèo nàn như kiểu “cơm chấm cơm” vậy! Một tác phẩm nghệ thuật cần được thẩm định qua công chúng, bởi ta đã từng biết, có những tác phẩm nghệ thuật đã được trao giải cao của ban giám khảo, mà khi đưa vào cuộc sống lại không được công chúng đón nhận, vì thế “tác phẩm” ấy tự lụi tàn, tự nó “tan” đi.
Vậy nếu quả thực “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” chưa được trình chiếu rộng rãi, chưa có ý kiến của đông đảo người xem mà đã vội bảo nó là “xấu” thì liệu đã thật khách quan và công bằng chưa?
Nếu “sợ” cái mới thì rất có thể gây phản cảm với những người luôn có ý tưởng sáng tạo, theo tôi bộ phim dài tập này hãy được trình chiếu trước các đại biểu Quốc Hội khóa XIII, để rồi chúng ta tin rằng sẽ có chính kiến thật công minh, giải thoát cho các nhà làm phim đang bức xúc bởi một cái “lý sự” ma mãnh và ác ý nào đó, chỉ vì một lợi ích nhóm mà thôi.
Hoàng Công Minh
Ảnh trong bài: Cảnh phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long"

Tổng số lượt xem trang