Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Bán cái chủ động để mua bị động!

-Bán cái chủ động để mua bị động!
Suốt trong mấy chục năm qua, hoạt động chính của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là tìm và khai thác các mỏ dầu và khí đốt. Giờ đây, tập đoàn lại có thêm mục tiêu phải tìm kiếm nguồn than để nhập khẩu.

Gần hai năm trước, PVN đã lập ra một bộ phận để săn tìm nguồn cung cấp than ở nước ngoài, nhưng đến nay mục tiêu đáp ứng đủ số lượng than cho các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng của tập đoàn vẫn còn ở phía trước.
Nhiệm vụ khó khăn

Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu than. Nhưng từ năm 2007, vấn đề tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đã được đặt ra và Chính phủ giao nhiệm vụ này cho tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV).
Tuần trước, gần 10.000 tấn than nhập khẩu đầu tiên của TKV đã cập cảng TPHCM. Tuy nhiên, đây mới là chuyến hàng thử nghiệm và nó cũng chưa đủ để giải tỏa mối lo về nguồn cung cấp than, khi mà nhu cầu nhập than vào năm tới không chỉ có 10.000 tấn, mà là gấp 1.000 lần con số đó.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu nhập than sẽ tăng từ 10 triệu tấn vào năm 2012 lên 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, gấp gần 2,5 lần tổng số than khai thác của Việt Nam hiện nay. Đây là bài toán rất khó. Năm ngoái, ba tập đoàn PVN, TKV và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp bàn để tìm lời giải cho bài toán này.
Đại diện của các tập đoàn đã không khó để thống nhất hai địa chỉ cung cấp than chủ chốt là Úc và Indonesia. Nhưng khả năng mua được lượng than lớn, và nhất là nguồn cung phải ổn định, thì vẫn là ẩn số. Chuyên viên của các tập đoàn cho rằng giải pháp duy nhất để có nguồn than nhập khẩu ổn định là phải mua quyền khai thác mỏ và mua cổ phần sở hữu mỏ than ở nước ngoài.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu chúng ta có nguồn tài chính đủ mạnh, để cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... vốn cũng là những nền kinh tế khát năng lượng và từ lâu đã chiếm lĩnh hầu hết các hợp đồng xuất khẩu than của cả Úc và Indonesia. Hơn nữa, ngay cả khi có đủ vốn để mua mỏ, thì việc đạt sản lượng khai t hác rất lớn, để đáp ứng nhu cầu còn thiếu hụt đến 100 triệu tấn trong vòng 10 năm tới, gần như là không thể.
Vẫn biết rằng nhập khẩu than là điều không thể tránh khỏi đối với Việt Nam. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng bị động và lúng túng như hiện nay một phần là do bất cập trong chiến lược phát triển cũng như sử dụng năng lượng.
Năm 2001, khi xây dựng quy hoạch phát triển điện đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020 (Tổng sơ đồ 5), các nhà làm quy hoạch hầu như chỉ chú trọng đến việc cần phải xây thêm các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, mà không quan tâm đến nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện hoạt động sẽ lấy từ đâu.
Mãi đến năm 2006, khi bắt tay nghiên cứu Tổng sơ đồ 6, vấn đề thiếu than để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện mới được đặt ra. Nhưng kể từ khi bản quy hoạch này được Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, Bộ Công Thương vẫn để cho các doanh nghiệp bán than ồ ạt sang Trung Quốc, cho dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ít lần khuyến nghị phải ngưng xuất than để dành cho nhu cầu nội địa trong tương lai gần. Trong năm năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 126 triệu tấn than, hầu hết là sang Trung Quốc. Đó là chưa kể hàng chục triệu tấn than xuất khẩu lậu.
TKV không sai khi cho rằng, cần phải xuất khẩu để có vốn đầu tư nâng cấp công nghệ và sản lượng khai thác, khi mà sản phẩm tiêu thụ trong nước phải bán dưới giá thành theo yêu cầu của Chính phủ. Đây chính là điểm bất cập trong chính sách năng lượng. Nếu chúng ta dự đoán trước được việc nhập than sẽ khó khăn thế nào, và nếu than được xem là một ngành có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, thay vì là lĩnh vực kinh doanh thuần túy, thì Nhà nước phải có giải pháp tài chính để giúp ngành khai thác than có vốn để phát triển mà không cần thiết phải bán ồ ạt sản phẩm ra nước ngoài.
Nên có thêm hướng tiếp cận khác
Đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế là nhiệm vụ chiến lược. Tuy nhiên, việc chạy theo nhu cầu, kể cả bằng giải pháp nhập khẩu, như bấy lâu nay cũng không phải là cách tiếp cận hay và hiệu quả. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn có thể giải quyết bài toán cung - cầu năng lượng theo một hướng khác chủ động và kinh tế hơn rất nhiều.
Trước hết, thay vì phải tìm nguồn nhập khẩu than, Việt Nam nên đầu tư mạnh hơn cho công tác khảo sát, thăm dò để đánh giá lại trữ lượng than trong nước. Từ đó, xác định lại khả năng khai thác tối đa đến đâu. Trong đó, nên chú ý tới mỏ than rất lớn, ước tính trữ lượng đến 250 tỉ tấn, ở đồng bằng sông Hồng.

Vấn đề thứ hai cần quan tâm là tình trạng thất thoát quá lớn trong lĩnh vực khai thác than hiện nay. Theo ước tính của các chuyên gia trong ngành, tỷ lệ thất thoát trong khai thác than hầm lò hiện lên đến 40-60%. Cứ mỗi một điểm phần trăm thất thoát giảm đi, đồng nghĩa với việc có thêm 450.000 tấn than. Nếu có thể giảm một nửa tỷ lệ thất thoát kể trên, mỗi năm thị trường sẽ có thêm nguồn cung ứng ổn định từ 18-27 triệu tấn than. Một con số không nhỏ.
Một giải pháp nữa là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn, một chuyên gia về năng lượng ở Pháp, đã không ít lần khuyến cáo Việt Nam về vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Theo ông, hệ số đàn hồi, giữa tốc độ tăng nhu cầu điện và tăng trưởng GDP, của Việt Nam lên đến hai lần là quá cao. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới, hệ số này chỉ là 1, thậm chí ở Pháp chỉ có 0,5. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang sử dụng điện rất lãng phí và nếu cứ tiếp tục với chiều hướng này, thì sẽ khó tránh khỏi chuyện không đảm bảo an ninh năng lượng.
Ví dụ như trong ngành sản xuất phôi thép. Với công suất gần 6 triệu tấn, ngành này hiện cần sản lượng điện lên đến gần 3,6 tỉ kWh mỗi năm. Nhưng nếu tất cả các nhà máy sản xuất phôi hiện nay đều thay thế những lò nấu thép đang sử dụng bằng các lò luyện hiện đại, thì chỉ cần khoảng 1,9-2 tỉ kWh điện.
Lựa chọn thiết bị và công nghệ là quyền của mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà đầu tư. Nhưng cũng không thể cứ dễ dãi cho nhập những thiết bị, công nghệ rẻ tiền nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng, vì nó sẽ đặt cả nền kinh tế trước nguy cơ mất an ninh năng lượng. Đó là chưa nói đến vấn đề hiệu quả cạnh tranh chung và các vấn nạn liên quan đến môi trường. Vấn đề trước mắt Chính phủ có thể xem xét thực hiện là tính đúng, tính đủ giá điện đối với những ngành sử dụng nhiều điện và lãng phí. Đồng thời, cũng nên áp dụng một số chính sách thuế, nhằm khuyến khích đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại và cũng để cho những máy móc, thiết bị rẻ tiền và tiêu tốn năng lượng không còn đất sống ở Việt Nam.
Chắc chắn rằng, đầu tư cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ rẻ hơn nhiều so với phát triển những nguồn cung ứng năng lượng mới. Nếu có thể hạ thấp tỷ lệ thất thoát, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng hiện có lên ngang bằng với các quốc gia phát triển, thì chúng ta sẽ không còn phải đau đầu với vấn đề nhập khẩu than như hiện nay.
(Theo TBKTSG)

Tổng số lượt xem trang