Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Khủng hoảng nợ công: Do nhà nước “thả lỏng”?

-Khủng hoảng nợ công: Do nhà nước “thả lỏng”? (Tamnhin.net) -
(Tamnhin.net) - Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế mới đây tại Saint Peterburg (Nga), Thủ tướng Tây Ban Nha José Zapatero cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công tại ba nước châu Âu – Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha, là do thiếu những tiết chế kinh tế. Theo ông, những vấn đề hiện nay đã dạy cho châu Âu rằng chính trị cần phải có mặt trong kinh tế.


Thủ tướng Zapatero nêu rõ rằng hiện tại châu Âu đang đứng trước thử thách là có thể đồng thuận giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha hay không, có thể “đưa ra giải pháp chưa có tiền lệ” hay không. Ông nhấn mạnh: “Không có khủng hoảng euro trong vai trò một đồng tiền mà có cuộc khủng hoảng nợ của một số nước”.
Thủ tướng Tây Ban Nha José Zapatero

Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Zapatero, nhà phân tích kinh tế ở Nga Mikhail Khazin cho biết: Ba quốc gia Hy Lạp, Ailen và Bô Đào Nha chẳng phải là dị biệt. Tây Ban Nha cũng thuộc các nước có vấn đề về nợ công. Có khác chăng là ở chỗ Tây Ban Nha gánh số nợ công tương đối ít, nhưng thực chất vấn đề thì không đổi - do thiếu khả năng vay những khoản tiền mới nên chính phủ rất khó giữ được mức sống của người dân. Và chính vấn đề này cần được giải quyết. Trong khía cạnh này thì Zapatero đã sai khi nói rằng không có vấn đề của đồng euro. Euro là đồng tiền của EU và các vấn đề của EU đương nhiên được biểu hiện trên hệ thống tiền tệ của khối liên minnh này. Còn ý kiến của Zapatero cho rằng cần có những giải pháp chưa có tiền lệ thì không có gì phải bàn cãi.

Mikhail Khazin viết: “Chúng ta lưu ý tới lập trường của Zapatero – cần tăng cường ảnh hưởng và sự kiểm soát của nhà nước. Hiện tại ông chưa đề xuất việc nhà nước có thẩm quyền điều hành kinh tế nhưng đã không úp mở nói rằng học thuyết tự do chủ nghĩa về việc nhà nước không can thiệp (vào kinh tế) đã lỗi thời. Thật hay nếu được nghe ý kiến của “các nhà tư hữu hóa” ở Nga về vấn đề này, song họ đã khôn ngoan “ngậm miệng”.

Zapatero cũng chủ trương điều chỉnh khắt khe hơn hệ thống các thể chế tài chính nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới. Các nước EU đã bắt đầu đi theo hướng  này. Việc siết chặt các biện pháp là nhằm ngăn chặn sự “di truyền” các nguy cơ tài chính lớn.

Vị Thủ tướng Tây Ban Nha cũng tin chắc rằng chính phủ các nước phải đưa ra các biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng bất cân đối về cơ cấu trong kinh tế. Ông nói: “Trong trường hợp này thì điều quan trọng là để các nền kinh tế không chỉ phát triển trên cơ sở của những đồng tiền vay mà phải tăng năng suất lao động”.

Mikhail Khazin nhận xét:

“Về sự mất cân đối cơ cấu thì nên nhớ rằng điều này không phải từ trên trời rơi xuống mà do việc bơm tiền cho người tiêu dùng vay, nó làm tăng GDP của tất cả các quốc gia trên thế giới. Không thể nói về việc cắt giảm tín dụng tách rời với vấn đề suy giảm kinh tế. Nếu phải xử lý vấn đề nợ quá đà thì cũng đồng thời phải đối phó với hậu quả của sự suy giảm kinh tế nhanh chóng.
Bài phát biểu của Zapatero rõ ràng là bước đột phát quan trọng trên tấm phông đầy sự lạc quan vô lối trong suốt mấy tháng qua. Đây có thể là hệ quả của những biến động xã hội ở Tây Ban Nha – tại đây những lời mị dân tầm thường không có chỗ đứng. Cũng có thể đây đơn giản là kết quả của việc ông bắt đầu hiểu ra những vấn đề thực sự đang đặt ra trước các chính khách.

Các nhà kinh tế “chính thống” - các nhà kinh tế theo thuyết tự do và trọng kim gắn bó với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… chưa thể nói ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nợ công theo cách hiểu của Zapatero. Họ đang “bị kẹt”. Cơ chế "Đồng thuận Washington" vẫn còn hiệu lực và nó chủ trương làm suy yếu sự kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế chứ không phải ngược lại. Điều này tạo ra một vấn đề nghiêm trọng – môn khoa học kinh tế đơn giản là không có khả năng đưa ra những đơn thuốc có ý nghĩa cho những người tham gia các tiến trình khủng hoảng bởi sân chơi chính bị các nhà kinh tế trọng kim phong tỏa.

Nói cách khác, “cái ngoắc tay im lặng” giữa các chính khách (Tây Âu) về nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng đang chờ chực bị phá vỡ”.

Nợ chính phủ, còn gọi là nợ công hoặc nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay.

Việc đi vay này là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách nên nói cách khác, nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách luỹ kế đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nợ chính phủ thường được phân loại: Nợ trong nước (các khoản vay từ người cho vay trong nước) và nợ nước ngoài (các khoản vay từ người cho vay ngoài nước). Nợ ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống), nợ trung hạn (từ trên 1 năm đến 10 năm) và nợ dài hạn (trên 10 năm).

Các hình thức vay nợ của chính phủ: Phát hành trái phiếu chính phủ hoặc vay trực tiếp.



Trần Quang Vinh (theo KM.ru)
-Kinh tế thế giới trong tuần: Vẫn là nợ công(Tamnhin.net) -
(Tamnhin.net) - Kinh tế thế giới vẫn gam màu xám là chủ đạo và chia làm hai nửa khác biệt.

Đối với các nền kinh tế phát triển, nợ công hiện là vấn đề “gai góc” và “hóc búa” nhất. Đối với các nền kinh tế mới nổi, lạm phát lại là vấn đề “nghiêm trọng” nhất.

Trong bối cảnh như vậy, các dự báo kinh tế đều phản ánh mức độ tăng trưởng “vừa phải” tại các nền kinh tế lớn.

Nước Mỹ nhiều khả năng chứng kiến năm thứ 2 tăng trưởng dưới 3%. Trung Quốc đang được nói nhiều về khả năng “hạ cánh” của nền kinh tế khi GDP có thể đạt 8-8,5%.  Châu Âu vẫn lấy mức tăng trưởng 2% làm mục tiêu phấn đấu. Nhật Bản không có dự báo tươi sáng nào kể từ ngày 11/3 đến nay.

Với thực trạng hiện nay, giai đoạn phục hồi sau khủng khoảng của kinh tế thế giới cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, có lúc cảm nhận như hợp qui luật nhưng cũng có lúc lại thấy như “trái chiều” .

Tuy nhiên điều dễ nhận thấy đó là các vấn đề nội tại, các “căn bệnh”...của từng nền kinh tế đang được bộc lộ một cách rõ nhất, khách quan nhất...so với những điều mà chúng ta đã từng chứng kiến.

Mỹ: Cả thế giới đang theo dõi câu chuyện kinh tế của nước Mỹ mà ảnh hưởng của nó chắc chắn sẽ vượt ra khỏi biên giới cường quốc lớn nhất thế giới này và đó là câu chuyện nợ công.

Cũng như các quốc gia khác, nợ công đã giúp kinh tế Mỹ vượt qua khủng khoảng và có sự tăng trưởng tương đối trong năm 2010, nhưng thời điểm hiện nay nợ công cũng có thể “vùi dập” nước Mỹ nếu không phá trần 14.300 tỷ USD.

Cả Nhà trắng và Quốc hội Mỹ đều nhận thức được vấn đề nợ công sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào tình trạng “nguy ngập” như thế nào nếu không đạt được sự thống nhất trong thời gian tới. Mặc dù nhiều tin tức được phát đi trong tuần này đều cho rằng đàm phán về nợ công đã  có nhiều tiến bộ và thỏa thuận sẽ được hai đảng thông qua trong tương lai gần.

Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner nhận định: “Đảng Dân chủ và Cộng hòa sắp đạt được một thỏa thuận khung về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách dài hạn và toàn diện”.

Quan điểm này cũng được thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, xác nhận khi cho rằng sẽ có sự thỏa hiệp nâng trần nợ công ở một “mức độ nào đó” nhằm tránh đặt chính quyền của Tổng thống B.Obama vào cảnh “hết tiền” trước khi có thỏa thận toàn diện về nợ công.

Tuy nhiên kinh tế Mỹ lại không có sự lạc quan như vậy, ở góc độ điều hành, FED cho rằng GDP năm 2011 của Mỹ vẫn “u ám” và sẽ giảm từ 3,1-3,3% xuống còn 2,7-2,9%.

Ở phạm vi doanh nghiệp, sự thận trọng được thể hiện rõ khi các thành viên thuộc nhóm S&P 500 đang quản lý khoảng 800 tỷ USD nhưng “không dám” đưa vào sản xuất kinh doanh. Lý do cũng dễ hiểu, kinh tế Mỹ chưa được ổn định, vấn đề nợ công đến ngưỡng “cực kỳ nguy hiểm”, nguy cơ khủng khoảng không phải là không còn...

Sự khó khăn của kinh tế Mỹ một lần nữa khẳng định, muốn kinh tế phát triển, không chỉ là “bơm”tiền, không chỉ là lãi suất thấp... mà quản lý nợ công cũng là điều kiện tối quan trọng nều không muốn “thảm họa” phát sinh ngay trong lòng nước Mỹ.

Trung Quốc: Sau thời gian quyết liệt chống lạm phát, Trung Quốc tuyên bố đã thành công trong việc ngăn chặn lạm phát ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Còn nhớ, ngay từ đầu năm 2011, chống lạm phát ở Trung Quốc được xác định là “ưu tiên hàng đầu” và thế giới chứng kiến những giải pháp “mạnh tay” trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản nhằm kiểm soát tiền tệ ở mức nghiêm ngặt nhất.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu kiềm chế giá cả tăng lên hàng đầu trong hoạt động điều tiết kinh tế vĩ mô và đưa ra nhiều chính sách trọng điểm. Các biện pháp đã phát huy tác dụng. Chúng tôi tin rằng, sự tăng giá sẽ được kiểm soát trong năm nay. Mức giá chung hiện tại đang ở trong phạm vi kiểm soát và dự kiến sẽ giảm dần”.

Về tổng quan, Trung Quốc cho rằng mức lạm phát tháng 5 đạt 5,5% là “đỉnh” và sẽ hạ trong thời gian tới. Tuy nhiên trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, mọi sự dự báo hay nhận định đều “mong manh” và “không chắc chắn”.

Điều này càng đúng đối với nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng “nóng” như Trung Quốc thì lạm phát vẫn không thể coi thường, không thể xem nhẹ bất kể ở giai đoạn ngắn hạn hay trung hạn.

Mong muốn chủ quan về kiềm chế lạm phát phản ánh quyết tâm cao của Trung Quốc nhưng có lẽ là chưa đủ.

Châu Âu: Trong suốt tuần qua, vấn đề giải cứu Hy Lạp luôn là “chương trình nghị sự số 1” của Châu Âu.

Giải cứu hay không giải cứu và giải cứu Hy Lạp như thế nào... luôn là vấn đề khó và cực khó cho Châu Âu và Eurozone. Và như vậy, vô hình dung Hy Lạp đã trở thành vấn đề “trung tâm” của Châu Âu và Eurozone trong thời hiện nay.

Đã xuất hiện điều kiện cần cho các giải pháp cứu trợ, đó là kế hoạch thắt chặt ngân sách trong vòng 5 năm của Hy Lạp đã dành được sự đồng thuận của EU và IMF cũng như Chính Phủ Hy Lạp đã vượt qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Vấn đề còn lại là Quốc hội phải phê chuẩn kế hoạch của Chính Phủ trước ngày 3/7 để dọn đường cho việc tiếp nhận 12 tỷ Euro của EU. Một lần nữa Hy Lạp lại là “thuốc thử” cho các giải pháp ứng phó với khủng khoảng của EU và Eurozone.

Tuy nhiên với cơ chế hiện tại, thật khó có giải pháp nào là hữu hiệu, là tuyệt đối hiệu quả cho “căn bệnh” của Hy Lạp cũng như các quốc gia “dính bão” nợ công khác.

Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới sau khủng khoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.  Đó là các vấn đề “xấu” của từng nền kinh tế lần lượt bộc lộ và cần phải xử lý như là một dạng “tái cơ cấu” sau khủng khoảng mà EU và Eurozone cũng không phải là ngoại lệ.

Hiện tại nợ công là khâu “yếu” nhất không chỉ ở  EU và Eurozone mà đúng cả với Nhật Bản và quốc gia có nền kinh tế lớn nhất là Mỹ.

Nhật Bản: Không chỉ GDP sụt giảm, một lĩnh vực là thế mạnh truyền thống, xuất khẩu cũng giảm và giảm mạnh 10,3% nếu so với cùng kỳ của năm 2010.

Với sự sụt giảm xuất khẩu lớn như vậy, nhập siêu trong tháng 5 đã đạt 853,7 tỷ Yên (khoảng 10,6 tỷ USD), đây là lần thứ 2 Nhật Bản nhập siêu kể từ tháng 1/2009 với 967,9 tỷ Yên.

Xuất khẩu suy giảm 10,3% chưa phải là lớn nếu so với sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu xe hơi, tháng 4 giảm 67% và tháng 5 giảm 38,9%.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước “ngưỡng” của sự suy giảm đồng loạt và đồng Yên tiếp tục đứng ở mức cao (khoảng 80 Yên/USD) thì khả năng thâm hụt ngoại thương và nhập siêu ở tháng tiếp theo là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Vấn đề “mấu chốt” hiện nay của kinh tế Nhật Bản là tỷ giá, nếu đồng Yên không có sự điều chỉnh theo hướng giảm thì mọi chính sách hay giải pháp đều khó thực hiện và khó mang lại hiệu quả như các nhà điều hành kinh tế Nhật Bản kỳ vọng.

Lưu Văn Vinh (tổng hợp)

Tổng số lượt xem trang