Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Giải mã tư thương Trung Quốc mua gom nông sản

Nguyên liệu hải sản có dấu hiệu cạn kiệt dẫn đến cạnh tranh khốc liệt Ảnh: Minh ĐăngNguyên liệu hải sản có dấu hiệu cạn kiệt dẫn đến cạnh tranh khốc liệt Ảnh: Minh Đăng.
- Thương lái Trung Quốc tận thu heo Việt Nam (DT 16-6-11) -- Ý đồ gì nữa đây trời?
TP - Việc tư thương Trung Quốc vào tận vườn của nông dân Việt Nam mua gom nông sản, tuy nông dân được lợi trước mắt do giá bán cao, nhưng về lâu dài, không cẩn thận lại ăn quả đắng...
Hàng nông sản Việt Nam xuất qua cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) sang Trung Quốc  Ảnh: Phạm Anh
Hàng nông sản Việt Nam xuất qua cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) sang Trung Quốc Ảnh: Phạm Anh.
Mua gom khắp nơi
Thời gian gần đây, nhiều tư thương Trung Quốc càn quét từ Nam ra Bắc để thu gom nông sản (tiêu, sắn lát, cao su, thịt, thủy sản…) nhập về nước. Tư thương Trung Quốc gom hàng qua hai kênh, đại lý thu gom của Việt Nam, hoặc trực tiếp đến vườn của nông dân mua, với giá cao hơn tại thị trường nước ta. Tư thương của họ lùng các tỉnh Tây Nguyên để mua sắn, tiêu, cà phê; các tỉnh miền Tây Nam bộ mua thịt lợn nái, sữa; duyên hải miền Trung thu gom nguyên liệu thủy sản, miền núi phía Bắc thu mua sắn…
Theo Cục số liệu quốc gia Trung Quốc, trong tháng 5-2011, giá tiêu dùng đã tăng 5,5% so với cùng kì năm ngoái (cao nhất trong vòng 34 tháng trở lại đây), trong đó giá lương thực tăng tới 11,7%. Giá thực phẩm và các mặt hàng khác tăng cao khiến giá sinh hoạt đang trở thành vấn đề nóng bỏng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, nên đây là cơ hội để thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua nông sản, về bán kiếm lợi nhuận cao.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, họ đang lùng mua nguyên liệu sắn lát của mình. Thời gian qua, rất nhiều xe sắn của Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, lối mở biên giới. “Tôi từng sang Quảng Đông, đi thăm mấy nhà máy thức ăn chăn nuôi của họ, thấy toàn sắn của ta. Việc họ tìm mua khiến giá sắn nguyên liệu tại nước ta được đẩy lên cao. Trước đây giá sắn chỉ 1.500 - 2.000 đồng/kg, thì nay đã 5.500-6.000 đồng/kg, thậm chí còn hơn. Giá sắn lên cao, giúp nông dân ở miền núi tăng thêm thu nhập, là điều đáng mừng. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đang cao, sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao, từ đó tác động dây chuyền đến giá thực phẩm, cuối cùng người tiêu dùng mình chịu”, ông Lịch nói.
Còn theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vừa rồi giá thực phẩm ở Trung Quốc lên rất cao, nên tư thương họ sang ta lùng sục mua. “Cái này không thể kiểm soát được, vì họ vào mua tự do dọc biên giới. Cho nên, cuối tuần trước, đầu tuần vừa rồi, giá thịt ở Quảng Ninh rất cao, có khi lên tới 70-72 nghìn đồng/kg lợn hơi. Thời gian qua, còn có thông tin phía Trung Quốc tuồn lợn kém chất lượng sang bên mình, nhưng nay hiện tượng này không còn nữa”- ông Giao nói.
Lợi và hại
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận định việc tư thương Trung Quốc vào tận vườn lùng mua nông sản. Thực tế, nước ta sát Trung Quốc, nên xác định đây là thị trường tốt để tiêu thụ nông sản của ta. Và khi họ có nhu cầu, là cơ hội rất tốt cho nông sản Việt Nam, nông dân được lợi. Tuy nhiên, nếu họ thay đổi chích sách, việc tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam gặp rất nhiều rủi ro, và nhiều bài học đã diễn ra với nhiều hàng nông sản của ta như hoa quả, rau, cao su, cà phê, hồ tiêu, vải thiều… “Việc họ mua giá cao có tính tức thời, nó phá vỡ quy hoạch sản xuất của chúng ta, như sắn là một bài học. Khi giá sắn cao lên, thì diện tích cây sắn sẽ lấn những cây trồng khác, mà chủ trương của ta thì không thể phát triển cây sắn một cách tùy tiện được, nhất là quảng canh, dễ dẫn đến phá rừng, lấn đất ruộng, đất mía…, tức là phá vỡ quy hoạch sản xuất. Bài toán trồng - chặt, đã diễn ra ở nhiều địa phương”- ông Ngọc nói.
TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thương nhân Trung Quốc thu gom các mặt hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu cục bộ đối với các mặt hàng. Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nhưng nay đem xuất khẩu sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, có thể kéo giá lương thực, thực phẩm tại thị trường Việt Nam lên cao, khiến việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn. Còn ở góc độ thị trường, Việt Nam không phải một thị trường lệ thuộc của Trung Quốc, mỗi thị trường đều có đường biên giới của nó. Nhìn theo khía cạnh khác, các nhà thu mua hàng nông sản của Việt Nam cũng phải xem lại vì sao bị thua trên chính sân nhà của mình. “Phải làm rõ việc thu gom này kéo theo sự bất bình đẳng về nghĩa vụ, kéo theo hệ quả xấu, như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm của các doanh nghiệp trong nước. Cần rà soát lại các quy định, nếu họ làm thiệt hại cho Việt Nam, cần phải có hành động.
Còn theo ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích và dự báo Thị trường Việt Nam, đáng ra, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc kiếm lời, đằng này lại để họ chạy sang bên mình thu gom ở hang cùng ngõ hẻm nữa. “Ở đây các doanh nghiệp nên tự trách mình. Các anh cứ nghĩ đi tìm thị trường này nọ, mà không để ý đến thị trường này một cách nghiêm túc. Đến khi có vấn đề thì anh lại đổ lỗi cho thị trường này”.
Giá thịt đang giảm
Ông Hoàng Kim Giao cho biết, thực phẩm những ngày hè giảm 5-7%, do nóng bức. Đến cuối tuần qua thịt lợn giảm nhẹ. Giá thịt lợn trong dân chỉ 56-57 nghìn đồng/kg hơi, nhưng qua tay thương lái, giá hiện lên 60-62 nghìn đồng/kg hơi. Tại Hà Nội, chỉ mấy ngày giá thịt lợn từ 68 nghìn đồng/kg hơi, thì nay chỉ khoảng 64-65 nghìn đồng/kg. Hiện, các địa phương đã đẩy mạnh sản xuất hơn, đưa ra thị trường khá nhiều. Chỉ khoảng 3 tháng tới, thực phẩm lại dư thừa.
Phạm Anh - Phạm Tuyên




-DN thủy sản phản ứng thương nhân Trung Quốc
TP - Tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) chiều 14-6 tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản bày tỏ bức xúc trước hành động cạnh tranh thiếu công bằng từ thương nhân Trung Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, trên biển, một mặt ngư dân Việt Nam chịu tác động từ việc ngăn cản từ phía Trung Quốc nên đánh bắt khó khăn; mặt khác khi đi đánh bắt về, tàu cá Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc tìm mọi cách buộc phải bán nguyên liệu ngay trên biển. Trong khi đó, trên bờ, thương nhân nước này lại tìm mọi cách tranh giành nguyên liệu với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các DN chế biến hải sản, khi mua nguyên liệu từ ngư dân, họ phải xuất hóa đơn và chịu thuế. Trong khi, phía thương nhân Trung Quốc mua trực tiếp từ ngư dân trên biển hay trong bờ đều không phải chịu bất cứ thuế nào, do đó chỉ cần nâng giá mua cao hơn một chút là họ có thể mua bao nhiêu tùy thích.
Thêm vào đó, việc mua bán qua đường tiểu ngạch được thanh toán chủ yếu bằng đồng Việt Nam hay Nhân Dân tệ và không thể thống kê được giá trị mua bán cụ thể.
Ông Phạm Xuân Nam - Công ty cổ phần Đại Thuận (Nha Trang) cho rằng, giá trị từ hình thức mua bán này rất lớn mà không thể đưa vào thống kê giá trị xuất khẩu của ngành. Nó còn làm mất cân đối cán cân thương mại, tăng tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc. Trong điều kiện nguyên liệu hải sản có dấu hiệu cạn kiệt, mùa đánh bắt gián đoạn như vậy dẫn đến tình trạng cạnh tranh nguyên liệu hải sản khốc liệt.
Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Procimex (Đà Nẵng) cho biết, để cạnh tranh nguyên liệu, công ty này phải nâng giá cao hơn mức giá phía thương nhân Trung Quốc đưa ra nhưng vẫn không mua đủ nguyên liệu. Ông Phạm Xuân Nam cũng xác nhận điều này, đồng thời cho biết, lượng nguyên liệu mà công ty của ông thu mua được chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến.
Bà Sắc cho rằng, khó khăn trong việc cạnh tranh nguyên liệu, cộng với chi phí đầu vào (xăng dầu, điện nước, lương lao động...) tăng nhanh khiến từ đầu năm 2011 đến nay có khoảng 147 DN quay lưng với hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản. Đó cũng là một nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay DN Việt Nam bị mất tới 14 thị trường cũ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Indonesia đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước, VN nên nghĩ tới phương án này để giữ nguồn nguyên liệu trong nước. Ông Nguyễn Điểm cho rằng, chính quyền các địa phương có vai trò quan trọng trong việc tác động tới ngư dân bán hải sản nguyên liệu, đồng thời ngành chức năng cần nghiên cứu chế tài áp thuế cho chính những ngư dân tham gia bán hàng cho thương lái nước ngoài.
Minh Đăng

Tổng số lượt xem trang