(GDVN) - Học giả thế giới nói gì về thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam, Philippin và các nước khác là phần trò chuyện cuối cùng rất lý thú của ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam lúc 23h ngày 26/6/2011.
Thưa ông, bên lề cuộc hội thảo an ninh biển Đông, trong các cuộc nói chuyện với đại biểu ta, phía đại biểu Trung Quốc nói sao về tranh chấp tại biển Đông?
Ông Đặng Đình Quý: Chúng tôi quen biết nhau từ lâu rồi vì có những vấn đề thuộc về học thuật. Mình nêu vấn đề “Đường lưỡi bò” căn cứ theo Luật biển 1982 thì có điểm gì hợp pháp đâu.
Họ cũng lúng túng trong chuyện trả lời. Thực ra, điều mà ông Tô Hạo nói công khai trên diễn đàn tại buổi Hội thảo là điều mà vị học giả này đã nói ngoài lề với chúng tôi từ lâu rồi.
Một học giả người Singapore gốc Trung Quốc đã thẳng thằng nói, Trung Quốc nên bỏ đường lưỡi bò đi vì nó chỉ càng suy yếu Trung Quốc đi mà thôi.
Trong hội thảo, các học giả quốc tế nhìn nhận ra sao về thái độ hung hăng hơn của Trung Quốc trong thời gian vừa qua?
Ông Đặng Đình Quý: Một năm trước đây đã có một số học giả quốc tế dùng từ “hung hăng” khi nói về thái độ của Trung Quốc tại biển Đông. Năm nay, nhiều học giả chuyển sang dùng từ “hiếu chiến” khi nói về điều này.
Lý giải cho sự “nâng cấp” đó gồm các lý do: Hoạt động gây sự ở mức độ cao, xông vào cắt cáp, đe dọa trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đổ bộ phương tiện xây đảo mới tại vùng của Philippin, đó là hành vi “giết chết” DOC. Bởi trong DOC nêu rõ, các bên liên quan không được xây vị trí mới. Đó là hành vi giết chết DOC 100% còn trước đó thì người ta mới chỉ lo ngại DOC trong trạng thái “hồi sức cấp cứu”.
Thứ 2 là cường độ gây sự, từ tháng 3 tới giờ xảy ra liên tục các vụ gây hấn. Đặc biệt là cuối tháng 5 vừa qua các sự kiện xảy ra rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.
Hội thảo an ninh Biển đông: Trung Quốc, Việt Nam, Philippin đều thắng
Theo ông, trở ngại lớn nhất trong việc giải quyết tranh chấp tại biển Đông?
Ông Đặng Đình Quý: Có nhiều trở ngại, một trong số đó là quyết tâm chính trị của các bên. Việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của các bên, trong đó đặc biệt là Trung Quốc.
Trung Quốc là người cầm chìa khóa. Ngoài ra là việc xây dựng lòng tin giữa các bên, bớt đi nghi kỵ. Điều đó đòi hỏi cơ chế đa phương giữa các quốc gia phải được củng cố.
Giải quyết vấn đề biển Đông là rất lâu dài nhưng trước mắt là kiềm chế để những xung đột, đòi hỏi về lợi ích không bùng phát thành chiến tranh, gây mất an ninh. Đó lại là câu chuyện của tất cả các bên chứ không chỉ các nước có liên quan.
Hội thảo vừa qua đã nói lên được điều đó.
Vậy cái được lớn nhất của Việt Nam sau buổi hội thảo này là được nói lên được tiếng nói của mình và tranh thủ thêm được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế?
Ông Đặng Đình Quý: Hội thảo vừa qua là cơ hội để trao đổi, hiểu rõ quan điểm của nhau. Thế giới hiểu rõ hơn quan điểm của Việt Nam và chúng ta cũng hiểu rõ hơn quan điểm của Trung Quốc, Philipines và các nước liên quan.
Qua đó rút ra được kiến nghị của các bên, thấy được cái hay cái dở của họ để kiến nghị cho Chính phủ để giữ cho biển Đông hòa bình.
Vai trò nữa của hội thảo là đánh thức phần nào đó nhận thức của chính giới những nước liên quan về vấn đề biển Đông, giảm bớt hành vi quá khích. Trung Quốc cũng thắng vì qua hội thảo, họ hiểu rõ hơn chính sách của các bên và cách hiểu của các bên. Tất cả các bên đều thắng lợi.
Ba đại biểu Việt Nam phát biểu trong 3 phiên khác nhau. Ông Trần Trường Thủy phát ngôn về đánh giá sự phát triển gần đây tại biển Đông, chiều hướng của Trung Quốc, biển Đông nóng lên,nguyên nhân của điều này. Luật sư Nguyễn Duy Chiến phát biểu về tiến triển trong phân định biên giới trên bộ để mà nói với thế giới rằng hãy ngồi xuống, hợp tác, phân định dựa trên luật pháp quốc tế thì mọi việc sẽ tốt đẹp.
Hải quân Việt Nam (Ảnh: TTVNOL) |
Trong phát biểu của mình, luật sư Chiến đánh giá cao phía Trung Quốc trong quyết tâm chính trị, phân giới cắm mốc tại khu vực biên giới và vịnh Bắc bộ. Cùng với đó, nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn khác phát triển.
Cách làm của chúng ta tại hội thảo này là rất rõ ràng, cái gì Trung Quốc có cố gắng thì chúng ta ghi nhận nhưng họ không ổn thì ta cũng nói rõ.
Điều này phần nào phản ánh rõ hơn trong kiến nghị 4 điểm mà một học giải Na Uy gửi tới ông Tô Hạo, trong đó nêu rõ, Trung Quốc nên xem lại chiến lược của mình ở biển Đông, muốn phát triển, muốn đi ra thế giới bên ngoài thì phải giữ ổn định ở biển Đông, đừng vì cái lợi trước mắt lấn lướt lợi ích lâu dài. Trung Quốc đã có kinh nghiệm tốt đẹp trong giải quyết mâu thuẫn biên giới trên bộ với 14 nước trừ Ấn Độ, nay nên được áp dụng vào vấn đề biển Đông
Về phát biểu của tướng Trung Quốc: “dạy cho VN bài học”
PV: Trong thời gian lưu tại Mỹ, ông có nghe tới phát ngôn của một tướng Trung Quốc về việc “dạy cho Việt Nam một bài học”?
Ông Đặng Đình Quý: Theo tôi, tại Trung Quốc hiện nay cũng có phái bồ câu, phái diều hâu và trung dung. Phái quốc phòng ở Trung Quốc, đặc biệt là hải quân có tiếng nói cứng rắn. Trao đổi với tôi, một số học giả quốc tế lý giải phát ngôn trên có liên quan đến yếu tố nhân sự chuẩn bị cho Đại hội 12 của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tôi tin phát biểu này không đại diện cho tiếng nói ở cấp cao nhất của phía Trung Quốc.
Lần này, Trung Quốc chỉ có 2 đại diện tham dự hội thảo, phải chăng vì thiếu quan tâm của chính giới Trung Quốc tới hội thảo này?
Ông Đặng Đình Quý: Không phải. Hội thảo được tổ chức với danh sách mời cá nhân, một số đại biểu vì lý do riêng mà vắng mặt.
Bây giờ đã là 12h đêm. Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho Giáo dục Việt Nam cuộc trao đổi thú vị ngay sau chuyến bay dài trở về từ Mỹ. Chúc Giáo sư ngủ ngon.
Phúc Hưng