Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

IMF cho nổ trái bom: Thời đại Mỹ sắp chấm dứt


- "Kinh tế Trung Quốc đã mất kiểm soát"(03-06-2011)
VIT - Ông Albert Edward và ông Dylan Grice, hai nhà phân tích chiến lược toàn cầu của Ngân hàng Societe Generale (Pháp) đã nhận định trên tờ nhật báo Thụy Sĩ Berner Zeitung rằng, Trung Quốc chưa rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính của phương Tây, kinh tế Trung Quốc đã mất kiểm soát và đang đi theo vết xe đổ của Mỹ hồi năm 2007, sự sụp đổ bong bóng này sẽ là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế thế giới.
Theo ông Edward: “Trung Quốc là bong bóng lớn nhất, dự báo của các nhà đầu tư quá lạc quan so với những hậu quả có thể xảy ra, họ quá tin tưởng vào chu kỳ siêu cấp của Trung Quốc cũng như giảm tốc mạnh của kinh tế nước này, bất chấp nguy cơ hạ cánh cứng cực kỳ cao. Tình hình này khiến người ta nhớ đến nước Mỹ cách đây 5 – 6 năm: Trung Quốc nên tìm cách ngăn chặn bong bóng do tài chính và nợ gây ra, và để nó hạ cánh mềm, nhưng bong bóng này đã mất kiểm soát, đây là một rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới”.

Ông Grice cũng xác nhận thêm: “Trung Quốc dường như chưa rút ra bài học từ sự thảm bại của phương Tây, chính sách tiền tệ qua loa đại khái đã kích thíc hoạt động đầu cơ. Tăng trưởng danh nghĩa hàng năm của kinh tế Trung Quốc gần bằng 20%, lãi suất cũng lên tương ứng 20%, nhưng lãi suất thực lại có giá trị âm. Do sự khống chế dòng chảy vốn ra nước ngoài, nên người Trung Quốc không thể chuyển vốn ra nước ngoài, cũng không tiết kiệm tiền trong các ngân hàng, bởi vì lạm phát cao hơn lãi suất tiết kiệm. Họ còn có lựa chọn nào khác? Chỉ có thể thu mua và bán bất động sản. Ngành xây dựng phát triển nhờ vào sự dẫn dụ của lãi suất thực âm, chúng ta đã nhìn thấy tình cảnh này tại Tây Ban Nha, Ireland và Mỹ. Hiện giờ, người Trung Quốc cũng đang làm chuyện tương tự, chạy theo lợi nhuận. Xét về lâu dài, tôi không hoàn toàn lạc quan về Trung Quốc, có thể tôi thấy khả năng hạ cánh cứng và áp dụng các liệu pháp gây sốc đối với số tài sản có rủi ro đang hình thành.

Về nguyên nhân bong bóng, ông Edward cho rằng: “Do chính sách tỷ giá cố định, vốn vô ào ào, dự trữ tiền tệ tăng vọt. Để duy trì sự ổn định của tỷ giá đồng USD, cần phải dùng đồng Nhân dân tệ để mua USD, nên phải in tiền với số lượng lớn. Đây là chính sách nới lỏng theo kiểu Trung Quốc. Sự tràn lan vốn này không thể ngăn chặn bằng cách buộc ga rô, một nửa lượng gia tăng cung ứng tiền tệ là do chính sách tỷ giá”. Theo ông Grice: “Toàn thế giới đều nghĩ rằng, chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế mà Bắc Kinh thi hành tốt hơn các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Và những người tham gia thị trường cũng tin rằng, chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát được tình hình, ngoài ra có thể dễ dàng thực hiện được mục tiêu của họ, bởi vì họ không bị kìm chế bởi các trình tự dân chủ”.

Quan điểm tưởng rằng Bắc Kinh sẽ khiến người ta toại nguyện nói trên đã mang lại sự thất vọng. Một vài biện pháp gần đây nhất chính là điều đáng cười: Một nền kinh tế có tăng trưởng danh nghĩa 20%/năm mà chỉ cho phép lãi suất danh nghĩa 6%, là điều đáng cười. Thời gian vừa qua, nếu có công ty nào muốn nâng giá sản phảm, họ sẽ lập tức bị phạt, đây là kế hạ sách của chính sách kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã xuất hiện một vài dấu hiệu đáng sợ, điều này có thể không phải là chuyện tốt cho sự phồn vinh của tư bản chủ nghĩa.

“Tình hình Trung Quốc rất nghiêm trọng, một khi con hổ này ra khỏi lồng, sẽ rất khó bắt nó lại. Lạm phát sẽ giống như con ngựa hoang mất cương, và Trung Quốc thông qua việc giảm tỷ trọng thực phẩm trong chỉ số CPI, nhằm thao túng các con số”, ông Edward bổ sung thêm.

“Nếu Trung Quốc không thoát khỏi việc neo theo đồng USD, sẽ buộc phải định mới tỷ giá. Điều này là một việc lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Họ phải hạn chế hơn Cục dự trữ liên bang Mỹ FED về năng lực và khả năng.

Năm 2006 Ngân hàng phát hành tiền tệ Mỹ còn phủ nhận khả năng sụp đổ, thậm chí nói rằng không có sự tồn tại của bong bóng. Hôm nay không phải là Ngân hàng phát hành tiền tệ, mà là thị trường quá tin tưởng vào kinh tế Trung Quốc”.

Hai chuyên gia kinh tế này đều cho rằng, “rủi ro lớn nhất của nền kinh tế thế giới” không phải là ở khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, mà chính là ở ngay Trung Quốc, “Trung Quốc đang ấp ủ có một bong bóng mới”.
Nguồn tin: Jrj
-IMF cho nổ trái bom: Thời đại Mỹ sắp chấm dứt
Bình luận: Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ năm 2016
Brett Arends, MarketWatch, 25 tháng Tư 2011
imageChúng ta đang sống qua một giai đoạn mà khả năng kinh tế Trung Quốc có thể ượt qua kinh tế Hoa Kỳ là khá lớn – nghĩa là một giai đoạn lịch sử rất nghiêm trọng. Lần trước, khi kinh tế Mỹ và Đức vượt qua kinh tế của Đế quốc Anh, lịch sử đã chứng kiến Thế chiến I. Lần này, sự chuyển giao quyền lực kinh tế từ Hoa Kỳ sang bá quyền độc tài Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ có những tác động địa chính trị rất lớn. Vì Việt Nam nằm trong từ trường của Trung Quốc, bài bình luận kinh tế của Brett Arends là rất đáng đọc.

Bauxite Việt Nam

Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa thả một trái bom, mà không ai để ý.
Lần đầu tiên, tổ chức quốc tế này đã đưa ra một thời điểm rõ ràng để đánh dấu cái lúc mà “Thời đại Mỹ” (the Age of America) sẽ chấm dứt và nền kinh tế Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) sẽ bị nền kinh tế Trung Quốc (Trung Quốc) qua mặt.
Đó là một ngày gần kề hơn bạn tưởng rất nhiều.
Theo những dự báo chính thức mới nhất của IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt kinh tế Hoa Kỳ thực sự vào năm 2016 – chỉ còn 5 năm nữa thôi.
Hãy ghi điều này lên lịch.
Lời dự đoán này vẽ lên một tình huống khá nhức nhối cho cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề ngân sách đang diễn ra tại Washington. Nó nêu lên những câu hỏi to lớn về hình ảnh của hệ thống an ninh toàn cầu chỉ vài năm tới đây. Nó còn tạo ra một đám mây đen phủ lên tương lai của đồng Mỹ kim và thị trường trái phiếu vĩ đại của Bộ Ngân khố Mỹ – hai thực thể được chống đỡ trong nhiều thập kỷ qua nhờ địa vị ưu thế là được dùng làm trái khoản (liabilities) của một bá quyền thế giới.
Theo dự báo của IMF, một thông tin được lặng lẽ đăng trên website của tổ chức tài chính này chỉ hai tuần trước đây, bất cứ ai được đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào sang năm – Obama? Mitt Romney? Donald Trump? – cũng sẽ là vị tổng thống cuối cùng trị vì một nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Gần như mọi người đều không sẵn sàng chấp nhận sự kiện này. Thậm chí họ không ý thức nó đến gần kề thế ấy. Nếu bạn lắng nghe các chuyên gia đủ mọi trường phái, họ sẽ nói với bạn rằng thời điểm ấy vẫn còn cách xa đến nhiều thập kỷ. Chuyên gia bi quan nhất sẽ đặt thời điểm đó vào giữa thập niên 2020.
Nhưng họ đã làm sai con tính. Họ chỉ so sánh GDP (tổng sản lượng nội địa) của hai quốc gia căn cứ trên hối suất hiện nay.
Đó là một sự so sánh gần như vô nghĩa trong thực tế. Hối suất thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, hối suất của Trung Quốc là không thật. Trung Quốc hạ giá đơn vị tiền tệ của mình, tức đồng nhân dân tệ, xuống một mức giả tạo, bằng cách can thiệp ào ạt vào các hoạt động thị trường.
Một cách so sánh thực sự có ý nghĩa
Ngoài việc so sánh hai quốc gia căn cứ trên hối suất, bản phân tích của IMF còn nhìn vào bức tranh mô tả đúng đắn và đích thực hai nền kinh tế bằng cách dùng lý thuyết “định hối suất bằng cách đối chiếu sức mua của tiền tệ mỗi nước đối với hàng hóa và dịch vụ nội địa” (purchasing power parities, gọi tắt là PPP). Cách này so sánh người dân kiếm được gì và tiêu pha gì dưới dạng thức hàng hóa và dịch vụ có thật trong nền kinh tế nội địa của họ.
Theo cách đối chiếu PPP, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng từ 11.200 tỉ đôla trong năm này lên đến 19.000 tỉ đôla vào năm 2016. Trong khi đó, kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng từ 15.200 tỉ đôla lên 18.8000 tỉ đôla. Cách đối chiếu này sẽ đưa sản lượng của Hoa Kỳ xuống một con số bằng 17,7% sản lượng của thế giới, một tỉ lệ thấp nhất trong thời hiện đại. Trong khi đó sản lượng của Trung Quốc sẽ lên đến con số tương đương với 18% sản lượng thế giới, và còn tăng lên nữa.
Chỉ cách đây 10 năm, kinh tế Hoa Kỳ lớn gấp ba lần kinh tế Trung Quốc.
Đương nhiên, mọi dự đoán đều có thể sai lầm. Thời cơ là yếu tố có thể ảnh hưởng đến mọi dự đoán. Cái ngày Trung Quốc thật sự qua mặt Hoa Kỳ có thể đến sớm hơn IMF tiên đoán, hoặc có phần chậm hơn. Nếu cỗ máy khổng lồ của Trung Quốc bị nổ một bánh xe, như ngày càng có nhiều người lo sợ việc này có thể xảy ra, thì nó thậm chí có thể làm đình trệ sự tăng trưởng dăm bảy năm. Nhưng việc kinh tế Trung Quốc vượt qua kinh tế Hoa Kỳ gần như không đáng nghi ngờ.
Đây không chỉ vỏn vẹn là một câu chuyện thống kê. Đây là sự chấm dứt Thời đại Mỹ. Như một chuyên viên chiến lược về trái phiếu châu Âu nói với tôi cách đây hai tuần, “Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn kết thúc bá quyền kinh tế Mỹ”.
Chúng ta đã sống trong một thế giới bị Hoa Kỳ khống chế quá lâu đến nỗi không còn ai còn sống đến ngày nay mà có thể nhớ lại một điều gì khác hơn. Hoa Kỳ đã vượt qua Anh Quốc để trở thành cường quốc kinh tế dẫn đầu trong thập niên 1890 và không bao giờ ngoảnh lại để xem có ai sắp bắt kịp mình.
Và cả hai quốc gia này đều sống dưới những luật lệ rất giống nhau của chính phủ hiến định, tôn trọng các quyền công dân và các quyền về sở hữu tài sản. Trung Quốc không có những đặc tính này. Kỷ nguyên Trung Quốc (the Age of China) sẽ mang lại một cảm thức rất khác lạ.
Victor Cha, cố vấn trưởng về các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói với tôi rằng các nước láng giềng của Trung Quốc đã bất đầu thức tỉnh trước nguy cơ. “Gần như toàn vùng này đang hướng về Hoa Kỳ trong một cách thế chưa từng thấy trong quá khứ”, ông ta nói. “Các quốc gia trong vùng coi Hoa Kỳ như là một đối trọng của Trung Quốc. Họ còn coi bá quyền Mỹ trong nửa thế kỷ qua là khá tốt lành. Nơi Trung Quốc họ nhìn thấy sự trỗi dậy của một cường quốc kinh tế thiếu nhân từ và đầy khả năng bóc lột. Họ không coi Trung Quốc là một bá quyền tốt lành (a benign hegemony)”.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ là vụ việc to lớn nhất của thời đại chúng ta. Người ta có thể chứng kiến những dấu hiệu có ý nghĩa tiềm ẩn đang diễn ra mọi nơi, từ những nhà máy bị đóng cửa ở Miền Trung-Tây Hoa Kỳ đến giá dầu lửa và các thương phẩm khác đang tăng vọt. Mùa Thu vừa qua, khi tham dự một hội nghị tại London về đầu tư nông nghiệp, tôi hết sức kinh ngạc vì rất nhiều người trong phòng họp kể những chuyện về các công ty Trung Quốc đang chụp giựt đất canh tác và các nguồn lương thực – từ Nam Mỹ đến Trung Quốc và nhiều nơi khác.
Đây là hậu quả của nhiều thập kỷ qua đó Trung Quốc đã theo đuổi thành công các chính sách kinh tế nhằm bành trướng ảnh hưởng và quyền lực quốc gia, trong khi Hoa Kỳ cứ khư khư ôm lấy tự do mậu dịch hoặc là nhân nhượng kinh tế một cách vô nguyên tắc (economic appeasement) – tôi dùng từ ngữ này vì không tìm được một cách diễn đạt chính xác hơn.
“Hai hệ thống đang ở trong tình trạng xung đột”, Ralph Gomory, giáo sư nghiên cứu trong phân khoa kinh doanh của Đại học New York (NYU) đã nói như thế. “Trung Quốc có một dạng chủ nghĩa tư bản do nhà nước lãnh đạo, và chúng ta [Mỹ] có một dạng chủ nghĩa tư bản tự do hơn nhiều”. Những gì chúng ta đã chứng kiến, ông nói, là “một sự chuyển giao khả năng sản xuất từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Điều mà chúng ta đã làm là đổi công ăn việc làm của người Mỹ để lấy lợi nhuận. Các công việc đã chuyển sang Trung Quốc. Khả năng kinh doanh bị xói mòn tại Hoa Kỳ và phát triển tại Trung Quốc. Đó là điều rất tai hại. Đó là một lý do giải thích tại sao Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên phân hóa giữa một giai cấp thiểu số rất giàu có và giai cấp trung lưu đang bị bào mòn. Hạng người hưởng lợi nhuận là rất cách biệt với hạng người mất đồng lương.”
Chương tiếp theo của câu chuyện chuyển giao quyền lực kinh tế chỉ mới bắt đầu.
Loạt chi tiêu phóng khoáng của Hoa Kỳ không mang lại hiệu quả
Ở đây chúng ta chưa bàn đến ý nghĩa của sự trỗi dậy của Trung Quốc trong các vấn đề quốc phòng và quốc tế. Hiện nay Hoa Kỳ đang tiêu những nố tiền khổng lồ – từ một nền kinh tế bị đình đốn – để cố duy trì địa vị của mình dưới ánh mặt trời.
Đó là một bài học lẽ ra chúng ta có thể học một cách khá dễ dàng từ câu chuyện buồn của các đế quốc Anh, Tây Ban Nha và nhiều đế quốc khác. Chi tiêu vung vải sẽ không mang lại hiệu quả. Một nước không thể đứng đầu thế giới nếu kinh tế của nó không đứng đầu thế giới.
Cũng liên quan đến chủ điểm đang bàn, những ví dụ sau đây có ý nghĩa kinh tế, và đối với các nhà đầu tư.
Vài năm trước đây tôi có dịp ăn trưa với nhà đầu tư thông minh nhất mà tôi quen biết, đó là ông Crispin Odey, quản đốc một quĩ đối-xung (hedge fund) có trụ sở tại London. Ông ta lý luận rằng, cứ lẽ thường, thị trường tương đối có hiệu quả trong việc định giá cả. Tuy nhiên, các thị trường không thể dự kiến và đánh giá chính xác các sự thay đổi “mô hình” (paradigm shifts) – dù đó là sự trỗi dậy của một công nghệ làm xáo trộn thị trường hoặc là những biến chuyển cách mạng trong lãnh vực địa chính trị (geopolitics). Hiện nay, chúng ta đang kinh qua một sự thay đổi mô hình như thế.
Thị trường (trái phiếu) của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hoạt động với giả định rằng nó vĩnh viễn là thước đo giá trị tiền tệ toàn cầu. Các trường kinh doanh vẫn còn dạy sinh viên, chẳng hạn, rằng trái phiếu 10 năm do Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phát hành là cách giữ tiền “tránh được mọi rủi ro”. Và như thế, tin tưởng chủ quan này đã kéo dài hơn một thế kỷ. Nhưng mọi việc này đều đặt cơ sở trên Thời đại của Mỹ.
Thật không đáng ngạc nhiên khi rất nhiều người đã và đang mua vàng. Nếu đồng Mỹ kim không còn là trữ kim duy nhất của thế giới, thì việc gì sẽ xảy ra? Đồng euro vẫn còn giá trị nếu sức mua của nó giống như đồng Đức kim cũ (the old deutschemark). Còn nếu nó chỉ là đồng tiền Hy Lạp trá hình… thì giá trị cũng chẳng là bao.
Lần trước nước bá quyền số một mất khả năng hành động một mình là vào đầu thế kỷ trước. Đó là thời điểm khi Hoa Kỳ và Đức vượt qua Anh Quốc. Chuyển biến này không đưa đến hậu quả tốt đẹp [ý nói Thế chiến I – ND].
Phần cập nhật sau khi có phản ứng của IMF
Quĩ Tiền tệ Quốc tế đã trả lời bài viết của tôi.
Trong một tuyên bố gửi cho MarketWatch, IMF xác nhận bản tin của mình [rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ năm 2016], nhưng lại thách thức lối giải thích dữ liệu của tôi. Họ tranh luận rằng phương pháp so sánh kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế Trung Quốc bằng cách dùng “đối chiếu sức mua của đồng tiền nội địa (PPP) không phải là thước đo thích hợp nhất… bởi vì mức giá cả PPP bị ảnh hưởng bởi các dịch vụ phi mậu dịch (nontraded services), vốn dĩ phù hợp với thị trường nội địa hơn là toàn cầu”.
IMF còn nói thêm rằng họ muốn so sánh các nền kinh tế bằng cách sử dụng hối suất thị trường (market exchange rates) và rằng bằng phương pháp này thì hiện nay kinh tế Hoa Kỳ lớn hơn kinh tế Trung Quốc đến 130%, và sẽ còn lớn hơn 70% vào năm 2016”.
Quan điểm của tôi?
IMF có quyền bênh vực quan điểm của mình. Nhưng lối lý luận của họ đặt thêm nhiều nghi vấn hơn là đưa ra những câu trả lời.
Một là, không có một biện pháp nào là tuyệt hảo. Mọi người đều biết như vậy.
Nhưng điều này cũng đúng cho bản thân những con số nói về GDP (tổng sản lượng nội địa). Chẳng hạn, trận bão Katrina đã gia tăng GDP của Hoa Kỳ, vì nó kích thích nhiều hoạt động kinh tế – như cung cấp cứu trợ khẩn cấp và xây lại nhà cửa. Nhưng có ai thành thật nghĩ rằng bão Katrina đã mang lại một con số dương (positive) cho kinh tế Hoa Kỳ? Mọi con số thống kê đều đòi hỏi sự dè dặt.
Hai là, việc so sánh các nền kinh tế bằng cách sử dụng hối suất đơn giản, như IMF đề nghị, đặt ra nhiều vấn đề to tướng.
Các thị trường tiền tệ thường chao đảo. Chúng tiêu biểu cho các dòng tiền tệ quốc tế, chứ không phải là đầu ra đích thực (real output) của các nền kinh tế.
Cho đến thời điểm này trong năm, đồng Mỹ kim đã rơi xuống 10% so với đồng euro. Có ai nói rằng kích cỡ thực sự của nền kinh tế Hoa Kỳ đã giảm bớt 10% so với châu Âu trong cùng thời kỳ đó? So sánh như vậy là vô lý.
Trung Quốc đã cố tình kềm hãm giá trị đồng Nhân dân tệ xuyên qua việc mua những lượng Mỹ kim rất lớn. Do đó, đồng Nhân dân tệ được định giá quá thấp trên các thị trường ngoại hối. Nếu so sánh các nền kinh tế mà chỉ dựa vào hối suất thôi, đó cũng là điều không đúng với thực tế.
So sánh các nền kinh tế bằng cách đối chiếu sức mua của tiền tệ trong mỗi nước không phải là một biện pháp hoàn hảo. Không có một biện pháp nào hoàn hảo cả. Nhưng PPP đo được đầu ra của các nền kinh tế, dựa vào hàng hóa và dịch vụ có thực. Đó là lý do vì sao phương pháp này được sử dụng một cách rộng rãi để so sánh các nền kinh tế.

Brett Arends là người viết chuyên đề thâm niên cho MarketWatch và viết chuyên đề tài chính cá nhân cho The Wal Street Journal.
Trần Ngọc Cư dịch
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Tổng số lượt xem trang