-Làm chư hầu cho Trung Quốc (Lê Phan)
Một số các nhà chính trị học Trung Quốc đang bận rộn tìm một nhân sinh quan mới để biện minh cho chính sách thực dân Tân Ðại Hán của chính quyền Bắc Kinh.
Họ nói đến một thế giới của những vòng đồng tâm mà trong đó ở chính giữa là Trung Quốc. Những quốc gia lân cận, đã bị Hán hóa nhiều như Việt Nam nằm ở vòng kế cận là các chư hầu. Xa hơn nữa là những nước “rợ” dầu là “rợ” da trắng hay “rợ” da màu nào khác chăng nữa, và tất cả đều là lãnh thổ của “thiên triều”. Họ đưa ra viễn ảnh của các quốc gia chư hầu triều cống “hoàng đế” thì sẽ được hưởng những ơn mưa móc của “thiên triều”, kể cả quyền lợi về mậu dịch, chia sẻ tài nguyên.
Ðó theo họ là viễn ảnh tốt đẹp cho những “tiểu quốc” lân bang. Họ chỉ ra trường hợp của Miến Ðiện ngày nay như là một thí dụ điển hình, và bảo với những quốc gia cứng đầu như Việt Nam hãy noi gương.
Nhưng sự thực ra sao?
Mới đây, một phóng viên của tạp chí The Economist ghé đến vùng miền Bắc Miến Ðiện, trong khu tự trị Kachin. Ở sâu trong rừng, phóng viên tìm thấy nhiều trăm người dân đang dầm trong bùn đãi vàng. Họ đã bất kể sự kiểm soát của chính quyền, từ khắp Miến Ðiện, đổ về đây, nơi sông N'Mai và sông Mali tập hợp để rồi trở thành sông Irrawady vĩ đại, con sông huyết mạch của Miến Ðiện. Họ vội vã bởi công việc đãi vàng, tuy cực khổ, nhưng nếu được ngày có thể kiếm được cả 1,000 đô từ bụi vàng. Họ cũng vội vã bởi thời gian họ có thể “mót” vàng từ dòng sông này đang sắp kết thúc.
Bên kia sông, những mái tôn của các căn nhà tiền chế lấp lánh dưới ánh mặt trời. Những căn nhà đó là của nhiều trăm người Hoa làm phu xây dựng đập Myitsone. Dự án đập thủy điện Myitsone, mà chính phủ Miến khoe là đập cao thứ sáu trên thế giới, sẽ tạo ra 6,000MW điện mỗi năm. Khi hoàn tất vào năm 2019, hồ chứa nước của đập này sẽ làm ngập toàn thể khu vực nay dân chúng đang đãi vàng. Ðập này cũng sẽ làm cho 10,000 người phải dời đi nơi khác. Toàn thể số điện sản xuất sẽ được tải sang bán cho Trung Quốc. Các ông tướng sẽ đút số tiền thâu được vào quỹ riêng. Khi tôi hỏi về các nghiên cứu ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng xã hội, một nhà báo của đài Á Châu Tự Do (RFA) cười bảo “Làm gì có chuyện đó. Các ông tướng còn sướng vì đây là một viên đạn trúng hai mục đích, vừa thêm tiền, vừa diệt được đám Kachin khốn nạn!”
Một linh mục, đang dẫn dắt giáo dân cầu nguyện sao cho đập này thất bại, nói là con chiên của ông đã bị dời đến những ngôi làng “kiểu mẫu”, với những căn nhà nhỏ xíu, một mảnh vườn tí hon, không đủ để canh tác gì cả. Những bức thư khiếu nại linh mục gửi chính phủ trung ương chưa bao giờ được trả lời. Vị linh mục nói ông sẽ ở lại ngôi nhà thờ lịch sử “cho đến khi nước dâng đến bậc thềm”.
Nhưng, như nhận xét của nhà báo đài RFA, không phải chỉ dân Miến mới lo ngại về đập này. Dự án này lấn vào khu vực của Tổ chức độc lập Kachin (KIO), một trong không biết bao nhóm thiểu số chiến đấu chống lại chính quyền quân phiệt từ nhiều thập niên nay. Năm ngoái nhiều vụ nổ bom đã xảy ra ở khu xây đập, và hôm tháng 5 vừa qua, KIO khuyến cáo là nếu chính quyền không ngưng dự án đập Myitsone thì sẽ có nội chiến. Lực lượng quân sự của KIO đã có những đụng trận nho nhỏ với lực lượng của chính quyền, mặc dầu trên giấy tờ đã có một hiệp ước.
Năm ngoái, trong cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 1990 khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi toàn thắng, KIO cũng đã được vinh dự liệt vào danh sách các tổ chức chính trị bị cấm tham gia bầu cử. Nếu lý do viện ra cho NLD là tại lãnh tụ của họ đang ở tù, thì vấn đề với KIO là họ không chịu cho lực lượng của họ sát nhập vào quân đội của chính quyền. Lời đe dọa của KIO được đưa ra ngay khi cựu Tướng Thein Sein, nay là “tổng thống dân sự” đầu tiên của Miến Ðiện, đi thăm Trung Quốc triều cống.
Cũng phải nói Trung Quốc có nhiều quyền lợi mật thiết với chính quyền quân phiệt. Trung Quốc là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Miến. Myitsone chỉ là một trong nhiều dự án thủy điện, khai thác khoáng sản và hạ tầng cơ sở ở Miến do tiền Trung Quốc. Nhưng dự án nhiều tham vọng nhất của Trung Quốc là việc xây dựng một cảng nước sâu cho tàu chở dầu. Ðược chờ đợi sẽ hoàn tất vào năm 2013, nó sẽ mang gas từ giếng dầu Shwe ở ngoài khơi bờ biển Miến Ðiện và sẽ có tiềm năng cung cấp cho khoảng 10% nhu cầu nhiên liệu nhập cảng của Trung Quốc.
Nhưng mối quan hệ này không phải là hoàn toàn tốt đẹp. Khoảng từ 1 đến 2 triệu người Hoa đã “dọn nhà” sang ở miền Bắc Miến. Họ chế ngự ngành mua bán ngọc thạch và đá quí. Cuộc sống xa hoa của họ đã là một cái gai trong mắt người dân Miến ở cố đô Mandalay và Myitkyina. Nhà cửa đắt đỏ, xe cộ cái nào sang là mang biển số Trung Quốc, họ sống trên đất Miến không phải là khách mà là ông chủ. Các vị sư ở Myitkyina nay nói là đến hơn nửa dân số thành phố này là người Hoa. Nhiều người Miến nay nói miền Bắc Miến đã trở thành quận huyện của Trung Quốc.
Và với quyền lợi kinh tế ngày càng tăng, Bắc Kinh ngày càng đòi được sử dụng các hải cảng và lãnh hải của Miến như là đất nhà vậy. Họ nói là để bảo vệ an ninh cho tân cảng và đường ống dầu cũng như bảo vệ chống hải tặc. Nhưng luận điệu này nghe cũng khó nuốt đối với người dân Miến như là luận điệu 16 chữ vàng đối với người dân Việt.
Tạp chí Economist đưa ra luận điệu của chính quyền nói là họ không muốn hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, nên đã muốn lôi kéo Ấn Ðộ và Tây phương vào đầu tư làm ăn ở Miến. Tờ Economist nói là Ấn Ðộ thì chậm trễ, còn Tây phương và Hoa Kỳ thì vẫn tiếp tục cấm vận. The Economist than phiền là chính cấm vận của Hoa Kỳ đã chặn không cho Miến Ðiện vay tiền của Ngân Hàng Thế Giới. Tạp chí nói là nếu các dự án đập thủy điện được Ngân Hàng Thế Giới tài trợ thì vấn đề tiêu chuẩn môi trường sẽ được bảo đảm hơn.
Các nhà tranh đấu dân chủ ở Miến Ðiện đã cười trước luận điệu ngây thơ đó của tờ báo Anh. Họ bảo là cứ nhìn những dự án đập thủy điện được ngân hàng tài trợ trên sông Mekong ở Lào, ở Thái Lan thì thấy là ngân hàng cũng chẳng bảo vệ được bao nhiêu môi trường. Hơn thế, họ còn nói là liệu các ông tướng có thực sự muốn sự dòm ngó của ngân hàng hay các định chế quốc tế hay không?
Có thể chế độ quân phiệt ở Miến cũng muốn có độc lập hơn, nhưng họ đã bị lôi cuốn vào quỹ đạo của Bắc Kinh, phần vì nhu cầu, phần vì lòng tham vô đáy của các ông tướng. Hồi các công ty dầu khí Tây phương còn hoạt động ở Miến, một chuyên gia Hoa Kỳ đã than là đối với các ông tướng Miến Ðiện thì làm việc với Nga còn khỏe hơn.
Dầu sao chăng nữa, Miến Ðiện đã trở thành một chư hầu của Trung Quốc. Và dân Miến cay đắng. Một vị sư già đã than với phóng viên của tờ Economist “Chúng tôi là cái bếp của người Trung Quốc. Họ lấy những gì họ thích, để lại cho chúng tôi rác rưởi!”