Phóng sự của Phi Khanh/Người Việt
QUẢNG NAM - Gặp ông trong một buổi chiều mùa Hè ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong căn nhà cũ kỹ, mùi ẩm mốc và những tiếng dế ám gợi một thời xa xôi nào đó của chủ nhân, người đàn ông gần tuổi bát thập cùng những khoảnh khắc lúc nhớ, lúc quên đang đuổi nhau trên vầng trán đã ngả màu nắng úa...
Ông Nguyễn Ðức, người lính VNCH cách đây 37 năm từng tham gia trận đánh giữ đảo Hoàng Sa. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Ông là một cựu quân nhân VNCH, người lính Hoàng Sa, mang số 477, Tiểu Ðoàn 123, Tiểu Khu Quảng Nam.
Câu chuyện của một đời người, của những tháng năm oanh liệt và tuổi già gian nan, cơ cực... Những tháng năm xa xưa như một lời ru an ủi thực tại.
Tên ông là Nguyễn Ðức, năm nay 75 tuổi, có 5 người con gái, 5 người con rể và một người vợ cùng tuổi với ông. Một cuộc sống trầm trầm, chậm chậm cùng những bữa cơm đạm bạc, sáng sáng vác cuốc ra đồng, chiều chiều hun khói... nhớ chiến chinh!
Nói nghe cứ như thơ nhưng đó là sự thật, một sự thật đôi khi có chút phũ phàng và đau đớn ở một người đàn ông và một người đàn bà đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời nhưng lại vất vả quanh năm suốt tháng làm lụng kiếm cơm, thậm chí giúp đỡ cho con gái, con rể vì họ cũng khó khăn, gian nan chẳng kém gì ông.
Thời chinh chiến...
Sau vài cốc trà, vài chung rượu, câu chuyện giữa chủ nhà và khách giảm dần khoảng cách, ông Ðức trở nên nói cười sinh động, không còn ngần ngại như ban đầu.
Ông kể: “Ðó là năm 1974, Tháng Giêng, tôi nhớ chính xác là vậy. Nhưng cũng là Tháng Chạp của năm Kỷ Sửu, năm đó tôi sinh đứa con gái thứ ba. Gia đình tôi nghĩ rằng tôi đã mất tích, nhưng không phải thế, tôi được chuyển sang Trung Quốc, ăn Tết ở đó hai ngày và chuyển thẳng sang Hồng Kông, ở đó, quả thật là quá giàu, mình không ngờ...”
Nhấp một ngụm rượu, nheo mắt trầm ngâm, ông kể tiếp câu chuyện đời lính đảo của mình.
“Năm đó, tụi Trung Quốc nó đánh chiến thuật ‘biển người,’ kinh thật, đúng là những con người dã man, chỉ có quân dã man mới đem nướng binh sĩ theo chiến thuật này, cứ hết lớp này đến lớp khác xông lên đảo theo một đường thẳng, lúc đó chúng tôi ở trên đồi, ngồi trong lô cốt, cơ số đạn chúng tôi có thể nướng số lượng quân gấp mười lần tụi Trung Quốc đang tiến lên... Nhưng rồi!”
Ông lắc đầu, thở dài,
“Mọi chuyện chỉ là bàn cờ thôi, lúc đó chúng tôi được nghe rõ mồn một lời của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, bởi bên quân đội kết hợp với đài khí tượng, dùng sóng radio liên lạc với Tổng Thống Thiệu. Khi chỉ huy là sư đoàn trưởng báo cáo tình hình tụi lính Trung Quốc đang tiến lên đảo, tôi nghe đúng hai chữ của tổng thống là ‘chơi tới!’, vậy là chúng tôi nổ súng, tụi nó rụng như sung, đạn chúng tôi còn rất nhiều. Nhưng rồi ông cố vấn, ông này...”
“Ông cố vấn người Mỹ nói sao đó với chỉ huy trưởng, sau đó có lệnh đầu hàng, chúng tôi buộc phải cởi áo trắng cắm làm cờ và chạy lên phía rừng, thả súng chờ họ tới bắt. Cuối cùng bị bắt sang Trung Quốc, chuyện là vậy, ông cố vấn Mỹ khi sang Trung Quốc thì không thấy đâu nữa, chỉ có chúng tôi gồm 43 người, kể cả chỉ huy.”
“Họ cho chúng tôi ăn Tết bằng đậu phộng rang và kẹo bánh... Nói chung là cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lại có chuyện tự dưng đang thắng lại chuyển sang bại... Ðang đánh lại đầu hàng và vì sao chúng tôi được đối xử không tệ trong nhà tù?!”
“Sau thời gian ở Hồng Kông, máy bay đưa chúng tôi về Sài Gòn, lúc này thì đảo Hoàng Sa đã hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc. Tự dưng nghĩ đến những đêm đi câu cá nhám, đi tìm trứng nhiếp (rùa biển), nhớ đến vẻ lãng mạn như thơ của Hoàng Sa, tôi thấy buồn! Thế rồi năm 1975...!”
Một cuộc đời khác, khắc nghiệt và đen đủi...
Ông Ðức không nằm ở hàng ngũ sĩ quan, thời VNCH, ông ba lần thay đổi binh chủng, cuối cùng, làm lính đảo với cấp bậc Binh nhì, sau đó bị bắt sang Trung Quốc, đưa sang Hồng Kông rồi trở về Sài Gòn, được tiếp đón như một quân nhân thắng trận, sau đó thời cuộc thay đổi, miền Nam rơi vào tay Bắc Việt...
Ông về làm ruộng, tránh được cái nạn đi trại cải tạo. Nhưng với ai thì trại cải tạo là nơi cận kề cái chết, khắc nghiệt, man rợ... Với ông, ông lại thèm, lại tiếc nuối... giá như mình được đi cải tạo thì hay hơn, vì ít ra sau ba bốn năm đi cải tạo, còn có cơ hội sang sống ở một nước dân chủ như Mỹ, được tự do, không kéo dài sự đau khổ như ông.
Ông Nguyễn Ðức và vợ tại nhà riêng ở Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
Ông nói: “Không có gì đau khổ hơn cảnh con mình học giỏi mà không được thi vào đại học vì cha của nó bị xếp vào dạng 'lính ngụy', 'quân bán nước', rồi cái thời mình đi vỡ hoang, ui cha, không có thời nào mà cận kề cái chết hơn những năm nhà nước đưa mình đi khai hoang, vỡ đất như những năm 1980 thế kỷ trước! Cứ thỉnh thoảng nghe ầm, bạn mình nằm phơi ruột! Cực và đau khổ không gì kể xiết!”
“Ðó là chưa nói đến cho đến bây giờ, mình vẫn còn mang mặc cảm kẻ bại trận, mình chẳng biết chơi với ai cả, con mình thì học hành không tới đâu, đứa đầu tới lớp 12 không được thi vào đại học, mấy đứa sau thấy khổ quá, bảo rằng 'học cho lắm cũng mắm với dưa, học vừa vừa cũng dưa với mắm', tụi nó rủ nhau đi làm thuê, bây giờ đứa nào may mắn thì làm công nhân, lương tháng cao nhất cũng chừng ba triệu đồng, sống sao cho được một khi còn nuôi con, tiết kiệm phòng đau ốm, phải trái với xóm làng và những thứ khác...”
Câu chuyện của ông cứ kéo dài cho đến tận đêm khuya.
Chẳng biết nên kết thúc như thế nào.
Chút ‘lửa’ còn sót lại
Tuy phải mang căn bệnh hở van tim vì từng lao động quá nặng nhọc, suy kiệt và nghèo khổ bởi không có thu nhập nào khác ngoài đôi bàn tay còn làm thì còn ăn, hết làm nổi thì chỉ còn bám víu vào cuộc sống nghèo khổ của các con mình... Nhưng ông Ðức vẫn có một cái nhìn khá tĩnh tại và can trường trước đời sống, ung dung, tự tại vượt qua bệnh tật và khốn khó với hy vọng đời ông, đời cha thất bại thì đời con cháu sẽ làm lại từ đầu, bằng mọi giá các cháu của ông phải học hành đến nơi đến chốn.
Ở độ tuổi gần 80, mỗi sáng lại vác cuốc ra đồng làm thuê kiếm tiền (ruộng của ông đã bị tịch thu, sung vào đất công ở những năm 1980, gia đình ông còn vỏn vẹn 420 mét vuông, chỉ đủ để có lúa cho hai vợ chồng già ăn mỗi ngày 2 bữa), nghe con cháu khó khăn thì mang tiền san sẻ học phí...
Lưng mỗi ngày một còng thêm, vẫn cứ làm, cứ vui cười và hy vọng... Nghe hơi hiếm, nhưng đó là chuyện có thật của một người lính già!
Trời đã khuya, lúc chia tay, ông Ðức bùi ngùi đứng lên tạm biệt chúng tôi, và bỗng dưng nổi hứng, hát một bài thật hùng tráng.
- Một thiên đường của chúng ta đã mất — (Hổ phụ tử).
(Năm 2007, còn làm ở báo Pháp Luật TP HCM. Bài này viết nhưng Ban Biên tập không đăng).
“Sáng đó (19.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp. Bất ngờ một người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo. Mọi người vội vàng chạy vào lấy ống nhòm ra nhìn và biết đó là tàu của Trung Quốc” – ông Tạ Hồng Tân, một trong những người Việt Nam cuối cùng rời khỏi Hoàng Sa nhớ lại như vậy.
Bị Trung Quốc bắt làm tù binh
Đó là một ngày không quên trong đời ông Tân. Năm nay đã 73 tuổi, ông Tân sống bằng nghề dạy kèm tiếng Anh, tiếng Pháp tại phường An Hải Đông thành phố Đà Nẵng. Ông là người gốc sài Gòn, làm nhân viên quan trắc cho Đài khí tượng Sài Gòn, được điều ra Trung tâm khí tượng Đà Nẵng làm quan trắc viên Trạm khí tượng Hoàng Sa cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Khi đó, trên đảo có một trung đội Địa phương quân thuộc Đại đội 157, địa phương quân Đà Nẵng của chế độ Sài Gòn và 6 nhân viên thuộc Trạm khí tượng Hoàng Sa. Ông Tân kể: “Thấy tàu chiến nhiều quá chúng tôi rất lo âu. Nhân viên vô tuyến của trạm liên lạc về Đài khí tượng Đà Nẵng cầu cứu. Kêu thì kêu vậy nhưng biết không làm gì được vì lực lượng bên đó quá đông!”. Từ sáng sớm đến hết cả ngày 19-1-1974, tàu chiến Trung Quốc án binh bất động. Lúc đó, đã xảy ra hải chiến ngoài khơi, ở các đảo xung quanh, nhưng những nhân viên khí tượng này không biết. Khoảng 5h chiều, sau một đợt pháo kích, Trung Quốc cho quân đổ bộ vào đảo bắt sống toàn bộ trung đội Địa phương quân và 6 nhân viên khí tượng, trong đó có ông Tạ Hồng Tân. “Họ đưa chúng tôi lên tàu về đảo Hải Nam ngày hôm sau. Chúng tôi được chuyển lên xe bịt bùng về giam ở đâu không biết!” – ông Tân kể. Chúng tôi xác định được nhà giam ông Tân cũng như các binh lính khác là nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Vào nhà giam, mọi người bị lấy lời khai nhưng được đối xử tử tế.
Khoảng gần 3 tuần sau, ông Tân nói có một cán bộ Trung Quốc tới trại, đem theo người phiên dịch nói cho chúng tôi biết: “Hoàng Sa là đảo của Trung Quốc nhưng Việt Nam chiếm làm đài Khí tượng. Nay Trung Quốc lấy lại và các anh sẽ được trả tự do trong vài ngày tới”. Khoảng gần 1 tuần sau, ông Tân cùng toàn bộ tù binh bị Trung Quốc bắt đưa qua Hồng Kông. Chính quyền Sài Gòn điều một chiếc máy bay C130 sang Hồng Kông nhận trao trả tù binh. Phần lớn số tù binh sau đó về lại nơi làm việc ở Đà Nẵng. Tiễn chúng tôi ra về tới cửa, ông Tân còn nheo nheo mắt hỏi: “Không biết bây giờ tên của tôi có còn ngoài Hoàng Sa không?”. Một câu hỏi thật khó trả lời. Tất cả những binh sĩ chế độ Sài Gòn và nhân viên khí tượng khi đến Hoàng Sa, những giờ rảnh rỗi họ ra những tảng đá ven biển khắc họ tên và địa chỉ mình lên đó làm kỷ niệm. Khi ông Tân ra thì đã thấy lớp lâu lớp mới tên người Việt Nam trên đá, ở những vị trí tuyệt đẹp.
Thiên đường đã mất
Một trong những người từng làm việc lâu đời ở Hoàng Sa hiện còn sống tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn. Đầu năm 1958, ông Phát được điều theo dạng luôn phiên ra Đà Nẵng rồi đi Hoàng Sa. Đó là một thời kỳ đẹp đẽ nhất trong đời của một chàng trai Sài Gòn. Ông nói: “Mỗi nhân viên chỉ đi Hoàng Sa luân phiên 3 tháng, mỗi lần đi có 6 người gồm 4 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến và 1 nhân viên phục vụ lo thổi bóng hơi quan trắc cao không đo gió kiêm hậu cần. Tôi lúc đó mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, thấy cảnh sắc thần tiên nên mê và xin ở lại luôn cả nửa năm”. Nửa năm sống trên đảo trong ký ức của ông Phát bây giờ là nửa năm làm Từ Thức!”. Công việc quan trắc cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu vài thời điểm trong ngày. Thời gian còn lại ông cùng những đồng nghiệp mình ngao du khắp đảo Hoàng Sa. Lâu lâu, ông kể là đi theo xuồng máy của đơn vị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn đi thăm các đảo có chim sinh sống. Đó là những bãi cát vàng rực trong ánh chiều tà. Chân chúng tôi len lỏi giữa những ổ trứng chim. Chim nhiều vô kể, chúng không hề sợ hãi khi thấy người tới gần. Bình Minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát kể như vậy.
Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim... “Chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương... Con nào con đó nặng trên 5 – 7 ký” – đó là ký ức của ông Võ Như Dân, người ở Hoàng Sa nhiều nhất nay còn sống. Ông Dân làm nhân viên hậu cần cho Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1956. Đội hậu cần thời đó chỉ có 3 người luân phiên nhau ra Hoàng Sa. Chính vì vậy, cho đến ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974, ông Dân có 14 chuyến ra Hoàng Sa, mỗi chuyến 3 tháng, tổng cộng là 3 năm rưỡi sinh sống trên đảo. Cảnh sắc quen thuộc thân thương quá đỗi đến mức ông bảo: “Hôm qua tôi xuống Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nơi có kho tư liệu và hành ảnh về Hoàng Sa, tối về tôi nằm mường tượng nó ở trước mặt tôi. Cả phần đời tôi đã ở đó...”. Nhiệm vụ là hậu cần nên suốt ngày ông Dân đi câu cá phục vụ thức ăn cho toàn đội. Đồ hộp cũng nhiều nhưng không ai ăn. Khu nhà khí tượng do Pháp xây trên đảo có những hầm chứa nước mưa dùng uống quanh năm.
Khoảng năm 1958, có lần một đoàn tàu Trung Quốc đến gần nhưng bị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn bắn dọa đuổi đi. Tàu cá của Nhật cũng có tới xin nước ngọt. Họ không biết tiếng Việt nhưng ra dấu xin lên đảo lấy nước rồi cúi đầu cảm tạ... Bao nhiêu kỷ niệm còn sống trong lòng những người đã từng ở Hoàng Sa. Ông Phạm Khôi, nguyên là lính địa phương quân Việt Nam cộng hòa, hiện sống ở Đà Nẵng mở tủ lấy ra hai chiếc vỏ ốc hoa còn khắc ngày ông đặt chân lên Hoàng Sa: 23 tháng chạp năm 1969. Đó là hai chiếc vỏ ốc ông mang về và trở thành báu vật của đời ông!
NGUYỄN MINH SƠN
“Sáng đó (19.1.1974), chúng tôi dậy tập thể dục. Mặt trời lên rất đẹp. Bất ngờ một người nhìn thấy ngoài khơi có rất nhiều tàu bao vây quanh đảo. Mọi người vội vàng chạy vào lấy ống nhòm ra nhìn và biết đó là tàu của Trung Quốc” – ông Tạ Hồng Tân, một trong những người Việt Nam cuối cùng rời khỏi Hoàng Sa nhớ lại như vậy.
Bị Trung Quốc bắt làm tù binh
Đó là một ngày không quên trong đời ông Tân. Năm nay đã 73 tuổi, ông Tân sống bằng nghề dạy kèm tiếng Anh, tiếng Pháp tại phường An Hải Đông thành phố Đà Nẵng. Ông là người gốc sài Gòn, làm nhân viên quan trắc cho Đài khí tượng Sài Gòn, được điều ra Trung tâm khí tượng Đà Nẵng làm quan trắc viên Trạm khí tượng Hoàng Sa cuối năm 1973 cho đến ngày bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Khi đó, trên đảo có một trung đội Địa phương quân thuộc Đại đội 157, địa phương quân Đà Nẵng của chế độ Sài Gòn và 6 nhân viên thuộc Trạm khí tượng Hoàng Sa. Ông Tân kể: “Thấy tàu chiến nhiều quá chúng tôi rất lo âu. Nhân viên vô tuyến của trạm liên lạc về Đài khí tượng Đà Nẵng cầu cứu. Kêu thì kêu vậy nhưng biết không làm gì được vì lực lượng bên đó quá đông!”. Từ sáng sớm đến hết cả ngày 19-1-1974, tàu chiến Trung Quốc án binh bất động. Lúc đó, đã xảy ra hải chiến ngoài khơi, ở các đảo xung quanh, nhưng những nhân viên khí tượng này không biết. Khoảng 5h chiều, sau một đợt pháo kích, Trung Quốc cho quân đổ bộ vào đảo bắt sống toàn bộ trung đội Địa phương quân và 6 nhân viên khí tượng, trong đó có ông Tạ Hồng Tân. “Họ đưa chúng tôi lên tàu về đảo Hải Nam ngày hôm sau. Chúng tôi được chuyển lên xe bịt bùng về giam ở đâu không biết!” – ông Tân kể. Chúng tôi xác định được nhà giam ông Tân cũng như các binh lính khác là nhà lao Thu Dung thuộc tỉnh Quảng Châu. Vào nhà giam, mọi người bị lấy lời khai nhưng được đối xử tử tế.
Khoảng gần 3 tuần sau, ông Tân nói có một cán bộ Trung Quốc tới trại, đem theo người phiên dịch nói cho chúng tôi biết: “Hoàng Sa là đảo của Trung Quốc nhưng Việt Nam chiếm làm đài Khí tượng. Nay Trung Quốc lấy lại và các anh sẽ được trả tự do trong vài ngày tới”. Khoảng gần 1 tuần sau, ông Tân cùng toàn bộ tù binh bị Trung Quốc bắt đưa qua Hồng Kông. Chính quyền Sài Gòn điều một chiếc máy bay C130 sang Hồng Kông nhận trao trả tù binh. Phần lớn số tù binh sau đó về lại nơi làm việc ở Đà Nẵng. Tiễn chúng tôi ra về tới cửa, ông Tân còn nheo nheo mắt hỏi: “Không biết bây giờ tên của tôi có còn ngoài Hoàng Sa không?”. Một câu hỏi thật khó trả lời. Tất cả những binh sĩ chế độ Sài Gòn và nhân viên khí tượng khi đến Hoàng Sa, những giờ rảnh rỗi họ ra những tảng đá ven biển khắc họ tên và địa chỉ mình lên đó làm kỷ niệm. Khi ông Tân ra thì đã thấy lớp lâu lớp mới tên người Việt Nam trên đá, ở những vị trí tuyệt đẹp.
Thiên đường đã mất
Một trong những người từng làm việc lâu đời ở Hoàng Sa hiện còn sống tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Tấn Phát, nhân viên quan trắc Đài khí tượng Sài Gòn. Đầu năm 1958, ông Phát được điều theo dạng luôn phiên ra Đà Nẵng rồi đi Hoàng Sa. Đó là một thời kỳ đẹp đẽ nhất trong đời của một chàng trai Sài Gòn. Ông nói: “Mỗi nhân viên chỉ đi Hoàng Sa luân phiên 3 tháng, mỗi lần đi có 6 người gồm 4 quan trắc viên, 1 nhân viên vô tuyến và 1 nhân viên phục vụ lo thổi bóng hơi quan trắc cao không đo gió kiêm hậu cần. Tôi lúc đó mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, thấy cảnh sắc thần tiên nên mê và xin ở lại luôn cả nửa năm”. Nửa năm sống trên đảo trong ký ức của ông Phát bây giờ là nửa năm làm Từ Thức!”. Công việc quan trắc cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu vài thời điểm trong ngày. Thời gian còn lại ông cùng những đồng nghiệp mình ngao du khắp đảo Hoàng Sa. Lâu lâu, ông kể là đi theo xuồng máy của đơn vị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn đi thăm các đảo có chim sinh sống. Đó là những bãi cát vàng rực trong ánh chiều tà. Chân chúng tôi len lỏi giữa những ổ trứng chim. Chim nhiều vô kể, chúng không hề sợ hãi khi thấy người tới gần. Bình Minh trên quần đảo Hoàng Sa là thời khắc huy hoàng nhất trong ngày. “Chúng tôi thấy mặt trời đỏ rực, to và rất gần. Nắng lên một chút, nước biển ven bờ xanh một màu ngọc bích đẹp lạ lùng, xa xa hơn một chút nữa màu xanh dương rồi tới xanh lục. Chiều chiều rảnh rỗi chúng tôi bơi ra xa lặn xuống xem những rạn san hô với cá đủ màu sắc...” – ông Phát kể như vậy.
Đặc biệt nhất tại Hoàng Sa là cá. Cá nhiều vô kể, nhất là cá mú. Lính đảo cùng các nhân viên khí tượng sống nhờ nguồn thực phẩm khá dồi dào tại Hoàng Sa. Cá, ốc, mực, bạch tuộc, chim... “Chỉ cần quăng câu chừng vài phút là được gần cả chục con cá mú, cá khế, cá xanh xương... Con nào con đó nặng trên 5 – 7 ký” – đó là ký ức của ông Võ Như Dân, người ở Hoàng Sa nhiều nhất nay còn sống. Ông Dân làm nhân viên hậu cần cho Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1956. Đội hậu cần thời đó chỉ có 3 người luân phiên nhau ra Hoàng Sa. Chính vì vậy, cho đến ngày Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974, ông Dân có 14 chuyến ra Hoàng Sa, mỗi chuyến 3 tháng, tổng cộng là 3 năm rưỡi sinh sống trên đảo. Cảnh sắc quen thuộc thân thương quá đỗi đến mức ông bảo: “Hôm qua tôi xuống Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nơi có kho tư liệu và hành ảnh về Hoàng Sa, tối về tôi nằm mường tượng nó ở trước mặt tôi. Cả phần đời tôi đã ở đó...”. Nhiệm vụ là hậu cần nên suốt ngày ông Dân đi câu cá phục vụ thức ăn cho toàn đội. Đồ hộp cũng nhiều nhưng không ai ăn. Khu nhà khí tượng do Pháp xây trên đảo có những hầm chứa nước mưa dùng uống quanh năm.
Khoảng năm 1958, có lần một đoàn tàu Trung Quốc đến gần nhưng bị Thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn bắn dọa đuổi đi. Tàu cá của Nhật cũng có tới xin nước ngọt. Họ không biết tiếng Việt nhưng ra dấu xin lên đảo lấy nước rồi cúi đầu cảm tạ... Bao nhiêu kỷ niệm còn sống trong lòng những người đã từng ở Hoàng Sa. Ông Phạm Khôi, nguyên là lính địa phương quân Việt Nam cộng hòa, hiện sống ở Đà Nẵng mở tủ lấy ra hai chiếc vỏ ốc hoa còn khắc ngày ông đặt chân lên Hoàng Sa: 23 tháng chạp năm 1969. Đó là hai chiếc vỏ ốc ông mang về và trở thành báu vật của đời ông!
NGUYỄN MINH SƠN