-Lâm Vĩnh Thế: Thất Bại Của Các Chính Phủ Dân Sự Tại Miền Nam, 1964-1967
Trong khoảng thời gian chưa đầy một năm rưởi, từ ngày 8-2-1964 đến ngày 18-6-1965, Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã có tất cả ba chính phủ (với một số lần cải tổ) như sau: 1) Chính phủ Nguyễn Khánh, từ ngày 8-2-1964 đến ngày 3-11-1964; 2) Chính phủ Trần Văn Hương, từ ngày 4-11-1964 đến ngày 26-1-1965 (sau khi giải nhiệm Thủ Tướng Trần Văn Hương, Hội Đồng Quân Lực (HĐQL) cử Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh làm quyền Thủ Tướng cho đến ngày 15-2-1965); 3) Chính phủ Phan Huy Quát, từ ngày 16-2-1965 đến ngày 18-6-1965.
Trừ chính phủ đầu tiên với Tướng Nguyễn Khánh đãm nhận vai trò Thủ Tướng nên mang ít nhiều màu sắc quân nhân, các chính phủ kia có thể xem như thuần túy dân sự, nhứt là Chính phủ Trần Văn Hương trước khi cải tổ vào ngày 18-1-1965. Tất cả các chính phủ nầy đều lần lượt thất bại và sau cùng phải giao trả quyền lực lại cho phe quân nhân với Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ từ ngày 19-6-1965. Sự thất bại của các chính phủ dân sự nầy do nhiều yếu tố tiêu cực phối hợp lại tạo nên, trong đó đáng kể nhứt là các yếu tố quyết định sau đây: tham vọng chính trị của phe quân nhân với tiêu biểu là Tướng Nguyễn Khánh và các tướng trẻ; sự yếu kém và phân hóa của các chính đảng và các chính trị gia; và sau cùng là tình trạng bất ổn định về chính trị và xã hội do các đoàn thể quần chúng tạo ra, trong đó quan trọng nhứt là thế lực Phật giáo và sinh viên.
1. Chính phủ Nguyễn Khánh
Chính phủ Nguyễn Khánh ra đời trong bối cảnh “hậu đảo chánh 1-11-63.” Tướng Khánh đã gọi cuộc đảo chánh ngày 30-1-1964 của ông là một cuộc “chỉnh lý,” (1) do đó, trên căn bản, chính phủ của ông được xem như là tiếp tục các mục tiêu của cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963. Sự kiện nầy đem lại nhiều lợi thế đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn cho Chính phủ Nguyễn Khánh.
1.1. Lợi Thế: Ủng Hộ Manh Mẻ Của Hoa Kỳ
Với chiêu bài nêu ra là “chỉnh lý” nghĩa là chỉ sửa đổi lại cho đúng, chớ không phải là thay đổi chế độ, Chính phủ Nguyễn Khánh đã dể dàng nhận được sự công nhận và hổ trợ ngay lậïp tức của Hoa Kỳ. Thật ra giới chức Hoa Kỳ tại Sài Gòn, cụ thể là Đại Sứ Lodge và Tướng Harkins, đã được thông báo mấy ngày trước khi cuộc đảo chánh của Tướng Khánh xảy ra. Họ đã không thông báo tin tức nầy cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNCM) và Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ để có biện pháp ngăn chận. Điều nầy chứng tỏ họ đã ủng hộ ngay từ đầu việc thay đổi chính phủ nầy của VNCH. Thất vọng với HĐQNCM do Tướng Minh lãnh đạo, họ muốn tìm một nhà lãnh đạo khác mà họ nghĩ là dễ thuyết phục để thực hiện chính sách và mục tiêu của họ hơn. Họ tin rằng Tướng Khánh chính là người đó. (2) Do đó, chính phủ Hoa Kỳ, qua Đại Sứ Lodge, đã ủng hộ Tướng Khánh hết sức mạnh mẻ. (3) Và quả thật đúng với sự mong đợi của người Mỹ, Tướng Khánh đã dễ dàng chấp thuận những đề nghị của Hoa Kỳ mà trước kia Trung Tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch HĐQNCM, đã cương quyết bác bỏ. Cụ thể nhứt là việc Tướng Khánh đã chấp nhận, như một thử nghiệm, đưa cố vấn Hoa Kỳ xuống 13 quận trong các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Hơn thế nữa, Tướng Khánh còn yêu cầu Đại Sứ Lodge đề nghị tên một số nhân vật Miền Nam để ông mời làm Thủ Tướng hoặc tham gia nội các. (4) Một ngày trước khi trình diện chính phủ của ông, ngày 7-2-1964, Tướng Khánh đã mời Đại Sứ Lodge đến để thông báo trước cho Chính phủ Hoa Kỳ về thành phần nội các. (5) Quan hệ quá tốt đẹp nầy đã khiến cho Chính phủ Hoa Kỳ tìm mọi cách đánh bóng và nâng cao uy tín cho Tướng Khánh. Trước khi cử Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara sang Việt Nam vào tháng 3-1964, Tổng Thống Johnson đã chỉ thị McNamara phải làm cho mọi người thấy rõ là Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ Tướng Khánh. (6) Sau chuyến viếng thăm VNCH từ ngày 8-3-1964 đến ngày 12-3-1964, McNamara đã nộp báo cáo về chuyến đi cho Tổng Thống Johnson ngày 16-3. Sau khi báo cáo nầy được thảo luận tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Tổng Thống Johnson đã ký ban hành toàn bộ bản báo cáo như là NSAM (National Security Action Memorandum) 288. Trong NSAM nầy có ghi rõ là Hoa Kỳ “hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Khánh và chống lại bất cứ cuộc đảo chánh nào.” (7) Thời gian nầy Hoa Kỳ, nhứt là phe quân nhân mà đại diện là Bộ Tham Mưu Liên Quân (JCS = Joint Chiefs of Staff), đang ráo riết chuẩn bị mở rộng chiến tranh tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu nầy, họ cần có một chính quyền vững và mạnh tại Miền Nam để làm căn cứ xuất phát cho việc đánh phá Miền Bắc. Họ nghĩ là Tướng Khánh là “người hùng” mà họ đang cần. Họ sẽ sớm nhận ra là họ lầm. Chính phủ Nguyễn Khánh không vững mà cũng không mạnh. (8), (9)
1.2. Khó Khăn: Bất Ổn Định Chính Trị
Bề ngoài, Chính phủ Nguyễn Khánh được xem như đã tạo ra được một sự đồng thuận chính trị khá tốt đẹp với sự tham gia rộng rãi của các chính đảng của Miền Nam. Sự thật không phải như vậy. Sự đồng thuận chính trị là một điều hoàn toàn xa lạ trong sinh hoạt chính trị của Miền Nam. Chế độ Ngô Đình Diệm đã có quyết tâm tạo ra điều nầy nhưng đã phạm sai lầm lớn khi chủ trương dùng bạo lực triệt tiêu tất cả các chính đảng để thực hiện mục tiêu nầy. Sự đồng thuận bề ngoài của chế độ nhà Ngô thật ra chỉ là một tấm bình phong che đậy những sôi sục chính trị ở bên trong. Khi tấm bình phong nầy sụp đổ thì sự sôi sục chính trị đó, cộng thêm với tham vọng cá nhân của các lãnh tụ, tuôn trào ra thành một cơn cuồng phong tạo ra những biến động lớn.
Một đặc điểm nữa của sinh hoạt chính trị tại Miền Nam khiến cho sự đồng thuận chính trị không thể thực hiện được là do nơi chính bản chất của các chính đảng. Tất cả các chính đảng lớn tại Miền Nam đều đã được khai sinh trong thời Pháp thuộc cho nên họ bắt buộc phải hoạt động trong bí mật. Thời gian hoạt động công khai tương đối rất ngắn ngủi, không đến một năm, sau khi Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được thành lập sau ngày 2-9-1945. Sau đó họ lại phải rút vào bí mật vì bị đảng Cộng sản tìm mọi cách tiêu diệt. Trong suốt thời Đệ Nhứt Cộng Hòa ở Miền Nam, họ cũng phải rút vào bí mật vì bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp. Do đó họ gần như không có kinh nghiệm gì cả về đấu tranh chính trị công khai ở thế đối lập. Mục tiêu và phương thức hoạt động của họ vẫn như trước đây. Mục tiêu của họ vẫn là đánh đổ chính quyền đương nhiệm, chứ không phải là góp phần xây dựng cho nó thêm vững mạnh. Do đó lúc nào họ cũng sẳn sàng tham gia vào các cuộc đảo chánh. Và dĩ nhiên, phương thức hoạt động của họ vẫn là âm mưu, thủ đoạn trong bóng tối để chiếm đoạt chính quyền bằng vỏ lực.
Một đặc điểm khác nữa của sinh hoạt chính trị tại Miền Nam là xu hướng phân hóa của các chính đảng. Xu hướng nầy, một phần lớn cũng do nơi nguồn gốc khai sinh trong bí mật của các chính đảng, là trở ngại lớn nhứt cho sự đồng thuận chính trị. Sự phân hóa nầy còn được gia tăng thêm bởi địa phương tính. Phần lớn trong các chính đảng, đặc biệt nhứt là đảng Đai Việt, các hệ phái Nam Trung Bắc hoàn toàn độc lập với nhau, không hành động theo một cương lĩnh chung và dưới một sự chỉ huy thống nhứt. Tính cách phân hóa nầy làm cho các chính đãng không có được sức mạnh mà họ cần có. Một hệ quả nữa nghiêm trọng hơn rất nhiều là họ không tin nhau; ngay trong một đảng, chỉ vì khác hệ phái, người ta đã không thể tin nhau thì làm sao có thể tin vào một đảng khác được. Do đó việc tin tưởng nhau để cùng hoạt động cho một lý tưởng, mục tiêu chung là chuyện không bao giờ có giữa các chính đảng tại Miền Nam. Chuyền nầy nếu có xảy ra thì chỉ là tạm thời, giai đoạn và cơ hội mà thôi. Ngoài ra cũng còn phải kể đến cái tự ái, tự tôn quá đáng của các lãnh tụ nữa, khiến cho họ, trong nhiều trường hợp, không còn nhìn thấy quyền lợi chung của đất nước và dân tộc, mà chỉ biết đến quyền lợi của phe phái mình hoặc của cá nhân mình. Người Mỹ rất chán nản về tình trạng tồi tệ nầy. Trong nhiều tài liệu chính thức, giới chức Mỹ đã sử dụng từ “bickering” để mô tả một cách khinh miệt hiện tượng nầy trong chính giới tại Miền Nam.
Thêm vào đó còn có các lực lượng quần chúng và tôn giáo mà cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 đã giải phóng khỏi sự kềm chế của chế độ Ngô Đình Diệm trong gần 10 năm qua. Các lực lượng nầy đòi hỏi chính quyền phải quan tâm đến quan điểm và nguyện vọng của họ. Quan trọng nhứt trong số các lực lượng nầy là Phật Giáo và thanh niên – sinh viên là những lực lượng đã góp phần đáng kể vào việc đánh đổ chế độ nhà Ngô.
Sau cùng phải kể đến yếu tố quân đội. Quân đội, theo truyền thống, chịu sự chỉ huy và là một công cụ của chính trị. Nhưng trong giai đoạn nầy ở Miền Nam, quân đội đã vượt ra khỏi khuôn khổ đó. Quân đội, mà đại diện là các tướng lãnh, đã đứng lên lật đổ chế độ nhà Ngô và không còn chịu ở thế thụ động nữa. Họ đã thấy rõ một điều qua hai cuộc đảo chánh liên tiếp trong vòng 4 tháng: chính quyền là do quân đội tạo ra. Chính Tướng Khánh đã tuyên bố “Quân đội là cha của Quốc Gia.” (10) Kỷ cương căn bản của quốc gia không còn nên kỷ luật trong quân đội cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các tướng lãnh, hoặc ngay cả các sĩ quan cao và trung cấp, khi có binh quyền trong tay, và nếu bất mãn thì rất dễ nghĩ đến mưu toan đảo chánh. Trong thời gian cầm quyền chưa đầy một năm của Tướng Khánh, không kể tin đồn gần như lúc nào cũng có, đã có thêm ít nhứt là hai cuộc đảo chánh nữa.
Tất cả những yếu tố kể trên đã tạo ra một tình trạng bất ổn định chính trị rất trầm trọng đòi hỏi một chính quyền vững mạnh, với một nhà lãnh đạo có tầm vóc, giàu kinh nghiệm chính trị, sáng suốt và cương quyết mới có thể hóa giải được. Tướng Khánh hoàn toàn không phải là một nhà lãnh đạo với những đặc tính như thế. Kết quả là, trong suốt thời gian cầm quyền của ông, Miền Nam đã rơi vào một giai đoạn xáo trộn chưa từng có trong suốt lịch sử của VNCH.
1.3. Yếu Tố Phật Giáo
Do cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963, các nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam nhận thấy rõ nhu cầu thống nhứt tổ chức để có thể bảo vệ Phật pháp một cách hữu hiệu. Lúc đó, về phương diện tổ chức, Phật Giáo bao gồm nhiều bộ phận rời rạc, mang nặng tính địa phương. Quan trọng nhất là Tổng Hội Phật Giáo, thành lập từ năm 1951, quy tụ các thành phần và tổ chức Phật Giáo Đại Thừa (tức là Bắc Tông) từ Bắc vô Nam. Tổng Hội chĩ có trên danh nghĩa, trên thực tế không phải là một tổ chức có cơ cấu chỉ huy thống nhứt. Theo một tài liệu của CIA11, vào năm 1962, Tổng Hội gồm có 3000 tăng, 600 ni, và quy tụ được khoảng 3 triệu tín đồ, trong số nầy có khoảng 70,000 – 80,000 thanh niên Phật Tử, đứng đầu có một vị Tăng Thống là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và 3 vị Phó Tăng Thống là các Thượng Tọa Thích Tâm Châu đứng đầu Giáo Hội Miền Bắc (lúc đó đã di chuyển vào Sài Gòn), Thượng Tọa Thích Thiện Minh phụ trách Giáo Hội Miền Trung, trụ sở tại Huế, và Thượng Tọa Thích Thiện Hoa chịu trách nhiệm Giáo Hội Miền Nam, trụ sở tại Sài Gòn. Bộ phận cư sĩ của Tổng Hội là Hội Phật Học Nam Việt, đóng trụ sở tại Chùa Xá Lợi ở Sài Gòn do ông Mai Thọ Truyền đứng đầu. Tất cả các vị nầy đều đã có đóng góp nhiều công sức trong việc thương thuyết với chính quyền Ngô Đình Diệm trong vụ khủng hoảng Phật Giáo năm 1963. Thượng Tọa Thích Trí Quang thuộc Giáo Hội Miền Trung ở Huế tuy không giữ chức vụ lãnh đạo chính thức nào nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật tử và nhất là giới thanh niên, sinh viên Phật tử. Chính ông là người đã phát động vụ tranh đấu tại Huế mở màn cho cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963.
Trong tài liệu SNIE 53-65, ngày 4-2-1965, (SNIE = Special National Intelligence Estimate), CIA đã nhận định về Thượng Tọa Thích Trí Quang như sau: “Trong số các lãnh tụ nầy, Trí Quang là người có nhiều ảnh hưởng nhất và cũng có nhiều khả năng chính trị nhất. Có vẻ như ông ta đã thắng thế hơn tất cả các đối thủ hiện nay hay những người có tiềm năng trở thành đối thủ trong phong trào Phật Giáo và khó có thể bị lật đổ từ bên trong phong trào. … Trí Quang rất tự phụ và có tinh thần dân tộc cao độ, vì thế có lẻ ông ta không thích sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam. Mặc dù ông ta nhận rằng sự hổ trợ của Hoa Kỳ là cần thiết hiện nay, nhưng ông ta không tin rằng Hoa Kỳ có khả năng hiểu được tình hình chính trị tại Việt Nam, và, về lâu về dài, ông ta mong muốn Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam.” (12)
Về phía Phật Giáo Tiểu Thừa (tức Nam Tông) thì có Giáo Hội Phật Giáo Nguyên Thủy (hay cũng gọi là Giáo Hội Theravada), trụ sở tại chùa Kỳ Viên ở Sài Gòn, quy tụ khoảng 400.000 tín đồ. Lãnh tụ chính của Phật Giáo Nguyên Thủy là Đại Đức Thích Hộ Giác. Ngoài ra còn có một số giáo hội nhỏ khác như Cổ Sơn Môn ở Miền Tây, và phái Du Tăng Khất Sĩ.
Sau khi cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 thành công, các tăng lử và cư sỉ Phật Giáo đã kết hợp để tiến tới việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN). Một Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo, hợp nhất Nam Bắc Tông được tổ chức tại Chùa Xá Lợi vào ngày 31-12-1963 và Hiến Chương thành lập GHPGVNTN được ký kết ngày 4-1-1964 và được chính phủ VNCH công nhận bằng Sắc Luật 14/5 ký ngày 14-3-1964. Theo Hiến Chương nầy, tại trung ương, GHPGVNTN gồm có 2 Viện là Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo. Viện Hóa Đạo là bộ phận quan trọng nhất, có nhiệm vụ lãnh đạo và điều hành hết thảy các ngành hoạt động của GHPGVNTN. Hoà Thương Thích Tịnh Khiết được suy cử vào chức vụ Tăng Thống. Ngày 12-1-1964 GHPGVNTN bầu Thượng Tọa Thích Tâm Châu vào chức vụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Thương Tọa Thích Trí Quang được bầu vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Tăng Thống.
Qua kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963, GHPGVNTN nhứt quyết không để cho tình trạng bị kỳ thị và chèn ép bởi chính quyền xảy ra nữa. Để đạt mục tiêu nầy, Phật Giáo cần có tiếng nói và ảnh hưởng trong chính trường của VNCH. Từ nhận định nầy, GHPGVNTN, xuyên qua Viện Hóa Đạo, đã càng ngày càng tham dự tích cực vào các biến cố chính trị tại VNCH. Sau cùng, Phật Giáo tiến đến chổ muốn có tiếng nói về thành phần nhân sự cũng như đường lối chính trị của chính phủ. Phương thức đấu tranh của Phật Giáo là xách động Phật tử, thanh niên và sinh viên xuống đường, biểu tình để làm áp lực với chính quyền. Ngoài cách xuống đường, biểu tình Phật Giáo còn sử dụng thêm hai phương cách nữa để làm áp lực, đó là: tuyệt thực và tự thiêu. Sau hết, khi lâm vào tình thế tuyệt vọng, như trong vụ biến động ở Miền Trung vào tháng 6-1966, Phật Giáo đã sử dụng đến biện pháp cực đoan là mang bàn thờ Phật ra đường để cản trở các cuộc tiến quân của Thủy Quân Lục Chiến ở Đà Nẳng và Huế.
Đối với Chính phủ Nguyễn Khánh, ngay từ đầu, Phật Giáo đã có sự nghi ngờ rất lớn vì cuộc “chỉnh lý” ngày 30-1-1964 đã loại bỏ và bắt giam những tướng lãnh đã từng ủng hộ Phật Giáo trong vụ đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Dình Diệm. Ngoài ra, cái chết mờ ám của Thiếu Tá Nhung, người đã giết hai anh em Tổng Thống Diệm, đã xảy ra ngay sau vụ “chỉnh lý”, cũng như việc Tướng Khánh sử dụng lại một số tỉnh trưởng thân nhà Ngô làm cho Phật Giáo lo ngại sự tái sinh của đảng Cần Lao. Họ làm áp lực ngay với Tướng Khánh bằng cách tố cáo ông có ý định quay trở lại chính sách đàn áp Phật Giáo của chế độ nhà Ngô. Điều nầy khiến cho Tướng Khánh phải ngưng không bổ nhiệm các viên chức thân Diệm nữa, đồng thời thay thế một số những người ông đã bổ nhiệm, bắt giam thêm một số bộ trưởng của chế độ cũ, và đóng cửa một số nhật báo thân nhà Ngô. (13), (14) Hành động nầy cũa Tướng Khánh giúp cho Phật Giáo thấy rõ nhược điểm của ông là thiếu cứng rắn và dễ nhương bộ và họ tiếp tục áp lực thêm buộc chế độ mới phải đem ra xử Ngô Đình Cẩn và các viên chức chế độ cũ đã ít nhiều có dính líu đến cuộc khủng hoảng Phật Giáo năm 1963. Tướng Khánh lại phải nhượng bộ, thiết lập Tòa Án Cách Mạng bằng Sắc Luật số 4/64 ngày 28-2-1964. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1964, Tòa Án Cách Mạng đã liên tiếp xét xử Phan Quang Đông, Ngô Đình Cẩn, Đặng Sỹ, Nguyễn Văn Y và Dương Văn Hiếu với những bản án thật nặng. Hai ông Đông và Cẩn bị tuyên án tử hình, các người kia đều bị chung thân khổ sai. Riêng ông Cẩn, mặc dù được Toà Đại Sứ Hoa Kỳ can thiệp, vẫn bị hành hình (xử bắn) tại khám Chí Hòa vào ngày 9-5-1964. (15) Đến đây thì Phật Giáo đã thấy quá rõ là Tướng Khánh sẽ không bao giờ dám chống lại bất cứ áp lực nào của họ. Họ lại đòi chính phủ phải cho Phật Giáo được có Tuyên Úy trong quân đội và Tướng Khánh lại nhượng bộ thêm một lần nữa và cho thành lập Nha Tuyên Úy Phật Giáo trong quân đội bằng Sắc Luật số 224/QP ngày 1-7-1964. (16)
Trước những nhượng bộ nầy của chính phủ Nguyễn Khánh đối với Phật Giáo, nhất là sau các bản án nặng nề vừa nói trên, phe Công Giáo và những phần tử cựu Cần Lao cảm thấy bị đe doạ. Họ bắt đầu phản ứng lại. “Một số họ đạo tại Huế đã có những cuộc biểu tình “đả đảo cách mạng.”
Ngày 7 tháng 6 năm 1964, 29 họ đạo Hố Nai và vùng phụ cận Sàigòn cùng hàng vạn giáo dân đô thành đã biểu tình tại công trường Lam Sơn với các biểu ngữ như “Lật mặt nạ bọn lợi dụng cách mạng để đàn áp Công giáo”, “Mị dân là phản bội dân chủ”, “Ủng hộ cuộc đấu tranh của Công giáo miền Trung.” Và ngày 15-6-64, tại Huế, hàng ngàn giáo dân xuống đường biểu tình với cùng một lập luận như cuộc biểu tình của giáo dân tại Sàigòn.” (17) Nhiều phần tử Cần Lao ở Miền Trung cũ thừa dịp nầy đã tổ chức nhiều vụ “đàn áp tín đồ Phật Giáo ở các địa phương (bắt bớ ở Đồng Xuyên, đốt nhà ở Tuy Phước, sát hại Phật tử ở An Thành
)” (18)
Trong thời gian nầy, một nhóm trí thức ở Huế, do bác sĩ Lê Khắc Quyến lãnh đạo, và có liên hệ rất mật thiết với Phật Giáo nói chung, và với Thượng Tọa Thích Trí Quang nói riêng, cho xuất bản tờ báo Lập Trường, đã kích chính phủ Nguyễn Khánh năng nề. Để đối phó với tình hình phe Công Giáo và Cần Lao bạo động như vừa kể trên, phe chủ trương Lập Trường cho thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc tại Huế, và từ đó lan rộng ra bằng các Ủy Ban Nhân Dân Cứu Quốc gần khắp các tỉnh của Miền Trung, với mục tiêu lùng bắt các phần tử Cần Lao cũ. Đến đây thì sự đối đầu công khai giữa Phật Giáo và Công Giáo không còn gì ngăn cản được nữa. Trong suốt mùa Hè năm 1964, tại Sài Gòn cũng như tại các địa phương ở Miền Trung đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ xô xát, có khi đổ máu, giữa hai nhóm tôn giáo nầy.
1.4 Yếu tố Thanh Niên / Sinh Viên / Hoc Sinh
Bên cạnh khó khăn lớn do yếu tố tôn giáo gây ra, Chính phủ Nguyễn Khánh còn phải đương đầu với thành phần thanh niên/sinh viên/học sinh (sau đây sẽ gọi tắt là sinh viên cho ngắn gọn). Lúc đầu thành phần nầy chủ yếu là đấu tranh, đòi hỏi những quyền lợi liên hệ đến vấn đề giáo dục mà thôi. Nhưng dần dà, dưới ảnh hưởng của các lãnh tụ Phật Giáo, họ bắt đầu quan tâm đến vấn đề chính trị. Ngày 20-7-1964, chính quyền cho tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại Công trường Lam Sơn, lên án Công sản và Thực dân đã chia đôi đất nước. Sau cuộc biểu tình, sinh viên dùng sơn bôi bẩn các pho tượng đồng tại đài tướng sĩ trận vong của Pháp trên đường Duy Tân. Đêm đó, sinh viên tổ chức “Đêm Không Ngủ” tại khuôn viên trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sáng hôm sau, hơn 100 sinh viên đến biểu tình trước Toà Đại Sứ Pháp, đốt xe, đập phá, gây một số thiệt hại. Ngày hôm sau nữa, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn họp báo, đề nghị đoạn giao với Pháp và quốc hữu hóa tài sản của kiều dân Pháp tại Việt Nam. Năm ngày sau, 26-7-1964, sinh viên giật đổ các tượng tại đài tướng sĩ trận vong của Pháp trên đường Duy Tân. (19) Chính phủ Nguyễn Khánh phải cam kết sẽ bồi thường cho Pháp nhưng hoàn toàn không có một biện pháp cảnh cáo hay trừng phạt gì đối với tất cả các hành động và bạo động nầy của sinh viên. Không những thế, Chính phủ Nguyễn Khánh còn lợi dụng khí thế chống Cộng sôi nổi của sinh viên sau ngày Quốc Hận 20-7-1964 để hô hào “Bắc Tiến” (20)
Qua tháng 8, khi chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ bị tấn công trong Vịnh Bắc Việt, Tổng Thống Johnson đã ra lệnh oanh tạc Miền Bắc để trả đủa và Quốc Hội Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép Tổng Thống được sử dụng mọi biện pháp, kể cả sử dụng võ lực, để đối phó với mọi tình huống tại Đông Nam Á. Để đáp ứng cho nhu cầu của Hoa Kỳ về một hậu cứ vững chắc cho việc mở rộng chiến tranh nầy, Tướng Khánh nghĩ rằng đã đến lúc có thể nắm quyền hành tuyệt đối. Để chuẩn bị cho việc nầy, ngày 7-8-1964, ông ban bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc và tái lập kiểm duyệt báo chí. Một tuần lể sau, ngày 16-8-1964, HĐQĐCM (Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng; sau cuộc “chỉnh lý”, Tướng Khánh đã đổi tên cơ cấu nầy từ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng sang Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng) họp tại Vũng Tàu, ban hành một Hiến Chương mới và bầu Tướng Khánh vào chức vụ Chủ Tịch Việt Nam Cộng Hòa. Theo Hiến Chương mới nầy, Chủ Tịch đãm nhận vai trò Quốc Trưởng với rất nhiều quyền hành đặc biệt; HĐQĐCM sẽ chỉ định một Quốc Hội Lâm Thời với 100 Hội viên dân sự và 50 Hội viên quân nhân; HĐQĐCM vẫn là cơ quan quyền lực tối cao. (21)
Sinh viên lập tức có phản ứng. Ngày 19-8-1964, sinh viên nhóm họp tại trụ sở của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn ở đường Duy Tân để thảo luận về Hiến Chương Vũng Tàu. Ngày 22-8-1964, họ kéo đến Phủ Thủ Tướng trên đại lộ Thống Nhứt, gần Thảo Cầm Viên, đưa kiến nghị phản đối Hiến Chương nầy. Ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Nghiêm Xuân Hồng ra tiếp sinh viên. Sinh viên vẫn không chịu giải tán, đến trưa Chủ Tịch Nguyễn Khánh phải ra tiếp sinh viên. Đại diện sinh viên phát biểu ý kiến, cho biết họ không chấp nhận Hiến Chương mới, đồng thời nêu ra ba yêu cầu là thành lập một chính phủ mới trong sạch, trẻ trung, các tướng lãnh trở về nhiệm vụ trong quân đội, và diệt trừ các dư đảng Cần Lao. Ngày 25-8-1964, sau cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành kỹ niệm đệ nhứt chu niên ngày tử nạn của nữ sinh Quách Thị Trang, sinh viên kéo đến phủ Chủ Tịch (phủ Thủ Tướng cũ) để đã đảo Hiến Chương Vũng Tàu, đã đảo độc tài. Số người tụ tập mổi lúc một tăng thêm. Sau cùng Chủ Tịch Nguyễn Khánh phải ra tiếp sinh viên và hứa sẽ xét lại vấn đề Hiến Chương. Ngày hôm sau, HĐQĐCM họp khẩn cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu và ra thông báo thu hồi Hiến Chương Vũng Tàu. Thông báo cũng cho biết Hội Đồng sẽ nhóm họp tiếp để bầu Nguyên Thủ Quốc Gia và sẽ ủy nhiệm cho vị Nguyên Thủ thực hiện các cơ chế dân chủ cho đất nước. Ngày 27-8-1964, HĐQĐCM ra quyết định thành lập Ban Lãnh Đạo Lâm Thời Quốc Gia và Quân Lực (BLĐLTQGQL) gồm các tướng Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh. Trong khi các tướng lãnh còn đang họp, một đoàn giáo dân Công Giáo độ 2000 người võ trang gậy, dao, búa kéo đến trước cổng bộ Tổng Tham Mưu, đòi vào gặp HĐQĐCM; Quân Cảnh gát cổng không cho vào, nhưng họ cứ xông bừa vào, xô xát, chém binh sĩ bị thương, nên binh sĩ phải nổ súng làm 4 người chết và 11 người bị thương. Cũng trong thời gian nầy, một đoàn giáo dân Công Giáo khác lại kéo đến đài phát thanh biểu tình; khi đi ngang trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, họ lại gây hấn với học sinh trường nầy; học sinh trường Kỹ Thuật Cao Thắng nghe tin trường bạn bị tấn công liền kéo đến; hai bên đánh nhau dữ dội; kết quả có hai học sinh bị đâm chết. Linh mục Hồ Văn Vui và Thượng Tọa Thích Tuệ Đăng phải đến hòa giải, mãi đến 7 giờ tối mọi người mới chịu giải tán. Buổi tối hôm đó, các khu Công Giáo, cũng như chung quanh Viện Hóa Đạo, đều có những toán thanh niên thay phiên nhau canh gát chặt chẻ. Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn và Viện Hóa Đạo ra thông cáo chung kêu gọi giáo dân hai bên bình tĩnh, tránh bạo động. Ngày hôm sau, 28-8-1964, học sinh hai phe lại đánh nhau ở trường Nguyễn Bá Tòng, đập phá tòa soạn báo Xây Dựng, kéo dài đến tối; quân đội được phái đến giữ trật tự, sau cùng phải nổ súng mới giải tán được; kết quả có 2 người chết và 48 người bị thương. Bộ Giáo Dục ra lệnh đóng cửa các trường học trong vùng Sài Gòn – Gia Định. Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh được cử xử lý thường vụ, quyền Thủ Tướng, và ông ban bố tình trạng giới nghiêm trong vùng Sài Gòn – Gia Định. (22)
1.5 Yếu Tố Quân Đội
Ngày 7-9-1964, Trung Tướng Dương Văn Minh được bầu làm Chủ Tịch BLĐLTQGQL. Ngày hôm sau, 8-9-1964, Tướng Minh ký Quyết Định số 7/BLĐQGQL thành lập Thượng Hội Đồng Quốc Gia với những nhiệm vụ như sau: triệu tập Quốc dân Đại hội, soan thảo Hiến Chương, thực hiện các cơ cấu quốc gia, và cố vấn cho Chính phủ và BLĐLTQGQL. Cũng trong ngày nầy, Tướng Khánh thu hồi sự ủy quyền cho Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh và trở lại nắm giữ chức vụ Thủ Tướng.
Trong suốt mùa hè, trước những nhượng bộ quá đáng của Tướng Khánh đối với Phật Giáo và sinh viên, nhứt là việc hủy bỏ quá dễ dàng Hiến Chương Vũng Tàu làm cho toàn thể quân đội bị mất mặt, một số tướng lãnh bắt đầu chống đối Tướng Khánh. Đầu tiên là vào ngày 9-9-1964, bốn tướng lãnh từ chức và rút ra khỏi chính phủ: Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, các Thiếu Tướng Lâm Văn Phát và Nguyễn Văn Thiệu, và Đại Tá Trần Ngọc Huyến. Ngày 13-9-1964, hai tướng Dương Văn Đức (đương kim Tư Lệnh Quân Đoàn 4) và Lâm Văn Phát tổ chức đảo chánh, đả kích Thủ Tướng Nguyễn Khánh. Nhờ các tướng trẻ liên kết với nhau chống lại cuộc đảo chánh nầy, Tướng Khánh tiếp tục giữ được chính quyền. Hai tướng Đức và Phát thất bại và sau đó bị bắt, cách chức và truy tố. Tuy nhiên, qua vụ nầy uy tín của Tướng Khánh đối với các tướng trẻ càng sa sút thêm. Sau khi Chính phủ Trần Văn Hương được thành lập vào ngày 4-11-1964, tuy Tướng Khánh vẫn tiếp tục giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh nhưng quyền bính thật sự đã nằm trong tay các tướng trẻ. Vụ đảo chánh của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo vào ngày 19-2-1965, mà một trong những mục tiêu là chống Tướng Khánh, đã tạo cơ hội cho các tướng trẻ loại bỏ vĩnh viễn Tướng Nguyễn Khánh ra khỏi chính trường VNCH và buộc ông phải ra khỏi nước luôn.
2. Chính phủ Trần Văn Hương
2.1 Sơ Lược Tiểu Sử Ông Trần Văn Hương
Ông Trần Văn Hương (1903-1982) xuất thân là một giáo sư Việt văn của trường Trung học Le Myre de Villers ở Mỹ Tho trong thời Pháp thuộc. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp vào năm 1945 với chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Hành Kháng tỉnh Tây Ninh. Ông đã giữ chức vụ Đô Trưởng Saigon hai lần, vào năm 1954 và năm 1964. Ông nổi tiếng là một chính khách trong sạch. Ông đã từ chức Đô Trưởng Saigon lần đầu vào ngày 7-4-1955 để phản đối chính sách đàn áp các giáo phái của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 26-4-1960, ông cùng một số nhân sĩ — về sau báo chí gọi là Nhóm Caravelle vì họ họp tại Khách sạn Caravelle — gửi tuyên ngôn cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm với những yêu cầu cải tổ về chính trị của VNCH. Do việc nầy ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm truy tố và tống giam sau vụ đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960 của các sỉ quan Nhảy Dù. Ông được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm làm Thủ Tướng ngày 31-10-1964. (23)
2.2 Việc Ra Đời Của Chính Phủ Trần Văn Hương
THĐQG, thành lập ngày 8-9-1964, “gồm 16 nhân sĩ tên tuổi là các ông : Phan Khắc Sửu, Lê Văn Thu, Nguyễn Văn Huyền, Trần Đình Nam, Trần Văn Văn, Trần Văn Quế, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Xuân Chữ, Hồ Văn Nhựt, Mai Thọ Truyền, Ngô Gia Hy, Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lương Trọng Tường, Nguyển Đình Luyện, và Hồ Đắc Thắng.” (24) Ngày 27-9-1964, THĐQG bầu ông Phan Khắc Sửu làm Chủ Tịch Hội Đồng. Sau gần một tháng làm việc tích cực, ngày 20-10-1964, THĐQG hoàn thành và ban bố Hiến Chương Lâm Thời theo đó một Quốc Trưởng sẽ được tuyển nhiệm và Quốc Trưởng sẽ bổ nhiệm Thủ Tướng để thành lập chính phủ. Ngày 24-10-1964, THĐQG tuyển nhiệm vị Chủ Tịch của Hội Đồng là ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng VNCH. Ngày hôm sau, 25-10-1964, THĐQG bầu Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ làm Quyền Chủ Tịch Hội Đồng. Hôm sau, 26-10-1974, BLĐQGQL chính thức chuyển giao quyền hành cho Tân Quốc Trưởng, và Chính phủ Nguyễn Khánh đệ đơn từ chức. Ngày 31-10-1964, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm Giáo sư Trần Văn Hương vào chức vụ Thủ Tướng. (25)
Chính phủ Trần Văn Hương được thành lập vào ngày 4-11-1964 với thành phần như sau: (26)
- Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quân Lực: Trần Văn Hương
- Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Nội Vụ: Nguyễn Lưu Viên
- Đệ Nhị Phó Thủ Tướng kiêm Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia: Nguyễn Xuân Oánh
- Tổng Trưởng Ngoại Giao : Phạm Đăng Lâm
- Tổng Trưởng Tư Pháp: Lữ Văn Vi
- Tổng Trưởng Thông Tin: Lê Văn Tuấn
- Tổng Trưởng Kinh Tế: Nguyễn Duy Xuân
- Tổng Trưởng Tài Chánh: Lưu Văn Tính
- Tổng Trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Ngô Ngọc Đối
- Tổng Trưởng Công Chánh: Lê Sĩ Ngạc
- Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Phan Tấn Chức
- Tổng Trưởng Y Tế: Trần Quang Diệu
- Tổng Trưởng Xã Hội: Đàm Sĩ Hiến
- Tổng Trưởng Lao Động: Nguyễn Hữu Hùng
- Tổng Trưởng Phủ Thủ Tướng: Phạm Văn Toàn
Phần lớn các vị Tổng Trưởng đều là những chuyên viên không thuộc các chính đảng và không có kinh nghiệm về chính quyền; nhiều vị người ta chưa hề nghe qua tên bao giờ. Lý do là vì Thủ Tướng Hương đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc mời các nhân sĩ và chính khách tham gia chính phủ của ông. Đa số không chịu tham gia chính phủ vì họ không tin rằng chính phủ nầy có thể tồn tại lâu dài trước những khó khăn quá nhiều trước mắt. Vào giờ chót có hai vị đã nhận lời giữ hai bộ quan trọng nhưng dưới áp lực của Phật Giáo đã rút ra khỏi danh sách chính phủ. Tòa Đại sứ Hoa Kỳ có được tin cho hay Phật Giáo không hài lòng với Chính phủ Trần Văn Hương và có thể sẽ tìm cách phá hoại chính phủ. (27)
2.3 Khó Khăn Của Chính Phủ Trần Văn Hương
Ra đời trong một hoàn cảnh chính trị đầy khó khăn như thế, Chính phủ Trần Văn Hương lại phải đương đầu ngay với cuộc khủng hoảng trong nội bộ THĐQG. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ từ chức Quyền Chủ Tịch THĐQG để phản đối việc thành lập Chính phủ Trần Văn Hương, mà theo ông thành phần không phản ảnh được nguyện vọng của các chính đảng (28). THĐQG gửi văn thư cho Thủ Tướng Trần Văn Hương yêu cầu trả lời một số thắc mắc. Hai sự kiện nầy là ngòi nổ làm cho phong trào chống đối Chính phủ Trần Văn Hương bùng lên. Sinh viên Sài Gòn nhóm họp, thảo luận, và đi đến kết quả là yêu cầu chính phủ phải thay đổi thành phần nhân sự. Chính phủ phản ứng lại bằng cách cho Bộ Thông Tin ra thông cáo: Chính phủ không từ chức, không cải tổ. Sinh viên lại hội thảo sôi nổi, kết án chính phủ gồm toàn chuyên viên già nua và bị nhóm Tinh Thần (Công Giáo) giật dây. Ngày 13-11-1964, Thủ Tướng Trần Văn Hương trả lời các thắc mắc của THĐQG và tuyên bố: “Phải tái lập uy quyền quốc gia, tách rời chính trị khỏi tôn giáo, đưa tôn giáo ra khỏi chính trị.” (29)
Lập trường trên đây của Thủ Tướng Hương hoàn toàn đúng về lý thuyết nhưng là một sai lầm lớn về chính trị, trong bối cảnh chính trị của VNCH tại thời điểm nầy. Phật Giáo, như đã trình bày ở trên, đã trở thành một lực lượng chính trị quan trọng, có hậu thuẩn lớn trong quần chúng (xuyên qua sinh viên, học sinh là thành phần hăng hái nhất, lý tưởng nhất, và cũng dễ bị khích động nhất), mà chính quyền không thể coi thường và làm lơ được, chớ đừng nói đến việc muốn loại họ ra khỏi sân khấu chính trị của VNCH như tuyên bố của Thủ Tướng Hương.
Chính vì thế, lời tuyên bố nầy của Thủ Tướng Hương lập tức mang lại hai hậu quả rất nghiêm trọng: 1) Phật Giáo chính thức ra mặt chống lại Chính phủ của ông; và 2) THĐQG, dưới áp lực của sinh viên và Phật Giáo, quyết định thành lập một Ủy Ban để điều tra về thành phần của Chính phủ.
Sinh viên yết kiến Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, yêu cầu giải tán Chính phủ Trần Văn Hương. Một số chính khách họp với sinh viên tại hồ tắm Chi Lăng và đã kích Chính phủ. Ngày 22-11-1964, biểu tình lớn ở nhiều nơi tại Sài Gòn với nhiều biểu ngữ đã kích đích danh Thủ Tướng Hương và Chính phủ của ông; cảnh sát phải giải tán bằng lựu đạn cay, với một số người bị bắt và bị thương. Ngày 24-11-1964, Thương Tọa Thích Tâm Châu gửi văn thư cho Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu yêu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng một cách dứt khoát (nghĩa là giải tán Chính phủ Trần Văn Hương), chấm dứt đàn áp biểu tình và bắt giam.
Thủ Tướng Hương vẫn cương quyết giữ vững lập trường của mình, tuyên bố “không lùi bước, phải dùng mọi cách tái lập trật tự.” (30) Đồng thời ông cũng phản đối việc THĐQG thành lập Ủy Ban để xét lại thành phần của Chính phủ của ông. Những hành động nầy bộc lộ rõ cá tính của Thủ Tướng Hương: ông là một chính trị gia có khí phách, không đầu hàng trước áp lực chính trị, nhưng cũng cho thấy ông thiếu khả năng thỏa hiệp, một điều rất cần trong chính trị. Do đó phong trào chống đối chính phủ do Phật Giáo lãnh đạo càng ngày càng lan rộng và gây thêm khó khăn cho Thủ Tướng Hương. Ngày 13-12-1964 có tin Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết cùng hai Thượng Tọa Thích Tâm Châu và Thích Trí Quang quyết định tuyệt thực 48 giờ. Ngày 15-12-1964, Luật sư Phan Tấn Chức từ chức Tổng Trưởng Giáo Dục và Giáo sư Nguyễn Văn Trường được cử thay thế. Sự đối đầu giữa chính quyền và phong trào chống đối chính quyền hoàn toàn bế tắc vì không bên nào chịu nhượng bộ.
2.4 Chính Phủ Trần Văn Hương Bị Giải Nhiệm
Ngày 17-12-1964, nhóm tướng trẻ yết kiến Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu về vấn đề cho một số tướng già về hưu. Vấn đề nầy cũng được trình lên cho THĐQG nhưng THĐQG không chấp thuận. Ngày hôm sau, Tướng Khánh cho thành lập Hội Đồng Quân Lực (HĐQL) gồm phần lớn các tướng trẻ để làm hậu thuẩn về chính trị cho ông. Ngày 20-12-1964, HĐQL ra thông cáo giải tán THĐQG, bắt một số hội viên đưa đi quản thúc tại Pleiku. HĐQL cũng ra thông cáo tiếp tục tín nhiệm Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Chính phủ Trần Văn Hương. Đại sứ Hoa Kỳ, Tướng Maxwell Taylor, rất bực mình với việc giải tán THĐQG vì ông xem chính phủ dân sự như là một bước tiến quan trọng trong việc tiến đến ổn định về chính trị cho VNCH. Ông mời các tướng trẻ đến gặp và cho biết sự bất bình của ông về hành động của các tướng trẻ. Trong lúc trình bày ý kiến của mình ông đã có những câu nói xúc phạm đến tự ái của các tướng lãnh. Tướng Khánh lợi dụng ngay sự xích mích nầy giữa Đại sứ Taylor và các tướng trẻ. Ông họp báo tố cáo Đại sứ Taylor đã xâm phạm vào vấn đề chủ quyền của VNCH và đòi hỏi Hoa Kỳ phải triệu hồi Đại sứ Taylor về nước. HĐQL gửi văn thư cho Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Trần Văn Hương chính thức yêu cầu có hành động để bảo vệ chủ quyền cho VNCH. (31) Đối phó với tình huống vô cùng tế nhị nầy, Thủ Tướng Hương đã tỏ ra rất bình tỉnh và mềm dẽo, và sau cùng ông đã giải quyết mọi việc một cách êm thắm.
Qua vụ THĐQG, Thủ Tướng Trần Văn Hương đã nhận ra tầm quan trọng của các tướng trẻ trong HĐQL, ông quyết định cải tổ chính phủ với sự tham gia của 4 tướng lãnh. Ngày 18-1-1965, Chính phủ Trần Văn Hương công bố thành phần mới như sau: (32)
- Thủ Tướng: Trần Văn Hương
- Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ: Nguyễn Lưu Viên
- Đệ Nhị Phó Thủ Tướng: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu
- Đệ Tam Phó Thủ Tướng: Nguyễn Xuân Oánh
- Tổng Trưởng Quân Lực: Trung Tướng Trần Văn Minh
- Tổng Trưởng Ngoại Giao: Phạm Đăng Lâm
- Tổng Trưởng Tư Pháp: Lữ Văn Vi
- Tổng Trưởng Tâm Lý Chiến: Thiếu Tướng Linh Quang Viên
- Tổng Trưởng Kinh Tế: Nguyễn Duy Xuân
- Tổng Trưởng Tài Chánh: Huỳnh Văn Đạo
- Tổng Trưởng Cải Tiến Nông Thôn: Ngô Ngọc Đối
- Tổng Trưởng Công Chánh Giao Thông: Lê Sĩ Ngạc
- Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục: Nguyễn Văn Trường
- Tổng Trưởng Y Tế: Trần Quang Diệu
- Tổng Trưởng Xã Hội: Đàm Sĩ Hiến
- Tổng Trưởng Lao Động: Nguyễn Hữu Hùng
- Tổng Trưởng Thanh Niên Thể Thao: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ
- Tổng Trưởng Phủ Thủ Tướng: Phạm Văn Toàn
Lể trình diện tân chính phủ với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, định vào ngày 19-1-1965, phải hủy bỏ vì 4 tướng lãnh không đến. Mãi đến ngày 21-1-1965, tân chính phủ Trần Văn Hương mới trình diện được với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu tại Dinh Gia Long.
Phe Phật Giáo vẫn tiếp tục chống đối. Thượng Tọa Thích Trí Quang đưa ra cả một kế hoạch để lật đổ Chính phủ Trần Văn Hương. (33) Một cuộc biểu tình chống chính phủ được tổ chức trước Viện Hóa Đạo; cảnh sát được phái đến giải tán, hai bên xô xát mạnh, 6 cảnh sát viên và 10 thường dân bị thương, 30 người bị bắt giam. Các Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang, Thích Pháp Tri, Thích Thiện Hoa và Thích Hộ Giác bắt đầu tuyệt thực. Tiếp theo đó là nhiều vụ biểu tình, tuyệt thực khác diển ra khắp nơi; đặc biệt tại Nha Trang, ngày 23-1-1965, 300 tăng ni cùng tuyệt thực tập thể.
Ngày 24-1-1965, HĐQL nhóm họp mà không mời Tướng Khánh; họ có hai buổi thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị đang diển ra và quyết định tiếp tục ủng hộ Chính phủ Trần Văn Hương. (34) Trong khi đó Tướng Khánh lại có suy nghĩ khác. Một mặt ông thấy không thể dựa vào Toà Đại sứ Mỹ được nữa sau vụ xích mích trầm trọng với Đại sứ Taylor. Mặt khác ông cũng nhận ra sự lớn mạnh và càng ngày càng độc lập của nhóm tướng trẻ trong HĐQL. Ông không thể nắm được họ nữa. Vì vậy, đối với ông, để tiếp tục duy trì quyền lực, ông không còn cách nào khác hơn là phải dựa vào Phật Giáo. Ông cho người liên lạc với Thương Tọa Thích Trí Quang và tiến hành kế hoạch lật đổ Chính phủ Trần Văn Hương. (35) Ngày 24-1-1965, ông triệu tập HĐQL. Sau 3 ngày thảo luận, HĐQL ra tuyên cáo “ủy nhiệm tướng Nguyễn Khánh giải quyết cuộc khủng hoảng chánh trị hiện tại; triệu tập ngay một Hội Đồng Quân Dân gồm 20 đại diện các tôn giáo, nhân sĩ, quân lực; chánh quyền tương lai phải triệu tập Quốc dân Đại hội. … Quốc-trưởng Phan Khắc Sửu được lưu nhiệm, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Oánh được cử làm quyền Thủ Tướng.” (36) Thủ Tướng Trần Văn Hương được đưa đi quản thúc tại một nơi không ai biết. Chính phủ Trần Văn Hương không còn nữa. Viện Hóa Đạo ra thông cáo yêu cầu Phật tử chấm dứt tất cả mọi hoạt động chống chính phủ, và tất cả các lãnh tụ Phật Giáo chấm dứt tuyệt thực.
Chính phủ Trần Văn Hương chỉ sống được chưa đầy 3 tháng (4-11-1964 cho đến 27-1-1965) trong giai đoạn rối loạn nhứt của chính trường VNCH. Mặc dù có uy tín cá nhân rất lớn trong quần chúng, Thủ Tướng Hương không thuộc một chính đảng nào và do đó không có hậu thuẩn chính trị của đảng phái. Ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập chính phủ. Ông lại thiếu khả năng thỏa hiệp về chính trị, và nhứt là không chịu nhượng bộ trước áp lực. Chính phủ của ông là nạn nhân của những mưu đồ cá nhân của Tướng Nguyễn Khánh trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai phe Phật Giáo và Quân Đội. Tướng Khánh, với hậu thuẩn của HĐQL gồm đa số các tướng trẻ do chính ông tạo ra, cũng như với thỏa hiệp của phe Phật Giáo, đã thắng trong việc lật đổ chính phủ Trần Văn Hương. Nhưng đây chỉ là một chiến thắng giai đoạn. Chưa đầy một tháng sau, ngày 20-2-1965, một ngày sau vụ đảo chánh bất thành của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, HĐQL loại Tướng Khánh ra khỏi chức vụ Tổng Tư Lệnh. Ngày 25-2-1965 ông bị buộc phải rời khỏi Việt Nam. Lời tiên đoán (hay hăm dọa) của Đại sứ Hoa Kỳ Maxwell Taylor đối với Tướng Nguyễn Khánh vào ngày 21-12-1964 (xem ghi chú số 31) đã trở thành sự thật.
3. Chính Phủ Phan Huy Quát
3.1 Sơ Lược Tiểu Sử Bác Sĩ Phan Huy Quát
Bác sĩ Phan Huy Quát sinh ngày 1-7-1909 tại Hữu Phương, Hà Tỉnh, trong một gia đình khoa bảng. Ông học tiểu học tại trường Pellerin ở Huế và trung học tại trường Lycée du Protectorat ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Hà Nội năm 1937 và hành nghề y khoa tại đó cho đến năm 1945. Ông là một trong những lãnh tụ của Đại Việt Quốc Dân Đảng đã từng tham chính rất nhiều lần trong thập niên 50: Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục trong Chính phủ Bảo Đại (từ 01-07-1949 đến 22-01-1950), Tổng Trưởng Quốc Phòng trong Chính phủ Nguyễn Phan Long (từ 22-01-1950 đến 06-05-1950), Tổng Trưởng Đặc Trách Dân Chủ Hóa trong Chính phủ Bửu Lộc (từ 11-01-1954 đến 07-07-1954). Ông là một chính khách đối lập dưới chế độ Ngô Đình Diệm và cũng là một thành viên của Nhóm Caravelle. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và hoạt động của Hội Đồng Nhân Sĩ. Sau khi Tướng Khánh thành công trong vụ “chỉnh lý” và thành lập chính phủ mới, ông nhận lời mời và tham gia nội các với chức vụ Tổng Trưởng Ngoại Giao (từ ngày 8-2-1964 đến ngày 4-11-1964). Bác sĩ Quát trở thành Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa trong một thời gian ngắn vào năm 1965 (từ ngày 16-2 đến ngày 12-6). Sau ngày 30-4-1975, ông bị chính quyền mới bắt giam (sau khi ông bị gài bẩy trong một vụ vượt biên) và mất trong tù.
3.2 Việc Ra Đời Của Chính Phủ Phan Huy Quát
Sau khi chính phủ Trần Văn Hương bị giãi nhiệm vào ngày 27-01-1965, nhiều cuộc vận động chính trị đã diển ra. Sau đó Phó Thủ Tướng Nguyễn Lưu Viên (Công Giáo) đã được HĐQL mời thành lập chính phủ. Ông đã lập được danh sách cho nội các của ông và danh sách nầy cũng đã được Tướng Khánh chấp thuận nhưng sau đó không thành vì ông từ chối không chịu mời Tướng Nguyễn Chánh Thi (Phật Giáo) làm Tổng Trưởng Nội Vụ. Vì chuyện nầy, Phật Giáo dứt khoát không chấp nhận chính phủ Nguyễn Lưu Viên. Tướng Khánh, dưới áp lực của Phật Giáo, phải hủy bỏ lời mời ông Viên làm Thủ Tướng. (37) Sau nhiều cuộc thăm dò khác, sau cùng là sự ra đời của chính phủ Phan Huy Quát ngày 16-02-1965 với thành phần như sau: (38)
- Thủ Tướng: Bác sĩ Phan Huy Quát
- Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quân Lực: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu
- Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Ngoại Giao: Bác sĩ Trần Văn Đỗ
- Phó Thủ Tướng phụ trách Kế Hoạch: Luật sư Trần Văn Tuyên
- Quốc Vụ Khanh: Bác sĩ Lê Văn Hoạch
- Quốc Vụ Khanh tạm thời kiêm Bộ Giáo Dục: Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ
- Tổng Trưởng Thông Tin Tâm Lý Chiến: Thiếu Tướng Linh Quang Viên
- Tổng Trưởng Chiêu Hồi: Ông Trần Văn Ân
- Tổng Trưởng Kinh Tế: Giáo sư Nguyễn Văn Vinh
- Tổng Trưởng Tài Chánh: Giáo sư Trần Văn Kiện
- Tổng Trưởng Canh Nông: Kỹ sư Nguyễn Ngọc Tố
- Tổng Trưởng Giao Thông Công Chánh: Kỹ sư Ngô Trọng Anh
- Tổng Trưởng Xã Hội: Giáo sư Trần Quang Thuận
- Tổng Trưởng Y Tế: Bác sĩ Nguyễn Tăng Nguyên
- Tổng Trưởng Lao Động: Ông Nguyễn Văn Hoàng
- Tổng Trưởng Thanh Niên: Y sĩ Trung Tá Nguyễn Tấn Hồng
- Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng: Ông Bùi Diễm
- Thứ Trưởng Nội Vụ: Ông Nguyễn Văn Tương
- Thứ Trưởng Công Chánh: Kỹ sư Bùi Hữu Tuấn
Nhìn vào thành phần nầy ta phải nhận là Bác-sĩ Phan Huy Quát đã thành công trong việc “mời được gần như tất cả các phe phái chính trị, tôn giáo và quân sự đang chống đối nhau tại Nam Việt Nam tham gia vào nội các của ông.” (39) Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy rằng nội các nầy ra đời là do áp lực của phe Phật Giáo và vì thế nó khó có được tính ổn định. Trong một công điện mật của Đại sứ Hoa Kỳ Taylor gửi cho Tổng Thống Johnson, đề ngày 16-02-1965, điều lo ngại nầy cũng được ghi nhận. (40) Chỉ ba ngày sau khi nội các nầy được thành lập thì đã xảy ra vụ đảo chánh do Đại Tá Phạm Ngọc Thảo (41) (Công Giáo) cầm đầu. Tuy vụ đảo chánh nầy bất thành (và với hậu quả là Đại Tướng Nguyễn Khánh bị các tướng trẻ loại ra khỏi chính quyền và buộc phải rời khỏi Việt Nam) nhưng đã cho thấy rõ sự bấp bênh của Chính phủ Phan Huy Quát. Một tuần lể sau đó, Tổng Trưởng Lao Động Nguyễn Văn Hoàng từ chức. (42)
3.3 Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp Ra Đời
Một ngày sau khi chính phủ Phan Huy Quát được thành lập, HĐQL ra quyết định thành lập Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp (HĐQGLP) gồm 20 Hội -viên: (43)
- Luật sư Nguyễn Huy Chiểu
- Bác sĩ Phạm Hữu Chương
- Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu
- Đề Đốc Chung Tấn Cang
- Thiếu Tá Đỗ Đăng Công
- Giáo sư Cao Hữu Đính
- Giáo sư Nguyễn Lương Hưng
- Bác sĩ Phạm Văn Hạt
- Giáo sư Bùi Hữu Tuấn
- Ông Trịnh Quốc Khánh
- Đại Tá Đoàn Chí Khoan
- Giáo sư Phan Khoang
- Ông Nguyễn Long tự Thành Nam
- Đại Tá Bùi Văn Mạnh
- Ông Huỳnh Văn Nhiệm
- Thiếu Tá Nguyễn Phúc Quế
- Luật sư Nguyễn Lâm Sanh
- Ông Nguyễn Văn Thanh
- Ông Nguyễn Trân
- Ông Trần Quang Vinh
Hội Đồng được thành lập để thay thế cho THĐQG đã bị HĐQL giải tán ngày 20-12-1964, với nhiệm vụ thảo luận và đề nghị các định chế chính trị trong tương lai cho VNCH. Hội Đồng đã bầu Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu làm Chủ Tịch. Nhìn vào thành phần nầy ta cũng thấy ngay là Hội Đồng đã không quy tụ được những nhân vật chính trị nặng ký như THĐQG đã bị giải tán. Chính điểm yếu nầy đã khiến cho Hội Đồng không thể giải quyết nổi vụ khủng hoảng của Nội các Phan Huy Quát trong tương lai.
3.4 Tướng Nguyễn Khánh Ra Khỏi Nước
Tuy không tán thành và còn tích cực chống lại cuộc đảo chánh của Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, các tướng trẻ đã lợi dụng chiêu bài “chống Tướng Khánh” của cuộc đảo chánh để loại bỏ Tướng Khánh và đưa ông ra khỏi nước luôn. Ý đồ của Tướng Khánh trong việc thăng cấp cho các tướng trẻ hòng sử dụng họ để khống chế HĐQL thật sự đã bị “effet contraire” và trở thành một đòn “gậy ông đập lưng ông”.
Việc các tướng trẻ liên kết nhau để lật đổ Tướng Khánh, thật ra, đã manh nha từ lâu, ngay cả khi Tướng Khánh còn làm Thủ Tướng (từ ngày 08-02-1964 đến ngày 03-11-1964). Theo một công điện mật của CIA, đề ngày 01-10-1964, (44) báo cáo về cuộc họp ngày 30-9-1964 tại Vũng Tàu giữa Tướng Khánh và 4 Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không Quân, Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, và Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhảy Dù, ta được biết là cuộc họp đã diển ra theo yêu cầu của bốn tướng trẻ. Tại cuộc họp nầy, các vấn đề sau đây đã được đưa ra thảo luận: 1) đưa Tướng Khiêm ra khỏi nước trong vòng 48 giờ; 2) loại 5 tướng Đà Lạt (Đôn, Xuân, Kim, Đính, Vỹ) ra khỏi quân-đội; 3) đưa ra xét xử các tướng tá tham gia vào vụ đảo chánh ngày 13-09-1964; và, 4) yêu cầu Tướng Khánh trở về cương vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội vào ngày 27-10-1964.
Ngay khi vụ đảo chánh của Đại-Tá Thảo xảy ra, các tướng lãnh đã họp tại Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhứt để tìm cách đối phó với tình thế. Vì phi trường Tân Sơn Nhứt bị chiến xa của quân đảo chánh xâm nhập, các tướng lãnh quyết định rút khỏi Saigon. Ngày hôm sau, 20-02-1965, HĐQL nhóm họp tại căn cứ Không Quân Biên Hòa. Tại buổi họp nầy, HĐQL đã biểu quyết “bất tín nhiệm” Tướng Khánh. (45) Tại cuộc họp ngày hôm sau, 21-02-1965, HĐQL quyết định cử Trung Tướng Trần Văn Minh, (46) Tham Mưu Trưởng Liên Quân, làm Tổng Tư Lệnh QLVNCH thay thế Đại Tướng Nguyễn Khánh. Sau đó, HĐQL đã cử hai Tướng Linh Quang Viên và Huỳnh Văn Cao cùng với Đại Tá Lê Văn Nhiều bay lên Đà Lạt để thông báo quyết định nầy cho Tướng Khánh. Ngày 22-02-1965 Tướng Khánh được cử làm Đại Sứ Lưu Động. Ngày 25-02-1965, Tướng Khánh rời khỏi Việt Nam. (47)
3.5 Giải Tán Hội Đồng Quân Lực
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Phan Huy Quát là đối phó với phe quân nhân. Thủ Tướng Quát, đã từng làm Tổng Trưởng Quốc Phòng trong Chính phủ Nguyễn Phan Long (từ ngày 22-01-1950 đến ngày 06-05-1950), là người có kinh nghiệm và khả năng để làm việc nầy. Cũng như các lãnh tụ chính trị dân sự khác, Bác-sĩ Quát đã thấy rõ tác hại của các cuộc đảo chánh liên tiếp trong vòng hai năm qua, và vai trò chính trị càng ngày càng chế ngự của HĐQL. Trong thời gian đối phó với vụ đảo chánh của Đại Tá Thảo và nhất là sau khi loại bỏ được Tướng Khánh, thế lực của các tướng trẻ trong HĐQL càng tăng thêm, đặc biệt là trường hợp của Tướng Thi. (48) Trong một công điện mật của C.I.A., số TDCS DB-315/00654-65, đề ngày 23-02-1965, Trung Tướng Trần Văn Minh, người vừa được HĐQL đề cử thay thế Tướng Khánh, đã than phiền rất nhiều về những phát biểu và hành động lạm quyền của Tướng Thi trong thời gian ông nầy làm Tư Lệnh Lực Lượng Giải Phóng Thủ Đô, đối phó với cuộc đảo chánh của Đại-tá Thảo. Cụ thể là việc Tướng Thi đã nhân danh HĐQL đề cử nhiều người thân cận của ông vào các chức vụ quan trọng như Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Tư Lệnh các Sư đoàn 5 và 25 trấn đóng chung quanh Sài Gòn. (49) Tướng Minh đề nghị Đại-sứ Hoa Kỳ gợi ý cho các tướng lãnh cao cấp Hoa Kỳ khuyến cáo các thành viên của HĐQL là nên giải tán HĐQL. Tướng Minh tin rằng đa số thành viên của HĐQL tán thành việc nầy. Ông tin rằng, nếu mọi việc được chuẩn bị đầy đủ, chính ông, với tư cách là Tổng Tư Lệnh QLVNCH, sẽ yêu cầu HĐQL triệu tập một buổi họp để thảo luận về vấn đề nầy. Dựa vào đề nghị nầy của Tướng Minh, cả Đại sứ Hoa Kỳ Taylor và Phó Đại sứ Johnson đã tích cực thăm dò, vận động với các tướng lãnh về việc nầy. Từ đầu tháng 5, Thủ Tướng Quát và Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm đã gặp gở thảo luận với các thành viên cao cấp của HĐQL và thuyết phục được họ đồng ý giải tán HĐQL. (50) Ngày 06-05-1965, lể giải tán HĐQL được tổ chức tại Phủ Thủ-tướng. (51)
3.6 Âm Mưu Đảo Chánh Ngày 20-5-1965
Ngày 21-05-1965, Phủ Thủ Tướng ra tuyên cáo, cho biết đêm hôm trước cơ quan an ninh đã bắt giữ 17 quân nhân và 12 tư nhân âm mưu đảo chánh. Theo một tài liệu của Phòng Tình Báo Hiện Hành, một bộ phận của CIA (OCI = Office of Current Intelligence), mang số OCI No. 0621/65, nhận định về tình hình tại VNCH trong tuần lể từ 20-05 đến 26-05-1965, (52) chi tiết về cuộc đảo chánh nầy có nhiều điểm không được làm sáng tỏ. Theo thông cáo của chính phủ thì người chủ mưu cũng lại là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo đang tại đào và mục tiêu của cuộc đảo chánh là ám sát Thủ Tướng Quát và một số yếu nhân trong quân đội. Ngày 23-05-1965, chính phủ lại ra một thông cáo mới cho biết “Thủ Tướng Phan Huy Quát họp cùng các tướng lãnh để xét tình hình chung sau vụ âm mưu đảo chánh đêm 20 qua ngày 21-5″ và đã “quyết định: thanh lọc hàng ngũ dân sự và quân sự, dứt khoát tư tưởng để đẩy mạnh công cuộc chiến đấu.” (53) Bản thông cáo cũng nhấn mạnh là có sự nhúng tay của Việt Cộng trong vụ âm mưu đảo chánh, nhưng không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào. Theo nhận định của CIA trong tài liệu nầy, dường như chính phủ Quát đã nhấn mạnh vào điểm có sự tham gia của Việt Cộng trong vụ âm mưu đảo chánh là để trấn an phe Công Giáo là những vụ bắt giữ đó không phải là nhắm vào họ.
3.7 Cuộc Khủng Hoảng Nội Các
Ngày 25-5-1965 Thủ Tướng Phan Huy Quát quyết định cải tổ nội các của mình, “và đề nghị bổ nhiệm: Ô. Trần Văn Thoàn thay thế ô. Nguyễn Hòa Hiệp, Tổng Trưởng Nội Vụ; Ô. Nguyễn Trung Trinh thay thế ô. Nguyễn Văn Vinh, Tổng Trưởng Kinh Tế; Ô. Đinh Trịnh Chính làm Bộ trưỡng Thông Tin; Ô. Lâm Văn Trí, làm Bộ Trưởng Cải Cách Điền Địa; Ô. Trần Thanh Hiệp, làm Bộ Trưởng Lao Động. Giữa buổi trình diện, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu cho biết không thể ký bổ các ông Trần Văn Thoàn và Nguyễn Trung Trinh, vì lẽ các ông Nguyễn Hòa Hiệp và Nguyễn Văn Vinh không từ chức.” (54)
Qua các biến cố chính trị diển ra trước vụ khủng hoảng nội các vừa trình bày bên trên, ta có thể nhận định rằng lý do mà Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu đưa ra chỉ là một cái cớ. Sự thật là Chính phủ Phan Huy Quát đã không có được sự hậu thuẩn hoàn toàn của các phe nhóm, đặc biệt là phe Công Giáo và những người Miền Nam. Ai cũng thấy rõ là Nội các Phan Huy Quát ra đời là do áp lực của Phật Giáo. Cả hai cuộc đảo chánh xảy ra trong thời gian nầy đều do người của phe Công Giáo cầm đầu. Tổng Trưởng Kinh Tế Nguyễn Văn Vinh, bị Thủ-tướng Quát đề nghị giải nhiệm, cũng là một người Công Giáo. Bản thân Thủ Tướng Quát (một Phật tử) là người Miền Bắc mà các Bộ quan trọng trong Nội các lại giao cho các người Trung và Bắc thì tránh sao được sự bất mãn của người miền Nam (Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu là một người miền Nam). Các sắp xếp lại về nhân sự an ninh sau vụ âm mưu đảo chánh đêm 20-05 cũng tạo thêm nghi ngờ đối với chính phủ Phan Huy Quát. Riêng bản thân Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu chắc cũng có những bất mãn ngấm ngầm từ sau vụ chết non của Nội các Nguyễn Lưu Viên mà ông ủng hộ cũng như thái độ coi thường vai trò Quốc Trưởng của Thủ Tướng Phan Huy Quát. Ông chỉ được Thủ Tướng Quát cho biết về các thay đổi nhân sự nầy có 15 phút trước lể trình diện tân nội các. Ngoài ra một tài liệu tối mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ còn cho biết rõ là Thủ Tướng Quát đã thuyết phục được Tổng Trưởng Kinh Tế Nguyễn Văn Vinh bằng lòng chịu ký tên từ chức nhưng sau đó chính Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu lại thuyết phục ông nầy đừng làm như vậy.
Trong suốt hơn hai tuần lễ, các vụ biểu tình, yết kiến Quốc Trưởng để yêu cầu giải nhiệm chính phủ Phan Huy Quát (phần lớn là do các lực lượng Công Giáo tổ chức) làm cho cả hai bên đều thêm cứng rắn, không chịu thỏa hiệp. HĐQGLP lại không làm tròn nhiệm vụ của mình. Lẽ ra Hội Đồng phải ra phán quyết về vấn đề giải thích Hiến Chương Lâm Thời, nhưng họ lại không làm như thế mà chỉ khuyến cáo Quốc Trưởng và Thủ Tướng tìm cách thỏa hiệp với nhau, chuyện mà cả hai phe đều không chịu làm.
Ngày 09-06-1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát họp báo, giải thích về cuộc khủng hoảng, trình bày các nổ lực điều giải của Chính phủ, và cho biết đã yêu cầu các tướng lãnh đứng ra lãnh vai trò trung gian để giữ thế quân bình cho đến khi có chính quyền dân cử.
Ngày 11-06, các tướng lãnh họp liên tục trọn ngày tại Phủ Thủ Tướng với cả hai phe trong cuộc khủng hoảng nội các nầy. Ông Bùi Diễm đã kể lại như sau: “Sự bế tắc đã kết thúc tại buổi họp rất dài vào ngày 11-06 tại Phủ Thủ-tướng. Tất cả mọi người đã được dồn vào một căn phòng họp: bốn, năm chục ông tướng, ông Quát và những người ủng hộ ông, ông Sửu và những người ủng hộ ông. Ông Quát cố gắng biện minh lần chót cho việc bổ nhiệm hai vị Tổng Trưởng mới, nhưng các vị tướng lãnh nhấn mạnh là sự bế tắc phải được giải quyết ngay tại buổi họp. Họ tuyên bố họ sẽ không thể đứng yên nhìn chính phủ bị tê liệt như thế. Ông Quát đã biết trước điều nầy, và, giữa những tiếng la ó ồn ào, ông tuyên bố ông tình nguyện rút lui và giải tán chính phủ. Làm vậy ông đã kéo luôn ông Sửu xuống, và mở đường cho các tướng lãnh thiết lập chế độ mới của họ.” (55), (56)
Ngày 14-06-1965, QLVNCH thành lập hai Ủy Ban: 1) Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch, giữ vai trò Quốc Trưởng, và 2) Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch, đãm nhiệm vai trò Thủ Tướng.
Ngày 19-06-1965, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, tức Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, hay Nội Các Chiến Tranh, được trình diện, bắt đầu cho giai đoạn quân đội trực tiếp nắm quyền tuyệt đối về chính trị tại VNCH.
Thay Lời Kết
Từ sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 cho đến ngày 19-6-1965, thời gian chưa đầy hai năm, VNCH đã trãi qua tất cả bốn chính phủ với một số lần cải tổ. Trừ Chính phủ Nguyễn Khánh kéo dài được gần 9 tháng, trong ba chính phủ dân sự còn lại không có chính phủ nào tồn tại được trên 4 tháng. Sự thất bại hoàn toàn của các chính phủ dân sự, như đã trình bày bên trên, do rất nhiều yếu tố chính trị kết hợp lại tạo nên. Nhưng quan trọng nhứt là yếu tố Quân đội. Quân Đội, thay vì lo chu toàn trách nhiệm về quân sự của mình, đã can thiệp quá nhiều vào chính trị. Nó như là một đám mây đen che phủ cả bầu trời của VNCH trong giai đoạn nầy và lúc nào cũng sẳn sàng đổ một trận mưa lũ xuống. Tất cả các chính phủ đó đều có cố gắng tạo ra một căn bản pháp lý cho chế độ mới thay thế cho Hiến Pháp của nền Đệ Nhứt Cộng Hòa. Nhưng tất cả các văn kiện đó, từ Hiến Ước Tạm Thời ngày 4-11-1963, Hiến Chương Vũng Tàu ngày 16-8-1964, cho đến Hiến Chương Lâm Thời ngày 20-10-1964, đều là những món quà của Quân Đội ban cho quốc gia, không do một quốc hội dân cử nào tạo ra cả. Vì thế khi chúng không còn phục vụ được quyền lợi của phe quân nhân nữa thì chúng bị vất bỏ một cách dễ dàng. Các chính trị gia thì hoàn toàn chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân hay đảng phái nên nhiều hay ít đã đồng lỏa với phe quân nhân, nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm trắng trợn và thô bạo vào các văn kiện nầy của phe quân nhân (như trong vụ phe quân nhân giải tán THĐQG chẳng hạn, cả Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Trần Văn Hương, mà chức vụ đều do THĐQG phê chuẩn, đã không có bất cứ hành động cụ thể nào để lên án hành động bất hợp pháp đó cả), và đến khi không còn nhường nhịn nhau được nữa thì đạp đổ luôn chính quyền dân sự để trao trả quyền bính lại cho phe quân nhân. Phe dân sự, xuyên qua đại diện là các chính trị gia đã nắm được chính quyền trong tay, phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ trong sự thất bại của các chính quyền dân sự trong giai đoạn đầy xáo trộn nầy.
Ghi Chú:
1. Lâm Vĩnh Thế, “Cuộc “chỉnh lý” ngày 30/1/1964 của Trung Tướng Nguyễn Khánh,” Dòng sử Việt, số 4 (7-9/2007): 55-67.
2. Logevall, Fredrik, Choosing war : the lost chance for peace and the escalation of war in Vietnam. (Berkeley, Calif., 1999), 99. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “a growing number of Americans in South Vietnam, particularly in the military, were convinced that the commitment was not there and that new leadership had to be found. In mid January 1964, many of these officials believed that they had found such leadership in the figure of General Nguyen Khanh, widely regarded as the most hawkish and pro-American military officer in the South.”
3. Kolko, Gabriel, Anatomy of a war : Vietnam, the United States, and the modern historical experience (New York,1994), 119. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “Washington gave solid support to General Nguyen Khanh’s bloodless coup at the end of January 1964, allegedly to head-off pro-French neutralist officers ready to take power.”
4. Gibbons, William Conrad, The U.S. Government and the Vietnam War : executive and legislative roles and relationships. Part II : 1961-1964 (Princeton, N.J.,1986), 229. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “Khanh not only agreed to this latter suggestion (he accepted U.S. advisers in 13 districts in the delta), but went so far as to ask Lodge to recommend Vietnamese for the position of Prime Minister and for the Cabinet.”
5. “Assessment of Khanh’s selection of administrators for his new govt., “Declassified Documents Reference System (sau đây sẽ gọi tắt là DDRS), công điện số 1510 của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, 6 tr. , đề ngày 7-2-1964, giải mật ngày 20-3-1975. Công điện ghi rõ như sau ở phần mở đầu: “Called on General Khanh at his invitation
The purpose of inviting me was to tell me about the make-up of the new government.”
6. McNamara, Robert S. và Brian Van DeMark, In retrospect : the tragedy and lessons of Vietnam. (New York, 1995), 112. Nguyên văn Anh Ngữ như sau: “Bob, I want to see about a thousand pictures of you with General Khanh, smiling and waving your arms and showing the people out there that this country is behind Khanh all the way.”
7. Gibbons, sđd, 240. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “To make it clear that we fully support the Khanh government and are opposed to any further coups.”
8. Porter, Gareth, editor, Vietnam : the definitive documentation of human decisions. Vol. 2 (Stanfordville, N.Y., 1979), 241. Văn thư của Thứ Trưởng Quốc Phòng William P. Bundy gởi Tổng Thống Johnson ngày 1-3-1964 có đoạn nguyên văn Anh ngữ như sau: “The great weakness in the present situation is the extremely shaky position of the Khanh government. Khanh himself is probably the ablest man in the country, but he does not yet have wide political appeal and his control of the Army itself is uncertain.”
9. Kahin, George Mc Turnan., Intervention : how America became involved in Vietnam. (New York, 1986), 208. Có đoạn nguyên văn Anh ngữ như sau: “Despite substantially increased US military and economic backing, Khanh was never able to establish anything like a viable political base; nor could he even maintain that little cohesion his regime had initially enjoyed. It grew progressively weaker-both internally and vis-a-vis the NLF.”
10. Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua : việc từng ngày, 1945-1964 (Los Alamitos, Calif., 1989), 412.
11. “Special report on the Buddhists in South Vietnam,” DDRS, báo cáo đặc biệt của CIA, mang số hiệu SC No. 00598/63A, 9 tr., đề ngày 28-6-1963, giải mật ngày 4-12-1996.
12. “Short-term prospects in South Vietnam,” DDRS, tài liệu của CIA, mang số hiệu SNIE 53-65, 12 tr., đề ngày 4-2-1965, giải mật ngày 20-7-1995. Ở tr. 4, đoạn 6, ghi nguyên văn Anh ngữ như sau: “Among these leaders, Tri Quang is the most influential and politically skillful. He seems to have outmaneuvered all existing or potential rivals within the Buddhist movement and is not likely to be deposed from within the movement itself.
Tri Quang is vain and hyper-nationalistic; thus he probably resents the extent of US involvement in Vietnamese affairs. Although he recognizes the present need for US support, he regards the US as incapable of understanding the political situation in South Vietnam and, over the long run, would like to see the US out of the country.”
13. Moyar, Mark, “Political monks: the militant Buddhist movement during the Vietnam War,” Modern Asian Studies, v. 38, no. 4 (2004): 749-784. Ở tr. 754, tác giả viết như sau: “Some of his initial replacements were pro-Diem officials who had been ousted in November 1963.
Tri Quang and other militant Buddhists made baseless claims that Khanh-who was a Buddhist-and his predominantly Buddhist government were reverting to Diemist persecution of Buddhists. Inexperienced and easily intimidated, Khanh succumbed to this pressure. He stopped appointing pro-Diem officials, sacked some of those already in office, and put more Diem supporters in jail.”
14. “The Situation in South Vietnam,” DDRS, báo cáo hàng tuần của CIA, mang số hiệu OCI No. 1061/64, 14 tr., đề ngày 28-2-1964, giải mật ngày 26-6-1975. Có đoạn ngyuyên văn Anh ngữ như sau: “He [Khanh] has made more arrests among Diem’s former ministers, and apparently plans to bring those accused of malfeasance to early trial. In addition, the new regime has closed some newspapers alleged to be in sympathy with the former Diem regime. Khanh has bean suspected in some quarters of sympathy for the Diem regime, and these moves are designed in part to demonstrate a clean sweep.”
15. Đoàn Thêm, sđd, 382, 385, 387, 389-390, 392-395.
16. Đoàn Thêm, sđd, 395.
17. Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi : hồi ký chính trị. : bổ túc hồ sơ về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa (California, 1986), 841.
18. Đỗ Mậu, sđd, 844.
19. Đoàn Thêm, sđd, 397-398.
20. Gibbons, sđd, 281. Có đoạn nguyên văn Anh ngữ như sau: “During July 19-23, there was new agitation by South Vietnamese leaders for “marching North.”
21. Đoàn Thêm, sđd, 400.
22. Đoàn Thêm, sđd, 403-404.
23. Ông Trần Văn Hương còn trở lại làm Thủ Tướng lần thứ hai trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa (từ ngày 25-5-1968 đến ngày 1-9-1969). Năm 1972 ông trở thành Phó Tổng Thống trong nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 22-4-1975, ông Trần Văn Hương, theo Hiến Pháp của Đệ Nhị Cộng Hòa, trở thành Tổng Thống. Ngày 28-4-1975, theo quyết định của Lưỡng Viện Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa, ông trao quyền Tổng Thống lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Mặc dù Toà Đại Sứ Hoa Kỳ nhiều lần cho người tiếp xúc để đưa ông di tản ra khỏi nước, ông đều từ chối không chịu bỏ nước ra đi. Sau ngày 30-4-1975, ông bị quản thúc tại nhà và chính quyền Cộng Sản nhiều lần ngỏ ý trả quyền công dân lại cho ông, ông đều không nhận, và trả lời rằng khi nào tất cả quân nhân công chức Việt Nam Cộng Hòa đều đã được trả lại quyền công dân thì ông mới nhận lại quyền công dân. Ông mất tại Saigon vào lúc 4 giờ chiều, ngày Mùng Ba Tết năm Nhâm Tuất (1982) (Về những chi tiết cuối đời của ông Trần Văn Hương, Tài liệu trích dẫn: Nguyễn Ngọc An, “Hồi Ký : Nhân Sĩ Trần Văn Hương”, Đặc San Petrus Ký 1996: 159-163).
24. Lâm Vĩnh Thế, “Thượng Hội Đồng Quốc Gia,” Dòng sử Việt, số 5 (10-12/2007): 40-54.
25. Đoàn Thêm, sđd, 409, 413.
26. Đoàn Thêm, sđd, 414.
27. “General Taylor reports on 3 noteworthy events,” DDRS, công điện mật của Đại Sứ Maxwell Taylor gởi về Bộ Ngoại Giao, đề ngày 4-11-1964, giải mật ngày 30-11-1984, 3 tr. Ngay tr.1, Đại sứ Taylor đã ghi như sau: “…as of yesterday afternoon, he thought that he had completed his slate only to have two key members defect at the last minute, apparently because of Buddhist pressures. We had been hearing for the last few days that the Buddhist leaders were grumbling about Huong and might try to sabotage his government.”
28. “Nguyen Xuan Chu, President of Vietnamese High National Council, resigns over formation of vabinet,” DDRS, công điện của Toà Đại sứ Hoa Kỳ gởi về Bộ Ngoại Giao, đề ngày 5-11-1964, giải mật ngày 28-8-1979, 2 tr. Có đoạn như sau: “He mentions having stressed importance and necessity of participation of political parties in formation of government to Suu on November 3. Now having seen composition of cabinet Chu contends that it will not rpt not be able to rally people’s confidence because it does not rpt not attach enough importance to political parties.”
29. Đỗ Mậu, sđd, 850.
30. Đoàn Thêm, sđd, 419.
31. Discourteous attitude and abuse of power of Amb Maxwell Taylor,” DDRS, công điện của Tòa Đại sứ Hoa Kỳgởi về Bộ goại Giao, đề ngày 26-12-1964, giải mật ngày 12-4-1978, 4 tr. Đây là bản dịch ra Anh ngữ nguyên văn văn thư của HĐQL do Tướng Nguyễn Khánh đai diện ký và gửi cho Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Trần Văn Hương; văn thư nầy, sau khi ghi lại những câu nói của Đại sứ Taylor xúc phạm các tướng trẻ, đề cập đến một chuyện quan trọng hơn nhiều như sau: “A second fact more important than the first took place on Monday, Dec. 21, 1964. On that morning Amb Taylor and DepAmb Johnson came to my office at 10:30. At the beginning of the conversation, once more Amb Taylor, with a voice full of hate, asked in French : Were you acting under pressure of the young generals in the events of Dec. 20, 1964 ? I replied (in French): The decision was unanimously taken with my approval as Comdr-in-Chief. I take entire responsibility for it. The Amb continued: In that case get ready to leave the position of Comdr-in-Chief and to leave the country.” Ghi chú thêm của tác giả: ở cuối văn thư nầy, sau chữ ký của Tướng Khánh là một danh sách gồm tên họ và chức vụ của 32 tướng lãnh và 1 Đại tá; họ là các vị Tư Lệnh các quân đoàn, các quân binh chũng và các đại đơn vị.
32. Đoàn Thêm, 1965 : việc từng ngày (Los Alamitos, Calif., 1989), 17.
33. “Thich Tri Quang’s campaign to bring down the Tran Van Huong Government,” DDRS, tài liệu mật của CIA, đề ngày 21-1-1965, giải mật ngày 12-12-1975; có đoạn như sau: “… Quang thinks that Chief of State Phan Khac Suu should name a new High National Council (HNC) which could dissolve the Huong government. Then Suu, with the support of the HNC and of the Buddhists could name a new Premier. Quang claims to have discussed this plan with Suu. He claims his plan has the backing of Buđhist students in Hue, of I Corps Commander Nguyen Chanh Thi and of Air Vice Marshall Nguyen Cao Ky. Quang said the Buddhists will continue their fight against Huong through the hunger strike of ranking Buddhist priests which started on 20 January.”
34. “Deliberations of South Vietnam’s Armed Forces Council 1/24/65 resulting in military decision to back Tran Van Huong temporarily with the proviso that Huong must restore government stability,” DDRS, tài liệu mật của CIA, đề ngày 24-1-1965, giải mật năm 1984; có đoạn như sau: A parallel proposal to remove Huong was made, since Huong is the target of the opposition to the government. The question was then raised as to who should replace Huong – a civilian or a military man. Generals Vinh Loc, Nguyen Van Thieu and Nguyen Cao Ky spoke up for a military Prime Minister. Two officers were asked to take the job. Thieu, of the two, declined on grounds that he was Catholic and therefore unacceptable to the Buddhists. The second nominee, Nguyen Chanh Thi, at first said he was willing. Dong then asked Thi if Thi could form a civilian government. Thi said no, but he believed he could form one with military men. Dong argued that this was not feasible since there were not enough qualified military men available. It was at this point that Dong proposed that the AFC continue to support Huong.” Ghi chú thêm của tác giả: Nhân vật Đổng là Thiếu Tướng Phạm Văn Đổng, lúc đó là Tổng Trấn Sài Gòn kiêm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
35. “Alleged plotting of Nguyen Khanh with the Buddhists in order to overthrow the Government of Prime Minister Tran Van Huong,” DDRS, tài liệu mật của CIA, đề ngày 8-1-1965, giải mật ngày 27-9-1976; có đoạn như sau: “Khanh then said that following the overthrow of the Huong government, the country would be without government for a while; during that period Khanh’s men would created disorders and the Buddhist Institute would also prepare lists of people who would be arrested including those opposed to Khanh, those opposed to the Budhist Institute, and those who were pro-Americans.”
36. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 22.
37. Vĩnh Nhơn, “Một nội các chết non của V.N.C.H.”, Kinh Doanh, số 1 (6/1999): 97-102.
38. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 33-34.
39. Karnow, Stanley, Vietnam : a history (New York, 1984), 385. Tác giả viết nguyên văn Anh ngữ như sau: “Quat invited representatives from nearly all of South Vietnam’s feuding political, religious and military factions into his cabinet.”
40. “Armed Forces Council announces it has chosen Phan Huy Quat as Prime Minister,” DDRS, công điện mật của Đại sứ Taylor gửi Tổng Thống Johnson, đề ngày 16-2-1964, giải mật ngày 24-2-1988, có đoạn nguyên văn Anh ngữ như sau: “In many quarters, he is suspected of being pro-Institute since Tri Quang is known to have viewed him as Prime Ministerial timber. Regardless of whether he is Tri Quang’s candidate or not at the moment, in the short or long run the Institute leaders are likely to put demands on him which he will find difficult to accept.”
41. Vĩnh Nhơn, “Tài liệu mật của C.I.A. về Đại Tá Phạm Ngọc Thảo”, Thời Báo, số 456 (26/09/1998): 78-84.
42. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 38.
43. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 34-35.
44. “Agreement between Nguyen Khanh and the “Young Turks” to join together to solve the political problems of the colony [sic],” DDRS, công điện mật của CIA, đề ngày 1-10-1964, giải mật ngày 24-9-1985, 5 tr.
45. “The Situation in Vietnam,” DDRS, báo cáo mật của CIA, đề ngày 21-2-1965, giải mật ngày 16-1-1978, 7 tr. Ở tr. 3, trong phần Political Developments in South Vietnam, có ghi nguyên văn Anh ngữ như sau: “There continues to be signs that General Khanh is on the way out
US officials have now obtained a copy of the Armed Forces Council’s resolution of “no confidence” in Khanh
”
46. Trung Tướng Trần Văn Minh, thường được báo chí ngoại quốc gọi là Minh nhỏ để phân biệt với Đại Tướng Dương Văn Minh thường được gọi là Minh lớn. Ông là một thành viên của HĐQNCM sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963. Về sau ông có tham chính hai lần. Lần đầu ông giữ chức vụ Tổng Trưởng Quân Lực sau cuộc cải tổ của Chính phủ Trần Văn Hương ngày 18-01-1965. Lần thứ nhì là khi ông được mời giữ chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng trong Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, thay thế Trung Tướng Nguyễn Hữu Có bị giải nhiệm trong khi đang công du tại Trung Hoa Dân quốc. Về sau có thời gian ông được bổ nhiệm Đại sứ VNCH tại Tunisie.
47. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 38.
48. “The Situation in Vietnam,” DDRS, báo cáo mật của CIA, đề ngày 27-2-1965, giải mật ngày 16-2-1982, 5 tr. Ở tr. 3, trong phần Political Developments in South Vietnam, có ghi nguyên văn Anh ngữ như sau: “General Thi’s efforts to make himself South Vietnam’s new strong man are causing alarm in some military circles.”
49. “The Situation in South Vietnam,” DDRS, báo cáo hàng tuần của CIA, đề ngày 24-2-1965, giải mật ngày 24-12-1975, 8 tr. Ở tr. 2-3, có ghi nguyên văn Anh ngữ như sau: “In rapid moves to replace Khanh supporters, Thi, so far unopposed by Ky, appears to be successfully putting his own followers into key positions-national police director, and commands of divisions close to Saigon.”
50. Bùi Diễm và David Chanoff, In the Jaws of History (Boston, 1987), 145.
51. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 78.
52. “The Situation in South Vietnam 20 May – 26 May 1965,” DDRS, báo cáo hàng tuần của CIA, mang số hiệu OCI No. 0621/65, đề ngày 26-5-1965, giải mật ngày 26-7-1978, 18 tr. Ở tr. 6, có ghi nguyên văn Anh ngữ như sau: “According to government officials, a Thao cohort picked up in the arrests stated that the plot envisaged assassinations of Premier Quat and key military leaders.
A government communique, issued on 23 May following a meeting between Quat and senior military officers, described the coup attempt as a Communist plot to exploit discontented elements.”
53. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 84.
54. Đoàn Thêm, 1965, sđd, 85.
55. Bùi Diễm, sđd, 146-147.
56. Lâm Vĩnh Thế, “Cuộc khủng hoảng nội các tại VNCH vào cuối tháng 5 năm 1965,” Dòng sử Việt, số 3 (4-6/2007): 40-50.
Thư Tịch Tài Liệu Tham Khảo:
BÙI DIỄM và DAVID CHANOFF, In the jaws of history. Boston, Houghton Mifflin, 1987. 367 tr.
Declassified Documents Reference System. Stamford, CT, Thomson Gale. CSDL.
ĐOÀN THÊM, 1965 : việc từng ngày. Los Alamitos, Calif., Xuân Thu, 1989, 243 tr.
ĐOÀN THÊM, Hai mươi năm qua : việc từng ngày, 1945-1964. Los Alamitos, Calif., Xuân Thu, 1989. 424 tr.
ĐỖ MẬU, Việt Nam máu lửa quê hương tôi : hồi ký chính trị : bổ túc hồ sơ về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa. California, Tác giả xuất bản, 1986. 1267 tr.
GIBBONS, WILLIAM CONRAD, The U.S. Government and the Vietnam War : executive and legislative roles and relationships. Part II : 1961-1964. Princeton, N.J., Princeton University Press, 1986. 422 tr.
KAHIN, GEORGE Mc TURNAN, Intervention : how America became involved in Vietnam. New York, Doubleday, 1986. 550 tr.
KARNOW, STANLEY, Viet nam : a history. New York, Penguin Books, 1984. 752 tr.
KOLKO, GABRIEL, Anatomy of a war : Vietnam, the United States, and the modern historical experience. New York, New Press, 1994. 674 tr.
LÂM VĨNH THẾ, “Cuộc “chỉnh lý” ngày 30/1/1964 của Trung Tướng Nguyễn Khánh,” Dòng sử Việt, số 4 (7-9/2007), 55-67.
LÂM VĨNH THẾ, “Cuộc khủng hoảng nội các tại VNCH vào cuối tháng 5 năm 1965,” Dòng sử Việt, số 3 (4-6/2007): 40-50.
LÂM VĨNH THẾ, “Thượng Hội Đồng Quốc Gia,” Dòng sử Việt, số 5 (10-12/2007), 40-54.
LOGEVALL, FREDRIK, Choosing war : the lost chance for peace and the escalation of war in Vietnam. Berkeley, Calif., University of California Press, 1999. 529 tr.
McNAMARA, ROBERT S. và BRIAN VANDEMARK, In retrospect : the tragedy and lessons of Vietnam. New York, Times Books, 1995. 414 tr.
MOYAR, MARK, “Political monks : the militant Buddhist movement during the Vietnam War,” Modern Asian Studies, v. 38, no. 4 (2004): 749-784.
PORTER, GARETH, editor, Vietnam : the definitive documentation of human decisions. Stanfordville, N.Y., E.M. Coleman Enterprises, 1979. 2 quyển.
VĨNH NHƠN, “Tài liệu mật của C.I.A. về Đại Tá Phạm Ngọc Thảo”, Thời Báo, số 456 (26/09/1998): 78-84.