Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

LS Trần Vũ Hải đề nghị UBTV Quốc hội giải thích Điều 69 Hiến pháp:quyền biểu tình


Ngày 29/6/2011, luật sư Trần Vũ Hải đã gởi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, nhân kỳ họp từ 29/6 đến 30/6, đề nghị giải thích điều 69 của Hiến pháp, quy định rằng công dân có quyền biểu tình. Ban Việt ngữ RFI đã liên lạc trao đổi với luật sư Trần Vũ Hải về vấn đề này.
Phỏng vấn ông Trần Vũ Hải 05/07/2011


05/07/2011
RFI : Kính chào luật sư Trần Vũ Hải . Vì sao ông gởi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đề nghị giải thích điều 69 của Hiến pháp ?
Trần Vũ Hải : Về quyền của công dân Việt Nam, thì cá nhân tôi với tư cách vừa là nhà nghiên cứu vừa là luật sư đã nghiên cứu trong một thời gian dài, và thậm chí từ hồi tôi đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức cũ, nay là nước Đức. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các quyền của công dân của Việt Nam, đã được ghi đầy đủ trong Hiến pháp, khá giống nhiều nước trên thế giới, nhưng lại không được thực hiện một cách trọn vẹn.
Có nhiều quyền tuy ghi đầy đủ nhưng lại thòng thêm một câu là « theo quy định của pháp luật ». Riêng đối với quyền biểu tình cũng như các quyền công dân khác, thì điều 69 Hiến pháp quy định là có quyền biểu tình nhưng theo quy định của pháp luật. Như vậy muốn biểu tình lại phải tìm xem có quy định pháp luật nào tương ứng hay không. Mà quy định pháp luật ở đây, như tôi đã nói là quyền công dân theo điều 50, 51 thì do Hiến pháp và luật quy định, tức là nếu ghi như vậy phải có một luật về biểu tình, giống như đã có luật về báo chí.
RFI : Thưa ông, điều 50 của Hiến pháp Việt Nam quy định những gì ?
Trần Vũ Hải : Điều 50 Hiến pháp quy định rằng Nhà nước Việt Nam tôn trọng và thực hiện quyền con người về chính trị, kinh tế, xã hội. Ở đây trở lại với điều 69, quy định quyền biểu tình là quyền công dân cơ bản, là quyền con người về chính trị. Quyền này lại được quy định theo pháp luật, có nghĩa là phải được quy định trong một luật biểu tình.
Nhưng luật biểu tình thì lại chưa được ban hành, mà Hiến pháp thì có từ năm 1992, thậm chí từ năm 1946 đến giờ, khi Việt Nam độc lập, vẫn chưa ban hành luật biểu tình. Mà ở các nước khác theo chúng tôi được biết, đều có luật biểu tình. Từ đó chúng tôi đặt câu hỏi, ở đây là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải giải thích luật, Hiến pháp và pháp lệnh. Trong trường hợp Hiến pháp đã công nhận quyền biểu tình là quyền công dân cơ bản rồi, vậy người dân có quyền thực hiện không, khi mà luật biểu tình chưa được ban hành ?
Thì đấy là một câu hỏi mà tôi nghĩ phải giải quyết, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta thấy rằng người Việt Nam ở các nước khác được quyền biểu tình, và được cảnh sát bảo vệ. Nhưng mà trên chính đất nước mình, thì lại không được cho phép một cách đàng hoàng, và có một sự không khuyến khích, thậm chí ngăn chặn người biểu tình.
RFI : Thưa ông, trong khi chờ đợi sự ra đời của luật biểu tình, theo luật sư thì người dân có quyền biểu tình không ?
Trần Vũ Hải : Cá nhân tôi, với tư cách một luật sư, tôi cho rằng Hiến pháp đã quy định quyền đó là quyền công dân, thì phải là đương nhiên. Và đã là quyền đương nhiên thì luôn luôn phải có khả năng được thực hiện. Việc Nhà nước, cụ thể là Quốc hội, chưa ban hành luật biểu tình, thì đấy là trách nhiệm của Quốc hội. Nhưng không vì Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm của mình mà công dân bị mất đi cái quyền mà Hiến pháp quy định.
Do đó chúng tôi cho rằng quyền biểu tình là quyền đương nhiên của công dân, và suy rộng ra các quyền quy định trong Hiến pháp thì công dân đương nhiên được hưởng, và cá nhân tôi cho rằng việc hưởng quyền này là vô hạn. Tất nhiên nó chỉ giới hạn khi quyền đó xâm phạm đến lợi ích chính đáng của cá nhân khác, của tổ chức khác. Vì vậy công dân chỉ cần thông báo về địa điểm, về nội dung, ý nghĩa cuộc biểu tình.
Tất nhiên ở phía chính quyền nhiều người cũng lập luận rằng thực ra việc biểu tình cũng đã được quy định trong một nghị định ban hành năm 2005. Nghị định này do Bộ Công an đề xuất, nhằm mục đích giữ gìn trật tự. Theo nghị định này thì cứ hội họp, tụ tập từ 5 người trở lên thì phải xin phép, nhưng không nói rõ là tụ tập hội họp này có mục đích gì.
Chúng tôi cho rằng biểu tình cũng là tụ tập, hội họp nhưng mang tính chất chính trị, và đó là một quyền ghi trong Hiến pháp nên việc biểu tình không thể do nghị định trên điều chỉnh được. Bởi vì bản thân nghị định đó cũng không căn cứ vào Hiến pháp, mà lại căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ, và do Bộ Công an đề xuất. Trong khi đó lại chưa có luật biểu tình, như tôi đã phân tích. Chỉ có luật mới được quy định về quyền biểu tình của công dân, chứ nghị định không thể thay thế được luật. Và rõ ràng trong nghị định đấy không đề chữ biểu tình mà đề tụ tập thôi. Cho nên tôi nghĩ rằng nghị định đấy không phải là cơ sở để xin phép, cho phép hay là từ chối người dân biểu tình được, mà phải có luật biểu tình.
RFI : Ngay cả nghị định đó chắc cũng không có mấy người biết ?
Trần Vũ Hải : Theo tôi, nghị định đấy ít khi được áp dụng, nhưng mà có một nghị định năm 2010 thì lại nói vấn đề xử phạt. Tức là người nào mà tụ tập hội họp, sử dụng còi, loa v.v… ở nơi công cộng mà không được phép thì sẽ bị phạt từ năm trăm ngàn đến một triệu đồng, và bị tịch thu các phương tiện… thậm chí có thể bị tạm giữ về hành chính. Nghị định này cũng do ngành công an đề xuất, như vậy là phục vụ cho việc giữ trật tự, chứ không phải cho việc bảo đảm quyền của công dân.
Thì đúng là nhiều người không biết thật, và cũng ít khi áp dụng thật. Nhưng một ngày nào đấy người ta sẽ áp dụng. Lúc đó người dân sẽ đặt vấn đề, không, chúng tôi biểu tình là có mục đích chính trị. Biểu tình là ủng hộ hoặc phản đối một chính sách, một hành động nào đó, không phải là tụ tập để vui chơi giải trí hay là như anh Cường đô-la là để khoe xe, vân vân. Đó là những tụ tập không mang tính chất chính trị. Do đó không thể áp dụng được đối với chúng tôi.
Tuy nhiên cũng nói thật rằng cho đến hiện nay chưa có một vụ nào, một hành vi nào được coi là biểu tình trái phép ở Việt Nam cả. Những người tham gia biểu tình cũng bị xử lý, nhưng các cơ quan công an, an ninh lại đề xuất xử lý ở các hành vi khác chứ không phải hành vi biểu tình.
RFI: Thưa luật sư, trong tình hình Biển Đông đang căng thẳng hiện nay , sự ra đời của luật biểu tình có thể giúp cho người dân VN bày tỏ quan điểm của mình đồng thời làm chính quyền bớt e ngại không ?
Trần Vũ Hải : Ở đây tôi nghĩ khác một chút. Không chỉ có luật biểu tình, mà các luật khác cần phải được ban hành nếu liên quan đến quyền công dân Việt Nam. Bởi vì Việt Nam đã long trọng tuyên bố, đó là các quyền công dân phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các khế ước mà Việt Nam đã tham gia. Cá nhân tôi cho rằng những luật như luật về hội, về quyền được thông tin, về biểu tình, hội họp v.v…đều cần phải được ban hành. Và điều đó theo tôi cũng giúp cho chính phủ về nhiều mặt cả đối nội cũng như đối ngoại. Các phản ứng của người dân thì chính quyền cần được biết, từ đó điều chỉnh lại chính sách của mình, rút ra những sai lầm, và thậm chí trừng trị những người đã gây ra những sai lầm đó.
Đấy là về đối nội. Còn về đối ngoại, rõ ràng là khi có những sự việc như Biển Đông, thì người dân có toàn quyền thể hiện ý kiến của mình, bằng các cuộc biểu tình có trật tự, ôn hòa, và được Nhà nước bảo vệ. Tất nhiên ở đây chúng tôi cũng hiểu rằng về đối ngoại thì Nhà nước cũng e ngại. Nhưng nếu Nhà nước nói rằng người dân đang thực hiện luật biểu tình, chúng tôi không thể từ chối được. Nhà nước không tiến hành tổ chức biểu tình, thậm chí cũng không khuyến khích biểu tình, nhưng không thể từ chối được, vì đây là quyền công dân. Như vậy phía Trung Quốc hay phía nào đó không thể nói rằng Nhà nước khuyến khích biểu tình để bài Hoa, bài Trung Quốc.
Nếu có luật biểu tình, nhân dân được tự do thể hiện tinh thần yêu nước, thì tôi nghĩ rằng không chỉ hàng nghìn, mà hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn người sẽ tham dự. Đó cũng là một sức mạnh to lớn, thế giới nhìn vào sẽ thấy rằng người Việt Nam rất yêu hòa bình, nhưng cũng không chấp nhận bất kỳ một thế lực nào xâm phạm đến chủ quyền đất nước. Ngày 2/9/1945 khi Việt Nam mới độc lập thì cũng đã có hàng triệu người tham gia mít tinh biểu tình.
Tôi nghĩ những vấn đề lớn đụng chạm đến chủ quyền, đến tinh thần dân tộc, thì bất kỳ người Việt Nam nào cũng bức xúc. Các thế lực khác nhìn thấy sự thể hiện của người dân cũng phải e ngại, phải chùn bước, phải tính toán, và tốt nhất là không tìm cách tiếp tục gây hấn đối với một dân tộc sẵn sàng thể hiện ý chí của mình như vậy. Chính phủ cũng sẽ được giảm nhẹ trong vấn đề đàm phán với đối tác. Chính phủ sẽ nói rằng chúng tôi làm theo ý dân. Dân chúng tôi yêu cầu như vậy, chúng tôi đang chịu sức ép như vậy. Và chúng tôi yêu cầu các anh, cho dù có là đồng chí, có cùng hệ tư tưởng hay không, cũng phải chấp nhận những yêu cầu mà người dân đặt ra, mà cũng là yêu cầu chính đáng của Việt Nam.
RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Vũ Hải, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.


Quyền biểu tình của công dân Việt Nam
2011-06-30
Ngày 29/6/2011 Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội với tư cách công dân Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điều 69 Hiến pháp 1992, theo đó công dân có quyền biểu tình theo qui định của pháp luật.

kami's blog
Biểu tình chống TQ ở Hà Nội hôm 26/6/2011

Chưa có luật biểu tình

LS Hải đưa ra yều cầu này vì Quốc hội chưa ban hành luật biểu tình, giữa khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt nam. Và trong nhiều trường hợp chính quyền đã dùng võ lực để ngăn cản. 
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, từ Hà Nội Luật Sư Trần Vũ Hải phát biểu:   
Giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh, đấy là quyền hạn và nhiệm vụ của UBTV Quốc Hội. Yêu cầu của tôi, kiến nghị của tôi là thuộc quyền công dân, mà như tôi đã trích dẫn là quyền kiến nghị và quyền thảo luận những vấn đề chung liên quan đến nhà nước. Thư tôi gửi đúng địa chỉ nhưng mà cũng có thể họ nói rằng là có rất nhiều việc phải làm, họ ưu tiên giải quyết từng vấn đề. 
Đấy là chuyện của UBTV Quốc Hội và tôi nghĩ cũng không can thiệp được, nhưng mà tôi đang nêu vấn đề thuộc quyền hạn và trách nhiệm của Quôc Hội. Nếu UBTV Quốc Hội cho đây là một vấn đề đáng lưu tâm thì tôi nghĩ chắc họ phải giải quyết. Cá nhân tôi thì tôi cho rằng đây là vấn đề đáng lưu tâm. Đấy là một quyền con người, quyền cơ bản ghi trong hiến pháp.
Nam Nguyên : Ở Việt Nam, thưa Luật Sư, có thể tiến tới biểu tình có xin phép, được nhân viên công lực giữ trật tự và bảo vệ như ở các nước khác hay không ạ?
LS Trần Vũ Hải : Nói chính xác là chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp gì đó đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép. Kiểm tra cái nghị định này thì cái nghị định này căn cứ vào luật tổ chức chính phủ chứ không căn cứ vào hiến pháp, và nghị định này do Bộ Công An đề xuất, tức là nhằm làm nhiệm vụ để giữ gìn trật tự, đúng không ạ? Thế thì tôi cho rằng đây là vấn đề trật tự, không phải là biểu tình. 
Biểu tình là có mục đích chính trị rõ ràng là để ủng hộ hay phản đối ai, hoặc là chính sách hay hành vi, cho nên cái nghị định này, cái nghị định của chính phủ năm 2005 không  nằm trong phạm vi, không thể đồng nhất với biểu tình. Bởi vì thứ nhất cái nghị định này không căn cứ vào hiến pháp, cái thứ hai là biểu tình là một quyền chính trị.

Điều 50 của Hiến Pháp có nói là có 3 loại quyền con người được thể hiện theo hiến pháp và luật, là quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hóa. Hiện nay Hiến Pháp đã quy định quyền biểu tình, nhưng lại "theo quy định của pháp luật" tức là ý nói rằng phải có luật về biểu tình, thế thì đáng tiếc là chưa có. Mới có luật về báo chí để nói về vấn đề báo chí, nhưng mà chưa có luật biểu tình.
Nói chính xác là chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép. 
LS Trần Vũ Hải
Tôi cho rằng cái nghị định năm 2005 là không bao gồm vấn đề biểu tình ở đây. Đây là một cái trách nhiệm của Quốc Hội phải ban hành, nhưng chưa ban hành. Bây giờ để giải quyết tình huống ấy, theo luật thì BTV có quyền giải thích điều luật ấy cần phải được hiểu như thế naò. Khi chưa có luật thì đương nhiên được hưởng hay là phải đợi đến khu luật biểu tình ra đời.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng phải thấy rằng khi có vấn đề gì thì công an, lực lượng an ninh, lực lượng trật tự có nghĩa vụ phải đảm bào rằng là sẽ không có phát sinh những vấn đề gây rối, những vấn đề quá khích. Thì tôi nghĩ ở bất kỳ đất nước nào các lực lượng an ninh trật tự cũng phải làm nhiệm vụ đó.
Nam Nguyên : Thưa Luật Sư, thí dụ người biểu tình có xin phép, chẳng hạn bây giờ tạm gọi là tụ tập theo như những luật lệ hiện hành ở Việt Nam, nhưng họ rất dễ bị ghép tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc là tuyên truyền chống chính phủ.
LS Trần Vũ Hải : Nhưng mà tôi thấy rằng chưa có căn cứ để xin phép hay không. Tụ tập không phải là biểu tình. Tụ tập có mục đích chính trị thì là biểu tình. Không có luật biểu tình thì làm sao có căn cứ mà giải quyết.

Quyền bày tỏ ý kiến

Nam Nguyên : Thế thì trong tình hình như bây giờ đâm ra nó bế tắc, thì những cuộc biểu tình đó...
LS Trần Vũ Hải : Thì đấy là trách nhiệm của UBTV Quốc Hội. Người ta thấy việc này là việc đáng lưu tâm thì người ta phải giải quyết, còn công dân thì đấy là việc đương nhiên, như quyền suy nghĩ, vân… vân, công dân họ có quyền nghĩ như vậy.
Nam Nguyên : Xin phép hỏi Luật Sư một câu là vừa qua có một tuyên cáo của nhân sĩ trí thức phản kháng Trung Quốc thì cũng có đề cập chuyện biểu tình bị ngăn cản, Luật Sư có ký tên vào tuyên cáo này hay không, và hình thức tuyên cáo chính trị như thế rất là hiếm thấy ở Việt Nam.

LS Trần Vũ Hải : Theo tôi thì trong Hiến Pháp cũng có nói tới quyền tự do bày tỏ rồi. Theo tôi, hiện nay có một quan điểm mà tôi nghĩ là đúng đắn, là cái gì ghi trong hiến pháp là đương nhiên được hưởng, nếu không có các quy định khác, mà nếu có, tôi cho rằng đấy là vô hạn, mà chỉ hạn chế ở chỗ không xâm phạm tới lợi ích chính đáng của người khác, của tổ chức khác. Còn nếu mà có luật thì lúc đó luật phải quy định những điều kiện, mà những điều kiện đấy cũng không được phép gây cản trở, biến cái quyền của hiến pháp trở thành cái quyền không thực hiện được. 
Luật là phải làm thế nào để cái quyền của hiến pháp dễ thực hiện và thực hiện được. Còn nếu luật chưa quy định thì trách nhiệm đấy là của quốc hội, mà nếu không làm tròn thì người công dân phải có quyền. Như tôi nghĩ quyền sống là cái quyền đương nhiên, quyền bày tỏ ý kiến, quyền suy nghĩ, vân vân, thì đấy là những quyền đương nhiên, không ai hạn chế được.
Nam Nguyên : Nhưng trên thực tế thì có nhiều điều trong hiến pháp đã minh thị như thế nhưng mà...
LS Trần Vũ Hải : Đấy là có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này và chúng tôi cũng có quan điểm như vậy; chúng tôi nghĩ rằng là càng ngày, nhất là giới trẻ hiện nay họ đã không bị hạn chế bởi vì cái giáo dục gọi là giáo dục bảo thủ của Việt Nam, họ có những tiếp cận với internet, có những tiếp cận với những nền văn minh khác, với pháp luật của các nước khác, thì tôi nghĩ rằng giới trẻ sẽ có những suy nghĩ khác. Có thể do điều kiện của Việt Nam, do chiến tranh, do những năm gian khổ, người ta có thể có những quan niệm khác, nhưng mà dần dần cái sự văn minh, trí thức của thế giới sẽ đến với Việt Nam và họ sẽ có những thay đổi quan điểm.
Nam Nguyên : Cảm ơn Luật Sư Trần Vũ Hải rất nhiều. 

Nguồn

-LS Trần Vũ Hải đề nghị UBTV Quốc hội giải thích Điều 69 Hiến pháp:quyền biểu tình
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******
Hà nội ngày 29 tháng 6 năm 2011
KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN TRẦN VŨ HẢI
ĐỀ NGHỊ UBTVQH GIẢI THÍCH ĐIỀU 69- HIẾN PHÁP

Kính gửi: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (UBTVQH)
Tôi, Trần Vũ Hải, công dân của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt  Nam (CHXHCNVN), địa chỉ liên hệ tai: 81 phố Chùa Láng, Đống đa, Hà Nội và 227 đường Hùng Vương, Quận 5, T.p Hồ Chí Minh, hiện đang hành nghề luật sư.
Theo Điều 53- Hiến pháp hiện hành của nước CHXHCNVN 1992 (“HP 1992”) “Công dân có quyền…tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, …

Với tư cách công dân của nước CHXHCNVN, tôi xin kiến nghị UBTVQH thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo Khoản 3, Điều 91 của HP 1992 “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;”. Cụ thể, tôi đề nghị UBTVQH giải thích Điều 69-Hiến pháp 1992 “Công dân có quyền …biểu tình theo quy định của pháp luật.”.
Theo quy định của Điều trên và phù hợp với Điều 50-HP 1992, biểu tình là một quyền công dân cơ bản (quyền con người về chính trị), được tôn trọng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Quốc hội chưa ban hành Luật Biểu tình. Vậy tôi đề nghị UBTVQH giải thích, trong trường hợp Quốc hội chưa ban hành Luật Biểu tình, công dân Việt Nam có quyền thực hiện một quyền công dân cơ bản  là quyền biểu tình không ?
Quan điểm của tôi với tư cách một luật sư: trong trường hợp Quốc hội chưa ban hành Luật Biểu tình, công dân Việt Nam vẫn có quyền biểu tình vì đây là quyền công dân cơ bản (quyền con người về chính trị), được Nhà nước CHXHCNVN tôn trọng và bảo đảm theo Điều 50 Hiến pháp 1992. Để thực hiện quyền này, công dân chỉ cần thông báo công khai về mục đích và địa điểm biểu tình.
Tôi đề nghị UBTVQH sớm giải quyết kiến nghị này trong phiên họp UBTVQH lần thứ 41 (từ ngày 29 đến 30/6/2011) để công dân Việt nam yên tâm thể hiện tinh thần yêu nước, thực hiện quyền biểu tình phản đối những chính sách và hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam và ủng hộ những đường lối, hành động đúng đắn để bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích dân tộc của Việt Nam.
Trân trọng
                                                                             Luật sư  Trần Vũ Hải
(Kiến nghị đã được gửi tới UBTVQH hôm nay 29-6-2011)

Tổng số lượt xem trang