Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

“Phố người Hoa” và kiểu lý luận của chủ đầu tư


- -- “Phố người Hoa” và kiểu lý luận của chủ đầu tư (TVN). đã bị xóa: lưu ở báo mới --

Chủ đầu tư xây dựng khu đô thị cho người Hoa ở TP. Bình Dương mới cho rằng báo chí thông tin sai lệch vì Đông Đô Đại Phố không phải xây dựng dành riêng cho người Hoa. Nhưng đáng tiếc, chính trang web của công ty này khẳng định điều ngược lại.
Phố người Hoa: Sự thật có hay không?


Ngày 29/06/2011, ngay sau khi đăng bài viết "Khi người Việt Nam xây dựng phố dành riêng cho người Hoa", Tuần Việt Nam nhận được công văn số 93A/ Becamex- PKD của Công ty Becamex IJC gửi báo điện tử VietNamNet cho rằng, báo đã đăng tải những quan điểm chủ quan, thiếu chính xác, không đầy đủ và gây nên những hiểu lầm đáng tiếc về dự án Đông Đô Đại Phố.
Theo đó, văn bản của công văn cho rằng:
Dự án Đông Đô Đại Phố được thiết kế nhằm cung cấp các dịch vụ dành cho những doanh nhân, doanh nghiệp châu Á đang sinh sống và làm việc tại tại Bình Dương, không phải dành riêng cho đối tượng là người Hoa như bài viết đã đề cập.
Nếu người nước ngoài muốn mua nhà cũng phải tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở theo pháp luật Việt Nam ban hành. Đông Đô Đại Phố không phải là dự án được xây dựng để bán riêng cho người Trung Quốc nhập cư như quý báo so sánh.
Công ty không dành sự "ưu ái" riêng cho cộng đồng người Hoa, và khẳng định rằng đây là dự án bất động sản mang tính thương mại dịch vụ, không mang bất kỳ môt yếu tố màu sắc chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào.
Công ty Becamex IJC còn "phản đối việc suy diễn những thông tin về định hướng phát triển dự án theo các hướng khác ngoài hướng thương mại và dịch vụ vừa kể trên".
Trước văn bản kiến nghị của công ty Becamex IJC, chúng tôi buộc lòng phải truy cập đường link vào trang Web của chủ đầu tư. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, những gì mà Tuần Việt Nam tìm hiểu được, không hề sai lệch so với những nội dung mà bài báo đã nêu, ngày 29/06/2011
Trang web của công ty Becamex IJC nói gì?
Để rộng đường dư luận và tôn trọng sự thật, Tuần Việt Nam chúng tôi xin trích đăng một số nội dung cơ bản, có ảnh kèm, mà trang web này đã quảng cáo cho chính dự án Đông Đô Đại Phố:
Đông Đô Đại Phố - China Town - TP mới Bình Dương. Phố người Hoa tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương. Chủ đầu tư Becamex IJC.
Thứ hai, ngày 30 tháng năm năm 2011

Becamex IJC: Khởi Công Xây Dựng Trung Tâm Thương Mại Đông Đô - TP Mới Bình Dương

Được đăng bởi Đông Đô Đại Phố vào lúc 12:00
...Là tâm điểm nổi bật của dự án Đông Đô Đại Phố, trung tâm thương mại Đông Đô được xây dựng trên diện tích 8146 m2, có 3 mặt tiền giáp với đường lớn rộng 35m, cao 3 tầng với đầy đủ các dịch vụ kinh doanh thương mại như khu bán thời trang, đồ gia dụng, điện tử, nội thất khu ẩm thực và giải trí, được thiết kế sang trọng hài hoà giữa phong cách hiện đại mà vẫn mang đậm nét kiến trúc truyền thống của người Hoa.
Toàn cảnh buổi lễ khởi công xây dựng trung tâm thương mại Đông Đô ngày 22.05.2011
Sự kết hợp tài tình trong cách bố trí màu sắc và những biểu tượng truyền thống của người Hoa, tượng trưng cho sự thịnh vượng, vương giả và trường tồn với thời gian. Phối cảnh trung tâm thương mại Đông Đô
Bên lề buổi lễ, rất nhiều khách hàng có mặt tại buổi lễ đã bày tỏ niềm tin tưởng vào một khu đô thị phồn thịnh và sầm uất bậc nhất tại thành phố mới Bình Dương sắp được hình thành trong tương lai không xa.
Anh Quốc Tuấn- một trong những khách hàng đầu tiên đến tham dự cho biết " Tôi đã nghiên cứu và đầu tư rất nhiều dự án tại Thành phố mới Bình Dương. Nhưng lần đầu tiên, tôi nghe nói đến một dự án được thiết kế dành riêng cho người Hoa. Tôi đã quyết định đến tham quan và tìm hiểu thêm thông tin về dự án Đông Đô Đại Phố và đã thật sự bị thuyết phục bởi những lối thiết kế rất sang trọng mang phong cách truyền thống của người Hoa và trên hết những tiện ích xung quanh mà dự án đem lại"

Theo ông Lương Ngọc Tiến - Giám đốc Kinh doanh và Phát triển dự án Becamex IJC cho biết : " Một khu đô thị sẽ không có "sự sống" đúng nghĩa nếu như không có đầy đủ các dịch vụ cộng đồng và tiện ích xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ khởi công xây dựng trung tâm thương mại Đông Đô song song với việc triển khai những hạng mục khác của dự án, để khi bàn giao nhà cho khách hàng cũng là lúc các dịch vụ tiện ích quan trọng được hoàn thành, đảm bảo cuộc sống tiện nghi và đẳng cấp cho những cư dân sinh sống tại Đông Đô Đại Phố."

...Đông Đô Đại Phố là dự án khu đô thị thương mại đầu tiên dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương, được xây dựng trên tổng diện tích rộng 26ha, với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 nghìn tỉ đồng chia thành nhiều phân khu chức năng như nhà phố, văn phòng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại.
Với vị trí đắc địa - gần trung tâm hành chính- chính trị, trung tâm văn hoá, cách chùa Bà Thiên Hậu chỉ 80m, và nhiều dịch vụ tiện ích khác như phố đi bộ, khu ẩm thực, siêu thị, sau khi hoàn thành, Đông Đô Đại Phố sẽ là khu thương mại phồn thịnh và sung túc bậc nhất tại thành phố mới Bình Dương, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực và là cầu nối thương mại giữa Bình Dương và quốc tế.
Những câu hỏi tại sao?
Nếu bạn đọc, đọc được những dòng quảng cáo trên, liệu họ sẽ nghĩ gì về bản chất của dự án Đông Đô Đại Phố- như chính website này tự quảng cáo, là "dành cho người Hoa tại thành phố mới Bình Dương". Xin lưu ý là ngay cái tên gọi dự án- Đông Đô Đại Phố- cũng khó có thể gọi là một cái tên thuần Việt, ngay trên đất nước Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình lúc 17h ngày 30/6/2011, website của Becamex IJC.
Cũng ngay sau khi đăng tải bài báo trên, rất nhiều bạn đọc của Tuần Việt Nam đã email và đặt câu hỏi: Tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là "trung tâm hành chính" trong tương lai của một tỉnh?
Và cũng trong thời buổi Internet đến tận từng ngõ ngách, mọi thông tin rất khó có thể dấu kín. Sự trung thực trong kinh doanh, không chỉ ở việc làm, mà còn ở ngay lời nói, một lần nữa lại được đặt ra. Có khi không cần phải trên bàn đàm phán giữa các đối tác làm ăn, mà chỉ cần trên một trang web nhỏ của một công ty, hay một công văn nhỏ gửi báo điện tử.
Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái? Đây là những câu hỏi bình thường, chỉ là những nghi ngại vì đã từng có những sự việc tương tự xảy ra.
Tại sao chúng ta không để cộng đồng người Hoa sống hòa hợp và phát triển một cách tự nhiên cùng các cộng đồng người nước ngoài khác mà phải xây dựng khu dành riêng? v...v và v...v.
Đương nhiên, trong thời hiện đại này, kinh tế luôn gắn liền với văn hóa, giáo dục và an ninh xã hội. Đất nước ta đang sống trong thời điểm cực kỳ nhạy cảm. Những người làm doanh nghiệp không chỉ chạy theo lợi ích, mà còn phải khôn ngoan, và hiểu mình nên chọn lựa hướng kinh doanh như thế nào, để tránh những hệ lụy không đáng có.
Trong bài viết "Phố người Hoa- chính sách hay tầm nhìn?", cũng đăng trên Tuần Việt Nam mới đây, ngày 30/6/2011, có một câu rất đáng suy ngẫm: "Nước mất, nhà tan" ai cũng biết nhưng câu nói " mất giống thì mất nước" chắc ít người để ý.
Và cũng trong thời buổi Internet đến tận từng ngõ ngách, mọi thông tin rất khó có thể dấu kín. Sự trung thực trong kinh doanh, không chỉ ở việc làm, mà ngay lời nói, một lần nữa lại được đặt ra, có khi không cần phải trên bàn đàm phán giữa các đối tác làm ăn, mà chỉ cần trên một trang Website nhỏ của một công ty, hay một công văn nhỏ gửi báo điện tử.



- Phố người Hoa ở Việt Nam – chính sách hay tầm nhìn? (TVN)Câu nói “nước mất, nhà tan” ai cũng biết nhưng câu nói “ mất giống thì mất nước” chắc ít người để ý.
Khi còn là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi được xem một bộ phim có tên gọi "Nước Nhật bản chìm dưới đáy biển". Bộ phim khoa học viễn tưởng này nói về một thảm họa khiến nước biển dâng cao và nước Nhật bị chìm dần. Nhật hoàng và Chính phủ Nhật kêu gọi toàn thế giới giúp đỡ và cho phép người Nhật tạo nên những thành phố hoặc những ngôi làng trong lãnh thổ của họ để duy trì dân tộc Nhật.
Đồng hóa và rào dậu?


Người Trung quốc nói rằng họ không giúp được. Người Nga nói rằng hạm đội của họ yếu không vượt qua được giông bão. Người Mỹ nói rằng hạm đội của họ sẽ đến sau một thời gian... Trước khi xem phim chúng tôi được một cán bộ Bộ Ngoại giao giải thích vì sao lại chiếu bộ phim này cho sinh viên Bách Khoa xem. Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua rồi và tôi không sao quên được những tình tiết của bộ phim đó.
Một lần tôi về thăm đền thờ vua Đinh vua Lê gặp một cụ già người địa phương. Cụ già nói ở đền thờ Vua có có một bức hoành phi ghi bốn chữ "Bắc môn tỏa thược". Theo lời giải thích của cụ, Đức Vua dạy con cháu đời sau rằng cái cửa ở phương bắc cần phải được rào dậu cẩn thận. Cụ già còn nói thêm, có viên Đại sứ khi đến thăm di tích đọc được câu đó liền quay xe về Hà Nội.
Gần đây một nhà nghiên cứu về tôn giáo có nêu nhận xét rằng "người  Việt Nam dễ thích nghi với hoàn cảnh như con kỳ nhông dễ biến màu". Xem ra lời dạy của tiền nhân chúng ta rất chóng quên, còn cái lợi trước mắt dễ làm chúng ta "lóa mắt". Điểm lại lịch sử các quốc gia hùng mạnh đa sắc tộc tạo lập được bằng sức mạnh quân sự như đế quốc Nguyên Mông, La Mã,... không sớm thì muộn đều bị tan rã.
Chỉ các quốc gia có một dân tộc chiếm đa số lãnh đạo các dân tộc thiểu số khác mới có thể tồn tại lâu dài như Trung Quốc, Ấn Độ... Nói như vậy để thấy rằng dùng vũ lực chiếm đất không phải là kế lâu dài, đồng hóa dân tộc mới là "thượng sách". Người Mông Cổ chiếm Trung Quốc lập nên nhà Nguyên, người Mãn chiếm Trung Quốc lập nên nhà Thanh nhưng rồi chính kẻ thống trị lại bị người Hán đồng hóa. Đất của người Mông Cổ, của người Mãn Thanh bây giờ  thành đất của Trung Quốc.
Người xưa có câu: "Than ôi Bách Việt hà san, vinh quang cũng lắm, gian nan cũng nhiều" để nói về người Việt cổ. Cả trăm bộ tộc Việt ở phía nam sông Dương Tử, nay chỉ còn lại 2 bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt đoàn kết thành lập nên nhà nước Âu Lạc truyền đến ngày nay cho con cháu Việt Nam.
Giữa trung tâm thành phố Ninh Bình có một dãy núi đá tên là núi Cánh Diều. Tương truyền rằng Cao Biền vì thấy đất Giao chỉ có rất nhiều linh huyệt là nơi phát tiết nhân tài nên đã cưỡi diều bay sang. Từ trên lưng diều thấy chỗ nào có linh khí bốc lên là Cao Biền yểm huyệt đó nhằm làm cho nước Nam hết nhân tài.
Đến Ninh Bình linh khí núi sông tụ lại như một đạo kiếm khí chém gãy cánh diều khiến cho con diều rơi xuống hóa thành ngọn núi, người đời sau gọi là núi Cánh Diều, tên đó lưu truyền đến ngày nay.

Đông Đô Đại Phố là khu phố được xây dựng dành riêng cho người Hoa
Lợi trước mắt, họa lâu dài
Nói một vài điều về lịch sử để thấy rằng chúng ta, con cháu ngày nay rất chóng quên lời dạy của tiền nhân. Nhìn thấy cái lợi con con trước mắt mà quên cái hiểm họa nghìn đời.
Các nước phương tây như Mỹ, Anh, Pháp người ta tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các nhà tư bản lắm tiền nhiều của định cư, sinh sống lâu dài. Người Việt Nam giỏi giang ra nước ngoài sinh sống không ít, như Ngô Bảo Châu, như Đặng Thái Sơn... Thậm chí có người một trăm phần trăm dòng máu Việt còn làm Phó Thủ tướng Đức. Vậy tại sao chúng ta lại nhập khẩu thợ thuyền kể cả người lao công quét rác?
Câu nói "nước mất, nhà tan" ai cũng biết nhưng câu nói "mất giống thì mất nước" chắc ít người để ý.
Đất nước ta có 54 dân tộc, có dân tộc lấy họ Hồ (Hồ Chí Minh) để con cháu đời đời ghi nhớ mình là con dân đất Việt. Còn những đưa bé lai mà cha chúng đang làm trong các nhà máy, công trường thì sao? Đương nhiên chúng sẽ mang quốc tịch của bố chúng nhưng lại có hộ khẩu và quyền công dân Việt Nam.
100 năm với đời người là dài, 1000 năm với lịch sử dân tộc là ngắn. Ngày xưa mọi sự kiện diễn ra chậm chạp, ngày nay mọi sự kiện diễn ra rất nhanh chóng.
Mùa hè về vải thiều bán đầy chợ nhưng không nghe thấy tiếng chim tu hú, thế hệ trẻ liệu có biết chim tu hú sinh sản ra sao? Liệu chúng ta có biết hàng bầy tu hú đang lượn lờ khắp trên trời dưới biển?
Theo tôi vấn đề này- xây phố người Hoa-  cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị. Như trong trường hợp xây dựng Đông Đô Đại Phố của công ty Becamex nếu không được cấp giấy phép thì không thể nào công ty tiến hành dự án được. Dù hiện nay và sắp tới đây sẽ có nhiều người Trung Quốc vào Việt Nam và hiện tại có một bộ phận không nhỏ người Hoa sống tại nước ta, tôi không thấy có lý do gì xác đáng để nói rằng cần phải xây dựng một khu phố riêng cho họ.
Thứ nhất về lối sống, cách sinh hoạt của người Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với chúng ta. Những người mới đến chắc chắn không gặp quá nhiều khó khăn để thích nghi, còn cộng đồng Hoa kiều vốn trước nay vẫn sống hoà đồng cùng người Việt và không có trở ngại gì.
Thứ hai xây dựng một khu phố riêng của người Hoa như vậy - và dự án do một công ty Việt Nam, và người Việt Nam thực hiện sẽ gây phản cảm đối với người dân trong nước. Bởi theo như quảng cáo về Đông Đô Đại Phố của Becamex, người dân không gốc Hoa chẳng có lý do gì mua nhà ở đây. Việc xây dựng một dự án như thế này sẽ làm người lao động gốc Hoa đến Việt Nam và cộng đồng Hoa kiều ở nước ta xa rời cộng đồng người Việt. Điều này hoàn toàn trái với văn hoá Việt Nam vốn nổi tiếng thân thiện và hoà đồng.
Điều quan trọng nhất, cần được thẳng thắn nhìn nhận là vấn đề văn hoá. Không thể phủ nhận người Trung Quốc dù ở đâu cũng có một cộng đồng rất mạnh. Và khác với nhiều cộng đồng người các nước khác, người Trung Quốc thường có xu hướng dùng văn hoá của mình lấn át người khác (có thể do họ có lợi thế người đông?), nên mới thường có khu phố Tàu ở bất cứ nơi đâu họ di cư đến, thay vì hoà nhập vào xã hội ở những nước đó.
Thêm với việc vốn văn hoá Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, việc tràn lan các dự án phố cho người Hoa - hoàn toàn có thể xảy ra do cộng hưởng theo dự án của Becamex - sẽ làm cho nỗ lực quảng bá và xây dựng một nền văn hoá đậm bản sắc Việt không còn ý nghĩa nữa.
Và đúng như bài báo Khi người Việt Nam xây phố riêng cho người Hoa? (VietNamNet, 29-6-2011) đã đề cập, những khu phố Tàu nếu cần nên được dựng nên bởi người Hoa, chứ không phải người Việt, theo quy luật và nhu cầu tự nhiên. Hy vọng rằng sẽ không có công ty nào theo bước Becamex và ban quản lý đô thị các địa phương cần cẩn trọng hơn trong việc cấp giấy phép cho những dự án như thế này.
(Bạn đọc: Hạnh Nguyên)

. Khi người Việt Nam xây phố dành riêng cho người Hoa?
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên?
>> "Phố Trung Quốc" ở Ninh Bình
"Xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ
Người Trung Quốc (người Hoa) di cư vào làm ăn, sinh sống tại Việt Nam từ rất lâu đời. Lần đầu tiên người Hoa di cư vào Việt Nam được ghi nhận là từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong suốt 2 thiên niên kỷ tiếp sau đó, nhiều làn sóng người Hoa di cư sang Việt Nam với nhiều nguyên nhân, từ quan, lính, tội phạm ... đến những người phải trốn chạy khỏi các cuộc nội chiến triền miên ở Trung Quốc.
Sau những biến cố lịch sử, người Trung Quốc di cư đến Việt Nam ngày càng đông. Họ cư trú tập trung ở những nơi có điều kiện buôn bán và dần dần hình thành nhiều khu phố người Hoa. Đó là đô thị thương mại Vân Đồn thế kỷ 15, đô thị phố Hiến thế kỷ 16, đô thị Hội An thế kỷ 17 và đậm nét nhất phải kể đến là khu Sài Gòn - Chợ Lớn thế kỷ 18, 19.
Ngày nay, làn sóng di cư người Trung Quốc sang Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Không giống như trước đây, người Trung Quốc đang di cư sang Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu là lao động phổ thông từ các gói thầu EPC. Theo thống kê không chính thức của các cơ quan báo chí thì hiện có khoảng 90% gói thầu EPC đang được các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, trong đó, ngoài các nguyên vật liệu, thiết bị cần thiết thì ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng được các nhà thầu này "xuất khẩu" sang Việt Nam.
Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng có thể nói số lượng người Trung Quốc nói riêng và người gốc Hoa nói chung đang hiện diện trên đất nước Việt Nam là rất lớn. Có lẽ, trong tất cả các sắc dân nước ngoài đang sống trên lãnh thổ Việt Nam thì người Hoa là cộng đồng dân cư nước ngoài có số lượng đông nhất.

Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?
Công bằng mà nói thì người Hoa cũng đã ít nhiều góp phần vào sự phát triển kinh tế và làm tăng tính đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ồ ạt những đối tượng lao động nhập cư đến từ Trung Quốc đang gây nên những mối lo ngại về an ninh trật tự nơi người Trung Quốc cư ngụ đông như đã từng xảy ra ở Ninh Bình và đang góp phần đẩy người lao động Việt Nam đến chỗ thiếu công ăn việc làm.
Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc "xuất khẩu" nông dân sang châu Phi thì một lần nữa họ lại rất thành công trong việc "xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ sang các nước mà các nhà thầu mang quốc tịch Trung Quốc đang chiếm nhiều ưu thế như Việt Nam.
Khác với các quốc gia ở châu Phi, Việt Nam là một quốc gia với đặc điểm đất chật, người đông và nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Hiện nay, nhiều khu đất canh tác truyền thống thuộc dạng "bờ xôi, ruộng mật" đang dần nhường chỗ cho các dự án khác như khu công nghiệp, sân golf, ... Người Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu đất canh tác và đất ở nghiêm trọng. Nếu phải gồng mình chia sẻ tài nguyên đất đai vốn dĩ hạn hẹp với người dân nhập cư ồ ạt đến từ Trung Quốc thì không biết trong vài chục năm nữa, người dân Việt Nam sẽ đi về đâu?
Do điều kiện lịch sử, xã hội, cũng là một sự giao lưu tự nhiên, và do đặc điểm dân số quá đông của Trung Quốc, mà đến ngày nay, tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên trái đất đều có sự hiện diện của cộng đồng người Hoa làm ăn, sinh sống. Tại đây, họ đều để lại những dấu ấn đậm nét Trung Hoa. Đó là những khu phố người Hoa không lẫn vào đâu được đang nằm rải rác khắp thế giới.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là những khu phố người Hoa này đều do chính những người Hoa di cư đến tự thành lập và xây dựng nên. Sự có mặt và thành công của họ cũng chính là góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà họ đang sinh sống.

Khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương
Quyết định "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa?
Trước những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đất đai đang rất hạn chế như đã nói đối với Việt Nam và lịch sử hình thành của những khu phố người Hoa trên khắp thế giới, thì việc xây dựng một khu phố mới toanh đặc biệt chỉ dành cho người Hoa như khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương, thực sự đang gây nên nhiều quan ngại. Khu phố này do chính Công ty Becamex IJC tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Nhiều người sẽ đặt ra những nghi vấn rằng tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là trung tâm hành chính trong tương lai của một  tỉnh? Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc phải không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái?
Trong những năm qua, tại một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh bỗng đều đang có ý định "dời đô". Trong đó Bình Dương là một tỉnh đi đầu trong việc xây dựng một thành phố mới, là bước đệm cho việc di dời các cơ quan hành chính chủ chốt của tỉnh về thành phố này. Điều đáng nói là ngay sau khi đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, ... thì Bình Dương cho tiến hành ngay dự án dành riêng cho người Hoa? Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên? Khi đó, liệu người Việt Nam có bị đẩy lùi ra khỏi khu trung tâm của những thành phố mới trong tương lai? Và, khi bắt tay xây dựng những khu phố "dành riêng" khác tương tự liệu các nhà đầu tư Việt Nam có khi nào nghĩ đến trong một tương lai không xa, người Việt Nam sẽ không còn được làm chủ trên chính mảnh đất của mình?

Tổng số lượt xem trang