Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Minh bạch giám sát đầu tư công

(Tamnhin.net) - Dự án “Hệ thống thông tin phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2013.

Dự án này được thực hiện theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 về phê duyệt Chương trình quôc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Mục tiêu của dự án là nhằm xây dựng hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước tại Bộ KH-ĐT và các đơn vị liên quan của các bộ, ngành và địa phương.

Trong đó, dự án sẽ được đầu tư về hệ thống thiết bị kỹ thuật để xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước.

Xây dựng cơ sở dữ liệu các quy định, hướng dẫn về quản lý đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước và các văn bản liên quan; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước; Các phần mềm ứng dụng để cập nhật và tra cứu thông tin; Quy trình quản lý chất lượng thông tin và dữ liệu của Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước…

Bộ KH-ĐT cho biết, dự án hiện trong giai đoạn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và sẽ trình thẩm định, phê duyệt đầu tư trong đầu tháng 10/2011.

Khi dự án chính thức vận hành sẽ góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động giám sát, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước nói riêng, quản lý hoạt động đầu tư sử dụng vốn của Nhà nước nói chung.

Các chuyên gia cho rằng, dự án chính thức vận hành sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách cập nhật được những thông tin xác thực, minh bạch, cấp thiết phục vụ công tác để có thể cảnh báo nghiêm túc và kiến nghị Chính phủ chấn chỉnh.

Chính những thông tin phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá tổng thể về đầu tư năm 2010 của Bộ KH-ĐT đã cho thấy tình trạng chậm tiến độ thực hiện dự án sử dụng vốn Nhà nước còn khá lớn, dù so với các năm trước đã giảm nhiều. Cụ thể, trong số 34.607 dự án đang thực hiện đầu tư, có tới 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ. Điều đáng nói là trong số này có nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng có xu hướng tăng dần trong các năm gần đây (tỉ lệ dự án chậm tiến độ năm 2009 là 16,9%, năm 2008 là 16,6% và 2007 là 14,8%).

Các chuyên gia của Bộ KH-ĐT nhận định: Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do việc chậm giải phóng mặt bằng (1.345 dự án, chiếm 3,89% tổng số dự án thực hiện), nhưng không ít trong số này là do năng lực của chủ đầu tư, từ ban quản lý dự án và các nhà thầu yếu kém (chiếm 685 dự án, tỉ lệ 1,98%); do thủ tục đầu tư (535 dự án, chiếm 1,55%); do chậm bố trí vốn (500 dự án, chiếm 1,44%) và nhiều nguyên nhân khác (727 dự án, chiếm 2,1%).

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc, khác với các năm trước, năm 2011 Chính phủ chỉ đạo thực hiện cắt giảm đầu tư công bằng việc không kéo dài thời gian giải ngân trong kế hoạch 2011, không ứng trước vốn kế hoạch 2012. Đồng thời với đó, Chính phủ mạnh tay cắt giảm 32% vốn trái phiếu chính phủ, giảm 10% vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thì tổng số đã giảm được khoảng 50.000 tỉ đồng; bên cạnh đó, số vốn cắt giảm do thực hiện các giải pháp quy định tại Nghị quyết số 11 là 46.888,3 tỉ đồng, trong đó riêng vốn ngân sách nhà nước cắt giảm là 5.128 tỉ đồng, vốn trái phiếu chính phủ là 2.547,5 tỉ đồng; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm 39.212,2 tỉ đồng. Bộ trưởng cho biết, việc điều chuyển, cắt giảm dự án trong nội bộ từng ngành, từng địa phương sẽ theo phương châm tập trung vào các dự án cấp bách, cần thiết cho phát triển kinh tế, cho nhu cầu xã hội, dân sinh.

Tuy nhiên, chính những thông tin phục vụ theo dõi, giám sát và đánh giá cho thấy nhiều địa phương đã bộc lộ những khó khăn như trước đây. Khi còn được ứng trước vốn năm sau cho thực hiện năm trước, các địa phương khá chủ động trong đầu tư thì nay việc này sẽ không còn nữa. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, do không được ứng vốn nên nhiều đơn vị đã bắt đầu không có vốn, nhiều công trình đang thi công hết vốn có khả năng phải dừng lại. Đây là một thực tế nên khi tổ chức các đoàn đi kiểm tra, Bộ KH-ĐT đã nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải cân đối vốn cho những công trình thực sự cần thiết. Những công trình chưa có khả năng hoàn thành trong năm thì dừng đầu tư.

Cắt giảm đầu tư công, theo các chuyên gia kinh tế, sẽ là một bước thực hiện tái cơ cấu đầu tư theo phương thức: với doanh nghiệp nhà nước - tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; còn với các địa phương, tỉnh, thành thì đầu tư từ ngân sách hầu hết sử dụng sẽ giúp cơ cấu lại nguồn vốn hiệu quả. Trên thực tế, nhiều khu vực công do thiếu vốn nên Chính phủ đang có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế khác như khu vực tư nhân tham gia (như phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, lưu ý bên cạnh việc cắt giảm đầu tư công cần phải đi song hành với chính sách đồng bộ thúc đẩy khu vực tư nhân. Nguồn đầu tư công điều chỉnh sang khu vực tư nhân sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Năm 2008, Bộ KH-ĐT đã thống kê một danh mục cắt giảm đầu tư khoảng hơn 3.000 dự án, với khoảng 37.000 tỉ đồng được đề nghị dừng, giãn tiến độ. Nhưng trên thực tế, việc cắt giảm không được bao nhiêu. Cũng năm đó, vốn nhà nước chi cho đầu tư phát triển vượt gần 20% dự toán; lạm phát năm 2008 ở mức gần 20%.

Minh Giang
. Khu vực công: Trách nhiệm điều chỉnh (TVN 26-6-11) -- Bài Huỳnh Bửu Sơn -

Tổng số lượt xem trang