- Tham nhũng tại Việt Nam
Ông Giáp cho biết vụ ông bị đánh xảy ra hồi đầu tháng Sáu là hành động trả thù cho việc ông đã thổi còi một quan chức địa phương, người ông tuyên bố đã bán khoảng 70 kg thóc gạo chính ra được giành để phân phối miễn phí sau trận lũ lụt năm ngoái.
"Người con trai của viên chức này là một trong số những kẻ tấn công," ông Giáp nói.
Bên cạnh ông trong căn phòng bệnh viện với bảy giường bệnh ở thành phố Vinh, cách Hà Nội 250 km về phía nam, là người anh em trai của ông, một bệnh nhân đang nằm và được truyền nước qua ven tay và ngón tay chỏ trên bàn tay bên phái được băng kín.
Ông nói là ông suýt bị mất ngón tay này trong vụ bị đánh bị thương đó.
Những nguy hiểm có thể là tương đối nhỏ trong trường hợp của ông Giáp, nhưng nó đã trở thành hàng tin chính trên một số tờ báo có lượng độc giả đông đảo tại Việt Nam, và cùng với các trường hợp khác nó một lần nữa nhắc lại câu hỏi về hiệu quả của những nỗ lực chống tận gốc rễ tình trạng tham nhũng đang tràn lan.
Các nhà đầu tư quan ngại
Các chuyên gia nói tình trạng ăn hối lộ có ở mọi nơi mọi chỗ tại Việt Nam và ở mỗi cấp chính quyền, và các nhà đầu tư phương Tây từ lâu đã được đặt vấn đề này là trong số những lo ngại hàng đầu khi làm kinh doanh ở đây.
Cuối năm 2008, Nhật Bản, nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam, đã tạm thời đình chỉ các hỗ trợ chính thức do một vụ bê bối về tham nhũng.
Các nhà lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản cầm quyền đã gọi tình trạng hối lộ lan tràn là một nguy cơ cho sự phát triển của quốc gia.
Nhưng các nhà phân tích và vận động chống tham nhũng nói đã có đôi chút tiến bộ trong những năm gần đây và những trường hợp “thổi còi” như ông Giáp có thể sẽ gia tăng.
Vietnamnet.vn, tờ báo điện tử được ưa chuộng tại Việt Nam, trong tháng này đã đưa tin một cựu chiến binh, người dẫn đầu nhiệm vụ chống tham nhũng trong một trường hợp khiếu kiện về đất đai ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc, đã bị giết hại hồi tháng Giêng.
Ông Trần Đình Triển, một luật sư vốn hay lên tiếng, cho biết lòng tin vào khả năng của chế độ có thể giải quyết vấn đề này dường như đang giảm dần.
"Đây là một vấn đề nóng bỏng và đó là một chủ đề đó mà là một luật sư, tôi có thể thấy đang làm cho người dân mất lòng tin vào các cơ quan của nhà nước,"ông nói.
Cách đây năm năm, Việt Nam có thể đã có nhiều lý do để hy vọng.
Nguy cơ với những người chống tham nhũng
Trong năm 2006, các nhà báo phát hiện một vụ bê bối cờ bạc và tham ô biển thủ rất lớn, vẫn được biết là vụ PMU-18 và vụ việc này đã buộc Bộ trưởng Giao thông phải từ chức và đẩy vấn đề tham nhũng lên đầu chương trình nghị sự tại một phiên họp Đại hội Đảng Cộng sản vốn có vai trò thiết lập chính sách chỉ một năm sau vụ bê bối này.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó là ông Nông Đức Mạnh, và ông đã gọi vấn đề này là một mối đe dọa cho chế độ.
Nhưng vào năm 2008, hai trong số những phóng viên tích cực nhất đưa tin về câu chuyện này đã bị bắt giữ và các Tổng biên tập viên hàng đầu đã bị sa thải. Điều đó gửi đi một tín hiệu rõ ràng tới những ai có thể là “những nhà báo thích bới móc”.
Năm ngoái, trong dòng lũ xoáy liên quan tới tình trạng gần phá sản của tập đoàn đóng tàu lớn do nhà nước quản lý, Vinashin, đã có rất ít tin tức về tham nhũng mặc dù có nhiều đồn đại lan rộng rằng chính tình trạng tham nhũng đã góp phần vào sự sụp đổ của tập đoàn này.
Việt Nam đứng thứ 111 trên 163 nước trong chỉ số này vào năm 2006. Việt Nam được đánh giá đạt 2,6 điểm trên thang điểm 10, trong đó 10 điểm là trong sạch nhất, không có tham nhũng và zero là tham nhũng cao. Tháng Mười năm ngoái Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 178 nước, với 2,7 điểm.
"Chính quyền bị rơi vào tình thế buộc phải có cách đối phó với tham nhũng," ông Jacob Ramsay, một người chuyên theo dõi các vấn đề của Việt Nam thuộc công ty Tư vấn Kiểm soát Rủi ro, nói.
Chính quyền bị rơi vào tình thế buộc phải có cách đối phó với tham nhũng.
Jacob Ramsay
Người Việt phải dò đường trong một mạng lưới phức tạp của các quy tắc và tiêu chuẩn được rỉ tai hàng ngày về những ai phải trả tiền và trả bao nhiêu. Chẳng hạn như thế này: một chiếc xe hơi sẽ không bao giờ qua được kiểm tra nếu quý vị không kín đáo lót tay những người thợ cơ khí một khoản tiền 100.000-150.000 đồng (5-7 đôla). Hoặc như thế này: nếu quý vị muốn cảnh sát tìm một chiếc xe máy bị đánh cắp thì quý vị sẽ phải tốn phí một nửa giá trị của chiếc xe đó.
Và đấy mới chỉ là chuyện nhỏ. Sân golf và các nhà đầu tư bất động sản được cho là thường phải trả bằng các biệt thự và căn hộ, ông Matthieu Salomon, Cố vấn cao cấp quốc tế thuộc tổ chức Hướng tới Minh bạch, đối tác Việt Nam của tổ chức Minh bạch Quốc tế, cho biết.
Khi đấu thầu các dự án, các công ty nói rằng quan hệ tốt với giới chức trách, tạo mạng lưới quan hệ có chiều sâu và chọn lựa cẩn thận các đối tác địa phương có thể tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại, ông nói.
"Hiểu ẩn ý trong các câu nói - tôi cho rằng tất cả mọi người đều có thể đoán được đôi chút nó là chuyện gì", ông Salomon nói.
Tuy nhiên, ông cho biết nhờ tình trạng ổn định chính trị và triển vọng thị trường tại Việt Nam mà nhiều công ty đã thử liều trước những rủi ro.
Nhiều người Việt Nam tin rằng quà biếu và tiền mặt đóng một phần vai trò thường lệ trong các đề cử vào các chức vụ trong chính phủ, nhưng không ai từng cung cấp bằng chứng chắc chắn về điều đó và các phương tiện truyền thông nhà nước chưa bao giờ đưa tin về các trường hợp như vậy.
"Ai trong cơ chế lại đi làm công việc xóa bỏ (tham nhũng) khi đó chính là cách họ đã đạt được vị trí hiện nay?" một nhà ngoại giao phương Tây từ chối không muốn nêu danh tính, nói.
Chiến thuật mới nhất
Một chiến thuật mới của nhà nước được thông qua vào cuối năm ngoái là trao giải thưởng về chống tham nhũng cho các công dân chống tham nhũng và công khai công nhận nỗ lực của họ như một cách tạo cảm hứng ở người dân để cảnh báo các quan chức địa phương có hành vi tham nhũng.
Nhưng số phận của ông Giáp dường như nhấn mạnh những giới hạn của phương pháp tiếp cận này: ông nói ông đã được chính quyền tỉnh Nghệ An công khai công nhận về vai trò của ông trong việc vạch mặt một viên chức đã bán đất công, dẫn đến việc ông này bị kết án tại tòa.
Công an tỉnh đã đóng sổ trường hợp mới đây nhất của ông Giáp, ít nhất là vào lúc này, và họ nói rằng các thương tích của ông chỉ đơn thuần là kết quả của một cuộc đánh nhau sau khi Giáp xúc phạm một ai đó lái xe trái đường, theo báo chí nhà nước đưa tin.
Người chống tham nhũng nổi tiếng nhất ở Việt Nam, bà Lê Hiền Đức, cho biết tình trạng tham nhũng ngày một tồi tệ hơn.
Mặc dù bà cho biết những việc như vậy đã giảm xuống kể từ khi bà đoạt Giải thưởng Liêm chính của tổ chức Minh bạch Quốc tế vào năm 2007, bà nói bà phải cẩn thận bất cứ khi nào đi khỏi nhà tại Hà Nội.
“Tôi luôn luôn phải thận trọng. Tôi không dám đi đâu một mình."
Trong năm năm qua, nhà giáo viên đã nghỉ hưu này đã dồn tất cả năng lực của mình vào việc chống tham nhũng. Một góc phòng khách của chất đống tài liệu các vụ tham nhũng và thư từ của những người trên khắp cả nước yêu cầu giúp đỡ. Những lời đề nghị xin được giúp đỡ đến mỗi ngày qua điện thoại và qua bưu điện.
Bà cho biết rất ít người dám làm như vậy. "Tôi thường cảm thấy cô độc trong công việc này và tôi đã khóc. Thật khó và nó có cảm giác như chẳng đi tới đâu được," bà nói.
Vậy, liệu có thể thay đổi được gì? Bà Đức thực xúc động trước tinh thần yêu nước thể hiện trong chuỗi các cuộc biểu tình của quần chúng chống Trung Quốc trong thời gian gần đây.
"Tôi hy vọng giới trẻ ngày nay sẽ tiếp tục xuống đường, con đường mà tôi đã đi. Tôi tin là như thế. Chúng tôi có truyền thống yêu nước vì vậy tôi vẫn tin như thế, mặc dù điều đó chưa xảy ra," bà nói.
Nhà ngoại giao người nước ngoài không nhìn thấy có thể có thay đổi đáng kể bằng con đường nào khác.
"Điều duy nhất có thể mang lại điều đó là một phong trào quần chúng," ông nói. “Nhưng nói chính xác ra thì Đảng không khuyến khích phong trào quần chúng đó."
Những người đã dám đối mặt bất chấp những bất lợi có truyền thống lâu năm như vậy hẳn biết quá rõ các rủi ro mà họ có thể phải gánh chịu.
"Tôi nghĩ tôi sẽ bị giết hại," ông Giáp nói.
-Vụ giết người chống tiêu cực: Bí ẩn bao tải dính máu
(VTC News) - Liên quan đến cái chết bí ẩn của ông Bùi Công Khôi (SN 1949, trú tại khu Trại Gạo, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, Hải Dương ) – người tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực tại địa phương, sau quá trình nắm thông tin, điều tra tại hiện trường, chúng tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo cơ quan Công an tỉnh Hải Dương nhằm làm rõ những nghi vẫn, thắc mắc xung quanh trong vụ trọng án.
Trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo giới xung quanh cái chết của ông Khôi, về phía đại diện của cơ quan Công an tỉnh có sự tham gia của Đại tá Cao Ngọc Lan (Phó giám đốc kiêm Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương) và Thượng tá Nguyễn Văn Tâm (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hải Dương).
Lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương trong cuộc trao đổi với các cơ quan Báo chí xung quanh cái chết bí ẩn của ông Khôi |
Tại buổi làm việc, Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương xác nhận thông tin, vào ngày 19/1/2011, tại khu Trại Gạo, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, Hải Dương đã xảy ra một vụ giết người, nạn nhân là ông Bùi Công Khôi (cùng địa chỉ trên). Đáng nói, sau khi sát hại ông Khôi ngay tại nhà riêng, hung thủ còn cắt đi một bên tai trái của nạn nhân.
Ngày 20/1/2011, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 21. Đến nay thời hạn đã hết (qua 4 tháng), cơ quan điều tra đã làm công văn đề nghị và được VKSND Hải Dương đồng ý ra hạn tiếp tục điều tra vụ án.
Liên quan đến thông tin người nhà nạn nhân cung cấp cho PV VTC News trước đó, một vật chứng khá quan trọng trong vụ án đã không được cơ quan điều tra coi trọng - đó là bao tải lạc in nhiều vết tay dính máu được đặt dưới chân cầu thang.
Theo người nhà ông Khôi, ngay sau khi vụ án xảy ra, phía Công an đã về niêm phong hiện trường để điều tra thế nhưng vài ngày sau khi dọn lại nhà gia đình đã phát hiện ra bao tải lạc được để dưới chân cầu thang có nhiều dấu tay bằng máu cào lên.
‘Không loại trừ khả năng những vết vân tay này có thể do hung thủ để lại trong quá trình xô xát giữa hai bên’.
Người thân trong gia đình ông Khôi mong rằng, cơ quan điều tra sẽ sớm tìm ra hung thủ sạt hại ông Khôi và 'kẻ giấu mặt' đằng sau vụ án |
Chị Bùi Thị Thủy, con gái nạn nhân thắc mắc: Khi phát hiện ra chi tiết này, gia đình rất ngỡ ngàng vì tại sao một vật chứng quan trọng như vậy mà cơ quan Công an lại không mang về để phục vụ công tác điều tra? Khi hỏi lại thì chúng tôi được biết, họ đã chụp ảnh lại, phần vì tang gia đang bối rối nên bỏ bao tải đi đâu cũng chẳng ai để ý nữa!
Trong cuộc trao đổi này, Thượng tá Tâm cho biết, mọi tang vật chứng của vụ án đã được CQĐT thu thập. "Vấn đề mấu chốt của vụ án chính là chưa làm rõ được đối tượng nên không thể cung cấp thông tin nhiều cho báo chí".
Trong khi đó, Đại tá Cao Ngọc Lan chia sẻ thêm rằng, ngay khi nhận được thông tin báo cáo từ cấp dưới báo về có vụ trọng án đích thân Đại tá đã vào cuộc chỉ đạo, cùng các chiến sỹ điều tra công an tỉnh xuống ngay hiện trường mặc dù vào thời điểm trời tối và lạnh.
"Xác định tính chất đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng rất lớn. Hàng trăm đồng chí được chia ra làm nhiều hướng, tiếp cận nhiều nguồn khác nhau để nắm thông tin".
Bà Nguyễn Thị Túc vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết đột ngột của chồng |
Theo Đại tá Lan, liên quan đến quá trình thu thập điều tra, chỉ tính tập hồ sơ cũng đã dày cả gang tay với hàng trăm lời khai.
"Thủ phạm vẫn chưa tim thấy thì có nghĩa án chưa được phá. Những người làm công tác điều tra như chúng tôi, chưa làm ra thì còn day dứt lắm, nó như cái nợ đeo đẳng bên mình. Trước là với gia đình nạn nhân và sau là tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Đặc biệt với vụ án này càng không thể thờ ơ được vì thế lãnh đạo từ Công an tỉnh đến huyện đã chỉ đạo là kiên quyết làm đến cùng, làm thật nghiêm túc để nhanh chóng phá án", Đại tá Lan bộc bạch.
Nói về những tình tiết liên quan trong vụ trọng án sát hại ông Khôi, với kinh nghiệm nhiều năm làm điều tra, Đại tá Cao Ngọc Lan cho hay rằng, chưa bao giờ gặp một vụ án phức tạp và lạ lùng như vụ này!
"Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, có thể xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Khôi là do mâu thuẫn. Bởi tài sản trong nhà cũng như trên người nạn nhân vẫn còn nguyên. Trong khi đó nạn nhân lại bị cắt một bên tai".
Cũng tại buổi làm việc, nhận lời đề nghị của lãnh đạo CA tỉnh Hải Dương, các cơ quan báo chí đã cung cấp thêm một số đầu mối và thông tin với tinh thần phối hợp với Cơ quan CSĐT CA tỉnh Hải Dương nhanh chóng điều tra làm sáng tỏ vụ án. Đáp lại thiện chí của các cơ quan báo chí, Đại Tá Cao Ngọc Lan khẳng định quyết tâm điều tra đến cùng và bày tỏ mong muốn các phóng viên sẽ tiếp tục trao đổi với công an tỉnh Hải Dương khi có thông tin mới về vụ việc.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc xung quanh vụ trọng án này khi có thêm tình tiết mới.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc xung quanh vụ trọng án này khi có thêm tình tiết mới.
Quang Tùng – Phan Mạnh
--Không có chuyện người đấu tranh chống tham nhũng tại Nghệ An bị dằn mặt (VOV)-
Vụ đánh nhau xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, không phải do “đấu tranh chống tham nhũng bị dằn mặt” như cách hiểu của dư luận
Ngày 15/6, Công an Nghệ An cho biết: đã có kết quả điều tra ban đầu về vụ việc liên quan đến việc anh Trần Văn Giáp, sinh năm 1974, trú tại khối Châu Hưng, phường Vinh Tân, thành phố Vinh bị đánh. Đây là vụ việc gây bức xúc trên địa bàn vì dư luận cho rằng người bị đánh là do “chống tham nhũng”.
Cơ quan công an khẳng định, đây là vụ đánh nhau xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, không phải do “đấu tranh chống tham nhũng bị dằn mặt” như cách hiểu của dư luận.
Sự thật, vào lúc 15h30 ngày 5/6/2011, anh Trần Văn Giáp đi xe máy từ nhà riêng khi đến xóm 3, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên thì gặp Trần Xuân Dũng, sinh năm 1974, trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh chở Ngô Anh Tuấn, sinh năm 1977, trú tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên đi ngược chiều. Tại đây, 2 bên đã xảy ra mâu thuẫn. Sau đó cả 2 bên đã gọi thêm người đến đuổi đánh nhau. Hậu quả làm một số đối tượng bị thương, trong đó có anh Trần Văn Giáp.
Liên quan đến vụ việc trên, cơ quan công an đã thu giữ được một số hung khí mà các đối tượng dùng để đánh nhau. Hiện vụ việc đang được xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.
- Nghệ An: Một người chống tham nhũng bị chém giữa phố (NLĐ).
(NLĐO)- Vào khoảng 15 giờ ngày 5-6, trên đoạn đường tránh TP Vinh (đoạn giao cắt với đường Phạm Hồng Thái, phường Vinh Tân, TP Vinh) một nhóm khoảng 15 thanh niên đã dùng hung khí tấn công khiến 1 người bị thương nặng.
Qua xác minh được biết, nạn nhân là anh Trần Văn Giáp, 38 tuổi, trú tại khối Châu Hưng, phường Vinh Tân (Nghệ An), là 1 trong 18 người được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương vào ngày 4-1 vì có thành tích chống tham nhũng.
Anh Trần Văn Giáp bị một nhóm khoảng 15 người vây chém
Theo anh Giáp, trên đường đi đón con, anh Giáp bị 2 thanh niên bịt mặt dùng mũ cối đánh tới tấp vào người, làm anh bị thương nhẹ. Thấy có người đến, hai đối tượng bỏ chạy, để lại xe máy tại hiện trường.
Khoảng 10 phút sau, hai người này gọi thêm khoảng 15 thanh niên khác, vây đánh anh Giáp và những người đến giải cứu cho anh là anh Trần Văn Phong, anh Trần Văn Thân (em ruột anh Giáp) và anh Trần Thanh Mai, cùng trú tại khối Châu Hưng, phường Vinh Tân, TP Vinh.
Anh Phong đến giải cứu cũng bị chém
Bị vây đánh, cả 4 người bỏ chạy, nhưng chỉ có 2 người chạy thoát; còn lại anh Giáp và anh Phong bị chúng vây đánh. Hậu quả, anh Giáp bị nhóm côn đồ đánh bầm tím nhiều vết trên cánh tay, bả vai; anh Phong bị chém một nhát vào tay trái, máu ra ướt áo.
Hiện Công an phường tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. * Trước đó, vào ngày 22-2, ông Trần Hữu Sửu (48 tuổi), ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, cũng là 1 trong 18 người chống tham nhũng được vinh danh, bị côn đồ chém ngay trước cổng nhà.
Tin- ảnh: Ng. Tiến
- Xã cắt đất dân bán, huyện “phán” đúng! (kỳ 4) (Tamnhin.net) – Sau khi bị dỡ nhà vào ngày 26 tết Tân Mão, ông Lê Phúc Long được UBND xã Đức Hoà (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thông báo chi phí cho cuộc cưỡng chế hết 13 triệu đồng nhưng không có chứng từ. Ông Long nhiều lần yêu cầu cung cấp vẫn không được. Trên mảnh đất vùng Đập Ngã còn nhiều biểu hiện khuất tất, dẫn đến khiếu kiện triền miên. - GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ: Khai thác tài nguyên thiên nhiên: Không quá khó để minh bạch và chống tham nhũng (Tuổi trẻ CT)- Thanh Hóa: Bầu cử lại và bầu thêm Đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011 – 2016 (Dân trí).- Một tổ trưởng chống tiêu cực bị giết, cắt tai
(VnMedia) - Hung thủ ngang nhiên vào nhà, giết chết chủ nhân rồi thản nhiên cắt đi một bên tai. Thông điệp mà kẻ sát nhân để lại là gì, khi mà nạn nhân chính là người đi đầu trong cuộc chiên chống tiêu cực về đất đai?
Khoảng 20h 40 phút ngày 19/1/2011, hai vợ chồng chị Bùi Thị Thủy và anh Đoàn Văn Cường bàng hoàng phát hiện bố mình là ông Bùi Công Khôi, trú tại thôn Trại Gạo, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, Hải Dương) nằm trên vũng máu trong tình trạng đã tắt thở. Một điều bất ngờ hơn, đó là nạn nhân còn bị hung thủ cắt đi một bên tai.
Ngay sau khi nhận được tin báo, CA tỉnh Hải Dương đã có niêm phong toàn bộ hiện trường để tiến hành điều tra làm rõ. Điều tra ban đầu cho thấy, ông Khôi chết vào khoảng 16 - 18 giờ ngày 19/1, ngoài một bên tai bị cắt mất, trên thi thể nạn nhân còn để lại nhiều vết đập ở vùng sau gáy và đầu.
Toàn bộ đồ đạc và tài sản trong nhà còn nguyên trạng, không bị xáo trộn. Trong người nạn nhân vẫn còn chiếc ví bên trong có 3,7 triệu đồng, một điện thoại và chìa khóa chiếc xe Weve ZX đang dựng ở sân. Như vậy, đã loại trừ nguyên nhân án mạng là do cướp tài sản.
Hiện trường vụ án còn có một con dao và một cái thước, cách đó hơn 1m, bao tải lạc để chân cầu thang có nhiều vết máu như vết tay bíu vào nhìn rất rõ vết tay.
Theo anh Cường, sau cái chết của bố anh, bên công an có về làm việc tiếp nhưng một cán bộ điều tra cho rằng, vụ án đang rất bế tắc vì phương thức hành động rất chuyên nghiệp, hoàn toàn không để lại dấu vết gì.
Bà Nguyễn Thị Túc, (58 tuổi) vợ nạn nhân cho biết, gia đình bà sống hòa thuận với làng xóm và không hề có xích mích. Con gái bà lấy chồng ra ở riêng, còn 2 đứa con trai thì đi làm xa, bà đi trông cháu ngoại nên ông ở nhà một mình. Theo lịch, 10 ngày một lần, bà về chuẩn bị đồ ăn cho ông
Một chi tiết đáng chú ý mà bà Túc tiết lộ, đó là gần 2 năm nay, ông Khôi được nhân dân trong phường tín nhiệm bầu làm tổ trưởng đứng ra đấu tranh việc san lấp lòng hồ chứa nước ngọt tưới tiêu cho toàn bộ đất nông nghiệp của thôn Trại Gạo. Trước khi bị sát hại 2 ngày, ông Khôi tiết lộ cho con gái chuyện hàng xóm nhà ông là anh L. bỗng dưng có thái độ khác lạ, gặp ông không chào hỏi. Thời điểm án mạng xảy ra, còn có một số hàng xóm nghe thấy tiếng đạp phá mạnh phát ra từ nhà ông Khôi.
Cũng theo những người còn lại trong gia đình ông Khôi, kể từ khi ông tham gia đấu tranh cho nhân dân, đã có lần nhận được lời đe dọa của một vài người có liên quan đến vấn đề này.
Thông điệp mà kẻ sát nhân để lại là gì, khi mà nạn nhân chính là người đi đầu trong cuộc chiên chống tiêu cực về đất đai? |
Thông tin từ nhân chứng
Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Nguyễn Thị Vĩnh (50 tuổi), là hàng xóm gần nhà nạn nhân cho biết, trước khi ông Khôi chết vài ngày, có một số người đàn ông lạ đến hỏi nhà ông với lý do mua trâu
Cò một số nhân chứng khác tiết lộ, vào khoảng 18h 30 ngày 19/1/2011 (thời điểm được cho là ông Khôi bị sát hại), có nghe thấy tiếng chó cắn ầm ĩ suôi từ ngõ nhà ông Khôi ra ngoài đường cái. Ngoài ra, vào khoảng 16h cùng ngày, bà Vĩnh còn nghe thấy nhiều tiếng động mạnh phát ra từ nhà ông Khôi, nhưng nghĩ rằng vợ chồng ông đang lùa đánh rắn hay đuổi chuột nên bà cũng không chạy sang. Khoảng 1 tiếng sau, nghe thấy một tiếng động rất mạnh phát ra từ nhà ông Khôi, bà Vĩnh vội chạy ra cổng xem, nhưng thấy bên nhà ông Khôi lặng ngắt bà lại đi vào trong nhà.
Bà Túc, vợ ông Khôi cho rằng, chắc chắn hung thủ phải là người biết tận tường gia cảnh của nhà bà, và biết đích xác thời điểm nào ông Khôi ở nhà một mình thì mới ra tay gọn gàng đến như vậy. Bởi cổng luôn được gia đình khóa cẩn thận, nhất là từ khi ông Khôi đi đấu tranh chống tiêu cực và nhận được những lời đe dọa.
Thực tế tại hiện trường sau khi vụ án xảy ra cũng cho thấy, cửa cổng vẫn được khóa cẩn thận, nên chắc hẳn hung thủ lẻn vào bằng cách trèo qua bờ tường. Điều bà Túc thắc mắc nhất chính là việc, tại sao khi hung thủ đi vào ngõ chung của khu mà hàng xóm lại không hề nghe tiếng chó sủa, lúc đi ra thì mới nghe thấy, trong khi khu nhà bà có ít nhất 3 hộ liền kề và nhà nào trong ngõ cũng nuôi chó, chỉ cần một tiếng động hay sự xuất hiện của người lạ cả bầy sẽ sủa inh ỏi.
“Liệu có hay không việc hung thủ đã mai phục từ trước đó rất lâu, trong một nơi kín đáo cạnh nhà tôi”, bà Túc đặt ra câu hỏi?
Theo một cán bộ hình sự có thâm niên trong nghề cho biết: Một chi tiết rất cần cơ quan điều tra chú ý làm rõ trong vụ án này là việc có hay không sự theo dõi, sắp đặt từ trước của hung thủ. Không loại trừ khả năng hung thủ đã phục kích từ nhà hàng xóm với tầm quan sát thuận lợi trước lúc ra tay, cũng không loại trừ khả năng, hung thủ là người khá am tường địa bàn.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, tại sao ông Khôi lại bị giết hại dã man đến như vậy, trong khi ông không hề có mâu thuẫn với bất cứ ai. Mọi nghi vấn bắt đầu đổ dồn về việc ông Khôi là người đi đầu và tích cực nhất trong việc “vạch mặt, chỉ tên” những sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương. Nhiều người cũng chính thức khẳng định, trước đó, ông Khôi đã nhận được lời đe dọa của một người có trách nhiệm liên quan đến những nội dung ông đang tố cáo.
Là người hiểu rõ nhất về những việc làm của ông Khôi giúp nhân dân trong hai năm qua, bà Bùi Thị Sáu (SN 1965, tại thôn Trại Gạo, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, Hải Dương), nguyên Trưởng thôn Trại Gạo cho biết: “Sau cái chết của ông Khôi, tôi vẫn đinh ninh cơ quan CA sẽ đến tìm tôi tìm hiểu sự việc, vì thời điểm người dân phát hiện ra các vi phạm quy định về bảo vệ công trình thủy lợi tại thượng lưu hồ Trại Gạo. Tôi đã rất sẵn sàng để đứng ra nói lên sự thật, nhưng tiếc thay chẳng có ai đến hỏi khiến tôi rất day dứt vì không giúp gì được cho ông Khôi, người mà đa số nhân dân trong thôn hết mực kính trọng, nể phục”.
Ông Phạm Hữu Bẩy (SN 1962, tại thôn Trại Gạo, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, Hải Dương), người luôn sát cánh cùng ông Khôi trong việc đấu tranh chống tiêu cực cũng thừa nhận có nghe ông Khôi nói về việc mình bị đe dọa, ông Khôi còn thổ lộ thêm với ông Bẩy rằng: 2 tháng nay, anh L. hàng xóm không thèm nhìn mặt hỏi han. Nói rõ hơn về việc đấu đấu tranh chống tiêu cực của mình và ông Khôi, ông Bẩy cho biết: Vì là người có trình độ, lại am hiểu pháp luật, nên người dân mới bầu ông Khôi làm tổ trưởng một tổ gồm 7 người đứng ra đại diện cho nhân dân tố cáo những sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương. Thế nhưng lúc công việc đã có những kết quả đáng ghi nhận khi UBND huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh) đã có văn bản đề nghị xử lý những vi phạm theo tố cáo của nhân dân thì ông Khôi lại đột ngột ra đi.
H.Lan