(GDVN) – Trong những ngày gần đây, liên tục xảy ra các sự việc gây hấn và những lời phát biểu mạnh mẽ có phần đe dọa từ phía Trung Quốc, chúng ta lại có dịp nhìn lại mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Trong các tư liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam, hầu như chỉ thấy nói đến việc Trung Quốc giúp đỡ cách mạng Việt Nam, nhưng lại vắng bóng sự kiện hết sức lý thú: Quân đội Việt Nam cũng đã từng đem quân giúp Trung Quốc góp phần vào thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949.
Sau đây, báo Giáo dục Việt nam xin gửi tới bạn đọc câu chuyện cách đây đã hơn nửa thế kỷ của một vị tướng năm nay đã 85 tuổi. Dù đã cao tuổi nhưng ở ông vẫn còn sự tinh tường và mạnh mẽ mỗi khi nhắc đến sự kiện năm nào. Đó là Trung tướng Nguyễn Ân – Nguyên sư trưởng sư đoàn 304 anh hùng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 bắt sống nội các Dương Văn Minh (lúc đó Trung tướng Phạm Xuân Thệ - người áp giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh mới là trung đoàn phó Trung đoàn 66 thuộc sư 304); nguyên Hiệu trưởng trường Sỹ quan Lục quân I – người đã từng cầm quân chiến đấu giúp Trung Quốc năm 1949.
Tướng Nguyễn Ân (Ảnh: Việt Văn/Tuần Việt Nam) |
Bác nói: "Giúp bạn cũng chính là giúp mình"
Trung tướng Nguyễn Ân kể: “Đầu năm 1949, cách mạng Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh, nhưng do quân Tưởng Giới Thạch dồn sức cố bám lấy Hoa Nam nên khu vực giáp biên giới Trung Việt còn rất nhiều phức tạp khó khăn. Trước tình hình đó, tháng 3 năm 1949, đại diện Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Trang Điền đã sang gặp Trung Ương Đảng ta tại Việt Bắc. Phía Trung Quốc đã đề nghị cho quân đội Việt Nam sang giúp xây dựng, củng cố biên khu Việt Quế, Quế Lâm và Điền Quế góp phần vào phát triển lực lượng chính trị và vũ trang để đón đại quân Nam Hạ.
Với tinh thần quốc tế vô sản, Trung Ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã quan niệm giúp bạn cũng chính là giúp mình nên đã chỉ thị cho Bộ tổng chỉ huy đưa một bộ phận sang giúp bạn.
Thực ra lúc đó ở Lạng Sơn quân ta chỉ có Trung Đoàn 28 và ở Cao Bằng có Trung đoàn 74. Theo lệnh của cấp trên: 2 tiểu đoàn thuộc Trung Đoàn 28 cùng với Trung Đoàn 74 và một Đại đội sơn pháo, một đại đội trợ chiến, ba đại đội địa phương và một đại đội của tiểu đoàn 249… tổ chức thành Chi đội 28 tham gia vào cánh quân trên hướng Tả giang. Lúc đó đồng chí Thanh Phong làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm phó tư lệnh. Cần nói rằng là lúc đó chúng ta đang khó khăn lắm. Làm gì có được trang bị nhiều vũ khí, chỉ có 1 ít lấy được của quân Nhật.
Mà cả nước lại đang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ấy thế mà ta vẫn đem quân giúp Trung Quốc.
Về phía bạn khi đó có hai đội giải phóng quân và một số đội vũ trang công tác do đồng chí Lộc Hòa (ta hay gọi là Ké Lộc- theo tiếng Tày) làm Tư lệnh khu Tả Giang, Long Châu làm tư lệnh. Đây là người Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn rồi tham gia cách mạng bên Trung Quốc.
Quân ta chia làm 2 đội tiến đến Ninh Minh, Hạ Thạch từ 2 phía Lạng Sơn và Cao Bằng. Cánh quân từ Cao Bằng đã vượt biên giới tiêu diệt đồn Thủy Khẩu, sau đó tiêu diệt luôn một tiểu đoàn quân Tưởng ở chân núi Đốc Sơn.
Còn cánh quân từ Lạng Sơn, tôi làm cán bộ ở đó thì từ Mục Nam Quan (sau này là Hữu Nghị quan) vượt qua Bằng Tường (Trung Quốc) rồi tiến thẳng đến Ninh Minh, Hạ Thạch. Sau dó 2 cánh quân gặp nhau ở đó. Đêm 15/5/1949, chúng tôi đã vượt qua Mục Nam Quan tiến quân vào các làng ở phía Nam đường sắt ( ở đó có 2 con đường, một là đường sắt, hai là đường bộ nối từ Mục Nam Quan đến Bằng Tường nhưng đường sắt cao hơn đường bộ) cách chợ Ai Khẩu Hương gần 2 cây số về phía Đông Nam.
Sau khi bố trí quân xong, một đại đội trong đó có tôi được cử đi trinh sát Mục Nam Quan vì ở đó có một đại đội của quân Tưởng. Khi tôi đang mải nghĩ đến chuyện ngày xưa khi Nguyễn Trãi tiễn cha đến Mục Nam Quan rồi mới về thì nghe thấy tiếng súng cối, đại liên nổ liên tục ở phía chợ Ai Khẩu Hương. Tôi đoán quân Tưởng đã sục vào chỗ quân ta nên mới có đấu súng như thế. Tôi đã bàn với anh em hoãn trinh sát quay về chỗ đóng quân xem sao.
Khi chúng tôi về gần đến đơn vị, đi qua một khu đồng phẳng thì bị địch phát hiện và ngay lập tức bị một loạt đại liên quạt sườn. Chúng tôi vượt qua không ai bị làm sao. Về tới nơi thì đơn vị đã triển khai đội hình chiến đấu trên đường sắt. Còn phía địch thì dàn quân ở đường bộ. tôi quan sát địch lố nhố rất đông. Tôi đoán bọn này đi tiếp tế cho bọn ở Mục Nam Quan và đang đi thì có người báo cho chúng biết quân ta.
Chắc chúng tưởng chỉ có quân địa phương của Giải phóng quân Trung Quốc nhưng ai ngờ lại gặp quân ta. Thế mới có chuyện nổ súng.
Khi đó khoảng gần trưa, khi quan sát địch, thì cứ nghĩ là bọn Tàu phù (cách gọi quân Tưởng khi chúng sang giải giáp quân Nhật thời kì năm 1945, quân không tinh nhuệ mà chủ yếu lấy từ dân không được huấn luyện gì). Tôi đã coi thường chúng nhưng không ngờ đó lại là quân chính quy đã được huấn luyện chu đáo về cả kỹ thuật lẫn chiến thuật.
Trong lúc chiến đấu, một chiến sỹ bên mình nhô đầu lên bắn nhưng đạn không nổ và lắp lại đạn thì bị bắn vào cánh tay. Sau đó tôi đã chỉ huy, cho một bộ phận nhỏ ở lại nghi binh rồi dẫn quân luồn qua 1 cái cầu vận động về phía đồi phía sau địch. Dàn đội hình chiến đấu xong tôi cho quân đánh vào cạnh sườn, phía sau lưng, quân địch lúc đó đã bị rối loạn và bỏ chạy về hướng Bằng Tường.
Chúng tôi chiến thắng và thu được hơn 20 xe ngựa trong đó có 9 xe chở lương thực. Rồi dân ở vùng đó cũng ra mà lấy các đồ của quân địch để lại. Sau tôi mới biết bọn sỹ quan mà chúng tôi đã chiến đấu đi buôn hàng từ Bằng Tường để bán sang Đồng Đăng. Trong trận đó, một đại đội phó bị thương và có một số đồng chí đã hy sinh.
Sau đó tôi nhận được tin báo từ đồng chí Thìn – Bí thư huyện ủy cho biết quân địch ở Bằng Tường có biểu hiện rút, còn bọn ở Mục Nam Quan đã bỏ đồn chạy sang Đồng Đăng về với Pháp. Chúng tôi tổ chức truy kích ngay và chỉ tiêu diệt được một bộ phận nhỏ. Đến gần Ninh Minh, Hạ Thạch thì hai cánh quân gặp nhau. Như vậy, từ Thủy Khẩu đến Bằng Tường, Ninh Minh, Hạ Thạch đều được giải phóng.
Một hướng nữa cùng với hoạt động ở Tả giang, Long Châu là hướng Thập Vạn Đại Sơn qua 4 tháng chiến đấu gian khổ, quân ta đã phối hợp với giải phóng quân Trung Quốc tiêu diệt 1 trung đoàn quân Tưởng, giải phóng gần hết thị trấn Phòng Thành nối căn cứ Thập Vạn Đại Sơn thành một dải.
Bộ trưởng QP Trung Quốc: "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"
Năm 1990, Trung Quốc cử đoàn cán bộ quân sự cấp cao sang thăm hữu nghị nước ta do do Bộ trưởng Bộ quốc phòng Trì Hạo Điền dẫn dầu. Đoàn đến Việt Nam được Bộ quốc phòng nước ta giới thiệu xuống thăm Trường Sỹ quan lục quân I.
Bấy giờ tôi đang làm hiệu trưởng ở đó và đã tổ chức đón tiếp long trọng. Sau đó tôi đưa đoàn đến nhà truyền thống tham quan. Trong thời gian nhận chỉ thị đón tiếp đoàn Trung Quốc, tôi cứ băn khoăn về việc nói để phía Trung Quốc biết được việc quân đội Việt Nam đã từng giúp Giải phóng quân Trung Quốc chứ không chỉ có mỗi Trung Quốc giúp ta.
Nhất là sau khi xảy ra chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 tôi lại càng băn khoăn hơn. Thế là tôi có ý kiến, xin phép đồng chí Bộ trưởng Bộ quốc phòng về việc này và đã được đồng ý. Sau đó, sau lúc nghỉ giải lao uống nước để tiếp tục làm việc, tôi đã được báo cáo điều mà tôi rất vinh dự và tự hào đối với đời binh nghiệp của tôi. Tôi đã báo cáo lại tất cả những gì mà quân đội Việt Nam đã giúp Giải phóng quân Trung Quốc.
Nghe xong đồng chí Bộ trưởng Trì Hạo Nhiên đã đứng dậy đến bên tôi bắt tay và ôm hôn tôi thân thiết. Đồng chí nói: “ Đến thăm trường Lục Quân, tôi nhận thức được rất nhiều điều bổ ích và cảm động. Các đồng chí thật xứng đáng với danh hiệu “ Bộ đội Cụ Hồ”. Các đồng chí đã đề cao được tinh thần quốc tế vô sản.
Không chỉ có Trung Quốc giúp cách mạng Việt Nam mà Việt Nam đã góp công sức cho cách mạng Trung Quốc thắng lợi. Tôi đã nghiên cứu kỹ các tư liệu, hiện vật các đồng chí đang lưu giữ tại nhà truyền thống. Các đồng chí thật là trọn tình, vẹn nghĩa anh em”.
Tôi có viết cuốn hồi ký với tựa đề là “Theo con đường cách mạng”. Trong đó có kể hết về cuộc đời binh nghiệp của tôi. Cuốn sách đó đã in được 1260 cuốn, đa phần đem lưu các đơn vị nên không phải ai cũng biết chuyện Việt Nam đã từng giúp Trung Quốc và giúp như thế nào. Đã có sự đổ máu của quân đội ta trên đất Trung Quốc trong lần đem quân giúp đỡ đó”.
Tuệ Minh (ghi)