Bài viết của TS. Emmanuel Karagiannis, Đại học Macedonia nêu những thuận lợi và khó khăn trong chiến lược xây dựng và duy trì những đường dẫn dầu xuyên quốc gia của Trung Quốc tại khu vực Trung và Đông Nam Á. Bài viết được in trong Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly của Trường Đại học Havard với chủ đề "Tranh chấp biển- An ninh hàng hải tại Đông Á", (The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia) tháng 12/2010.
Phần mở đầu
Sự trỗi dậy của đất nước đông dân nhất thế giới và những liên đới của nước này trong hệ thống quốc tế đã làm nóng các vấn đề ở phương Tây. Một điều dám chắc là: nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc cần nguồn cung năng lượng đầy đủ và an toàn để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Nhu cầu năng lượng tăng vọt như vậy đã ảnh hưởng đến những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã chuyển tập trung từ khu vực Đông Á sang những khu vực giàu năng lượng như Tây Phi, Trung Á, và Trung Đông.
Từ giữa thập niên 1990, các công ty dầu của Trung Quốc như Tập đoàn hóa dầu (Sinopec), Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), và Tập đoàn khai thác dầu ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) đã được Bắc Kinh khuyến khích, nếu không phải là ra lệnh, đầu tư ra nước ngoài. Các công ty Trung Quốc đã mua các mỏ dầu và khí gas ở Sudan, Angola, Peru, Canada, Kazakhstan, và nhiều nước khác. Nhưng nhập khẩu năng lượng vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc, do giá dầu tăng cao và những quan ngại địa chính trị về an ninh nguồn cung. Bắc Kinh hiện đang cạnh tranh với châu Âu, Mỹ và Nhật Bản để giành các nguồn năng lượng khan hiếm tại thế giới đang phát triển. Việc chính trị hóa vấn đề năng lượng ngày càng tăng thậm chí đã khiến một số nhà phân tích Trung Quốc nhìn nhận các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan và Iraq là những nỗ lực để đảm bảo nguồn dầu mỏ và khí gas.[1]
Mặc dù Trung Quốc phụ thuộc vào đường biển để nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ, nhưng Bắc Kinh không có khả năng quân sự để bảo vệ những tuyến đường này. Kết quả là, việc gián đoạn với nguồn cung nhập khẩu dầu có thể gây hại đến ổn định kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng nhận thức rõ điều này. Vấn đề nổi trội nhất chính là Eo biển Malacca, dài 600 dặm nối Trung Đông và châu Phi với Đông Á.
Tháng 11 năm 2003, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bày tỏ quan ngại của mình về khả năng tin tưởng vào khu vực Eo biển này.[2] Tuy nhiên, người ta chưa mấy chú ý tới những kênh thay thế mà qua đó Trung Quốc có thể tiếp nhận năng lượng. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào xây dựng đường ống dẫn dầu tại các nước láng giềng. Ở Trung Á, có đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Kazakh và Trung Quốc –Turkmen, đồng thời, ống dẫn dầu Thái Bình Dương- Tây Siberia đang được xây dựng. Tại Đông Nam Á, một số đường ống dẫn dầu được thiết kế đặc biệt để đi qua Eo biển Malacca, như Trung Quốc – Miến Điện, đường ống dẫn dầu Kra Isthmus và Pakistan – Trung Quốc. Bài viết này ra soát những thuận lợi và khó khăn của chiến lược ống dẫn dầu này. Bắt đầu là mô tả vắn tắt ngành công nghiệp dầu mỏ và khí gas của Trung Quốc. Sau đó xem xét nền ngoại giao ống dẫn dầu của Trung Quốc tại khu vực Trung và Đông Nam Á. Luận điểm chính ở đây là trong khi ống dẫn dầu có thể là phương tiện hiệu quả nhất để vận chuyển một lượng lớn hydrocarbons qua một khoảng cách rất xa, chúng lại cực kỳ dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công khủng bố. Do đó, điều quan trọng là phải đánh giá nguy cơ an ninh có khả năng xuất phát từ những xung đột cường độ thấp với các nhóm khủng bố và ly khai quanh khu vực các đường ống dẫn dầu. Vấn đề này tồn tại ở cả trong và bên ngoài biên giới Trung Quốc.
Ngành công nghiệp dầu và khí gas của Trung Quốc
Khi nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHND) được thành lập năm 1949, hầu hết nhu cầu năng lượng đều được đáp ứng nhờ nhập khẩu. Nhưng từ khi mỏ dầu Đại Khánh được phát hiện ở phía tây Trung Quốc năm 1959, sản xuất dầu trong nước đã có thể thay thế nhập khẩu. Trái với bối cảnh thù địch của Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc áp dụng chính sách tự lực dầu lửa (zili gengsheng).[3]
Không có gì đáng ngạc nhiên là các cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và 1979 hầu như không mấy tác động đển nền kinh tế tập trung của Trung Quốc. Lúc đó, còn có tin đồn là sản xuất dầu mỏ của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và Liên Xô vào năm 1980.[4] Chính sách mở của mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố năm 1979 đã dần biến Trung Quốc thành một quốc gia công nghiệp hoá. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1990, ngành dầu lửa của nước này đã không còn đáp ứng được cầu tăng mạnh. Trung Quốc vẫn là một nước sản xuất năng lượng lớn, nhất là về than đá, nhưng trữ lượng dầu mỏ và khí gas của nước này lại hạn chế. Năm 2009, trữ lượng dầu mỏ được xác định là 16 tỷ thùng và khí gas là 2,2 nghìn tỷ mét khối (tcm)[5]. Năm 2008, Trung Quốc sản xuất 4 triệu thùng/ngày nhưng lại tiêu thụ 7.8 triệu thùng/ngày. Do đó, Trung Quốc đã phải nhập khẩu khoảng 3,9 triệu thùng/ ngày, và trở thành nước nhập khẩu dầu nhiều thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật. [6] Trong những năm gần đây, Ả Rập Saudi, Angola và Iran là ba nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh nhất ở các tỉnh ven biển phía đông năm, đáng chú ý là Phúc Kiến và Quảng Đông.
Trong thập kỷ qua, khí gas tự nhiên là nguồn nhiên liệu tăng nhanh nhất ở Trung Quốc, chủ yếu là do việc giảm mạnh trữ lượng than đá vì những quan ngại môi trường đang ngày càng gia tăng. Theo Robert Ebel, tương lai năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc vào những vấn đề sau:
· Sự đa dạng trong các nguồn nhập khẩu dầu
· Mua được đủ dầu từ nước ngoài
· Phát triển năng lượng thuỷ điện và hạt nhân để giảm tình trạng lệ thuộc vào than đá
Hơn nữa, vẫn chưa rõ ràng về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm thiết kế và thực thi chính sách năng lượng khả thi. Bộ Công nghiệp nhiên liệu và hoá chất của Trung Quốc được thành lập năm 1970, nhưng đã bị giải thể 5 năm sau đó. Rút cuộc, Bộ Năng lượng được thành lập năm 1988 nhưng cũng giải thể năm 1993. Vào đầu thập niên 2000, chính quyền Trung Quốc đã thành lập Phòng năng lượng thuộc Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) là cơ quan chịu trách nhiệm phát triển chiến lược dài hạn cho đất nước.[8] Sau đó, Ủy ban Năng lượng đã thay phòng này vào tháng 6 năm 2008.
Các nguồn năng lượng của Trung Quốc được phân bổ ở những vùng đại lục kém phát triển, trong khi các trung tâm đô thị thịnh vượng và các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng lại tập trung ở khu vực đông bắc và đông nam. Để đối phó với sự chênh lệch này, chính phủ Trung Quốc đã đề ra chính sách "Tây Tiến" vào phiên họp tháng 3 năm 2000 của Quốc hội. Chính sách này nhằm thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh phía tây bằng cách khai thác nguồn năng lượng ở đây, sau đó chuyển tới các trung tâm đô thị và công nghiệp ở những khu vực khác của đất nước.
Trọng tâm của dự án này là dự án đường ống dẫn khí gas Đông-Tây dài 2500 dặm, trị giá 5,2 tỷ USD, nối những trữ lượng gas ở thềm lục địa Tarim của Tân Cương với Thượng Hải. Ống dẫn này bắt đầu cung cấp khí gas vào tháng Giêng năm 2005 và có công suất 1,2 tỷ mét khối/ năm. Đường ống dẫn dầu này cũng là xương sống của chính sách nhằm nới lỏng sự lệ thuộc nặng nề vào nhập khẩu dầu của chính phủ. Sản xuất dầu từ Tân Cương sẽ cải thiện an ninh năng lượng của Trung Quốc bằng cách giảm nhập khẩu năng lượng và giúp chính quyền Trung Quốc kiểm soát tốt hơn với các nguồn cung năng lượng trong nước.
Ngoại giao ống dẫn dầu của Trung Quốc trong khu vực Trung Á
Khi Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ròng dầu mỏ vào năm 1993, Bắc Kinh đã nỗ lực đa dạng hoá các con đường cung cấp dầu của mình. Eo biển Malacca là kênh cung cấp 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc, chủ yếu từ Trung Đông và Tây Phi.[9] Do đó, Bắc Kinh lo ngại rằng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Mỹ, có thể là liên quan đến vấn đề Đài Loan hoặc vấn đề nào khác, hải quân Mỹ có thể sẽ cắt nguồn dầu vào Trung Quốc và do đó sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, điều quan trọng chiến lược với chính phủ Trung Quốc là thiết lập các kênh nhập khẩu dầu trên đất liền.
Kể từ khi phát hiện ra các nguồn dầu mỏ lớn ở biển bắc vào thập niên 1970, người ta chưa tìm thấy nguồn trữ lượng dầu mới nào có tầm cỡ thế giới trong suốt một thập kỷ. Tình hình chỉ thay đổi vào đầu thập niên 1990, khi các nguồn năng lượng khác được tìm thấy ở Biển Cáp-ca. Biển Cáp-ca, có bờ tây tạo thành hàng rào phía đông của Cáp-ca và bờ đông tạo thành nơi khởi đầu của Trung Á, đã được coi như một nguồn bổ sung dầu mỏ rất lớn cho Trung Quốc.
Kazakhstan là nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt trong khu vực, với trữ lượng dầu mỏ ước tính gần 40 tỷ thùng.[10] Quả thật, việc Kazakhstan phát hiện ra mỏ dầu khổng lồ Kasaghan, dự tính là một trong 5 mỏ dầu lớn nhất thế giới, là một nhân tố khiến Bắc Kinh để mắt đến Trung Á và Biển Cáp-ca.[11] Đường ống dẫn Trung Quốc-Kazakh được kiến nghị lần đầu vào năm 1997, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình lại trong sáu năm cho đến khi người ta tìm thấy thêm trữ lượng dầu để dự án nói trên khả thi về mặt kinh tế. Cuối cùng, đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Kazakh được khởi công vào tháng 9 năm 2004. Hai nước đã xây một phần từ Atasu, Kazakhstan đền thị trấn biên giới của Alashankou ở khu tự trị Tân Cương Uighur của Trung Quốc. Đường ống dẫn dài 620 dặm đã được hoàn thiện vào tháng 12 năm 2005 với chi phí 700 triệu USD. Cuối tháng 5 năm 2006, Trung Quốc đã nhận được dầu từ Kazakh lần đầu tiên qua đường ống dẫn Atasu-Alashankou. Dự án này có công suất ban đầu có thể vận chuyển 200.000 thùng dầu thô/ngày, dự kiến công suất sẽ được tăng gấp đôi vào năm 2011.[12] PetroKazakhstan, công ty đã được CNPC mua với giá 4.2 tỷ USD vào tháng 10 năm 2005, cung cấp ống dẫn, nhưng các công ty dầu của Nga cũng sử dụng đường ống này để xuất khẩu dầu sang thị trường Trung Quốc. Việc xây dựng ống dẫn dầu Trung Quốc-Kazakh sẽ không chỉ giúp Trung Quốc bớt lệ thuộc vào Eo biển Malacca, mà còn tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á, làm phương hại đến những lợi ích của Nga.
Việc hiện thực hoá dự án ống dẫn dầu Trung Quốc - Kazakh chỉ mới bắt đầu. Người Tuốc-men có trữ lượng khí gas lớn thứ 5 thế giới; trữ lượng khí gas tự nhiên đã được xác định là khoảng 3 nghìn tỷ mét khối. Song, trữ lượng của Tuốc-men hầu như chưa được khai thác do thiếu thị trường tiêu thụ xuất khẩu. Tháng 12 năm 2009, đường ống dẫn khí gas dài 1140 dặm đã được đưa vào hoạt động nối các mỏ ở Tuốc-men với thành phố biên giới Horgos của Trung Quốc. Đường ống dẫn này đi qua miền trung Uzbekistan và phía nam Kazakhstan trước khi đến phía tây Trung Quốc. Theo các điều khoản của thoả hiệp, trong ba thập kỷ, mỗi năm Trung Quốc sẽ mua 30 tỷ mét khối của Tuốc-men.[13] Ban đầu, chỉ có khí gas của Tuốc-men đi qua đường ống dẫn này; nhưng đến năm 2010, Kazakhstan và Uzbekistan cũng sẽ sử dụng đường ống để xuất khẩu trữ lượng khí gas của họ sang Trung Quốc.[14] Đường ống dẫn này được xây dựng chỉ 3 năm sau khi ký hiệp định Trung Quốc – Tuốcmen về việc xây dựng ống dẫn và cung cấp khí gas.
Trên thực tế, đường ống dẫn Trung Quốc-Tuốc men đã phá vỡ thế độc quyền của Nga về những con đường xuất khẩu khí gas từ Trung Á. Maxcova sẽ không thể mua thêm khối lượng lớn khí gas của Tuốc-men với giá thấp để tiêu thụ trong nước và rồi bán với gía thị trường nữa. Tuy nhiên, một công ty xây dựng của Nga, Stroytransgaz, đã giúp xây dựng đường ống dẫn Trung Quốc - Tuốc men. Do đó, Edward Chow và Leigh Hendrix đã yêu cầu là Maxcova muốn khí gas của Tuốc men đi theo hướng đông hơn là hướng tây, nơi mà đường ống này có thể cạnh tranh với khí gas của Nga trên thị trường chủ yếu của Châu Âu.[15] Nói cách khác, Maxcova phải chung sống với những lợi ích năng lượng của Trung Quốc mà không làm phương hại đến chiến lược xuất khẩu khí gas của nước này. Nhân tố năng lượng cũng là lý do cải thiện nhanh chóng quan hệ Trung-Nga trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh. Những quan ngại về an ninh năng lượng đã buộc giới lãnh đạo Trung Quốc chú ý tới những mỏ dầu và khí gas cực lớn của Siberia. Công ty năng lượng tư nhân Yukos của Nga là công ty đầu tiên kiểm chứng khả năng xây dựng đường ống dẫn từ thị trấn Angarsk của Siberia - nơi công ty này vận hành một nhà máy lọc dầu - đến Đại Khánh Trung Quốc. Một góc khuất bất ngờ khác đó là Nhật Bản cũng bày tỏ quan tâm đến đường ống dẫn từ Nga sẽ đi qua Trung Quốc và chạm cảng phía đông của Nga, cảng Nakhodka. Đề xuất của Nhật được đưa ra với mục đích giảm sự lệ thuộc của Tokyo vào các nguồn từ Vịnh Persian, chứ không phải làm ảnh hưởng đến những lợi ích năng lượng của Trung Quốc. Dự án ống dẫn của Nga không mấy chốc trở thành một vấn đề cạnh tranh năng lượng giữa Trung - Nhật. Tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề khiến cả Maxcova và Bắc Kinh không để việc xây dựng đường ống dẫn dầu này làm xói mòn quan hệ song phương. Hai nước đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đây là liên minh quân sự quan trọng nhất trong khu vực. Hơn nữa, họ có chung hoặc đồng quan điểm về những vấn đề lớn toàn cầu (như khủng hoảng Kosovo, chương trình hạt nhân Triều Tiên, trừng phạt Iran).
Sau một số lần trì hoãn, công ty độc quyền ống dẫn của Nga đã khởi công đường ống dẫn nối Đông Siberria- Thái Bình Dương (ESPO) vào tháng 4 năm 2006. Đướng ống dẫn này sẽ kéo dài 2500 dặm từ thành phố Taishet của Nga đến Thái Bình Dương. 1200 dặm đầu tiên đã hoàn tất năm 2009 và kéo đến Skovorodino, chỉ cách biên giới Trung Quốc 30 dặm. Giai đoạn đầu tiên bao gồm một nhánh đến Đại Khánh, có thể chuyển tải tối đa 600.000 thùng/ngày. Đoạn thứ hai sẽ chạm bờ biển Thái Bình Dương trên đất Nga. Con đường này sẽ cho phép vận chuyển dầu đến cả Trung Quốc và Nhật, điện Kremlin sẽ tăng cường an ninh cầu đối với xuất khẩu khí gas của Siberia.
Tóm lại, Trung Quốc là nước đến sau trong cuộc chay đua giành các nguồn năng lượng Caspian và Siberia. Song, Bắc Kinh đã theo đuổi, tương đối thành công con đường ngoại giao ống dẫn đa phương, tạo nên kết quả là việc xây dựng ba đường ống dẫn nêu trên. Các đường ống dẫn này sẽ được phát triển dựa trên những cân nhắc thương mại, chẳng hạn như thuế, thuế quan, và rủi ro môi trường. Nhưng các yếu tố kinh tế không đủ để lý giải những con đường ống dẫn của Trung Quốc - ở đây còn có vai trò của các nhân tố địa chính trị và địa kinh tế. Những đường ống dẫn này đã được xây dựng do vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc với vai trò là một cường quốc lớn và là một bên chơi trong vấn đề năng lượng toàn cầu.
Chiến lược đi qua Malacca
Bắc Kinh đã coi sự đa dạng địa lý trong các con đường cung cấp dầu lửa và khí gas như một chiến lược quản lý rủi ro thiết yếu. Điều này lý giải tại sao Trung Quốc quan tâm đến việc xây dựng đường ống dẫn đi qua Malacca nhằm giảm sự phụ thuộc vào các bể chứa dầu từ viện Persia và Châu Phi. Những đường ống dẫn này sẽ giảm thiểu khả năng bị gián đoạn nguồn cung, giả sử nếu bất ngờ xảy ra tai nạn, bị tấn công khủng bố, hoặc bất ổn trên đường thuỷ.
Một ý tưởng được đưa ra là xây dựng một kênh dọc eo đất Kra của Thái Lan nhằm giảm bớt lượng dầu chảy qua eo biển Malacca. Năm 2005, một báo cáo được chuẩn bị cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld bị rò rỉ trên Thời báo Washington tuyên bố Bắc Kinh đang xem xét việc tài trợ xây dựng kênh Kra 20 tỷ USD đi qua eo biển Malacca, như một phần trong chiến lược "chuỗi ngọc trai".[16] Do chi phí xây dựng kênh này khá cao nên Băng-cốc đã đề xuất xây dựng một đường ống dẫn dầu ngầm dài 150 dặm xuyên qua phía Nam Thái Lan với chi phí ước tính 600-800 triệu USD[17]. Nếu như con kênh hoặc đường ống dẫn dầu này được xây dựng, dầu sẽ chảy từ vịnh Bengal đến vịnh Thái Lan; như thế, những bể chứa dầu sẽ tránh được khu vực eo biển Malacca đông đúc và rút ngắn hành trình đến các cảng của Trung Quốc.
Tháng 3 năm 2009, Trung Quốc và Mi-an-ma đã ký một hiệp định xây đựng các đường ống dẫn dầu và khí gas song song từ phía Tây Mi-an-ma đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Những đường ống dẫn này dự kiến sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2013. Trung Quốc sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào đường ống dẫn dầu và 1 tỷ USD vào đường dẫn khí gas.[18] Những đường ống này sẽ cung cấp dầu cho Trung Quốc được chuyển từ Trung Đông và Châu Phi, và khí gas từ những trữ lượng ngoài khơi rất lớn của Mi-an-ma. Theo quan điểm của Trung Quốc, việc xây dựng đường ống dẫn kép này sẽ xúc tiến sự đa dạng trong các nguồn cung năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng của đất nước này. Trung Quốc từ lâu đã là đồng minh thân cận nhất của Mi-an-ma và là nước bảo hộ Mi-an-ma trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Do nền kinh tế đang suy thoái và tình trạng ly khai trên quốc tế, nên Mi-an-ma rất muốn trở thành cầu nối năng lượng đến Trung Quốc.
Một khả năng khác nữa là xây dựng đường ống nối Pakistan với phía tây Trung Quốc. Vị trí của Pakistan, liền kề Vịnh Persian, là lợi thế chiến lược trong việc vận chuyển các nguồn năng lượng đến thị trường Trung Quốc. Đường ống dẫn này đã được đề xuất lần đầu tiên bởi người sau này là Tổng thống Pervez Musharraf trong chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2006. Đề nghị của ông được đưa ra sau gần một năm kể từ khi xây dựng cảng nước sâu tại Gwadar thuộc tỉnh Baluchistan - Pakistan. Cảng do Trung Quốc tài trợ xây dựng này chỉ cách eo biển Hormuz 390 hải lý, như vậy trong trường hợp có gián đoạn tại eo biển Malacca, việc nhập khẩu dầu sẽ được chuyển hướng sang đó và được vận chuyển qua vùng Gilgit sang phía tây Trung Quốc. Do đó, Pakistan sẽ trở thành một trung tâm quá cảnh quan trọng chở dầu đến Trung Quốc và nâng tầm quan trọng chiến lược của nước này tại Nam Á. Đồng thời, dự án này cũng có thể là một nguồn việc làm và thu nhập đáng hoan nghênh với nền kinh tế đang “đắm” của Pakistan. Tháng 7 năm 2009, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã thảo luận dự án đường ống dẫn này với người đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo.[19] Vì những lợi ích năng lượng và mối liên kết chặt chẽ với Trung Quốc của Pakistan, chắc chắn rằng việc xây dựng đường ống này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đường ống dẫn dầu của Trung Quốc và những xung đột tần suất thấp ở Trung Á
Mặc dù việc xây dựng các đường ống dẫn có lẽ sẽ chắc chắn giảm thiểu sự lệ thuộc của Trung Quốc vào eo biển Malacca, nhưng những đường ống dẫn này không kém nguy cơ dễ bị gián đoạn do dễ bị tổn thương. Độ dài của các đường ống dẫn khiến chúng rất khó được bảo vệ. Điều này làm chúng trở thành mục tiêu tiềm năng của những kẻ nổi loạn và khủng bố. Trong những năm gần đây, nhiều đường ống dẫn dầu và khí gas đã bị tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iraq, Nigeria, Yemen, và Colombia.
Chủ nghĩa ly khai Uighur là thách thức an ninh trầm trọng nhất mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay. Tân Cương (hay thường được biết đến là Đông Thổ) chủ yếu có dân số là người Uighur đạo hồi nói tiếng Thổ, nhưng người Hán cũng đang phát triển rất nhanh ở đây. Người Uighur, vốn có lịch sử lâu đời chống lại những quy định của Bắc Kinh, cảm thấy họ bị gạt ra ngoài lề cả về kinh tế và chính trị mặc dù khu vực của họ giữ hầu hết trữ lượng dầu và khí gas của Trung Quốc. Xem ra Tân Cương nhận được rất ít lợi ích từ những trữ lượng năng lượng của mình vì sản xuất năng lượng do các công ty quốc doanh kiểm soát, những công ty này lại muốn thuê người Hán hơn là người Uighur, sản phẩm của họ chủ yếu do Bắc Kinh và các thành phố ven biển tiêu thụ và thuế hầu như được nộp cho chính quyền trung ương.[20] Mặc dù Bắc Kinh khăng khăng rằng các nguồn năng lượng này sẽ thay đổi cuộc sống ở Tân Cương, nhưng việc phát triển đường ống dẫn đã trở thành một nguồn cơn căng thẳng mới giữa cộng đồng Uighur và nhà nước Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh đã theo đuổi chính sách hiếu chiến chống lại các nhóm khủng bố Uighur, một các tiếp cận mà các nước láng giềng Trung Á khác vẫn hậu thuẫn rất tích cực. Hasan Mahsum đã thành lập và dẫn đầu Tổ chức Giải phóng Đông Thổ (Sharki Turkistan Azatlik Fronti – Tổ chức Giải phóng Đông Thổ) cho đến khi bị quan đội Pakistan hạ vào năm 2003. Tổ chức Giải phóng Đông Thổ nỗ lực ly khai Tân Cương khỏi Trung Quốc và thành lập nhà nước hồi giáo. Nhóm này đã phát động đánh bom trước khi diễn ra Olympic Bắc Kinh năm 2008. Mặc dù Tổ chức Giải phóng Đông Thổ là một nhóm khá nhỏ, nhưng rõ ràng là họ đã nhận được hỗ trợ hậu cần từ al-Qaeda và Taliban.
Tổ chức Giải phóng Đông Thổ, hoặc một nhóm kế tục, có thể sẽ cố gắng phá huỷ những đường ống dẫn và hạ tầng dầu lửa nếu những nhu cầu chính trị của họ không được đáp ứng. Hơn thế nữa, những náo động sắc tộc ở Tân Cương có thể gây nhiều hậu quả ở Kazakhstan, nơi mà dân địa phương hầu như đồng cảm với cộng đồng Uighur. Không khó để tưởng tượng về một cuộc biểu tình trả đũa phản đối đường ống dẫn Trung Quốc - Kazakh khi nó đi qua lãnh thổ Kazakh nếu Bắc Kinh dùng đến lực lượng ồ ạt chống lại những người ly khai Uighur. Quả thật, có một số bằng chứng cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đã giải quyết những quan ngại về an ninh ống dẫn, chẳng hạn như Zhang Zhiheng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản của khu vực tự trị Mông Cổ Bayangol, đã tuyên bố đường ống dẫn Đông - Tây “được chạy ngầm để tránh khí hậu khắc nghiệt và cả tiềm năng trở thành mục tiêu tấn công khủng bố”.[21]
Nhưng sự đối đầu của Bắc Kinh với người Uighur không phải là xung đột tần suất thấp duy nhất đe doạ việc vận chuyển các nguồn năng lượng đến Trung Quốc. Từ đầu thập niên 1990, các nhóm hồi giáo quân sự đã phát triển nhanh ở Trung Á, họ nhắm vào cả quân nhân và cả dân thường. Có lẽ nhóm nguy hiểm nhất là phong trào hồi giáo ở Uzbekistan (O’zbekistan islamiy harakati) do hai chiến sĩ người Uzbek phát động ở Afghanistan năm 1998, tên là Tohir Yuldoshev và Juma Namangani. Trong mùa hè năm 1999 và 2000, phong trào này đã tổ chức 2 cuộc tấn công quy mô nhỏ bất ngờ vào Kyrgyzstan và Uzbekistan. Kết quả là năm 2000, Phong trào hồi giáo Uzbekistan bị Uỷ ban nhà nước Hoa Kỳ đưa vào danh sách tổ chức khủng bố. Ước tính số quân du kích của Phong trào hồi giáo Uzbekistan có từ vài trăm đến vài nghìn người.[22] Phong trào hồi giáo Uzbekistan sau đó được cho là đã đổi tên thành Đảng Hồi giáo Thổ vào tháng 6 năm 2001, để đánh dấu sự mở rộng các mục tiêu của mình.[23] Không chỉ là mục tiêu ban đầu thành lập nhà nước Hồi giáo ở Uzbekistan, nhóm này hiện muốn thành lập nhà nước hồi giáo ở tất cả các nước Trung Á, có thể bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, và tỉnh Tân Cương.
Phong trào hồi giáo Uzbekistan hầu như đã bị tiêu diệt bởi cuộc tấn công can thiệp của Mỹ ở Afghanistan năm 2001. Chính Namangani đã bị giết và những thành viên còn lại của nhóm buộc phải tị nạn trong các khu vực của bộ lạc dọc biên giới Afghani với Pakistan. Tuy nhiên, những phần tử Phong trào hồi giáo Uzbekistan vẫn hoạt động ở thung lũng Ferghana và nam Kazakhstan. Tháng 11 năm 2004, cơ quan an ninh của Kazakhstan tuyên bố họ đã đập tan một nhóm khủng bố trong vùng có dính líu đến Phong trào hồi giáo Uzbekistan và Al-Qaeda. Nhóm này, có cả công dân Uzbek và Kazakh, được cho là đã tham gia vào cuộc tấn công chống lại cảnh sát của Uzbek ở Tashkent vào tháng 3 năm 2004 và những cuộc đánh bom tự sát chống lại Israeli, các đại sứ quán Mỹ và tổng lãnh sự quán ở Tashkent vào tháng 7 năm 2004.[24] Nhóm phải rút lui vào tháng 8 năm 2009 khi thủ lĩnh của họ được đưa tin là đã bị giết trong một cuộc tấn công tên lửa của Mỹ tại Nam Waziristan. Song, nhóm vẫn hoạt động và có thể tổ chức tấn công ở Trung Á.
Đông Nam Á
Tình hình cũng rắc rối không kém với những đường ống dẫn tiềm năng xuyên qua khu vực. Tất cả các nhà nước đề xuất xây đường ống quá cảnh (là Pakistan, Thái lan và Mi-an-ma) đang phải chịu những cuộc nổi dậy sắc tộc và tôn giáo kinh niên, điều này làm nguy hại đến sự ổn định trong khu vực và khiến việc phát triển ống dẫn trở nên phức tạp. Ở Pakistan, người Taliban địa phương đã dấy lên những cuộc tấn công phối hợp chống lại những lực lượng của chính phủ, biến các tỉnh phía tây bắc thành khu chiến sự. Hơn nữa, một cuộc nổi dậy đã xảy ra ở Baluchistan, nơi có cảng Gwadar, lấy đi hàng trăm sinh mạng. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Baluch đã chủ trương thành lập Balunchistan độc lập, kết hợp một số phần của cả Pakistan và Iran. Quân giải phóng Baluchistani, nhóm nổi dậy lớn nhất ở Baluch, đã ám sát ba kỹ sư người Trung Quốc vào tháng 5 năm 2004. Bốn tháng sau đó, quân Tổ chức Giải phóng Đông Thổ sát hại hai Hoa kiều ở Gwadar. Do đó, về mặt chính trị mà nói, Pakistan có vẻ không phải là một nước đặc biệt hấp dẫn để có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu hay khí gas tự nhiên lớn xuyên qua nước này. Khó có thể biết được tình hình sẽ biến đổi thế nào trong thời gian tới.
Ớ Thái Lan xảy ra một cuộc nổi dậy của người hồi giáo ở ngay giữa khu vực Pattani, bạo lực không ngừng lan sang cả các tỉnh lân cận. Chính phủ Thái đã cáo buộc phong trào ly khai Pattani, hầu hết là người Mã Lai, chịu ảnh hưởng của al Qaeda và Jemaah Islamiyah. Trong bất cứ trường hợp nào, cuộc nổi dậy này cũng đã có thêm động lực mới sau việc làm táo bạo tháng 9 năm 2006. Những phương kế mạnh tay của quân đội Thái đã làm bùng lên sự oán giận trong cộng đồng hồi giáo địa phương. Tổ chức giải phóng thống nhất Pattani (PULO) đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công chống lại quân lính và cảnh sát cũng như thường dân. Việc nổi dậy này, đã lấy đi hàng ngàn sinh mạng trong thập kỷ qua, không có khả năng sẽ sớm kết thúc.
Mi-an-ma đã trải qua sự bất ổn chính trị lớn vào năm 1988 khi chế độ quân sự vấp phải sự phản đối ồ ạt của phe dân chủ. Năm 1990, hội đồng tư vấn từ chối công nhận kết quả bầu cử mà đảng đối lập, Liên minh dân chủ quốc dân, thắng tuyệt đối với đa số phiếu bầu. Những cuộc biểu tình do những nhà hoạt động chính trị đối lập tổ chức cũng đã diễn ra trong năm 2007. Thêm nữa, đụng độ giữa lực lượng chính phủ và những nhóm nổi dậy khác nhau đã xảy ra ở các bang Shan và Kayin. Chính sách đàn áp của Mi-an-ma chống lại các nhóm dân tộc thiểu số có thể sẽ làm dấy thêm hoạt động nổi dậy trong những năm tới.
Do đường ống dẫn dầu là những tài sản chiến lược quan trọng, nên trách nhiệm bảo vệ chúng trước hết thuộc về nhà nước. Ở Trung Quốc, Cảnh sát vũ trang Nhân dân (PAP) có trách nhiệm bảo vệ những cơ sở năng lượng (như ống dẫn, các trạm bơm và ga lưu kho, nhà máy thuỷ điện) trước các cuộc tấn công khủng bố. Độ dài đường ống dẫn dầu và khí gas của Trung Quốc vào khoảng 43.000 dặm tính đến năm 2009 và dự báo sẽ lên đến 124.000 dặm vào năm 2020.[25] Ngay cả khi lực lượng an ninh của Trung Quốc có đủ để bảo vệ những đường ống dẫn, thì việc các nhà nước quá cảnh có thực sự đủ khả năng bảo vệ chúng hay không vẫn còn là điều đáng bàn. Trong số đó có nhiều nhà nước không có đủ lực lượng an ninh, và việc này càng trở nên phức tạp khi khoảng cách của những đường ống dẫn rất xa nhau.
Tuy nhiên, nhà nước quá cảnh có thể viện đến những biện pháp ưu tiên nhất định để giảm thiểu khả năng tấn công khủng bố. Có những phương pháp chi phí thấp để đảm bảo an ninh phối hợp, chẳng hạn như canh gác hàng rào bằng những thiết bị cảm ứng, đặt máy quay theo dõi, rada tầm thấp, giám sát ban đêm, và mìn sát thương. Hơn nữa, các nhà nước quá cảnh có thể dựa vào sự hỗ trợ của những công ty dầu lửa, những công ty xây các đường ống đi qua vùng địa hình có tiềm ẩn thù địch trong hàng chục năm. Điển hình là sự hiện diện đơn thuần của xung đột tần suất thấp ở cấp địa phương không thể ngăn cản việc phát triển đường đống dẫn ra bên ngoài. Ngành năng lượng có kinh nghiệm quốc tế phong phú trong việc giảm thiểu tác hại trực tiếp đối với những tài sản hạ tầng của ngành. Người ta có thể nhanh chóng sửa đường ống dẫn và các bể dự trữ có thể giúp giảm thiểu phí tổn do việc bị gián đoạn gây ra.
Nói vậy nhưng không một biện pháp an ninh nào trong số nêu trên có thể bảo vệ tuyệt đối đường ống dẫn dài hàng trăm dặm khỏi việc bị tấn công du kích. Đặc biệt là, Chính sách chống khủng bố của Bắc Kinh ở Tân Cương hầu như đã chắc chắn gặp phải sự thù địch gay gắt từ những người Uighur, và như thế tạo ra khả năng xảy ra hành động khủng bố tấn công vào những đường ống dẫn của Trung Quốc.
Kết luận
Vì nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, nên nhu cầu năng lượng của nước này đang bùng nổ. Những quan ngại về việc đa dạng hoá con đường cung cấp, yếu tố địa chính trị và sự bất ổn trên các thị trường năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy Trung Quốc chuyển sự chú ý sang xây dựng các đường ống dẫn. Thứ nhất, Trung Quốc đang nỗ lực đòi lợi ích của mình trên biển Caspian, một mặt trận năng lượng mới. Trong đó, các đường ống dẫn Trung Quốc-Kazakh và Trung Quốc-Tuốc men là rất quan trọng. Thứ hai, những đường ống đi qua Malacca đang được xây dựng ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, mặt trái của chiến lược này là an ninh đường ống dẫn. Đường ống dẫn không kém dễ bị tổn thương hơn bể chứa. Sự đối đầu giữa nhà cầm quyền Trung Quốc và dân Uighur ở tỉnh Tân Cương, cũng như sự hiện diện cuả quân giải phóng hồi giáo ở Trung Á, làm tăng nguy cơ tấn công vào các đường ống dẫn qua biên giới. Những đường ống dẫn qua Malacca đi qua khu vực quân sự bất an ở Pakistan, Miến điện và Thái lan.
Nhất thiết phải xử lý vấn đề an ninh đường ống dẫn như một vấn đề chính trị chứ không phải là quân sự. Những mối đe doạ từ bên ngoài đối với việc vận chuyển dầu và khí gas là một phần của sự bất ổn chính trị trong toàn khu vực. Chỉ khi đảm bảo được những lợi ích xã hội và kinh tế với tất cả các nước và các nhóm sắc tộc, tôn giáo có liên quan, và những lợi ích này được minh chứng với tất cả các bên, thì đường ống dẫn mới an toàn. Việc chi mạnh tay vào các dự án phát triển dọc các đường ống dẫn có thể là một cách để đảm bảo sự ủng hộ ở địa phương.
TS. Emmanuel Karagiannis, Đại học Macedonia
Thùy Linh (dịch)
Mai Lan (hiệu đính)
Bản gốc tiếng Anh “CHINA’S PIPELINE DIPLOMACY: Assessing the Threat of Low-Intensity Conflicts”
Bài viết được in trong Seri đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề “The Disputed Sea – Maritime Security in East Asia” tháng 12/2010
Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.
[1] Chang Zekun, “Shijie shiyou diyuan xin tujing xia de shiyou
[2] Bo Kong, China’s International Petroleum Policy (Santa Barbara, CA: Praeger Security International, 2010), 129.
[3] On China’s doctrine of self-reliance in the oil industry xem Lim Tai Wei, Oil in China: From Self-Reliance toi nternationalization (London: World Scientific, 2010), 57-78.
[4] Kim Woodard, The International Energy Relations of China
[5] Xem Energy Information Agency, China: Country Analysis Brief (Washington, DC: Department of Energy, tháng 7 2009), đăng tại http://www.eia.doe.gov/cabs/China/Oil.html
[6] Ibid.
[7] Robert Ebel, China’s Energy Future: The Middle Kingdom Xemks Its Place in the Sun (Washington, DC: Center for Strategic
and International Studies, 2005), 3.
[8] Xem Gawdat Bahgat, “China’s Energy Policy: Strategic Implications”, Middle East Economic Survey 49-2 (2007).
[9] US Office of the Secretary of Defense, Annual Report on the Military Power of the People’s Republic of China, 2005 (Washington, DC: Government Printing Office, 2005), 33.
[10] British Petroleum, Statistical Review of World Energy 2010, đăng tại http://www.bp.com/sectiongenericartile.do?categor
yId=9023769&contentId=7044915
[11] Xuanli Liao, “Central Asia and China’s Energy Security,” China and Eurasia Forum Quarterly 4-4 (2006): 65.
[12] “China-Kazakhstan Pipeline Start to Pump Oil,” China Daily, 15 tháng 12, 2005, đăng tại http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2005-12/15/content_503709.htm
[13] March Lanteigne, “China’s Energy Security and Eurasian Diplomacy: The Case of Turkmenistan,” Politics 27 (tháng 10
2007), 151.
[14] Stephen Blank, “The Strategic Implications of the Turkmenistan-China Pipeline Project,” China Brief [The Jamestown Foundation]10-3, 4 tháng 2, 2010.
[15] Edward Chow and Leigh Hendrix, “Central Asia’s Pipelines:Field of Dreams and Reality,” National Bureau of Asian Research
(tháng 9, 2010): 38, đăng tại www.nbr.org/downloads/pdfs/eta/es_conf10_agenda.pdf
[16] Bill Gertz, “China Builds Up Strategic Sea Lanes”, The Washington Times, 17 tháng 1, 2005, đăng tại http://www.washingtontimes.com/news/2005/jan/17/20050117-115550-1929r/
[17] Ian Storey, “China’s Malacca Dilemma”, China Brief [The Jamestown Foundation] 6-8, 12 tháng 4, 2006.
[18] Sudha Ramachandran, “China Secures Myanmar Energy Route”, Asian Times, 3 tháng 4, 2009 đăng tại http://www.
atimes.com/atimes/South_Asia/KD03Df03.html
[19] “Pak to Build Rail Link, Pipeline from Gwadar to China”, The Nation, 9 tháng 7, 2010 đăng tại http://www.nation.com.pk/pakistan-news-newspaper-daily-english-online/Politics/09-Jul-2010/Pak-to-build-rail-link-pipeline-from-Gwadar-to-China
[20] Jehangir Pocha, “In China, a Pipeline Spurs Ethnic Conflict”, The New York Times, 7 tháng 10, 2006.
[21] Bernard D. Cole, “Oil for the Lamps of China” – Beijing’s 21st-Century Search for Energy,” McNair Paper 67 (Washington, D.C.: Institute for National Strategic Studies, 2003): 62.
[22] R. Weitz, “Storm Clouds over Central Asia: Revival of the Islamic Movement of Uzbekistan?”, Studies in Conflict and Terrorism 27 (2004): 506.
[23] Xem I. Alibekov, “IMU Reportedly Expands, Prepares to Strike Western Targets”, Eurasia Insight, October 29, 2002.
[24] Xem M. Yermukanov, “Kazakh Security Services Trumpet Victory over Al-Qaida Members”, Central Asia-Caucasus Analyst, November 17, 2004.
[25] “China’s Major Oil and Gas Pipelines Surpass 70,000 km in Length”, đăng tại http://www.gasandoil.com/GOC/news/nts102510.htm